Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phong cách quần chúng của Bác Hồ

T

rong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác mãi khắc ghi tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ để phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thách thức thực hiện thắng lợi con đường mà Bác đã chọn. Trong phạm vi một bài viết không thể nói hết phong cách của Người mà chỉ giới hạn phần nào phong cách của Người đối với quần chúng qua những hình ảnh thường gặp, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua sách báo trong nước và nước ngoài.

Tuần báo “Đây Paris” ra ngày 18/6/1946 là một trong những bài viết sớm nhất, tương đối đầy đủ nhất về phong cách của Bác Hồ: "Chủ tịch nước Việt Nam là một người giản dị quá đỗi. Quanh năm ông chỉ mặc một bộ áo ka ki xoàng xĩnh và khi những người cộng tác quanh ông để ý với ông rằng với địa vị ông ngày nay, nhiều khi cần phải mặc cho được trang trọng thì ông chỉ mỉm cười trả lời: "Chúng ta tưởng rằng chúng ta được quý trọng vì có áo đẹp mặc, trong khi bao nhiêu đồng bào mình trần đang rét run trong thành phố và các vùng quê"?(1). Trong những ngày thường, ông dùng cơm ở Bắc Bộ phủ, ngồi chung với hết thảy mọi người. Người ta thấy quây quần xung quanh bàn ăn: các bộ trưởng, những thư ký và cả những cậu thiếu niên phục vụ bàn giấy. Nhờ có đức tính giản dị của ông mà khi ngồi ăn với mọi người, ông không làm ai phải giữ kẽ nhiều quá mà trái lại, không khí chung lộ ra, lúc nào cũng thân mật, cũng vui vẻ của một bữa ăn gia đình.

Tính giản dị và thân mật của ông còn biểu lộ ra trong những bài diễn văn. Không bao giờ ông tỏ vẻ thông thái, vốn rất rộng của ông. Ông thông thạo bảy thứ tiếng khác nhau và nói được rất nhiều tiếng thổ âm, trái lại ông chỉ dùng những câu nôm na khiến cho một người dù quê mùa, chất phác nghe cũng hiểu ngay được. Ngày ông viết xã luận cho báo Cứu Quốc, trước khi đem bài cho nhà in, bao giờ ông cũng đem đọc cho một số người không biết chữ, ông già, bà già cùng nghe. Nếu ông thấy thính giả tỏ vẻ không hiểu mấy những ý tưởng trong bài viết, lập tức ông viết lại ngay bài khác

Năm 1971 - sau khi Bác Hồ đã mất, một người Mỹ - nhà báo, nhà văn Đây - vít Hanbơstơn trong cuốn sách Hồ của mình, do Nhà xuất bản Răngđôm Haosơ ở New York ấn hành, đã viết: “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này - hơi giống Găng đi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt Nam. Có lẽ hơn bất kỳ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc của ông và đối với cả thế giới, ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế nhưng đối với hầu hết nông dân Việt Nam, ông là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ. Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị luôn luôn mặc quần áo đơn giản nhất - cách ăn mặc của ông không khác mấy người nông dân nghèo nhất, một phong cách mà phương Tây đã chế giễu ông trong nhiều năm, cười ông thiếu nghi thức quyền lực, không có đồng phục, không theo thời trang. Cho đến một ngày họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy chính cái tính giản dị ấy, cái sùng bái sự giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công của ông.(2)

 Ngày trở về Tổ quốc sau 30 năm tìm đường cứu nước Bác đã vui tết đón xuân với một số bà con dân tộc ở Pắc Pó Cao Bằng. Tại đây Bác đã chúc tết các cụ cao tuổi, thăm hỏi gia đình cán bộ cùng công tác với Bác. Trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đã quan tâm, động viên anh em bộ đội, anh em dân công và các lực lượng tham gia kháng chiến. Tết độc lập đầu tiên Bác đi thăm những gia đình nghèo khó ở Thủ đô. Bác đã từng ngồi trên mâm pháo của các chiến sỹ phòng không thủ đô trong những ngày chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

 Và sự gần gũi đó được thể hiện ngay từ phút đầu tiên Người ra mắt quốc dân. Khi vừa đọc một đoạn Tuyên ngôn độc lập, Người đã dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Chỉ là một câu hỏi thôi, một câu hỏi bình dị, tự nhiên mà thực sự đã làm xúc động trái tim hàng chục triệu đồng bào toàn quốc! “Cả muôn triệu một lời đáp: Có! Như Trường Sơn say gió Biển Đông”. Đó là một điển hình mẫu mực về mối quan hệ gần gũi, thân thiết hiếm có giữa lãnh tụ với quần chúng, ngay ở những giây phút lịch sử trang trọng nhất.

Năm 1957, Bác Hồ về thăm Quảng Bình. Cuộc mít - tin quần chúng đón Bác được tổ chức tại sân vận động thị xã Đồng Hới. Nói chuyện với đồng bào, Người nhắc nhở nhiều điều, trong đó có việc phải chú ý chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình đồng bào miền Nam tập kết,… rồi Người đọc chậm rãi câu ca dao:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng

Bác đọc đến đâu, đồng bào đọc theo đến đó. Một âm thanh hòa quyện vang lên thân thiết giữa lãnh tụ và quần chúng. Các thành viên Tổ cổ động của Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế đóng tại Đồng Hới, có mặt tại cuộc mít tinh, đã hết sức ngạc nhiên. Họ nói với cán bộ ta: “Trong đời chúng tôi chưa bao giờ thấy một thủ lĩnh quốc gia nào gần gũi, thân thiết với nhân dân như Bác Hồ của Việt Nam. Ở nước chúng tôi, Tổng thống cũng đọc diễn văn rất hay. Rất tiếc cái hay đó chỉ có một số ít người trong dân chúng hiểu. Còn ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn thì hàng vạn người đều hiểu được và đọc theo, như cha đọc cho con nghe, thầy đọc cho trò nghe…, thật là gần gũi và thân thiết!".

Trong đời sống hàng ngày, Người thường tranh thủ đi thăm, chuyện trò thân tình với các cụ già, gặp gỡ chiến sĩ và đồng bào các địa phương, để nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Bác Hồ thâm nhập vào quần chúng bằng phong cách thật sự của người cán bộ quần chúng, bằng nụ cười hiền hậu, giọng nói ấm áp và vòng tay rộng mở… Nhân dân ta từ già đến trẻ thuộc mọi tầng lớp, dân tộc, mọi thế hệ đều gọi Người bằng hai tiếng "Bác Hồ" bởi vì Bác đến với mọi người một cách rất bình dị, tự nhiên, không cần một nghi thức nào. Gặp gỡ nông dân đang cấy thì Người cũng bỏ dép, xắn quần, lội ruộng hoặc đi thăm tàu hải quân thì Người cũng cầm lái như một thuỷ thủ… Từ buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở thành Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, từ việc lớn đến việc nhỏ của Người đều thể hiện sự quán triệt tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Điều đó đã trở thành một nhu cầu, một nếp sống, thành tâm niệm suốt đời của Người.  Ta dễ hiểu vì sao Người thường nhắc đến câu ca truyền miệng của nhân dân Quảng Bình:

Dễ mười lần không dân cũng chịu.

Khó trăm lần dân liệu cũng xong(3)

Giữ được chân lý quý báu này thì sự nghiệp dù khó mấy cũng thành công. Xa rời chân lý này thì cơ đồ cha ông để lại có đồ sộ mấy rồi cũng sẽ ngả nghiêng, sụp đổ.

Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tác phong sâu sát quần chúng. Theo một thống kê chưa thật đầy đủ, chỉ tính trong vòng 10 năm xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955 – 1965), không quản tuổi cao, công việc bộn bề, Bác Hồ đã thực hiện trên dưới 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội… từ miền núi đến hải đảo, để thăm hỏi chiến sỹ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính ra mỗi năm có hơn 60 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần Người gặp gỡ quần chúng. Đó là một kỷ lục khó ai có thể vượt qua, nhất là đối với một lãnh tụ ở tuổi 70.(3)

Hồ Chí Minh cũng là tấm gương về lòng yêu mến, tôn trọng và tin tưởng rất mực vào khả năng và sức mạnh của nhân dân. Trọng dân, Người đến với dân. Trọng dân, Người gần gũi với các cụ già, trẻ thơ, thăm hỏi ân cần những người dân lương thiện, lao động cần cù, một nắng hai sương, an ủi họ, tạo mọi điều kiện để họ có cơ hội sống tốt, sống khỏe, sống vì mình, vì người, vì cộng đồng các dân tộc anh em. Chính phong cách đi đúng đường lối quần chúng của Người có sức hút kỳ lạ, làm cho quần chúng đến với Người không chút e ngại, bình dị, tự nhiên. Tác phong ấy làm cho lãnh tụ và quần chúng dễ dàng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc nhất. Nhờ vậy, mọi người có thể nói hết những suy nghĩ, trăn trở của mình, còn Người thì lắng nghe để có thể hiểu được nhịp đập của cuộc sống xung quanh. 

Thật khó mà nói cho hết những việc Chủ tịch Hồ Chí Minh làm suốt ngày, suốt đời, để phục vụ cuộc sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Đó là niềm vui, là khát vọng, là lý tưởng của Người. Vì nhân dân, Người căn dặn: "Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân".(4)

Tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác Hồ là kết quả của sự chắt lọc từ tất cả những gì tốt đẹp nhất của truyền thống Việt Nam, của trí tuệ hiện đại của nhân loại, góp phần tạo nên tầm vóc vĩ đại, nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị hiện nay, nếu chúng ta tìm hiểu, học tập và xây dựng được một tác phong, phong cách theo như Bác Hồ trong đông đảo cán bộ, đảng viên, chắc chắn sẽ góp phần thực hiện thắng lợi những vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay mà Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ IV vừa qua nêu ra.

                                                                 N.V.T 

 

Nguyễn Văn Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 224 tháng 05/2013

Mới nhất

Đại hội Chi hội Điện ảnh tỉnh Quảng Trị lần thứ II, nhiệm kỳ 2025 - 2030

13 Phút trước

TCCVO - Chiều nay 21/12, Chi hội Điện ảnh tỉnh Quảng Trị tổ chức đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Dự đại hội có NSND Huỳnh Hùng, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị - Nguyễn Văn Dùng, đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Chi hội Điện ảnh tỉnh Quảng Trị.

"Tiết học Biên cương" giáo dục lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm cho thế hệ trẻ

12 Giờ trước

Ngày 19/12/2024, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (BĐBP Quảng Trị) phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cùng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thành (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tổ chức Chương trình “Tiết học Biên cương”...

Tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh tại cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đensavan

20/12/2024 lúc 19:49

Ngày 16/12, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT)Lao Bảo (Bộ đội biên phòng Quảng Trị) và Đồn Công an Cửa khẩu quốc tế Đensavan (Công an Savannakhet - Lào) tổ chức Hội đàm 6 tháng cuối năm 2024.

Hai nhạc sĩ Quảng Trị đoạt Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2024

17/12/2024 lúc 14:38

TCCVO - Tối 15/12, Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2024 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp UBND

Bế mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024

17/12/2024 lúc 00:02

TCCVO - Sau 4 ngày diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, tối 16/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/12

25° - 27°

Mưa

23/12

24° - 26°

Mưa

24/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground