Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vay trả

Hình như lần thứ chín thứ mười gì đó tôi định cư sau một thời gian phiêu bạt. Chẳng có lý do gì đó quan trọng, chồn chân mỏi gối thì dừng lại, có thể lại bán nhà, di cư. Lần định cư này cũng như bao nhiêu lần trước, có nhà người ta bán thì mua, mua được thì ở.

Thiên hạ mua nhà, mua đất xây cất nhà đều xem phong thủy, mời thầy địa lí, thầy cúng, làm lễ này lễ nọ, bái đất bái trời, đốt vàng mã, phóng sinh chim cá… Tôi không làm những việc đó. Tôi chẳng tin những lực lượng siêu nhiên, bịa đặt tất. Làm quái gì có thánh thần ma quỷ, người âm, người trời. Điều tôi quan tâm là các gia đình xung quanh sống thế nào, có ai trong băng nhóm xã hội đen, nghiện ma túy, hay say xỉn, gây gổ, đánh lộn nhau… Ở gần những đối tượng đó, phiền toái lắm. Thiên hạ có câu: “Ở gần nhà giàu đau răng ăn cốm, ở gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn.” Né tránh những đối tượng bất hảo là yên thân.

Tôi mua lại nhà của người ta, nhà cũ nhưng với tôi là nhà mới, cũ người, mới ta. Người khách đầu tiên đến thăm tôi không phải là người của mấy nhà lân cận. Chị là Hạnh, ở cách tôi không xa nhưng khác khu phố, cách khu phố tôi qua một mặt đường. Cái tên của chị rất dễ thương. Chị cũng rất dễ thương. Tuổi hơn năm mươi mà thân hình gọn, da trắng, khuôn mặt không một vết nhăn, hai quả đào tiên vẫn còn tròn trịa. Giọng nói trầm ấm, người nghe rất dễ cảm thông. Nội dung những chuyện chị nói, với người đời, có thể nghe, có thể không cần phải nghe. Những chuyện chị nói cứ như những đoạn văn tả thực của học trò trung học phổ thông cơ sở. Vậy mà tôi vẫn nghe, thậm chí là thích nghe vì cái giọng trầm ấm truyền cảm của chị hơn là vì nội dung. 

- Anh yên tâm đi, những nhà xung quanh anh sống tốt lắm, đều là gia đình giáo viên, cán bộ, công an, bộ đội. Con em họ chăm học, không bài bạc, không chích hút, ngoan hiền, lễ độ lắm...

Chị lại nói về gia đình của mình:

- Khu phố tôi sống cũng toàn là người tốt như khu phố của anh. Nhờ sống với những gia đình như vậy, các con tôi có những tấm gương tốt để noi theo. Các cháu chăm học, kính trọng và vâng lời cha mẹ, thương yêu lẫn nhau. Vợ chồng tôi khó khăn về kinh tế nhưng quyết chạy vạy, bằng mọi giá phải nuôi các con ăn học. Không chỉ tốt nghiệp đại học mà còn phấn đấu để ba đứa con đều là thạc sĩ, nếu được phải đạt bằng tiến sĩ. Thời bây giờ chỉ tốt nghiệp đại học chưa ăn thua. Đại học nhan nhản ra đấy, phải là thạc sĩ, tiến sĩ mới có cơ.

Minh họa: THANH THÁI

Minh họa: THANH THÁI

Chị khoe:

- Đứa nhỏ của tôi năm nay tốt nghiệp trung học cơ sở. Thằng anh nó năm nay tốt nghiệp phổ thông trung học. Con chị thì khá, đang học thạc sĩ năm thứ hai. Đứa nào năm nào cũng được tặng giấy khen.

Tôi mừng cho chị, vậy là xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái đúng hướng. Tôi hẹn mai mốt qua thăm nhà chị, dùng trà với chồng chị cho vui. Chị nói mừng:

- Được thế thì quý hóa quá. Em được biết anh là nhà văn. Hồi nhỏ em thích đọc sách, quên ăn. Đến bữa, mẹ thường bắt gấp sách lại, ngồi vào bàn. Có bữa mê sách quá, em chui vào cái lu đựng lúa bỏ không để đọc, mẹ đi lại bên cạnh nhưng tìm hoài không ra, gọi em không thưa. Bây giờ vì cơm áo gạo tiền nuôi con nên ít có điều kiện đọc sách nhưng cái thú mê sách vẫn như xưa. Có tập sách nào của anh viết, anh cho em một cuốn, nếu không có thời gian đọc ngấu nghiến như xưa thì mỗi ngày đọc đôi ba trang cho đỡ thèm.

Chị ôm cuốn sách tôi tặng vào lòng. Chỉ những người biết quý trọng sách mới nâng niu sách đến như vậy. Những người như vậy tất yếu là người tốt, sống có văn hóa. Tôi tin là vậy.

Trước khi ra về, chị tặng tôi một thẩu dưa món:

- Biết anh sống một mình, tôi tặng anh thẩu dưa này, tôi tự làm. Nếu anh ăn ngon, ăn hết qua tôi mà lấy. Nhà anh em mình không gần nhau lắm nhưng không đến nỗi xa, coi như hàng xóm, thiên hạ có câu: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, anh đừng ngại.

Tối đó, một người khách thứ hai đến thăm tôi. Đó là một bà già móm mém. Bà bỏm bẻm nhai trầu. Nước trầu đỏ nhờn nhợt, chảy xuống mép. Bà dùng ngón tay quẹt nước trầu rồi cho ngón tay vào mồm mút. Tôi cảm thấy kinh tởm, rùng mình. Hai người khách đầu tiên đến thăm tôi trái ngược nhau hoàn toàn về ngoại hình, cách nói chuyện, nội dung của chuyện. Đương nhiên trong tôi, cảm tình với hai người khách cũng trái ngược nhau.

Ngồi nghe bà nói cứ như bị tra tấn bằng ngôn từ. Chuyện bà nói toàn là chuyện nói xấu người. Người bà nói xấu lại là chị Hạnh, chị khách buổi sáng, tôi có ấn tượng tốt đẹp.

- Cái con Hạnh đó à anh, là con lừa đảo. Cái con đó à anh, mượn tiền khắp nơi, mượn được, quỵt luôn, không bao giờ trả. Cái con đó à anh, đã mượn tiền khắp nơi, sống và nuôi con bằng tiền đi mượn. Người đâu mà dơ dáy.

Chỉ vào thẩu dưa món để trên bàn của tôi, bà hỏi:

- Cái thẩu dưa ni con Hạnh đưa vô cho anh phải không?

Không đợi tôi trả lời, bà nói:

- Cái con Hạnh đó à anh, khi mô hắn cũng dùng cái cách đó. Trước khi mượn tiền của ai hắn cũng cho người ta cái chi đó làm thân, khi thì thẩu dưa món, khi thì nải chuối đã cúng, hạ xuống từ bàn thờ. Cái con Hạnh đó à anh… Chuyện của bà cứ thế rỉ rả kéo dài, cho đến khi bà đau lưng, không ngồi được lâu. Bà chống tay vào hai thành ghế, nặng nhọc đứng lên. Chào tôi ra về, bà dặn lại:

- Đừng cho cái con đó mượn tiền à anh, cho mượn là mất. Cái con Hạnh đó à anh, xảo trá lắm, lừa đảo.

Tôi cám ơn bà. Chắc bà nghĩ tôi cám ơn vì lời căn dặn của bà. Thực ra tôi cám ơn vì bà chấm dứt cuộc tra tấn bằng ngôn từ. Bà về. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

*

Hạnh đến vay tiền tôi thật. Cô nói rất khẩn khoản, giọng nói chân tình dễ cảm:

- Vợ chồng em nhận hàng từ một số cơ sở kinh doanh trong Sài Gòn qua tàu hỏa, bỏ hàng cho các mối bán lẻ. Bây giờ chồng em đang đợi tàu để nhận hàng ngoài ga, thiếu hai triệu. Anh cho em mượn, sáng mai bỏ hàng xong, trưa mai em trả tiền lại cho anh. Em nói trưa mai trả tiền cho anh là y chang. Anh tin em đi.

Tôi nhớ lời bà già dặn đừng cho mượn tiền, cho mượn là mất. Nhưng số tiền em mượn chẳng đáng là bao, chỉ hai triệu. Lời của bà già kia không đáng tin cậy, ối bà rỗi hơi, cứ mở mồm là nói xấu lẫn nhau. Lời của em và cả con người của em nữa, toát lên một vẻ dịu dàng, đáng tin cậy. Ở đời ối người làm từ thiện, cho không nữa là cho mượn. Hai triệu đáng chi, tôi không giàu nhưng hai triệu thì có.

Trưa hôm sau, em mang tiền đến trả tôi, đúng hẹn. Tôi mừng, không phải mừng vì không mất tiền, mừng vì em không là “con xảo trá” như bà buôn chuyện đã nói. Thế mới biết miệng lưỡi người đời, lắt léo, xỏ xiên. Nụ cười của em rất tươi:

- Nhờ anh giúp nên đủ tiền nhận hàng, vợ chồng em kiếm được triệu hai tiền lời. Nói để anh cùng mừng, một vài triệu trong tay thiên hạ chẳng đáng là bao, với vợ chồng em nặng hơn tạ đồng cân. Chạy vạy nuôi ba đứa con ăn học, thời buổi này không dễ chút mô.

Thấy em vui, tôi góp lời:

- Nếu thấy quá khó khăn thì hướng cho các cháu tìm việc mà làm. Lập nghiệp không cứ chi nhất thiết phải qua đại học.

- Không anh ơi, bằng mọi giá phải xoay cho con học. Cha mẹ đã không ra gì rồi, con cái phải khác. Chúng phải lập nghiệp bằng máy tính, trên bàn giấy sang trọng, không thể là phụ hồ, không thể buôn bán vặt như cha mẹ chúng. May là các con đều học giỏi. Các cháu học giỏi lắm anh ơi. Tương lai, hạnh phúc của gia đình em là ở đó.

Hơn một tháng sau em lại đến mượn tiền. Hôm đó tôi vừa nhận lương về. Tôi vừa về đến nhà, em xịch xe vào sân, hớt hải:

- Anh ơi, cho em mượn gấp năm triệu. Thằng con trai em đi chơi với bạn, bị tai nạn, xe đưa đi cấp cứu trong viện rồi. Anh cứu cháu với, trưa mai em lấy tiền hàng trả cho anh.

Lương tôi chỉ sáu triệu, em mượn năm triệu, tôi lấy gì ăn trong tháng. Nhưng em nói trưa mai trả nên tôi khá yên tâm. Con người em và cái vụ trả tiền đúng hẹn lần trước cho tôi niềm tin. Con em tai nạn, nếu có tiền cho cháu nữa là cho mượn. Cứu một người hơn mười tòa tháp, Phật đã dạy thế.

Đến chiều hôm sau, em chưa trả tiền cho tôi, chắc là bận chăm con trai đang nằm viện. Tôi ra nhà em, không vì mục đích đòi nợ, muốn hỏi thăm con em tai nạn ra sao, có nặng không. Nhà em khóa trái cửa, nhưng tiếng em và con trai (thằng con mà em nói bị tai nạn) đứng sát cửa nên tôi nghe rõ:

- Mẹ đừng nói nhiều nữa, tôi bỏ học mấy tuần nay rồi.

- Tại sao mày bỏ học?

- Học không nổi thì bỏ.

- Mày nói sao, năm nào mày cũng được tặng giấy khen.

- Làm quái gì có ai tặng. Giấy khen tôi mua đấy. Thời này, sổ đỏ, bằng tiến sĩ còn mua được, giấy khen là cái đinh.

- Mày ăn chơi, mày chích hút, người ta nói tao không tin, hóa ra là thật. Con ơi là con. Thằng báo hại.

- Ở cái nhà này không phải một mình tôi báo hại đâu. Đứa con gái mà mẹ ca ngợi, mẹ khoe với hàng xóm đang học thạc sĩ trong Đà Nẵng, mấy năm nay là nhân viên bán cà phê, bắt bồ với một ông da đen, sớm muộn cũng kéo nhau về châu Phi. Không phải là một thạc sĩ, một tiến sĩ như mẹ mơ đâu.

Một phút trong nhà im lặng. Chắc nghe con trai nói thế, em kinh hoàng chết lặng. Một lúc sau, lại có tiếng em:

- Mày nói láo, con chị mày không như mày. Nó ngoan hiền. Nó học giỏi. Nó chăm chỉ. Nó nết na. Nó không như mày. Thằng lừa đảo.

Có tiếng cười khẩy của thằng con trai:

- Hiền, chăm chỉ, nết na, học giỏi, làm quái gì có đạo đức tuyệt hảo như vậy. Mẹ mắng tôi lừa đảo, tôi nói thật, mẹ lừa đảo thì con mẹ cũng lừa đảo. Quạ đen đẻ ra quạ đen, làm sao đẻ ra chim công, chim phượng được. Cái đầu chúng tôi đầy tiếng chửi bới, gào thét đòi nợ của thiên hạ, không còn chỗ để nhét kiến thức. Lúc đến trường, hàng loạt con mắt đồng học xoi mói: “Hắn là con mụ quỵt tiền thiên hạ”. “Mẹ hắn quỵt cả đống tiền thiên hạ làm chi mà hắn không có áo mới”… Tôi bắt được cái thóp cô “công chúa” của mẹ nên tiền hàng tháng mẹ gửi cho “công chúa” của mẹ “ăn học” phải hối lộ một phần ba cho tôi.

*

Tôi lảng qua quán cà phê cóc đối diện nhà em ngồi buồn. Ông chủ quán tuy mới quen nhưng đã trở nên thân thiện:

- Thế nào ông nhà văn, dính nợ bên đó rồi à? Năm triệu? Hơi nhiều đó nhưng mà mất. Người như anh có lòng tự trọng cao, không thể chửi bới, không thể thuê xã hội đen đòi nợ, đập phá nhà người ta. Năm triệu đối với mình là lớn, là vụ án thì quá nhẹ. Cho mượn không chứng từ, không người làm chứng, càng không thể kiện.

Thấy tôi ngồi buồn, gật đầu nhè nhẹ tán đồng lời ông nói, ông chuyện tiếp:

- Lừa như cô ta cũng khôn xảo lắm, trước hết làm cho người ta tin, thân thiện, rồi mới giở chiêu. Chiêu lừa của cô ta đa dạng, người thật thà khó lường. Tặng một ai đó đôi thứ lặt vặt nhưng thiết thực với đời sống như lọ mắm, nải chuối, quả dưa… bắt quen rồi lâu sau đó, mượn tiền. Nhà cô ta có một quầy tạp hóa nhỏ. Cô ta thường lấy hàng từ một đại lý về bán lẻ kiên trì nhiều năm tháng tỏ ra khách ruột của đại lý, rồi bất ngờ mượn tiền gấp vì “con tai nạn”, thế là quỵt, cắt đuôi. Lừa người ta chung vốn để “buôn” một món gì đó, rồi quỵt. Người chửi, người gào, thuê xã hội đen dọa nạt nhưng không một ai đòi được nợ. Chỉ có một chút tình thấy tội, cô ta nói bằng mọi giá để nuôi các con ăn học thành tài... “Nuôi con ăn học bằng mọi giá”, tôi đã nghe em nói câu đó nhiều lần nhưng không hề nghĩ rằng, kể cả cái giá lừa đảo, quỵt nợ.

Ông chủ quán cóc cà phê lại nói giọng buồn:

-  Cô ta thường khoe với chúng tôi nhiều giấy khen về thành tích học tập của các con. Tôi thấy lạ. Đời sống cha mẹ là tấm gương ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Gương sáng thì con sáng, gương đục thì con hư. Nhưng mà không thể không tin, hàng năm con trai đưa giấy khen từ trường về, con gái đưa giấy khen từ Đà Nẵng ra. Giấy trắng mực đen, không tin không được. Thì ra quả báo, bố mẹ lừa thiên hạ thì con cái lừa bố mẹ...

Bất giác tôi thở dài!

Một chiếc taxi dừng cạnh nhà. Ông chủ quán cà phê ngừng lời, nhìn qua:

- Lại một tốp người đến đòi nợ.

Nhưng không. Từ trên xe bước xuống một cô gái, trang phục diêm dúa, hở hang, đôi ngực thả rông, phơi ra ngoài cổ áo tới hai phần ba. Ông chủ quán chỉ về phía cô gái:

- À, con gái cô ta đó. Người mà cô ta khoe là một thạc sĩ và có thể là một tiến sĩ tương lai. Mà…

Chưa nói hết câu, mắt ông chủ quán trố lên. Từ trên taxi bước xuống một người da đen, đồ sộ như một con gấu lớn. Hạnh nghe tiếng con gọi, mở cửa chạy ra. Chưa nói được lời chào con, nhìn thấy người đàn ông da đen đồ sộ, đôi mắt Hạnh trợn lên, cái mồm cứng lại.

- Mẹ ngạc nhiên à? Chồng con đó. Nó xấu nhưng nó giàu. Con về chào mẹ đi châu Phi.

Gần như cùng lúc, hai chiếc xe máy phân khối lớn chở theo bốn người mang gậy gộc. Những tiếng gầm như bầy hổ đói tranh mồi:   

- Mày có trả nợ không. Tao đập nát quán.

Thằng con trai của Hạnh bước ra, dửng dưng đút tay túi quần:

- Nhà chẳng có cái gì đáng giá. Chúng mày muốn đập muốn phá, cứ việc ra tay. Hư hỏng bao nhiêu, trừ nợ bấy nhiêu.

Đứa con gái nhìn mẹ đứng cứng đờ như người chết đứng:

- Thật là nhục, thiếu gì cách làm ăn mà lừa đảo, quỵt nợ người này, chiếm nợ người khác. May mà thằng chồng con không biết tiếng Việt, nếu không, vác cái mặt mo theo nó sang châu Phi.

Nói đoạn nó chỉ tay vào xe, đẩy lưng ông da đen. “Con gấu” khom lưng lòn qua cửa xe hẹp.

Chiếc taxi nổ máy. Bánh xe quay, phủ bụi mù.

L.V.T 

 

 

LÊ VĂN THÊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 343

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

18 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground