Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trong bóng tối

Đội của Tuấn về đến thành phố khoảng hai giờ chiều, ba thợ xây, hai thợ phụ cuốc bộ loanh quanh trong mấy con hẻm ngoằn nghèo cuối cùng cũng tìm đến đúng địa chỉ. Tuấn đã đến khảo sát mặt bằng từ tuần trước nhưng không thể nhớ chính xác vì hẻm nào cũng giông giống nhau. Đêm qua chủ nhà thuê người múc xà bần và rác đổ đi, mùi đất ẩm mùi hoai mục xộc vào mũi. Anh thợ xây tên Đông hỏi Tuấn

- Nhà này lên mấy tấm sếp?

- Ba tấm, nghỉ mệt xong chưa, dựng lán.

Dựng lán, bốn cừ tràm bốn góc, một mảnh bạt hai lớp phủ lên, dây rợ ràng níu bên này bên nọ. Gần tối thì xong việc, ván khuôn cũ lát dưới sàn, năm người năm cái võng. Chỗ ở xong xuôi, bác cả Phương lên tiếng:

- Nhậu cho khí thế nhỉ?

Vừa nói ông vừa lôi ra can rượu hai lít. Cái túi du lịch to sù sụ lem luốc bụi đất của ông bao giờ cũng dành một chỗ ưu ái cho can rượu, phải có rượu thì mới sống nổi, mới ngoan được. Ngày vục mặt vào đất cát, đêm phải uống cho say, say rồi thì dễ ngủ, bớt nghĩ ngợi chuyện xa xôi, dìm xuống những khát khao đàn ông khi xa vợ, giải quyết thù hằn ông - tôi. Rượu ngắt quãng những ngày mưa dài lê thê, chia nhỏ những ngày nắng gắt. Không có rượu thì sống làm sao. Mọi người bày xong bữa rượu thì Tuấn thay quần áo, lau giày rồi biến ra đường lớn. Tuấn đi thả cái thằng đàn ông bị giam. Tay này giỏi, nắn sắt phi hai hai với vài nhát càng cua là thẳng băng, lấy mực thước nhanh chính xác như rô bốt, đưa đà sắt vào ván khuôn trên cao, leo trèo như người nhện. Lương Tuấn gần gấp đôi mấy anh em trong đội. Dân xây dựng hiếm người bảnh bao như hắn, quần jean, giầy bảo hộ, cái áo may ô trắng mặc bên trong, áo sơ mi khoác ngoài không bao giờ đóng nút, tóc dài ôm lấy gáy, cái mũ lưỡi trai thò ra mảng tóc dài lơm xơm nắng gió. “Đàn bà thường say mê đàn ông bất hảo.” Tuấn nói thế nhiều lần và khùng khục cười.

Bác cả Phương bảo:

- Thằng Sở Khanh.

Tuấn cười: “Con chung thủy với vợ ở trong nhà là đủ bác ơi”.

Tuấn nhếch môi rồi biến thẳng. Thời buổi thừa thầy thiếu thợ, nhà thầu hay chủ đầu tư đều phải biết điều với thợ thuyền, nước mát, rượu ngon, mồi nhậu cuối tuần phải đầy đủ. Có như thế thì bê tông mới được bảo dưỡng cẩn thận, tường xây thẳng thớm, vật liệu gọn gàng đâu vào đấy.

Minh họa: Trịnh Hoàng Tân

Minh họa: Trịnh Hoàng Tân

Bữa nhậu còn bốn người, Đông chỉ ngồi phá mồi. Miếng xoài xanh chấm mãi vào chén mắm. Bác cả Phương và hai tay thợ nữa vừa nhậu vừa bàn bạc xem hùn tiền góp gạo nấu nướng ra sao. Chuyện gần chuyện xa. Đám người bông lơn nói Đông đi xét nghiệm ADN xem đứa con mới chào đời của anh có phải con chính chủ, cả năm đi làm khi về vợ đã sinh con, biết con mình hay con thiên hạ. Đông cười hề hề:

- Tui với các ông xa vợ nhớ nhà, về quê một hai ngày tiểu vào gốc tre thì gốc tre cũng có bầu. Con tui chớ con ai.

Đội thợ năm người cùng xóm, trước kia ở quê cũng lập đội đi đào đất cho người ta làm đầm nuôi tôm, chân ngập trong bùn, đêm ngủ trong mùi bùn, mắt nhắm lại vẫn thấy màu bùn nâu sẫm. Công việc ngày một ít, máy móc thay thế, cả nhóm kéo lên thành phố, nghề xây dựng cũng không nhàn hạ gì nhưng công xá khá hơn, lãnh lương theo tuần. Vợ Đông muốn mang con theo chồng đi phụ hồ nhưng anh không đồng ý, Đông không muốn một đứa trẻ mới sinh ra lại phải lay lắt hết công trình này đến công trình khác, không muốn con phải tập đi trên lởm chởm đá mi, tập ăn trong cái ấm sục cáu bẩn, không muốn những bàn tay phụ hồ đen nhẻm bẹo má đứa nhỏ, mớm những lời cay nghiệt…

Thằng bé không có nét nào giống Đông, nhưng trẻ con mà, lớn lên còn đổi nét mấy lần, rồi thì giỏ nhà ai quai nhà nấy thôi. Nuôi một đứa trẻ sao mà tốn kém, Đông thương con bằng cách bớt tất cả những thú vui tầm phào của mình. Quê anh nghèo, cha mẹ đặt tên con mà gửi gắm vào đó gạo tiền cơm áo, nào Tiền, nào Giàu, nào Ngọc, nào Ngà. Đông hỏi mẹ sao lại đặt tên mình như thế. Bà nói ngoài bốn mươi mới sinh được mình anh, chẳng mong giàu của chỉ mong sau này con cháu đầy đàn.

Nửa đêm thì Tuấn về, Tuấn khóa xe rồi lịch kịch soi điện thoại tìm võng, Đông mắc võng sẵn cho Tuấn, lần nào cũng vậy như một cách cảm ơn vì được theo đội kiếm cơm. Mấy ông thợ bên cạnh đã ngủ say như chết, tiếng ngáy, tiếng ngủ mớ thỉnh thoảng lại rít lên. Tuấn nói:

- Nhớ quê quá!

Mỗi lần đi đêm như thế Tuấn đều nói vậy, hắn luôn nói điều đó trong bóng tối. Nhớ quê là nhớ những gì, mảnh sân trước nhà toàn bùn đất, nhớ bầy heo trong chuồng, mấy vàm kinh vịt lội đen ngòm, bát ngát dừa và cây bình bát? Tuấn chẳng nhớ những thứ đó đâu. Tuấn nói nhớ quê như một phép rửa tội, như là nhắc về vợ con hắn, trong quê cũng có vợ con vậy. Đông đoán thế trong khi Tuấn đã kịp ngủ say.

Sáng sớm hôm sau chủ nhà mang trái cây, xôi gà đến cúng kiếng làm lễ trước khi đào móng. Bao giờ Tuấn cũng thức dậy đầu tiên, cùng ông chủ thầu lên phương án thi công, xem bản vẽ. Đám thợ dậy sau uể oải điểm tâm bằng viên thuốc giảm đau, ăn vội mì pha trong tô nhựa.

Máy cuốc đến đào móng, máy bơm hút nước ngầm rỉ ra từ lòng đất, máy cắt sắt làm đai làm cột, con hẻm yên tĩnh bị tiếng động cơ phiền hà. Ai đi ngang qua cũng có quyền càm ràm, chỉ đạo. Đám thợ quen với những điều đó, không lấy gì làm bận tâm. Công việc nặng nhọc, đám thợ nhô vai vươn cổ choãi chân. Tối hôm đó mâm nhậu sung túc, có gà, có xôi, có trái cây chủ nhà để lại. Trong cơn cao hứng Tuấn nói sẽ câu được cô chủ nhà trẻ tuổi. Cả đám thợ cười phá lên, tiếng cười của họ phần thì mai mỉa, phần coi như câu nói đùa. Những tiếng cười ấy khiến Tuấn cảm thấy bị xúc phạm, sẵn men rượu, hắn cao hứng tuyên bố chỉ trong hai tuần là cô chủ sẽ ngã vào lòng hắn, đám thợ cười lớn hơn rồi im bặt khi Tuấn ném vỏ chai rượu vô tường nhà hàng xóm vỡ toang. Tuấn nói như đinh đóng cột nếu thất bại sẽ bao cả bọn một chầu từ a tới z sáng đêm.

Cô chủ nhà trẻ măng còn ông chồng thì luống tuổi, hai người đi với nhau nhìn như cha con. Mỗi lần đến trông coi công trình, cô đều đem theo mấy chai nước ngọt. Tuấn tinh quái nhìn vào vòm ngực phập phồng sau làn áo mỏng, tối đến lại có chuyện làm quà. Bác cả Phương chửi át đi thì hắn nhăn nhở: “Ai cũng một thời trẻ trai bố già ơi”.

Hôm đó, tổ đội chống cột đổ sàn thì cô chủ đến, hỏi thợ thuyền vài câu bâng quơ, trong nhà tối, cột chống ken dày đặc, Tuấn vờ vấp té vào người đàn bà thơm tho, hai tay tham lam ôm lấy mông cô. Những tưởng đã hạ đo ván con mồi bằng thân hình vâm váp và hai cánh tay chắc lẳn của mình thì một cái tát đau điếng giáng xuống. Giọng người đàn bà cứng cáp:

- Đừng có thả dê bừa bãi, coi chừng!

Thua chầu cá cược, mọi người chẳng ai nhắc đến vụ bao cả nhóm ăn chơi từ a tới z của Tuấn nhưng hắn nuôi trong mình kế hoạch trả thù. Bác cả Phương bảo bụng dạ mày nó như đất cằn không thể gieo hạt, vứt vào đất bao nhiêu hạt mầm cũng chẳng thể nảy lộc đâm chồi, xứ mình nghèo nhưng dân mình hiền, đâu ra lại có một thằng như bây. Bà mụ khi tạo ra hắn đã quên nhét cho hắn chút lương tâm. Mà nếu có thì hắn cũng vứt đi, cũng bán rẻ, đời có tốt với hắn đâu mà có quyền bắt hắn tử tể. Lương tâm là thứ thừa thãi mà lại hay làm mình day dứt. Day dứt có phải là lương tâm không? Hắn đã đi qua bao nhiêu mùa nắng, bao nhiêu mùa mưa xứ cao vùng trũng, gửi vào lòng đàn bà xứ lạ bao nhiêu mầm xanh, bao nhiêu sinh linh, lấy đi bao nhiêu lời hứa đèo bồng, chỉ vì một chỗ để về mà nai lưng trâu ngựa…

Chủ nhà chọn ngày đẹp trời đổ bê tông sàn, Tuấn đã nhắm vào những cây cột chống sàn ở vài vị trí, chỉ cần nhấc chúng ra hoặc làm lệch chúng trong khi đổ bê tông thôi, nhẹ thì sàn cong võng, nặng thì sập luôn giàn thép bên trên, nếu đội thợ cán mặt đầm dùi phát hiện ra có cào bê tông lên cũng không kịp nữa.

Tất cả những hành động đó không qua được mắt Đông. Anh đã thấy vẻ sốt sắng rất kịch của Tuấn. Từng thi công bao nhiêu ngôi nhà, Đông biết đấy là cả cơ ngơi, là sự phấn đấu hoặc có khi nợ nần suốt cả đời người ta.

Xe bồn chở bê tông đến lúc hai giờ sáng, Tuấn nằm im trên võng vờ ngủ, tư vấn giám sát do chủ nhà thuê đang kiểm tra sàn, Đông đã bí mật lắp lại những cây cột chống bị Tuấn động chân động tay. Chưa yên tâm anh nắm từng cây thép kiểm tra lại lần nữa. Lúc trở ra thì gặp Tuấn, Tuấn thúc nắm đấm vào ngực anh đau điếng. Đông cự lại:

- Mày muốn rũ tù cả đám không, hay tự đá chén cơm của mình, sau này ai mà dám mướn.

Đông giơ nắm tay về phía hắn:

- Đánh lộn tao không có ngán.

Vừa lúc đó cần bơm bê tông đã sẵn sàng, tay kỹ sư hô: “Đổ nhé”. Bê tông tươi được bơm lên, người đầm dùi, người cán mặt, tiếng hét gọi chỉ đạo, tiếng bông lơn, cãi cọ ồn ào.

Tuấn biết chỉ cần Đông nói ra việc hắn làm thì sẽ xảy ra chuyện lớn, hắn bậm bịch trở ra, sửa lại gương mặt hậm hực rồi lên sàn. Đông trở lại võng nằm, bác cả Phương nhắc ngủ đi, ngày mai còn bẻ thép. Đông trở mình, đêm nay lại là đêm trắng. Bác cả Phương lại tiếp:

- Thằng đó bụng dạ hẹp hòi, nốt công trình này tao không theo nó nữa, nhà có mấy công đất, mày có theo tao về trồng sầu riêng, vú sữa thì về. Về bẻ đọt muống đọt lang cũng sống được, cá dưới đìa trái trên cây, lang bạt quá lâu rồi. Xứ mình toàn người hiền, đàn ông thương vợ, người sống trọng tình. Tao về thật à.

Đông gật đầu:

- Về thôi.

Vừa lúc đó Tuấn chui vào lán, hắn thở một hơi đánh sượt, gương mặt hắn chìm trong bóng tối, hắn thốt lên:

- Nhớ nhà ghê!

H.H

 

HOÀNG HIỀN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 357

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

6 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground