Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trái rụng

V

ấn đề của Tình lúc này là không phải làm thơ nữa. Sau một năm tám tháng mười mấy ngày ngồi ở cái bàn sặc mùi thuốc trừ sâu hiệu Mytox trong kho vật tư nông nghiệp, anh đã sản sinh ra hàng trăm bài thơ tình. Những bài thơ công phu khổ nhọc dài lê thê tưởng đâu chẳng có kết quả ai ngờ đã động tới con tim nằm sau cái xú chiên màu hồng của nàng trinh nữ. Trinh đã chịu đi với anh. Tin nầy làm cho đầu óc người thủ kho không tập trung được. Sáng thứ sáu, trong khi ngồi xuất phân cho mấy người nông dân anh tính lộn của con mụ Soa mười mấy ngàn, nhưng con mụ nầy cũng chẳng biết. Tâm trí anh lúc nầy chỉ xoay quanh câu hỏi: Đi đâu? Trước đây trong số thơ anh  làm có mấy bài lấy nhan đề là “trái rụng”. Trái rụng là một bài thơ tình hoàn toàn thanh cao trong sạch giữa hai con tim yêu thương trò chuyện với nhau. Trong ý thơ anh có nói rằng: Anh sẽ không bao giờ đòi hỏi nàng thơ phải dâng hiến cho anh cái gì cả. Nhưng nếu có sự kêu gào của thể xác thì anh ví nàng như trái cây, khi trái chín vàng cứ rụng vào lòng anh, lúc đó anh sẽ hứng một cách vô cùng êm ái. Bây giờ đã tới thời kỳ trái chín vàng sắp rụng rồi nhưng không biết lấy cái gì hứng đây? Vậy cái vấn đề bức xúc hiện tại là địa điểm. Hay gọi theo từ kinh doanh là cái “mặt bằng”.

Ở xã Cận Sơn, hiện tại vấn đề này là nan giải. Không có quán trọ, phòng ngủ, khách sạn. Từ ngày điện hóa nông thôn thì vấn đề lại trở nên khó hơn. Nhà quê gì mà tối lại bờ bụi sáng trưng rất khó cho đoạn cuối những cuộc tình.

Trước đây vấn đề địa điểm không đặt ra vì Trinh có nhà riêng. Trên chiếc giường vạt tre trải chiếu rộng một thước hai, bên dưới đầy bụi bám váng nhện, cả năm không được cái chổi động đến đã diễn ra bao nhiêu cuộc tình. Nay thì chỗ nầy không thể dùng làm bãi chiến trường được rồi. Hơn một năm rưỡi nay tình thế đã thay đổi. Sự đổi thay bất lợi về hướng người trinh nữ. Cái quán không tên, sáng cà phê chiều nhậu của nàng gần đây đã hóa thành nơi tập trung của mấy người đàn ông. Đêm về kẻ tới người lui tấp nập làm cho mấy mụ vợ ở nhà nổi khùng. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, ở cái xã Cận Sơn mỗi bề có một cây số rưỡi nầy nhỏ như bàn tay. Nói như thằng cha Tư Bắp Sú, có nghề liệm người chết thì: “Ho ở đầu xóm, cuối xóm nghe”. Cho nên tai tiếng đã tới hai bên nội thằng Lắm. Cha thằng Lắm chồng trước của Trinh đã chết nhưng họ hàng còn đông lắm. Lâu nay họ để cho Trinh ở cái nhà tôn vách ván mỗi bề bốn mét làm kế sinh nhai nuôi con thờ chồng, nhưng gần đây tai tiếng “nàng trinh nữ” tràn lan. Ông Cả bà Cả nội của thằng Lắm lúc đầu tính lấy lại cái nhà, sau nghĩ lại: Lấy lại nhà thế nào Trinh cũng đem thằng Lắm về trả cho họ rồi tha hồ bay nhảy. Với lại thằng Lắm hoang đàng ngỗ nghịch, hai ông bà già làm sao trông coi nó cho nổi? Vậy cái phương án lấy lại nhà để đối phó với nàng trinh nữ không phải là tối ưu. Sau này ông bà Cả bàn và thống nhất sẽ cho chú Sáu Ổi tới ở chung. Chú Ổi là em kế cha thằng Lắm. Ông anh tên Thơm, cậu em tên Ổi. Ông chú nầy sẽ là vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền đại diện bên nội tới để kềm hãm tốc độ rơi của cô con dâu. Bởi thế mà giờ đây vấn đề địa điểm đối với anh Tình rất là bức xúc. Trái đã vàng chỉ chực anh đưa tay ra, thế mà cho đến ba giờ chiều nay vẫn chưa có cách gì.

Anh nghĩ: Hay là đám mía phía sau chuồng nuôi heo nái của lão Mười Dư? Chỉ cần một tấc ni lông trải xuống đất cũng đủ tạo nên cõi thiên đường! Tấm ni lông thì anh đã có. Anh sẽ mượn đỡ cái khăn bàn thường mỗi khi hội nghị mới dùng trải lên bàn chủ tọa. Tấm nhựa có in hoa vàng nhụy đỏ trên nền kẻ ô vuông trông xa xa rất đẹp mà lại sang. Theo thầy Sáu Đậu có sách Thọ Mai thì con người, con vật, thậm chí đồ vật cũng đều có số. Cái số của tấm khăn bàn nầy là số sướng, số làm to, số sang. Tình gấp tấm ni lông làm tám cho vào bụng gài nút áo lại chẳng ai trông thấy. Anh dẫn Trinh chui vào đám mía. Lúc đó trời gần chạng vạng. Hai người đi cố tránh chạm vào lá mía tươi. Nàng trinh nữ chẳng biết sợ ma quỷ là gì chỉ sợ bị lá mía cứa vào người là làm hư mái tóc xù bung uốn rất công phu tốn kém của nàng. Đám mía lúc đó mới được sáu tháng tuổi, sao quá đầu người, nhưng chưa được rậm rạp kín đáo cho lắm. Tình trải tấm khăn ra. Lúc đầu nghe ý kiến về việc chọn địa điểm cũng như thấy tấm khăn bàn Trinh không mấy ưng ý, nhưng nàng nghĩ: Thây kệ! Chừng năm mười phút xong về nhà tắm rửa rồi lên bán. Giao quán cho thằng Lắm với chú Ổi lỡ tụi du kích kéo tới uống chịu ghi sổ thì kẹt.

Cùng trong khung cảnh đó thì nhà thơ lại khác. Cảnh vật khá nên thơ. Lá mía xanh như ngọc có thua chi lá trúc thôn Vỹ Dạ che ngang khuôn mặt có thể tạm coi là chữ điền của Trinh, giống với thơ Hàn Mặc Tử quá! Buổi chiều mây trên trời tha thướt như tơ lụa, gió trong lá nghe như tiếng suối reo. Mấy con chim mía chao đảo chuyện trò tíu tít. Một vài tổ chim làm rất công phu treo trên ngọn mía đong đưa theo gió. Tình vòng tay qua vai Trinh, trong giây phút cực kỳ cảm khoái mà anh chờ đợi bấy lâu nay trong thoang thoảng mùi nước hoa trộn với cái mùi mái tóc chua cả tuần không gội của nàng trinh nữ, anh cất tiếng ngâm: Chào hạnh phúc xanh như lá mới.

Xanh tiếng chim xanh cả lời thơ…

Trinh hối:

- Mau đi mà về, sợ tụi nó tới uống chịu ghi sổ hết vốn. Đầu óc theo chủ nghĩa  thực dụng của nàng trinh nữ không làm cho anh mất đi thi hứng. Anh ngâm tiếp:

- Ôi màu xanh là một bất ngờ!

Trinh nằm xuống, tự tay nàng mở hàng nút áo ở ngực bày cái xú chiên màu hồng với mấy tờ giấy bạc nhét ở trong đó. Vừa lúc đó có tiếng lá mía khô xào xạc. Tiếng chân vội vàng chạy thình thịch. Trinh nói nhỏ:

- Nằm yên, có người!

Tới lúc này hồn thơ anh Tình mới chịu rời bỏ anh. Anh cuống quýt hỏi:

- Chạy?

- Không, nằm yên nghe thử cái gì đã.

Nàng trinh nữ phán đoán rất đúng. Sau đó có tiếng ụt ịt rồi một con heo nái lưng oằn, hàng vú quệt đang ủi tìm cái gì ở gốc mía. Trinh rủa:

- Mẹ cha mày làm người ta hết hồn!

Trinh cởi tiếp xú chiên, xấp tiền rơi ra, nàng lận lưng quần. Đúng lúc đó lại có tiếng ụt ịt. Nhưng lần này không phải tiếng heo mà tiếng người giò heo. Tiếng của lão Mười Dư. Lão nầy đi nhận về đếm trong chuồng thấy mất mộ con heo nái, lão chui vào đám mía tìm. Lão nầy có tật vừa đi vừa tằng hắng. Trinh nói gấp:

- Mặc nhanh vô, chuồn nhanh đi, mỗi đứa mỗi ngã, gặp lão thì nói đau bụng đi cầu.

Người trinh nữ rất nhanh nhạy ứng xử kịp thời chính xác trong những hoàn cảnh khó khăn kiểu này. Còn nhà thơ thì luống cuống lật đật thế nào mà cho cà hai chân vào một ống quần. Cũng may lão Mười Dư chuyển hướng khác. Hai người rút êm. Thế là buổi chiều hôm đó trái vẫn chưa rụng được.

Tối hôm sau Tình rủ Trinh vào ngôi trường phổ thông cơ sở của xã. Ngôi trường này là một căn nhà hoang, chẳng có cửa ngõ gì cả, ban đêm là giang sơn của chuột và tắc kè. Anh Tình tính kê mấy cái bàn học sinh lại thì cũng tạm được. Khổ nỗi mấy cái bàn long đinh, cái cao cái thấp xếp lại thì gập ghềnh không thể gọi là cái mặt bằng cho được. Nhưng Trinh thì chịu. Nàng nói: “Kệ cha nó!” Trinh muốn cho mau xong. Nàng chỉ sợ bỏ quán lâu người đến uống chịu. Cũng vừa lúc trái sắp rụng thì lại xảy ra sự cố. Trục trặc trái không rụng được cũng tại thằng cha Sáu Tấn chủ nhiệm. Chiều hôm đó lão nầy bị mục vợ chửi về cái tội đi suốt đêm không về. Con mụ này nói dai như đỉa lại có cái tật mỗi lần chửi bắt chồng phải ngồi nghe không được bỏ đi. Đi thì phải có lý do quan trọng. Lão Tấn phải nghĩ có cái cớ gì  để ra khỏi nhà đây. Lão sai đứa con đi kêu Long thủy lợi tới vận động xã viên tới hội trường họp khẩn. Buổi họp dân đột xuất nầy là cái lý do cho lão ra khỏi nhà đi chơi. Dân tới đông, hội trường thiếu chỗ ngồi. Thế là Long thủy lợi thống lĩnh tám du kích đi tới trường khiêng ghế. Tụi nầy vừa đi, vừa nói chuyện và chửi thề. Cặp uyên ương vừa sắp dìu nhau bay vào đám mây hạnh phúc thì hoảng hồn chuồn ngõ sau. Một lần nữa trái vẫn chưa rụng.

Sau hai lần thất bại, Tình than: “Trời ơi, lú lẫn quá, đầu óc để đi đâu, tại sao không đem vào cái kho phân hữu cơ?”. Đợt nầy anh Tình mới lãnh lô phân hữu cơ về phân phối cho dân trồng thuốc lá. Gọi cho oai chớ thực chất đây là mấy bao xác mắm ướt nhẹp, hôi rình! Nhưng mà tình yêu khi đã chín nẫu rồi thì chổ nào lại chẳng thể hóa thiên đường. Và thế là Trinh cùng với Tình đi vào kho phân. Anh vững tin đây là giang sơn của mình anh có quyền tự tung tự tác. Anh chỉ có chút ái ngại, nền kho dơ quá, hôi hám quá, nhưng cuối cùng tấm khăn bàn vẫn hoàn thành trách nhiệm của nó. Tuy có hôi hám nhưng dù sao nền nhà cũng không lồi lõm như dấu chân trâu trong đám mía. Khúc khai từ vừa xong. Tình bắt tay vào tấu khúc thì có tiếng gọi văng vẳng:

- Tình ơi! Đồng chí Tình ơi!

Tiếp đó là tiếng càu nhàu:

- Cán bộ gì mà trong giờ hành chính đóng cửa kho bỏ đi chơi.

Trinh nói:

- Kệ cha nó, kêu riết không thấy nó bỏ đi.

Tình nói:

- Không được, giọng Chủ tịch xã, ổng rền chết!

Thế là mộng vu sơn đổ vỡ vào phút cuối. Một lần nữa chàng có thêm sáng kiến. Dẫn nàng trinh nữ vào miếu thổ thần. Chỗ này linh lắm ban đêm chẳng ai dám mò tới, thực là một chốn lý tưởng cho hai kẻ yêu nhau. Hai người mon men tới gần miếu. Bỗng họ nghe trong miếu có tiếng rên rỉ ghê rợn. Hai người còn đang phân vân thì tiếp đến lại có tiếng cười rúc rích. Tình nghĩ: Thôi đích thị lại có cặp nào vào đây rồi. Những tư tưởng lớn thường gặp nhau. Nhà thơ lấy hòn đá ném lên mái có hai bóng đen chạy vụt ra. Cái kiểu chạy chân thấp chân cao đúng là tay Khanh thư ký hội đồng rồi.

Chú Ổi em chồng trước của Trinh, vị sứ thần của họ nội, một chiến sĩ biên phòng, một vị gián quan đại thần kiêm chức xã đội phó du kích vừa ngộ nạn. Ngay giữa mùa chiến dịch ra quân rầm rộ “triển khai” công tác làm hố xí hai ngăn thì vị phó chỉ huy này thống lĩnh du kích đi bắt trộm gà nấu cháo liên hoan cho có thêm khí thế. Trong khi nuốt vội vàng chú Ổi hóc xương. Người ta dọa “nhất hóc xương gà nhì sa cành khế” làm cho chú sợ mất mạng phải đi về bệnh viện huyện gắp cái xương oan nghiệt. Biết được tai nạn này Tình và Trinh rất vui sướng, ít nhất họ cũng được tự do một vài ngày.

Lúc chiều Tình đến quán, anh vẫn ngồi chiếc bàn cũ lấy giấy bút ra làm thơ. Anh thường tự hào nói rằng: “Ngồi giữa chợ mà làm thơ mới tài! Ngồi trong quán nhậu làm thơ còn tài hơn”. Ấy thế mà ngọn bút của Tình vẫn cứ rung động để cho những vần thơ tuôn trào lai láng. Trinh mỗi lần đi ngang qua đều nhìn anh, cái nhìn như một hồi còi thôi thúc xông trận.

Hình như qua nhiều lần thử thách gian nan lần nầy ông trời thương cho đôi trẻ yêu đương mà chẳng có cái địa điểm. Mọi việc diễn ra đêm nay hoàn toàn thuận lợi. Quán hàng rất ít khách, mới tám giờ rưỡi Trinh đã đóng cửa quán. Trinh dọn dẹp, đi tắm xong vô giường lúc chín giờ. Giờ này thằng Lắm đã ngủ say. Trinh vào phòng, Tình vào theo. Khúc dạo đầu diễn ra khá suôn sẻ thì lại có tiểng gõ cửa. Rồi tiếng chú Ổi. Trinh hỏi vọng ra:

- Họ gắp xương ra rồi hả? Nằm lại bệnh viện vài ngày cho người ta theo dõi đi!

- Không xe chạy mới tới cầu Lùng thì gặp con Lan. Con Lan bán vải trả góp ở chợ đó. Con này đẻ ngược, nó lấy tay cào cổ tôi mấy cái thì xương văng ra. Nó nói chó với heo hóc xương nó cào còn ra huống chi là người. Thiệt là bàn tay vàng. Con nhỏ dễ thương lắm.

Trinh nghe được tin nầy thì đánh giá ngay cái tính tích cực của nó. Chú Ổi nhà ta mê con Lan, chú mà mê gái thì sẽ lơ là công tác giám sát. Trinh nói cho Tình nghe. Tình tán đồng, thế nào cũng có chỗ để cho trái rụng.

Và trái đã rụng thật. Thực tế không đẹp như thơ của anh Tình nhưng rõ ràng là nó đã rụng. Nó rụng cạnh lu nước, dưới gốc khế, một bên cái hũ nước cơm chua lòm cả tuần nay chưa có ai tới xách. Trái rụng đúng cái chỗ mấy thằng cha nhậu bia lên men bí quá thường ra đó mà xổ!

Q.T

Quý Thể
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 11 tháng 08/1995

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

2 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

5 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground