Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 12/11/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có ba điều tôi không giúp được ông Tường

Hoàng Phủ Ngọc Tường nguyên là giáo sư triết trường Quốc Học, ông là nhà văn nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam thời hiện đại.

Năm 1998, ông lâm trọng bệnh, nằm liệt giường. Tuy là bạn bè thân quý, nhưng có ba điều tôi không giúp được ông Tường. Nay, trước hết, xin nói về ba điều tôi giúp được ông Tường.

Tác giả bài viết (phía sau, bên phải) với vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ. - Ảnh: Tác giả cung cấp

Tác giả bài viết (phía sau, bên phải) với vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ. - Ảnh: Tác giả cung cấp

Điều một: Ông Tường bị tai biến, liệt nửa người, không đi lại được. Vậy mà trớ trêu thay, ông Tường thuộc cái tạng thích đi. Một người bạn thân của ông Tường là kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn cũng có cái tạng thích đi như ông Tường. Từ sau ngày ông Tường nằm một chỗ, tôi đành dành cái tên “giang hồ đệ nhất lãng tử” cho ông Huấn. Đáng ra cái tên ấy phải đặt cho ông Tường mới đúng.

Nằm liệt một chỗ nhưng ông Tường rất thích đi: Đi uống cà phê, đi thăm bạn bè, đi thăm em gái Bội Trân, đi dự hội họp này nọ, đi lên sân thượng Cercle ngắm hoàng hôn trên sông… Lâu lâu được đi, ông Tường sướng lắm. Hầu hết cuộc đi ấy đều do tôi thiết kế và mang vác. Ê ẩm nhất là những lần mang vác ông Tường từ lầu hai xuống phòng khách, rồi từ phòng khách ra taxi, lúc về thì ngược lại. Nhìn cái cảnh ông già 75 cân bồng ông già liệt gần 80 cân, lần từng bước lên xuống cầu thang, tôi tin nếu Thượng đế thấu được e ngài cũng toát mồ hôi. Mãi đến sau tuổi “lục thập”, tôi nhận ra đôi khi đến cái thân mình mà mình không mang vác nổi thì còn mang vác nổi ai. Từ đó, tôi chuyển giao chuyện mang vác ông Tường cho một đệ tử thân tín.

Trong những cuộc đi với ông Tường, tôi nhớ mãi kỷ niệm lần ông Tường hẹn hò với Kim Lan ở quán cà phê Cội mai vàng. Buổi sáng, gió nhẹ, những cánh mai vàng rơi… Bỗng một cánh rơi vào cốc cà phê của ông Tường. Ông Tường mỉm cười, âu yếm nhìn cánh mai vàng như tình cờ gặp lại người của “nghìn thu cũ xa xôi”. Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp, nhưng kỷ niệm của hai người mới đẹp làm sao.

Có một lần như thế trong đời

Một bông hoa viôlét nhỏ

Đã nở cho riêng tôi

Hoa không nói với tôi điều gì

Dịu dàng như ngôi sao chiều tím

Mọc lặng lẽ giữa lòng tôi thầm kín…

Tôi nhớ hình như đó là bài Kỷ niệm dành riêng cho hoa viôlét ông Tường làm tặng Kim Lan.

Rời Cội mai vàng, ông Tường đòi dạo quanh một vòng Đại nội. Trông ông Tường buồn hiu - như trong mắt ông, những gì dấu yêu nhất giờ không còn thuộc về ông nữa. Chiếc xích lô dừng trước cửa Ngọ Môn, Kim Lan nhỏ to chi đó với ông xích lô, hóa ra nàng muốn đổi nghề. Thế là bác xích lô Kim Lan với nón Huế, áo dài lụa trắng Huế, miệng cười tươi, tay lèo lái chiếc xích lô nhong nhong đưa nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đi vào… cõi mộng. Không biết thuở xưa, hai người có hình dung 50 năm sau, họ vẫn còn duyên để đi với nhau một đoạn đường theo cái kiểu cười ra nước mắt.

Điều hai: Ông Tường là một cây “ký” nổi tiếng, vậy mà có người bảo ông Tường nói hay hơn viết. Tôi đồng ý. Đặc biệt những lúc rượu vào, ông Tường nói còn hay hơn cả lúc ông Tường nói hay, nhưng sao buồn quá. Ông Tường từng nói: “Quyền của thi sĩ là quyền được buồn”. Ông Tường là thi sĩ, nhưng nỗi buồn của ông còn thấm đẫm nỗi buồn của phận người. Năm 1993, ông Tường có thư mời đi Pháp nhưng rồi không đi được, ông buồn lắm. Nhân dịp thành phố hoa tròn 100 tuổi, tôi rủ ông Tường lên Đà Lạt chơi cho khuây khỏa. Chúng tôi ở lại nhà một người học trò trong khu Lữ quán Thanh niên. Nhìn cảnh ông Tường lay thay lúc thúc chơi với cháu Piano (4 tuổi), chuyện trò hàng giờ với cháu, tôi thấy thương ông Tường quá.

Năm 1994, tôi lại rủ ông Tường cùng thầy trò tôi lên Bạch Mã. Sau chuyến đi, ông Tường viết bút ký Ngọn núi ảo ảnh, theo ông Tường đó là bút ký dài nhất (30 trang), viết lâu nhất (35 ngày), là bút ký tâm đắc nhất. Những ngày ở Bạch Mã, nhiều lần tôi bắt gặp ông Tường xa xăm bên những ngôi biệt thự đổ nát, lau sậy mọc đầy. Hình như đó là hình ảnh đầy đủ nhất về ông Tường: cô đơn và buồn.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (người đầu đoàn) đi tham quan Bạch Mã năm 1994. Sau chuyến đi, nhà văn đã viết nên bút ký nổi tiếng Ngọn núi ảo ảnh. - Ảnh: Tác giả cung cấp

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (người đầu đoàn) đi tham quan Bạch Mã năm 1994. Sau chuyến đi, nhà văn đã viết nên bút ký nổi tiếng Ngọn núi ảo ảnh. - Ảnh: Tác giả cung cấp

Nói thêm một chút về bút ký Ngọn núi ảo ảnh. Sau khi hoàn tất bản thảo, ông Tường photo một bản đem tặng tôi. Mấy ngày sau ông Tường đi photo tiếp, hôm ghé lấy, người ta bảo bản thảo bị mất đâu rồi. Ông Tường hoảng, bởi đó là độc bản. Ông Tường hớt hải tìm tôi hỏi có còn giữ bản photo kia không. Tất nhiên là còn. Ông Tường vui như hội. Vậy là bản photo ông Tường tặng tôi trở thành bản duy nhất còn lại để Ngọn núi ảo ảnh hiện hữu với đời.

Thích đi, thích nói, thích sẻ chia, vậy mà chừ đành nằm một chỗ, buồn biết mấy. Lúc đầu bạn bè còn ghé thăm, lâu dần thưa thớt. Nhiều vị nói, muốn ghé thăm nhưng nghe ông Tường lô lô la la không hiểu chi cả, nản quá chẳng muốn ghé nữa. Tôi tuy bận rộn nhưng cũng thu xếp để đôi ba hôm lên thăm ông Tường. Thấy có bạn đến thăm, ông Tường vui lắm, và thế là ông Tường bắt đầu nói… Cũng như mấy vị kia, ông Tường nói chi tôi không hiểu chi cả. Thật ra cũng có hiểu đôi chút, khoảng năm, bảy phần trăm. Nhưng khác với mấy vị kia, tôi giả vờ chăm chú, thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông. Thỉnh thoảng, tôi ra dấu ông Tường dừng lại để chất vấn này nọ, làm như thử đấy là một cuộc đàm đạo thật sự. Ông Tường vui lắm. Cứ nhìn đôi mắt buồn của ông Tường lúc chia tay thì biết những lúc được trò chuyện với bạn là lúc ông Tường vui nhất. Đôi khi bận việc, cả tuần không lên, ông Tường gọi điện về bảo sao Dũng không lên chơi. Lại còn dặn, lần sau lên nhớ ngồi lâu lâu.

Thế đấy, cái chuyện đàm đạo với ông Tường lúc đầu chỉ là chuyện cố gắng cho vui lòng bạn, nhưng rồi lâu dần quen. Tuy vẫn không nghe được ông Tường nói gì nhưng tôi hiểu ông Tường nói gì. Cuộc đàm đạo giả biến thành cuộc đàm đạo thật, đến nỗi lâu không được cùng ông Tường chuyện trò, tôi thấy thương thương nhớ nhớ sao ấy. Cho hay, người ta thường nghe bằng lỗ tai, nhưng đôi khi người ta cũng có thể nghe bằng trái tim.

Việc ba: Sau ngày bạo bệnh, thỉnh thoảng ông Tường cũng viết, nhất là viết cho báo xuân. Bài của ông Tường được trả nhuận bút cao. Tết năm nào Mỹ Dạ cũng “bội thu”, tiền bạc rủng rỉnh mấy ngày xuân. Ông Tường vui lắm. Nhưng rồi ngày càng ít báo đặt bài, ngày càng hết lung linh những bài viết của ông Tường. Nhiều người nói với tôi: “Ông thân với ông Tường, ông hãy can ông Tường không nên viết nữa. Viết hơn hoặc bằng trước thì nên viết, chứ viết mà không bằng trước thì viết làm chi cho uổng”. Tôi đồng ý. Đúng là đã đến lúc ông Tường không nên viết nữa. Với lại người ta thương ông Tường, không biết giúp ông Tường cách gì nên nhờ ông Tường viết bài rồi trả nhuận bút thật cao. Mà thế thì lại càng không nên viết. Tôi quyết định sẽ can ông Tường.

Thế nhưng khi ngồi trước mặt ông Tường, tôi lại thấy không đành. Tôi biết ông Tường đang sống với niềm tin, rằng mình vẫn là một nhà văn được mọi người mến mộ, rằng mình vẫn còn có ý nghĩa với đời. Nay bỗng nhiên nói anh không nên viết nữa thì có khác chi nói “ông hết thời rồi, tốp lại đi là vừa”. Chao ơi, thế thì làm sao ông Tường chịu được. Thế thì bất nhân quá. Và thế là tôi đành ngậm thinh.

Qua nhiều lần định nói, nhiều lần ngậm thinh, tôi đi đến quyết định không nói nữa… Cho đến một ngày, hôm ấy có cả Mỹ Dạ, chuyện trò đưa đẩy thế nào mà lan sang chuyện viết. Tôi như bị hút vào, không nói không được nữa, thế là tôi nói. Tôi bị cái tật, đã nói là nói hết lý hết lẽ, hết lòng hết dạ; đã nói là y như người ta nướng cá, nghiêng bên nọ, lật bên kia, hơ đàng đầu, háp đàng đuôi, mãi cho đến lúc nào con cá chín mới thôi. Nghe tôi thuyết một thôi một hồi, bỗng ông Tường “quyết nghị”: “Ừ, mình nghe Dũng. Không viết nữa”. Tôi mừng quá. Mừng không phải vì ông Tường không viết nữa mà mừng vì rốt lại chẳng có chuyện gì ghê gớm xẩy ra. Tạ ơn Trời Phật.

Còn điều này, tuy không lớn để xếp thành điều bốn, nhưng không nhỏ để quên không nhắc tới. Đó là tôi làm “chim xanh” cho ông Tường và Thu Uyên - tôi không biết ông Tường phải lòng lúc nào nhưng xem chừng sâu nặng lắm. Hồi ấy, Thu Uyên là xướng ngôn viên hàng đầu của Đài Truyền hình Trung ương; mỗi lần nghe tôi báo tin Thu Uyên vào Huế, mắt ông Tường sáng lên. Tôi dàn xếp, khi thì đưa Thu Uyên lên nhà cho hai người trò chuyện, khi thì độ ông Tường về cà phê Thiên đường gặp Thu Uyên. Nhìn cái cách ông Tường nhìn Thu Uyên mà thương chi lạ. Còn Thu Uyên thì, trước sau vẫn chỉ thương mến, kính trọng và tự nhiên như nhiên. Hẳn cô biết, con người tài hoa ấy giờ gọi cho tròn một tiếng Thu Uyên đã khó thì còn nói chi chuyện nọ kia.

Có lần ông Tường thổ lộ, Thu Uyên là người ông Tường làm nhiều thơ nhất. Mấy năm sau tôi hỏi lại, ông Tường nói: “Không, nhiều nhất là Mỹ Dạ chứ!”. Rốt lại, giờ vẫn không biết ai nhiều nhất.

Em đi áo lụa muôn trùng

Hồ Tây mịt mù sương khói

Xin cho lòng anh theo với

Thương hoài áo lụa Hà Đông

Không biết Thu Uyên liên quan chi đến Hồ Tây, áo lụa Hà Đông, đê Yên Phụ mà ông Tường hay nhắc lắm. Những năm Thu Uyên du học bên Mỹ, thỉnh thoảng ông Tường nhờ tôi gửi email thăm hỏi. Tôi nhớ có lần nội dung bức thư ông Tường nhờ chuyển là: “Anh sẽ cố tập cho lành bệnh, đi lại được. Ngày em về, anh mời em cùng anh đi dạo trên đê Yên Phụ”. Lần khác, nội dung bức thư chỉ vỏn vẹn hai chữ: “Nhớ quá”. Tôi không biết đây có phải là cuộc tình cuối của ông Tường không, nhưng rõ ràng đó là cuộc tình đẹp và buồn. Lại nữa, hình như cái gì liên quan đến ông Tường đều buồn.

Thế là có đến ba điều rưỡi tôi giúp được ông Tường. Giờ xin nói có ba điều tôi không giúp được ông Tường.

Một là, không giúp ông Tường đi lại được. Sau tai nạn, Mỹ Dạ xông xáo khắp nơi tìm thầy (trừ tôi) chạy chữa cho ông Tường. Khi thì vào tận trong Nam với ông thầy ngoại cảm, khi mời thầy châm cứu về nhà, khi mời đại sư đả thông kinh mạch, khi thì… Có lần, Mỹ Dạ đưa ông Tường lên tận Khe Sanh cho mụ thầy lể. Mỗi ngày, ông Tường phải há mồm cho mụ thầy dùng mẻ chai chích, lể; máu me đầm đìa; mụ dùng cuộn giấy vệ sinh lau lau chùi chùi. Tôi lạnh người... Chẳng ăn thua, ba tháng sau ông Tường về lại Huế. Bây giờ tôi mới ra tay, tôi nói đại ý: Quý vị đã đi cùng trời cuối đất mà chẳng có kết quả. Giờ đến phiên tôi nghe. Tôi không có tài cán gì giúp ông Tường lành lặn như xưa, nhưng tôi có thể giúp ông Tường tự đứng dậy được, tự đi được, tự thay áo quần được, tự đi vệ sinh được. Cách thức của tôi là, mỗi sáng từ 7 giờ đến 8 giờ tôi sẽ lên đây, dựng ông Tường dậy, dìu ông Tường đi từng bước, từng bước. Ngày nào tôi không lên được sẽ có đệ tử tôi thay. Cứ liên tục thế cho đến 6 tháng. OK chưa? Mỹ Dạ suy nghĩ một lúc rồi nói: “Cám ơn anh Dũng. Nghe trong Long An có ông thầy rất giỏi, chữa đâu lành đó. Cho Dạ đưa anh Tường đi một lần nữa rồi tính”. Mấy tháng sau ông Tường về lại Huế, trông không những không khá hơn mà còn tệ. Nhìn ông Tường, tôi biết là đã quá muộn. Tôi nói, giờ thì không kịp nữa rồi. Tôi xin rút lui đề nghị hôm trước. Tôi tự an ủi mình, phải “tận nhân lực” nhưng cũng phải biết “tri thiên mệnh” thôi.

Hai là, không giúp được ông Tường sử dụng Internet. Ngày trước, kho tri thức nằm nơi thư viện; muốn tra cứu gì thì tìm nơi tự điển; muốn liên lạc thư từ thì ra bưu điện; muốn biết tình hình quốc tế quốc nội thì đọc báo; muốn chu du khắp thế giới thì đi đó đi đây… nay nằm liệt, ông Tường coi như cô lập hoàn toàn với những công cụ ấy. Nhưng nếu ông Tường biết sử dụng Internet thì có thể hòa mạng thoải mái với trần gian. Ngày nay, mọi thứ đều có trên Internet. Ông Tường còn một tay một chân, ngồi được, di chuyển bằng xe lăn được, đặc biệt cái đầu còn quá tốt. Tôi nghĩ mãi không biết có cách gì trang bị cho ông Tường cái computer. Tôi hình dung ngày ông Tường ngồi trước computer, rê con chuột liên lạc với bạn bè khắp nơi, truy cập đủ thứ kiến thức của nhân loại, đủ thứ thông tin của thời đại; kể cả lang thang khắp thế giới chỉ với con chuột. Chao ơi, lúc ấy ông Tường sẽ vui biết chừng nào, cuộc sống sẽ ý nghĩa biết chừng nào. Nhân dịp có người tặng ông Tường dàn vi tính, tôi lặng lẽ vận động. Nhưng phải mất hơn một năm mới thuyết phục được mọi người và lên được một kế hoạch cụ thể. Tôi báo tin, đúng 2 giờ chiều, tôi đưa một chuyên gia vi tính đến chỉ cho ông Tường cách sử dụng vi tính và giúp nối mạng Internet. Từ phòng trong, Mỹ Dạ vùng vằng: “Ông Tường không biết dùng máy móc gì đâu. Nếu xẩy ra chuyện gì anh Dũng chịu trách nhiệm đó”. Tôi sững. Tôi nói: “Thôi thôi, tôi xin rút lui mọi ý kiến. Kế hoạch chiều ni hủy”. Nay thì chắc chắn không bao giờ ông Tường còn có thể dùng được Internet. Âu cũng là cái phận của ông Tường.

Điều ba, không giúp được ông Tường về lại căn nhà xưa ở phố Đạm Tiên. Vào Sài Gòn, Dạ Thư bố trí cho ba mẹ ở căn hộ bên cạnh, tầng 10, thuộc chung cư Sam Land. Ông Tường có hai cô con gái tuyệt vời: Líp và Lim, đặc biệt cô chị - Líp, luôn bên cạnh ba mẹ, lo cho ba mẹ chu đáo không thiếu thứ chi: lo ăn lo uống, lo thuốc nọ thuốc kia cho ông Tường mỗi ngày; lo đường đi nước bước, lo chỉ dạy cho bà Dạ tính toán hai với hai là bốn, hay đánh vần cờ on con là con… Tóm lại, ông Tường bà Dạ sướng như tiên. Nhưng sao vẫn buồn và nhớ Huế. Hôm rồi vào Sài Gòn, tôi ghé thăm. Ông Tường than thở buồn, nhớ Huế, muốn về. Được dịp, tôi nói hết điều ấp ủ bấy lâu trong lòng. Lại cái kiểu nói như người ta nướng cá ấy. Ông Tường thuận tai, chỉ nói: “Sợ con Líp không cho”. Cả Líp và Nhã đều là học trò của tôi thời Quốc Học. Tôi mạnh miệng: “Để đó, tôi sẽ nói chuyện với Líp”.

Chúng tôi hẹn nhau ở cà phê Hội quán Thanh niên. Líp nói lý do vì sao không cho ông Tường về Huế. Dựa vào đó, tôi lần lượt “luận” từng điểm một. Thứ nhất, đồng ý ở đây ông Tường không thiếu thốn chi về vật chất, nhưng rõ ràng thiếu thốn về tinh thần: xa xôi cách trở, bạn bè không ai đến thăm. Là nhà thơ mà cách ly với trần gian, không thấy được mặt người, không nghe được tiếng người, không sẻ chia phận người, không biết tìm đâu không gian kỷ niệm để nhớ về. Ở đây, chẳng khác chi “huyền táng” ông Tường trên cái tầng 10 sang trọng ấy?

Thứ hai, đừng sợ về Huế không có ai chăm sóc. Cứ có tiền, cứ trả lương cao tất có người chăm sóc chu đáo. Nên khuyên ba mẹ có tiền cứ xài, giữ làm gì.

Thứ ba, ngày ông Tường trăm tuổi, hãy hình dung chuyện gì xẩy ra. Có phải sẽ thế này: Người ta bỏ ông Tường vào quan tài, xe đưa vèo ông Tường về Huế, bỏ ông Tường xuống cái lỗ, dập đất, và hết. Con người ta sống một đời thế nào sẽ thể hiện nơi cách người ta chết. Ông Tường thông minh, tài hoa, tiếng tăm là thế sao lại có thể chết đơn giản thế. Về Huế, ngày ông Tường ra đi, ngôi nhà 11/3 Nguyễn Trường Tộ sẽ là nơi đông đảo bạn bè đến tiễn đưa ông Tường; trên đường, hàng vạn những người Huế mến mộ chờ đợi vĩnh biệt ông Tường; và ngôi nhà vĩnh cửu của ông Tường sẽ có nhiều nhiều hoa… Đó mới là đám tang xứng đáng dành cho ông Tường.

Thứ tư, cha ông xưa nói chăm sóc cha mẹ già mới chỉ là “tiểu hiếu”, làm sao cho vang lừng tiếng tăm cha mẹ mới là “đại hiếu”. Không tòa lâu đài nào vẻ vang bằng căn nhà 11/3 Nguyễn Trường Tộ, bởi ở đó có đến ba con đại bàng cư ngụ: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rồi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Ông Tường may mắn hơn Trịnh Công Sơn bởi ông Tường chia tay cõi tạm từ nơi cái tổ của con đại bàng. Năm tháng sẽ qua đi, sương khói sẽ qua đi, yêu ghét sẽ qua đi, thị phi sẽ qua đi, chỉ còn lại trang văn và tấm lòng Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đến lúc ấy, căn nhà 11/3 Nguyễn Trường Tộ trở thành nhà lưu niệm của đến ba danh nhân: Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ. Mười năm, năm mươi năm, trăm năm, năm trăm năm sau… lớp lớp những người hâm mộ sẽ đến đây chiêm ngắm, ngẩn ngơ với không gian âm nhạc Trịnh Công Sơn, thơ văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ. Thế đấy, ngay từ hôm nay phải nghĩ đến điều ấy và phải chuẩn bị cho điều ấy sớm thành hiện thực.

May quá, cả Líp và Nhã vốn quen nghe thầy thao thao bất tuyệt trên bục giảng nên giờ chẳng đứa nào dám ngắt lời, đã thế cả hai đều “nhất trí” với thầy. Líp nói: “Khoảng tháng 9 con về Huế thu xếp nhà cửa (vì nhà đang cho thuê làm quán cà phê). Khoảng tháng 10 sẽ đưa ba mẹ về. Nếu được thì ở luôn, nếu không được thì về lại Sài Gòn”.

Tháng 9, Líp đưa luôn cả ba mẹ cùng về. Ông Tường như cá gặp nước, mặt mày hí hửng, tươi rói; hết đi cà phê, đi nhà hàng, đến đi thăm vườn An Hiên… Duy chỉ chỗ ăn chỗ ngủ có hơi ngột ngạt, bởi nhà vẫn còn là quán cà phê. Đã thế, gặp ngày Huế nắng nóng, rồi quạt máy, điều hòa, ông Tường gục. Ông Tường được đưa vào phòng cấp cứu, huyết áp có lúc lên đến 240, hôn mê sâu. Người ta phải đút ống chuyền oxy trực tiếp vào phổi. Ai cũng nghĩ, hoàn toàn vô vọng. Một cuộc họp bỏ túi giữa gia đình và mấy người bạn thân thiết bàn chuyện “hậu sự” cho ông Tường… Thế rồi mấy ngày sau ông Tường sống lại. Mới rút ống thở buổi sáng, buổi chiều tôi vào thăm, dây dợ còn chằng chịt trên người, thấy tôi ông Tường giơ tay chào, tôi nghiêng tai nghe lại, mới hay ông Tường nói “chùng ông dão” nghĩa là “chào ông Dũng”. Tôi cười trong bụng, cái ông Tường ni quá gân!

Người ta nói “có hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Qua chuyện này tôi biết thêm ông Tường có rất nhiều bạn bè yêu thương, chăm chút. Những ngày nằm viện, phòng cấp cứu luôn có người chờ chực thăm viếng. Hôm họp bàn chuyện “hậu sự” cho ông Tường, sau khi thống nhất sẽ tổ chức lễ tang ông Tường ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Tô Nhuận Vỹ nói đó là trách nhiệm của Hội, Lê Phùng đính chính: “Không, đó không phải là trách nhiệm của Hội, mà đó là tấm lòng của Hội đối với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường”.

Theo lời khuyên của bác sĩ, Líp đưa ông Tường trở lại Sài Gòn. Hôm chia tay, Líp nói xa Huế lần này coi như ông Tường vĩnh biệt Huế rồi đây. Tôi cố không tin điều ấy, nhưng rồi phải thừa nhận đó là sự thật. Thế là thêm việc này nữa, đành “tri thiên mệnh” thôi.

                                                                  N.V.D

NGUYỄN VĂN DŨNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 353

Mới nhất

Bích La Đông: đất và người

7 Giờ trước

Bích La Đông là một trong những làng nổi tiếng của Quảng Trị, có bề dày văn hóa và lịch sử, là vùng đất địa linh nhân kiệt vì đã sản sinh ra nhiều nhân tài cho quê hương đất nước. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, làng Bích La có nguồn gốc sơ khai tên là Hoa La, thuộc huyện Hải Lăng (gồm 49 xã trong đó có xã Hoa La), phủ Triệu Phong(1).

Tạp chí Cửa Việt khảo sát nhu cầu bạn đọc

10/11/2024 lúc 05:47

Để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, tiến tới cải tiến, đổi mới về hình thức và nội dung tờ tạp chí (bản in và trang thông tin điện tử tổng hợp), Ban Biên tập Tạp chí Cửa Việt xin ý kiến của bạn đọc về một số vấn đề để xây dựng ấn phẩm chất lượng, phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Kết nối văn hóa, củng cố tình hữu nghị qua giao ban kết nghĩa cụm dân cư biên giới Việt Nam - Lào

09/11/2024 lúc 10:34

TCCVO - Chiều ngày 09/11, tại Nhà sinh hoạt cộng đồng khóm Ka Tăng và khóm Ka Túp (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), hai cặp bản là khóm Ka Tăng (Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) và Bản Đen Sa Vẵn (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào); khóm Ka Túp (Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) và Bản Ka Túp 2 (huyện Sê Pôn, Savannakhet, Lào) đã tổ chức buổi giao ban kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới quý IV năm 2024. Đây là dịp tái khẳng định sự đoàn kết, bền chặt của các cộng đồng sinh sống nơi đường biên, trong tinh thần hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Huyện Cam Lộ tiếp nhận các kỷ vật của vua Hàm Nghi và ra mắt sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”

07/11/2024 lúc 09:14

TCCVO - Ngày 7/11/2024, tại Khu di tích quốc gia Thành Tân Sở (thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh

07/11/2024 lúc 03:04

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

13/11

25° - 27°

Mưa

14/11

24° - 26°

Mưa

15/11

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground