Bà tôi kể: Hồi trước nhà ông Ruộng cực sát đất, ba đời đi ở đợ, ba đời không đủ sức mua lấy một sào ruộng lập nghiệp, vì thế mà người cha đặt tên cho đứa con đầu là Ruộng.
Ngày tôi còn nhỏ, tôi không biết ông Ruộng có ở đợ không, có cực khổ, có bị đánh như người em kế mà chết oan khiên không? Trong trí óc thơ ngây của tôi, ông Ruộng xuất hiện là một con người dũng cảm khác thường . Mấy tháng trước lúc có hiệp định Pa- ri, quê tôi ngày đầy giặc đi càn, ban đêm thì bộ đội tìm về. Cả làng đều dệt chiếu đến khuya. Sau này tôi mới biết bà con trông chờ đằng mình, chứ lúc đó buôn bán không còn chuyện dễ dãi như trước. Một đêm tôi ngồi với bà bên khung chiếu, thì ông Ruộng đẩy cửa bước vào, bà tôi lấy tay vặn nhỏ ngọn đèn nhưng tôi vẫn nhận ra bộ quân phục lấm đất, chiếc xắc cột chéo qua vai, khẩu súng lục dắt hông. Bà tôi thì thào với ông một chuyện gì đó tôi nghe không rõ. Bấy giờ tôi nghe bọn lính dọa “Việt cộng có đuôi” tôi lấm lét nhìn ông quay sang vỗ cái bộp vào mông:
- Ba mày gần về rồi đó! Hà! hà!...
Ông cười đưa chiếc răng thật to, nhìn kỹ tôi thấy khuôn mặt ông sần sùi, máu như trút lên mặt đỏ ửng. Khi ông cười cái miệng hở ra hết cỡ. Nội tôi bảo đó là khuôn mặt của người thật thà. Khi ông đi rồi tôi vẫn thức cho đến khuya hỏi nội đủ chuyện về ông Ruộng và người cha bấy lâu nay chưa biết mặt. Đêm sau, ông lại về, lần này ông có cả khẩu súng to tướng, đầu đạn xanh lè như bắp chuối. Vừa thấy ông vào nội tôi ghé tai vào nói điều gì đó rồi lật đật kéo tôi xuống hầm. Chỉ ít phút bốn bề súng đâu đồng loạt nổ vang. Sợ quá tôi òa khóc, bà xoa xoa vào lưng tôi bảo:
- Súng ông Ruộng đấy! Bộ đội ta về đánh cho bọn ác ôn, nhổ sạch cái đồn của bọn chúng.
Lúc đó tôi mới mường tượng ra trong nhà mình, trên nắp hầm bà và tôi đang nấp có một chỉ huy quan trọng của trận đánh vào đồn ngụy ở đầu làng. Làng tôi chưa bao giờ có một trận đánh to như thế.
Bốn phía rung chuyển, khẩu súng trên nhà tôi chốc chốc lại bì bùng dữ dội. Rồi tiếng ông Ruộng vang lên: Xung…Phong... Cả làng dữ dội, đất chuyển ầm ầm. Bỗng có một tiếng nổ điếc tai nhức óc như ép mạnh vào hầm. Nội tôi run rẩy khấn vái: “Lạy trời thằng Ruộng an lành…” Tôi sợ quá, nhắm mắt chui vào ngực nội tôi rồi thiếp đi lúc nào không biết.
Sáng ra, tôi cùng bọn trẻ chạy lên đồn xem, thịt đâu cứ treo lủng lẳng trên dây kẽm gai, những chiếc hầm sùng sục máu, chân tay bấy nát. Một cái đầu mắt còn trợn trừng cháy rụi như chó thiêu mắc trên cành cây to. Nhìn ánh mắt đã chết, tôi đoán ra cái thằng thiếu úy hôm trước dùng báng súng đánh nội tôi chỉ vì không tố cộng. Đáng đời mày nhé!
- Quân ông Cầm nhà tao đánh đấy. Bọn bắt mẹ tao hôm trước nay chết tất – thằng Quân ở cùng xóm ghé tai tôi thì thào.
- Láo nào, quân ông Bính chứ. Tao thấy ông Bính thổi còi mà! Thằng Tý “lửa” chen vào.
- Không biết dựa cột mà nghe nhé – tôi bụm miệng. Quân ông Ruộng mang súng to như thế này. Tôi chỉ một gốc gần đấy. Tao nghe ông hô xung phong trước!
Bọn tôi xuýt nữa lại vào một trận đấu quyết để dành vị chỉ huy về phần mình nếu như không có những chiếc xe nhà binh thét còi inh ỏi với những tên lính ngụy hớt hải chở bọn què chân cụt tay rống thảm thiết nháo nhác chạy lên huyện lỵ.
Dù chỉ huy hay không chỉ huy thì trong tôi ông Ruộng cũng hùng dũng. Bộ quân phục màu xanh dính một ít bùn đất, mũ cối gắn sao, lưng mang súng lục, khi đánh nhau lại vác súng to, đã đánh là đánh cho giặc nát bét, khiếp hồn không dám về chốt quân nữa…Tôi nhắm mắt sung sướng hình dung về ông!
Mấy tháng sau thì nghe đâu quân giặc bị dồn về hết Thành cổ Quảng Trị, quê tôi được giải phóng. Nhưng mãi một thời gian khá dài ông Ruộng mới về lại làng. Bà nội tôi bảo sau trận đánh đêm ấy ông bị thương ở ngực nên phải nằm viện. Gặp ông tôi bám chặt lấy, ngắm nghía. Ngày nào cũng theo ông để kể chuyện đánh giặc. Có bữa ông bận tiếp khách, phải bỏ dở chuyện kể tôi cứ thấp tha thấp thỏm cắt ngang câu chuyện của ông và bạn bè đang say sưa. Bực quá, ông bẻ cây roi nghe cái rắc. Tôi giật mình tưởng mình bị đánh thì ông lại ném ra sân, tôi ngồi im thin thít.
Mấy lần thấy dáng ông đi lúc nào cũng lật đật, bà tôi ngưng nhai trầu gọi:
- Ruộng ơi, hòa bình rồi lấy vợ đi thôi. Nhà này làm mai làm mối cho. Cái con Thủy ấy…Mấy đống tuổi trên đầu rồi còn gì!
Ông Ruộng cười gật gật đầu.
- Qua o Thủy bác hè? O Thủy thích cháu không biết, vạn sự nhờ bác thêm!
Tôi tưởng ông đùa hóa ra thật liền thả gấu áo nội bắt chước cái dáng đi vừa lật đật vừa nhún nhún đổ chúi về phía nhà o Thủy. Lúc nay o đang giặt áo quần ở cái giếng đất, lom khom múc nước, tôi núp sau bụi tre để quan sát. Ông Ruộng đứng ngây ngây sau lưng o giây lát, nghĩ ngợi thế nào ông đưa chân hất nhẹ một cái vào mông tròn lẳn đang ở thế lom khom làm o Thủy giật mình suýt rơi xuống giếng. Giọng o thất thanh:
- Hu ba hồn chín vía cái eng này…
Mặt ông như gấc lúng búng nhận ra mình vô tình gây nên tội, ông lắc lắc cái cổ đỏ ong:
- Nhé!
O Thủy ngúng ngẫy:
- Làm tôi hết hồn lại còn nhé với nhỉ.
Ông thừ ra giây lát, mấy chiếc răng trên hơ hở khỏi môi dước lục bục một âm thanh nghe như tiếng gáy, rõ ràng là ông rất run:
- Nhé!
O Thuỷ lại ngúng ngẫy vỗ vỗ vào chiếc áo đang giặt, o nhồi lên nhồi xuống không biết mấy lần. Mặt o đỏ chắc có lẻ vì giận, thường ngày o vốn hiền từ lắm, đi đâu về cũng ghé lại. Bà nội bảo quê tôi giải phóng rồi nhưng phía Thành cổ Quảng Trị đang đánh nhau, vì vậy o Thủy làm du kích cho đằng mình. O còn tham gia vào đội văn nghệ làng mình. Tôi đã thấy o trình diễn, vừa hát vừa vỗ tay rất thích “Chị em mình ơi tải đạn nhanh lên. Nặng sao hơn bằng thù quân giặc Mỹ, ơi anh giải phóng giết... Mỹ nhiều hơn nữa…” Cứ véo von như chim chiền chiện thế mà khi gặp ông Ruộng nhà tôi hai người im lặng lúng ta lúng túng thế nào. Nội tôi ngồi trong bệ cơi trầu nhìn ra bỏm bẻm cười.
Ông Ruộng quay quay về bên nội tôi rồi bỗng dưng ông chỉ lên trần nhà:
- Nhà mình bị đốt mấy lần hả bác? Thứ tre nứa này…
- Mày thích đốt thêm một lần nữa à? Qua nhà đốt nhà con Thủy ấy rồi làm lại cho nó.
O Thủy phì cười ôm nón chạy. Ông Ruộng ngắc ngư đỏ bừng mặt. Nội tôi cũng cười:
- Mày đánh giặc giỏi thế mà! Cũng già rồi chứ trẻ mỏ gì nữa. Gặp đàn bà con gái lại như gà mắc tóc. Mày cứ chờ người ta ôm mày về à? Qúy lắm đấy!
Có bữa tôi thấy ông bạo dạn hơn qua nhà o, thậm thụt ghé vào ghế ngồi. Sau một tiếng chào o Thủy lẳng lặng vá áo không hỏi ông gì thêm. Ngồi một lúc ông mới bắt chuyện:
- Mai này cả nước thống nhất, bà con mình sẽ vào hợp tác chúng ta làm chung, ăn chung không phân biệt giàu nghèo, già yếu, trẻ con không có sức lao động cũng được hưởng. Chỉ một tiếng kèn báo giờ ăn cơm là chúng ta đến…Đồng ruộng ta ngồi có tiếng máy cày, nhà ai cũng có điện, trâu bò là của chung lấy sữa…
O Thủy ngồi ngẩng đầu lên nghe cho đến lúc ông im lặng và nhận ra đã khuya. Ông lặng lẽ ra về.
Tôi vẫn nhớ cái ngày đất nước hoàn toàn thống nhất nhiều người trong làng hoảng hốt, chạy loạn nay lũ lượt kéo nhau về, vui quá mà khóc. Tôi thấy ông Ruộng với cái áo nâu bạc màu đầm đìa mồ hôi, đầu đội mũ gắn sao đến đầu làng đón bà con. Có người nhìn ông sợ hơn là vui, khép nép dạ thưa. Ông bác họ tôi trán lấm tấm mồ hôi, lưỡi líu lại:
- Con nói ba con xin ông Ruộng đừng thù bác nhé. Hồi ông ở đợ nhà bác, bác có đánh ông ấy mấy lần. Bác đã chạy vô
Chẳng gì mình bác họ, cả ông Khoa, ông Hùng, ông Điềm nữa mặt mày tái mét. Nghe nói trước đây đời ông nội của ông Điềm cũng là địa chủ. Mấy năm chưa đánh nhau ông Điềm đi xóa hết hận thù cũ, ông Ruộng vỗ vỗ tay nói với mọi người:
- Bà con nghe tôi nói đây. Tôi rất mừng vì đất nước được giải phóng, bà con mình được gặp nhau. Những người lầm lỗi được cách mạng khoan hồng…
Ông bác họ ôm đầu tôi mừng quá khóc nức nở.
Lời nói của ông Ruộng làm cho cả đám đông im lặng, chăm chú nuốt lấy từng lời. Hòa bình rồi vui như tết. Ông Ruộng cắm cúi làm cho tôi một cái trống ếch cùng đội thiếu niên đi cổ động, hô vang các khẩu hiệu. Cờ hoa, áp phích, pa- nô rực rỡ các ngã đường. Những ngày này tôi thấy o Thủy đẹp lạ thường, mái tóc dài đã kẹp lại mà cứ như bay lên sau mỗi bước đi. O đang tập duyệt văn nghệ chuẩn bị biểu diễn mừng bà con trở về. O đánh cả son phấn thơm phưng phức. Tôi định chạy đến nhà ông Ruộng định khoe với ông cặp môi rất đỏ, rất tròn trịa của o và đôi mắt nữa, như mắt bồ câu… Tôi chưa kịp trút hết niếm vui sang ông thì bỗng nhiên thấy ngài ngại. Thường lệ ông thấy tôi đã cười hết sức thỏa mái thế mà bây giờ trông ông buồn tệ. Ông ngồi bên chiếc bàn cũ kỹ, mắt hướng ra cánh đồng lở loét hố bom. Đầu tóc ông cứng như rễ tre dựng đứng và đầy bụi bặm, miệng vốn như cười mà giờ sao run run: Chắc là ông nhớ đến người em đã chết, nhớ đến bố mẹ? Bỗng nhiên ông quay mặt lại nhìn rồi luống cuống chìa ra mảnh giấy vàng khè, nhớp nháp mồ hôi do ông vò trong tay.
- Này! Cháu hơn bác, cháu biết nhiều chữ cháu đọc cho suôn sẻ lại bác nghe với!
Tôi ứa nước mắt, thì ra lâu nay ông biết ít chữ mà mình không biết. Mà biết ít chữ và nhiều chữ là thế nào? Bàn tay sần sùi của ông bóp vào tay tôi đau nhói.
- Cháu học lớp 5 rồi còn gì… giúp bác tý chút, bác làm đèn ông sao cho mà đi cổ động… Thư o Thủy đó.
Tôi lật đật xoa xoa lá thư cho thật phẳng, chữ o Thủy to và đều đặn:
“Eng Ruộng”!
Tôi rất buồn vì phải nói với eng chuyện này. Tôi và eng Điềm đã ưng nhau lâu rồi. Nay eng Điềm về xin cưới tôi làm vợ, lấy eng Điềm là có tội với eng, trước đây ông nội eng Điềm là địa chủ, eng Điềm học tú tài bị bắt quân địch chỉ đúng một tháng thì hòa bình. Chính quyền đã khoan hồng.
Eng Ruộng ơi, tôi thấy eng thương thương nhưng nghĩ không xứng đáng với eng, tui và eng Điềm hứa hôn lâu rồi…
Chưa đọc hết thư tôi thấy khó chịu, không ngờ cái o Thủy lại đi lấy ông Điềm thâm môi, cặp môi cứ liếc ngang liếc dọc, làm bọn trẻ hết hồn. Tôi tưởng tượng cái bộ râu ươn ướt dính dáp của ông ta đặt vào khuôn mặt của o mà tức anh ách… Ông Ruộng nhìn ra cánh đồng lở loét đạn bom, từng vạt cỏ cao quá đầu người, rồi ông xoa xoa bàn tay khô rám quay lại:
- Cháu đừng nói với ai biết chuyện này. Nhé!
Đám cưới đầu tiên của làng sau ngày hòa bình vui náo nức. O Thủy trong cánh áo dài thâm, quần lụa đen, đi dép bốn quai bước về nhà chồng. Đoàn đưa dâu dài xuống đường. Tôi thấy ông Điềm sao sao ấy, đôi mày rậm, mắt sắc như dao y hệt ông ác ở trên chùa. Đám cưới rước dâu về cuối làng. Ông Ruộng mang bộ quân phục bạc màu, chiếc đài bán dẫn mang chéo ngang vai…
Mấy năm ông Ruộng phục viên, làng tôi quý ông Ruộng nhưng chỉ thành lập một hợp tác. Ban đầu tôi cứ tưởng ông Ruộng sẽ được bầu làm chủ nhiệm thay ông Khoa làm mấy năm trước vẫn không đưa được phong trào sản xuất lên như các hợp tác trong xã. Đùng một cái, ông Điềm thắng với lý do là người có trình độ. Ông Điềm làm một buổi tiệc mời cán bộ, chủ nhiệm các HTX khác đến chia vui. Không hiểu sao ông Điềm không mời ông Ruộng.
Mỗi buổi sáng khi tiếng kẻng của hợp tác vang lên. Tôi chưa kịp đi học thì thấy ông Ruộng vác cuốc ra đồng lấp hố bom. Mỗi ngày công 10 điểm, một tháng 30 ngày ông Ruộng vác hùng hục những tảng đất to tướng, mấy bà nghịch ngợm ghẹo gì ông cũng cúi đầu làm, lâu lâu mới ngẩng lên cười hà hà. Có những bà thật độc mồm độc miệng:
- Eng Ruộng ơi bao giờ eng cho người về ăn cơm chung nào? Ở thế mà cũng phí à?
- Phải làm ra của cải rồi mới ăn chung chớ. Ngủ chung cũng được nữa à! Ông cười mặt đỏ au...
- Đã hết giải lao rồi còn trò chuyện gì nữa, làm đi chớ! Chiều nay các bác làm không đạt tiêu chuẩn như lúc sáng! Ngoảnh lại thì ra ông Điềm. Cái áo là thẳng nếp trắng tinh. Chiếc quần bộ đội xếp ngang ống chân để lộ đôi dép tiền phong đắt tiền. Ông ta cũng đội mũ cối rất mới.
- Bác Ruộng phải gương mẫu cho bà con nhé!
Ông cười tôi trông sao sao ấy, rồi tay cầm thước, tay cầm sổ bước đi, đôi mắt như ngó liên tục. Ông Ruộng xoa xoa đôi bàn tay lên cán cuốc láng bóng nói với theo:
- Chủ nhiệm ơi, vườn tôi rất khô cằn lắm rồi, xin chủ nhiệm một con bò để cày cho kịp mùa vại. Tôi làm một mình không được kịp như bà con.
- Bác không biết ngày mai phát động vào vụ mùa hè thu à? Tất cả trâu bò đều được ra đồng. Bác phải đăng ký trước may ra…Ông Ruộng không cười mà chỉ à à, lại cuốc, khuôn mặt hằn lên những nếp nhăn như ruộng nẻ. Mồ hôi vo tròn từng cục rơi xuống cổ áo đen nhẻm…
Vụ ấy sau một đợt phát động dài gần tháng, lúa HTX đã lên mơn mởn. Ông đi hết nhà nọ đến nhà kia để giúp họ dọn vườn, gieo lúa. Khi về thì vườn nhà mình đã quá vụ. Không chịu bỏ hoang ông hì hục suốt đêm cuốc để trồng đậu. Chủ nhiệm đi uống về khuya nói vọng vào:
- Cán bộ ơi. Ăn một mình đã có hợp tác xã, cần gì tham thêm cho mệt.
Ông Ruộng không nói, lại cuốc.
Chẳng bao lâu tôi chuẩn bị thi hết cấp 3. Tôi thường cầm sách sang nhà ông Ruộng ngồi học, bởi nhà ông vắng teo, cạnh đồng gió mát. Ngôi nhà này được bà con góp tranh tre, nứa lá làm cho hồi mới giải phóng. Thấm thoát đã mười năm đôi lần lợp lại nhưng xem ra đã tuềnh toàng lắm. Chẳng ai đi chợ, quanh năm ông chỉ một chén muối ớt, bắt được con cá ngoài đồng thì có bữa canh, ông chưa có vợ. Mấy bà hàng xóm ngồi bên mách lẻo, kháo nhau: “Trông ông khơ khớ thế nào ấy, lại khù khù khì khì…”
Bây giờ HTX chỉ còn là cái danh. Ruộng được giao khoán thẳng. Chức chủ nhiệm của ông Điềm thì đang còn. Có bận phát hiện ông Điềm đang có tham ô, ông Ruộng đưa thẳng ra HTX đấu tranh, ông nhờ tôi viết đơn lên xã…Để trả thù, Điềm đã rốt ráo đưa ông vào vùng đất bạc màu bị cát bay lấn chiếm. Ông Ruộng lại đấu tranh đòi phân chia cho công bằng. Chủ nhiệm im lặng đến nhà nói thẳng:
- Ruộng tốt của làng này là của đời ông nội tôi bỏ vàng ra mua, và HTX đã mất khá nhiều. Ông chỉ là người làm mướn ở thuê nay có đất cát là vui lắm rồi.
Mấy năm Điềm làm chủ nhiệm trâu bò lần lượt đội nón ra đi vì lý do này lý do khác nay chẳng còn bao nhiêu nên ông Ruộng chẳng đòi hỏi gì thêm. Càng ngày ông Điềm càng mua chuộc nhiều người để o éổnuộng trong làm ăn.
Mùa đến, cả làng giống đã bén rễ lên mầm, mà ruộng ông vẫn chưa bừa bãi. Ông đến chủ nhiệm Điềm đề nghị giúp đỡ. Điềm cười đểu, vuốt vuốt hàng ria mép ươn ướt:
- Tôi nói rồi, Ông làm thuê cứ giúp cho vợ tôi, ba ngày thì tôi cho một con bò.
Ông Ruộng uất quá chỉ thẳng vào mặt:
- Vì đất nước tao đi đánh giặc, giờ mày nhiều chữ, mày được làm chủ nhiệm. Mày phụ lòng tin của tao, lại tham ô của dân, đút lót chạy tội. Việc này tao sẽ… Đồ loại sâu mọt!
Ông dáng tay tát thẳng vào mặt chủ nhiệm. Hắn choáng váng, tỉnh dậy lại cười sằng sặc. Ông Ruộng bỏ về, trăng mười ba đã lên. Tiện chân ông đá cái ấm nước bay xuống bếp rồi vật xuống giường, không hiểu sao ông vùng dậy xoành xoạch lôi chiếc bừa đã hỏng, chỉ cần hai đầu nuộc dây thừng rít lên là có thể đã kéo được.
Tôi từ nhà nghe tiếng động khác thường chạy qua, thấy ông kéo chiếc bừa đang run bần bật dưới một tảng đá to. Ông khom người chạy về phía trước, loáng một cái đã thấy hết nửa sào ruộng. Tôi ào đến giật phắt sợi dây đã thấy mắt ông trợn lên, đổ khuỵu xuống…
Sáng, khi người ra đồng hết thì ông Ruộng không còn đi được nữa. Tôi cầm sách qua nhà hoảng hốt thấy ông ôm lấy ngực, miệng lào thào:
- Cái…mảnh…bom…chỉ nhỏ như…hạt cau…nằm trong ngực đã…cứa vào tim rồi…
Tôi chợt nhớ đến trận đánh anh dũng của ông giải phóng quê hương ngày nào nghoảnh lại đã thấy từ miệng ông một dòng máu trào ra lai láng phủ lấy khuôn ngực đầy sẹo.
Tôi thét lên:
- Bác Ruộng ơi! Làng mình vẫn còn một mảnh bom nữa, cũng nhỏ như vỏ cau thôi…Bác đừng bỏ làng…đừng bỏ…
Tôi thấy ông cười, như ánh nắng chiều bùng lên cái khoảnh khắc cuối cùng khi tôi cầm lấy bàn tay của ông đè lên ngực mình…
N.T.Đ.