Sau gần một năm ông cho dời dinh trấn từ Ái Tử sang đây chưa có đêm nào Nguyễn Hoàng trọn vẹn giấc ngủ yên. Đã mười ba năm mà ông tưởng chừng như mọi chuyện vừa mới xảy ra. Mới ngày nào đây, đoàn thuyền chở binh lương của ông ghé cửa biển Việt Yên rồi men theo dòng Thạch Hãn vào sâu nội địa, đóng dinh ở gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Vũ Xương. Ngày đó, Nguyễn Hoàng cùng quan Thái phó và bọn thuộc hạ như Mạc Cảnh Huống, Thạch Xuyên, Vũ Thì Trung… cùng cả nghìn gia nhân thân tín theo phò. Ai nấy lần đầu tiên đặt chân đến xứ này nên lòng không khỏi có chút hoang mang, lo lắng. Ngay cả khi Lưu thủ Thuận Hóa bấy giờ là Tống Phước Trị dâng nộp sổ sách, bản đồ, Nguyễn Hoàng vẫn còn cảm giác lạ lẫm. Nhưng rồi cảm giác đó qua đi rất nhanh. Nguyễn Hoàng có quá nhiều việc để làm, phải làm. Thâm tâm, Nguyễn Hoàng mơ hồ thấy cuộc đời ông, dù sinh ra, lớn lên ở xứ Thanh nhưng tên tuổi của ông trong dòng thời gian mai hậu sẽ gắn bó với mảnh đất này. Ông không rõ đất chọn người hay người chọn đất. Riêng ông, ông tin vào cuộc địa này, mơ hồ thấy thế núi hình sông nơi đây sẽ giúp ông gầy dựng cơ nghiệp.
Đang mãi trầm tư, Nguyễn Hoàng không biết Thái phó Nguyễn Ư Dĩ đứng phía sau từ lúc nào. Giọng Thái phó thoảng nhẹ:
- Khuya rồi, mời Đoan Quận công vào trướng nghỉ.
Khẽ xoay người lại, Nguyễn Hoàng đáp giọng trầm ấm:
- Ồ, cũng khuya rồi mà cậu chưa nghỉ ư? Thôi, ta cùng đứng ngắm trăng một lát rồi vào luôn.
Không nói thêm một lời nào, hai người, một Đoan Quận công Nguyễn Hoàng, một Thái phó Nguyễn Ư Dĩ cùng đứng im nhìn về phía biển. Gió vẫn từng cơn căm căm. Trăng lên cao hơn ngọn sào chút đỉnh, thỉnh thoảng chui vào đám mây sũng nước. Trời đất sầm tối rồi bất chợt vầng trăng hiện ra. Trăng dường như cũng lạnh hơn giữa mùa đông ở vùng đất lạ.
Hai người đứng đó nhưng mỗi người theo đuổi một tâm trạng. Nguyễn Ư Dĩ hiểu rất rõ nỗi ưu tư khắc khoải của Đoan Quận công. Bá tánh không ai gần gũi Nguyễn Hoàng hơn ông. Mồ côi sớm khi còn bé, Nguyễn Hoàng là người có tư chất đĩnh ngộ nhưng luôn biết giấu kín cảm xúc. Ngay cả với người cậu ruột thân gần như Nguyễn Ư Dĩ, Nguyễn Hoàng cũng chỉ tỏ bày, rằng mình rời bỏ quê hương bản quán vào trấn nhậm xứ Thuận Hóa là để tránh tai bay vạ gió từ người anh rể đa mưu túc kế Trịnh Kiểm. Nhưng kỳ thực, trong sâu xa, người cậu biết cháu của mình đang ấp ủ một khát vọng lớn. Với tài năng văn võ song toàn, Nguyễn Hoàng sớm được quần thần chú ý. Nói đâu xa, khi mới là chức quan nhỏ Hạ khê hầu của triều đình nhà Lê, Nguyễn Hoàng đã đem quân tiểu sát quân Mạc, chém bay đầu tướng Trịnh Chí khiến vua Lê Trang Tông phải hết lời khen ngợi. Ngay như đêm nay, hẳn trong lòng Đoan Quận công đang mãi lo nghĩ kế sách thu phục nhân tâm, mở mang cương vực, làm sao để có trong tay binh túc thực cường nhằm tính chuyện dài lâu. Còn Nguyễn Hoàng, dưới vầng trăng lạnh, ông cũng biết người cậu thân gần là quan Thái phó theo hầu mình ít nhiều biết được tâm sự sâu kín trong ông. Chẳng thế mà ngày đầu tiên đặt chân đến xứ Sa Khư này rồi sau đó quyết định dừng chân ở Ái Tử, khi thấy các bô lão trong vùng mang bảy vò nước đến dâng tặng, Nguyễn Ư Dĩ đã ghé vào tai Nguyễn Hoàng nói nhỏ:
- Đây quả điềm lành. Nước là hình tượng mà cũng là ý chỉ. Trời đã trao sơn hà vào tay Đoan Quận Công!
*
Tranh HOÀNG CÔNG HÙNG
Chỉ vừa cách đây mấy tháng, Nguyễn Hoàng đã cử các tướng làm nên chiến tích vang dội trước quân nhà Mạc. Nguyên do phía bắc chúa Trịnh Kiểm mất, phủ Chúa rối ren, quyền bính chia đôi cho hai người con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng. Nhân lúc chính sự biến loạn, nhà Mạc nghĩ ngay đến việc uy hiếp xứ Đàng Trong. Theo chiếu lệnh nhà Mạc, tướng Lập Bạo chỉ huy sáu mươi chiến thuyền thần tốc tiến vào nam, hạ trại ở Hồ Xá vốn là nơi truông xa rừng rậm trên đường thiên lý. Tuy quân hùng tướng mạnh nhưng Lập Bạo là người hữu dũng vô mưu, bị Nguyễn Hoàng dùng mỹ nhân kế phỉnh dụ, đem quân mai phục giết Lập Bạo chết tốt. Quân nhà Mạc dưới trướng Lập Bạo chạy như ong vỡ tổ, số bị giết máu nhuộm mấy trảng cát dài, thây chất thành đống, số bị bắt làm hàng binh cũng không ít. Hạ lệnh thu quân sau trận chiến, Nguyễn Hoàng chỉ thị đem tù binh về giam giữ ở khu trại nằm kề dinh trấn. Các quan tâu, đem bọn này về chỉ tốn kém gạo thóc, lại dễ bị làm phản, chi bằng giết quách. Lời đến tai, Đoan Quận Công truyền lệnh, ai tự tiện giết tù binh sẽ bị xử trảm trước ba quân.
Hôm sau, đích thân Nguyễn Hoàng xuống khu trại giam giữ quân nhà Mạc bại trận. Thấy Đoan Quận Công uy nghiêm tất cả cúi rạp, khấu đầu. Nguyễn Hoàng hỏi:
- Mấy hôm rồi, chúng bay ăn nghỉ ra sao?
Một viên tiểu tướng hé mắt nhìn thấy Đoan Quận Công dáng nét uy lực nhưng giọng nói hiền từ bèn đáp:
- Bẩm, ngàn lần, vạn lần đội ơn Ngài, chúng con được ăn nghỉ tốt, chu đáo ạ.
- Được, hẵng thế, chuyện đâu còn đó, không chóng thì chầy ta sẽ nghĩ cách. Nguyễn Hoàng vừa nói vừa nhìn vào tấm lưng của viên tiểu tướng nhà Mạc.
Đêm đó, bên bàn trà, Thái phó Nguyễn Ư Dĩ nhìn xoáy vào chén trà bốc khói rồi lựa lời ướm hỏi:
- Ý Đoan Quận công xử lý bọn tù binh nhà Mạc sao đây, thả cho về quê hay sung quân?
- Cháu cũng đang suy nghĩ chuyện đó. Thả cho về quê thì đường sá xa xôi, đi bao giờ mới tới, trăm người may ra có một nhìn thấy gia nương. Còn nếu sung quân thì cũng không ổn, bài học xương máu… Nguyễn Hoàng nhẹ nhàng đáp trả.
Dù không nói hết câu nhưng Nguyễn Ư Dĩ hiểu khoảng trống mà Đoan Quận công Nguyễn Hoàng bỏ lửng. Đó là bài học mà phụ thân Đoan Quận công là Thái sư Nguyễn Kim phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Chuyện vắn tắt, từ sau năm ١٥٤٠, dưới đời vua Lê Trang Tông, Thái sư Nguyễn Kim tước Hưng Quốc hầu phò vua tiến đánh tan tác quân nhà Mạc ở miền Thanh - Nghệ. Bấy giờ quan Tổng trấn nhà Mạc ở Tây Đô là Dương Chấp Nhất đã giương cờ trắng xin hàng, dâng thành ốc cho vua Lê. Mừng rỡ, vua Lê chỉ dụ Thái sư Nguyễn Kim thu phục và cho Dương Chấp Nhất tiếp tục giữ binh quyền, tham gia vào việc quân cơ. Ngờ đâu, đó chỉ là mưu sâu kế hiểm. Thực ra, Dương Chấp Nhất chỉ là tên ngụy gian trá hàng, luôn chờ thời cơ để ám sát vua Lê. Mục tiêu ám sát vua Lê không thành, Dương Chấp Nhất chuyển sang Thái sư Nguyễn Kim. Mùa hạ năm Ất Tỵ ١٥٤٥, Dương Chấp Nhất cho mời Nguyễn Kim sang dự tiệc ngay tại quân doanh. Trong bữa tiệc đó, Dương Chấp Nhất đã đầu độc Thái sư. Rời tiệc, Nguyễn Kim trở về và chết ngay trong đêm. Cũng trong đêm đó, Dương Chấp Nhất ôm vàng bạc quay trở lại với nhà Mạc.
*
Đã hơn một tuần trôi qua kể từ khi thành lập khu trại giam giữ quân nhà Mạc. Viên quan coi kho lương báo với Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, rằng lương thực dự trữ đang vơi dần, cứ đà này thì thêm một tuần trăng nữa là kho lương rỗng không. Đang lúng túng, Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được quân bẩm báo Đoan Quận công vời đi cùng xuống khu trại tù binh.
Thấy bóng hai người, tù binh nhà Mạc rạp mình xuống. Bỗng dưng tiếng khóc dậy lên ai oán. Nguyễn Hoàng nhìn quanh một lượt, chờ cho tiếng khóc dứt đoạn, ôn tồn hỏi:
- Hà cớ làm sao chúng bay khóc?
Có giọng nói cất lên nghẹn ngào, hình như là giọng của viên tiểu tướng hôm nọ.
- Bẩm Chúa, chúng con cắn rơm cắn cỏ lạy Ngài tha tội chết.
- Hử, sao lại chết, sao phải chết? Nguyễn Hoàng hỏi.
Viên tiểu tướng vẫn nghẹn ngào, giọng kể lể van xin:
- Bẩm, đội ơn trên, mấy hôm rày chúng con được đối xử tử tế, ăn uống đầy đủ. Mới hôm qua, chúng con nghe phong thanh lương thực nhà Chúa sắp cạn. Ngài có tha tội chết cho tìm đường về quê thì chúng con cũng chết đường chết chợ. Nhược bằng không có cách nào giữ lại thì e mạng sống chúng con sẽ được Ngài định đoạt, không sớm thì muộn…
Bất chợt, Thái phó Nguyễn Ư Dĩ thấy Đoan Quận công Nguyễn Hoàng trầm ngâm, nét ưu tư hiện rõ trên gương mặt chữ điền quắc thước. Chầm chậm, khẽ đưa chiếc quạt từ tay phải sang tay trái, Nguyễn Hoàng nói:
- Ta hiểu. Nhưng nói cho chúng bay yên tâm. Giết tù binh là việc ta chỉ làm trong nháy mắt. Nhưng giết để làm gì? Khi ra trận hai bên bất tất mềm lòng, chỉ đối mặt với sinh tử. Còn giờ đây, giết chúng bay không phải là việc của bậc quân tử huống hồ ta tuân theo mệnh trời, ý vua mà cai quản đất này.
Cả khu trại bẩm dạ ran trời. Ngừng một lát, Nguyễn Hoàng nói tiếp, giọng rất khẽ. Thái phó Nguyễn Ư Dĩ đứng gần phía sau mà không chắc Đoan Quận công nói với đám tù binh hay nói với chính mình.
- Giết chỉ một người thôi ta được gì? Được tiếng là người mạnh mẽ, cương trực, không nương tay với kẻ thù. Hay đời sau nhắc đến ta như nhắc đến một tên bạo chúa, ngậm máu người không nghe tanh, xuống gươm mà chẳng ghê tay.
Ngay hôm sau, Nguyễn Hoàng cho vời Thái phó Nguyễn Ư Dĩ và viên quan coi trạm ở phía bắc vào dinh. Nguyễn Hoàng hỏi viên quan coi trạm:
- Ta nghe nói trên đường từ dinh ra truông Hồ ở phía bắc, đoạn giữa đất đai màu mỡ, có thể sinh sống được?
Viên quan thưa:
- Bẩm, xứ ấy gọi là Cồn Tiên thuộc tổng Bái Trời. Đất đai cấy trồng tươi tốt nhưng dân cư thưa thớt, chỉ vài mươi hộ người Chàm, người Việt chỉ có mấy hộ từ miền Thanh - Nghệ.
Nghe nói vậy, Nguyễn Hoàng lệnh viên quan đem bản đồ ra. Đoan Quận công vừa lật giở bản đồ xem hình sông thế núi, đoạn bảo Thái phó Nguyễn Ư Dĩ ngày mai lập tức ra tổng Bái Trời, cùng viên quan sở tại đo đạc, phân chia công ruộng.
*
Chỉ mươi hôm sau người dân Trà Bát nhìn thấy đoàn tù binh nhà Mạc đi thành hàng dài trực chỉ hướng Bắc. Nhìn mặt, thấy ai cũng hớn hở, miệng tuy cười nói dè chừng nhưng nét phấn khích không giấu nổi.
Người dân Trà Bát lúc đó chưa hay biết đoàn tù binh nhà Mạc được Nguyễn Hoàng không những tha tội chết mà còn cấp đất, cấp lương thực cho họ sinh sống trên quê mới. Đó là vùng núi nhưng đất đai bằng phẳng, thuận tiện trồng hái nông nghiệp, nằm ở xứ Cồn Tiên, tổng Bái Trời. Họ được chia thành ٣٦ phường, mỗi phường có nhiều hộ. Chỉ vài tháng sau khi khai khẩn vùng đất mới, khoai sắn đã lên xanh, tù binh bấy giờ là người dân đang tính chuyện trồng thêm các loại cây lưu niên như chè, mít. Cái ăn, cái mặc đã không còn là nỗi lo. Nhiều người tích trữ lương thực, tính chuyện ra Bắc đưa gia đình nội, ngoại vào đây sinh sống.
Thái phó Nguyễn Ư Dĩ còn nhớ rõ chừng một năm sau, Đoan Quận công cùng Thái phó và tùy tùng tuần du ra tổng Bái Trời. Nhìn những mảnh vườn xanh um với nhiều loại cây trái như cây đu đủ, chuối, mít, đậu phụng… Nguyễn Hoàng nói với Thái phó:
- Cậu còn nhớ giống lúa nếp Cay Nọi ở quê mình không?
Thái phó gật đầu. Làm sao ông không nhớ được giống lúa nếp Cay Nọi nổi tiếng ở xứ Thanh. Theo người xưa kể lại, đây là giống lúa của người Chăm, trồng nhiều ở vùng biên ải Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, về sau được cấy trồng ở Mường Lát rồi di thực dần về miền trung du. Người Chăm xem giống lúa này là của thần thánh ban cho. Thời thơ ấu của Thái phó cũng như Nguyễn Hoàng, đã nhiều lần ăn món xôi nếp này. Trong ký ức vẫn còn vị thơm dẻo quấn quýt lạ lùng của giống nếp Cay Nọi, trong những dịp lễ, Tết hoặc yến tiệc.
Bất chợt Đoan Quận công Nguyễn Hoàng nói tiếp:
- Vùng này có khi chất đất không phù hợp với giống lúa nếp Cay Nọi. Nhưng không sao, mới đây có người tâu ở vùng biên giới phía tây giáp Ai Lao, các tộc người Vân Kiều, Tà Ôi có giống lúa rẫy tên Triền Bâu, Chỉ Và, gạo nấu thành cơm thơm dẻo không kém gì giống lúa nếp Cay Nọi. Dân dĩ thực vi thiên, no ấm khắc thanh bình. Mới đây, cháu đã ban lệnh cho người mang hai giống lúa này về đây cho dân trồng. Chỉ hai mùa lúa nữa thôi thì nơi đây hẳn sẽ trù phú không kém chi vùng trung du, đồng bằng xứ Thanh ta.
Quan Thái phó nhìn Nguyễn Hoàng, lòng không khỏi trào dâng niềm kính phục vị chúa tài đức vẹn toàn, tuy vai vế là cháu của Nguyễn Ư Dĩ nhưng tầm nhìn xa thì chỉ có ở bậc quân vương. Quan Thái phó cũng hiểu Nguyễn Hoàng đang thầm tính những nước cờ đại sự. Nhất là từ khi Đoan Quận công trở ra Bắc cách đây hai năm. Cùng số quân lương mang theo từ Thuận Hóa nhằm giúp “Nam triều” chống “Bắc triều”, Nguyễn Hoàng đã tâu trình nhiều ý kiến sắc sảo khiến tân vương Lê Anh Tông và Thượng tướng Thái Quốc công Trịnh Kiểm hoan hỷ phong luôn Nguyễn Hoàng làm Tổng trấn tướng quân, ngoài xứ Thuận Hóa còn kiêm luôn cai quản xứ Quảng Nam mênh mông, rộng lớn. Xứ Quảng Nam tức Thừa tuyên Quảng Nam vốn có từ đời vua Lê Thánh Tông (١٤٧١) là một vùng đất rộng lớn gồm ٣ phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn trước đây, liền kề với Thuận Hóa khi vào tay Đoan quận công sẽ khiến Nguyễn Hoàng có thêm thực lực trong việc tính kế dài lâu. Mở rộng sải chân về phương Nam cũng là nối dài thêm cánh tay quyền bính, chờ đến ngày đủ lông đủ cánh thì khởi sự giấc mơ vương quyền.
*
Thời gian thấm thoát, lại hơn một năm sau nữa, vào đêm trăng sáng, sau khi nghe tin từ tổng Bái Trời, Đoan Quận công lại vời Thái phó Nguyễn Ư Dĩ cùng thưởng trà, ngắm trăng. Nguyễn Hoàng nói:
- Hôm nay mời cậu tới chơi, dùng với cháu chén cơm gạo mới của người dân tổng Bái Trời dâng chúa.
Đoan Quận công dứt lời, Thái phó Nguyễn Ư Dĩ đã thấy người hầu bưng lên dĩa cơm trắng và chén đậu phụng rang đâm cùng muối hạt. Quả nhiên, mùi cơm nấu từ giống lúa rẫy của các tộc người miền tây giáp giới Ai Lao hấp dẫn không cưỡng được. Loại cơm gạo rẫy này mà dùng với thức ăn khô như muối đậu, muối mè, cá suối nướng đâm cheo… thì ăn đến kỳ no mới thôi. Suốt bữa ăn, Thái phó cứ tấm tắc mãi.
Xong bữa ăn, hai người chuyển sang trà đàm. Đoạn Quận công vừa chước trà từ chén tống sang chén con vừa nói:
- Cậu thấy đó, tù binh nhà Mạc giờ đã thành những lương dân. Họ yên tâm ở vùng đất mới.
Bầu trời đêm Trà Bát vằng vặc. Gió hiu hiu thổi xuyên qua rặng tre ở phía đông dinh trấn. Đoan Quận công kể nhiều chuyện nhưng quan Thái phó chỉ nhớ những chuyện như Nguyễn Hoàng đang chủ trương đưa dân vào Quảng Nam, chuyện thu phục người Chăm, chuyện xây dựng chính quyền phù hợp ở vùng đất mới dung nạp, ngỏ hầu tạo dựng một hệ thống hoàn chỉnh sao cho quan quân phải hết lòng dốc sức, sao cho người dân phải được an cư lạc nghiệp.
Nhấp ngụm trà thơm, Nguyễn Hoàng nói tiếp:
- Cậu à, ngày xưa cha tôi hay nói, muốn nên nghiệp lớn phải có ba thứ: quân đội, lương thực dự trữ để phòng khi nguy biến và lòng dân. Nhưng phải nhớ điều căn cốt, mất quân đội hay hết lương thực chưa phải là tai họa tột cùng. Tột cùng là để mất lòng dân. Nếu để mất lòng dân là mất tất cả.
Nguyễn Hoàng cùng Nguyễn Ư Dĩ bước ra khoảng sân phía trước dinh. Hàng chè tàu mới trồng năm nao giờ đã tươi tốt, cành lá đan vào nhau tạo thành bức tường xanh vững chãi. Trăng đã lên quá ngọn tre, mùa hè nên nửa đêm gió nồm thổi nghe lành lạnh. Ánh trăng rải trên ngọn tre, những tàu lá chuối và hàng chè tàu muôn vạt sáng lung linh, ẩn hiện. Thái phó Nguyễn Ư Dĩ lật đật vào dinh lấy tấm áo choàng khoác vội lên vai Đoan Quận Công. Nguyễn Hoàng bất giác nắm lấy tay Thái phó, nói như tiếp tục dòng suy nghĩ riêng tư:
- Nhưng để nên nghiệp lớn thì người phải được Trời chọn. Mà kể cả Trời chọn thì người đó cũng cần tu tâm dưỡng tính, phải biết mưu sự việc lớn. Với bất cứ biến cố nào cũng cần có tầm nhìn xa, trước hết và hơn cả là tấm lòng nghĩ tới muôn dân. Quyền uy không phải ở chỗ chói gắt, rực rỡ mà ở chỗ ánh sáng từ ngôi cao chiếu rọi được muôn nơi. Cai trị bách tính phải nghiêm minh để giữ lấy lề thói nhưng cũng phải khoan hòa, vỗ về để tính kế bền sâu gốc rễ.
Có đám mây nào đó vừa bay lướt qua. Bầu trời tối sầm lại giây lát rồi mặt trăng lại hiện ra. Ánh sáng lành lạnh nhưng rõ khắp cõi nhân gian. Từ Trà Bát, Nguyễn Hoàng phóng một tầm mắt nhìn về phương Nam. Tầm mắt dường như vượt qua Hải Vân, vượt sông Thu Bồn, vượt đèo Cù Mông, xa hơn nữa, xa mãi.
Bài in trên Cửa Việt chuyên đề 9 (6.2023)