Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vịn vào ngọn lúa bay lên

Chíu. Xoạt. Viên đạn chì sượt qua cánh. Đau điếng. Một cảm giác gãy vụn. Mấy cọng lông của mình bung ra, lòa xòa rơi xuống mặt nước. Mình không bay lên. Mình trốn vào lúa. Hai kẻ săn cò đuổi theo vì tưởng mình trúng đạn, sẽ không chạy nhanh được. Hai gương mặt nhớn nhác xách súng lội nước, lội lúa. Bốn con mắt lục lọi kiếm tìm. Mình chạy nhanh. Lúa che mặt người. Mình đứng lại khi không thấy bốn cái chân rào rào.

- Rõ ràng đã trúng rồi. - Tên cao to nói.

- Nó sẽ không chạy được xa. Cũng không bay được nữa. - Tên thấp đậm nói.

Cả hai bảo nhau sục sạo thêm một hồi. Không thấy, chúng bảo nhau bỏ đi. Ruộng lúa xiêu vẹo bởi những vết chân người vừa cắm xuống bùn đã nhấc lên.

Nhờ lúa, thật may. Đây là lần thứ mấy mươi, không nhớ nữa, mình bị bắn. Nặng nhất là lần ở đồng Bún, hai gã săn đã bắn khiến một mỏm cánh của mình bị cụt. Viên đạn chì sượt bên phần lưng. Phải mất nửa tháng vết thương mới lành. Những lần khác chỉ bị sượt qua. Cũng bởi càng sống đủ lâu, mình càng tăng sự nhạy cảm để có thể đề phòng. Như loài lúa đề phòng loài chuột và cỏ dại. Có lẽ giác quan trên cơ thể mình đã tinh nhạy đến độ biết cảnh báo. Mỗi khi nguy hiểm cận kề là cảm giác trời cho ấy trỗi dậy, giúp mình nấp vào chỗ kín hoặc xòe cánh bay lên. Lần này mải mê kiếm cá trên vũng nước cạn, mình hơi chủ quan. Khi thấy nguy hiểm đang thổi tới, mình lẩn thật nhanh. Bây giờ thì mình đã an toàn trong bời bời lúa xanh.

Bạn đời của mình không may đã trúng đạn vào đúng mùa yêu của hai năm về trước. Anh ấy mất cũng vì che chở cho mình. Trong khi đi kiếm mồi, bao giờ sự tỉnh táo của anh ấy cũng giúp cả hai và đàn cò vạc vượt qua lưới vây, qua những cạm bẫy bị giăng khắp các xứ đồng. Hôm ấy như mọi lần anh ấy đứng về mé bờ kênh, những nơi bọn săn bắn có thể phục chờ. Anh ấy nhường phía ít hiểm nguy cho mình. Với sức vóc của con đầu đàn, một con đực khỏe khoắn vạm vỡ, anh ấy sẵn sàng hy sinh cho bạn đời và đồng loại. Mất bạn đời là nỗi đớn đau chẳng biết bao giờ mới nguôi ngoai.

Một thân mình chăm lo cho bốn cò con. Bốn con và một cò già. Một mẹ chăm được bốn con nhưng khó có chuyện ngược lại. Làm mẹ mới biết có con là một hạnh phúc và chăm con là một thiên chức tuyệt vời. Giờ các cò con đã sức dài vai rộng, được mình dạy bản năng sinh tồn, sự nhạy cảm trong bước đường kiếm ăn. Mình dặn các con phải dựa vào cây xanh, bờ lúa, không kiếm ăn nơi trống trải và không ham mồi để bản thân trơ ra trước dã tâm.

Mình đã thấy những thân lúa bị chuột bọ tấn công và nhiều năm mất mùa. Loài gặm nhấm đó ăn đủ thứ và cướp đi công lao của người nông dân chăm chỉ. Chúng tàn phá mùa màng và trở thành kẻ thù không đội trời chung với con người. Mình cay đắng ghét bọn chúng. Chập tối, lúc loài cò còn mải mê kiếm ăn muộn thì loài chuột chui ra khỏi hang. Chúng kéo theo từng đàn với những cái răng được vót nhọn bởi bản năng tai ác của một lũ giặc cỏ. Có lần cây lúa rì rào nói với mình: “Nếu không có những gã săn bắt, thì loài cò sẽ gần gũi với con người biết bao nhiêu. Gần gũi như cây lúa với con người. Cây lúa được con người bảo vệ. Lúa trĩu hạt vàng thì người vui. Còn cò, loài chim trời không phải lúc nào cũng được bảo vệ hay thoát khỏi cảnh truy đuổi, dù cò vạc thân thương, làm đẹp cho đồng điền và cuộc sống con người”.

Lúa nói đúng. Loài chim trời luôn tạo vẻ đẹp cho những cánh đồng. Đó là bức tranh thanh bình khi cái ác vắng mặt. Đúng hơn là lưới bẫy, họng súng và những cặp mắt rình mò đi vắng. Nhưng cuộc đời đâu có gì toàn vẹn. Cây cối ngoài đồng cũng đổi thay theo mùa vụ, và không phải lúc nào chim trời cũng có thể đến gần con người.

Cò luôn đón đợi những mùa lúa được cấy xuống và trổ bông. Cò vạc tạo đồng minh bằng bản tính loài, có khả năng bắt côn trùng để chén và diệt kẻ thù thay lúa. Cò vạc cũng bắt được những chú chuột nhỏ bé bằng thế đứng bất động chờ chuột đi qua rồi giáng cái mỏ dài nhọn vào trúng đầu chuột.

*

Mình lại bị săn. Không ra ngoài kiếm ăn thì bụng đói mà bay ra thì chấp nhận đối mặt hiểm nguy. Lần này bản năng mách bảo sớm, mình đã bay vút lên không trung, trong một tích tắc. Mấy gã săn ập từ ba phía, rồi chúng thót tim khi thấy mình lao lên trời lẫn vào màu mây. Những con mắt ngẩn ngơ tiếc.

Kiếc, kiếc, kiếc, kéc, kéc… Mình kêu lên, thở phào. Mừng vì vừa thoát nạn. Mình gặp đàn vừa bay về từ phía nam và nhận tin một đồng loại đã bị hạ bằng súng. Đó là cò Cổ Xám xấu số. Cò Mỉa nói cả đàn suýt dính bẫy. May mắn cò Tía sớm phát hiện mấy con cò đậu trên bờ ruộng đang kêu cứu là gỗ, được đẽo gọt và phết màu tinh vi, giống cò thật.

- Chúng ta đi đâu đây? - Cò Tía hỏi.

- Cứ về khu của chúng ta đã. - Mình nói - Hôm nay chắc hẳn tất cả chúng ta đều mệt. Về nghỉ ngơi rồi bàn tiếp.

Cả đàn cưỡi gió, lên hướng bắc, phía bãi sông cây cối rậm rạp. Ở độ cao này không súng săn nào có thể bắn được cò.

*

Người họa sĩ ngồi vẽ cánh đồng, mái tóc lòa xòa phất phơ bay. Chẳng phải lần đầu tiên mình thấy họa sĩ vẽ đồng, nhưng bao giờ trong mình cũng gợi về cảm giác bình yên, dễ gần. Hôm nay cò Mỉa, cò Tía và bốn cò con theo đàn đi cùng mình. Mình nghĩ cũng sẽ an toàn khi đến gần ông họa sĩ đang chăm chú công việc, phết những sắc màu lên tranh.

Bỗng những tiếng đạn vang lên. Chíu chíu. Cả đàn xòe cánh vụt lên trong hoảng sợ, tớn tác. Mình dẫn đàn tiến về phía đầm nước và nâng dần độ cao. Lúc bình tĩnh lại thì không thấy hai cò con. Nỗi lo lắng ập vào tim, phổi khiến mình khó thở và cánh mỏi nhừ.

Để cả đàn về tổ ấm trước, mình quay lại tìm con. Phải biết hai con nhỏ ra sao. Chúng còn dại và đáng thương. Nếu chúng thành mồi nhậu… Trời ơi! Mình không muốn nghĩ nữa.

Mình bí mật đến gần nơi đàn bị bắn. Mấy tên săn cò vai khoác súng, tay xách ngược hai cò con, những cái chân cò được bó lại bởi dây đay. Hai cò con còn sống, thi thoảng giãy giụa. Hẳn là hai đứa đau lắm. Chúng kéc kéc kêu.

Bọn săn cò lợi dụng ông họa sĩ. Họ ra đồng thấy ông ngồi vẽ thì tò mò lại gần ngắm. Khi chúng phát hiện đàn cò thì bảo nhau nấp đi, đạn lên sẵn sàng. Cò làm duyên và thấy ông họa sĩ ngồi vẽ trong khung cảnh thanh bình nên chẳng mảy may nghi ngờ. Hậu quả là hai cò nhỏ bị bắn. Chính mình đã gây ra chuyện này. Mình đã xúc động trước cái đẹp và muốn đến gần cái đẹp. Giờ phải trả giá.

Bọn săn cò bắt trộm một gà mái của dân mang ra rìa lũy tre đầu làng đắp bùn, nướng uống rượu. Hai cò con cũng bị đưa về đó góp mồi. Mình bí mật đi theo. Làm sao để cứu hai con trước cả đám thanh niên dữ dằn kia, với súng hơi? Bọn họ hẳn căng tức nỗi khát thèm tăng mồi nhậu. Bản thân mình còn gặp hiểm nguy chứ đừng nói cứu các con.

Lửa đã được thắp lên nướng gà trước. Bọn chúng moi toàn bộ nội tạng, đưa mấy thứ lá tăng độ thơm, nhồi thêm gia vị vào bụng con mồi rồi khâu lại, sau đó đắp bùn sạch vào con mồi nguyên lông rồi đem nướng. Cò con được tháo dây buộc chân để bước vào thời khắc bị hành quyết. Mình đau đớn nhìn đứa con bị mổ bụng, moi nội tạng. Nó đã đau đớn giãy giụa. Nó đã kêu khóc. Còn mình đứng nhìn bất lực. Tiếp đến là thời khắc của cò thứ hai. Gã thanh niên vừa nãy dùng chân đè lên chân cò, giờ nhấc con này lên. Cò con vờ chết nên khiến hắn sơ ý, lại bị mấy cái dây vướng víu làm tuột tay nên cò con đã bay thoát thân. Mình thót tim. Cò con đập cánh trên mặt đất một hồi, xoẹt qua vai một thanh niên khác, lao về phía đồng. Mình vội đuổi theo con. Cò con ơi cò con, bình tĩnh lại, mẹ đây. Mình đã đuổi kịp. Mẹ ơi mẹ à. Con đây. Con vừa thoát khỏi lưỡi dao tử thần, nhưng anh con đã bị giết, con cụt một cẳng chân rồi, đau quá!

Hai mẹ con về đàn. Cả đàn dớn dác đợi. Thêm một cò thiệt mạng. Mình đứng trên ngọn cây ứa nước mắt nhìn ba đứa con rồi quay mặt về phía dòng nước tránh những tiếng gào thét của loài.

*

Ước gì loài cò cũng là lúa. Mình đã nói thế với một số cò khác. Cò khác bảo mình đau lòng nên nói vậy thôi. Lúa chỉ đứng một chỗ trong bùn đất mà ngước lên trời cao. Còn cò chinh phục độ cao, không gian. Cò tự do tung cánh. Phải rồi. Các cò nói đúng. Đó là chức phận của lúa và cò. Mỗi loài một chức phận.

Cò con nghỉ kiếm ăn mười ngày. Mười ngày vẫn chưa đủ vơi nỗi sợ hãi của một cò từ cõi chết trở về. Sau này cuộc sống của cò con cụt chân sẽ khó khăn hơn.

Mình dẫn đàn đi kiếm ăn. Cả đàn ấn tượng một họa sĩ ngồi vẽ ngoài cánh đồng, mình đã nghĩ tới khả năng bọn săn chim mật phục ở đâu đó. Nhưng mình vẫn muốn hỏi họa sĩ câu hỏi, rằng loài săn bắt có dã man không? Sao họ có thể triệt hạ những bức tranh của đồng?

Trời xanh và sóng lúa êm đềm, không gian vắng lặng, mình không cảm thấy nguy hiểm ở đây. Mình chỉ thấy con người có cách thưởng thức của họ. Ngồi vẽ ở cánh đồng cũng là một trải nghiệm và là cách tận hưởng cuộc sống.

Đàn cò sà xuống vũng nước cạn nhiều cá tôm con. Mình tìm cách lại gần người họa sĩ đang lặng lẽ làm việc. Vẻ đẹp đó đã dụ dỗ mình và khiến mình mê mị. Chưa kịp cất tiếng hỏi người thì tiếng súng nổ. Mình giật thót khi viên đạn xoáy vào không gian. Đàn cò bay ngược phía tiếng súng thì ập vào lưới cước. Loại lưới căng ngược ánh mặt trời sẽ trở nên vô hình và mắt cò không phát hiện ra. Kẻ kinh nghiệm như mình cũng không phát hiện ra. Giác quan loài đâu mất rồi? Hay giác quan nhạy cảm ấy đã bị thói tò mò của mình cũng như vẻ đẹp người họa sĩ thả bùa mê? Mình đã già thật rồi. Trời ơi. Đó là một cái bẫy. Người họa sĩ ngồi vẽ cũng là giả, là cái bẫy. Mấy gã săn cò cử một gã giả làm họa sĩ, cũng bồng bềnh lãng tử. Làm sao họ nghĩ ra được mưu ma chước quỷ này?

Tám cò dính lưới. Chỉ mình và hai cò khác thoát thân. Ba con lao về phía tổ ấm. Phải làm sao bây giờ! Trong đầy rẫy hiểm nguy, lúc nào bọn mình cũng dễ tổn thương, khi họng súng và cách săn bắt ngày càng tinh vi thì những con cò dày dặn kinh nghiệm cũng khó bảo vệ mình để khỏi bị tóm.

Phải đi đâu bây giờ hở bầu trời, để thoát khỏi cảnh bị săn đuổi? Bầu trời thì rộng. Cây cối xanh tươi và đồng bãi màu mỡ, nhưng sao loài cò khó có chỗ nương thân.

N.V.H

 

NGUYỄN VĂN HỌC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 308

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

7 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

7 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

7 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

7 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground