Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 31/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Năm 2015: "Gắn bó với nhân dân" - chủ đề trọng tâm xuyên suốt trong chuyên đề học và làm theo Bác

 1.Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Kế hoạch 03-KH/TW của Ban Bí thư khóa XI, chúng ta đã học tập và đưa vào nội dung sinh hoạt chi bộ một số chuyên đề theo từng năm. Trong đó, nội dung gắn bó, phục vụ nhân dân, chống vụ lợi, vị kỷ là nội dung xuyên suốt, được nhắc đi, nhắc lại ở tất cả các chuyên đề: Năm 2011-2012: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”. Năm 2013: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Năm 2014: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”. Năm 2015: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”.

Nội dung chủ đề năm 2015 yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải: 1-Trung thực, trách nhiệm với nhân dân; 2-Gắn bó với nhân dân; 4-Đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

 

Trung thực, trách nhiệm với nhân dân trước hết là biết dựa vào dân, tổ chức vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Để làm được điều đó, người cán bộ, đảng viên phải biết kính trọng người già, quý mến trẻ em, giúp đỡ người khó khăn hoạn nạn; phải lễ phép, lắng nghe ý kiến của nhân dân, không được phép né tránh, bàng quan, vô trách nhiệm, bao che, để dây dưa kéo dài; sách nhiễu đòi hỏi điều kiện, ăn hối lộ trước những yêu cầu của dân. Đồng thời, cũng không được quát tháo, đe nẹt, dọa nạt nhân dân, quan cách hách dịch, ban ơn, coi thường, trù úm nhân dân. Hai là, phải đảm bảo quyền lực cho nhân dân lao động, nhưng mặt khác, phải chuyên chính với những kẻ hoạt động đi ngược lại lợi ích của nhân dân, chống lại nền dân chủ đó. Người cán bộ, đảng viên có nhiệm vụ tối quan trọng là góp phần đảm bảo quyền dân chủ cho nhân dân lao động, bảo vệ và giữ gìn quyền lực của nhân dân. Trong công việc, người cán bộ, đảng viên phải nêu gương, thể hiện rõ thái độ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp dưới, biết tự chỉ trích để tiến bộ…Ba là, “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

 

Gắn bó với nhân dân là mỗi cán bộ, đảng viên phải trước hết “nhận rõ phải, trái. Giữ gìn lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân, “phải xung phong, gương mẫu trong sản xuất và trong công tác, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm chính” (1). Hai là,“vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu lợi ích của Đảng và lợi ích cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích Đảng” (2). Ba là, “bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, phải kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân” (3). Bốn là, "cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được “kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại"...

 

Đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là trước hết phải xuất phát từ tình thương yêu thiêng liêng nhất, sâu sắc nhất, bền vững nhất giữa những người cộng sản, vì đối với Đảng, đối với nhân dân, cán bộ, đảng viên có một nghĩa vụ vẻ vang là suốt đời làm người con trung thành của Đảng, người đầy tớ tận tụy của nhân dân”. Hai tiếng “đồng chí” chỉ quan hệ giữa những người cộng sản, trước hết bắt nguồn từ sự thống nhất về lý tưởng, về mục đích đấu tranh. Hai là, trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, cán bộ, đảng viên phải nêu cao kỷ luật tự giác, phải thực hiện tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, bởi “sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức và kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối và chính sách của Đảng, tôn trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng”. Ba là, Đảng đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng tình đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, có lý, có tình...

 

Thực tiễn cách mạng đã chứng minh rằng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết thống nhất trong Đảng không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vì vậy, xuyên suốt trong các chủ đề học tập của từng năm, nội dung yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về yêu thương nhân dân, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân mà tận tâm, tận lực phục vụ; xứng đáng là người “công bộc” mẫu mực của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn và gương mẫu thực hiện vẫn là yêu cầu vừa có tính cấp bách, vừa thường xuyên của Đảng ta.

 

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của nhân dân đối với cách mạng Việt Nam bắt nguồn  từ quan niệm của Người, coi nhân dân là nguồn gốc của mọi sức mạnh: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (4). “Cách mệnh là việc chung của dân chúng chứ không phải việc một hai người” (5)… Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về gắn bó chặt chẽ với nhân dân có nguồn gốc từ truyền thống dân tộc, từ những tình cảm tự nhiên, triết lý nhân sinh, phép ứng xử và tư duy chính trị của dân tộc Việt Nam, từ những quan niệm: “Trên dưới đồng lòng, cả nước chung sức”, “tướng sĩ một lòng phụ tử”, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, “chở thuyền là dân, lật thuyền là dân”… Trong hoạt động cách mạng cũng như trong cuộc sống đời thườngHồ Chí Minh đã nhìn thấy sức mạnh và sự sáng tạo vô cùng to lớn của nhân dân, nên Người từng nói với cán bộ, đảng viên như một sự tâm sự sẻ chia, nhưng lại rất chân thật rằng: “Nhân dân ta rất cần cù, thông minh và khéo léo. Trong sản xuất và sinh hoạt, họ có rất nhiều kinh nghiệm quý báu” (6). Vì vậy, cán bộ “cần tham gia tổng kết những kinh nghiệm quý báu ấy”.

 

Theo Hồ Chí Minh, nước nhà được độc lập mà dân không được hưởng tự do, dân vẫn cứ chết đói, chết rét thì độc lập ấy chẳng có nghĩa gì. Là công bộc, là đy tớ của dân thì Đảng, Chính phủ và mỗi cán bộ, đảng viên phải chăm lo cho đời sống của nhân dân, phải: “1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành" (7). Hồ Chí Minh luôn luôn căn dặn cán bộ phải hiểu rằng nhân dân mới là người làm ra lịch sử, làm nên cách mạng, là người chủ đất nước, còn mỗi đảng viên, cán bộ chúng ta bất cứ ở cương vị nào, làm công việc gì đều phải “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” và “chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” (8)...

 

Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên “dân là chủ”, “nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân”. Các cơ quan Đảng vàNhà nước là tổ chức được dân uỷ thác làm công vụ cho dân. Trong quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Hồ Chí Minh quan niệm: dân là chủ và nhân dân làm chủ thì Đảng, Chính phủ, cán bộ đảng viên là đầy tớ và làm đầy tớ cho nhândân; phải gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vì nhân dân mà trung thành và tận tâm, tận lực phục vụ. Cán bộ, đảng viên phải xông xáo, nhiệt tình, sâu sát nhân dân, gương mẫu và dám chịu trách nhiệm trước nhân dân cả về lời nói và việc làm; phải luôn quyết tâm, bền bỉ, chịu đựng gian khổ, quan tâm và tìm mọi cách giải quyết kịp thời, hiệu quả những nhu cầu mà dân đặt ra, kể cả chấp nhận sự hy sinh để bảo vệ nhân dân, phấn đấu vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực suốt đời gắn bó với nhân dân, hết lòng, hết sức tận tụy phục vụ nhân dân. Sinh ra trong một gia đình nho nghèo, sống và lớn lên trong tình thương yêu của những người dân quê ngoại, quê nội và người dân Huế, Hồ Chí Minh sớm có quan niệm và lối sống gắn bó với nhân dân. Khi còn đang là học sinh trường Quốc học Huế, Người đã xuống đường hòa vào dòng người biểu tình chống thuế, giúp đỡ những người nông dân thể hiện các yêu sách của mình bằng tiếng Pháp. Rời trường học, Người bắt đầu cuộc đời lao động kiếm sống và hoạt động cách mạng. Làm giáo viên trường Dục Thanh (Bình Thuận), người gắn bó với thanh niên, học sinh, truyền cảm hứng cho họ về lòng yêu nước và trách nhiệm của người dân, đặc biệt là thanh niên với Tổ quốc. Tiếp đó, Người đã học nghề và làm việc tại xưởng tàu với vai trò của người công nhân, trước khi xuống tàu ra nước ngoài “xem người ta làm thế nào để về cứu giúp đồng bào”.

 

Bôn ba qua nhiều nơi trên thế giới, trong gần 10 năm đầu tiên sống ở nước ngoài, Người đã làm đủ nghề để kiếm sống và hoạt động cách mạng. Làm phụ bếp trên tàu thủy, Người chia sẻ những nỗi vất vả, nguy hiểm của thủy thủ, khuyên nhủ họ dành tiền giúp gia đình. Làm bồi bàn, Người gói những miếng bánh mỳ còn nguyên vẹn khi dọn các bàn ăn dành để cho những người vô gia cư ở Luân Đôn sau khi hết buổi làm. Người gần gũi và trở thành đồng chí với các nhà cách mạng châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh trong Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Sự gắn bó với nhân dân trong những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài và sau khi về nước không chỉ thể hiện quan điểm xuyên suốt gần dân, gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân của Hồ Chí Minh, mà còn là một trong những nguyên nhân góp phần vào thành công trong sự nghiệp cách mạng rất phong phú và cũng rất gian nan của Người. Hai lần bị bắt, bị giam trong tù, Người chia sẻ những nỗi đau của bạn tù cùng cảnh ngộ và nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Trong những năm đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp, Người sống trong lòng nhân dân, được giúp đỡ, chở che, và nhân dân luôn ở bên Người, là nguồn lực, niềm tin của Người.

 

3. Khi trở thành lãnh tụ cao nhất của Đảng và Nhà nước, Người vẫn muốn sống cuộc sống bình thường, ở trong ngôi nhà dành cho những người lao động. Dù bận giải quyết nhiều công việc hệ trọng, Người vẫn không quên theo dõi cuộc sống hàng ngày của các tầng lớp nhân dân, phát hiện và thưởng hơn 5.000 huy hiệu Hồ Chí Minh cho những tấm gương người tốt, việc tốt. Trong 10 năm 1959-1969, Người đã có trên 700 lần đi xuống cơ sở thăm và tìm hiểu tình cảnh của nhân dân. Sự quan tâm đến con người, đến mọi tầng lớp nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tập trung trong bản “Di chúc”, lời dặn và “tâm nguyện” của Người. Điều đầu tiên Người muốn nói về con người. Trong những lời dặn lại, Người yêu cầu sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, không quên một ai, kể cả những người “lầm đường, lạc lối” hay những người là “hậu quả của chế độ cũ để lại”. Người dặn Đảng,  Nhà nước phải dựa và nhân dân để xây dựng đất nước, xây dựng xã hội mới, bởi đây là “cuộc chiến khổng lồ”, chỉ có thể thực hiện được khi dựa và phát huy được nguồn sức mạnh của nhân dân.

 

Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, công việc đầu tiên mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải ra sức làm là hàn gắn vết thương chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra. Theo Người, đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Người đề nghị  Đảng ta phải "có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm". Để hoàn thành nhiệm vụ to lớn đó, theo Hồ Chí Minh "việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân". Người khẳng định, "làm được như vậy, thì dù việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi".

 

Hồ Chí Minh dặn lại rất cụ thể: Trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân trước hết thuộc về cán bộ, đảng viên của Đảng, công chức của Nhà nước, những người có nhiệm vụ phục vụ nhân dân. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân là phát huy bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam, dựa vào dân và lấy dân làm gốc. Trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nếu không xuất phát từ lợi ích của nhân dân, thì các chủ trương, chính sách sẽ không được nhân dân ủng hộ và thực hiện. Ngược lại, khi hết lòng vì nhân dân, thì luôn luôn được dân kính trọng, biết ơn. Gắn bó với nhân dân còn là yêu cầu cần thiết, thường xuyên trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững đang đòi hỏi cao hơn nữa việc phát huy dân chủ, phát huy năng lực sáng tạo của quần chúng. Gắn bó với nhân dân để phát huy những sáng kiến, kinh nghiệm trong nhân dân, huy động các nguồn lực phát triển trong các thành phần kinh tế, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế nước ta hiện nay.  Phục vụ nhân dân cũng chính là dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Đảng không thể thành công nếu không dựa vào nhân dân.

 

Để phục vụ nhân dân được tốt, mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên, trong mỗi lời nói, hành động, phải:

 

Một là, luôn luôn xuất phát từ lợi ích của nhân dân để xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời với việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, công tác giáo dục, tuyên truyền cần kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan niệm và biểu hiện sai trái. Đó là sự lầm lẫn giữa trọng trách được tổ chức giao phó với quyền lực cá nhân. Sự lẫn lộn đó dẫn tới cơn khát quyền lực, chạy quyền, mua quyền, bán quyền, lộng quyền, cửa quyền, tham quyền cố vị. Khi có quyền mà thiếu lương tâm sẽ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân, đục khoét dân, ăn của đút, “dĩ công vi tư”. Lúc sinh thời Bác Hồ đã cảnh báo: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.

 

Hai là, gần dân, luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân, nắm vững tình hình, hiểu rõ tâm trạng, yêu cầu, quan tâm đến việc bảo đảm an sinh, điều kiện sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ hiểu biết của nhân dân.

 

Người cán bộ, đảng viên phải thấu hiểu và thấm nhuần một cách triệt để: trung thành với cách mạng chính là trung thành với sự nghiệp của nhân dân. Hồ Chí Minh nhắc nhở, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Cán bộ phải ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ nhân dân. Có trung thành và quyết tâm phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc thì mới dám dũng cảm hy sinh quên mình vì nghĩa lớn. Lòng trung thành cao đẹp ấy phải được thể hiện bằng hành động thiết thực, cụ thể hàng ngày, trong từng công việc, phải biến khát vọng “phấn đấu cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, nhân dân được hoàn toàn tự do, mọi người đều có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” của Hồ Chí Minh thành hiện thực.

 

Ba là, Đảng và Nhà nước có các biện pháp để thực hành dân chủ thực sự trong dân, để nhân dân được tham gia, được nói, được bàn, được quyết định và giám sát những vấn đề thiết thân với mình. Cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng, với đất nước, phải được thể hiện trong công việc hàng ngày, đó là: hướng tới phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Bảo vệ thành quả chính đáng của cách mạng, cũng có nghĩa là phải bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động. Đó là đạo đức chân chính của người cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp.

 

Bốn là, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, ngăn chặn lợi ích nhóm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả. Xử lý kiên quyết, kịp thời những hành vi tham ô, lãng phí, mất dân chủ, xâm hại đến lợi ích chính đáng của nhân dân.

 

Để làm được những điều này, dứt khoát phải chống bệnh quan liêu, vì quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô và lãng phí. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có tham ô, lãng phí  nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô” (9). Vì vậy, chống tham ô, lãng phí phải gắn với chống quan liêu và là việc làm cần thiết, thường xuyên. Bệnh quan liêu làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là: cần, kiệm, liêm, chính. Thấy được tác hại của căn bệnh này, chúng ta cần phải quyết tâm để tẩy sạch nó đi, cũng như: Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không, thì dù cày bừa có kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi. Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”(10).

 

Năm là, tiếp tục thực hiện tốt các quy định trong sinh hoạt Đảng, như sinh hoạt hai chiều, lấy phiếu tín nhiệm, chú trọng công tác điều tra dư luận xã hội, phục vụ cho công tác xây dựng Đảng. Trong đó, cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý phải thực hiện nghiêm lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: «1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng… vì dân chúng là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. 2. Phải tổ chức thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong. 3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng mới giúp được » (11)./.

 

___________________

 

 

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H, 1996, t.11, tr.234.

 

(2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.288-289,288.

 

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.276.

 

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.262.

 

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.11, tr.79.

 

(7) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.4, tr.152, 157.

 

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.10, tr. 574

 

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.488.

 

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.285-286.

PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 1 tháng 10/1994

Mới nhất

Bồi dưỡng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí

28/12/2024 lúc 22:39

TCCVO - Sáng ngày 28/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức khai mạc khóa bồi dưỡng “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong tác nghiệp báo chí” cho 38 học viên là phóng viên, biên tập viên, Tạp chí Cửa Việt, Báo Quảng Trị, Đài PTTH Quảng Trị, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.

Tập huấn trực tuyến báo chí và vấn đề quyền con người tại Việt Nam

28/12/2024 lúc 22:19

(TCCCO)Từ ngày 17/12 đến ngày 27/12/2024, Cục Thông tin đối ngoại - Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lớp tập huấn trực tuyến báo chí và vấn đề quyền con người tại Việt Nam trên nền tảng trực tuyến mở đại trà MOOCs năm 2024.

Quãng vắng quạnh quẽ

26/12/2024 lúc 22:24

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/01

25° - 27°

Mưa

02/01

24° - 26°

Mưa

03/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground