Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trở về

Hắn!

Trái tim ông Hoán lạng đi. Chuyến tàu chao nghiêng chòng chềnh tựa một chiếc đò. Dưới cặp kính đổi màu, trong ánh chiều bảng lảng, đôi mắt hắn phát ra những tia sắc lạnh và quyết liệt. Những ánh chớp ấy, cả ngày hôm kia, hôm qua đã nhiều lần khiến ông Hoán chột dạ...

Hàng năm, ông bà Hoán cứ lấy ngày báo tử làm ngày giỗ thằng Minh. Hai mươi năm trôi qua rồi mà bà Hoán không sao nguôi nỗi nhớ con. Cứ đặt mâm lên bàn thờ là bà lại khóc lóc kể lể, đòi ông Hoán đi đưa thằng Minh về. Mấy năm trước thì đành chịu. Cho tới gần đây khi ti-vi mở mục “Đi tìm đồng đội”, ông Hoán liền gửi ảnh với mấy dòng địa chỉ, vậy mà nhận được hai cái thư hồi âm. Cả hai đều nói cùng đơn vị và trực tiếp chôn thằng Minh, vẽ cả bản đồ thôn ấp hẳn hoi, tiếc là từ ngày xuất ngũ cuộc sống có bề khó khăn nên không thể đi cùng ông Hoán được.

Tự ông cũng thấy không được khỏe, bản tính chân quê mộc mạc ngại đi xa xóm làng. Ngặt vì hai năm con Nga thi đại học không đỗ. Sau khi thằng Minh chết, mặc dù tuổi đã cao, bà Hoán vẫn gắng đẻ ông đứa nữa: con Nga. Khổ cái, trí lực con Nga như bị thằng anh lấy hết cả. Thằng Minh nhanh nhẹn, học giỏi bao nhiêu thì con Nga chậm chạp kém cõi bấy nhiêu. Bà Hoán phiền lòng ốm lửng, ban ngày đi ngồi gốc cừa, gốc khế; ban đêm nằm mê nói sảng. Có đêm khuya, bà chợt thức giấc thắp hương câu khấn thằng Minh. Bà kể, thấy thằng Minh máu me đầy người, đứng ngáng cửa phòng thi, không cho con Nga vào.

“Linh tại ngã - Bất linh tại ngã”! Ông Hoán nhớ lại: thằng Minh nhập ngũ khi đang học dở lớp mười. Cái bằng tốt nghiệp cấp III là chứng nhận đặc cách. Thằng Minh chết mà chưa xong phận học trò. Ông Hoán thấy việc đưa thằng Minh về là không đừng được nữa. Cũng phải dồn góp gần nửa năm, bán con lợn tạ, lận lưng áo hai bức thư, cái giấy thông hành, sổ gia đình liệt sĩ, ông Hoán đang đêm lần ra ga, lén lút như người đang rắp tâm làm việc gì không phải.

Trên đường đi có một thanh niên đến bắt quen, hào phóng đãi ông cơm gà cá gỏi; cho đến khi ông vô tình banh cả cái ba lô ra đế tìm cái khăn mặt thì tự dưng nó dòm rất kỹ, rồi, nhổ một bãi nước bọt bỏ đi.

Mất ba ngày quanh quất ở nghĩa trang một tỉnh miền Đông Nam Bộ, đến khi mở cái lọ Pênêcilin lôi mẩu giấy có tên con, ông Hoán lặng người xuýt khóc òa lên, nhưng nỗi sợ hãi bị phát hiện đã ngăn ông lại. Ông cắn răng lấp lại tấm liếp xi măng đầy vết rạn đắp trên mộ, đi tìm nước rửa chân tay qua loa rồi tìm đường trở lại Sài Gòn. Và đến đây, khi đang cúi lom khom mua một chiếc bánh mì thì chạm mặt “hắn". Giọng Nam Bộ lơ lớ Bắc miền Trung:

- Chào bọ! Mới vô?

- Dạ.  

- Được mấy cân, con lấy cho.

Ông Hoán không hiểu mô tê, giả đút miếng bánh vào miệng thay cho câu trả lời, tìm cách chuồn.

- Ấy đừng ngại, con lấy giá hữu nghị, loại mấy?

- Tàu rời bến rồi, hàng xuống, không chờ được đâu.

- Chú nói cái chi tôi không hiểu?

- Thì trầm hương chứ gì! Bọ cứ nghễnh ngãng, ba lô đầy thế kia...

Khi đang xếp hàng mua vé tàu ra Bắc, hắn lại đến, và làm ông hết hồn.

Thôi, con biết rồi, hài cốt hả? Có thẻ bài không?

Máu trên mặt ông Hoán như loãng ra, tan đi, lạnh giá.

Và từ lúc ấy hắn không rời ông nữa, lúc ẩn lúc hiện như cái bóng. Ban đầu, ông sợ vì tưởng hắn là Công an mật. Dù sao ông cũng vừa làm một việc phạm pháp là tự tiện cất bốc mộ liệt sĩ. Sau thấy hắn đeo bám ra giá, thì ông biết hắn là dân buôn trầm và tưởng ông có hài cốt lính Mỹ. Ông càng sợ hơn.

Mặc dù có sự trợ giúp của cái sổ gia đình liệt sĩ, ông Hoán vẫn không mua được vé tàu thống nhất, phải đi tàu chợ từng đoạn. Và cứ mỗi lần chuyển tàu, là ông có một người “bạn” mới ngồi ở góc toa lặng lẽ nhìn ông.

Đến chiều nay, sau một giấc ngủ ngắn trở dậy, ông mới hiểu tất cả chúng chỉ là một, chỉ là “Hắn”. Dù rằng có lúc đeo ria đội mũ, tất cả có chung một tia mắt sắc lạnh của một con rắn đang trườn tới con mồi là ông. Ông trở quai quay ba lô ra đằng trước, ôm lấy “nó” như cách mẹ bồng con và cảm thấy sung sướng, khoan khoái một lúc lâu. Con ông, thằng cu tũn, thằng Hoàng Minh con trai ông, cháu nội đích tôn của cha ông, cháu nội đích tôn của ông nội ông, kế nghiệp trưởng phái năm trong họ Hoàng của ông. Ngày ra đi nó và lũ trai làng cứ vỗ tay nhịp hai mà hát: “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước..." đi vào chỗ chết mà cứ hát! Có lẽ bọn nó sung sướng vì khỏi thi tốt nghiệp cấp ba. Năm nay nếu còn sống nó đã vào tuổi “tứ thập bất hoặc” vậy mà vẫn nằm gọn trong lòng ông, ngoan, rắn và lạo xạo.

Hoàng hôn hắt ánh chiều qua cửa sổ. Gió Nam lùa qua mang theo hương tràm từ những triền đồi. ông biết tàu sắp về đến quê ông, miền Trung khốn khổ, đất cằn, chỉ đủ chất nuôi cây tràm, cây chổi.

Xình xịch! Xình xịch, ông Hoán chìm vào giấc ngủ dịu nhẹ, êm đềm. Tầu chậm dần và dừng lại. Văng vẳng tiếng rao bán ổi, chè xanh, nghe giọng rất quen. Rồi tàu lại chuyến bánh.

Bỗng, phựt! Có ai đó lôi ông Hoán về phía trước, lại xô ông dội lại phía sau. Một làn gió thổi vào bụng. Thôi rồi! Ồng choàng tỉnh quờ tay. Nơi cửa toa có bóng một người băng xuống. Ông Hoán nhoài theo xuýt ngã. Người cán bộ kiểm tra níu ông lại. Tàu đang tăng tốc độ.

- Con tôi, con tôi, ông Hoán líu lưỡi.

- Muốn chết à, điên.

- Con tôi!

- Con nào? Mất cái ba lô thì sao?

* * *

Khi ông Hoán trở lại được quãng đường sắt nơi tên cướp nhảy xuống thì mặt trời đã lên cao. Nắng chói chang. Ông thấy đói và khát. Đằng xa thấp thoáng khu dân cư có cái ga tàu đêm qua. Ông không gắng tới ga vì biết nơi đó chỉ có ổi và chè xanh. Vả chăng cũng không thể để cho ai biết về vụ mất cướp món hàng đặc biệt ấy. Bất giác ông rẽ lên hướng núi đi như mộng du. Vòng lượn sáng nay của chiếc trực thăng đưa ông về những năm tháng chiến tranh phá hoại. Bom đạn, những đám cháy và người chết, những trận địa cao xạ, những chiếc máy bay Mỹ cháy rồi rơi xuống đâu đó trong rừng. Đang lúi húi hái sim cho vào miệng, thì ông chợt sững người: chiếc máy bay sáng naỵ đang nằm soãi cánh như con chim bồ nông trúng đạn. Một đám người vừa tây và ta đang ngồi ăn. Từ đó bay tới mùi thức ăn, mùi mồ hôi rất lạ. Ồng Hoán phủ phục sau bụi sim quan sát và chợt thấy buồn nôn. Ông nhớ lại cái dạo mấy tay dân quân dẫn tên giặc lái qua làng. Hắn cao to, mũi khoằm, đối mắt xanh từ trên cao hơn một cái đầu nhìn xuống kinh ngạc, lo lắng’trước đám đông nam phụ lão ấu tràn tới, căm hận. Hồi ấy, tự dưng ông thấy thương thằng giặc. Hắn to gấp đôi thằng Minh, lộc ngà lộc ngộc vậy không có vẻ chi là ác, lại đang cô thế trước đám đông. Từ hắn thoảng lại ống mùi hôi nách khiến ông lộn mửa. Cái mùi ấy ba mươi năm rồi bây giờ mới lại theo gió thoảng tới.

Một ngựời Việt có vẻ là phiên dịch tay cầm một cái loong nói to rằng: Đoàn cán bộ “Mỉa” cảm ơn chính quyền địa phương đá giúp đỡ nhiệt tình trong việc tìm kiếm hài sốt- lính Mỹ “hy sinh”. Vốn chất phác, ông không hiểu lắm về từ ngữ, nhưng nghe cứ ngang ngang. “Hy sinh, hy sót gì? Phải nói là “chết” chứ. Hy sinh! Té ra cũng giống con ông, thằng Minh à? Nghĩ vậy chứ ông vẫn cứ nằm bẹp sau bụi sim chờ cho đoàn người trắng, đen đầy mùi hôi dầu lên máy bay, nổ máy bay đi, đoàn người Việt hí hửng tản mát hết, ông mới mò ra đến gần “bãi chiến trường” mà đoàn người bỏ lại. Ông thấy những ống chai uống dở là nước khoáng sản xuất ngay tại quê ông. Khát quá, ông uống một tí rồi bất giác nhón mầu bánh mỳ cắn ăn ngon lành. Có tiếng chí chóe vọng tới. Ngước lên thấy một đoàn khỉ từ trên núi tràn xuống, ông hốt hoảng cầm đá ném vào chúng. Mười lăm giây sau ông đã lãnh đủ một trận mưa đá tơi bời.

- Dại thật, khỉ vốn hay bắt chước. Ông lẩm bẩm vơ vội bình nước lảng ra xa. Ông đi và bất chợt thấy một toán khỉ khác đang hì hục vần đá xếp dọn như đang cất dấu một cái gì. Lượm một hòn đá rồi như chợt nhớ điều gì ông thả xuống lấy bộ mặt tự nhiên tiến tới gần. Toán khỉ giật mình chạy túa ra xa đứng gãi sườn. Đột nhiên ông Hoán cũng cảm thấy ngứa. Ông nghiêng người gãi sồn sột đầu ngoẹo sang phía hốc đá và chợt sững lại: một nhúm xương sắp được vùi kín. Cạnh đó, trên bãi cỏ là cái ba lô xẹp trông như bộ da ếch khổng lồ. Ông Hoán quỳ xuống, hai tay vò chặt lấy cái ba lô. Và ông khóc thoải mái, gióng giả, giọng ồ ồ từng đợt, từng đợt. Gió nam thổi lộng cuốn đi tiếng gào khóc của ông. Thương thay thằng Minh, con trai của ông, cháu nội của cha ông chưa về tới quê đã hai lần vùi xuống, bây giờ lại nhặt lên. Ông Hoán thấy cô đơn và yếu đuối quá. Ông ngước mắt nhìn trời thấy trời cao xanh và vô tư. Ông nhìn về phía đường sắt một chuyến tàu mới chạy qua, vọng lại những tiếng rít trên đường ray. Ông quệt mắt rồi bắt đầu cào đá để thu nhặt xương cốt thì chợt nghe tiếng thở dài. Ông ngước lên thì... lạ thay cái thói quen bắt chước của giống khỉ: Bên kia tảng đá, nhập nhòa trong làn nước mắt, ông Hoán thấy cả toán khỉ đã quỳ xuống từ bao giờ đang lặng lẽ nhìn ông. Có con còn giơ tay quệt nước mắt...

Ông Hoán đi ngang nhiên giữa đường làng. Nắng chói trên đầu. Và gió, quê ông lúc nào cũng sẵn gió. Gió mang theo mùi rạ mục mơn man trên mặt ông. Ông không thấy sợ gì nữa: cả công an lẫn tướng cướp đến chính quyền thôn xã và cả mấy ông “Mỉa” tóc quăn mũi lõ. Đeo cái ba lô trước bụng, ông như dẫn đầu đám rước, vì sau ông, không biết từ lúc nào đã hình thành một đoàn người tay liềm tay hái. Có người đang cầm cái thừng trâu. Họ im lặng, trang nghiêm.

Cái chuyện ông Hoán bí mật vào Nam tìm mộ con trai về, nhảy tàu suýt chết, lâu dần rồi cũng lắng xuống. Cho đến một hôm cái xóm nhỏ ven đồi lại như bừng tỉnh vì một chiếc ô tô sang trọng đeo biển số Nam đi ngoắt ngoéo mãi đến tận nhà ông Hoán. Trên xe bước xuống là những người rất sang trọng. Họ cùng kéo vào nhà, nói chuyện với bà Hoán, thắp hương trên bàn thờ, rồi ra xe đi về hướng nghĩa trang liệt sĩ.

Tiếc là ông Hoán đi vắng, ông đang dẫn con Nga về dưới tỉnh dự thi vào Đại học.

                                                                                        N.T.T

Nguyễn Thế Tường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 48 tháng 09/1998

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

3 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

6 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground