Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những Thành trì của nhân cách

C

húng tôi, bùi ngùi nhìn sang Nhan Biều, uy nghi sừng sững dưới nắng trời một tượng đài liệt sĩ, nơi hàng năm quân và dân Quảng Trị cùng cả nước tổ chức dâng hương hoa, thả hoa đăng trên sông để tưởng nhớ, tri ân về một thời Hoa Lửa, nơi các liệt sĩ nằm xuống cho Tổ quốc đứng lên, trong trận tái chiếm cổ thành Quảng Trị, 81 ngày đêm năm 1972. Bạn tôi đọc bài thơ của Lê Bá Dương – nghệ sĩ nhiếp ảnh - người lính cổ thành Quảng Trị:

Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…

Tuổi hoa tôi ở Quảng Trị, xa mấy mươi năm, nay cùng đoàn về thăm khi tuổi sáu mươi mốt. Thời gian chưa bãi biển hoá nương dâu, nhưng sức tàn phá của chiến tranh biến cái xóm nhỏ của tôi thành xa lạ. Cho dù dòng Thạch Hãn và ngôi trường Nam tiểu học thi thoảng vẫn hiện trong tôi chấp chới một dòng hoài niệm xa ngái.

Các bậc cha chú kể cho tôi nghe rằng, cách nay tròn nửa thế kỷ, một cuộc vượt ngục đúng vào Tết Quý Tỵ của những người tù đặc biệt SPCO (Spéciaux) đào hầm, đào địa đạo, đục Thành Cổ Quảng Trị ra khỏi nhà lao Pháp về với đồng đội. Trung tá Nguyễn Xuân Dược, nguyên Hiệu trưởng trường Quân sự Bình Trị Thiên, với giọng ấm vang quê Phong Điền, Thừa Thiên Huế, bác Dược tường thuật: “Trong Thành Cổ lúc bấy giờ địch (Pháp) xây nhà lao lớn, căn ngoài giam thường dân, căn trong giam tù đặc biệt. Nơi đây, tường cao, rào kín: trên giàn mướp, quanh kéo thép gai bùng nhùng. Trong Thành Cổ có thành đất dày 9m, trên thành cứ 40m một vọng gác, ngày đêm chúng canh phòng cẩn mật. Quanh Thành Cổ còn bao bọc hồ rộng 6m, sâu 2m, ven hồ đường xe ôtô tuần tiễu, sát đường là sân vận động Trí Bưu có hai lô cốt ngầm đèn sáng suốt đêm. Chúng chia tù SPCO thành mười tổ, toàn sam cử một người biết tiếng Pháp làm Sếp - đờ - căn. Nhờ gần Tết, tụi lính ở hai lô cốt ngầm đưa gái vào vui chơi và đánh bạc, chúng lơi lỏng canh gác. Anh em chia hai toán đi sát lô cốt đến tập kết ở bãi tha ma Công giáo. Mật khẩu, hỏi: “Xê” đáp “Ô”. Anh Tảo dẫn anh em đến Hải Đạo. Bộ đội và Công an huyện cấp áo quần, cơm nước và giấy tờ cho anh em về đơn vị cũ. Đoàn Quảng Trị gồm tám đồng chí: Minh, Hướng, Nuôi, Tảo, Thuyên, Mỹ, Sắt, Huỳnh. Đoàn Thừa Thiên gồm mười đồng chí: Dược, Luyện, Nghê, Mao, Nghiệp, Hào, Phú, Lợi, Cự, Thùy”. Các bác biên chế, tổ chức vượt ngục bí mật: chọn những người tin cẩn cho vào tổ 10, vì tổ 10 là nơi ẩm thấp nhất lại sát thành đất. Chọn miệng hầm ngay cửa vì Tây vào điểm danh ngày hai lần, nó đứng nơi cửa cầm ba - toong sớn sác nghiêng ngó khắp phòng, nhưng lại quên chú ý chỗ nó đứng; Chọn bác Luyện và bác Nghê đào đất, hai bác chấp nhận cảm tử khi địch phát hiện. Và mười người chuyển đất, sáu người canh gác, phục vụ hai người đào. Hầm có đường kính 0,8m, sâu 1,5m, từ hầm đào ra một địa đạo dài 9m, sâu 0,8m, rộng 0,6m. Đào từ 24 giờ đến 4 giờ sáng phải nghỉ để ngụy trang. Ngụy trang bằng cách chắn một tấm ván không cho đất lọt vào địa đạo, bỏ nửa bao tải đất xuống, tiếp thêm bao thứ hai. Sở dĩ bỏ hai bao đất để bưng lên bưng xuống cho dễ. Trên cùng lấp 0,5m đất, nện thật chặt rồi mới lấy tro rải lên, phun nước và lấy chai lăn cho giống nền cũ. Khi đào tuần tự giở lên và làm ngược lại. Dùng xẻng tự chế bằng đai thùng tô-nô để xắn đất cho vào bao chuyền lên, người ngoài chia nhau giả đi cầu đổ đất vào thùng tô-nô hố xí, vài ngày anh em gánh thùng tô-nô đi đổ, nhưng không thể trộn đất vào nhiều được, nên mỗi đêm chỉ đào 0,2m2 đất. Ban lãnh đạo vượt ngục cử người đề nghị Sếp-đờ-căn xin Tây phòng nhì cho đào hào thoát nước quanh sân. Nhờ vậy, ta trộn đất mới vào địch không phát hiện.”

Chung quanh tôi là thị xã Quảng Trị, chợ, phường phố đông vui, nhờ bà con Quảng Trị cần cù nhẫn nại, từng ngày chung sức chung lòng xây dựng và có lẽ trong mỗi tấc đất lòng người, mỗi tường vách, dòng sông, khe nước, thân cây, hoa cỏ, bóng mát đều thấm nhuần máu thịt của các anh, của cha ông, góp phần vun đắp cho Quảng Trị ngày càng phát triển phồn vinh mọi mặt như ngày nay...

* * *

Chúng tôi đến Làng Vây, sừng sững trước mắt chúng tôi chiếc xe tăng 268 biểu tượng chiến thắngcủa trận đánh đầu tiên có sự tham gia của lực lượng thiết giáp Quân đội Nhân dân Việt Namdiễn ra vào đêm ngày 6 tháng 2, rạng sáng ngày 7 tháng 2 năm 1968 cùng với Tiểu đoàn 198 Trung đoàn 203 sử dụng 14 xe tank PT-76. Làm nên kỳ tích này, Quân đội ta đã khéo léo ngụy trang đưa xe tăng vào đậu cứ điểm, tạo thế bất ngờ đánh địch, đã diệt gọn một cứ điểm quan trọng án ngữ trên đường 9, đẩy cụm cứ điểm Tà Cơn vào thế bị cô lập hoàn toàn giữa lòng chảo thung lũng Khe Sanh. Cụm cứ điểm Tà Cơn là lõi của tập đoàn phòng ngự Khe Sanh của Mỹ, chiều dài khoảng 5 km, rộng khoảng 3 km, có một đường băng dã chiến dài khoảng hơn 3.000, thảm bê tông nhựa, trên lót hai lớp “ri” nhôm láng bóng, dành cho các loại trực thăng vũ trang và máy bay vận tải hạng nặng C-130 Hercules, C-123 lên xuống tiếp tế lương thực, vũ khí, thả quân. Hệ thống công sựxây dựng kiên cố và liên hoàn; công sự chiến đấu bằng bê tông, hố chiến đấu cá nhân, một số lô cốt, hầm ngầm, hệ thống giao thông hào, chiến hào liên hoàn; xung quanh bao bọc từ 6 đến 10 hàng rào dây kẽm gai các loại, các bãi mìn dày đặc, xen kẽ rải "cây nhiệt đới" khắp nơi. Tôi gặp anh Rude người Mỹ, thăm chiến trường xưa của bố, anh khâm phục lòng dũng cảm của ta đánh thắng Tà Cơn. Mỗi ngày khoảng 50 đến 60 khách đến tham quan sân bay Tà Cơn, đa số khách nước ngoài. Chia tay Tà Cơn bài hát “Tiếng Đàn Ta lư” của nhạc sĩ Huy Thục qua giọng hát ca sĩ Lan Anh vang trong tai tôi: …Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy/ Đồi Động Tri xác Mỹ chất đầy

* * *

Cửa Việt là một khu bến cảng, nằm ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Từ năm 1965 đến1972, đoạn sông từ Cửa Việt đến Đông Hà, khu quân sự Đông Hà đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch của Quân đội Mỹ. Nằm ở tuyến đầu của hành lang kinh tế Đông - Tây, và ở cuối tuyến đường Quốc lộ 9, cách cửa khẩu Lao Bảo 90 km về phía Đông. Cửa Việt là niềm tự hào của quân và dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nay bừng sáng trên mặt trận xây dựng kinh tế.

Mười ba năm trước, tôi theo đoàn làm phim HTV Huế về Cửa Việt làm bộ phim “Tháng Bảy Cò Về”, đạo diễn Trần Thanh Mẫn thuê một quán tranh tre nứa, cho diễn viên Thương Huyền người Quảng Trị, đóng vai chị bán hàng tạp hóa. Hồi đó Cửa Việt bời bời cát trắng, lưa thưa bãi dương còi cọc, lèo tèo mấy chục ngôi nhà tranh mái tôn nắng lóa. Vậy mà, ngày nay thị trấn Cửa Việt nhà xây mái ngói san sát, hàng quán tấp nập. Những ngày lễ, người người các nơi về tắm biển, nghỉ dưỡng ồn ã góc chiều. Cầu Cửa Việt cao vút bắt ngang sông Hiếu đoạn cuối nguồn cho nhân dân sang Triệu Phong hoặc vào Huế. Nhiều hotel, nhà nghỉ và một khu resort sinh thái phục vụ khách tham quan, nghỉ dưỡng. Khu resort Hoàng Hà rộng sáu ha, trong đó có ba mươi ngôi nhà Việt cổ nằm thấp thoáng trong rừng thùy dương đang vươn lên xanh thắm, cái hồ mát rượi và những con đường lát đá chui vào vòm dương biêng biếc. Tôi bỡ ngỡ trước những chiếc giường, ghế, bàn, cổ vật có tuổi từ mấy trăm năm trở lại đây. Ông Trần Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH XD Hoàng Hà tâm sự: “Chúng tôi muốn gìn giữ lại nét văn hóa đặc trưng của người Việt cổ…”. Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc điều hành Hoàng Hà Cửa Việt Resort trực thuộc Chi nhánh Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Hà Quảng Trị cho biết: “Nằm ở trung tâm bãi tắm Cửa Việt, Khu Du lịch Sinh thái Hoàng Hà Cửa Việt với hệ thống các biệt thự cổ thời Pháp sang trọng cùng dãy nhà Việt cổ biệt lập mang nét đẹp truyền thống mà vô cùng tinh tế của người dân Miền Trung yêu dấu. Những CBCNV Khu Du lịch Sinh thái Hoàng Hà Cửa Việt luôn sẵn sàng mang hết cái tâm của mình với mong muốn cháy bỏng mang lại sự hài lòng tối đa cho quý khách trong những chuyến du lịch tắm biển, du lịch tâm linh tìm về đồng đội, cùng hoài niệm về chiến trường xưa với địa đạo Vịnh Mốc, Nghĩa trang Trường Sơn...”. Gia đình anh Vũ Thanh Mai ở Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội đang nghỉ dưỡng Resort Hoàng Hà nói: “Ở đây có không khí làng Việt xưa, gần biển mang chút hoang sơ, tôi rất hài lòng”. Gần Hoàng Hà là hotel Tùng Việt, nơi chúng tôi nghỉ chờ chuyến tàu ra đảo Cồn Cỏ. Khách sạn gồm mười lăm phòng đầy đủ tiện nghi. Gia đình anh Nguyễn Hữu Thắng ở Vecha – Gemany, nhận xét: “Gia đình em ở Đà Nẵng hai tuần, cảnh cơm hàng cháo chợ và sự xô bồ em không thích. Nơi đây, như Zuhause (tại nhà) ấm cúng”.

Chúng ta được không khí trong lành, yên vui như ngày nay là nhờ Nhà nước đã tốn bao nhiều công sức, tâm huyết. Riêng các chủ khách sạn, chủ Resort cũng trần thân trong bước đầu xây dựng. Cây xanh các anh phải mua ở Văn Giang, Hà Nội, mua đất, mua cỏ, đào hồ tưới cây, trồng phi lao chắn cát bay, gió Lào, nắng bỏng. Mỗi cây xanh trồng đúng quy trình kỹ thuật và thêm một xe đất thịt và tưới ngày hai lần mới hy vọng vươn xanh. Rất nhiều cây không chịu nổi gió biển mặn, còi dần rồi chết, cho dù đó là dừa, dương liễu… chịu nắng gió cao…

* * *

Chúng tôi lên tàu Cồn Cỏ 01, 2 giờ 30 phút vượt sóng nước ra Cồn Cỏ. Đảo Cồn Cỏ là mộtđảo nhỏ ở biển Đông, thuộc tỉnh Quảng Trị. Diện tích khoảng 2,2 km². Dân số gần bốn trăm người, mười lăm hộ gia đình, có bốn mươi ba cháu, trong đó hai mươi mốt công dân đảo sinh ra ở đây. Đảo hai lần được phong AHLLVT, có 6 AHLLVT. Nhiều lần được Bác Hồ gửi thư khen: Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ.

Ngày 1/10/2004, chính thức chuyển từ đảo quân sự sang đảo dân sự. Ông Lê Quang Lanh, Bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ vui vẻ: “Dân sự hóa được 8 năm, huyện đã tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay bổ sung Quy hoạch tổng thể Kinh tế - Xã hội, huyện đã hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng; Quy hoạch chi tiết du lịch; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính - dân cư; Quy hoạch các tuyến đường đi lại trên đảo; Quy hoạch hệ thống hầm hào, công sự chiến đấu … theo định hướng xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch. Đảo không thôn, không làng nhưng Cồn Cỏ  trực thuộc huyện đảo thứ 12 của cả nước. Một huyện đảo nhỏ nhất thế giới, có hệ sinh thái du lịch, rừng nguyên sinh, rừng san hô đen, san hô đỏ và ngư trường 9000 km2, nơi giao thoa các bầy cá, trữ lượng cá lớn và rất ngon. Tháng tư này đón hơn mười đoàn, có đoàn gần 100 người…”.

Chúng tôi lên ngọn hải đăng, tôi bước gần sáu mươi cấp, Cồn Cỏ hiện ra trước bao la nắng gió và biển xanh, một cánh rừng nguyên sinh ngan ngát sau lưng khu hành chánh và dân cư. Biển Đông ôm ấp Cỏn Cỏ vào giữa lòng bát ngát, rừng lại chở che cho cư dân đảo và đài tưởng niệm liệt sĩ Cồn Cỏ, nơi tri ân một thời Hoa Lửa, mãi mãi không quên công ơn của ba mươi cán bộ, chiến sĩ bộ đội của các đơn vị thuộc Quân khu 4 và bảy mươi ba dân quân du kích của huyện Vĩnh Linh đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Xa xa là nhà mẫu giáo Phong Ba, Bến Nghè, bến Sông Hương, âu thuyền, … Rừng phong ba ken dày với sức sống mãnh liệt, dai dẳng đứng trước biển sẵn lòng che chắn gió, cát bay cho cư dân đảo… Chúng tôi đến cây bàng trái vuông (bàng di sản) để nhặt một trái làm quà. Chiều đến, khói lam chiều của mái nhà nào đó gợi lên trong tôi một cuộc sống thanh bình đang hiện hữu giữa biển Đông. Tôi gặp bé Hồng Phúc công dân đảo, mẹ bé là cô dạy mẫu giáo Hoàng Thị Thắm quê ở Cửa Tùng, gia đình chị sống an vui. Rồi công dân Ngô Huyền Trân đang lăng xăng với bố quê Hải Lăng, Quảng Trị trong bữa cơm chiều. Trong khi tôi thả bộ ven biển hóng gió từ khơi xa, bất chợt gặp hoa muống biển nở ngát trên cát trắng. Tôi làm bài thơ “Hoa muống biển”:

Giữa cát bỏng hoa muống biển nở/ Nỗi niềm chi biếc cả trời chiều/ Đảo, đất liền nghìn trùng cách trở/ Hoa muống buồn thắp tím nụ yêu

Tôi gặp mười bảy em sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Huế - Khoa Thủy sản đi thực tâp trên đảo. Các em vui mừng như gặp lại đồng hương. Một cô sinh viên ghi cảm xúc: “Cuộc sống nơi đây tuy gian khổ nhưng đầy thú vị, càng khám phá càng phát hiện nhiều điều mới mẻ. Một nơi xa đất liền nhưng đầy ắp tình người, đặc biệt bác Lanh - Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ…”

Hiện công nhân đang thi công ba bể chứa nước và hai bể ở đồi cao để hứng, trữ nước mưa từ các mái nhà, dẫn, lọc và cung cấp cho dân theo đường ống. Điện đang chạy máy nổ, thường xuyên bù lỗ nên phải hết sức tiết kiệm điện và thời gian phát điện. Tôi được biết, một 1m3 nước nơi đây 80.000 đồng (Huế hơn 5.000 đồng 01 khối, tính cả giá trị gia tăng). Cả huyện đảo chỉ có 1 ha trồng trọt vì phải bảo tồn rừng nguyên sinh để giữ nước cho toàn đảo. Nếumuốn xây dựng đảo Cồn Cỏ  trở thành đảo du lịch sinh thái kết hợp với giáo dục truyền thống Cách mạng cho các thế hệ mai sau, thì trước nhất phải giải quyết tốt nước và điện, ngoài ra phải đóng tàu cánh ngầm tiện đi lại… mới có thể kích cầu đầu tư và hấp dẫn khách du lịch góp phần phát triển huyện đảo. Chúng tôi chia tay huyện đảo với mong muốn một ngày rất gần ước mơ sẽ thành hiện thực.

* * *

Quảng Trị được như hôm nay đều bắt đầu từ thời Hoa Lửa, từ sự hy sinh của những người vì nước vĩnh viễn nằm xuống và những đóng góp công sức của lớp lớp cha anh trước sau son sắt một lòng một dạ theo Cách mạng. Trước đây mỗi khi tôi ngang qua Đông Hà, tôi có cảm giác thị xã đầy bụi và nắng; khu chợ lấp thấp vạt tôn gỉ, ngoi lên, tụt xuống không lớp lang thứ tự bên sông Hiếu. Nay, chợ Đông Hà mới xây bề thế tầng cao, chỗ chợ cũ là tòa nhà của một ngân hàng, người người nhộn nhịp trong cảnh sầm uất. Đông Hà cũng từng tang thương, sập nát dưới mưa bom, bão đạn, hằng năm còn trần thân, với cơn khô khát, bão lụt khắc nghiệt của thiên nhiên. Người Quảng Trị đã và đang chung lưng đấu cật, cùng chia gian nan, khổ hạnh dựng lên trên mảnh đất này một thành trì của nhân cách của lòng dũng cảm và sự chịu đựng trường kỳ, dai dẳng một cách bản lĩnh, để hôm nay có một phố thị trẻ trung với vóc dáng hiện đại, đầy sức sống, phồn thịnh và chan chứa tình người. Cây xanh trên các ngã đường đang ngấp nghé xanh, mai đây sẵn sàng xoè tán mát cho người. Phố phường đầy bụi và nắng sẽ theo chuyến tàu quá khứ chạy vào quên lãng…

N.V.N.H

 

Nguyễn Vinh Nguyên Hiển
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 228 tháng 09/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground