Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những đứa trẻ ở Ma Ha Xay

T

ôi cứ tạm gọi thằng Đon Chăn bằng thằng Đon, Bun Xay bằng Bun và thằng Khăm Kệt bằng Khăm cho dễ nhớ. Ba đứa con trái tuổi chín, mười sàn sàn đen đúa tóc tai khét nắng và có điệu cười hồn nhiên phô răng phô lợi rất dễ thương. Tôi quen chúng sau hai ngày thôi. Đúng hai ngày sau khi tiểu đoàn tôi tập trung về bố trí trận địa quanh cái thị trấn Ma Ha Xay thơ mộng bên dòng Sê Băng Phai xanh trong uốn khúc.

Cũng cần phải nói rằng hồi đó, sau khi có hiệp định lập lại hoà bình ở Lào thì không khí cực kì dễ chịu. Từ chỗ luôn phải cơ động thay đổi vị trí, hết đào công sự đến trực ban chiến đấu, không mấy khi được ngủ tròn giấc nay bỗng thơ thới thoải mái, thật bõ cho những ngày luôn căng thẳng và nơm nớp giữa cái sống và cái chết. Chúng tôi, những thằng lính trận sau những trận đánh ác liệt với máy bay địch đã cầm chắc phần sống và chỉ chờ ngày trở về. Lúc này rừng Lào nơi chúng tôi đóng quân cũng đang gây cảm hứng cho những ai có tâm hồn lãng mạn bởi màu lá thay đổi từng ngày. Mới hôm nào những khu rừng quanh lèn Na Cốc, dọc đường 12 và chung quanh thị trấn hẵng còn trơ trụi thì  sáng hôm sau, tất cả như bừng sáng. Những cành cây khô khẳng tưởng chừng như đã chết đứng bỗng vào một thời khắc nào đó đã đồng loạt nẩy chồi. Ban đầu cả khu rừng trông óng ánh như được dát xà cừ thì buổi chiều đã chuyển sang tím nhạt, và mấy hôm sau…màu xanh đã vỡ oà. Núi rừng lúc này đã choàng lên mình cái áo mới tinh khôi lộng lẫy đến choáng ngợp. Trong không khí thanh bình đột ngột đến ngỡ ngàng, màu xanh non tơ mỡ màng dễ đưa con người tới những khát vọng, dù khát vọng còn thăm thẳm, mơ hồ nhưng cũng khiến chúng tôi, những thằng con trai tuổi vừa qua tuổi đôi mươi trở nên mơ mộng. Thiên nhiên thật kì diệu. Thiên nhiên có thể đem lại cho con người sự thanh thản. Có một điều gì đó trong sâu thẳm tâm hồn khiến người ta có những phút giây bay bổng để không hiểu sao tôi cứ muốn được một mình dạo đi trong những khu rừng mới hồi sinh như thế.

Chẳng còn máy bay địch. Dù là trinh sát hay ném bom…đều mất tăm dạng. Thị trấn Ma Ha Xay như một thiếu nữ mơ màng bởi những biệt thự sang trọng và những hàng me hàng dừa soi bóng duyên dáng xuống dòng Sê Băng Phai xanh trong. Lúc này thì đơn vị chỉ duy trì chế độ trực ban bình thường, ngoài giờ phải ở chỉ huy sở chúng tôi có dịp được nhàn tản thăm thú tìm hiểu. Tôi cứ tiếc sao một cái thị trấn đẹp và thanh bình như thế này lại tan hoang và buồn tẻ đến vậy. Những ngôi chùa đổ nát, những ngôi nhà hai tầng cửa kính cửa chớp bằng gỗ, kiến trúc đẹp..đã vô chủ. Những rặng dừa rủ bóng bên dòng Sê Băng Phai hiền hoà, những hàng me rặng táo qủa rụng vàng mặt đất… Thị trấn chỉ còn rải rác đôi ba nhà có người  ở nên khi vào chúng tôi chỉ thấy thấp thoáng bóng dáng đôi ba người… Các đơn vị bố trí trận địa quanh cái bãi trống phía tây, pháo đặt trong những lùm cây thấp. Chung quanh là những vạt ruộng bỏ hoang với những hàng rào dây thép gai được chăng lên để ngăn trâu bò trong mùa mưa… Hôm đó một mình tôi đang lang thang trong khu rừng khộp để tìm phong lan. Trước khi trở về Việt Nam tôi muốn có một chút gì đó để kỷ niệm những tháng ngày chiến đấu trên mảnh đất này. Bao quanh Ma Ha Xay mạn hướng Bắc và hướng Tây là những khu rừng khộp ngút ngàn băng phẳng. Chẳng có gì phải cảnh giác đề phòng nên tôi vừa đi vừa dán mắt lên những cụm phong lan đuôi chồn, đai trâu… đang bám dày trên những cành khộp. Phong lan các loại nhiều đến nỗi tôi phải lựa chọn. Tôi muốn tìm một cụm đai trâu thật ưng ý. Trước mặt tôi lúc này là một cây khộp vừa phải, trên chạc ba lủng lẳng một cụm phong lan đai trâu sum suê xanh mướt dễ có đến hàng chục ngọn, trông xa cứ như một buồng chuối tiêu mập mạp. Mừng quá, vừa dựng khẩu AK vào gốc cây để chuẩn bị leo lên thì tôi nghe một tiếng gọi giật giọng: Ê, bọ đạy. (1)Tôi sững người nhìn ra, ba đứa con trai đen đúa đứng sau mấy ụ mối cách tôi vài chục bước chân. Một thằng đưa tay chỉ lên chỗ cụm phong lan. Nhìn theo tay thằng bé tôi thấy một quả bom bi quả dứa vàng choé đang mắc giữa mấy cành nhỏ gần cụm hoa… Chúng theo tôi từ lúc nào mà xuất hiện như trên trời rơi xuống vậy. Hú hồn, tôi đứng sững bên cây khộp nhìn cụm phong lan tiếc rẻ. Thằng bé đưa tay khoát một vòng ra chung quanh. Đã bập bẹ đôi câu tiếng Lào, không hiểu hết ý nhưng tôi đoán nó nói rằng phong lan có đầy chung quanh, tiếc gì mà tiếc. Nó còn chỉ cho tôi mấy quả bom bi nữa. Bây giờ tôi mới thấy, trên những ụ mối, trong những lùm cây và mắc trên cành những cây khộp còn rất nhiều những bom bi quả dứa chưa nổ…

Tôi quen ba đứa trẻ từ hôm đó. Cả ba đều đen cháy, tóc hơi xoăn. Thằng Đon có lẽ lớn tuổi nhất, nó có cặp mắt nâu khá linh lợi. Thằng Bun có cái miệng hếch và thằng Khăm có cái mũi cao và cái miệng rất duyên. Hôm đó cả ba đều ở trần, thằng Đon vận cái quần ngang đầu gối bằng vải kẻ, còn thằng Bun và thằng Khăm, cả hai đều quấn phạ xà ling tấm nâu tấm hoa xanh, trông rất ngộ. Tôi cùng ba đứa ra khỏi vạt rừng khộp theo sự dẫn đường của thằng Đon. Đon đi trước với cái dáng vừa ngang tàng vừa thận trọng. Có lẽ cu cậu tự hào rằng vừa làm được một việc có ích nên trông nét mặt có vẻ căng thẳng hơi thái quá. Tôi đi ngay sau thằng Đon, hai đứa kia đi thủng thẳng bám theo. Vừa đi thằng Đon vừa chỉ tiếp cho tôi những quả bom bi rải rác nằm lẫn trong những đám lá khộp khô, trong các búi cỏ khô. Sao chúng tôi không để ý đến nhỉ, thật may là hôm trước đi rải dây chúng tôi đã không vướng quả nào.

Chuyện tìm lấy phong lan tôi hãy tạm gác lại. Ra khỏi vạt rừng, men theo mấy bờ ruộng khô dọc hàng rào thép gai, đi tiếp qua mấy lùm me, qua tiếp  mấy gốc táo, qua luôn một vạt rừng khộp là về đến chỗ ở của tôi. Chỗ ở lúc này rất đơn giản, mùa khô mà. Muốn nghỉ thì chỉ cần rải ni lông xuống đất bất cứ chỗ nào cũng thành một chỗ nằm êm ái, mặt đất đã được phủ dày một lớp lá dày như rải nệm. Tuy vậy chúng tôi vẫn mắc võng. Nằm võng có cái thú là được đu đưa mà nhìn trời sao cây lá tha hồ tán chuyện. Chúng tôi tập trung theo từng nhóm hai ba người, chuyện quê hương bố mẹ nổ ran như pháo hàng đêm. Lúc này thì cả ba đứa trẻ ríu rít tranh nhau mấy cái võng của chúng tôi dưới bóng cây khộp già… Để thưởng công cho chúng, tôi lục ba lô. Còn hơn nửa hộp sữa bột trong cóc sau tôi lôi ra và xúc thêm mấy thìa đường đổ vào. Tôi trộn đều số đường sữa rồi trao cho thằng Đon. Thằng Đon đưa hai tay đỡ hộp sữa rồi hỏi: Kin đạy bọ? Đạy. (2) cả ba trẻ chăm chú nhìn cái hộp trong tay thằng Đon rồi trố mắt nhìn tôi: Thằng Bun nói to: Ai co hụ khoăm Lào?(3) Tôi cười với nó: Hụ nọi nọi…(4) Ô, ô…

Khỏi phải nói bọn trẻ vui như thế nào khi chúng thấy tôi nói được tiếng Lào. Chúng mừng lắm, những khuôn mặt rám nắng sáng bừng, những cặp mắt linh lợi loé sáng. Với hộp sữa trong tay cả ba đứa hoan hỉ ra mặt, chúng chào tôi rồi rồng rắn kéo nhau đi. Nhà của chúng ngay chỗ cụm dừa la đà cạnh bờ sông mà trước đó thằng Đon đã chỉ cho tôi. Chờ một lúc thì anh Thốc từ chỉ huy sở trở về, tôi bảo với anh mình phải vào thị trấn có việc. Tôi phải vào để xem bọn trẻ ra sao. Phải nói rằng mới gặp chúng một lúc mà lòng tôi đã ngập tràn thương mến. Trẻ con ở đâu cũng đều dễ thương, con người dù xa lạ nhưng vẫn tìm được ngôn ngữ chung bởi tình yêu thương. Bọn trẻ đi rất nhanh, vừa thấy chúng lấp ló sau mấy cây me cổ thụ giữa đồng một chốc đã mất hút sau những gốc táo bên kia cánh đồng.. Lúc tôi vào thì cả ba đứa đã xếp bằng trên sàn nhà. Chẳng biết đây là nhà đứa nào. Người lớn đi vắng, chỉ có tiếng bọn trẻ tranh nhau nói. Hộp sữa được chúng đặt ở giữa, chúng chuyền tay nhau cái thìa rồi xúc ăn. Vừa ăn chúng vừa nhồm nhoàm: Chẹp lái, tha hán Việt Nam chốp lái, chốp lái…(5) Tôi vừa nhô lên đầu cầu thang cả ba đứa đã vụt đứng dậy rồi tranh nhau kéo tôi ngồi xuống. Chúng  hỏi tên tôi rồi thằng Đon lần lượt giới thiệu từng đứa. Hôm đó ngồi với lũ trẻ hơn một tiếng đồng hồ, mãi lúc mặt trời ố vàng cuối rừng tôi mới ra về.

Tôi và bọn trẻ như không còn khoảng cách,  chúng như quấn lấy tôi hằng ngày. Hễ thấy bóng tôi mang ba lô từ chỉ huy sở trở về là y như rằng chúng kéo đến. Chúng như bám sát tôi từng giờ. Đến với tôi hôm nào chúng cũng có một thứ gì đó, một ít me ngọt, một túi táo chua, có hôm chúng còn mang đến một túm dừa ba bốn quả. Chúng sướng lắm khi thấy tôi biết nói đôi câu tiếng Lào. Thằng Đon có lần nói: Ai Lợi khư khôn Lào, khoăm Việt cọ hụ khoăm Lào cọ hụ(6).

 Hôm đó, khi cả ba đã ngồi xếp bằng quanh tôi thì thằng Đon yêu cầu tôi dạy tiếng Việt cho chúng. Tất nhiên điều yêu cầu được nó nói băng tiếng Lào rất dài nên tôi không hiểu. Thăng Đon lúng túng một lúc rồi hai mắt sáng lên. Nó lấy tay chỉ lên đầu, miệng nói: Ai Lợi, khoăm Việt?(7)

Thằng bé thật là thông minh, giờ thì tôi hiểu. Tôi nói ngay: Đầu. Cả ba lắp bắp nói theo.Đầu, đầu…

- Ai Lợi, khoăm Việt? Giờ thì đến lượt thằng Bun. Nó đang hỏi tôi cái tay… Thế là cả ba đứa thi nhau hỏi tôi nào bụng nào mắt nào tai nào mồm…

Phải nói rằng lũ trẻ rất sáng dạ…

Có lẽ chỉ nửa tháng sau thôi, chừng đó thôi, bọn trẻ đã giao tiếp được với tôi bằng tiếng Việt, tất nhiên chỉ những điều tôi dạy chúng. Ví dụ như là ăn cơm, ăn cá, đi tắm, đi chơi, bố mẹ… Những câu nói thông thường trong sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày.

 Một hôm thằng Đon làm tôi kinh ngạc. Nó hỏi rằng anh Lợi thấy con gái Lào có đẹp không, anh có muốn lấy gái Lào làm vợ không. Tôi hỏi rằng ai dạy cho em thế. Nó không trả lời mà cười tủm tỉm. Tôi bảo với chúng rằng con gái Lào đẹp nhưng bộ đội Việt Nam không được phép. Thằng Đon ra chừng không hiểu, lúc sau nó ngẩng lên bảo với tôi bằng tiếng Lào rằng con gái Lào thích anh đấy…

Hơn tháng sau thì thị trấn có vẻ đông người lên dần, tôi chẳng biết họ từ đâu về. Chiều chiều dưới bóng me bóng dừa đã dập dìu bóng các cô gái. Họ trố mắt mỗi lần thấy lũ trẻ rồng rắn bám theo tôi. Nhiều hôm chúng ra tận nơi ở kéo bằng được tôi xuống bến sông. Có lẽ không có gì thoải mái bằng sau mấy phiên đeo cáp trực ban được ngâm mình trong dòng nước xanh trong của sông Xê Băng Phai hiền hoà thơ mộng.

Tôi xin nói đôi chút về dòng sông. Sông Xê Băng Phai chẳng biết bắt nguồn từ chỗ nào đó trên dãy Trường Sơn, trước khi về qua đây nó phải len mình qua những lèn đá mọc dày như những bức tường thành ở phía đông. Trước khi xuôi về hướng Tây Nam, dòng nước đã ghé sát vào thị trấn mà tạo nên cảnh thơ mộng và rất thanh bình. Mùa khô, dòng sông thu hẹp lòng chảy êm đềm tĩnh lặng. Bến tắm của tôi và lũ trẻ ở chếch phía trên thị trấn một quảng ngắn. Đó là một bãi sông thoai thoải có bãi cát trắng phau. Phía dưới là chỗ tắm của dân thị trấn. Các cô gái tắm phía dưới, váy quấn dần lên, họ cũng thong thả lội dần ra chỗ sâu. Tiếng cười tiếng nói rộn rã vang trên mặt nước…Thằng Đon rất hóm, nó cứ theo dõi tôi rồi bảo rằng phải lên phía trên cho sạch. Tôi và lũ trẻ vẫy vùng thoả thích trong dòng nước xanh trong mát rượi. Cả ba đứa túm lấy tôi hò reo xô đẩy. Thằng Bun bé nhất, có lúc nhìn nó sặc nước ho lên sặc sụa mà thấy lo lo. Thấy vậy thằng Đon cười cười rồi ghé tai tôi thì thầm. Thằng Bun có chị rất đẹp, anh có thích không.  Tôi bảo chưa được gặp thì sao mà thích được. Thằng Đon ngoảnh ra, mặt đầy vẻ đăm chiêu…

Phải công nhận rằng con gái Lào ở đây có những cô rất đẹp. Nghe thằng Đon nói tôi bỗng dưng nhớ tới cô gái mà tôi đã gặp. Hôm đó cũng là buổi tôi dạo một mình vào thị trấn. Trong ngôi nhà sàn thấp đầu đường có một lớp học bổ túc, tôi đoán vậy. Giáo viên là một thanh niên trẻ. Và học trò chủ yếu là con gái, toàn cỡ tuổi mười lăm mười sáu tròn trịa chắc nịch trong những bộ váy hoa và áo sơ mi trắng. Đứng theo dõi một lúc tôi thấy thầy trò họ đang đánh vật với một bài toán tìm diện tích toàn phần của hình trụ. Buổi học kết thúc rồi mà bài toán vẫn chưa giải xong. Không hiểu sao lúc đó tôi bốc đồng đến thế. Đứng dưới cầu thang, chờ cho người giáo viên bước ngang qua, tôi vẫy tay. Anh ta bước lại gần. Tôi xin viên phấn vạch vạch lên tấm ván cầu thang. Anh chàng giáo viên chăm chú theo dõi một lúc rồi ớ ra. Anh ta rất vui khi hiểu ra cách giải. Chợt thoang thoảng mùi hương lạ và thấy buồn buồn sau cổ, tôi quay lại và suýt chạm vào một khuôn mặt con gái. Một khuôn mặt tròn trĩnh trắng hồng và đôi mắt bồ câu long lanh. Cô gái sán lại nghe tôi giảng bài từ lúc nào. Cô nhìn tôi bằng cặp mắt sáng trong đầy vẻ thán phục. Trước lúc bỏ đi cô nhìn tôi nhoẻn một nụ cười hiền lành e ấp khiến tôi bâng khuâng mấy ngày liền.

Lớp học chẳng theo một lịch trình nào, tôi cố theo dõi nhưng không sao gặp lại cô bé. Phong cảnh bên kia sông cũng rất hấp dẫn. Trong um tùm cây lá hiện ra một mái chùa cong cong và thấp thoáng bóng những cô gái choàng khăn vàng chéo vai đi đi lại lại. Không gian chiều ngân nga tiếng chuông và tiếng gõ mõ đầy vẻ thanh tịnh. Tôi bỗng hình dung ra cô gái xinh đẹp đã từng đứng sát bên tôi, hiện tại cô đang ở đâu. Chẳng biết trong những bóng dáng yêu kiều như trong chốn bồng lai kia có cô không. Nghe thằng Đon nói vô tình tôi lại nhớ khuôn mặt ấy và trở nên hồi hộp.

Mấy ngày sau tôi chủ động đề nghị bọn trẻ sang bên kia sông chơi. Nửa chiều hôm đó, không biết thằng Đon mượn đâu được một chiếc thuyền độc mộc. Khi chúng tôi xuống đến bờ sông thì chiếc thuyền đã nằm gác mũi trên bãi cát. Thằng Đon giành lấy việc chống thuyền. Chúng tôi xuống thuyền ngồi thành một hàng dọc, Đon xuống sau cùng dùng sào đẩy thuyền ra một cách thành thạo. Chiếc thuyền dài và mảnh lướt nhẹ trên mặt nước lúc này đã in đầy bóng núi. Chẳng mấy chốc mũi thuyền đã trượt trên bãi cát bờ bên kia. Cả bốn anh em theo bậc đá leo lên. Buổi chiều cảnh chùa thật tĩnh mịch. Giữa mảnh sân bao bọc bởi những gốc sơn trà sum suê cành lá là ngôi chùa nhỏ và từ phía trong vọng ra tiếng mõ cốc cốc như điểm nhịp. Có lẽ đây là ngôi chùa duy nhất còn sót lại ở đây. Đứng ngoài nhìn vào tôi thấy một vị sư già ngồi xếp bằng, một tay lần tràng hạt một tay gõ mõ. Trước mặt vị sư là một cô gái đang quì gối xếp nải chuối lên một cái khay bằng mây. Một không gian trầm mặc và thanh tịnh vô cùng. Đã nhiều lần đi thăm chùa nhưng chưa lần nào tôi có cảm giác lâng lâng ở chốn cửa thiền như lúc này. Trong khung cảnh đầy vẻ liêu trai thoát tục lòng tôi bỗng trở nên nhẹ bỗng. Cô gái mà tôi đi tìm không có ở đây. Mà tìm làm gì nhỉ, mọi điều bây giờ đã như là hương hoa, tất cả chỉ là sương khói... Tôi có cảm giác những gì chứng kiến trong buổi chiều hôm ấy chỉ là ảo giác mà thôi… Tôi giục ba đứa quay ra lững thững dạo một vòng rồi trở xuống thuyền. Chẳng biết nét mặt tôi lúc đó ra sao mà thằng Đon cứ chốc chốc lén nhìn đầy vẻ tinh quái….

Hai hôm sau bọn trẻ đến chỗ tôi rất sớm, nét mặt đầy bí hiểm khiến tôi phải bật cười. Chúng đang dấu tôi điều gì. Lúc đó mặt trời mới nhô lên và vàng rực trên dãy lèn đá và mặt sông thì lấp lánh như dát bạc. Đang là ngày nghỉ, tôi vừa đánh răng rửa mặt xong thì cả ba đứa  xuất hiện. Tôi hỏi chúng đi đâu mà sớm thế thì thằng Đon bảo đến một nơi hay lắm. Thằng Khăm đang định nói điều gì đó, thấy thằng Đon nhìn sang thì im bặt… Bọn này có trò gì thế nhỉ. Tôi quay sang chỉ bát cơm với nhúm ruốc bông mà anh Thốc vừa xuống nhà bếp nhận về cho tôi thì thằng Đon dằng lấy tay giục đi. Tôi tặc lưỡi, bọn này dở trò gì thế này? Thôi, cứ đi với chúng xem sao. Chúng đi rất nhanh, tôi phải rảo bước mới theo kịp. Vừa chạm đến chân cầu thang một ngôi nhà bên rìa thị trấn khứu giác tôi đã chạm  mùi thực phẩm. Đó như là mùi thịt rán, có lẽ được toả ra từ trên nhà. Mùi thơm hấp dẫn kéo nhanh bước chân chúng tôi. Vào đến gian giữa thì tôi thật sự kinh ngạc. Khoanh giữa một cái đĩa sứ trắng là một con rắn đã được nướng chín vàng màu cánh dán. Hai bên lườn con rắn thịt nở bung trắng như bông. Cạnh đó là một đĩa muối ớt. Đĩa thức ăn hảo hạng đang toả mùi thơm ngào ngạt khiến nước miếng tôi tứa ra đầy miệng. Cả ba đứa lúc này cười nói râm ran. Chúng kéo tôi ngồi xuống quanh chiếc mâm với vẻ hể hả không dấu diếm. Thấy tôi tần ngần, thằng Đon hỏi anh có quen ăn thịt rắn không, tôi gật đầu. Nghe vậy Đon nhanh tay cầm con rắn bẻ một khúc trao vào tay tôi. Tiếp đó Đon chia phần cho thằng Bun và thằng Khăm. Cả ba đứa vừa ăn vừa nhìn tôi rồi lại nháy mắt với nhau. Bây giờ thì tôi mới hiểu ra trò bí mật của chúng. Miếng thịt rắn vừa mềm vừa ngọt toả mùi thơm nồng khoang miệng, đã lâu lắm rồi tôi mới được ăn một miếng ngon như thế này. Bọn trẻ thật giỏi. Định bụng lát nữa sẽ hỏi chúng bắt được con rắn như thế nào thì tôi nghe tiếng bước chân ở gian trong. Tôi ngước lên nhìn theo phản xạ tự nhiên thì… Các bạn biết không. Một nàng tiên đột ngột hiện ra nơi khuôn cửa. Chao ôi cái váy ca rô xanh nước biển ôm gọn đôi bắp chân thuôn dài. Khuôn mặt trắng hồng với đôi môi thắm đỏ trên cần cổ cao mảnh. Đôi mắt sáng dưới cặp mày đen nhánh nhìn tôi… Người con gái mà tôi lâu nay tìm kiếm đây rồi. Khuôn mặt kia đã từng như gác trên vai tôi. Mùi hương kia đã từng phả vào mặt tôi... Bây giờ tôi mới phát hiện ra nàng có đôi bàn tay rất đẹp. Hai bàn tay cô gái úp trước ngực trông như một bông sen trắng, miệng nói đủ tôi nghe: Xăm bai đí… Chào tôi xong cô gái quay trở vào, một lúc quay ra, trên tay bê ép xôi, cô cúi thấp người bước tới và đặt xuống…

Ba đứa trẻ đã ngừng nhai từ lúc nào, chúng đang hồi hộp theo dõi phản ứng của tôi bằng những cặp mắt háo hức đầy vẻ tinh quái và nghịch ngợm.

- Chị Bun Xi đấy…

Té ra đây là chị của thằng Bun Xay mà thằng Đon đã nói với tôi dạo trước. Thằng Bun có vẻ xúc động và sung sướng. Ánh mắt sáng long lanh, nó hết nhìn chị rồi lại nhìn sang tôi vẻ chờ đợi..

Tôi lúng túng thật sự vì chưa bao giờ rơi vào một tình huống như thế này..

Bun Xi nhìn thẳng, ánh mắt bạo dạn đằm thắm khiến tôi càng lúng túng. Thằng Đon bảo chị Bun Xi nhắc anh suốt đấy. Giờ thì anh chị nói chuyện với nhau đi…Bun Xi không lấy đó làm ngượng mà lại nhoẻn miệng cười xác nhận. Hai bắp chân trắng hồng xếp nghiêng nghiêng, Bun Xi ngồi cạnh thằng Bun đối diện tôi…Một không gian nồng ấm tình cảm khiến tôi như kẻ say. Chỉ cần nhìn Bun Xi, chỉ cần nhìn lũ trẻ lúc này là đã mãn nguyện, lại có thức ăn ngon, có xôi dẻo… Làm sao mà tôi có một buổi sáng hạnh phúc đến thế này. Tôi biết nói gì đây, và ăn uống được gì lúc này nữa. Đỡ nắm xôi nhỏ Bun Xi trao tôi ăn nhỏn nhẻn và Bun Xi thì..cái miệng nhỏ cứ tươi như những cánh hoa... Bọn trẻ đã đưa tôi vào một tình huống “bất khả”… Không khí và cả thời gian như ngưng đọng. Mặc cho tôi và Bun Xi ngượng ngập ăn lấy lệ, thỉnh thoảng liếc nhìn nhau e ấp thì bọn trẻ lại ăn rào rào, vừa ăn vừa cười nói vui vẻ cứ như chúng đã lập được một chiến công. Nhìn sự vui sướng của lũ trẻ lòng tôi nhói lên một nỗi buồn. Bun Xi đấy, phải chăng ông trời muốn thử thách đoạ đày tôi mà mang Bun Xi ban tặng. Tôi đâu được phép yêu em bởi những qui định khắc nghiệt trong quân ngũ… Và còn bởi một lý do nữa, thời gian của chúng tôi đã hết. Chỉ còn vài hôm nữa thôi… Sáng ngày kia đơn vị tôi đã phải trở về…

Không thể cho bọn trẻ biết việc tôi sắp phải lên đường về nước, tôi không thể dập tắt niềm vui của chúng trong lúc này. Càng cố gắng giấu lũ trẻ tôi càng thấy bứt rứt không yên. Để chuẩn bị cho việc trở về nên tôi bận túi bụi, mấy lần bọn trẻ đến tôi đành xua tay. Chúng tiu nghỉu trở ra, vừa đi vừa quay lại nhìn tôi ra chừng trách móc giận hờn…

Hôm ấy, khi mà trời hẵng còn ưng ửng đằng đông thì xe pháo chúng tôi đã xếp một hàng dài trên đoạn đường dẫn vào thị trấn. Điều bất ngờ là một lúc sau, dân thị trấn đã kéo nhau ra, đàn ông đàn bà và rất đông trẻ con, tất cả tự động xếp hai dãy dọc hai bên đường…một tình huống mà ngay cả ban chỉ huy cũng không lường trước được. Tôi đưa mắt tìm chẳng thấy ba đứa của tôi đâu, cả Bun Xi cũng không thấy mặt. Tiểu đoàn trưởng đi dọc hai dãy người, anh chắp tay cúi chào những người đưa tiền xong rồi ra lệnh cho đoàn xe nổ máy. Tôi hốt hoảng thật sự. Chiếc xe đi đầu đã chuyển bánh, rồi chiếc thứ hai, chiếc thứ ba… Không thể kiên nhẫn được nữa bởi tiếng gọi của mọi người trên xe, tôi vội vàng trèo lên thùng chiếc Zil 130. Ngay lúc đó thì tôi nghe tiếng gọi hốt hoảng: Anh Lợi…

Thằng Đon chạy đầu, tiếp đến là Bun Xi rồi thằng Bum và thằng Khăm. Đon oằn lưng vì một cụm đai trâu trùm kín lưng. Khi mà cụm phong lan đã nằm trọn trên thùng thì chiếc xe đã rồ ga lao đi. Trong làn bụi vừa cuộn lên sau xe tôi còn kịp thấy ánh mắt cháy bỏng của lũ trẻ. Và cả Bun Xi nữa, ánh mắt em như là một tiếng kêu thảng thốt đớn đau.         

 N.N.T

 

NGUYỄN NGỌC LỢI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 222 tháng 03/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground