Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vẹt ngực hồng

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Tháng trước thời tiết còn thất thường, nay nắng mai lạnh nên bà già cứ lần lữa mãi. Biết đâu thằng Cát về bất chợt, chăn chiếu cất đi thì nó ngủ bằng gì. Thằng Cát không chịu được mùi lạnh lẽo, ẩm mốc của đồ vật để lâu ngày. Một năm đôi lần đảo qua nhà, Cát đứng ngoài cửa khịt khịt mũi càm ràm nhà cửa gì cũ ngắt. Mùi dầu gió, bã trầu khiến Cát dị ứng. Cũng phải, đời Cát bôn ba đây đó khắp nơi, làm sao có thứ gì kịp cũ. Chỗ nằm hôm nay, mai đã kịp rời đi. Người nằm cạnh mình đêm qua, nay đã chẳng còn nhớ mặt. Cát không muốn dính líu, nhớ nhung gì với mảnh đất mình vừa mới rời đi. Cũng chẳng còn tha thiết nặng lòng, gắn bó với bất cứ ai. Đến cả căn nhà nơi từng chôn nắm rau cuống rốn của mình, Cát cũng ơ hờ lắm. Đấy là thiên hạ bảo thế chứ bà già chưa từng trách con mình. Dù thằng Cát ngày nào đã bước sang tuổi năm mươi. Lần gần nhất về nhà, tóc anh đã bạc như sương muối. Bà già giục anh đi nhuộm tóc biết đâu còn có người thương. Anh cười khùng khục rồi đổ vật ra chõng tre ngoài hiên ngáy ầm nhà. Anh quen ngủ ở những nơi thông thống gió trời. Hơn nửa đời người tay anh chưa từng khép cửa.

- Mẹ để cửa đó. Lỡ cha về.

Hồi bảy tuổi, tối nào Cát cũng dặn mẹ câu ấy. Kể cả những đêm mưa gió, Cát cũng không cho đóng cửa. Anh nói “mưa to gió lớn thế này nhỡ không có chỗ nào trú ngụ, chắc là cha sẽ chịu về nhà”. Cát ngồi nhìn mưa rơi lõm cả nền sân đất trước nhà rồi mệt quá ngủ gục đi lúc nào không biết. Lúc tỉnh dậy trời đã sáng, mưa đã tạnh, người không về, chỉ vệt lõm ở sân là vẫn còn nguyên đó. Hệt như vệt lõm trong trái tim bé nhỏ của đứa bé ngóng trông người cha đã bỏ nhà đi. Lúc ấy Cát hay hỏi bà vì sao cha bỏ đi? Bà đâu biết. Ông ấy bỏ đi vì một người đàn bà nào đó. Cũng có thể chỉ đơn giản là xứ này buồn quá, vô vị quá mà ông ấy chỉ thích nơi ồn ào, náo nhiệt. Biết giữ làm sao? Ngay cả khi ông vuốt đầu thằng nhỏ hứa: “Mai mốt cha về” thì nhìn cái quay lưng dứt khoát không một lần ngoảnh lại ấy bà già biết không có sự trở về nào cả. Lời hứa chỉ là để đứa trẻ yên lòng không chạy theo khóc lóc nắm níu tay chân. Mười tám tuổi thằng nhỏ năm xưa ngồi ở đầu hè bỗng nhiên cười khẩy nói: “Đúng là một cú lừa”. Từ đấy Cát không bao giờ đợi cửa…

Minh họa: Thanh Hoàng

Minh họa: Thanh Hoàng

Hai mươi tuổi thằng Cát bỏ nhà đi, bắt đầu cuộc đời lang bạt khi biết tin người con gái mình thương đã rời quê đi tìm miền đất hứa. Thiên hạ chép miệng bảo: “Thằng ấy giống cha. Bạc”. Bà già biết thật ra Cát bỏ đi vì không muốn mình cứ mãi là người ở lại, mãi là kẻ đợi chờ. Nhưng Cát đâu biết rằng kể từ khi anh đi, cửa nhà cũng không bao giờ đóng. Đêm khuya, tiếng lá khô bị gió thổi loạt xoạt ngoài sân, bà giật mình tưởng tiếng chân người. Có đêm, gió thổi cánh cửa va đập vào nhau, bà tỉnh giấc cất tiếng hỏi “Cát à?”. Cát không về vào những ngày mưa bão ủ ê như thế. Lúc ấy Cát đã say mềm trong một nhà trọ nào đó. Hoặc vạ vật đàn ca sáo nhị cùng tụi bạn sau giờ phơi mặt ở công trường. Cát sẽ về vào một ngày đẹp trời nào đó, lúc bà già đang lúi húi trồng mấy luống dưa leo, mấy hố bí gốc bầu để vừa ăn vừa bán. Cát nhìn quanh vườn thấy cây cối tươi tốt thì cười bảo:

- Xem ra vắng con, mẹ sống cũng không đến nỗi nào.

Quẳng cái cuốc xuống đất, hái vội nắm rau tập tàng, bà già hỏi:

-  Muốn ăn gì mẹ nấu?

-  Gì mà chẳng được. Cơm mẹ nấu độn khoai sắn cũng ngon.

-  Ngon mà bỏ nhà đi ăn cơm người miết.

- À thì…

Cát húp xì xụp một mạch mấy bát cơm chan với canh cua rồi nằm vật ra giường ngó lỗ hổng trên mái nhà nắng hắt vào le lói. Thằng Cát nghĩ mình tệ quá, để mẹ sống một mình dột nát thế này. Cát bật dậy, cơm chưa kịp tiêu đã trèo lên mái nhà giữa trưa nắng mà lợp lại ngói, quét hết đống lá xoài khô rụng đầy máng xối. Thiên hạ bảo “đúng trời đày, chờ râm mát mà làm thì đã sao?” Nhưng Cát vội lắm, thường sẽ đi ngay sau khi sửa lại cánh cửa bung bản lề, cái quạt điện liệt số, cột dây phơi lủng liểng. Tối đến bà sờ tới gối mới thấy Cát để lại ít tiền. Được cái trời thương, bà khoẻ mạnh chẳng mất đồng tiền thuốc thang nào. Rau trứng vườn nhà, chỉ một năm vài ba đám giỗ. Nên tiền Cát cho bà vẫn cất kỹ trong góc tủ, chờ sau này mua tặng con dâu chút vòng vàng cho có với người ta. Mà Cát cứ lông bông mãi liệu có người nào chịu thương không?

Lần gần nhất Cát về có mang theo một con vẹt ngực hồng. Con vẹt ngó nghiêng nhìn bà già, gật gật đầu như chào hỏi. Con vẹt sặc sỡ với bộ cánh xanh rêu, ngực màu hồng, chiếc mỏ màu cam nhạt. Cái mỏ của nó đáo để lắm, tẻ lạc, nhằn lúa còn nhanh hơn cả người chứ chẳng đùa. Cát dặn:

- Mẹ đừng có thò tay lại gần, cái giống này phũ lắm, nó mà mổ một cái thì tím cả tay.

- Nó biết nói không con?

- Mấy người ở chợ bảo chưa nghe nó nói bao giờ. Mấy lần lúc nửa tỉnh nửa mê con nghe như nó nói tiếng người. Nhưng mê hay tỉnh con cũng không rõ nữa. Chủ cũ của nó bán thịt lợn ở chợ, ngày nào cũng say xỉn. Nó theo chủ ra chợ nhảy lung tung từ hàng này qua hàng khác. Mấy tháng trước chủ nó mất, con vẹt bơ vơ giữa chợ, con mang nó về nuôi. Con xa nhà nay đây mai đó, nó theo con cũng tội. Thôi thì mang nó về làm bạn với mẹ thay con, chắc cũng đỡ buồn.

- Để nó ở nhà rồi ai làm bạn với con?

- Lo gì, bốn biển là nhà, bạn bè con ở khắp nơi. Nó ở đây tốt hơn, lang thang chốn chợ búa mưu sinh lại học thói ăn nói bậy bạ. Không hay!

Lúc Cát đi, con vẹt dường như cũng hiểu. Nó ngó nghiêng nhìn theo bóng lưng Cát khuất dần ngoài ngõ, miệng kêu lên mấy tiếng chói tai. Két! Két! Thỉnh thoảng tiếng kêu của nó khiến bà giật nảy mình. Nửa đêm, tiếng kêu đơn độc vọng vào không trung khiến bà càng thấy nhớ con hơn. Thức giấc bà ra ngồi cùng con vẹt, rủ rỉ tâm sự với nó đủ điều. Mày thấy cây mít trước nhà kia không? Ông nhà ta đã trồng nó năm thằng Cát mới ra đời. Hồi trước mít sai quả lắm, ăn không hết, thằng Cát thường trèo hái mang cho hàng xóm ba bề bốn bên. Mấy năm nay cây già cỗi đã ít quả dần. Đời cây cũng giống như đời người, cằn cỗi, già nua vẫn chiu chắt yêu thương, trái ngọt. Mà sao mấy hôm nay nóng thế nhỉ? Mày có thấy nóng không? Ngày xưa những ngày nóng nực thế này, bà thường ngồi quạt cho thằng Cát. Hồi ấy chưa có điện, gió trời mang cái nóng hầm hập ngộp cả thở. Mùa hè thằng Cát thích ăn cơm với mắm cà, húp thêm bát canh nữa là no kềnh càng. Nó dễ nuôi như bao nhiêu đứa trẻ khác trên dải đất nắng gió này. Nó cứ thế mà lớn lên, trong kẽ chân lúc nào cũng bám đầy những cát. Bởi vậy mà nó tên là Cát đấy mày có hiểu không? À mà mày thì làm sao hiểu được.

Con vẹt ngó nghiêng, gật gù như thể hiểu hết gan ruột của một người già. Sau đêm ấy bà trở bệnh cứ nằm ho một chỗ. Nghe tiếng con vẹt kêu ầm ĩ hồi lâu, lại chẳng thấy bóng dáng bà đâu nên hàng xóm ghé qua. Thấy bà ốm, hàng xóm tính gọi Cát mà bà không cho. Nồi cháo hàng xóm nấu từ sáng đến chiều vẫn còn nguyên. Bếp không nhóm lửa, cửa nhà lạnh ngắt. Con chó nhỏ nằm buồn thiu gác mõm lên vỉa sân, thỉnh thoảng nheo mắt nhìn con vẹt. Hàng xóm thấy vẫn cần phải gọi Cát về, kẻo nửa đêm trái gió trở trời bà đi lại ngã ra đó ai hay. Nhận được cuộc gọi Cát thu xếp về ngay. Chuyến xe cao tốc thả Cát xuống quê nhà lúc nửa đêm. Két! Két! Con vẹt chào đón chủ của mình bằng tiếng kêu mừng rỡ. Bà già mở mắt nhìn Cát hỏi “đói không con?”. Nhưng bà không thể dậy khỏi giường để nhóm lửa nấu món gì đó cho Cát như mọi khi nữa. Cát nhận ra mẹ mình yếu thật rồi. Anh ngồi bên dỗ mẹ ngủ thật lâu rồi lặng lẽ ra ngoài nhìn khu vườn trong ánh trăng mờ ảo. Cát nhận ra từ lúc anh đi hình như mẹ cũng không còn thói quen đóng cửa. Gió vì thế cứ thốc vào nhà. Gió lùng sục khắp xó xỉnh trong nhà cho đến khi bà già ho từng chặp từng chặp gió mới chịu đi.

Bà già cất giọng yếu ớt nhắc Cát vào trong nhà nằm không gió. Cát đặt lưng lên giường, thấy chăn chiếu vẫn còn thơm tho mùi nắng. Đêm quê yên ắng đến lạ thường, sau một ngày đi lại vất vả, Cát chìm vào giấc ngủ. Nhưng vừa thiếp đi không bao lâu anh nghe thấy tiếng gọi Cát ơi! Cát ơi!. Anh chạy sang buồng thấy mẹ vẫn nằm ngủ nên nghĩ mình mộng mị. Nhưng mấy đêm sau, tiếng gọi “Cát ơi!” vẫn vang lên thảng thốt giữa giấc ngủ chập chờn. Tỉnh giấc lần này anh không ngủ nữa mà nằm im nghe ngóng xung quanh. Khi tiếng “Cát ơi!” vang lên một lần nữa anh nhận ra đó là tiếng của con vẹt. Nó biết nói từ khi nào sao anh chưa từng nghe mẹ kể? Ngồi lặng yên trong đêm vắng lặng anh chợt hiểu ra gì đó, Cát úp mặt vào đôi bàn tay bám đầy vôi vữa của mình mà khóc. Có phải những đêm Cát xa nhà, mẹ vẫn thường thảng thốt gọi tên anh như thế? Tiếng gọi cất lên từ trái tim một người mẹ nhớ con đến loài chim còn thấu tâm can. Thế mà anh cứ biền biệt xa nhà…

Cát quẳng chiếc ba lô vào góc tủ, đi cắt tóc, cạo râu gọn gàng rồi trở về dựng lại giàn bầu. Bà già vực dậy sau cơn ốm chống gậy ra ngoài sân ngó Cát ngồi hì hụi sửa lại cái xe máy cũ. Cảnh tượng có vậy thôi cũng khiến bà già xúc động chùi nước mắt. Bởi bà biết Cát sẽ không đi đâu xa nữa. Cái xe đó lại rong ruổi cùng Cát đi xây các công trình khắp thôn xóm ở quê để trưa nào, tối nào cũng được về nhà ăn cùng mẹ bữa cơm. Quây quần khuya sớm, vui vầy với những điều bình dị. Biết đâu Cát sẽ có người thương, sẽ lại yêu như chưa từng đau khổ.

Tối ấy, trước khi đi ngủ, Cát tự tay khép cửa nhà sau bao ngày không đóng… 

V.T.H.T

 

VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 356

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

8 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground