Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 18/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Yêu thương biền biệt

Có người bấm còi rồi chỉ đằng sau đuôi xe, Thư giật mình ngó lui, trời ơi, con Gấu lại chạy theo hai mẹ con ra tới đường lộ nãy giờ.

Từ đây về tới nhà tầm ba cây số và cách trường mầm non của Bông khoảng năm trăm mét, Thư dừng xe lại, nạt Gấu về nhà đi, dù biết nó đã chạy tới đây thì chẳng cách chi bảo nó về một mình. Bông đòi đưa em vào lớp học, lại mất năm phút giải thích cho con hiểu. Đưa Bông vào lớp xong, Thư quay ra cổng tìm con Gấu, nãy dặn nó đứng ở xe chờ mà chắc cu cậu lại ham chơi, chạy nhảy đâu rồi. Phải vài phút sau nó mới tí tởn chạy về, Thư la nạt, bảo lên xe, về nhà ngay cho mẹ. Sáng nay ở cơ quan có cuộc họp, kiểu này không khéo lại tới muộn, bực chi mà bực, nhưng nạt xong, thấy cu cậu ngồi trước xe im re như biết lỗi, Thư lại thấy buồn cười.

Gấu là con chó mà chồng đem từ đơn vị về để làm quà cho hai con. Một người đồng bào tặng anh, anh đem về đơn vị nuôi mấy bữa rồi đưa về nhà. Khỏi phải nói, Bin thích lắm, nhìn thấy con chó nhỏ xíu, lông mềm mại, con bảo sẽ gọi em là Gấu. Bông mới đầu hơi sợ, giờ thì đi đâu cũng quấn nhau. Từ ngày có Gấu, hai anh em như có thêm người bạn, thỉnh thoảng nghe cuộc chuyện trò của hai con, thấy dễ thương lắm.

- Em Gấu nhớ rừng không? Nhà em ở trên rừng, gần đơn vị của ba anh đó. - Bin vừa vuốt ve con chó, vừa trò chuyện như người lớn.

- Có khi nào mình đặt tên là Gấu xong nó biết thành con gấu không anh Bin? - Bông hồn nhiên hỏi khiến Bin bật cười.

Kể ra, từ khi có chú chó nhỏ này, ba mẹ con đỡ buồn, đỡ nhớ chồng, đỡ nhớ ba hơn. Gấu là con chó thông minh, hiểu chuyện, cảm giác mình nói gì nó cũng hiểu. Bực một cái là dạo này, cứ hễ mấy mẹ con ra khỏi nhà là nó chạy theo, báo hại nhiều bữa Thư phải chở nó quay ngược về nhà như sáng nay.

Ấy vậy nhưng thật may khi sáng nay quay trở về nhà bởi cô phát hiện ra lúc nãy đi vội vội vàng vàng, mấy mẹ con quên khóa cửa. Dạo này đầu óc Thư đãng trí lắm, hình như từ khi sinh bé Bông xong, Thư hay quên nhiều hơn. Thư ngó vào cửa mà run run, trời ơi, không biết có ai vô nhà chưa. Tài sản trong nhà chẳng có chi đáng giá ngoài cái tivi, máy tính nhưng Thư sợ cảm giác người lạ bước vào nhà mình rồi lục tung mọi thứ. Nó sẽ khuấy động những bình lặng mà cô gắng thu xếp bấy lâu. Cô kiểm tra một lượt trước khi khóa cổng lại, dặn Gấu giữ nhà, trưa anh Bin, em Bông về chơi cùng con nghe. Nó dụi đầu vào chân Thư tỏ ý buồn bã và chấp nhận.

* * *

 “Bây giờ là một giờ sáng, các con đã ngủ say. Em vừa đọc xong một cuốn sách, cảm giác cứ bâng khuâng. Cuốn sách này nói về tình yêu và cả tình cảm cha con, người cha bác sĩ khi còn sống đã vì bận bịu công việc mà ít dành thời gian cho con trai. Đến lúc mất, ông hối hận, linh hồn của ông đã gặp con để xin lỗi. Tiểu thuyết hư cấu nhưng sao đọc xong em buồn quá. Em biết, anh luôn thấy có lỗi khi không có thời gian bên các con. Lúc anh về hưu, em cũng đã già, các con đã lớn. Những khoảng trống vắng anh, sẽ chẳng có cách chi lấp đầy. 

Sáng nay, Bông vừa nói với em, mẹ ơi, mai mốt lớn con sẽ không lấy chồng, con ở với mẹ. Em hỏi tại sao. Con bảo con thương mẹ ở một mình sẽ buồn, ba thì cứ ở đơn vị mãi. Em bật cười, bảo với con là không đâu, tới lúc con lấy chồng thì ba nghỉ hưu rồi, ba sẽ ở nhà với mẹ, nên con cứ yên tâm lấy chồng nhé. Bông trầm ngâm, nghỉ hưu là không ở trong đơn vị nữa hả mẹ. Ừ, là ba được về nhà mình. Con bé suy nghĩ một lúc rồi nói tiếp, vậy con cũng không lấy chồng. Tại sao nữa. Con muốn ở nhà với ba.

Anh xem, con nói nghe thương không. Em luôn thấy mình may mắn khi ông trời ban cho chúng mình hai đứa con ngoan ngoãn và hiểu chuyện. Mỗi khoảnh khắc con trưởng thành, giá có anh ở bên để cùng chứng kiến thì vui biết mấy. Nhưng không sao, em sẽ kể lại, để anh không bỏ sót một khoảnh khắc nào. Thương và nhớ anh nhiều lắm.”

Tùng bật cười khi nghĩ đến cô con gái bé bỏng rồi thở dài và gấp sổ lại. Đây là cuốn sổ mà vợ anh đặt tên là “Lời thương cho nhau”, lúc nhớ nhau hay có chuyện gì đó mà không liên lạc được, mỗi người sẽ viết vào một cuốn sổ để kể lại chuyện đã xảy ra. Nó vừa là nhật ký, vừa là thư tay khi chồng vợ con cái chẳng được gần nhau. Anh thấy cách này rất hay, rất tiện. Đôi khi gặp nhau, ai cũng muốn kể những chuyện vui, chuyện buồn thì cố giấu. Nói chuyện qua điện thoại cũng vậy, thời gian thăm hỏi chỉ trò chuyện vui cười, dù nhìn qua màn hình điện thoại, thấy rõ ánh mắt người kia đang có điều gì lấn cấn, phảng phất buồn. Cũng phải thôi, không ở gần nhau, chẳng giúp gì được thì nói ra làm chi. Lắm khi anh giấu Thư những chuyện khiến anh mệt mỏi thì chắc rằng Thư cũng vậy. Thế nhưng, một khi đặt bút viết ra, ta có thể tự do trải lòng mà không lo lắng. Kiểu như nỗi buồn lo ấy đã nguội bớt từ người chia sẻ lẫn người đang chịu đựng. Vậy là chồng vợ thấu hiểu nhau, chia sẻ cùng nhau nhiều chuyện khó giãi bày, chẳng nặng nề hay câu nệ chi nữa.

Minh họa: Kim Duẩn

Minh họa: Kim Duẩn

Làm vợ lính, Tùng biết Thư chịu nhiều thiệt thòi hơn người khác bởi nội ngoại đều ở xa. Hai lần sinh nở, Tùng đều không thể ở cạnh vợ. Anh về khi con đã đầy tháng. Cứ thế, khi các con đỏ hỏn, chẳng đứa nào biết nhớ hơi cha, nghỉ phép về nhà bồng con thì con khóc. Tới lúc con quen hơi thì anh phải trở lại đơn vị. Thư là người phụ nữ mạnh mẽ. Anh em trong đơn vị hay kể chuyện gia đình vợ con, ai cũng kể vợ mình hay khóc, hay dỗi hờn vì xa chồng, vì chồng chẳng đỡ đần được gì. Tùng ngẫm lại, anh chưa bao giờ thấy Thư khóc hay dỗi hờn lần nào. Lúc nào cô cũng động viên anh nhớ hoàn thành nhiệm vụ, chuyện ở nhà em lo được, anh yên tâm. Và mười mấy năm qua, đúng là mình Thư đã luôn lo mọi chuyện trong ngoài ấm êm. Nhờ cuốn sổ này, anh mới biết những bơ phờ mỏi mệt Thư đã trải qua thế nào.

Thư của anh, anh nhớ ba mẹ con quá. Niềm mơ ước của anh là mỗi ngày được ăn cơm vợ nấu, tối tối dạy con học bài. Cuối tuần cả nhà đi siêu thị, đi công viên. Anh em trong đơn vị, ai cũng mong vậy nhưng vì nhiệm vụ đặc thù, chẳng ai kêu ca, than vãn. Mai mốt khi về hưu, làm được những điều đó thì các con đã lớn, liệu các con có trách anh không, có hiểu cho ba không?

Những lo lắng của anh có khi thừa thãi vì anh tin em luôn dạy dỗ con tử tế, dạy con hiểu và thông cảm cho ba. Có đợt về nhà, anh hỏi Bin ở trường có gì vui không. Bin bảo cũng thường thôi ba nhưng bạn bè con hay hỏi sao chẳng bao giờ thấy ba tới đón. Con đã trả lời hãnh diện với bạn rằng, ba mình là bộ đội, bận làm nhiệm vụ. Bạn bè trong lớp con không hiểu làm nhiệm vụ là gì nhưng nghe thế chúng cảm thấy oách lắm ba à. Mẹ nói ba đi làm nhiệm vụ nguy hiểm lắm, nên dặn anh em con lúc nào cũng cầu mong cho ba và các chú được bình an. Nghe thế anh thương các con và thương em vô cùng.

Mấy hôm nay đơn vị có chuyện buồn. Mẹ của đồng chí Thường mất lúc tụi anh đang làm chuyên án. Nghe nói bác ấy cố ý chờ con trai để nhìn mặt lần cuối nhưng không thể được. Thường là người đàn ông rắn rỏi, khi nghe tin, mọi người thấy anh ấy có vẻ bình tĩnh. Vậy mà sau khi về chịu tang rồi trở lên đơn vị, anh em bảo đêm nào đồng chí ấy cũng nằm khóc rồi thức trắng đêm…

Kể chuyện của Thường mà Tùng cũng thấy xót xa. Nghề lính là vậy, khi thực hiện nhiệm vụ, người lính rắn rỏi cứng cáp bao nhiêu thì khi đối diện với mất mát, thương đau, dường như họ cũng gắng gượng mạnh mẽ bấy nhiêu. Nhưng đôi khi, tình cảm là thứ chẳng dễ dàng che giấu… Anh cũng từng trải qua giây phút ấy. Đó là lần nghe tin đơn vị của anh Phi gặp nạn. Lúc đó, anh đang đi tuần tra, mưa gió xối xả, nghe mọi người báo tin một vạt núi đã sạt xuống tại nơi đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Gọi cho anh Phi không được, Tùng lo lắng, muốn đến hiện trường để xem tình hình. Nhưng khi đó rất nhiều khu vực sạt lở, tụi anh bị cô lập mấy ngày liền. Biết được hung tin hai mươi hai người lính trong đó có người anh em thân thiết đã hy sinh, Tùng đau buồn nhưng chẳng thể đến tận nơi để thắp cho đồng đội của mình một nén nhang.

Gần giỗ anh Phi rồi, em có gọi điện hỏi thăm chị Hoa. Nghe giọng chị ấy buồn lắm. Chị bảo lâu rồi chẳng mơ thấy anh ấy, có khi nào anh quên chị rồi không. Em bảo là có khi anh ấy muốn chị quên anh cũng có, anh không muốn chị buồn mãi đâu. Chị Hoa kể mẹ anh Phi muốn lên thôn Cợp một chuyến nhưng chỗ đó năm nay lại sạt lở nhiều, đường xấu, chị sợ mẹ đi không nổi. Mấy năm nay, sức khỏe mẹ yếu đi. Em cũng muốn thu xếp đi cùng chị, muốn lên nhà tưởng niệm thắp hương cho các anh ấy. Chị Hoa bảo chị còn may mắn hơn nhiều người, nghe nói nhiều gia đình có người thân mất tích trong mùa mưa bão năm đó vẫn chưa tìm thấy thi thể. Giờ cứ nghe tin bão lũ là tụi em tim đập chân run. Tối nào em cũng xem thông tin về vụ sạt lở ở làng Nủ, xem rồi mất ngủ, cứ thao thức hoài. Nghĩ thương bao nhiêu người nằm dưới đó, thương người ở lại. Rồi nhìn hình ảnh những người lính đang ngày đêm mưa gió lội bùn tìm kiếm người mất tích, thương chi mà thương…” Viết tới đó, Thư gấp sổ lại, cô sợ mình viết thêm những điều sẽ khiến cả mình và chồng buồn thêm.

Sáng nay, dì hàng xóm ghé qua nhà cho Bông nải chuối vườn vừa chín. Dì hỏi thăm mấy mẹ con rồi buột miệng bảo ngó Thư chẳng khác chi mẹ đơn thân. Dì bảo dì lấy Thư ra làm gương cho con gái dì. Nghe nói nó cũng đang yêu anh bộ đội nào đó, dì nói “Mi nhắm chịu được như chị Thư không rồi nghĩ đến chuyện yêu và cưới bộ đội. Chồng bộ đội có cũng như không đó”. Dì ngăn cản lắm nhưng đang yêu mà, dễ chi con bé nghe. Dì lo lắng vì tính con bé từ nhỏ đến giờ luôn được nuông chiều, sợ sau này nó không đảm đang chu toàn được như Thư. Thư cười, không biết nếu ngày đó có ai ngăn cản hay nói trước những khó khăn khi làm vợ bộ đội, liệu cô có chần chừ hay không. Chắc là không, cô tin mọi chuyện trên đời đều có duyên phận, nhất là chuyện vợ chồng.

Ký ức của Thư vẫn nhớ như in cơn lũ lịch sử năm chín chín, cả làng ngập trong nước. Mạ vừa sinh em trai được mười ngày, người còn yếu nên mình ba lục đục thu dọn đồ đạc, kê cao chỗ này chỗ kia. Trời mưa ầm ào không dứt. Một tay mạ bồng em bé mới sinh, một tay nắm lấy Thư. Mạ sợ Thư nghịch ngợm rồi rớt xuống nước, mạ dặn đi dặn lại phải ngồi chắc chắn vào, con rớt xuống mạ chụp không kịp mô. Nhà có hai chiếc giường, một chiếc ba mẹ con đang ngồi. Chiếc giường bên kia thì hai chú heo và một chú chó tranh nhau đứng ngồi ngơ ngác. Chó sủa heo kêu inh ỏi, tiếng đàn bà con nít khóc lóc khắp xóm. Khi nước lấp xấp mé giường, ba mạ đang lo lắng vì chẳng thể kê cao thêm được nữa thì có tiếng ca nô ở bên ngoài. Mạ nắm tay Thư rồi reo lên: “Bộ đội về rồi, sống rồi con ơi”. Mấy chú bộ đội lội vào bồng mạ con Thư lên thuyền. Mạ nói để mạ tự lội ra, chú bộ đội đó nói, để chú ẵm ra, bà đẻ lội nước chi hại người. Ba thì lúc đó kiệt sức rồi, một chú bộ đội khác dìu ba đi. Thư nhớ mãi, áo quần các chú ướt đẫm, chú động viên Thư “Không có chi mô con, đừng sợ nghe”. Cano chạy qua biển nước, xác heo bò trôi lổn nhổn, mạ nhìn thấy cảnh ấy cứ khóc, mất hết rồi các chú ơi. Chú động viên mạ, còn người còn của chị ơi. Trận lụt năm đó, ở làng có mười mấy người chết.

Thư đã thích và nhớ mãi hình ảnh về mấy chú bộ đội từ dạo đó. Sau này, cũng là chuyện nhân duyên, Thư gặp anh trong chuyến công tác vùng cao. Anh là bộ đội biên phòng, vẻ rắn rỏi nghiêm nghị của anh cuốn hút Thư ngay lần đầu gặp mặt. Hai người đến với nhau một cách chân thành. Hôm anh dẫn Thư về ra mắt, Thư trông thấy ba anh quen quen, hình dung trí nhớ non nớt của con bé mười tuổi vẫn còn. Thư biết ba anh là bộ đội về hưu, cô mạnh dạn hỏi năm đó bác từng đi cứu nạn lũ lụt ở làng Biều. Bác gật đầu. Thư kể chuyện nhà mình, nhà có bà mẹ mới sinh em bé mười ngày và một con bé mười tuổi. Ba anh vỗ vai Thư, con là cô bé lễ phép xinh xắn lúc đó đấy ư. Ở đời có những nhân duyên tuyệt vời như thế.

Thế nên, với ba mẹ chồng, Thư luôn cảm thấy gần gũi. Mạ từng một mình nuôi con để chồng yên tâm làm nhiệm vụ nên hơn ai hết mạ hiểu và thương con dâu vô cùng. Ba từng công tác trong quân đội, hiểu những khó khăn của nghề lính, của hậu phương, ba luôn động viên Thư mạnh mẽ.

* * *

Sáng nay khi ba mẹ con ra khỏi nhà, Gấu bỗng nhiên sủa inh ỏi. Nó cứ đứng ở cửa rồi sủa, Thư nóng ruột lạ lùng. Tự nhiên cô linh tính chuyện chẳng lành. Thư cầm điện thoại gọi cho chồng thì không liên lạc được. Cô tìm số liên lạc trên đơn vị, xưa nay vẫn vậy, khi không liên lạc với chồng thì có thể hỏi đồng đội anh. Gọi hoài mà không thấy ai bắt máy, tim Thư đập thình thịch, cô khấn nguyện trong lòng, mong chồng bình an. Ít lúc sau, có điện thoại gọi thông báo cho Thư rằng Tùng bị thương trong lúc khống chế đối tượng vận chuyển ma túy, vết thương không quá nguy hiểm nên Thư đừng lo lắng. Tim Thư như thắt lại, cô nhanh chóng bắt xe chạy nhanh đến bệnh viện, vừa đi vừa nhớ chuyện của bốn năm trước.

Em nhớ hôm đó, chị Hoa khóc lóc gọi cho em, bảo là đơn vị anh Phi có chuyện rồi, chị phải lên đó. Em nói mưa gió thế này chị không đi xe được đâu, để em gọi xe rồi cả hai chị em cùng đi. Chị Hoa kể hôm qua anh Phi mới gọi về chúc mừng sinh nhật chị trước, bảo lỡ mưa gió anh không liên lạc được. Nghe vậy chị đã muốn la, vì cứ linh tính chuyện không hay, lạ lùng là hôm đó chị chẳng làm chi được, cứ đứng ngồi không yên. Sáng ra, khi nghe tin sạt lở trên Hướng Việt, chị gọi cho anh không được, gọi các anh em trong đơn vị anh cũng không ai bắt máy. Ai mà ngờ, tất cả đều bị vùi lấp ngay trong đêm. Khi hai chị em lên đó, xe ô tô chỉ đến được Sở chỉ huy tiền phương ở Khe Sanh, cách đơn vị anh Phi đóng quân gần ba cây số. Đường xấu, mưa to, xe không thể đi tiếp. Em đã dìu chị Hoa bước thấp bước cao lội bộ trong đêm để đến điểm sạt lở, hai chị em cứ dắt tay nhau đi theo tiếng máy xúc máy đào. Chị Hoa khóc tức tưởi. Chị kể từ khi anh Phi chuyển về công tác tại Đoàn 337, chị chưa lên đơn vị thăm anh lần nào. Không ngờ, giờ chị lại lên thăm anh bằng cách này đây...”

Ngẫm lại, Thư nhớ mình cũng chưa có cơ hội lên đơn vị Tùng lần nào. Xa quá, anh nói đường đi vất vả, sợ mấy mẹ con say xe. Anh Phi và chồng Thư chơi thân với nhau từ hồi đi học. Không hẹn, cả hai đều về công tác tại quê nhà. Nhiều lần, cả hai gia đình hẹn nhau một chuyến đi chơi chung nhưng lúc thì anh Phi bận, lúc thì Tùng bận. Thực tế, đi du lịch mỗi nhà mình còn khó, huống chi là cả hai nhà. Nên sau này, mọi người hy vọng sẽ ăn bữa cơm chung thôi cũng được, nhưng chẳng khi nào hai anh có cùng thời gian nghỉ phép. Trước khi anh Phi nhận nhiệm vụ cứu trợ đồng bào lũ lụt ở Hướng Việt, anh có nhắn tin cho Tùng, hẹn vu vơ bữa nào gặp mặt. Nào ngờ, cuộc gặp mặt đó chẳng diễn ra như mọi người mong đợi. Trận sạt lở năm đó đã vùi lấp hai mươi hai người lính của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Họ vừa mới trở về đơn vị, có người đang ăn mì tôm, có người đang cầm miếng lương khô, có người vừa đặt lưng nằm nghỉ sau một ngày dài vất vả. Lần đó, Tùng cũng bị cô lập vì lũ lụt, không thể đến tiễn đưa đồng đội, bạn bè lần cuối.

Sau này, chị Hoa được quân đội tuyển dụng vào làm quân nhân. Chị bảo khi mặc áo lính, làm việc cùng đồng đội của anh, hiểu hơn những gian khổ hi sinh của anh mà chị thương lắm. Đơn vị của anh Phi cũng đã lo chu toàn cho các gia đình liệt sĩ, hỗ trợ xây dựng ngôi nhà còn dở dang của mẹ con chị. Quân đội luôn chu đáo, tận tình, tận tâm như thế, dịp lễ tết nào cũng có anh em bạn bè đồng đội đến thăm mẹ con chị. Nghe chị kể, Thư nhớ lời mạ trong lúc tuyệt vọng trước cơn lũ dữ năm xưa, mạ thốt lên “bộ đội về rồi, sống rồi con ơi”. Chồng chị, chồng Thư và nhiều anh em đồng đội khác đã luôn dấn thân vào hiểm nguy, giữ bình yên cho nhân dân, mang niềm tin và hi vọng cho nhân dân.  

Nghĩ miên man trên đường đến bệnh viện, Thư vẫn cố bình tĩnh và mạnh mẽ. Vậy mà lúc tới nơi, thấy chồng nằm đó với cái chân bị thương, bao nhiêu tủi hờn lo lắng thương yêu như vỡ òa, Thư khóc như chưa từng được khóc. Thư khóc đến nỗi y tá, bác sĩ, các anh trong đơn vị dỗ mãi vẫn không nín. Thư biết, giọt nước mắt của mình là những yếu đuối đã chôn sâu bấy lâu, là yêu thương nhung nhớ chẳng kể cùng ai, là lo lắng, bất an không dám nói mỗi khi chồng làm nhiệm vụ. Sau cùng, đó là nước mắt của hạnh phúc và may mắn khi anh vẫn còn đây. Nói như chị Hoa, lấy chồng bộ đội nên chẳng mong mỗi ngày anh ấy sáng đi chiều về như chồng người ta, một năm về một hai lần cũng được, xa xôi biền biệt mấy cũng được nhưng chỉ cần có thể bình an quay về. Thư biết Tùng còn có thể về nhà, vậy là cô may mắn lắm rồi. Thương yêu và tự hào này, làm sao người khác hiểu, làm sao kể xiết…

D.A

 

 

DIỆU ÁI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 362

Mới nhất

Di chúc của mẹ

16/01/2025 lúc 09:33

Bà Liên vật vã hết nghiêng người về bên này lại nghiêng bên kia, rồi gác tay lên trán thở dài thườn thượt, buồn bã. Lời ông trưởng thôn chậm rãi nhưng cứ như xát muối vào gan ruột của bà: “Việc thờ cúng người bên kia chiến tuyến trong ngôi nhà này thật sự không phù hợp…”

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị gặp mặt báo chí Xuân Ất Tỵ 2025

16/01/2025 lúc 20:13

Sáng ngày 16/01/2025, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025. Tham dự sự kiện có đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, cùng lãnh đạo và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.

Sơ kết hai năm hoạt động của Group "Văn nghệ sĩ với quê hương Quảng Trị"

16/01/2025 lúc 20:08

Sáng ngày 8/1/2025, tại Văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Ban Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật đã tổ chức cuộc họp sơ kết hai năm hoạt động của Group "Văn nghệ sĩ với quê hương Quảng Trị". Tham dự buổi họp có các đồng chí lãnh đạo Hội và đội ngũ quản trị viên Group.

Hội nghị giao ban các cơ quan chủ quản báo chí tỉnh Quảng Trị năm 2024

16/01/2025 lúc 20:04

Chiều ngày 31/12/2024, tại hội trường Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị diễn ra hội nghị giao ban các cơ quan chủ quản báo chí. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, quản lý báo chí năm 2024 và thảo luận phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025.

Hương của núi rừng

16/01/2025 lúc 09:21

Khe Sanh, một cái tên gợi lên biết bao nỗi niềm lịch sử và cảm xúc của một vùng đất xa xôi giữa rừng núi Trường Sơn.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

19/01

25° - 27°

Mưa

20/01

24° - 26°

Mưa

21/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground