Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vũ khúc mùa xuân

M

ùa xuân này Đào có nhiều niềm vui. Tốt nghiệp đại học xong được nhận ngay vào Đoàn nghệ thuật thành phố. Đoàn trưởng ra tận trường xin Đào về. Ông nói với Ban giám hiệu và bạn bè làm Đào vô cùng xúc động. Đào là tài năng trẻ từ nhà văn hoá thiếu nhi, bây giờ thành tài rồi. Về đóng góp cho quê hương. Các bạn tốt nghiệp cùng khoá với Đào ở lại Hà Nội. Chúng nó bảo, về quê là dại. Bọn tốt nghiệp các trường kinh tế, mấy năm đầu ra trường chạy vào làm cho các liên doanh nước ngoài. Kiếm được thật nhiều tiền rồi hãy xin vào nhà nước. Tụi mình cũng phải đi hát xô. Hát xô cho nó dạn dĩ ra. Biết đâu gặp ông Bầu dô lên, có danh tiếng rồi lo gì người ta không chiều. Thế là chúng xin tiền bố mẹ, may sắm các bộ cánh, các mốt để xuất hiện trên các bar bia chai, sân khấu trong vườn, ngoài hè. Đoàn trưởng như đoán được ý nghĩ, hỏi Đào:

- Em về tỉnh có buồn không?

- Không ạ! Em có nhiều người quen biết... Vã lại tầm của em cũng chỉ hoạt động ở thành phố quê mình thôi ạ!

- Đào đừng nghĩ thế... Sau này thành tài em có thể đi hát bất cứ nơi nào... Em không nhớ ư, cái dạo em đi biểu diễn ở nhà văn hoá thành phố, tác phẩm được ghi hình phát trên cả nước. Chả nhận được vô khối thư của khán giả. Lại còn có ông Việt kiều muốn bao cho học nhạc viện Sít Nây là gì?

- Đó là thời trẻ! Đào tư lự nhìn người đoàn trưởng, thế hệ cha chú từng dìu dắt mình đến với nghệ thuật - Bây giờ đâu còn là cô bé Bích Đào ngày xưa nữa...Có nhiều chất giọng lạ lắm.

- Lạ gì thì lạ, tiếng hát phải vào được lòng người, cái hay có biên giới đâu. Cứ hét lên trên máy, nghe đinh tai nhức ốc lắm.

- Em cũng nghĩ thế đấy thầy ạ!

- Thế là tốt rồi. Thầy có công việc cho em đây!

- Việc gì đấy ạ! Giọng Bích Đào run run, hồi hộp.

- Vũ khúc mùa xuân! Nhạc phẩm mới ra đời của nhạc sĩ nổi tiếng Tôn Phong, viết tặng quê hương mình, dịp ông về đây. Em sẽ là người mở màn cho dạ hội mùa xuân này.

- Em! - Bích Đào không nín được xúc động.

- Chứ ai! Đây là tiết mục chào mùa xuân mới, cũng là báo cáo cùng thính giả Bích Đào được nuôi dưỡng, ăn học trở về.

Ngày tháng chậm chạp trôi đi. Bích Đào chưa kịp về quê chào bà ngoại. Lòng dặn rằng, cháu sẽ gửi bà tiếng hát của cháu lúc giao thừa. Mẹ bảo, mẹ được tiền thưởng, hay may cho con bộ mốt nhất, con vẫn ao ước mà. Đào nói cùng mẹ, lúc khác mẹ ạ. Con muốn xuất hiện với bộ áo dài màu hoa đào mà mọi người ưa nhìn. Điều quan trọng là tiếng hát của con có đến được lòng người không mẹ ạ! Tuỳ con, mẹ chợt nhoẻn miệng cười: Mẹ thật vớ vẫn, có may cũng không kịp.

Đào đến đoàn nhận việc. Nhạc công quen biết Đào tự dạo Đào nhí.

- Đào nhí đâu?

- Đào hạt mít đâu?

- Bích Đào nhà văn hoá đâu!

Một phút ngập ngừng, Đào bạo miệng:

- Chào các chú, các cô, các anh, các chị Đào hạt mít xin trình diện.

Mọi người trầm trồ khen, đã bỏ cái vẻ hạt mít của Đào nhí rồi. Bây giờ Bích Đào trước nắng xuân.

Đoàn trưởng công bố nhân viên mới. Giao nhiệm vụ cho mỗi người chuẩn bị tiết mục đón giao thừa. Ông nói với giọng hết sức trịnh trọng, như thể sắp mở màn biểu diễn: - Tôi xin giới thiệu ca sĩ trẻ Bích Đào sẽ trình diễn nhạc phẩm Vũ khúc mùa xuân của nhạc sĩ Tôn Phong!

Tiễng vỗ tay ran cả hội trường làm Đào thấy ấm cúng như không khí trong gia đình. Một nhạc công còn trẻ, thổi kèn Trôm pét, xách cả kèn lại gần Đào - Tôi xin giới thiệu - Tuấn Cộ kèn Trôm pét - Người đỡ tà áo cho công chúa Bích Đào và Vũ khúc mùa xuân, xin đề nghị ca sĩ nhí Bích Đào hãy cho mọi người nghe bài hát mà em đoạt giải huy chương vàng: Hôm nay em đến trường.

Thật bất ngờ. Mọi người đều tán thưởng. Đoàn trưởng giơ hai tay trước mọi người tuyên bố: - Phải đấy, xem cô gái Hà Nội có quên quá khứ tuổi thơ không nào!

 

Hội trường trở lại yên ắng lạ. Tuấn Cộ, nhạc công lém lỉnh tấu lên tiếng kèn thật khêu gợi. Như có phép lạ, các nhạc công vừa lúc nãy rất lộn xộn, ồn ã, đã cầm lấy nhạc cụ. Một phút xao xuyến dâng tràn trái tim Bích Đào. Bích Đào như cô học sinh trung học khẽ bước ra sân khấu. Một dòng âm thanh chạy khắp cơ thể, lên con tim đập nhịp, tuôn trào ra thanh quản thành lời du dương.

 

Mẹ bảo để mẹ xem Bích Đào của mẹ chuẩn bị đến đâu rồi. Mái tóc dài mượt. Vài lọn tóc lơ thơ rũ xuống vầng trán mịn màng này. Cặp môi làm gì mà đỏ như người ăn trầu vậy. Nhớ chưa, khi cười con khẽ chép miệng mơ mộng, đừng cậy có chiếc răng khểnh mà cười phá trớn là vô duyên lắm đấy. Đi giày hay đi dép. Dép gì mà cao quá gang, cẩn thận kẻo ngã ở sân khấu là hết mùa xuân đấy. Rét, đi giày cũng được nào. Đi giày cho nó tự nhiên. Còn cặp má này nữa, đừng quét màu ve quá hồng vào. Da con đã đẹp rồi, cần gì phải vôi ve. Nhưng không vôi ve, người ta cho rằng chưa phải là sân khấu, là hát vo là coi thường người nghe. Vôi ve quá, con sẽ bỏ qua màu da đẹp sẵn có của mình... Mẹ, mẹ hiểu biết về kỹ thuật biểu diễn sân khấu quá nhỉ. Cha cô, cô tưởng là các bà tỉnh lẻ này lạc hậu lắm hả. Hàng ngày truyền hình phát, bọn tôi biết được. Mới lại mẹ cũng phải đọc sách để giúp con chứ.

Minh hoüa : PHAN VÀN XUNG

 

Khu phố đã rộn rã kháo nhau. Giao thừa năm nay Đào Nhí - Đào Hạt Mít nhà văn hoá thành phố ấy mà. Cái Đào bé con con có giọng hát nổi tiếng từ học cấp một cấp hai đi thi được huy chương vàng ấy. À! À Đào nhà bác thợ xây có vợ là cô giáo cấp một hả. Vâng. Ừ, có thể giọng ngày con nít thì được. Nhưng biết đâu học hành rồi, hát lại như hát vào tai người ta.

 

Đào nghe mà không khỏi lo lắng.

Mùa xuân.... mùa xuân về cho hoa đào nở. Đạo diễn bảo dừng lại. Mùa xuân ông hát thử cho Đào nghe. Ông khẽ láy chữ mùa xuân như thể đất trời đang mở ra trước mắt.

Đào hát một lần. Hai lần. Đào hát một mình. Đào hát cùng dàn nhạc. Đào hát ở nơi tập, hát ở nhà. Đào hát một mình, hát có người múa phụ hoạ. Mẹ bảo, phải bình tĩnh con ạ, kẻo đến lúc ra biểu diễn lại khản cả giọng như bố mày đấy. Đào ngạc nhiên lắm. Bố con cũng biết hát hả mẹ. Con tưởng bố con là người phụ hồ thôi sao? Bố vì mẹ và con mà bỏ học về đấy. Đào thật vô tình. Chuyện nghiêm trọng thế mà quên được. Bố đi bộ đội được hai năm thì giải phóng miền Nam. Bố vào đại học xây dựng. Bố từng hát Xây cho nhà cao mãi. Mẹ cười trêu: - Xây cho người khác thì cao còn nhà mình thì... Bố cười, thì cũng xây cho thật cao. Nhưng mẹ sinh Đào khó, bố phải bỏ học về chăm mẹ. Thôi em, con gái cần có nghề nghiệp hơn. Anh tự học, làm thợ và học. Những năm tháng ấu thơ Đào được nghe giọng hát ấm trầm của bố. Ông khuyến khích cho Đào vào dàn đồng ca của trường và nhà văn hoá...

Tờ lịch cuối cùng của năm được bóc đi thay vào đó là lốc lịch dày cộp. Đào hồi hộp đón chờ, chăm chỉ như tờ lịch.

Sáng ngày ba mươi tết đã hết - Mẹ bảo hôm nay ưu tiên cho Bích Đào được làm việc nhẹ. Bố bảo có bàn tay khoẻ khoắn của người thợ, bố sẽ làm mọi việc cho con tối nay ra mắt biểu diễn được thành công. Đoàn trưởng gọi điện thoại đến, chúc ngày tất niên vui vẻ và tin tưởng vào sự thành công của nghệ sĩ Bích Đào. Bích Đào hồi hộp lắm, mặc quần áo diễn rồi lại cởi ra. Hết ngắm mình trong gương, se sẽ hát. Mùa xuân về rồi đấy - Em ơi! Cất tiếng hát đón chào một ngày mới... Chào đất nước đón xuân sang. Ôi! Mùa xuân ta thầm mong đợi - Hỡi chim én, bay đi, báo tin vui...Mấy cô gái trong khu chung cư đến nghe Bích Đào hát. Chúng xì xầm cùng nhau. Đấy chị Bích Đào ngày xưa sinh hoạt ở nhà văn hoá thiếu nhi của mình đấy.

Buổi chiều đến. Khí trời thật dịu ngọt, cao xanh. Rét ngọt ngào đến dễ chịu. Mùi hương thơm lan toả bay ra từ những ngôi nhà đầy ấm cúng.

Mẹ đã dọn cơm ra rồi. Bố đặt chai rượu nút lá chuối còn nóng ấm. Bố rót ra hai chén. Nhưng nghĩ thế nào lại rót thêm một chút vào chiếc chén thứ ba đặt trên mâm - Nào xin nâng cóc, chúc mùa xuân đến. Chúc cô giáo mẹ, chúc bác công nhân là bố. Và - Bố cười nhìn Bích Đào - Ca sĩ Bích Đào là người được chúc nồng nhiệt nhất. Được biểu diễn với ước mơ từ thuở ấu thơ của mình. Mắt mẹ long lanh, mẹ âu yếm nói với Bích Đào - Đó là ước mơ được biểu diễn của bố con đấy. Bố từng cưỡi trên lưng trâu thổi sáo. Mà cứ tưởng tượng ra được biểu diễn cho mọi người - Con bảo có tuyệt vời không?

Mẹ bảo, bố con ra nhà hát trước, mẹ còn lo chút việc rồi ra sau. Bố dùng chiếc xe máy mới mua chở Bích Đào ra nhà hát thành phố. Đào biết, số tiền bố mẹ dành dụm định cất nhà mới đành hoãn lại để mua xe mới này. Con chả gì cũng là ca sĩ trẻ. Phải có xe máy đi làm cùng bạn bè chứ. Đào không sao tả xiết lòng biết ơn mà bố mẹ giành cho mình. Đường phố đã thay đổi nhiều quá. Hai bên vỉa hè đã được lát bê tông. Cây cối đang lên xanh. Hai bên đường những lá cờ đỏ bay, như bàn tay reo vui vẫy gọi Bích Đào. Bạn bè, cô chú đón Bích Đào thân tình. Làm như thể Bích Đào là nhân vật chính của câu chuyện cổ tích không bằng. Đoàn trưởng ăn mặc chỉnh tề, nét mặt không giấu nổi xúc động, ra chào khán giả. Ông nói giọng âm vang đầy khích lệ:

- Thưa quý vị. Mùa xuân đang đến rồi. Mùa xuân tràn đầy hy vọng. Đoàn nghệ thuật thành phố tuy còn trẻ nhưng đã đem lại những thành tựu đáng khích lệ. Đó là từng đoạt nhiều huy chương vàng, bạc trong các kỳ hội diễn khu vực toàn quốc. Hẳn quý vị chưa quên giọng hát của cháu Bích Đào nhà văn hoá năm xưa... Bích Đào năm nay đã là cô ca sĩ trẻ. Xin giới thiệu Bích Đào với nhạc phẩm Vũ khúc mùa xuân của Tôn Phong, biên đạo múa Hạ Nguyên và tốp múa của đoàn... Tuấn Cộ tấu lên như mời chào. Bích Đào xuất hiện. Cả một nhà hát chật cứng là người những khuôn mặt tươi như hoa. Diễn viên múa như những cô tiên xòe đôi cánh hoa đào ra nâng Đào lên, chắp  cho tiếng hát đầy xao xuyến.

Mùa xuân đến rồi

Lay động cả đất trời

Mùa xuân về với mọi người

Em ơi!

Mùa xuân

Chắp cho ta đôi cánh

Bồi hồi...

Bích Đào đón ánh mắt mọi người giành cho mình, tươi vui trìu mến. Bích Đào nhận ra ánh mắt của bố mẹ nồng ấm... Đào biết. Mình hát không phải cho riêng mình, cho khát vọng được nổi tiếng mà cho trái tim của người khao khát được sống. Làm việc và vì cuộc đời này...

Đôi tay Bích Đào dang ra như hai cánh xuân. Tiếng kèn Trôm pét của Tuấn Cộ đầy gợi cảm làm sao. Và cả dàn nhạc nữa, cứ tấu lên, tấu lên đầy diệu vợi...

Tiếng hát vừa dứt, cả nhà hát lặng đi trong phút giây. Tốp múa ngừng lại như tượng những con thiên nga trên bầu trời cao xanh. Tiếng vỗ tay làm Bích Đào rạo rực. Bố và mẹ ùa lên sân khấu tặng hoa. Bạn bè Bích Đào và cả mấy em thiếu niên cổ quàng khăn đỏ nữa. Đặc biệt có một người lính, khoác trên vai ba lô như chuẩn bị cho tiết mục biểu diễn, cầm hoa chạy lên sân khấu: - Chúc Bích Đào!

- Kìa Tấn Phương... Về từ bao giờ?

- Mình từ Trường Sa về... Xuống tàu là ra ngay... Kịp Bích Đào! - Tấn Phương muốn ôm lấy Bích Đào cho thoả lòng mong nhớ.

Bích Đào rất muốn cùng Tấn Phương trình diễn như ngày xưa còn là ca sĩ nhí ở nhà văn hoá Thiếu nhi. Tiếng đoàn trưởng nói rất khẽ: - Bích Đào, hãy thay mặt đoàn tiếp người lính này nhé!

Đào đi cùng người chiến sĩ từ đảo xa trở về. Không hiểu ai đã kịp ghi âm lại bài hát mà mở ra không biết:

Mùa xuân

Em ơi đã đến rồi

Hát lên đi

Cho thêm yêu cuộc đời.

 

T.N.T

 

 

Từ Nguyên Tỉnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 172 tháng 01/2009

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground