T |
hư viết có mấy dòng: “Thứ bảy, ngày 12 tháng chạp âm lịch em cưới. Cô ấy là thợ may. Hiền và đảm đang lắm. Em bảo để chị hay. Ba rất mừng. Thu xếp rồi đưa cả anh và cháu về với em nghe chị. Thế là oan nghiệt không còn cột chặt vào đời em nữa. Về mừng cho em chị nghe”.
Thứ bảy, ngày 12 âm lịch. Vậy là còn nguyên nửa tháng. Tôi về thu xếp ổn thỏa mọi sự để trở về nhà. Để mừng cho em tôi. Nó đã tìm thấy hạnh phúc. Nó không còn bị ghẻ lạnh nữa. Giờ đây sẽ chẳng còn ai xa lánh, dằn hắt nó, nhỏ - to sau lưng nó, sục sạo vào tình yêu của nó. Để bây huây lên; để nó phải trốn chạy; để nó phải sợ hãi cái quá khứ cực nhọc và oan nghiệt. Mẹ tôi ở dưới suối vàng chắc cũng ấm lòng. Bởi trước khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ tôi đã cầm tay tôi mà khóc “Con ơi: Anh Cả giả cha, chị Cả giả mẹ” Mẹ chết rồi, con thay mẹ chăm chút mấy em con, cho chúng nên người con nhé!”
Vậy mà, mười mấy năm qua, tôi như người mắc lỗi. Dằn vặt lương tâm khi không làm tròn được ý nguyện của mẹ lúc qua đời. Nhà không có mẹ. Đã nghèo lại còn nghèo thêm. Khi xưa, dăm bo gạo, một rổ khoai cũng chia đủ ngày ba bữa. Bây giờ sắp đặt sao cũng hụt đầu, thiếu đuôi. Cha – đàn ông, đâu quan việc bếp núc, nồi niêu. Tôi chị cả mười sáu tuổi đầu chẳng được láu lỉnh, nhanh nhẹn như mọi người, đã thế lại hiền một cục. Sau tôi còn năm đứa em hột gà hột vịt – đứa nhỏ nhất chưa đầy năm.
Cha tôi – khi mẹ mất – còn trẻ - vẫn ở vậy vì tục huyền sẽ sinh thêm con lại khổ. Hơn nữa, ý định tục huyền của cha không thành vì không được đám em tôi đồng ý. Chúng còn nhỏ chưa hiểu được chuyện đời. Chỉ thương mẹ đã chết rồi chứ chưa biết thương ba – khi đang còn trẻ mà thiếu vắng phụ nữ trong nhà. Cái Hằng, đứa em thứ ba của tôi cứ khư khư giữ rịt chìa khóa nhà, giữ rịt cha trong từng bước đi, lời nói. Ánh mắt cha buồn mênh mang. Tôi biết. Nhưng đám em tôi thì không. Chúng còn đòi đốt nhà tự tử nếu nhà ta góp thêm người. Cha nghe. Bàng hoàng xót xa. Tôi hiểu cha muốn đi bước nữa không phải vì cha quên mẹ tôi. Mà chỉ vì cần có người chăm sóc nội tôi già yếu và chị em tôi nhỏ dại. Một phần cũng bởi sống ở đời, đàn ông sao thiếu nổi đàn bà! Vậy mà!...
Thế rồi thôi, từ đó ý định tục huyền của cha không được nhắc lại lần nào nữa. Tôi trở thành đảm đang lo toan hết thảy việc trong ngoài của cái gia đình tám người này.
Mẹ đã chết đã mười bảy năm. Thằng em út của tôi giờ đây đã mười tám tuổi. Cha vẫn còn một mình đơn lẻ. Bây giờ, thằng Năng, em kế tôi cưới vợ. Dù sao, cha cũng có niềm vui sau chuỗi dài tháng năm thăng trầm cực nhọc. Cha sẽ có cháu ẵm bồng. Nhà có thêm người mà vui. Và điều quan trọng, cha sẽ trút được gánh nặng tâm can của hơn mười năm trời tiếng tăm đeo đẳng: Có thằng con ăn trộm. Em tôi lấy vợ. Vậy là từ nay dưới suối vàng mẹ không còn trách cứ tôi.
* * *
Khi mẹ còn sống, nhà tôi cũng có của ăn của để. Đâu đến nỗi nào. Vậy mà, từ khi mẹ ra đi, mọi thứ cũng theo mẹ mà đi. Ở quê, giàu – có – khó – nghèo được tính bằng đấu thóc, bồ khoai, được cất trong sập, trong đôn hết năm này tháng nọ. Nhà giàu khi giở thóc lúa xay gạo chuyển màu đục ngầu, đổ vào nồi nước trong veo – vàng ễnh. Thế mà nhà tôi bất cứ vụ gì cũng ăn sớm. Khoai dỡ sớm. Lúa gặt sớm. Ăn sớm, mọi thứ đều ngon vì phần vì lạ. Mấy đứa em tôi đang ở tuổi ăn tuổi lớn, chúng ăn gì cũng ngon, lúc nào cũng la đói. Thức ăn của chúng tôi là thứ mắm ruốc được pha loãng, bỏ thêm muối, nhiều khi thiếu cả mì chín. Đánh bột lọc không nhân, luộc lên rồi đảo qua với nước ruốc. Thế mà mọi thứ nhoáng một cái hết vèo. Một năm nuôi mấy con lợn con gà chỉ đủ trả nợ, làm giỗ đơn sơ để cúng ông bà, tổ tiên và mẹ tôi, phần còn lại cha may cho chị em tôi manh quần tấm áo. Gần như ba bốn năm liền cha chẳng may sắm gì cho mình. Cực vậy nhưng đàn em tôi ngoan lắm. Đi học về là chúng xoay trần ra chặt củi, mót khoai, xay sắn. Lớn lên một chút chúng đi cấy, đi cày. Chuyện ăn thì sao cũng được nhưng cái mặc thì ngày càng khó khăn. Chị em tôi cứ mặc chòng của nhau. Đứa em mặc thừa của chị, của anh. Đồ mới của đứa này là đồ cũ của đứa kia để lại. Cha nhiều khi mắt đỏ hoe vì thương con. Nhưng cha quyết: “Cả mấy đứa bay phải học xong cấp ba. Cho dù cực mấy cũng ráng chịu, không được làm điều xấu xa. Mẹ chúng bây mất, chỉ còn cha. Cha nói, bây ráng nghe!”
Cả mấy chị em tôi cương quyết không làm điều xằng bậy. Cố mà sống cho nên. Ngày hai buổi, buổi mót khoai, buổi đi học đến mùa đi cấy, thì gặt. Mọi việc diễn ra có chiều tốt lành. Dần dần rồi cũng thuận buồm xuôi gió. Tôi có lúc đang cho heo ăn vừa trong nồi cơm trên bếp chợt nói thầm “Mẹ ơi! Con nhớ mẹ lắm! Nhưng mẹ đừng lo. Con đã quen việc rồi”. Thỉnh thoảng trong những giấc ngủ mệt nhoài sau cả ngày làm lụng vất vả, tôi mơ mẹ gội đầu bắt chấy cho tôi, lại còn nhắc tôi: ”Giặt mấy chiếc chiếu đi! Cha con bây ăn ở bẩn thỉu quá chừng”. Chị em tôi bình an trong nỗi đau mất mẹ. Sống chết là việc của trời. Làm sao tránh được. Mấy cha con tôi thường an ủi nhau như vậy để bớt buồn đau khi thiếu vắng mẹ.
Vậy mà một điều thật kinh khủng đã xảy ra. Chém phặp vào khát vọng bình yên của gia đình chúng tôi. Cả gia đình chung tôi như chim non gãy cánh, chim mẹ mất tổ. Cha tôi nói: “Có làm con chó con hơn làm điều nhục nhã đó. Tôi không dạy con tôi điều đó”. Đói cho sạch, rách cho thơm con ơi! Rồi ông khóc, khóc một cách cay đắng. Có bao giờ cha tôi khóc đâu? Ngày mẹ mất, cha lặng im, mắt ráo hoảnh, khô khốc. Cha nín câm không nói một lời nào. Sau này cha bảo “nếu cha khóc thì cả nhà ta chẳng ai đứng dậy nổi” Vậy mà giờ đây cha khóc. Tiếng khóc ngằn ngặt, buốt nhói. Cả nhà ta như lần nữa có đám ma.
* * *
Chuyện xảy ra vào vụ gặt tháng năm. Buổi tối hôm trước mà mụ Thìn hàng xóm mất trộm. Kẻ trộm đột nhập vào nhà lấy đi của mụ chiếc máy Casset đã cũ, một cái đài bán dẫn điện hiệu National và mấy xấp vải hoa may quần áo. Nhưng tang vật chưa được tẩu thoát mà đang còn nằm lại mé vườn. Có lẽ kẻ gian chưa có cơ hội mang đi. Hai người bảo vệ xóm đã bày mưu bắt kẻ gian bằng cách giữ nguyên hiện trường rồi cho người rình rập.
Một đêm, hai đêm rồi ba đêm trôi qua. Chẳng thấy kẻ trộm đâu. Những người săn trộm tay dao, tay dùi mệt nhoài đang muốn tìm cách thoái lui. Mụ Thìn xót của vứt gió, vứt sương định mang về nhà thì ông đội trưởng bảo vệ ngăn lại: “Tôi thấy kẻ trộm đã thập thò mấy hôm rồi. Chắc nó đang nghi ngại nên chưa dám”. Mụ Thìn nghe vậy yên lòng.
Mười đêm trôi qua như thế. Mùa gặt đã vãn. Trai gái trong làng đã bắt đầu đi chơi đêm sau vụ mùa với quần quật thóc lúa rơm rạ. Nhà tôi cũng đã rảnh rang. Thằng Năng cũng bắt đầu đi chơi như bọn trai trẻ trong làng. Nó đã hai mươi. Học xong cấp ba. Nó tính đi bộ đội rồi thi vào trường sĩ quan. Mơ ước của nó cũng đẹp đấy chứ. Tôi mừng thầm vì em tôi khỏe mạnh, sáng sủa lại không chơi bời đàn đúm lêu lỏng. Tôi nghĩ: “Mình thế nào cũng được – Lũ em cần phải lớn khôn”.
Trăng sau rằm. Vẫn còn sáng lắm. Thằng Năng đi tắt đường qua vườn nhà mụ Thìn để đến nhà bạn gái. Nó vừa qua thì ba bốn dùi gỗ bổ xuống người. Người ta đánh nó ngã dúi dụi. Vừa hô “Kẻ trộm đây rồi! Bắt thằng kẻ trộm” rồi trói gật cánh khuỷu lại vừa đánh nó. Ông đội trưởng bảo vệ sau khi quật thằng Năng một gậy như búa trời gầm gừ: “Công ông đâu phải công cóc. Sao mày bắt ông đợi lâu thế. Ông đánh cho mày dừ xương”. Mụ Thìn xỉa xỏ: “Á à! Ai vào đây nữa. Chết mẹ bẻ lá mà nằm. Thiếu thì xin tao, tao cho. Ai lại đi ăn trộm”. Cha tôi gào lớn: “ Thả con tôi ra! Đồ độc ác! Thả con tôi ra”. Mấy chị em tôi cùng đường, không đỡ đòn được cho thằng Năng liền quay sang cào cấu mấy người đàn ông đánh nó. Khi đã dừ đòn, bất tỉnh cha ôm em vào lòng: “Con ơi! Sao lại đến nông nổi này?” Tiếng khóc của cha khùng khục trong cổ họng.
Đên đó, em tôi rời làng đi, mang theo nỗi oan nghiệt cay đắng.
Em vào mãi tận Đắc Lắc sinh cơ lập nghiệp. Trước khi đi, nó đứng trước bàn thờ mẹ rất lâu: “Lạy mẹ! Con không có tội”. Rồi ra đi.
Mãi hơn tám năm sau, khi tôi vào Vũng Tàu rồi quyết định ở lại lấy chồng, sinh con đẻ cái trong này thì nó mới về. “Cha bây giờ cần em” - Tôi nói với nó như vậy.
Nó trở về nhà gần hai năm. Lặng lẽ như một chiếc bóng bên người cha cô đơn. Khép chặt mình, không bè bạn thân giao. Chỉ làm lụng tối ngày. Có hai đám nó định dấm dú ngỏ lời yêu. Nhưng chưa kịp ngỏ lời người ta đã quay lưng. Sự đời thật trớ trêu. Cô thứ nhất là con gái ông bảo vệ đã đánh nó ngày xưa. “Tao không thể gả con cho nó” – Ông nói dứt khoát, mặt đỏ gay. Cô ấy khóc rồi chia tay. Cô thứ hai cũng thích “Anh Năng hiền lành chăm chỉ nhưng người ta nói vậy chẳng biết đúng, sai – Ngại lắm!” Thế rồi thôi luôn. Người đời thường nói: “Cười người ba tháng không ai cười người ba năm”. Huống hồ em tôi nó không có tội. Sao “bia miệng vẫn còn trơ trơ”? Tôi chỉ biết an ủi em qua những lá thư cách từ ngàn cây số. Nhưng nhiều lúc lại thấy có ích gì đâu. Bởi em cứ gắng sống cùng cha. Như ngày xưa chị em tôi thiếu mẹ. Mọi việc rồi sẽ qua. Cuộc đời vốn thế. Gai góc nhưng nhân hậu. Vậy mà đúng thật.
Sự thật một trăm phần trăm. Em tôi cưới vợ. Bởi phía dưới lá thư mời báo tin mừng của em tôi có chữ của một cô gái nhắc: “Chị mau về. Cả nhà trông chị lắm” – Ký tên: Thảo. Tôi mong muốn em dâu tôi sẽ như tên nó – thật Thảo hiền.
* * *
Tôi về. Đón tôi ở bến xe đông đủ. Đã mấy năm rồi tôi không gặp cha. Cha già đi nhiều nhưng trong người khỏe ra. Năm đứa em tôi đứng xếp hàng ngang nhau. Như xưa hột gà hột vịt. Và Thảo, cô đứng nép bên Năng hiền hậu. Tôi đến bên em: “Cha vui lắm. Em thấy không?" Cô cười mà mắt rớm lệ: ”Cha vẫn buồn đó chị. Vì thiếu mẹ”. Cô nói nhỏ. Đó là cả tấm lòng. Cảm ơn em! Em trai tôi sắp bắt đầu cuộc sống mới. Tất cả bắt đầu từ em. Như gia đình chúng tôi ngày xưa có mẹ. Tôi chợt nhận ra mùa xuân đang đến gần từ những nụ đào hé nở và từ em, mùa xuân vẫn còn đến với gia đình chúng tôi.
* * *
Sự đời vốn có những điều thật ngẫu nhiên. Như thể nó không thể nào khác được. Cái duyên phận đời người nhiều lúc cũng là ngẫu nhiên như thế.
Thảo đẹp thuần phác. Con gái nhà lành. Nhà Thảo nghèo. Lại là con cả. Thảo không thể học lên cao nên cố gắng học lấy một nghề. Rồi cũng như tôi. Cô vào nam lập nghiệp. Nhưng Thảo không ở hẳn miền nam mà quyết định không yêu ai khi cuộc sống còn khốn khó. Thảo làm nghề may xuất khẩu mỗi tháng thu nhập gần triệu đồng. Ở nhà nếu làm ra một triệu – mua được hơn năm tạ thóc, nhà cô phải đủ no đến năm tháng. Nghĩ vậy, cô nhặt nhạnh, chắt chiu. Cũng bởi nhà nghèo nên con cái sinh ra biết lo nghĩ sớm hơn và lo nghĩ già hơn tuổi. Nếu người mới gặp nghe cô nói người ta tưởng cô là trụ cột của cả một gia đình đông người. Nhưng ở xa hàng ngàn cây số thi thoảng mẹ vẫn gửi thư vào vẫn nhắc: “Cố gắng sống chỉnh chu rồi kiếm một tấm chồng cho ra tấm ra miếng con ạ”. Thảo chỉ cười. Với mẹ, nhắc có thừa đâu. Nhưng cô chưa vội. Bởi không tin vào bói toán nhưng Thảo chỉ tin vào duyên phận. Duyên phận tồn tại như một ngẫu nhiên ở đời. Nó đến như không thể nào khác được. Vì vậy, Thảo không vội. Thảo chỉ chờ…
Thảo bước ra khỏi nhà ga, thở phào một cách thoải mái, lòng vỡ òa thứ hạnh phúc nhỏ nhoi có thật. Cô đã trở về nhà sau tháng năm dài cực nhọc bươn chải.
Đi hết quãng đường gần ba cây số vắt qua cánh đồng, Thảo dừng lại. Đã quá lâu rồi cô mới có cảm giác như thế này. Con mương nhỏ mềm mại nước trong vắt mát lạnh uốn quanh bên chân cô. Thảo khỏa nước vào mặt một cách sung sướng. Cho cái lạnh giá thấm vào da thịt cho thõa nỗi luyến nhớ quê hương sau mấy năm trời. Bỗng dưng Thảo bắt gặp dưới bóng nước in hình một người con trai đang nhìn cô. Thảo quay lại – Người con trai nói chậm, chắc mệt: “Cô về nhà. Tôi xách đồ dùm cho. Nhà tôi đi qua làng cô, thêm ba cây số nữa” Thảo gật đầu như bị thôi miên. Vừa đi cô vừa nghĩ: “Anh ta có đôi mắt buồn nhưng cứng cỏi lắm”. Cô bật cười. Anh ta chưa kịp biết tên mình. Anh con trai mà Thảo gặp hôm đó là thằng Năng – em tôi.
* * *
Rồi chuyện của chúng trở thành đề tài cho mọi cuộc đàm tiếu ở làng.
Cánh già thì bảo “bốn chín gặp năm mươi”. Không khéo vớ phải múi chanh kiệt nước. Nghe nói con nhỏ đi nam năm sáu năm nay.
Cánh trẻ thì: “Ui chao! Con nhỏ mà biết chiến tích ngày xưa của chàng thì lại bỏ của chạy lấy người”.
Lũ đàn bà dài mỏ, bằng đít thì hót: “Đẹp anh đẹp ả, đẹp cả đôi đường thì nhất”.
Chị cán bộ phụ nữ xã gạt phắt: “Nếu tôi còn trẻ, tôi sẽ không như các cô đâu. Đừng nghĩ rằng người ta nghèo hèn mà sinh thói xấu. Cũng đừng nghĩ rằng người ta không vuông mà khinh rẻ. Hãy sống bằng tấm lòng”.
Con Thảo và Năng thì vẫn thế. Tuần dăm bận gặp nhau. Tháng đôi lần Thảo đến nhà vá lại tấm áo cho cha và em tôi. Nấu cho cha con mấy bữa cơm mang hơi ấm bàn tay đàn bà.
Năng vẫn say sưa với dự án làm ăn mới: Năm hecta rừng, hai mặt ao nuôi ba ba và một đàn dê hơn hai chục con. Nó kể cho Thảo nghe hết mọi nỗi truân chuyên của cuộc đời nó. Nhưng chỉ để giải bày mà chẳng mong muốn được sẻ chia. Chỉ mong có thế là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng Thảo hiểu và tin lời Năng, tin vào ánh mắt buồn cương trực của nó. Thảo nói với mẹ, cô mong ở bà một lời khuyên. Mẹ cô, người đàn bà nghèo tốt bụng và hiểu thấu mọi sự ở đời. Bà bảo: “Đừng chờ nữa. Hãy đến với nó đi con ạ!” Và em đã đến. Người con gái ngoan hiền đã làm dậy lên khát vọng được yêu và được sống của em tôi. Và từ đó trong con mắt mọi người ở làng nhìn em tôi đã bớt phần dị nghị…
Buổi chiều, nghe tin thằng Năng lấy vợ mụ Thìn te tái chạy qua: “Cưới vợ rồi, nhà có đàn bà ắt chỉnh chu hơn. Cố mà thay nhau chăm nom ba tụi bây cho tốt. Để ông ẵm bồng con cho”. Năng chỉ cười – Nụ cười của người đã bắt đầu biết làm chủ cuộc đời mình. Nắng cuối đông làm khuôn mặt nó rạng ngời, ngời sáng.
K.H