Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vẻ đẹp

 

T

rên đường ra trận, đơn vị của Tiến nghỉ lại trong một cái thôn nhỏ. Thôn có cái tên nghe ngọt ngào đáo để: thôn Cam Đường. Phía sau thôn Cam Đường có dòng sông xanh biếc - gọi là sông nhưng kỳ thực nó còn mang nhiều dáng dấp của một con suối lớn - chảy len giữa những vỉa sỏi trắng, khóm nứa tép và bãi lau cờ. Sát bên con sông ấy là nhà mẹ Triêm. Khẩu đội ĐK của Tiến ở trong nhà mẹ. O con gái lớn của mẹ tên là Sen. O Sen có dáng người dong dỏng cao. O có đôi mắt nhỏ, hai đường lông mày thoáng trông như nét vẽ cong vòng hết hai đuôi mắt. Và cái sống mũi thẳng, nhỏ trong nghịch ngợm. O Sen có tiếng là thạo bơi bè kéo tôm trên sông vào loại nhất nhì thôn Cam này.

Bà con cả thôn Cam cũng như O Sen, không ai nói ra nhưng đều có cái nhạy cảm “đặc biệt” – cái nhạy cảm ở “vùng cửa ngõ”, nên đều biết rõ đây là đoàn quân sắp ra trận.. Ai cũng sốt sắng muốn mình làm được việc gì để giúp anh em, gọi là tấm lòng thơm thảo của người phía sau. Mẹ Triêm bảo: “...Đây gần sông, rộng rãi, sẵn con cá, lá rau mình chăm chút anh em cho bõ những ngày sau anh em chịu kham, chịu khổ nơi mũi tên hòn đạn...”. Còn O Sen thì thích thú với việc thêu giúp anh em cái phiên hiệu của đơn vị lên mép túi áo và tên người vào gấu áo. Làm việc đó đáng ra dùng loại chỉ nào chả được, bởi mai kia khói đạn, đất bùn ở chiến hào lấm láp đi thôi. Nhưng O Sen thì nghĩ khác, O chọn chỉ bền màu và thêu thật đẹp, thật tròn nét, O xem việc đó như một thứ trang điểm, một vẻ đẹp, vẻ làm duyên cho anh em. Ấy, cũng do cái việc O Sen thêu tên vào áo đó mà khẩu đội trưởng Tiến đã tròn một buổi cứ đỏ mặt tía tai lên với anh em. Chả là khi thêu tên Tiến vào áo, không biết O Sen có thâm ý gì không mà O chọn loại chỉ khác màu. O lại không thêu dấu mà thêm hai chữ “e” trước chữ “n” và thêu một chữ “S” in thật sắc nét vào sau cùng. “Sự kiện” đó làm cho cả khẩu đội ĐK cứ thầm thì, nhấm nháy nhau. Chiến sĩ Sang vốn đã được anh em tặng cho sáu chữ “Mồm cá chép, mép ông Sang”, chả ý tứ quái gì cả, cứ bô bô:

- Thâm thuý quá! “Đất sỏi mà có chạch vàng” đó các cậu ơi! Chỉ màu xanh da trời, đúng là màu hi vọng, lại thêu tên cả hai người liền nhau nữa mới “tình củm” làm sao! Còn hai chữ “e” trong đến mềm mềm là, cứ như đang “tẽn tò” đứng bên nhau. Các cậu có biết không “e-em-mờ-em đó, eo ơi!”

Khẩu đội trưởng Tiến lại càng đỏ gay mặt lên, hai tay anh hệt như hai cánh hoa bông bụt. Mấy lần anh toan dùng mũi dao găm gẩy đứt chữ “S” đi cho xong. Nhưng anh em đều can lại: “Ai lại làm thế, phụ lòng người ta...”

Thực tình mà nói, thâm tâm anh khẩu đội trưởng chưa hề nghĩ đến những chuyện đâu đâu ấy. Nhưng - Ấy, ở đời lại có chữ “nhưng” kia chứ - Đôi lúc rỗi rãi, hình ảnh O Sen có những cử chỉ ngúng nguẩy, nhưng là cái ngúng nguẩy dễ mến, dễ nhớ; có giọng nói mà cậu Sang bảo là “khá nhiều chất mỳ chính” đã len vào chiếm nơi ẩn náu trong lòng anh!

Biết chuyện đã vỡ lỡ, O Sen đâm khó xử. O lúng ta lúng túng phân trần với anh em:

- Nó phải như rứa mô, em thêu hai chữ “e” là để thay cho chữ “ê”, còn chữ “S” là để thay dấu sắc đó!

- Phải rồi, phải rồi, tôi đã hiểu rõ “cái tổ con chuồn chuồn” nó ở đâu rồi mà! - Sang nháy mắt với anh em, rồi liếm mép tinh nghịch - O Sen nỏ có bụng dạ như rứa mô! (Anh uốn tiếng nói theo giọng địa phương) O thêu chữ “S” là thêu tên tôi đó. Bởi tôi là Sang, đồng chí Minh Sang lao đạn mà, ở cùng khẩu đội trưởng Tiến lâu, lại thân nhau lắm nhưng không cắn nhau đau, nên O thêu hai chữ liền nhau để chúng tôi thêm gắn bó đó mà. Thế là vui đáo để!

Cả khẩu đội cười ran nhà. Sang còn tán phễu thêm vào nữa làm cho anh em cứ ôm nồng súng mà cười. Cả khẩu đội ĐK này ai cũng bảo: “Có Sang không khí thêm ấm cúng, thêm vui!”. Đi đâu về chỉ mới xa ngót buổi, Sang cũng “thết” anh em được vài câu chuyện vui. Cậu ta kể có duyên, chi tiết sống cứ nảy tanh tách. Có khi biết tỏng tòng tong là cậu ta khịa ra nhưng nghe cứ thấy như thật, anh em cứ ôm lấy nòng súng, vịn lấy hòm đạn mà cười. Và lúc nào cũng vậy, cuối buổi “thết” đó, Sang chiết miệng bằng câu: “Thế là vui đáo để!”. Lúc này O Sen lườm Sang một cái rõ dài rồi cười nụ. O bỏ đi. Cái chuôi tóc dày, mượt óng có chiếc khăn tay in hoa buộc ngang, bỏ lửng cứ đung đưa trên tấm lưng mềm như tàu lá mía uốn cong, cũng đang ngúng nguẩy, nghịch ngợm.

- Cái nhà anh Sang “họ Trần” này chỉ đến là quấy!

- Ái chà, thấy chưa, nồng nàn chưa?

Sang đứng ngây ra như nòng súng vừa lau dầu. Và, cả khẩu đội cũng ngớ ra, chẳng ai ngờ Sen lại hóm và “nồng nàn” đến nước ấy! cũng từ hôm đó, Sang lém nhà ta được mang thêm cái họ “Trần”. Chả là Sang hay cởi trần lắm, lau súng cởi trần, vác gạo cởi trần, đào hầm, chuyển đạn cởi trần, đi cày, lợp nhà, trát vách… giúp dân cũng đều phơi cái lưng trùng trục, vạm như tấm phản gụ. Có ai nhắc, Sang chỉ tặc lưỡi: “Mình vốn là họ nội với cá biển nên lắm mồ hôi muối, mặc vào chỉ tổ làm áo phai màu, bở vai…”.

Đứng giữa mà nói thì mối quen biết giữa O Sen và anh khẩu đội trưởng nhà ta rõ là chưa “có ỳ, có hẹ” gì cả. Song nhiều lúc, Sen thấy mình mên mến anh. Sen cảm thấy cái tính cái tình anh hay hay, dìu dịu. Lúc vắng anh, Sen nhơ nhớ những chi tiết nhỏ trên khuôn mặt anh. Chẳng hạn như mái tóc anh cắt ngắn ít khi chải chuốt mà nom vẫn đẹp, vẫn khoẻ; cái miệng cười của anh nho nhỏ, hiền hiền; cái tiếng anh nói âm ấm, thủ thỉ làm sao!...Đi làm chưa ngót buổi Sen đã trông về để mong gặp anh, dù là chào, hỏi anh một câu chẳng đâu vào đâu, Sen cũng thỏa. Sen cười thầm: “Khỉ thật, không biết thế có phải như các cụ nói là say lòng mặt không?”.Còn cái chuyện thêu chữ vào áo thì của đáng tội, Sen không “thâm nho” đến thế. Nhưng, tâm ý O cũng muốn rằng, muốn làm sao thật kín đáo để lại một cái gì đó có sự ràng rịt nho nhỏ cho anh, và mong anh biết cho cái điều ấy. Thế thôi! Nên từ sợi chỉ, đường kim, thêu cho anh khẩu đội trưởng nhà ta cũng có phần khang khác với anh em.

Chiều hôm sau cả khẩu đội đang lau súng, O Sen đi học bổ túc về, không biết có chuyện gì mà O cứ thập thà thập thò liếc nhìn vào chỗ anh em. Vốn là “mắt con trai” Sang “họ trần” nháy cả khẩu đội, và “a hèm” một cái to tướng. Chột dạ, nhưng cũng nhân cái cớ đó, Sen thổ lộ ngay điều muốn nói:

- Bữa ni thầy ra bài văn khó ơi là khó. Em xin thầy gợi ý cho, thầy nói nhà O đang có nhiều thầy ở, Sen về nhờ các thầy gợi ý giúp. Các anh giúp em với nhá!

Sang để chững cái giẻ lau trên viên đạn đồng:

- À ra vậy! O xem lính pháo chúng tôi, sáng lau sương, chiều lau bụi, trưa cặm cụi lau đạn. Với nữa, toàn “ăn bát bê năm hai, bước chân sai tạo độ!” thì gợi ý làm sao được cái bài văn khó. Trong anh em chúng tôi đây, lấy máy ngắm mà soi may ra chỉ có “ông Tiến Năm trăm” mới gợi nổi!

Khẩu đội trưởng Tiến đang xem lại cái máy ngắm, nghe vậy mà tai cũng đã tía lên rồi. Tiến thì chả bẻm mép như Sang “họ trần” thế nhưng trong khẩu đội giữa hai người cứ hợp tính hợp tình nhau như son hòa chung đĩa. Chính cái tên “Tiến Năm trăm” là Sang đặt cho anh từ năm ngoái, năm đơn vị đánh cao điểm Năm trăm diệt bọn lính “Cọp đen”. Khi ở lại chốt giữ, Tiến đã dùng khẩu ĐK này bắn tỉa. Anh chỉ nã hai phát xơi ngon hai chuồn chuồn Mỹ xuống nhặt xác ngụy. Tiến được thưởng những hai huân chương chiến công cơ đấy. Thế mà khi nhà báo nói anh kể lại trận đánh, anh cứ ngượng nghịu đỏ nhừ tai ngồi im ỉm.

Hồi đó, Sang “họ trần” có ý nghĩ hài hước rồi nói tướng lên cho cả khẩu đội biết: “Đáng lẽ tôi cũng được khen thưởng và được nhà báo hỏi đến mới phải vì tôi đã tìm ra cho khẩu đội trưởng ta một cái tên gắn với chiến công của anh”: “Tiến Năm trăm”. Từ ấy, cả khẩu đội, rồi cả “xê” cứ gọi Tiến như thế.

Thấy Tiến cứ im như viên đạn chưa lắp liều nổ, Sang “họ trần” lại nháy con mắt nghịch ngợm với Đến, với Hùng:

- Thế nào, ông “Tiến Năm trăm” có gợi ý giúp O Sen cái bài văn không?

- Em thấy nỏ riêng anh Tiến mô, các anh đều dư tài. Em đã biết hết rồi!

- Biết gì nào?

- Anh mô cũng học lớp “chẵn chục” cả. Anh mô cũng khéo tay, giúp dân việc chi cũng được bà con khen hết ý. Quê em, những “người mẫu” như rứa được coi là có hoa tay đó!

Sang “họ trần” cười:

- Nhầm mục tiêu rồi. O Sen ạ! Chúng tôi anh nào cũng có đủ mười, đúng là mười hoa chân tròn vành vạnh cả. Sao, O không hiểu à? Có hoa chân thì chúng tôi mới được gọi là “chân đồng vai sắt” chứ! Vác pháo nặng này, đi mỗi bước đất rừng làm cho người tăng chiều cao, tăng cân nặng này, lấy gậy làm mắt lần đường này. Thế mà cánh này vẫn xem khinh dốc Trường Sơn. Thế đó, O Sen ạ!

- Thì O đọc đầu đề thử nào?

- Im, khẩu đội trưởng “phát hỏa” bằng viên đạn vạch đường anh em ơi!

- Em đọc nhá! “Các bạn hãy phân tích những vẻ đẹp hào hùng của anh chiến sĩ Quân giải phóng trong chiến đấu…”.

- Văn nghị luận lớp “chẵn chục” rồi! “Có khuya” cánh này mới nhá nổi!.

- Hôm nào thì O nộp bài!

- Tối thứ năm. Các anh bày giúp em với!

- Còn những ba ngày nữa kia mà, để chúng tôi bàn đã rồi nói với. Thế cũng như anh em lính pháo chúng tôi được học một bài văn vậy!

- Ứ, ừ… các anh chỉ khéo giả đò!

- Mà O Sen ơi, phải “nghị luận” ở đâu cho xa, O cứ “nghị luận” ngay chuyện ở cái khẩu đội này này. Cũng khối vẻ đẹp nên nghị luận ra đấy! Chuyện ông “Tiến Năm trăm” đó, chuyện ông Đến vác nòng súng đỏ rực cho chúng tôi “quay” xe tăng Mỹ…O cứ nấu nồi nước chè xanh thật sánh vào, tôi kể cho một ngày còn thòm thèm…Thế là vui đáo để!

*  *  *

Ngày hôm sau đơn vị được lệnh đi chiến đấu. Tiến, Sang và cả khẩu đội ĐK, có điều băn khoăn là chưa giúp được O Sen làm bài văn cho đến đầu đến đũa. Chuyện đó trở thành một đầu đề tán vui, ví von tinh nghịch “có nước, có cái” cho cánh lính trẻ, làm thêm vui bước hành quân.

Vào chiến dịch, khẩu đội ĐK của “Tiến Năm trăm” đi với một phân đội xung kích. Phân đội đó đánh chiếm cái thôn nhỏ bên bờ nam sông Hiếu để binh đoàn làm bàn đạp tiến công. Như thế một vấn đề đã đặt ra: Xung kích nhất thiết phải vượt sông đúng giờ.

Dò được ý đồ của ta, địch chống đỡ lại bằng thủ đoạn “ngoài sóng thần, trong co cụm”. Chúng cho máy bay đánh bom sập cầu. Các trận địa pháo và cả pháo tăng vãi đạn dày đặc bên bờ và trên mặt sông Hiếu để chặn bước quân ta sang sông. Song mối đe dọa trực tiếp cho xung kích là cái lô cốt án ngữ đầu cầu. Ở đó, những ổ đại liên và súng 12,7 mi-li-mét bắn như găm đạn vào từng tấc đất, từng lá cây bên bờ bắc.

Trong phút ác liệt ấy, khẩu đội ĐK của Tiến được lệnh vòng lên phía trên để sang sông, dập tắt các hỏa điểm ở lô cốt. Tiến nằm sau mô đất ôm chặt nòng ĐK. Anh dán mắt vào dòng sông bị khuấy lên, sôi động, đỏ ngầu. Pháo chơm, pháo bầy nổ mảnh chụp xuống rải trên sông như từng trận mưa sắt thép. Bom nổ “ùng…ục…” hút đáy sông dựng lên những cột nước màu gạch cua cao ngất rồi đổ xuống nghe ào ào như thác dội. Đạn bắn thẳng đuổi nhau thia lia trên mặt sông, xé nước…

- Vượt sông!

- Anh Tiến, vượt bằng…

- Chuối, làm bè chuối! Nhanh!

Sang đã nghĩ ra, Sang nhìn Tiến, cái nhìn như thêm khẳng định một ý nghĩ từ lâu đã nhen nhóm trong anh: “Tiến hiền và đằm như con thuyền đánh cá ở quê anh. Nhưng chính con thuyền đó đã xem khinh sóng bão. Và, giữa lúc sóng bão dữ dằn nó mới thể hiện được sức vóc, thể hiện được cốt cách đáng yêu. Chả thế mà cả cái “xê” một này khi nhắc đến khẩu đội trưởng Tiến, ai cũng gật đầu: Ông ấy là dân đánh cá biển chính cống, nên sự gan góc nơi lượn quăng sóng ném đã chai dạn như con cá có sạn trong đầu rồi. Ông ấy tẩm ngẩm mà đấm chết voi đó…”.

Chiếc bè được kết xong. Súng đạn chất lên nặng nề nom gióng con cua khổng lồ. Các pháo thủ bơi xung quanh như những cái chân chèo đưa “cua” đi. Mặt sông bị bom, tạo nên những vùng nước xoáy, quẩn không ngớt. Chiếc bè nặng bị dềnh dàng, quay cuồng giữa các vùng sóng xoáy. Tiến đội nhành lá bơi phía đầu bè, anh luồn lách vào những khe trống giữa hai quả bom vừa nổ, lái bè đi. Khói, hơi nước trùm lấy dòng sông. Mù mịt. Rác cỏ, xác trâu, bò, lợn với xác lính ngụy chương phềnh trôi lều bều ra phía Cửa Việt.

Vào bờ, Tiến cho khẩu đội chiếm lĩnh ngay lấy cái gờ đất cao sát mép nước. Sang “họ trần” chọn vài viên đạn khoan rồi cởi áo ra vắt khô, lau thật sạch.

Hai phát đạn mang đuôi lửa hình loa kèn phụt bung ngay đầu “con chó đen” gác cầu. Tiếng súng giặc đang gầm gừ, tắt ngấm trong chớp lửa.

Xung kích vượt sông. Giặc tung xe tăng ra cản đường. Chúng bắn về phía chớp lửa của khẩu đội ĐK. Một mảnh đạn lia ngang tiện đứt chân súng. Tiến chạy lại nâng nòng súng đặt lên vai:

- Bắn đi!

- Anh Tiến…

- Sang, bắn nữa đi!...

…Một chớp lửa lóa mắt. Tiến bỗng buốt lạnh ở chân. Và, trước mắt anh, nhiều vòng tròn xanh, đỏ quay cuồng, rối bời. Rồi lửa cháy bùng xung quanh. Đất dưới chân anh như sụt vào lơ lửng giữa khoảng không. Tiến khụy xuống. Một mảnh đạn phạt trúng chân phải anh. Ống chân anh chỉ còn một mảng da bùng nhùng dính vào đầu gối.

- Các cậu hộ mình tí, vướng quá!

Sang nhìn Đến, nhìn Hùng… Các pháo thủ nhìn nhau, nhìn khẩu đội trưởng rồi trào nước mắt. Sang rút dao găm, nhưng anh không thể đang tay… Sang cắt các thân áo trước của Tiến quấn thêm vào chân cho anh.

- Không giúp, thì mình làm, đỡ vướng!

- Anh Tiến!

....

Xung kích đã tràn sang.

Sang chạy lại phía bờ sông. Anh giơ mũ vẫy về bờ bên kia. Lập tức bên ấy có người vẫy mũ lại. Một chiếc bè chuối được đẩy xuống nước. Một O dân công hoả tuyến lao theo vừa bơi vừa lái bè sang. Đến bờ, O quàng tấm vải dù hoa vào người rồi chạy đến phía Sang. Sang cởi trần, lưng, ngực anh rám đen thuốc súng. Đến nơi, O đứng sững sờ, O vuốt nước chảy ròng trên mặt. O ríu lưỡi:

- Trời, anh Sang!

- O Sen!

- Anh Tiến và các anh...

- Anh Tiến bị thương, O đưa sang sông cấp cứu ngay nhé!

O Sen chạy lại đứng bên Tiến. O lau mồ hôi, bùn đất dính trên mặt Tiến:

- Anh Tiến, em đây. Anh có đau lắm không?

Tiến gật đầu nhè nhẹ.

- Anh có nhận ra em không.

- Có. Sen! O Sen.

Sắc mặt anh nhợt ra vì mất máu. Anh liếm đôi môi khô nẻ.

- Có đau, nhưng không đau lắm.

Sang nhìn Tiến. Anh muốn nói thêm với Sen vài điều về khẩu đội trưởng của mình. Giọng anh trầm lặng, khác thường:

- O Sen ạ! Lúc chúng tôi đang ngắm bắn chiếc tăng Mỹ thì chân súng bị gãy. Anh Tiến vác nòng cho tôi bắn. Anh ngã dúi xuống, nhưng anh trụ lại. Anh vẫn ghì chắc cái nòng thép đỏ trên vai. Đấy, O nhìn xem, vai anh bị giộp bỏng một mảng to thế đấy! Và, chúng tôi đã “quay sống” ba chiếc tăng kia...

- Thôi, Sang, chuyển súng lên với anh em đi! - Tiến giục.

Biết ý, Tiến chẳng bao giờ thích như thế, anh đã từng nói: “...Nhắc lại những việc tốt mình làm, hay chỉ thoáng nghĩ hay ho về mình là điều chả nên!” Sang không kể nữa.

Sen đã nhìn thấy cẳng chân để bên vỏ đạn. O kêu lên:

- Ôi, chân anh!...

- Vâng, chân tôi. Nhưng không sao.

Sen cúi xuống nhìn cái phần chân còn lại của Tiến quấn đầy băng và áo. O định quấn thêm mảnh vải nhựa vào để khi sang sông nước không ướt vết thương. Bỗng O dừng tay lại. O tròn mắt, sững sờ nhìn cái thân áo. Ôi, đó chính tay O đã thêu tên anh và vẫn nguyên cả chữ “S” sau cùng. Nhìn Tiến, giọng O Sen run lên. O cởi chiếc áo ngoài của mình trải rộng rồi hai tay nâng cái cẳng chân của anh để vào, gói lại.

- Anh, anh bị nặng thế chắc đau lắm!

- Tôi vẫn chịu được.

- Em sẽ đưa anh sang ngay trạm cấp cứu - O ngồi xuống, một tay ôm cái gói vào lòng - Anh cứ vịnh thật chặt hai vai em!.

Tiến ngoảnh lại nhìn Sang, nhìn Đến....Anh mắt anh hơi dại ra:

- Xung kích đã sang sông hết chưa? Đã chiếm thôn Tây chưa?

- Đang vào! Anh Tiến, anh nhìn kìa!

Tiến nhìn theo tay Sang chỉ. Trên bãi đất giặc làm vành đai trắng để ngăn cách thôn với bờ sông, tiểu đoàn trưởng có dáng người nhỏ và lẹ, tay cắp tiểu liên, tay phất cao cờ, dẫn đầu đoàn quân. Sau anh, lớp lớp chiến sĩ đạp lên hố bom, đạp lên dây kẽm gai, đạp lên xác xe, xác giặc, tràn lên. Bất giác trong ánh mắt của khẩu đội trưởng Tiến rực lên nét vui nừng. Tiến nhìn đến chỗ đặt súng, anh khẽ gật đầu: “Khẩu ĐK cũng được các cậu ấy mang lên theo, thế là tốt!” .

Sen cõng Tiến xuống bè và đưa anh sang sông. Rồi cô lại trở về cùng đội theo sát đoàn quân tiến vào những bờ sông phía trong. Từ đó, một ý nghĩ ấm áp và gần gũi về một vẻ đẹp cứ như lấp lánh giữa lòng Sen: “Vẻ đẹp của người chiến sĩ!”.

Sau chiến dịch, Sen trở về. Ngay chiều hôm đầu tiên, mẹ Triêm nói với con gái:

- Dạo mày mới đi được mấy bữa thì thầy giáo đưa đến cái tờ giấy, tao nghe lõm bõm như là cái bài “vẻ đẹp, vẻ đẹp” của mày ấy! Tao nhìn thấy có chữ đỏ, chữ xanh chen chúc, đoán chừng có việc hệ trọng. Tao cất kỹ cho mày dưới mấy thước vải hoa đó!

Sen vào mở rương lấy ra xem. O vừa đọc vừ mỉm cười.

- Cái chi mà mày cứ cười tủm cười tỉm hoài rứa con?

- Dạ, bài văn con làm bữa trước đó mẹ ạ! Dạo nớ, qua anh Sang, con chỉ mới biết loáng thoáng thế rồi viết loằng ngoằng cứ như dây lang quàng dây muống mà thầy cũng cho những ba điểm.(1) Giá như dạo ni thì...

- Ừ, dạo nớ tao thấy mày cứ như đứa mới nghe tiếng cồng mà dám reo lên đã được xem cả một đám rước. Thầy giáo cho rứa là hậu đó! Cứ như tao thì một rưỡi cũng không đắt. Giờ mày đã đi đến nơi trận mạc về, trăm nghe không bằng một thấy con ạ, mày làm lại đi....

- Vâng. Con sẽ viết lại. Con cũng chỉ viết về khẩu đội anh Tiến...

 

         T.H.T

_____________

(1)Có thời bổ túc văn hoá cho điểm cao nhất là 5+, thấp nhất là 1-.

 
Trần Hữu Tòng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 171 tháng 12/2008

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground