K |
hi những tia nắng yếu ớt còn sót lại trong ngày vừa lịm tắt thì cũng là lúc trời bỗng nhiên nổi gió. Gió như ào đến từ bốn phương. Gió cuộn lên, cuốn bụi đất tung mù. Gió làm cho tàn hương tơi tả, làm cho vòng hoa của nàng vốn dĩ đã tàn tạ lại càng thêm xác xơ. Mây đen được chi viện từ nhiều hướng, cứ ùn ùn kéo đến, quần tụ lại, làm xám xịt cả bầu trời. Trong giông gió trào dâng, bắt đầu lác đác những hạt mưa. Rồi mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn, dữ dội hơn. Sấm chớp nổi lên ầm ầm, lóa mắt, rạch ngang, xé nát bầu trời. Gió mưa cuồn cuộn, quất tới tấp vào mặt, vào người anh như thể muốn xô anh, muốn đẩy anh, muốn dồn anh xuống đáy sâu của địa ngục. Mặc cho giông gió sấm chớp và mưa rơi tầm tã, anh vẫn ngồi lại bên nàng giữa không gian vần vũ, giữa cái hoang lạnh thê lương của nghĩa trang. Anh gần như chết gục bên mộ nàng.
Giờ này cũng như anh, chắc nàng đang cô quạnh lắm. Nàng đâu còn được vui vầy bên anh mà đã vĩnh viễn vùi sâu dưới ba thước đất. Anh tiếc thương nàng đến vô hạn và ngạc nhiên tới mức kinh hoàng là không hiểu vì sao khi nàng lìa khỏi chốn trần gian mà chẳng có mấy ai tiễn đưa, ngoài những người thân thích, họ mạc cùng với một vòng hoa nhỏ. Ôi... thật là một đám ma ghẻ lạnh đến mức, anh chưa từng thấy trên đời. Và trong cái đám tang nhợt nhạt ấy, lạ thay, chả ai khóc cho nàng, ngoài anh. Từ lúc theo chân nàng dọc nhà xác đến nghĩa trang, anh đã khóc thảm thiết như đứa trẻ mất mẹ mất cha. Anh khóc phần vì thương nàng, phần vì tủi hận, phần vì xót xa đến tột cùng cho cái số phận hẫm hiu, đốn mạt của mình. Ôi... sao mà đớn đau tiếp nối đớn đau, cứ như dồn dập đọa đày anh.
Anh ngồi chết lặng bên mộ nàng và cứ thế theo tháng năm, theo những giọt nước mắt đầy vơi, cả một chuỗi ngày khổ đau lại dội về, cào xé vào ký ức anh với những nỗi lòng tê tái xa xót.
Khởi nguồn cho cái chuỗi buồn đau ấy là cái ngày mãi mãi anh khắc sâu trong tâm khảm như một lát cắt xẻ dọc trái tìm đang tứa máu của anh.
Buổi chiều ấy, mặc cho dòng xe cộ nườm nượp trên đường phố, nhưng anh vẫn cố lạng lách, phóng cho nhanh để đến trường đón con. Thật may, buổi học hôm nay nghỉ sớm một tiết nên con anh đã đứng sẵn ở cổng trường từ lâu, anh chẳng phải đợi chờ như mọi bữa. Thấy anh, nó chạy ào ra, nhảy tót lên phía sau xe máy và giục anh về nhà gấp, chứ không thích la cà như mọi ngày, lúc đòi ăn kem, khi đi bát phố. Có thể cu cậu đói bụng quá chăng: Anh nghĩ chắc là không rồi, bởi nếu thế thể nào nó cũng đòi anh mua cho ổ bánh mì kẹp trứng. Hay cu cậu nhớ mẹ cũng nên?
Hai bố con về đến nhà thì thấy cửa đóng kín mít, khóa cả trong lẫn ngoài. Không hiểu vợ anh đi đâu nhỉ? Giờ này mọi hôm, cô ấy đang nấu cơm và sắp mâm sẵn đợi bố con anh về. Và lúc nào cũng vậy, hễ nghe tiếng còi xe máy ở ngoài cửa là vợ anh đã chạy ào ra, bế thốc thằng bé, hôn lấy hôn để, rồi cưng nựng nó. Sau bữa cơm tối, gia đình anh lại sống trong cảnh đầm ấm hạnh phúc và chứa chan tiếng cười.
Vì không mang theo chìa khóa, nên bố con anh phải ngồi chờ ngoài cửa. Thằng nhỏ sốt ruột quá đã chạy sang nhà hàng xóm chơi điện tử. Cả tiếng đồng hồ trôi qua, anh vẫn không thấy bóng dáng vợ. Lạ quá, cô ấy đi đâu nhỉ? Không lẽ đã xẩy ra chuyện gì chẳng lành với vợ anh? Với gia đình vợ anh? Mọi bận, hễ cố việc đột xuất, cô ấy đều nhắn lại hàng xóm hay cài mảnh giấy nhỏ ở cửa để báo cho anh biết, cô ấy sẽ về trong chốc lát hoặc bảo anh đến đón một nơi nào đó. Song lần này, mọi tín hiệu tuyệt nhiên không có!
Khi mà bóng đêm trùm xuống cũng là lúc mẹ vợ anh đột nhiên xuất hiện với một tay nải to. Bà đưa anh chùm chìa khóa để mở cửa. Nhìn dáng điệu của bà, anh thấy có cái gì đó khang khác, sắc mặt bà thất thần, cử chỉ vụng về, chân tay lúng túng như thừa ra, cặp mắt cứ lẩn tránh cái nhìn của anh. Cửa mở, anh và bà mẹ vợ cùng bước vào nhà. Đèn vừa bật sáng, anh bỗng phát hoảng và không thể nào tin vào mắt mình nữa. Mọi thứ quen thuộc hàng ngày được đặt trang trọng ở từng vị trí đều biến mất. Ti vi mầu National, tủ lạnh Sanyo, giàn đĩa Compact Sony và một số vật dụng cao cấp đã không cánh mà bay. Anh vội ào đến chiếc tủ đứng và mở cửa ra thì ôi thôi, những đồ trang sức quý, tiền bạc rồi quần áo đắt tiền của vợ anh cũng mất tăm. Chuyện gì thế nhỉ? Không lẽ nhà anh đã bị kẻ trộm đột nhập? Anh hốt hoảng chạy ra cửa xem lại, vẫn thấy chốt cửa, then cài còn nguyên, không hề bị biến dạng, bị một vết cắt nào cả. Điều ấy chứng tỏ, kẻ trộm đã không mò vào nhà anh. Vậy thì rủi ro nào đã xảy ra?
- Mẹ, thế này là sao? - Anh lao đến chỗ bà mẹ vợ đang đứng gần đó, giọng hổn hển - Mẹ có biết nhà con đi đâu không? Sao nhà cửa chúng con lại trống hoắc như thế này?
Bà mẹ vợ trả lời dấm dẳn:
- Anh hỏi nhiều thế... để tôi thở một chút nào! Chuyện của vợ chồng anh, làm sao tôi biết được?
- Sao nhà con lại gửi chìa khóa cho mẹ? - Anh thắc mắc.
- Nó gửi là việc của nó... cũng như anh chị vẫn gửi con cho tôi đấy thôi.
- Thế nhà con đến mẹ bao giờ và dặn lúc nào về?
Bà mẹ vợ anh khẽ gắt:
- Nó không nói bao giờ về và chỉ dặn tôi xuống trông nhà cho nó.
Sao lại trông nhà cho nó? Anh chợt đớ người. Chẳng lẽ vợ anh đã bỏ đi thật rồi ư? Nhưng đi đâu mới được chứ? Anh đã làm nên tội tình gì mà cô ấy phải giận dữ và bỏ nhà ra đi? Thảo nào mà cả một ngày trời, anh cảm thấy trong người cứ nao nao đến khó tả. Thường những lúc có cảm giác như vậy, anh nghiệm thế nào cũng có điều chẳng lành đã xẩy ra với người thân của mình. Lúc ấy anh muốn tạt về nhà quá, nhưng ngặt nỗi phải đứng máy theo dây chuyền nên đành chịu. Xin phép quản đốc ư? Chắc là không được rồi. Đời nào sếp lại cho anh nghỉ việc chả có lý do chính đáng nào với những điều vu vơ tự anh nghĩ ra. Ruột gan anh cứ nóng bừng, như thể có lửa đốt, bồn chồn một nỗi mơ hồ không yên.
Còi tan tầm của nhà máy vừa rúc lên, anh vội dắt xe ra khỏi cổng. Đầu óc anh cứ dậy lên một nỗi thấp thỏm lo âu như lâu ngày không nhận được thư vợ. Nhưng hơn một năm nay, vợ anh đã ở nhà với bố con anh. Vợ anh từ Đức trở về với nhiều lý do, rằng buôn bán không được, chán cảnh đất khách quê người, nhớ chồng thương con nên xin về nước; rằng anh lại nghe nói, cô ấy đang buôn bán ở chợ đen thì bị cảnh sát tóm được, dẫn một lèo ra sân bay, rồi trục xuất thẳng. Lý do nào đưa ra, anh cũng đều chấp thuận, vì điều cốt yếu nhất là vợ chồng anh lại được đoàn tụ sau nhiều năm dài đằng đẵng xa nhau và anh sẽ thoát cảnh vò võ đợi chờ tin vợ, vò võ nuôi con một mình. Con trai anh lại được nghe hơi thở của mẹ, giọng nói của cha, với anh đã là mãn nguyện lắm rồi.
Thực ra, vợ anh xuất dương cũng vì hoàn cảnh gia đình trước đây quá túng quẫn. Cả hai người chỉ là công nhân quèn, lương ba cọc ba đồng, con mới có vài tháng tuổi, lại sống trong cảnh tem phiếu, thật cơ cực trăm đường. Bởi thế nên khi nhà máy có chỉ tiêu cho công nhân đi xuất khẩu lao động, anh đã bằng mọi cách để cốt sao vợ mình được đi đợt đầu. Nhưng rồi với sự nỗ lực của bản thân, vợ anh cũng chỉ được xét tuyển đi Nga, còn muốn sang Đức thì phài có tờ xanh tờ đỏ hoặc có cánh có vây. Cuối cùng, anh phải dùng đến uy tín của ông cụ. Anh thừa hiểu, một khi ông cụ đã ra tay thì mọi việc sẽ trở nên êm ro, vì đâu có ai nỡ từ chối một cán bộ lão thành đã từng đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nhà máy. Thoạt đầu, ông cụ khước từ, bởi ông không thích xin xỏ, lạy lục, nhất là lại phải cậy nhờ lớp đàn em, lớp con cháu mình. Song vì thương con, vì mục đích cứu nhà như anh đề xuất, ông đã xuôi tai. Trước buổi đến gặp lãnh đạo nhà máy, ông đã gọi anh ra một chỗ, vẻ mặt lo âu: “Vợ mày còn trẻ, lại mới cưới nhau, cho nó xuất ngoại, mày không sợ sao?” . Anh cười giả lả: “Chuyện ấy bố khỏi lo. Con tin và hiểu nhà con.” Ông lại bảo: “Thế mày có biết câu vè hiện nay không?” Anh gạt phăng: “Con không biết và cũng chẳng cần quan tâm.” - Ông cười chua chát: “Có vợ mà cho đi Tây/ Khác gì xe máy để ngay Bờ Hồ!” Anh phản bác: “Thiên hạ có người thế này kẻ thế nọ, đâu phải ai cũng gống ai. Với lối nghĩ quẩn quanh như bố, biết bao giờ nhà ta mới khá được! Không lẽ cứ ôm nhau chịu đói sao?" Anh lý sự: "Bố phải thấu được căn nguyên của ăn mày là gì chứ? Đó là... đói cơm rách áo... bố ạ!”...
Ngẫm tới lời bố hôm nào bất giác anh chợt thấy rùng mình, gai ốc sởn khắp người. Cái thực tế nghiệt ngã này giờ đây đã đập thẳng vào mắt anh, vò xé tâm can anh như là một phép báo ứng mầu nhiệm. Đang trong cơn hoang mang, dao động thì bỗng nhiên, từ ngoài cửa, giọng một phụ nữ gọi thất thanh:
- Anh Huy... anh Huy... mở cửa mau!...
Anh chạy ào ra cửa. Đứng trước anh là Lan, trông hớt ha hớt hải, mặt biến sắc, nách đang cắp đứa nhỏ, ngực căng đầy sữa. Lan là vợ An, bạn thân của vợ chồng anh. Trước đây, An cũng là công nhân nhà máy, được đi Đức một đợt với vợ anh và cùng về nuớc chuyến vừa rồi. Vì là bạn thân, hơn nữa An đã giúp vợ anh nhiều khi còn ở bên Đức, nên anh rất lấy làm cảm kích. Bởi vậy mà suốt thời gian vừa qua, theo yêu cầu của vợ, anh đã nhận việc về nhà để An và vợ anh cùng làm thêm cho khuây khỏa và cũng để tăng phần thu nhập, phụ trợ với đồng lương ít ỏi của anh. Vừa bước vào nhà, Lan lập tức ngó ngó nghiêng nghiêng như tìm ai đó, rồi đột ngột hỏi:
- Anh Huy... chồng em có ở đây không?
Không... không có.
- Thế vợ anh đâu?
- Anh cũng đang rối ruột lên đây! Từ chiều đến giờ, anh chẳng thấy bóng dáng cô ấy đâu cả!
- Lan bỗng giậm chân, khóc òa lên:
- Trời ơi là trời... Sao tôi khổ thế này... Trời ơi!...
- Chuyện gì vậy em?
- Chúng nó dắt nhau bỏ trốn rồi!... hức... hức
Anh bắt đầu hoảng:
- Nhưng chúng nó là ai mới được chứ?
Nước mắt đầm đìa, Lan càng khóc to hơn:
- Trời ơi là trời... Bây giờ mà anh còn hỏi em được câu ấy sao? Chúng nó là chồng em và con vợ anh... Một lũ quạ mổ, một lũ ruồi bâu nhặng đậu! Hức... hức...
- Làm sao hai người lại bỏ trốn? - Anh ngơ ngơ ngác ngác - Mà trốn đi đâu mới được chứ?
- Trốn đi Đức... đi Đức... anh biết chưa? Mấy bữa nay, chúng cứ thậm thụt, nhỏ to với nhau, rồi gom tiền, thế mà em chẳng nghĩ ra. Lúc nẫy, có người gọi điện thoại báo là chúng đã bay được mấy tiếng, em vẫn không tin. Em không ngờ chúng lại có thể nhẫn tâm đến vậy! Nghe đâu chúng theo con đường du lịch, qua Nga, sang Ba Lan rồi vượt biên giới vào Đức. Trời ơi... Cả anh và em đúng là một lũ ngốc!...
Lan đột nhiên loạng choạng, lảo đảo như chực đổ vật xuống. Đứa bé trong tay bỗng khóc thét làm cô giật mình, vội ghì chặt nó vào lòng. Chẳng nói chẳng rằng, Lan lao vụt ra cửa, không nhìn anh đứng ngây người như tượng gỗ với sắc mặt vô hồn và bà mẹ vợ anh đang nấu nướng bữa tối, người thì ở duới bếp, nhưng tai và mắt thì cứ dỏng lên trên nhà.
Suốt mấy hôm sau, anh như người loạn trí, chả thiết ăn uống gì. Anh cứ ngồi bó gối một chỗ và chọn nơi nào tốt nhất để tránh tiếp xức với bất cứ ai, nhất là bà mẹ vợ khinh khinh, đáng ghét đã về ăn ở hẳn trong ngôi nhà này. Thế là vợ anh đã từ bỏ hai bố con mãi mãi để theo tình nhân đến một phương trời xa lạ. Vậy mà anh không biết, vẫn bán tín bán nghi khi nghe cái tin sét đánh do vợ bạn đem đến. Đúng là anh ngu quá, tin bạn quá! Chính vì tin bạn nên mất vợ, mất tất cả mọi thứ mà anh từng khao khát, uớc ao. Thứ tài sản duy nhất giờ đây anh được hưởng là đứa con và chiếc xe máy hiện đang sử dụng. Căn nhà này đứng tên bà mẹ vợ từ giờ trở đi, anh chỉ là người ở nhờ, chẳng có chút quyền lợi gì. Thảo nào bà mẹ xuất hiện thật đúng lúc. Và sự âu yếm, chiêu chuộng mà vợ anh đã dành cho anh mỗi lúc ở nhà, chẳng qua là một màn kịch đầy mưu mô, được bày đặt kỹ lưỡng từ nhà ngoại.
Hằng ngày bà mẹ vợ anh vẫn đảm nhiệm việc nấu nướng. Cơm canh bày sẵn, ai ăn cứ việc, bà chẳng săn đón, mời mọc gì. Bà cứ giả câm giả điếc trước bố con anh, nhưng ánh mắt thì không rời anh, ý chừng như đề phòng anh cuỗm nốt những thứ còn lại. Bà đâu biết, tới nước này, anh còn thèm để ý những của ấy làm gì. Mỗi lần phải nhìn vào cái bộ mặt u uẩn của bà ta, anh chỉ muốn hét lên, muốn đập, muốn phá, muốn làm tan nát hết thảy cái nhà này cho hả giận, cho dịu bớt nỗi đớn đau. Nhưng rút cục, anh chẳng thể làm được cái việc tưởng như quá dễ dàng ấy, bởi lúc nào bà ta cũng câm lặng như một bóng ma. Anh chỉ những mong bà ta thử giọng, dù mỉa mai, đay nghiến hay ngọt ngon là đã đủ để anh lấy cớ trút hận, trút nỗi phẫn uất lên bà ta. Thật đớn hèn thay, anh đã bất lực và trở thành thân tàn ma dại vì rượu bia, vì thuốc lá, vì xót xa đến tận cùng.
May sao, trong cơn hoảng loạn, trong cơn khốn quẫn bởi cú sốc bất thần đến chết người đó, anh lại có một người bạn ở gần nhà và lại làm cùng phân xưởng với anh. Bạn anh thường kéo anh ra quán để giải khuây, để làm vơi đi nỗi buồn đau đang đầy ắp trong anh. Khi thấy cơn hỏa trong đầu anh đã dịu bớt, bạn anh mới thủ thỉ tâm tình:
- Theo tao, mày nên tìm lấy một cô bạn gái, đó sẽ là giải pháp tốt nhất cho mày lúc này. Muốn quên đi một người đàn bà, dứt khoát phải có một người đàn bà khác thay thế. Mày thấy việc ấy thế nào?
Anh như bừng tỉnh. Đúng là người trong cuộc thường u mê, tăm tối, dễ mất đi cái sáng suốt vốn có. Quả là anh ngốc quá, chỉ có vậy thôi mà anh cũng không nghĩ ra.
Anh đáp thành thật:
- Được vậy thì còn gì bằng. Nhưng... tao biết tìm ai bây giờ? Không lẽ lại mò vào nhà hàng cặp với mấy cô Ca-ve? Món ấy tao không sành và cũng chẳng ưa!
- Cũng được! - Anh ậm ừ.
- Khổ thân con bé, cũng hoàn cảnh như mày - bạn anh thở dài - Cha mẹ nó chết cả rồi, lại bị chồng ruồng bỏ, phải về đây sống nhờ mấy thằng em. Nhìn nó, tao cứ thấy tồi tội thế nào ấy! Nếu mày ưng, tao chắp mối cho.
Không để anh phải đắn đo, suy nghĩ thêm, vừa cạn xong ly cà phê, bạn anh đã kéo tuột anh đến nhà Hòa. Lúc này, nàng ở nhà đang vo gạo thổi cơm. Nhìn thấy hai người nét mặt nàng vui hẳn. Nàng vội vã xốc ấm pha trà. Vừa ngồi xuống ghế, anh đã đảo khắp gian nhà chật hẹp của nàng một lượt. Nhà nàng cũng nghèo, chỉ có mấy chiếc giường chấn song từ thời bao cấp, chiếc xe đạp tự đóng và chiếc ti vi đen trắng nội địa lắp. Vì ở nhà nên nàng mặc bộ đồ ngủ, hơi bó, làm cho những đường cong trên cơ thể hằn lên. Đúng là hình thức của nàng hấp dẫn hơn anh tuởng nhiều. Có thể trước đây, do hết lòng với vợ con, lại chỉ thoáng nhìn nàng, nên anh đã không thấy được vẻ quyến rũ ở người phụ nữ đã từng có chồng mà chưa có con. Tuy nàng vui đấy, nhưng cặp mắt nàng lại ẩn sâu một nỗi u buồn. Chính thế lại tạo cho nàng thêm phần gợi cảm. Nàng khá ý tứ khi tiếp chuyện hai người. Nét mặt nàng thỉnh thoảng lại ửng hồng khi bất chợt bắt gặp ánh mắt của anh. Ngồi chơi một lúc, anh bạn lẹ làng cáo lui để hai người trò chuyện tự nhiên. Và trong cái không gian ấy, hai mảnh đời đen bạc, đơn côi gặp nhau với cảnh cùng quẫn, nên dễ cảm thông, dễ hòa đồng làm một. Nàng bộc bạch hết gia cảnh cũng như nỗi niềm tâm sự được chất chứa bấy lâu. Và anh cũng vậy, chẳng giấu giếm nàng điều gì. Anh thầm cảm ơn người bạn tốt đã vớt anh lên từ vực sâu đau khổ. Thì ra trên thế gian này vẫn có người giúp anh giải tỏa nỗi bi thương, làm khuây khỏa nỗi buồn riêng của anh. Trong ánh mắt, trong nụ cười và trong lời nói, anh cảm thấy nàng đã mến anh. Gặp nàng, anh thấy nỗi đau đã phần nào dịu bớt, cảm thấy đỡ buồn tủi, đỡ cô quạnh, hơn. Khi cái e ngại ban đầu giữa hai người không còn nữa, anh đã chủ động mời nàng sang chơi nhà, phần muốn trả thù cô vợ tàn nhẫn, phần muốn trêu ngươi, chọc tức bà mẹ vợ đáng ghét và chứng minh anh chẳng đến nỗi nào. Không ngờ nàng đã nhận lời tức khắc, làm cho lòng anh khấp khởi mừng vui.
Từ cái buổi chiều đễ thương để nhớ đó, tình cảm giữa hai người dường như đã có một sợi dây vô hình ràng buộc. Họ sống không thể thiếu nhau và xoắn xuýt như đôi chim câu. Anh cảm giác nàng yêu anh đến cuồng say như chưa bao gờ được nếm trải nỗi đam mê đó. Còn anh chưa thể nói là yêu vì mục đích của anh đến với nàng là để vùi lấp, để xóa bỏ, để trả thù quá khứ buồn đau. Nàng chẳng đòi hỏi gì hơn là được gần anh, được yêu anh và sẵn sàng đón nhận cả phương án anh không yêu nàng, không chấp thuận lấy nàng làm vợ. Có hôm, nàng nghẹn ngào trong nước mắt: “Gặp anh, em mừng lắm, nhất là lại thường xuyên được gần gũi bên anh. Em chẳng có ước muốn gì hơn là xin anh một đứa con để được làm mẹ. Hạnh phúc đó cũng là quá đủ đối với cuộc đời bất hạnh của em!” Từ lời thổ lộ gan ruột ấy, anh đã làm cho nàng được thỏa ước tâm nguyện bao năm.
Một buổi trên đường đi làm về, anh thật không ngờ, hai thằng em trai của nàng đã chặn xe, lôi xồng xộc anh vào một quán nuớc nhỏ. Lúc ấy anh mới hay, chúng đều là những hảo hán giang hồ, đã có tiền án tiền sự, trong đó một thằng vừa mãn hạn tù với tội danh cố ý gây thương tích. Đầu nó còn trọc lóc, da sạm đen, tái ngăn ngắt như sốt rét rừng. Cả hai thằng nom mặt mày bặm trợn, dữ tợn chẳng khác nào dân dao búa, bọn đâm thuê chém mướn, làm cho anh thất kinh.
Vừa ngồi xuống chỗ, thằng em trợn trừng mắt:
- Thế nào... Ông định chạy làng có phải không? Biết điều thì cưới chị tôi ngay. Nếu không đừng trách tôi xuống tay!
- Các anh định làm gì tôi? - Anh hoảng hốt.
- Tôi hẹn ông một tuần để cưới hỏi chị tôi cho đàng hoàng - Thằng em dằn giọng - bằng không... tai ông sẽ lìa khỏi đầu.
Thằng anh có vẻ biết điều hơn:
- Để ông thêm một tuần nữa cho thư thả. Ông mà từ hôn... thì liệu hồn đấy. Thằng anh rút con dao sáng quắc dắt bên lưng, chỉ vào mặt anh và đưa ra một hình phạt cao hơn:
- Chỉ xin ông... cho gọn bộ gân tứ chi
Mặt anh xanh mét, nom không còn hạt máu, trán bật mồ hôi hột, mồm thở hổn hển như vừa chạy bộ quãng đường xa.
Thực ra là chúng chưa hiểu. Chúng bảo anh chạy làng thì oan uổng cho anh quá. Anh đâu có chủ tâm làm hại nàng mà chẳng qua là vì để thỏa mãn ước nguyện của nàng thôi. Bởi thế nên khi nàng đắm say, ngất ngây trong tình yêu, cũng làm anh mù quáng và đắm chìm theo. Gần gũi được mấy tháng, lúc biết nàng mang thai, anh mới sực tỉnh và lo sợ. Không khéo anh lại vướng vào cái vòng luẩn quẩn gia đình một lần nữa, vì mớ bòng bong này chưa gỡ đã chìm ngập vào mối tơ vò khác. Chính vì quá khứ buồn đau trước sự bội phản của người vợ, anh đã quẩn trí và lại lao sâu vào nỗi đam mê mới để che lấp cái thực tại tủi hờn. Nhiều lần anh đã định đề nghị nàng nạo đi cái thai đang lớn dần trong bụng, nhưng anh lại không dám bởi sợ nàng gục ngã, sợ xúc phạm đến ước nguyện thiêng liêng duy nhất của đời nàng. Song nếu cứ đeo đuổi tiếp, anh sẽ phải xử sự thế nào với giọt máu của mình đã gửi gắm nơi nàng. Chẳng lẽ anh lại thoái thác, lại rũ bỏ trách nhiệm làm bố ư? Ôi, sự giằng xé trong tâm tưởng anh lúc ấy có khác chi cực hình tra tấn!
Sau bao đêm ngày nghiền ngẫm, dằn vặt tâm can, anh đã đi đến một quyết định dứt khoát. Nếu cứ ủy mị mãi thế này, liệu cuộc đời anh sẽ đi đến đâu? Thôi đành vậy, chỉ mong sao nàng hãy cam lòng, bởi số phận mỗi con người đã được Chúa an bài và đừng oán hận anh khi anh buộc phải lánh xa nàng, bỏ mặc nàng.
Nàng khá thông minh và đã dò đoán được cái ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu anh. Nàng cứ lặng thinh, chẳng buồn cũng chẳng vui và ánh mắt thì than ơi, cứ nhìn anh chòng chọc như thách đố.
Chao ôi, anh đâu có lường nổi, sự im lặng của nàng lại đáng sợ như thế đấy. Nàng đã chẳng thèm nói với anh lấy một lời thay vì cậy nhờ đến hai thằng em trai bất hảo để trao một tối hậu thư cho anh. Cứ nom thái độ và tướng mạo của hai thằng, anh biết chúng không đùa. Nhà tù đối với chúng có khác nào nơi nghỉ mát với một giấc ngủ dài. Anh còn có cách lựa chọn nào hơn để chần chừ, để do dự, để suy tính thiệt hơn. Và tất nhiên, khi anh và nàng đã chung mâm bát, hai đứa sẽ bật khỏi ngôi nhà anh đang ở và phải trở về sống nhờ trong căn buồng chật hẹp của cha anh. Phen này chắc bà mẹ vợ của anh tha hồ mà hả hê, vừa tiếp tay cho con gái trốn đi suôn sẻ với tình nhân vừa đuổi anh ra khỏi căn nhà ấy một cách hợp pháp.
Tin này đến với cha anh là bất ngờ hơn cả. Ông giận anh tím ruột, Trước kia ông thương anh bao nhiêu thì lúc ấy ông tức tối bấy nhiêu. Ông thất vọng và ngạc nhiên là tại sao anh lại có thể mau chóng quên đi nỗi đau mất vợ, dễ dàng sà vào lòng một đứa đàn bà nạ dòng, có nguồn gốc gia đình bất hảo. Danh dự và sự kiêu hãnh đâu cho phép ông chấp thuận một đám cuới kì cục, chóng vánh; một đám cưới không có hôn thú, một tấn trò đời để thiên hạ cười chê. Và ông đã buồn bã, lặng thầm về quê.
Căn nhà càng trở nên lạnh giá vì trơ lại một tổ ấm bất đắc dĩ trong mối hận của anh đến nghẹn trào. Trong những ngày sống bên nàng, mặc dù được chăm sóc vỗ về, nhưng anh vẫn cố tình thờ ơ lãnh đạm và tồn tại bên nàng chẳng khác nào cái xác không hồn. Một mặt anh âm thầm chịu đựng, mặt khác anh vẫn phải dè chừng hai chú em đầu gấu của nàng.
Đến ngày nàng sinh nở, anh mới chợt nhận ra nàng và ân hận vì đã cư xử không phải với nàng. Trước khi lên bàn mổ, như một điềm gở, nàng trối trăng với anh rất nhiều. Nước mắt nàng dàn đụa, đẫm ướt làn áo gối trắng tinh. Nàng nghẹn ngào trong hôi hận:
- Em tồi lắm... Em xấu... Anh xá tội cho em chứ?
- Em chẳng có tội gì hết. Người đáng trách là anh. Anh đã không biết trân trọng tình yêu mà em đã dành trọn vẹn cho anh.
Anh nắm chặt lấy tay nàng, bàn tay gầy guộc, hằn lên những đường gân xanh xám.
- Em chi có mỗi một tội - anh gượng cười trong nước mắt - đó là tội... đã quá yêu anh... có phải không?
Nét mặt nàng rạng rỡ hẳn, lộ rõ vẻ mãn nguyện, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc chứa chan:
- Anh có biết là em yêu anh đến mức nào không? - Nàng khẽ nấc - Tuổi thơ... em đã thiệt thòi đủ đường, đến khi lấy chồng lại càng khổ đau, bất hạnh hơn. Gặp anh... em như được hồi sinh một kiếp người. Vì muốn có anh mãi mãi và uớc ao được hưởng hạnh phúc đến đầu bạc răng long... nên em đã phải dùng đến hạ sách để chiếm đoạt tình yêu! Tha thứ cho em... anh nhé...
Anh cúi xuống hôn lên cặp môi run rẩy, tái nhợt của nàng mà lòng thổn thức nỗi yêu thương. Anh động viên:
- Em cứ yên tâm mà sinh nở cho vẹn toàn. Với anh lúc này... mẹ tròn con vuông là điều anh mong mỏi hơn cả. Khi ấy anh có linh cảm là nàng đã tiên đoán trước đựợc số mệnh của mình trong cuộc vượt cạn này. Nàng nói, nàng có thể chết, nhưng lại mong mỏi đứa trẻ được sống, được làm người. Nó sẽ là sự hiện hữu của nàng nơi trần ai và sẽ thay thế nàng chăm sóc anh suốt cuộc đời. Và đau xót thay, điều ấy lại là hiện thực. Để tạo hoa kết trái cho mai sau, nàng đã mãi mãi lìa xa nơi dương thế. Nàng đã không thể vượt nỗi cơn suy tim đột biến và cuộc phẫu thuật kéo dài. Vậy mà mấy tháng trời chung sống, anh đã nỡ tâm hắt hủi nàng. Đến lúc anh hiểu được tâm sự thật của nàng thì trời ơi, đã quá muộn màng. Tại sao Chúa không trừng phạt anh vì anh đã thật tệ, thật ngu. Người vợ trước đang tâm phụ tình thì anh lại chờ đợi nhớ nhung, lại một lòng thờ phụng. Còn với nàng, thương yêu anh đến ngần ấy và đã quyên sinh bằng tình yêu thì anh lại cho là mối tình bất đắc dĩ, rồi đem lòng thù hận. Giờ đây nàng đâu còn trên cõi đời để anh được đáp đền bằng mối tình nồng cháy thân thương. Nàng đã ra đi để lại một mình anh đơn độc trong bể khổ, trong sự nhào nặn luân hồi của kiếp người và một lần nữa, anh phải cam chịu phận gà trống nuôi con trong vô vọng...
* * *
Trời tạnh mưa, xung quanh nước ngập tràn, ếch nhái kêu ộp oạp hòa với tiếng côn trùng rả rích nỉ non, đến lúc ấy anh mới sực tỉnh. Người anh sũng nước, quần áo bê bết bùn đất, may mà bó hương mang theo gói kỹ trong túi ni lông là vẫn còn khô nguyên. Anh vội lấy bật lửa và thắp tất cả số hương ấy. Khi khói hương bốc lên nghi ngút, tỏa màu trắng đục giữa mịt mùng của nghĩa trang thì lạ thay, khuôn mặt nàng rồi tiếp đến là thân thể nàng dần dần được kết lại, chờn vờn ẩn hiện trước mắt anh. Người nàng cũng sũng ướt như anh, nhưng không phải do nước mưa đổ xuống mà thấm đẫm bằng những giọt nước mắt đang tuôn tràn. Nàng nhìn thẳng vào mắt anh và nức nở: dưới mồ lạnh lắm, cô đơn lắm! Nàng rất sợ sự cách biệt âm dương. Nàng hỏi anh một hồi: Phải chăng anh và nàng sinh ra là để hứng chịu đòn trừng phạt của chúa? Hạnh phúc đâu phải là thứ để dành cho anh với nàng? Rồi nàng thở dài chua xót: Cái anh và nàng cùng được hưởng, chỉ có thể là sự khổ đau đến vật vã!
Nhìn nàng tiều tụy, xác xơ, chập chờn trong hương khói, anh cảm thấy đớn đau, xa xót quá. Anh biết nàng còn có nhiều vấn vương nơi trần thế nên chưa thể yên lòng về với chốn cửu tuyền. Anh chắp tay vái lạy trời đất, vái lạy thần linh, vái lạy chín phương mười hướng để cầu nguyện cho vong hồn nàng được siêu thoát, được thảnh thơi về nơi cực lạc, bù cho quãng đời ngắn ngủi nhưng đầy bất hạnh, bi thương. Bấy giờ nàng mới mỉm cười với anh, rồi khẽ rùng mình và mau chóng tan biến vào cõi hư vô.
H.N.S