Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bác Hồ học tập tri thức dân gian và thơ ca dân gian học tập Bác*

X

ưa nay, văn nghệ dân gian là những tác phẩm thơ ca hò vè, là thứ văn chương bình dân do các tầng lớp nhân dân lao động sáng tạo nên nhằm biểu lộ tư tưởng, quan điểm, tình cảm chung nhất của tầng lớp mình đối với một số vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống. Nó tồn tại, phổ biến, lưu hành trong nội bộ đời sống nhân dân. Về tổng thể, nó phóng khoáng, tùy hứng, không bị ràng buộc bởi khuôn thước nghiêm ngặt nào cả về đề tài, nội dung lẫn hình thức như văn học viết. Nó là sản phẩm mang tính tự phát của lòng người, tự sáng tạo, tự giải bày, tự hưởng thụ và vì thế phần lớn tác phẩm thuộc thể loại văn chương bình dân này chưa đạt tới trình độ mẫu mực nào, cái mà bây giờ ta gọi là đỉnh cao của văn chương bác học. Nhưng nói vậy không có nghĩa là văn chương bình dân không có những thành tựu; cái gọi là tinh tuý, thâm hậu mà các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hoá lớn như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du...học hỏi, vận dụng sáng tạo để đưa vào tác phẩm của mình. Và gần chúng ta nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hầu hết các tác phẩm báo chí, truyện ký, các bài nói chuyện của mình đều sử dụng triệt để thủ pháp, ngôn từ, thành ngữ, tục ngữ...trong kho tàng tri thức dân gian. Chủ tịch Hồ Chí Minh có một quan điểm vừa truyền thống và cấp tiến là dùng ngôn ngữ sao cho có hiệu lực cao nhất để thức tỉnh và hướng quần chúng vào các hành động cách mạng cụ thể, Bác Hồ đã khuyên chúng ta: “ Khi nói, khi viết phải làm như thế nào để quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quan tâm làm theo lời kêu gọi của mình”. Nói đi đôi với làm, Người đã thực hành điều đó một cách mẫu mực qua việc sử dụng lớp từ khẩu ngữ nôm na, thông tục; tất nhiên là có chọn lọc cho phù hợp với từng đối tượng, từng ngữ cảnh nhất định. Với sự vận dụng sáng tạo và tài tình (dùng đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng) này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao giờ nó cũng tạo ra những liên tưởng bất ngờ, thú vị; những hàm nghĩa tinh tế, sinh động, nó có tác dụng nêu rõ bản chất sự việc, tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến người đọc, người nghe. Nó có tác dụng hết sức lợi hại trong việc chỉ ra bộ mặt thật của kẻ thù, tạo nên tiếng cười châm biếm sâu cay và bao giờ hiệu quả mang lại cũng là sự động viên khích lệ quần chúng tham gia vào các phong trào cách mạng.
Một vài ví dụ. Báo Nhân dân số ra ngày 30.7.1966 có đoạn nói về tổng thống Mỹ Giônxơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Về chính trị, cần vạch rõ mưu mô xỏ lá của đại bợm Giôn. Càng thua, Giôn càng giẫy giụa, càng đẩy mạnh chiến tranh ở Việt Nam, càng rêu rao cái món hoà bình giả dối. Từ tháng 4 năm 1965, y đưa ra cái gọi là “đàm phán không điều kiện” hòng bịp thiên hạ”. Ta thấy những từ xỏ lá, bợm, giẫy giụa, rêu rao, món, giả dối, bịp đều là lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng; đặc biệt các từ bợm, xỏ lá, món, bịp được gắn với Giônxơn là một cách chỉ mặt đặt tên đích đáng. Người đọc nhanh chóng nhận ra cái lôgic của vấn đề Giôn là đại bợmmưu mô xỏ lá, vì Giôn rêu rao cái món hoà bình giả dối để hòng bịp thiên hạ. Qua khảo sát các tiểu phẩm báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta thấy Người rất có ý thức dùng từ ngữ vốn là lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng với một số lượng lớn và tần số rất cao. Có thể thống kê ra một loạt các từ rất đặc trưng: cút, nặn, láo, tát, vố, nòi, tợn, lừa, uỵch, to, cừ, mồm, bịp, tỏng, cóc (sợ), rặt, bợm, xỏ lá, cũ rích, rùm beng, lu bù, hục hặc, cắn cấu, hôi thối, lừa bịp, rêu rao...; các tổ hợp từ như: khua mồm, luôn mồm, la hét om sòm, thốt ra, chối đây đẩy, thét vào mặt, luôn mồm chưởi rủa, cuốn gói chuồn, chết nhăn răng, nhăn răng cười, trò hề trơ trẽn, chuyện gì hay hay, bà con nghe đây...
Để vạch trần chế độ Ngô Đình Diệm chỉ là chế độ bù nhìn do Mỹ nặn ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên báo Nhân dân số ra ngày 20.7.1955: Ai cũng biết tỏng những lời Diệm nói đều do Mỹ viết sẵn. Chỉ qua một câu văn thôi nhưng sự chính xác và tinh tế là ở sự lựa chọn và kết hợp từ (tất nhiên đều là lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân) thể hiện bản lĩnh lẫn cá tính và sự sáng tạo của tác giả: không viết biết rõ mà là biết tỏng (trong cụm từ láy tỏng tòng tong). Chỉ một từ thôi, bộ mặt thật của chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam được phơi bày một cách thảm hại… Trong trường hợp này, chúng ta thử so sánh xem các tác giả văn chương bình dân Quảng Trị vạch mặt cụ Ngô như thế nào? Đây là lời thổ lộ, giải bày đơn thuần chỉ là của một cô gái nông thôn đang nằm trong vòng kìm kẹp, khủng bố khét tiếng của chế độ Ngô Đình Diệm:
Ai đi Sài Gòn, Chợ Lớn em vô
Để em gặp hỏi cụ Ngô một lời
Hỏi rằng cụ nói nhiều rồi
Tự do, độc lập xây đời ấm no
Sao mà mua gạo không cho
Mua dầu cũng bắt, mua bò cũng giam?
Mẹ em cặm cụi ăn làm
Lính cụ về bắt đem giam tháng ngày
Đánh cho bầm mặt, tím mày
Bắt người vô tội mỗi ngày mỗi đông
Mở trường dạy trẻ thì không
Các em tự học, Hội đồng bắt giam
Em vui, em hát trong làng
Cũng ngăn, cũng cấm cho cang tấm lòng
Mẹ em ba thước ruộng công
Bữa ni cụ rút tay không mất rồi!
Mẹ con tui đói cụ ơi
Sao mà cụ nói xây đời ấm no
Cụ sao không học Bác Hồ
Để cho dân ấm, dân no, dân lành
Em thề dù có hi sinh
Đấu tranh quyết giữ hòa bình trong tay.
Thiết nghĩ ở bài ca dao này không cần phân tích bởi sự việc đã được các tác giả văn chương bình dân lật tẩy, trình tự phơi bày ra giữa ánh sáng lớp lang, thấu tình đạt lý. Nói một mà không phải một, cứ tưởng chỉ là lời giải bày thổ lộ tâm tình của một cô gái ở chốn quê nghèo, ai ngờ đó là cả một sự đấu trí cân não, chỉ ra một chuỗi sự kiện mang tính đối lập giữa cái Thiện/cái Ác, chính nghĩa/phi nghĩa, độc lập tự do với độc tài, gia đình trị…Một bài ca dao có 22 câu lục bát truyền thống, các tác giả văn chương bình dân đã cài cắm, đưa ra giữa ánh sáng chí ít năm cặp phạm trù thối nát căn bản của chế độ Ngô Đình Diệm, chưa kể rút ra bài học thời sự, chính trị và kêu gọi quần chúng nhân dân giữ vững lập trường cách mạng. Năm cặp phạm trù thối nát căn bản của chế độ cụ Ngô: 1- Rằng cụ rêu rao Tự do độc lập, xây đời ấm no> < sao lại có việc mua gạo không cho, mua dầu cũng bắt, mua bò cũng giam?.. 2- Người dân lương thiện côi cút cặm cụi làm ăn> < sao cụ cho lính bắt giam, đánh đập…mà lại mỗi ngày một đông?.. 3- Chế độ cụ Ngô đã không mở trường dạy học> < các em nhỏ phải tự học sao Hội đồng, tức chính quyền cấp thôn xã của cụ bắt giam trẻ em tự học?.. 4- Đến cả trẻ con vui hát trong làng> < cũng bị ngăn cấm?.. 5- Người dân cày có ba thước ruộng công cũng bị cụ rút trở thành tay không> < thì sao gọi là “người cày có ruộng”?.. Và cuối cùng khi đã công khai đưa cụ Ngô (chế độ) ra so sánh với cụ Hồ, thì hệ quả tất yếu một bên là phi nghĩa, phản cách mạng> < một bên là chính nghĩa, cách mạng. Ở đây có cả sự chế diễu lẫn lời khuyên, thức tĩnh chế độ cũng như bè lũ tay sai cụ Ngô (Cụ sao không học Bác Hồ/ Để cho dân ấm, dân no, dân lành); Kêu gọi đồng bào trong vùng tạm chiếm miền Nam bền chí đấu tranh, gìn giữ nền hòa bình độc lập mà Đảng và Bác Hồ đã dày công giành được sau cách mạng tháng Tám và 9 năm kháng chiến.
Cũng trên bình diện vạch trần bản chất thối nát, bù nhìn, mị dân, gia đình trị của chế độ Ngô Đình Diệm, thơ ca dân gian trong nhiều bối cảnh khác nhau không chỉ đưa ra những bằng chứng sinh động, cụ thể mà còn so sánh đối chiếu, mổ xẻ tận chân tơ kẻ tóc để rồi từ những nghị án đi đến kết án không phải không đanh thép, thuyết phục. Có thể nêu ra rất nhiều câu ca dao như thế trong kho tàng văn chương bình dân Quảng Trị:
 Tám năm ở với cụ Hồ
                           áo ấm, cơm no, lúa tốt
Hai năm ở với “Quốc gia” nhà dột, cột xiêu
Thôi đừng huênh hoang
                           Mỹ có bơ lắm, sữa nhiều
Ai bỏ làng theo giặc, chứ bề tui
                        một lòng một dạ đi theo Bác Hồ.
Tám năm> < hai năm; áo ấm, cơm no, lúa tốt> < nhà dột, cột xiêu…vì vậy mà chớ hênh hoang Mỹ có bơ lắm, sữa nhiều. Tương tự:
     Ấu nào, ấu lại tròn
Bồ hòn nào, bồ hòn lại méo
Mỹ Diệm ơi! Bây đừng nói
                    trắc tréo chẳng ai nghe
Chúng bay xuyên tạc chán chê
Đồng bào vẫn nhớ có cụ Hồ
                                thì mọi bề mới yên…
Cũng như văn chương bình dân ở hầu hết các vùng miền trong cả nước là sử dụng vốn từ địa phương nơi mình sinh sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mạnh dạn dùng từ địa phương, những từ thông tục, đặc biệt là từ ngữ vùng Bắc Trung bộ. Trong các bài báo của Người, các từ như rảnh (nhàn rỗi), rặt (toàn là), đập (đánh), choa/ bầy tui (chúng tôi), mồm (miệng), trụt (tụt), đít, liếm…không những xuất hiện rất tự nhiên mà còn ở tần số rất cao, biến những từ thông tục, địa phương này có một vị thế và sức sống mới trong văn cảnh. Câu Tỉnh trưởng bù nhìn trốn sau đít một bà cụ già đăng trên báo Cứu Quốc ngày 21.1.1952 là tình thế thảm hại của tên tỉnh trưởng Phát Diệm; còn trong câu Các thủ tướng ngồi chưa nóng đít đã bị lật đổ trên báo Nhân Dân ngày 8.2,1955 là chỉ tình thế bất ổn, lộn xộn của Chính phủ Pháp…Đằng sau mỗi từ thông tục mà Chủ tịch Hồ chí Minh vận dụng là tiếng cười mỉa mai, là đòn đả kích mạnh mẽ, chứng tỏ Người đã phát hiện và vận dụng rất tài tình những khả năng tiềm tàng trong ngôn ngữ dân gian. Ở lãnh vực này đã có sự tương tác, ảnh hưởng qua lại giữa bút pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thủ pháp của các tác giả dân gian. Chúng ta thử xem văn chương bình dân Quảng Trị sử dụng phương ngữ, những từ thông tục dồi dào sắc bén như thế nào trong việc phản kích kẻ thù:
Ai nói cụ Hồ gây ra chinh chiến?
Sao không thấy thằng Tây
                   nó đến xâm chiếm nước ta?
Hắn xây đồn, đắp lũy, bắn giết, đốt nhà?
Bà con ơi! Vả vào miệng ba thằng nói láo
                                  cho rõ đâu là trắng đen!
Hoặc:
     Ai nói xấu cụ Hồ
Là đồ vong ân bội nghĩa
Lòng cụ Hồ tròn như chiếc đĩa
Suốt cuộc đời “trung với nước, hiếu với dân”.
Chỉ có quân hám sữa cặn, hám rượu tàn
Nói quấy, nói quá hòng làm
                              mất thanh danh cụ Hồ.
Chỉ trong hai câu ca dao ta thấy xuất hiện dày đặc các từ thông tục:“Vả vào miệng ba thằng nói láo cho rõ đâu là trắng đen/ Vong ân bội nghĩa/ hám sữa cặn, hám rượu tàn/ nói quấy, nói quá”…Quả đây là thủ pháp, là một phương thức vừa diễn đạt vừa lật tẩy, chỉ mặt đặt tên rất hiệu quả của văn chương bình dân vậy.
Bên cạnh việc sử dụng lớp từ khẩu ngữ thông tục bình dân và phương ngữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sử dụng rộng rãi thành ngữ và tục ngữ phù hợp với mục đích và hoàn cảnh nói năng. Những cách diễn đạt này là hình thức gọt dũa làm cho nội dung cô đọng, súc tích; nó chính là tinh hoa của cha ông chúng ta đúc kết từ thế hệ này sang thế hệ khác, nó được kết tinh và bảo lưu trong kho tàng tri thức dân gian. Đọc các tác phẩm báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta rất dễ dàng nhận diện ra hàng trăm câu thành ngữ/ tục ngữ được Người sử dụng một cách linh hoạt, sinh động, sáng tạo và hiệu quả. Có trường hợp Người dùng nguyên vẹn các thành ngữ, tục ngữ như: Giấu đầu hở đuôi/ mồm loa mép giải/ vỏ quýt dày có móng tay nhọn/ lửa thử vàng gian nan thử sức/ chớ để nước đến chân mới nhảy/ treo đầu dê bán thịt chó/ giả câm giả điếc/ nói thật mất lòng/ nói toạc móng heo/ vơ đũa cả nắm/ rước voi dày mả tổ/ cỏng rắn cắn gà nhà…Dù giữ nguyên vẹn các câu thành ngữ/tục ngữ đi chăng nữa thì lúc nào Người cũng có ý thức sử dụng thật chính xác cho từng đối tượng, từng vấn đề. Để làm nổi bật bản chất ngoan cố của đế quốc Mỹ, Người viết trên báo Nhân Dân số ra ngày 18.12.1963 như sau: Đế quốc Mỹ lại bị mấy cái tát nữa. Trong mười năm nay chúng bị nhiều vố đau. Nhưng chết mà nết không chừa, chúng không chịu rút kinh nghiệm. Thành ngữ chết mà nết không chừa được đặt trong chuỗi sự kiện phát triển liên tục làm cho lối diễn đạt dân gian vừa có nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và thành ngữ gốc được sử dụng này có thêm sự cộng hưởng về ngữ nghĩa. Đặc biệt trong nhiều trường hợp Người cải biến hình thức diễn đạt của dân gian bằng cách thay thế một hoặc hai từ nào đó trong cấu trúc. Ví dụ, thành ngữ nhát như cáy dùng để chỉ sự sợ sệt quá mức, nghĩa là rất nhát. Người chỉ thay yếu tố nhát bằng cụm từ to gan: Các ngài quân nhân Mỹ to gan như cáy, chưa tối đã rúc xuống hầm...
Trở lại với các tác giả văn chương bình dân, chủ nhân của kho tàng thành ngữ/ tục ngữ. Như là có sự đồng thanh tương ứng, đến lượt họ học học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng các thành ngữ mới, chứa đựng những tư tưởng, nội dung nói về cách mạng không kém phần sinh động. Đơn cử vài câu như sau: Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Đánh tan giặc Mỹ, cực chừ sướng sau . Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, câu ca dao này phổ biến ở Quảng Bình và Vĩnh Linh, còn ở bờ nam sông Bến Hải cũng phổ biến câu ca dao này nhưng có dị bản ở câu tám: Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Quyết tâm theo Bác, cực chừ sướng sau. Hoặc:
-“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
Quản chi gian khổ, cam go
Sẵn sàng nghe lời Bác gọi, bất cứ
          nơi mô cũng đi đầu.
-“ Tiến lên chiến sĩ đồng bào-
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”
Nhớ lời hiệu triệu Bác Hồ
Quân dân Quảng Trị đánh cho Mỹ ngụy chạy dài một tăng…
 
- Mưa rồi lại tạnh mà thôi
Nắng mưa mưa nắng, việc trời trời lo
Ta vì độc lập, tự do
Nghe lời Bác đã dặn dò
“Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào” mới thôi...
  
- Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
Bác Hồ sớm tối chăm lo
Cho nước Nam độc lập,cho dân ấm no, hòa bình.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”...được trích dẫn từ một câu nói nổi tiếng của Bác Hồ; “Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn” hoặc “Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào mới thôi” đều trích dẫn từ những bài thơ chúc tết của Bác Hồ; thậm chí câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Bảo Định Giang là “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên bác Hồ” cũng được các tác giả thơ ca bình dân trích dẫn, vận dụng và ghép thêm vào hai câu cuối của mình để trở thành một bài ca dao mới ngợi ca Bác Hồ. Cái hay ở đây là nó tự nhiên, không hề khiên cưỡng và nếu không tinh ý thì không ai biết đó là dân gian đã vận dụng, nhắc đi nhắc lại những câu nói, những tư tưởng chủ đạo về đường lối chủ trương chính sách cũng như nhiều bài học về đạo đức cách mạng của Bác Hồ.
Như vậy là, vì chú tâm đến đối tượng tiếp nhận là quần chúng nhân dân lao động nên Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngần ngại đưa văn nói, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ với tần suất rất cao vào các tác phẩm, bài nói của mình một cách nhuần nhuyễn. Đúng như đồng chí Trường Chinh nhận xét: Hồ Chí Minh viết y như nói, Người nói tiếng nói của quần chúng, nói cho quần chúng hiểu và làm. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng đinh khúc chiết hơn: Văn phong của Bác đa dạng, nhiều sắc thái mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vào lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao. Quả đúng như vậy, Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu trong việc học hỏi, vân dụng những tinh hoa trong kho tàng tri thức dân gian vào mục đích tuyên truyền, hướng dẫn quần chúng vào các hành động cách mạng cụ thể, thiết thực, vĩ đại. Và đến lượt mình, các tác giả dân gian từ sau cách mạng tháng Tám đến nay tự nguyện học tập đạo đức, tư tưởng, lối nói của Người. Họ đã bổ sung vào kho tàng tri thức dân gian nói chung, thơ ca dân gian nói riêng một khối lượng đồ sộ về mặt nội dung của thời đại mới- thời đại Hồ Chí Minh. Khó mà kết luận dứt khoát được rằng ai đã học hỏi được ai nhiều hơn, nên chúng tôi mượn lời một câu ca dao để kết thúc điểm 1 này: Giỏi như đến bậc cụ Hồ/ Người còn phải học huống hồ chúng ta ...**
                                                                                 Y.T.
 
 
_________________
*Đề tài “Người dân Quảng Trị học tập và làm theo đạo đức, tư tưởng Bác Hồ qua thơ ca dân gian” là công trình sưu tầm nghiên cứu từ năm 2009-2010 của hội viên Y Thi hưởng ứng Cuộc thi Sáng tác và quảng bá các tác phẩm VHNT và Báo chí ở tỉnh Quảng Trị được HĐNT đánh giá là công phu, có chất lượng và đưa vào danh sách trao giải thưởng Đợt II (tháng 9/2010).
   Để quảng bá, CV. Trích đăng phần tổng luận, chia ra làm 3 kỳ. Đầu đề do Toà soạn đặt.
**Ở phần này, chúng tôi có tham khảo các tài liệu:
- Nguyễn Thúy Khanh: Một số đặc điểm trong ngôn ngữ báo chí chính luận của Hồ chủ tịch và Nguyễn Phan Cảnh: Học tập cách viết dễ hiểu của Bác Hồ trong cuốn “Học tập phong cách ngôn ngữ Hồ Chí Minh”, NXB. KHXH, H. 1980.
- Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H. 2002.
Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 192 tháng 09/2010

Mới nhất

Báo Quảng Trị tổng kết công tác năm 2024

19/01/2025 lúc 00:13

Sáng ngày 18/1, Báo Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền, xuất bản năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang đã đến dự.

Ấm áp phiên chợ “xuân biên phòng - ấm lòng dân bản” năm 2025

18/01/2025 lúc 23:01

TCCVO - Ngày 18/01/2025, tại Chợ phiên biên giới Lao Bảo (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo (BĐBP Quảng Trị) phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương trên địa bản tổ chức Chương trình Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng Dân bản” năm 2025 cho nhân dân hai bên biên giới. Tham dự Chương trình có đồng chí Thượng tá Hồ Phú Vinh - Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị, Đồng chí Trần Bình Thuận - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, Thượng tá Phan Mạnh Trường - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo.

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị (mở rộng) cuối năm 2024

18/01/2025 lúc 21:55

TCCVO - Sáng ngày 17/01/2025, tại Hội trường Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Ban Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng phiên cuối năm 2024. Hội nghị có sự tham gia của các Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020 - 2025, đại diện các phân hội chuyên ngành; lãnh đạo Tạp chí Cửa Việt; chuyên viên Tổng hợp - Hành chính; chuyên viên theo dõi sáng tác, hội viên.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị gặp mặt báo chí Xuân Ất Tỵ 2025

16/01/2025 lúc 20:13

Sáng ngày 16/01/2025, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025. Tham dự sự kiện có đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, cùng lãnh đạo và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/01

25° - 27°

Mưa

23/01

24° - 26°

Mưa

24/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground