Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 11/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tháng chạp mưa phùn

C

hỉ hừng lên được chừng giữa buổi sáng, quá trưa sang chiều bầu trời đã chuyển sang xám xịt. Rồi gió về, rồi mưa bay. Mưa như rây bụi. Mưa chếch theo chiều gió, vát chéo một góc nghiêng. Bầu trời, và cả gió cả mưa, xóm làng đã xám với những mái tranh đìu hiu ảm đạm càng như ảm đạm thêm trong mưa bụi. Cánh đồng trở nên mờ ảo xa xôi. Những bóng người cặm cụi mờ dần ngoài đồng xa. Người dong trâu bò, người gánh gồng, và cả lũ trẻ với áo xống tơi tả liêu xiêu bước trong gió mưa thốc ngược. Đám trẻ chăn trâu kéo nhau tìm gò bụi tránh những cơn gió hùn hụt thổi. Chúng rủ nhau vơ rơm rạ đốt lửa chống rét. Những bộ mặt tím tái. Tiếng hít hà run rẩy. Mấy đứa tát cá dưới mương ham con rô con diếc, quần áo te tua bê bết run lập cập đứng nhìn làn khói quằn quại, ngọn lửa lật phật ấm áp với sự chọn lựa dùng dằng...

Lúc này hành tỏi rau diếp xà lách thì là... bao nhiêu thứ ngoài vườn xanh um mơn mởn. Những giọt nước li ti như hạt sương lăn tròn trên những tàu rau làm cả vườn ánh lên như thoa mỡ. Đàn gà con nghe tiếng tục tục của mẹ chui qua mấy phên rạ rào vườn chạy vội  vào phía sau đống rơm tránh rét. Mẹ gà xoè rộng đôi cánh ấp trọn cả đàn con. Làng xóm nhắc nhau phải chống rét cho trâu bò. Trước lúc đi cày buổi chiều, bố tôi tủ lên lưng trâu tấm bì rồi lịch kịch dong trâu, miệng tự nhắc mình phải nhớ che thêm phên tranh cho cái ràn trâu....

Ai mà chẳng trải qua những ngày tháng Chạp, nhưng có được cảm giác rét mướt của mưa phùn gió bấc thì lại không phải là tất cả. Cái thiếu đói, cái rét mướt của thuở nghèo như một lời nhắc nhớ tới quê hương xứ sở. Tuổi thơ tôi đã trải qua những tháng chạp rét mướt mưa phùn gió bấc. Hễ mỗi dịp tháng chạp đến là trước mắt tôi vẫn như hiện ra vườn rau xanh mướt, cánh đồng gầy guộc ảo mờ. Và tất cả đã đọng mãi trong thẳm sâu tâm khảm khó nói thành lời. Và những ngày mưa phùn gió bấc đã như là một phần trong hình ảnh quê hương. Trong những năm tháng đi xa, tôi mang theo hình ảnh làng quê với dáng hình của mẹ liêu xiêu bước đi trong chiều đông rét mướt. Hình bóng Người như con cò lặn lội, hết chăm chồng rồi đến nuôi con...

Và tôi cũng đã có một mùa đông không có mưa phùn gió bấc. Tham gia chia lửa với chiến trường nước bạn năm ấy, tháng Chạp về và chúng tôi biết rằng quê hương đã sắp sửa hết đạn bom, làng xóm sẽ chìm trong mưa lạnh. Vậy mà, cũng thời khắc ấy, cả núi rừng bên này cây đã rụng lá và bầu trời suốt ngày ong ong mây mù như khói loãng. Rừng cây trở nên khẳng khiu xương xẩu. Chẳng gió chẳng mưa, những đoạn đường lấm bụi, những đoàn quân nhễ nhại mồ hôi.  Chỉ đêm về mới có rét, cái rét khô khan buốt đến nỗi nứt nẻ cả chân tay. Cả đơn vị trú quân trong hang, cách con đường chiến dịch một quãng rừng xào xạc lá khô. Nơi đây xa quê mẹ, chúng tôi chỉ liên hệ với quê hương bằng sóng của đài tiếng nói Việt Nam. Và trong cái hang sâu lạnh lẽo mà ấm tình đồng đội ấy chúng tôi đã có cả tiếng đồng hồ phập phồng khắc khoải. Đang háo hức nghe tiếng nói quê hương thì đột ngột tiếng đài im bặt. Cả tiếng đồng hồ không ai nói nên được một lời. Một không khí nặng nề đến nghẹt thở. Giặc đã dùng pháo đài bay đánh vào đài Tiếng nói Việt Nam. Quê hương đất nước sắp được hoà bình, ấy vậy mà...Nhưng rồi tảng đá đè nặng lên lồng ngực mỗi người cũng được hạ xuống bởi tiếng nói từ trong chiếc Ra đi ô cũng đã cất lên. Chúng tôi hò reo, chúng tôi nhảy múa và nghe như rừng cây cũng đang tí tách cụ cựa nứt chồi. Và sáng ra, ô kìa, cả rừng cây trong mơ màng sương khói đã như được quét lên một lớp xà cừ. Mỗi đứa chúng tôi đi làm nhiệm vụ ngây ngất như say và cảm thấy đang rất gần quê mẹ. Và kì lạ nữa, trong tôi như bắt gặp hình ảnh gió bấc mưa phùn. Hoá ra những ai nặng lòng với quê hương thì dù ở đâu vẫn có quê hương ở đó. Quê hương là cánh đồng mờ ảo trong sự đổi mùa. Quê hương là luỹ tre với tiếng gà cục tác, mẹ cha ta cặm cụi tảo tần...

Rất nhiều lần tôi tự hỏi, tại sao con người ta thường nặng lòng với quá khứ. Dù cái quá khứ ấy có buồn đau tủi cực đến mấy nhưng hễ mỗi lần nghĩ đến cũng cho ta sự thanh thản tâm hồn. Phải chăng quá khứ là quảng đời tuổi trẻ, mà tuổi trẻ thì bao giờ cũng đẹp và đầy sức sống với những suy nghĩ sáng trong, tâm hồn nhạy cảm.

Lâu lắm rồi, có đến mấy chục năm ta chẳng thấy mưa phùn gió bấc mỗi độ đông về, có khi thay vào đó là những đợt nắng như đổ lửa... Điều gì đã làm thời tiết đổi thay, không còn qui luật. Phải chăng từ độ ấy đến nay đã mấy chục năm. Thời gian có thể làm cho vật đổi sao dời. Thời gian làm thay đổi nhiều thứ. Và thời gian đã mang đi của ta cả thời tuổi trẻ. Lại một mùa đông nữa đang về. Viết đến đây tôi bỗng nhớ quay nhớ quắt cái tiết trời của những tháng chạp năm xưa. Cái tháng chạp có nắng ong ong, những tháng chạp  mưa phùn gió bấc...                 

N.N.L

 

NGUYỄN NGỌC LỢI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 208 tháng 01/2012

Mới nhất

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị”

10 Giờ trước

Chiều ngày 10/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” năm 2024.

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng

10/12/2024 lúc 12:24

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

12/12

25° - 27°

Mưa

13/12

24° - 26°

Mưa

14/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground