Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vay và trả

L

ão ngồi trên cái chiếu nhiều chỗ đã đứt sân đay, những sợi đầu cói thò thụt, có chỗ dựng lên như hàng loạt đầu tăm, giống cái bàn chuông. Hè nhà lão rất rộng, trải đôi chiếu mà vẫn lọt thỏm chưa đâu vào đâu. Vườn trước, vườn sau, vườn hai bên hồi nhà trồng đủ các loại cây ăn quả và lão đã thu nhặt từ trong Nam ra ngoài Bắc. Đúng là các nhân viên của lão đem vào tận đây gây dựng cho lão. Trước nhà hai luống rau thơm, nào mùi tàu, tía tô, kinh giới, rau răm, lá lốt, húng lìu, húng chó…đủ cả. Xa một chút, gần bờ ao, hàng chuối tiêu luôn luôn treo những buồng quả mập mạp. Chỉ từng ấy thôi, lão có một bữa rượu hợp khẩu vị, mấy quả chuối xanh thái mỏng, một nắm rau thơm thập cẩm, một bát mắm tôm vắt chanh, ớt, thế là lão ngồi với cái be nửa lít nhâm nhi cả buổi, cả ngày, lão nhâm nhi chén rượu cũng là nhâm nhi đời lão. Tất cả những thứ ấy là công gây dựng của vợ con lão. Về già cảnh điền viên như thế còn gì hơn. Nhưng đối với lão đây là nơi đày đọa những năm tháng còn lại của đời lão.

Điều rất lạ ở con người này sáu mươi tuổi mà tóc vẫn xanh đúng ra là mới lơ thơ vài sợi bạc ở hai bên thái dương, ba mươi hai cái răng vẫn chưa cái nào tạm biệt lợi, da vẫn săn chắc như da thợ cày, mắt tinh tường, liếc ngang, đảo dọc như thời còn trẻ. Có điều khổ cho lão là cái lưng, ngồi một lúc mà không có chỗ dựa y như bị kim đâm từ trong xương tủy. Bệnh này không phải đến lúc già mới phát, từ khi ngoài bốn chục tuổi đã làm cho lão khốn khổ. Nhất là thời tiết thay đổi, đang nắng trở mưa, đang nóng trở rét, vùng thắt lưng đau vật vả suốt đêm không ngủ được. Hồi còn tại chức, lão đi không thiếu bệnh viện nào, gõ cửa chẳng thiếu thầy lang nào, dùng thuốc chỉ đỡ một dạo đâu lại vào đấy. Đến cái tuổi gần sáu chục thì mọi thứ thuốc uống vào đều không có tác dụng nữa. Nhiều khi ngồi một mình kể cả lúc này, lão phải tựa lưng vào cột nhà, hai chân duỗi thẳng ra, hoặc ngồi chắp bằng thì phải còng lưng xuống, cong như con tôm. Những lúc như vậy, cặp mắt của lão như có đám mây mọng nước phủ ở bên ngoài. Lão nhìn cái gì cũng mờ mờ ảo ảo. Dù như vậy, khi có người con gái đi qua -không thân thiết là mỹ nhân, chỉ cần đấy là cô gái vạm vỡ, khỏe khoắn, ngực nhô cao, thì lão ngồi bật dậy, lưng thẳng, mắt sáng. Nếu cô gái ấy lại đưa mắt nhìn và mỉm cười thì lão như được uống thần dược.

Hôm ấy trời se lạnh, đang có gió mùa đông bắc tràn về, cái lưng của lão lại bị oằn xuống và một nỗi buồn tràn ngập tâm can lão. Tự dưng nước mắt lão cứ tràn ra, lão rót một chén rượu nhấp cho vợi bớt nỗi lòng, nhưng lạ quá, rượu cũng đắng không thể nuốt nổi, lão hắt chén rượu, lên giường đắp chăn. Lão không nghĩ gì cả, không xám hối, không oán trách ai, không hối tiếc bất kỳ những gì đã mất mát. Đầu óc lão trống rỗng hoàn toàn. Có tiếng gõ cửa lão không thèm dậy mà ném ra một câu như hồi còn là thủ trưởng cơ quan: Vào đi. Bạn lão đẩy cửa bước vào, căn phòng tối om om, anh ta phải rờ rẫm bật công tắc điện. Lão vẫn nằm, uể oải hỏi: “Cậu đấy à?” Anh ta đến bên giường: “Thôi, dậy đi có đồ nhắm đấy, làm vài chén sẽ đâu vào đấy ngay”. Anh ta quay ra cửa gọi cô thư ký: “Vào đây em”. Mới nghe đến âm “em” lão đã thấy người khang khác, đến khi nhìn thấy cô gái thì lão liền bật dậy. không phải giữ phép lịch sự mà là phản ứng của cơ thể. Lão ra khỏi giường bắt tay cô thư ký của bạn. Gọi là bạn, nhưng anh này là cấp dưới, cánh hẫu của lão thời tại chức, sau đó cậu ta có số may vượt đầu lão thế là từ chỗ thầy trò thành bạn tri kỷ. Vì sao họ lại là “tri kỷ” thì cũng dễ hiểu thôi. Thầy nào tớ ấy mà.

- Anh Tuất này, sao khỏe nhanh thế?

- Cái thằng. Tao có bảo là ốm đâu.

                        Thấy “ông anh” cầm tay cô thư ký hơi lâu, hắn nhắc khéo:

- Anh định không mời khách ngồi à?

Mãi đến lúc này lão Tuất mới nhớ đến phép lịch sự, vội buông tay cô thư ký:

- Cái thằng ranh này, người nhà cả, khách khứa gì?

- Cô này cũng là người nhà của anh?

- Thì bạn của chú mày không là bạn của tao hay sao?

                        Biết tính lão Tuất, trước khi rẽ vào đây Hảnh đã mua hai chai nếp mới, mấy món thịt chó, nào rựa mận, thịt nướng, đùi luộc kèm cả một túi mắm tôm pha sẵn đường, chanh, bây giờ đổ ra bát, đánh bông lên, ra vườn quơ một mớ rau thơm linh tinh vào nữa là xong. Khi cô thư ký đã thoát khỏi bàn tay thân ái của lão Tuất vừa đặt đít ngồi xuống salon, Hảnh lại bảo:

                        - Ngọc Bé, em lại bảo cậu lái xe mở cốp lấy xâu bánh đa vào đây ngồi luôn thể

                        - Số mày cái gì cũng được. Con bé hay quá. Mông nở, ngực nở thế mà gọi là “Ngọc Bé! Phải gọi là “Ngọc Đại” mới đúng”.

                        - Cho anh mượn đấy. Nhưng không dễ đâu. À này…mà thôi.

                        Lão Tuất đang nhìn theo cô gái không để ý đến câu ỡm ờ của Hảnh. Suýt nữa thì Hảnh làm lộ tung tích cô bé, chưa chừng lại có chuyện.

                        - Hảnh này…

                        - Gì anh. Không biết nó giống người nào. Từ nét mặt đến dáng đi, quen quá.

                        - Ông anh ơi, nó giống bố mẹ nó chứ còn giống ai nữa.

                        - Bố mẹ nó là ai, ở đâu, tao có quen không?

                        - Quen thế nào được bố mẹ nó đều ở nhà quê xa lắm.

                        - Trời, thế mà tao trông quen quá đi mất.

                        Trong bữa rượu hôm ấy rất hợp khẩu vị lão Tuất, thế mà lão ăn chẳng có cảm giác gì, mắt lão luôn để vào cô gái. Câu chuyện giữa lão với Hảnh chẳng đâu vào đâu, không ăn nhập với nhau. Hảnh ranh ma bố trí cho Ngọc Bé ngồi bên kia bàn đối diện với lão Tuất, mỗi lần cô ta cúi xuống hoặc dướn người gắp thức ăn, cái áo cổ rộng lại phô ra cặp lườn vú nõn nà, thế mà lão Tuất không có rung động gì mới lạ chứ.

                        Bữa ăn kéo dài gần đến hai giờ, điều lạ nhất là cả Hảnh, Ngọc Bé và lái xe đều không hỏi lão Tuất vì sao nhà lại vắng vẻ như thế này, vợ con đi đâu. Hảnh biết hoàn cảnh lão Tuất, dặn Ngọc Bé và lái xe vào đây đừng hỏi gì đến hoàn cảnh gia đình lão. Họ không hiểu vì sao, nhưng thủ trưởng đã bảo thì phải im lặng. Khi họ chia tay lão Tuất ra xe, Hảnh nán lại mở cặp, lấy một tập giấy bạc đưa cho lão: “Anh cầm lấy mà mua rượu”. Lão Tuất mãi nhìn theo Ngọc Bé nên không từ chối mà cũng chẳng cám ơn, cầm nắm giấy bạc trong trạng thái vô cảm. Khi chiếc xe bốn chỗ ngồi lăn bánh và mất hút ở đoạn đường cong lão Tuất ngồi bệt xuống hè nhà, hai mắt vẫn dõi theo chiếc xe vừa chạy khuất. Chiều tà bóng cây ngả nghiêng trên sân. Con gà mái dẫn đàn con đi kiếm ăn ven ao, cục cục gọi con vào sân. Một quả dừa sâu rơi xuống mặt ao, nước bắn tung tóe. Lão Tuất giật mình. Có một tia sáng vụt qua trong óc lão. Một “nốt nhớ” bật mở. Lão nhớ ra hình dáng thân quen qua Ngọc Bé. Lão vụt đứng dậy như chạy theo chiếc xe. Oái ăm đốt sống lưng kêu đến khục một cái. Lão quật cả hai tay ra đằng sau ôm lấy chỗ đau và từ từ ngồi xuống. Mắt nổ đom đóm. Đầu lão nhói đau một cái rồi như đau ran khắp vùng não. Vùng ngực như bị bóp chặt. Theo thói quen, ổ gà vẫn quẩn gần lão chờ ném cho một nắm gạo trước khi vào chuồng. Lão biết vậy nhưng làm sao có thể đứng dậy được. Đàn gà ngu độn cứ nháo nhác mãi. Đang sẵn đôi dép lê trong chân lão hất một cái làm cho đàn gà tan tác. Không cần biết có con nào chết, lão nằm vật xuống hè nhà, hai chân để dưới sân.

                        Lão Tuất là người có quý nhân phù trợ. Suốt cả cuộc đời trai trẻ học hành không bằng cấp gì. Thành tích chiến đấu, công tác chẳng có gì là công trạng, thế mà trong tỉnh, trong cơ quan có sự cố về tổ chức lão lại được thăng chức. Đến đoạn cuối, không biết quý nhân đi đâu mà lão lại cô đơn đến thảm hại.

                        Hồi là nhân viên đánh máy ở văn phòng huyện đoàn, khi Bí thư được điều động sang làm thường trực Huyện ủy, năm ủy viên thường vụ được điều động đi chỉ huy thanh niên xung phong và vận tải xe thồ cho chiến trường miền Nam, Tuất được bổ sung vào Ban chấp hành huyện đoàn, rồi được cử vào thường vụ, thường trực cơ quan. Vốn có cái tính không thích ngồi một chỗ, được dịp Tuất xách xe đạp đi hết xã này đến xã khác, được ăn, được ngắm, được tiếng sát cơ sở. Đại hội Đảng bộ huyện khóa ấy, Tuất trúng vào Huyện ủy, làm Bí thư huyện đoàn, được cơ cấu vào ủy viên Ban chấp hành Tỉnh đoàn. Cuộc kháng chiến chống Mỹ vào cuối những năm thập kỷ 60, đòi hỏi chi viện rất lớn người và của cho tiền tuyến, số đông cán bộ tỉnh đòan được điều động vào chiến trường miền Nam, Tuất được bổ sung vào Ban Thường vụ tỉnh đoàn phụ trách tuyên giáo. Công việc này hợp với Tuất. Anh ta có cái khoa nói rất dẻo miệng, thực ra Tuất cũng có cái chất ranh ma, nghe cấp trên nói cái gì anh ta nhớ rất kỹ, khi qua miệng anh ta lại được thêm mắm thêm muối cũng hấp dẫn người nghe, nhất là lớp thanh niên. Đọc báo cáo, tạp chí thấy trích lời nói, sách vở của các lãnh tụ ghi chú ở trang nào, dòng nào, sách nào. Nhiều người cứ tưởng Tuất là người nghiên cứu lý luận rất kỹ. Cấp trên đặt nhiều hy vọng ở anh ta. Có một điều cấp trên và nhiều người không biết, Tuất rất khoái uống rượu. Anh ta uống nhiều nhưng chưa bao giờ say. Tuất là một tay bợm gái, nhiều cô gái trong cơ quan, không trước thì sau, không nhanh thì chậm cũng sa vào tay Tuất một cách êm ái. Có điều anh ta không gắn bó với cô nào lâu dài. Cô nào đã qua tay Tuất, một thời gian sẽ được cử đi học hoặc được tăng cường cho huyện cho ngành. Tránh được “cái dùi bỏ đây lâu ngày cũng lòi ra” lại không thể ghen ghét các cô đến sau.

                        Chiến tranh kết thúc, lớp cán bộ đàn anh trưởng thành đều được đề bạt là cán bộ chủ chốt của tỉnh. Tuất được cất nhắc làm Bi thư tỉnh đoàn, được cơ cấu vào Tỉnh ủy.

                        Hồi ấy ở tỉnh diễn ra cuộc chiến tranh giữa các cán bộ quyết tâm đổi mới và một số cán bộ bảo thủ thông qua cuộc đấu tranh gọi là “vi phạm nguyên tắc xây dựng Đảng, mất đoàn kết nội bộ”. Từ trước đến nay và cả thời kỳ sau này, trong mọi cuộc đấu tranh nội bộ, Tuất rất chừng mực, biết rõ ai đúng ai sai, nhưng nếu chưa đến lúc sắp ngã ngũ thì Tuất chưa có ý kiến. Ngồi họp anh ta lật xem hết báo cáo này đến báo cáo khác ra vẻ chăm chú nghiên cứu tìm kiếm chứng lý, ai có ý kiến Tuất nghển cổ nghe ngóng, ghi nguệch ngoạc vào sổ tay mấy chữ tỏ ra rất nghiêm chỉnh. Khi chín mươi chín phần trăm đã rõ ràng bên thắng bên thua, Tuất chuẩn bị một bài phát biểu “có đầu, có đuôi, thấu tình, đạt lý”, cuối cùng dành những câu đanh thép nhất của kẻ sắp bại trận, những giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước đầy. Thế là Tuất nổi tiếng là một nhân vật trong cuộc đấu tranh ấy: “Không nói nhiều, khi nói là đánh gục”. Sau cuộc đấu tranh ấy, hụt đi một số cán bộ chủ chốt, cấp trên nghĩ ngay đến Tuất. Cuộc thăng quan này “Quý nhân phù trợ” Tuất nửa vời. Đôn lên đâu không đôn lại đôn lên chân ủy viên UBND tỉnh. Có cái chỗ mà Tuất nhắm được là phụ trách khối văn – xã, hiềm nỗi, ở đấy đã có một Phó chủ tịch tỉnh có học hàm thạc sỹ chễm chệ. Tuất được điều sang làm giám đốc Sở Xây dựng. Không bỗng dưng mà tỉnh phân công như vậy. Hồi là cán bộ tỉnh đoàn, Tuất đã theo học lớp kinh tế kế hoạch tại chức, một tháng học ba ngày, trong vòng bốn năm, tính cho là anh ta đi học không bỏ bữa nào cũng chỉ có một trăm bốn bốn ngày. Mặc dù Sở này co mấy chục kỹ sư, thạc sỹ khoa học, nhưng cái hàm Tỉnh ủy viên là oai hơn cả, mọi người cứ phải vâng lời răm rắp. Nhưng Tuất là con người thực dụng, đã ngồi cái ghế đoàn thể mãi rồi, nay sang ngồi cái ghế giám đốc Sở lại càng buồn hơn, ngày này qua ngày khác hết họp nọ lại họp kia, rồi nghe báo cáo, đọc duyệt, muốn rảnh rang chơi bời một chút lại càng khó. Nhân khi tỉnh xây dựng lại và mở rộng khu công nghiệp ngoại thành nhưng chưa tìm ra người tin cậy làm Trưởng ban kiến thiết. Tuất đến trình bày với tỉnh, xin nhận việc này, giao cái chức giám đốc Sở cho người phó có bằng thạc sỹ. Tỉnh cho đây là một nghĩa cử hào hiệp đầy trách nhiệm nên rất hoan nghênh và chấp nhận đề nghị của Tuất.

                        Công trường là một khu đất hoang, đầy những cây cỏ dại, đất đá lổm nhổm, chi chít hố bom, cách đường ô tô vài trăm mét. Ban kiến thiết phải lập lán trại ở tạm. Thời kỳ đầu, Ban kiến thiết chỉ có tám người nhưng chủ yếu chỉ có Trưởng ban, kế toán trưởng, kỹ sư giám sát thi công có mặt thường xuyên tại công trường. Kế toán trưởng là một nạ dòng, nhưng nhiều cô gái khó mà ăn đứt cô ta. Mặt trái xoan đầy đặn, lúc nào cũng hồng hồng như có hơi men, mắt đen và sáng như mắt cáo, ngực căng tròn, chân tay mập mạp. Tay kỹ sư thì ngược lại, người gầy gò như tay nghiện, lúc nào cũng chúi đầu vào các bản vẽ, nghiên cứu hàng đống sách, hở ra lại xách xe chạy gặp bên B trao đổi chuyện này chuyện khác. Thường trực luôn có hai người là trưởng ban Tuất, kế toán trưởng Mỹ Dung. Tuất ngoài bốn mươi, Mỹ Dung ngoài ba chục, chẳng phải cách biệt gì. Sau mấy lần Dung lập chứng từ đem đến cho Tuất duyệt, Tuất nhận ra đây là con mồi chẳng khó khăn gì. Thế là họ bập vào nhau. Không biết bằng cách nào, họ giữ kín mối quan hệ già nhân ngãi non vợ chồng ấy hết năm này qua năm khác. Khi khu công nghiệp chính thức đi vào sản xuất, Tuất được bổ nhiệm làm giám đốc xí nghiệp giày xuất khẩu, tất nhiên Mỹ Dung được bổ nhiệm làm kế toán trưởng xí nghiệp. Ở đây có nhà máy xi măng, nhà máy cán thép, nhà máy tấm lợp phi-brô-xi măng, xưởng cơ khí, công ty vận tải, nhà máy gạch với lò tuynen hiện đại và mấy xí nghiệp thuộc ngành công nghiệp nhẹ như may mặc, giày da, nước lọc…

                        Là một tỉnh nông nghiệp, có khu công nghiệp thì phải có công nhân. Tuất cho đăng báo tuyển công nhân. Mấy ngày sau đơn gửi đến tơi tới. Nhiều người kể cán bộ cấp tỉnh cũng phải đến chạy nhờ Tuất dành một hai suất cho con cháu xa gần. Xí nghiệp dự kiến tuyển năm trăm công nhân mà số người đầu đơn lên đến một nghìn tám trăm mười hai. Tuất nghĩ ra mẹo mới để loại bớt mà một công được hai ba việc. Mỗi người trúng tuyển phải nạp cho xí nghiệp năm triệu đồng đặt cọc mới được dự lớp đào tạo nghề tại chỗ, sau ba tháng được công nhận thợ bậc hai; nếu nạp bảy triệu rưỡi thì được gửi ra Hà Nội học, sau ba tháng được công nhận là thợ bậc ba.

                        Tuất là tỉnh ủy viên nên được các ngành hỗ trợ hết lòng. Chẳng thế mà giám đốc các xí nghiệp to đùng còn phải đi xe com-măng-ka từ những năm sau mươi, có anh bỏ tiền nhà mua xe máy, lấy cái đi lại, riêng Tuất được cấp hẳn một xe Toyota mới nhập. Mọi việc giao cho các chuyên gia, các ban, phòng khi có phương án thì cùng bàn tập thể, tập thể ưng thì làm, không tán thành thì xếp lại. Tuất không dại tự quyết việc này, việc khác, biết gì mà quyết, sai thì bỏ xác, cứ tập thể mà mần, lại được tiếng là dân chủ, ngay cả việc huy động vốn của công nhân cũng là gợi ý của Mỹ Dung, tập thể đồng ý người ta lo cho con vào đại học phải bỏ ra cả một đống tiền, lại còn phải nuôi ăn học bốn năm năm mới kiếm được miếng cơm. Đằng này chỉ bỏ ra dăm bảy triệu bạc, ba tháng sau đã có việc làm nên phải chạy cho bằng được thế là xí nghiệp có ngay mấy tỉ bạc, Mỹ Dung lập tài khoản riêng để rút dần chi cho việc đào tạo công nhân như thuê xe đi xe về, mời thầy mời thợ bồi dưỡng giáo viên cho việc này, điều đáng nói là số tiền ấy lại gửi vào tiết kiệm lãi suất hồi ấy là  5% mỗi tháng. Chỉ riêng khoản tiền lãi mỗi tháng đã có bốn năm chục triệu đồng tha hồ cho giám đốc và kế toán trưởng tiêu xài thoải mái. Thế mà mấy tỉ tiền gốc ấy, tháng nào cũng phải rút ra mấy trăm triệu số tiền gửi vào quỹ tiết kiệm do cá nhân đứng tên rồi mua vàng, mua nhà, mua đất. Tiền từ tay cá nhân được gom về chạy qua cửa nhà nước lại vèo vào tay cá nhân. Từ đây, đồng tiền biến hóa ra trăm mưu ngàn kế không phải đem lại hạnh phúc cho con người mà làm băng hoại một số người mà gây ra hàng loạt tội ác.

                        Lão Tuất nhận ra bóng dáng người tình qua hình hài thực thể của cô gái vừa ngồi cùng mâm rượu với lão. Lúc ấy dường như có một luồng điện chạy từ trung tâm thần kinh xuống sống lưng và tỏa đi khắp cơ thể. Lão bật dậy tưởng có thể vọt tới níu kéo được bóng dáng người xưa. Nhưng cũng từ hệ thần kinh vừa làm lão bật dậy đã níu kéo lão ngồi xuống một cách đau đớn. Tất cả qua lăng kín mắt đều mờ mờ ảo ảo. Lão nhắm mắt lại. Lạ chưa, khi mở mắt thì không thấy gì rõ ràng, nhắm mắt lại thấy rõ mồn một. Thì ra người ta nhìn thấy sự đời không chỉ bằng mắt mà còn bằng não, mắt chỉ là tấm gương phản chiếu.

Mỹ Dung lúc nào cũng hồng hào rừng rực, cặp mắt mỗi lần chiếu vào mắt ai như đốt cháy người ta. Khi đứng gần Mỹ Dung, Tuất nhận ra cô ấy thở gấp gáp như có sự thôi thúc tự đáy lòng. Còn bắp tay, bắp chân thì chao ơi, tròn lẵn. Lần đầu tiên hai người gần nhau, Tuất đứng đực ra như phổng, Mỹ Dung nhìn như thôi miên Tuất và hỏi:

- Anh làm sao thế?

Tuất ú ớ như mơ ngủ:

- Ơ…A…Không. Không sao cả.

Mỹ Dung cười làm phả làn hơi nóng hổi vào mắt Tuất.

- Không sao! Người ta bảo “Thủ trưởng nhìn em thủ trưởng cười”, đằng này thủ trưởng nhìn em lại mụ đi như mất hồn. Nào, thú nhận đi.

- Ơ..Cô bảo tôi thú nhận cái gì?

Tuất là người đàn ông bợm gái, thế mà đứng trước Mỹ Dung lại trở nên đần độn. Nhan sắc và sức quyến rũ táo tợn của đàn bà ai bảo không có uy lực. Mặt khác, Mỹ Dung không phải là những cô gái mới lớn còn lớ ngớ. Cô ta sẵn sàng nhìn vào mắt Tuất mà không e lệ, như thách thức.

                        - Còn hỏi…Anh sợ em à? Nào, ngoan...

                        Mỹ Dung sán lại hôn lên má Tuất, Tuất thấy trong người như vỡ ra. Tất cả mọi bộ phận cơ thể đều run rẩy…

                        - Nào, có gì cần ký duyệt cô đưa đây.

                        - Không, lúc này anh không duyệt được. Khi khác.

                        Mỹ Dung hôn lên má Tuất một lần nữa rồi quay ra, đi thẳng về phòng mình, không một lần ngoái lại. Tuất ngồi phịch xuống ghế, tay chân bủn rủn. Chiều hôm ấy Tuất không thể dậy làm việc, anh nói với mọi người: Hình như tôi bị cảm. Tay kỹ sư cuống lên, lúc này mà trưởng ban ốm thì lỡ hết mọi việc. Mỹ Dung bảo: Bác ấy bị cảm đấy, để tôi cho bác ấy một liều thuốc là khỏi ngay. Mọi người nhìn Mỹ Dung nghi ngại, nhưng thấy cô ta nói với thái độ nghiêm chỉnh, mở túi xách lấy thuốc thì ai nấy đều yên tâm. Chỉ mười viên “bê một”, năm viên C, cho vào cốc nước với vài thìa đường khoắng nhẹ cho hòa tan, cô cầm đến phòng trưởng ban kiến thiết.

                        Tuất đắp chăn đơn ngang ngực, nằm duỗi thẳng hai chân, hai tay khoanh quá đầu, mắt nhắm lại thiêm thiếp như ngủ, Mỹ Dung kéo ghế đến bên giường, không lay gọi mà nói nhỏ vào tai Tuất:

                        - Nào, uống thuốc là khỏi ngay thôi ông anh ơi!...

                        Tuất mở mắt nhìn Mỹ Dung. Không hiểu sao hai giọt nước mắt lại trào ra. Tuất đỡ cốc nước đưa lên miệng. Khi trả cái cốc cho Mỹ Dung, Tuất nhìn cô như biết ơn.

                        - Người như thế mà yếu bóng vía. Thương anh quá.

                        Mỹ Dung cúi xuống đặt cái hôn vào môi Tuất như chỉ lướt qua rồi đứng lên đi ra. Đến cửa, Mỹ Dung quay lại nói trong nụ cười hút hồn: “Khỏe rồi đấy, dậy đi.”.

                        Đừng vội ghép cho Mỹ Dung cái tội lẳng lơ, mồi chài để kiếm chác. Chồng cô ta cũng vào loại danh giá, phó giám đốc Sở Tài chính chứ non kém gì. Nhưng cũng phải công bằng mà nói, nhờ cô ta mà anh ấy từ một phó trưởng phòng, nhảy một phát lên phó giám đốc Sở. Mỹ Dung không lang chạ, cô ta chỉ “bập” vào người nào mà cô ta thích, thực sự là đàn ông, thực sự đáp ứng được cái mà cô ta muốn hoặc là cô ta cần người ấy, thế thôi. Tuất là người đàn ông đúng như Mỹ Dung chọn lựa. Khi hai người thực sự “thuộc về nhau”, Mỹ Dung nêu ra một cam kết: Không được vì gian díu với nhau mà gây rối loạn cuộc sống gia đình, nhất là tình vợ chồng của mỗi người, nếu không sẽ bị “cắt cầu”. Mỹ Dung thực hiện điều này đã thành nề nếp từ khi có chồng đến nay, quan hệ với người đàn ông nào đó xong là xong, về nhà đâu vẫn vào đấy. Khi có mâu thuẫn với tình riêng và nghĩa vụ gia đình bao giờ Mỹ Dung cũng dành cho gia đình trước. Có lần Tuất hẹn Mỹ Dung dành trọn ngày nghỉ để được sống với nhau ở một thị xã nghỉ mát. Đôi bên đã thỏa thuận và thu xếp xong, nói thác với gia đình là đi tiếp khách. Song ngày ấy, chồng Mỹ Dung có bạn cố tri đến chơi, cô đã hủy chuyến đi với Tuất. Bởi thế, Dung “trót lọt” được mọi vụ quan hệ bất chính mà người chồng không một mảy may nghi ngờ. Nhưng với Tuất lại khác, cũng đã thành nề nếp là không quan tâm gì đến người vợ và hai thằng con ở nhà quê, ngoại trừ lâu lâu ghé qua nhà đưa cho ba mẹ con một ít tiền. Vào cái dịp ấy Mỹ Dung có bầu, cô bảo Tuất: Của anh đấy. Tuất nghĩ: Thế thì chán bỏ mẹ, còn gì là khoái nữa.

                        Suy cho cùng, mọi mối quan hệ bất chính chẳng thể kéo dài được mãi, đến lúc nào đó họ sẽ chán nhau, trước hết là thằng đàn ông. Điều này đối với Tuất đã trở nên “cơm bữa”. Khi biết Mỹ Dung có mang, Tuất đã bắt mối với cô bồ nhí con bà chủ tiệm vàng Kim Long. Gọi là “bồ nhí” nhưng cô Kim Giang cũng ngoài tuổi băm, “phòng không” vì một cuộc hôn nhân dang dở, nhiều lần Tuất đến đây mua vàng, Kim Giang nhận thấy ông khách này có cặp mắt rất đa tình nên không bỏ lỡ thời cơ làm quen, làm thân và cùng nhau đi nghỉ qua đêm ở thị xã ven biển. Mấy tháng sau, Kim Giang thông báo với Tuất là đã có bầu và bảo “Dù là vợ bé, vợ không chính thức, em cũng chung thủy với anh đến hết đời. Chỉ mong sau này, khi về hưu anh ở với mẹ con em.”. Bà Kim Long gọi Tuất đến đe nẹt: “Việc đã vỡ lỡ như thế rồi, anh nghĩ thế nào? Con gái tôi không phải mớ rau, mớ cá, anh không thu xếp chu đáo, tôi buộc phải báo cáo với tổ chức”. Đến nước ấy Tuất không tiếc gì nữa, có đồng nào vơ vét được bỏ ra mua một ngôi nhà ở ngay mặt phố đứng tên Kim Giang vì lẽ Tuất chẳng dại gì lộ mặt mua ngôi nhà này cho một cô gái không chồng mà lại có con đến ở. Kể cả cái vụ tày trời này cũng trót lọt. Thực ra, không phải dễ bịt mắt thiên hạ, nhất là đối với Mỹ Dung, nhưng “dễ mình dễ ta”, Tuất không chặt chẽ với ai trong khối văn phòng xí nghiệp. Tuất cho rằng họ làm tốt công việc xí nghiệp là được, còn họ muốn làm gì ngoài công việc xí nghiệp là tùy họ, nếu sai đã có pháp luật, còn Mỹ Dung đã đến lúc “no xôi, chán chè”, cũng muốn dẫy ra cho thoát nợ nên lờ đi. Cũng phải nói là có người biết chuyện nhưng sợ. Có mấy người bép xép chuyện này chuyện khác của xí nghiệp đã bị đẩy đi nơi khác ngay. Tuất là con người vừa thoáng lại vừa cực đoan. Ai đụng đến anh ta thì bằng mọi cách trừng trị ngay làm cho người khác phát khiếp. Cán bộ, công nhân viên trong xí nghiệp nhớ đời về việc kỹ sư Kim phải rời xí nghiệp ngọt như bồ hòn. Sau một thời gian suy nghĩ rất kỹ Kim đến gặp Tuất, lúc ấy đã hết giờ làm việc buổi chiều, khi đã uống cạn ly nước Tuất đưa cho, Kim thủ thỉ nói:

                        - Em mới ra trường được ba năm, kết nạp Đảng chưa được công nhận chính thức. Em coi anh như anh cả trong gia đình xin báo cáo với anh những điều mà em rất lo lắng…

                        Tuất nghe rất chăm chú, rót nước, đưa thuốc lá mời Kim:

-…Gần đây trong xí nghiệp có một số người xì xào về chuyện sử dụng vốn vay của công nhân và mối quan hệ giữa anh với chị Dung.

Tuất trợn mắt hỏi tỏ ra rất ngạc nhiên:

- Thế à? Cảm ơn chú mày, không nói thì anh cũng biết. Tốt lắm, cám ơn chú. Nhưng những ai xì xào về chuyện này?

- Anh biết thế là được, nếu có vấn đề gì khắc phục, không có thì cũng phải cảnh giác, anh em công nhân viên thấy hiện tượng mà không rõ bản chất, anh cần biết họ là ai, làm gì.

Tuất gật đầu lia lịa, tỏ tán đồng và suy ngẫm:

- Ừ, chú mày nói rất phải. Anh cảm ơn. Từ nay, có điều gì anh em nói về anh, chú thông báo cho anh biết.

Ba tháng sau, Kim có quyết định điều động cho công trường xây dựng nhà máy giấy tận miền núi. Khi trao quyết đinh cho Kim Tuất nói: “Anh đã mấy lần đề nghị tỉnh cho chú ở lại nhà mà tỉnh không chịu vì cần một kỹ sư điện công nghiệp có năng lực mà tìm không ra. Thôi đành vậy, biết đâu lên đấy chú mày lại có cơ phất lên. Anh em mình lại có dịp gặp nhau. Bước đầu lên đấy chắc có nhiều khó khăn, anh có ít tiền chú cầm tạm.” Nói rồi, Tuất ứa nước mắt ra, Kim rất xúc động.

Nào ngờ, mãi sau này, một người bạn của Kim ở Ban tổ chức chính quyền mới cho biết: Tuất  yêu cầu tổ chức điều kỹ sư Kim đi vì xí nghiệp không cần kỹ sư điện, không phải một lần mà ba lần Tuất yêu cầu tổ chức như vậy. Thế mới biết là lòng người khó lường.

Nhưng có một chuyện không may đã xảy ra với người kỹ sư trẻ ấy.

Cũng từ sự không may ấy mà người trong xí nghiệp mới hiểu hết dã tâm của lão Tuất. Người kỹ sư trẻ ấy vì say mê làm việc suốt ngày đêm, lại ở miền núi xa xôi, cuộc sống kham khổ, anh bị sốt rét ác tính. Bệnh viện ở xa, trạm y tế công trường chủ quan, người kỹ sư trẻ ấy đã chết ở tuổi hai mươi tám, chưa kịp có người yêu, chưa kịp giáp mặt lão Tuất lần cuối cùng.

                        Mọi chuyện đến lúc bung ra thì phải bung ra. Bắt đầu từ công việc làm ăn trong xí nghiệp bị vỡ lở. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được kể cả trong nước đừng nói là xuất khẩu. Công nhân phải nghỉ việc. Nợ ngân hàng chồng chất. Nhiều gia đình công nhân khiếu kiện là Xí nghiệp giày xuất khẩu lừa họ. Thanh tra Nhà nước, công an kinh tế phải nhảy vào. Tuy vậy, vụ kiểm tra kéo dài hơn một năm, mãi sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tuất bị loại khỏi Ban chấp hành mới hoàn tất hồ sơ vụ án. Tuất lĩnh tám năm tù giam, mấy cuốn sổ gửi tiền ngân hàng bị thu giữ để thi hành án. Mỹ Dung bị ba năm vào nhà đá bóc lịch. Họ xa nhau từ đấy. Ngày xảy ra vụ án, đứa con gái hai tuổi của Tuất và Kim Giang sốt cao đột ngột, đưa xuống khoa nhi bệnh viện tỉnh, hai giờ sau thì mất, Tuất không hề biết.

                        Ngày Tuất được trả lại tự do, nơi Tuất đến đầu tiên là Kim Giang. Nơi đấy đã có một người đàn ông khác đến thế chân. Tuất không có tư cách gì để nói mình là chủ của ngôi nhà này. Tìm đến Mỹ Dung, thì cô ta đã là chủ của một cửa hàng điện lạnh to nhất thành phố. Mỹ Dung từ chối không gặp Tuất. Tuất lủi thủi cắp cái túi quần áo nhẹ tênh thất thểu trên đường phố như một kẻ xa lạ, nước mắt trào ra. Đến bờ hồ Máy Đèn, Tuất đang ngần ngại chưa biết đi đâu vì trong túi không còn đồng nào. Một người đi xe máy áp sát vào bên người Tuất chìa ra gói giấy và nói: Có người gửi cho ông cái này. Nói xong người ấy lao xe đi ngay. Tuất mở gói giấy thì thấy đó là những tờ giấy bạc năm mươi ngàn đồng. Thôi cũng đành! Không còn cách nào khác, Tuất khăn gói muốn trở về quê. Nhà trống huơ trống hoác, có cái gì đáng tiền đã bị cơ quan tư pháp thu giữ để thi hành án. Đứa con lớn lấy vợ, làm nhà ở nơi khác, đứa con nhỏ vào Tây Nguyên làm thuê, bà vợ già thui thủi ở một mình. Tuất về nhà ngày trước, ngày sau thằng con cả đến kéo mẹ đi để ngôi nhà của tổ tiên lại cho Tuất ở. Từ một người lúc nào cũng có bao kẻ bâu quanh luôn miệng thưa anh, báo cáo thủ trưởng, đến cuối đời Tuất trở thành cô đơn.

                        “Không lẽ Ngọc Bé là con Mỹ Dung”. Lão ta nằm đấy và luôn miệng hỏi như vậy. Con Kim Giang mất dạy không nói làm gì. Suốt năm năm lão ngồi trong trại giam chưa một lần hắn đến thăm. Mỹ Dung lĩnh án tù ba năm, nhưng chỉ hai năm đã ra trại vì cải tạo tốt và thi hành án đầy đủ. Hồi còn trong trại, mỗi lần gia đình tiếp tế, Dung đều đưa cho Tuất một ít. Ngày Tuất ra trại, Dung không tiếp nhưng còn cho người đưa cho lão một ít tiền. Dù sao Mỹ Dung vẫn còn có cái tình đối với lão. Còn vợ con lão? Bà ấy già yếu, suốt đời chưa bao giờ đặt chân lên thành phố, không nói làm gì, hai thằng con coi như không có lão. Trách chúng nó làm sao được, đã bao giờ lão cho chúng nó ăn học, việc làm đâu, đã bao giờ các con lão được ngồi trò chuyện với lão đâu. Mỗi lần ghé qua nhà đưa cho vợ ít tiền chẳng khác gì bố thí. Làm sao chúng có thể yêu thương lão đúng với cái nghĩa cha con? Đã thế, cuối đời lão lại còn bôi đen bản lý lịch của chúng. Thằng nhỏ nhục quá, không chịu nổi phải bỏ vào Tây Nguyên, tránh mặt dân làng. Vợ lão giận lão lắm, nhưng nghĩ đến tình chồng nghĩa vợ, cứ dăm bảy ngày bà lại xách đến cho lão mười lăm bò gạo rồi lẳng lặng về nhà thằng cả. Có lần lão cầm tay bà năn nỉ: “Tôi có tội với bà, với các con, xin bà tha cho tôi, bà ở lại đây với tôi, ông bà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”. Bà nhìn thẳng vào mắt lão nói rành rẽ: “Cả đời ông có cần đến mẹ con tôi đâu, bây giờ vợ chồng nó bận làm ăn, tôi phải trông coi các cháu cho nó. Ông liệu mà sống cho đến trót đời”. Nói rồi bà đi thẳng. Đến lúc này ông mới thấm cái nghĩa gia đình và cũng mới hiểu gia đình là gì.

                        Lão Tuất nằm đấy, cái đầu ong ong mà vẫn tự vấn: Ngọc Bé có phải là con mình không? Hảnh tự đưa nó đến đây hay Mỹ Dung bố trí cho nó được thấy cha nó một lần? Lão định ngồi dậy mà cứ như ai níu lại. Lão định sẽ lên thành phố gặp Mỹ Dung hỏi cho ra nhẽ. Nhưng lạ quá, sao vùng ngực của lão lại đau đớn đến ngạt thở thế này. Không lẽ…

                        Đúng vào cái lúc lão và bọn Hảnh chén chú chén anh vui vẻ, vợ lão xách túi gạo đến. Thấy có xe ô tô đậu ở ngoài cổng, trong nhà đang ồn ào vui vẻ, bà đành phải xách túi gạo lùi ra. Mãi đến chiều muộn, các con đi làm về, bà nói với chúng nó: “Mẹ đem cho bố mày ít gạo”. Thằng cả không nói gì, vợ nó bảo: “Có chai mắm con mới mua, mẹ đem sang cho bố luôn”. Thấy con trai không nói gì, bà vào bếp cầm chai mắm tất tưởi bước ra ngõ. Con trai bà lúc ấy mới lên tiếng: “Mẹ nhanh nhanh mà về không có các cháu lại phải chờ cơm.”

                        Nhà thằng cả ở cuối làng, nơi hợp tác xã mới cắt ra mấy mẫu đất cấp cho các gia đình san hộ. Nhà lão Tuất ở giữa làng. Cùng làng nhưng đi vòng vèo cũng gần một cây số. Không hiểu sao bà thấy trong lòng cồn cào, bà đi như chạy, chỉ sợ dân làng có ai trong thấy họ lại cười cho. Trời chưa tối hẳn, nhưng đường làng cây cối um tùm nên tranh tối tranh sáng, bà vấp lên vấp xuống mấy lần mà chẳng kịp xem có việc gì không, vẫn hối hả bước.

                        Về đến đầu ngõ, bà dừng lại để thở và lấy lại bình tĩnh trước khi đối mặt với ông ấy. Dù trong lòng thế nào, khi đã đến đây giáp mặt chồng bà đều tỏ ra lạnh nhạt như việc bà đến đây là một sự thương hại mà thôi. Bà dùng cánh tay áo lau mồ hôi trên mặt, hít sâu mấy lần rồi thở ra cho nhẹ lồng ngực, con tim không đập thình thịch nữa. Hai hàng chè mạn trong ngõ lâu nay không người cắt tỉa, ngọn tua tủa dựng lên che khuất đầu người. Bà có đứng đây hàng tiếng đồng hồ lão Tuất ở trong nhà cũng không thể thấy. Khi đã lấy lại bình tĩnh, bà mới đi vào sân. Im ắng như nhà hoang. Bà không lên tiếng gọi. Nhà ở hướng đông, bóng nhà, bóng cây đổ xuống che hết ánh hoàng hôn, vừa đến trước nhà bà vội lùi lại, lão Tuất nằm bất động, người ở trên vỉa hè, chân ở dưới sân. Bà nghĩ thầm trong bụng: Nốc cho lắm vào! Đi thẳng vào trong nhà bà đổ túi gạo vào cái thùng sắt tây đã trống rỗng. Tiếng gạo kêu lao xao. Bà cố ý giũ cái túi kêu đến phật một tiếng thật to. Nhưng lạ chưa, chồng bà vẫn không nhúc nhích. Quay ra, đứng sát chỗ chồng nằm, bà nói: “Tôi đổ gạo vào thùng rồi đấy”. Lão vẫn thiêm thiếp. Bà cảm thấy như có điều gì không lành, cúi xuống lay người lão, nhưng tay lão rất lạnh, nhìn vào mặt, một dòng máu rỉ ra ở mép. Bà hô hoán gọi lân bang hàng xóm đến.

                        Bà gục xuống ngực chồng nức nở: “Ôi, ông ơi vì đâu mà khổ thế này?”. Sau ngày sinh thằng con thứ hai, nay nó đã hai mươi ba tuổi, đây là lần đầu bà được gần chồng, nhưng con tim chồng đã nguội. “Ối ông ơi, vì đâu mà khổ thế này?”. Ngày đã tàn, đêm đổ ập xuống.

T.H

Trần Hiệp
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 86 tháng 11/2001

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/07

25° - 27°

Mưa

04/07

24° - 26°

Mưa

05/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground