Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nam Lào ký sự

Sau vài lần lỡ hẹn vì việc riêng, chúng tôi đã có một chuyến đi vào đúng dịp Tết Lào - Bunpimay, còn được gọi một cách dân dã, trực quan là Tết té nước. Vợ chồng người em bà con ở Paske (Champasak) gọi mời giục giã: “Anh chị lên chơi, Tết Lào vui lắm…”. Đoàn chúng tôi với các thành viên từ Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị háo hức trên những chuyến xe đò.

 

Một thoáng Nam Lào

Xe xuất phát theo quốc lộ 9 qua cầu treo Đakrông lên cửa khẩu quốc tế La Lay. Cửa khẩu Việt đã dần được nâng cấp để phần nào đáp ứng lưu lượng xe, nhất là xe chở than từ nước bạn Lào về. Qua đất Lào vào buổi trưa đã cảm nhận cái nắng oi nồng, bức bối vào cao điểm mùa khô ở Salavan. Cậu tài xế vui tính vừa lái vừa vui vẻ trò chuyện: “Mình ở trong xe máy lạnh, chứ ngoài trời nhiệt độ cao khoảng 50 độ C. Lào mùa này là nắng khiếp lắm”. Chúng tôi nhìn ra ngoài trời, một màu vàng bao phủ của cỏ cây xác xơ trong nắng hạn. Đường khá xấu dài khoảng 40 cây số, xe đi chậm, thi thoảng thấy một bản Lào hiện ra bên đường, chỗ nào thị trấn huyện lỵ thì có vẻ đông vui, nhộn nhịp quán xá hơn, và vẫn có những quán xá bán hàng, gara sửa chữa ô tô… ghi rõ ràng chữ Việt. 

Dọc đường cũng thấy nhiều chuyện ngộ. Chẳng hạn nắng như thế mà rất ít người đội mũ nón, ngay cả khi tan trường học sinh cũng đầu trần, đúng là trời che chở. Sau này người em bà con sống nhiều năm ở Lào giải thích: “Dân Lào hầu như không mấy bận tâm đến chuyện mũ nón. Nếu đang đi dưới trời nắng mà bất ngờ gặp mưa thì một là họ tìm chỗ trú tạm hai là tiếp tục đi nhưng không ai nghĩ đến chuyện mua áo mưa, nên kinh doanh áo mưa cũng ế”. Rồi chuyện xứ nhiệt đới nhưng người dân làm nhà thấp, nghe giải thích là để tiết kiệm chi phí. Rồi chuyện cột mốc cây số hai bên đường. Nói hai bên đường là vì ở Việt Nam chỉ một bên đường, phía tay phải của xe hay người bộ hành. Nhưng Lào thì khác, cứ một cột cây số bên phải thì đoạn tiếp theo nó lại nằm về phía bên trái, cứ vậy một cách đều đặn... Và một điều lạ là hầu như không hề nghe tiếng còi xe ô tô, xe cộ đi lại cẩn thận nhường nhau nên tai nạn rất hiếm khi xảy ra.

Tới chiều xe chạy qua thị xã Salavan, tỉnh lỵ của tỉnh Salavan rồi bắt đầu chuẩn bị tiến vào tỉnh Champasak, cảnh vật đỡ khô khát hơn, đất đai cũng có vẻ bằng phẳng, thoáng rộng hơn. Lào ngoài thủ đô Viêng Chăn còn có 17 tỉnh, trong đó có hai thành phố tỉnh lỵ là đô thị khá sầm uất chỉ sau thủ đô: thành phố Savan, tỉnh lỵ tỉnh Savannakhet (Trung Lào) và Paske, tỉnh lỵ tỉnh Champasak (Nam Lào). Champasak là thủ phủ Nam Lào, từng là nơi ra đời của vương quốc đầu tiên Lan Xang (Triệu Voi) của nước Lào vào thế kỷ XIV. Thành phố này có cả sân bay để bay nội địa và quốc tế. Đã thấy cảnh náo nức chuẩn bị cho lễ hội té nước.

Văn Thắng, người em họ giải thích: “Tết Lào khác Tết mình. Họ không mấy để tâm đến chuyện dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh mồ mả rồi cúng bái, thăm viếng… Họ chỉ để ý đến chuyện té nước cho vui, cho sôi nổi, ai đến thì lấy đồ nhắm, bia rượu ra tiếp khách nên Tết không mệt mỏi, nặng nề. Vui là chính, càng vui càng tốt. Ai được té nước nhiều là năm mới gặp nhiều may mắn. Đó là quan niệm của người Lào”. Bun Thong, người đàn ông Lào khá trẻ đã lập gia đình, có hai con, chủ một doanh nghiệp nói bằng tiếng Việt: “Tết Lào là Tết té nước mà anh, chúc các anh chị mai mốt được té nước nhiều vào và mình cũng té nước người đi chơi Tết hết mình luôn. Thế mới vui!”. Dọc đường phố Paske cho đến các bản, dân Lào bơm nước vào các thau, chậu, thùng… Một không khí hoan hỷ lan tỏa khắp cộng đồng từ người già đến trẻ em, ai nấy đều háo hức. Tôi thầm nghĩ có lẽ đây là một kiểu lễ hội cầu nước, cầu mưa thuận gió hòa khi mùa khô đã vào đỉnh điểm của tháng tư dương lịch.

Tết té nước

Ngày 13/4 Tết Lào bắt đầu. Chúng tôi uống bia Lào ở nhà Bun Thong rồi ra đường cầm vòi nước phun vào người đi đường, bất kể ô tô hay xe máy. Trời vẫn nắng gắt, người qua đường và người té nước phấn khích khi tham gia lễ hội lớn nhất trong năm. Một cảnh tượng bắt đầu náo nhiệt đầy hưng phấn. Chúng tôi lên đường đứng, ngồi trên thùng xe tải với gần đủ các lứa tuổi, từ cao niên đến trẻ thơ, tất nhiên là chở theo nước và ca nhựa, sau khi đã cho điện thoại và ví vào trong túi nilon để chống ướt.

Xe chạy, lại tiếp tục té nước dọc đường, vào người đứng trước nhà ven đường, vào xe đi cùng chiều, ngược chiều, đủ hết. Thỉnh thoảng lại kêu lên khoái trá khi té nước trúng vào người khác. Cứ thế, phố chỉ thấy nước và nước, xe cộ chen nhau, có những đoạn đường đông nghịt, xe phải bò chậm như rùa. Ai cũng ướt và ai cũng vui, người khô rồi lại ướt. Trong những reo hò hoan hỷ, câu chúc tiếng Lào dịp Tết "Bunpimay” vang lên như một lời mời gọi chân tình, thành sợi dây bền chặt kết nối mọi người với nhau, bất kể giàu nghèo sang hèn. Chỉ có niềm vui là tài sản chung chia đều cho mọi người để quên hết những vất vả, lo toan. Ngay giữa trung tâm thành phố, nhiều nhóm nhảy say sưa theo những giọng ca dân dã. Tất cả cùng hát ca, nhảy múa, minh chứng cho một cộng đồng ham vui, rất thích lễ hội và yêu chuộng hòa bình.

Một nghi lễ rất quan trọng nhất thiết phải có trong Tết Lào là tắm Phật, đúng hơn là tắm các tượng Phật. Mỗi chùa cử một xe theo các sư đi diễu hành chậm rãi trên đường phố để tín đồ có cơ hội tắm Phật, cầu phước cho mình và gia đình. Một nghi lễ thiêng liêng và ấm cúng khiến những du khách ở xa như chúng tôi phút chốc đã hòa đồng. Phải tắm mình thực sự trong lễ hội té nước mới cảm nhận đầy đủ hơn bản sắc nước Lào.

Nghi lễ tắm Phật trong Tết Lào - Ảnh: P.X.D

Nghi lễ tắm Phật trong Tết Lào - Ảnh: P.X.D

Danh lam thắng cảnh

Nhắc đến nước Lào và nhất là Tết Lào mà không nói đến chùa sẽ là một thiếu sót. Đạo Phật được xem như quốc giáo với 95% dân số là tín đồ. Người Lào là nam giới thì đi tu, học chữ từ những mái chùa thân thuộc. Hầu như mỗi bản dù giàu hay nghèo đều có một ngôi chùa để chở che, nâng đỡ đời sống tâm linh, tinh thần của người dân bản địa. Họ cầu an rồi được các nhà sư buộc chỉ cổ tay như một thủ tục.

Vào dịp Tết Lào, địa chỉ đầu tiên người dân đến chính là những ngôi chùa. Họ đến bằng niềm tin mộc mạc, chân tình và thành kính. Họ cầu an rồi được các nhà sư buộc chỉ cổ tay như một thủ tục thiêng liêng không thể thiếu được vào dịp Tết. Vợ chồng tôi cũng quỳ xuống xin được buộc chỉ cổ tay ước mong nhiều điều lành.

Văn Thắng đưa chúng tôi lên chùa Vàng trên đỉnh núi Sa Lao ở Pakse, nơi có rất nhiều tượng Phật và bảo tháp, có cả tượng Phật lớn nhìn ra sông Mekong và toàn cảnh Paske. Trong ánh chiều tà quang cảnh hiện ra nửa hư nửa thực như thể mang sắc màu huyền thoại. Đêm xuống, chiếc cầu ánh sáng bắc qua sông Mekong khiến mọi thứ trở nên lung linh, huyền hoặc.

Sáng mai chúng tôi lại hành trình đến di sản văn hóa thế giới ở huyện Champasak, đó là ngôi đền nổi tiếng Wat Phou, đền thờ xưa nhất ở Lào, từng là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva. Cho đến thế kỷ 13 thì chuyển sang thờ Phật, đền chuyển hóa thành chùa trên núi Pou Khao. Đường lên đền khá vất vả lại đi vào chính ngọ trong trưa nắng gắt nên chúng tôi phải cố gắng. Mặc dù không còn nguyên vẹn nhưng với những gì còn lại cũng cho thấy đây là một kỳ tích bằng đá về kiến trúc và mỹ thuật, tạo nên một ngôi đền thiêng hiếm có ở Nam Lào. Trong thời tiết oi nồng, bức bối, người dân bản địa có cả trẻ em vẫn thành kính hứng từng vốc nước chảy ra từ núi đá uống từng ngụm và tắm mát nước thiêng tượng trưng ân tứ của thần linh. Chúng tôi đến gần chăm chú ngắm nhìn một nghi lễ dân gian của đời sống tâm linh và cảm nhận còn nhiều điều huyền bí.

Trước ngày trở về, chúng tôi đến một thắng cảnh nổi tiếng khác là thác Khone Phapheng cũng thuộc tỉnh Champasak, nằm gần biên giới Campuchia. Thác nước này dài đến 21 cây số với nhiều đoạn quanh co, hiểm trở, dòng nước dữ dội, là một điểm tham quan thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngắm nhìn thác nước cuồn cuộn và mãnh liệt, có thêm trải nghiệm thú vị về dòng sông Mekong ở đất nước Lào.

Nghe kể trước đây cạnh dòng sông có cây thiêng mọc ngược, sau cây chết đi, được người Lào cưa ra, đưa vào tủ kính và thờ cúng rất thành tín. Chúng tôi cũng theo chân những người Lào cúi lạy trước niềm tin của người bản địa.

P.X.D 

 

PHẠM XUÂN DŨNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 357

Mới nhất

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Quãng vắng quạnh quẽ

1 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tâm sự với anh; Hồn nhiên lính trẻ

23/12/2024 lúc 16:53

Tâm sự với anhGửi tặng vợ các liệt sĩ hy sinh ở Rào Trăng và Đoàn KTQP 337Con bây giờ đã khôn

Mùa xuân và người lính đảo; Bên hàng mộ vô danh

23/12/2024 lúc 16:51

Mùa xuân và người lính đảo Mùa xuân này ta lại phải xa nhauHai nửa nhớ thương chia đôi nhiệm vụAnh vẫn biết nhiều đêm không

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground