X |
óm Đông có chừng trên năm chục nóc nhà, mỗi anh một tính chẳng ai giống ai, nghề nghiệp cơ bản làm nông nhưng cũng lắm kẻ kèm thêm nghề phụ mộc, nề, bốc vác, đóng cối xay…nên nói chung là khá phức tạp. Trong xóm lại tự nhiên hình thành ra mấy khóm nhà do cận lân mà thành. Thế là mỗi khóm lại có những vui buồn riêng, thậm chí bè đảng riêng vừa thân nhau lại vừa hay choảng nhau; còn chuyện hầm hè giữa khóm này khóm kia là chuyện cơm bữa. Ngoài rìa xóm, sát bờ sông Cái có một khóm khoảng mươi nhà, trung tâm là nhà Ngô Tào, mọi người quen gọi hắn là Tào Tháo. Gọi vậy là do quen mồm từ nhân vật Tào Tháo trong sáchTam quốc, lại một phần là anh này lắm mưu kế, bụng dạ khó lường…
Ngô Tào có khu vườn rộng nhất vùng, có lắm thứ lạ, như có hòn non bộ rất to, cây lưu niên, cổ thụ có thứ phải hai vòng tay ôm mốc meo tuổi tác. Tào hay ngồi dưới bóng cây hòe tán rợp phe phẩy quạt uống rượu ngâm thơ, trong bụng rất lấy làm kiêu ngạo coi ta là trung tâm vũ trụ còn thiên hạ chỉ là bọn tiểu nhân. Dưới một gốc đa to, rễ buông kín đầy hang hốc ông nội Tào dựng một cái miếu cũng rất to thờ ngài Khổng Tử. Một dạo, cũng mới đây thôi, anh em nhà Tào chửi nhau, có đứa định đập cho tan cái miếu đi. Kể ra cái miếu đã nhiều lần bị xâm phạm nhưng chỉ tróc lở đôi nơi chứ vẫn đâu ra đó trong chính điện vẫn là đức ngài bệ vệ ngồi trên sập vàng. Cái số của Khổng Khâu tiên sinh tương lai ra sao không ai biết, nhưng nay thì vẫn uy nghi; ngài ngồi đó nhưng bụng vẫn lo, không biết chúng nó có để yên cho không, chứ chúng cho một mẻ “cách mệnh” nữa như cái dạo nọ, thì có khi…Tào thỉnh thoảng lại dắt vợ ra sân miếu giảng giải về đạo Khổng để nàng hiểu những khái niệm nào quân tử, tiểu nhân, nào tu tề trị bình, rồi nào quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử, nào tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu…và thuyết giáo rằng thiên hạ có trên có dưới, có kẻ hèn có người sang; dòng giống ta anh hùng, nhà ta là nhà có truyền thống thi thư ngàn năm tổ tiên để lại nên phải cố mà giữ lấy…
Xưa nay Tào vẫn hay nói rằng vườn nhà hắn thời cố tổ rộng lắm, nhưng bốn bên hàng xóm lấn chiếm dần ngày càng bị thu hẹp lại. Đi đâu hắn cũng lu loa bảo thiên hạ tham lam giành đất nhà mình. Gần đây thấy hàng xóm ăn nên làm ra, vườn tược cải tiến cách trồng, thay giống lai ghép và cách chăm bón khiến nơi nào cũng mơn mởn tươi cành xanh lá…khiến Tào ngồi không yên. Hắn tính nếu chỗ nọ chỗ kia là đất đai nhà mình, thì mình sẽ trồng loại cây gì cho năng suất cao, chỗ nào có thể làm trại nuôi gà, làm chuồng nuôi thỏ, nơi nào đào ao thả cá, nơi nào làm nhà cho thằng cả, rồi cả lũ con đông đúc cũng chưa tính xong bài toán tương lai ăn đâu ở đâu…Tóm lại lòng hắn đầy tham vọng. Đời kị truyền cho đời cố, đời cố truyền cho đời ông, đời ông truyền cho đời con, đời con truyền cho đời cháu, đời cháu truyền cho đời chắt, đời chút, đời chít…rằng bốn phiá vườn đất hàng xóm là đất nhà mình, phải đòi lại đi. Vậy nên phải hiểu máu tham của Tào là thứ máu gia truyền, quả thực trong nhóm máu của y có thêm chữ T (Tham) không giống ai! Đẻ ra trong máu hắn đã có chữ Tham rồi nên lớn lên hắn ngó nhìn thèm khát đất cát láng giềng là chuyện không hề khó hiểu.
Bốn phía đông, tây, nam, bắc là vườn của nhà Sò, nhà Ốc, nhà Nghêu và nhà bố Vẹm. Trong đám hàng xóm ấy Tào thân thiết nhất nhà Vẹm, hắn vẫn gọi một cách tôn kính là bố Vẹm chứ không gọi suông tên cúng cơm như những nhà khác. Kể ra thì hai nhà tuy một giàu một nghèo nhưng thân nhau thật. Thỉnh thoảng có quân trộm cướp từ ngoài lọt vào nhà ông Vẹm là Tào lại chạy sang, lúc chỉ cần ngồi nhà hằm hè đôi câu dọa nạt khiến quân ô hợp phải liệu đường mà biến cho mau. Tết nhất, lễ lạt, cưới xin…hai nhà mời nhau luôn luôn. Cái mối quan hệ ràng rịt đó khiến nhà Vẹm gắn chặt với nhà Tào, dù có lúc mặn lúc nhạt nhưng nhìn chung vẫn là hòa hiếu và sòng phẳng mà nói là nhà Vẹm biết mình biết ta nên luôn chủ trương “Im lặng là vàng”. Bố Vẹm dạy con ăn ở hòa bình với nhà Tào bằng nhiều câu rất chi tuyệt vời, nào “Láng giềng là bạn quý”, rồi “Hai nhà vườn liền vườn ngõ liền ngõ”, và thường kết thúc bằng câu “Một điều nhịn, chín điều lành”… Đã thế, hai nhà còn là thông gia. Con gái nhà Vẹm lấy em trai Tào, nhà ở đầu xóm. Từng có bài thơ bốn câu, mỗi câu bốn chữ do hai bên cùng nhau xướng họa những lúc trà dư tửu hậu mà thành từ lâu. Thơ ấy như sau:
Nhà Tào nhà Vẹm
Trọn vẹn ơn tình
Một dạ đinh ninh
Song gia kết nghĩa.
Thế nhưng Tào nghĩ chán chê, tình làng nghĩa xóm là cái cóc chi, mặc kệ, ta phải làm theo ý ta, cuối cùng chẳng đặng đừng, hắn quyết tâm gõ cửa từng nhà để “đòi lại” đất. Đến nhà Sò, nói loanh quanh rồi cuối cùng cũng đi vào vấn đề:
- Từ hàng tre kia vô đến bờ chuối này là đất nhà tôi đấy, xưa ông nội anh cuốc dần, rồi bảo đất của mình! Ngày xưa mảnh đất ấy ông tôi trồng khoai, nghe bố tôi bảo thế.
Sang nhà Ốc, nói chuyện làm ăn một thôi một hồi, rồi Tào đi quanh vườn, chống nạnh bảo:
- Này chú Ốc ơi. Ngày xưa cái rẻo đất sau hồi nhà chú là của cha tôi đó nghe. Cụ nhà chú xin trồng tạm cây cối đến nay chưa trả lại chứ không phải của chú đâu.
Đi dọc theo biên giới nhà mình và vườn lão Nghêu, Tào húng hắng ho, đưa thuốc lá ra mời láng giềng, nói chuyện tình hình thế giới nơi nơi đang gặp vấn nạn khủng bố, rồi cười cười:
- Bác Nghêu thân mến ơi, lẽ nào bác lại không biết vườn bác nay rộng thế này là bởi trong đó có phần đất của tôi? Từ cái gốc khế kia đến chỗ này xưa ông tôi trồng cà đó chứ. Bác trả lại cho tôi đi chứ thế này khó coi lắm.
Riêng nhà bố Vẹm, hắn không dám trắng trợn như thế, nhưng luôn nói xa nói gần cũng không ngoài bài nói nội dung dành cho ba anh láng giềng kia. Số là nhà Vẹm có một cái ao chuôm khoảng năm chục mét vuông thả bèo nuôi lợn và lấy nước tưới cây. Cái ao ấy nằm sát rìa nhà Tào, con cái Tào vẫn ghé xuống lấy nước, rửa ráy. Cái ao hình một cái tai trâu nên mọi người quen gọi ao Tai trâu. Thấy mấy đứa con cháu bố Vẹm ra ao rửa chân, câu ếch, Tào nghĩ cái ao này phải của mình, phải bịa ra là ngày xưa ông nội mình từng đào đất đắp nền nhà mới có cái ao này; thế nên dù nó nằm hẳn bên vườn nhà ông bạn vàng, nhưng lòng tham khiến Tào ngày đêm nghĩ cách cà khịa và đến lúc ý nghĩ chiếm đoạt nổi lên không cưỡng nổi nữa. Hắn đánh tiếng tranh giành đòi lấy nhiều lần. Ông Vẹm cũng cảm thấy có điều gì quanh chuyện cái ao Tai trâu từ lâu rồi, nay trước tình thế căng thẳng càng thêm nghĩ ngợi.
- Để coi – Ông bố nói với các con – vừa láng giềng, vừa thông gia, mà thông gia là bà con tiên, làm sao cho hòa thuận thì làm.
Nhưng mấy thằng con cảm thấy bị xúc phạm, bị chọc giận, vào nhà xách dao rựa ra, đi đi lại lại sát biên giới hai nhà, bố Vẹm thấy vậy lại gọi vào:
- Định làm gì thế các con?
- Phải cho lão Tào một mẻ, chứ hắn khinh người lắm.
- Anh Tào, sao gọi lão? Các con cũng nên biết điều.
- Mình biết, nhưng lão không chịu biết thì mình chỉ thiệt.
Cả ba đứa đều hăng lên, nó giận lây sang cả bố; thấy thế, ông phải thay đổi cách nói:
- Các con ơi! Hãy nghe bố nói điều này – Ông bố tội nghiệp cố gắng nhỏ giọng lại – Một điều nhịn, chín điều lành. Nhà ta… Nhà ta nghèo, đừng bẻ nạng chống trời. Một lời bố van các con. Cha ông xưa cũng nhịn nhục lắm mới ở yên với xóm giềng đó. Lúc ông nội các con hấp hối sau trận ốm nặng, đã kéo bố lại bên giường để nhắc bố chỉ một câu đó thôi, và bắt bố thề nguyền mới mát dạ ra đi. Cho nên phải bàn bạc thật có tình có lí với anh Tào để không mất cái ao, cũng không mất nghĩa tình hai nhà. Chuyện này khó lắm, nhưng phải kiên trì, phải lâu dài. Bố không nói cái ao Tai trâu là đất anh Tào, nó là của nhà ta, bố có chết cũng khẳng định như vầy; cái ao ấy cố nội các con đào đó, hôm cố đào ao có nhặt được một con rùa đá xanh to bằng cái bát, đem đặt thờ, ngày còn trẻ mắt bố từng ngó thấy, tay bố từng nâng niu, về sau do chạy giặc nên mất đằng nào…
Mấy đứa con trẻ người non dạ nhìn bố mà thương, rõ ràng ao Tai trâu là của nhà mình, sao Tào dám cả gan đòi chiếm, bởi vậy làm sao lại chịu yên? Hòa hiếu đâu chứ nó cứ hôm nay nhòm ngó ngày mai nói ao nhà nó, lại xa gần cấm ta ra rửa ráy, vớt bèo khiến thằng Nông có khi ra đứng bờ ao mà cứ run run…Thế là mỗi đứa một câu, cũng là những điều lâu nay đã nói với bố nhiều lần.
Thằng Cò:
- Không! Phải cho một trận chứ chịu lún lắm nó càng đè lắm. Cái ao Tai trâu là của mình, bao đời nay rồi, nay sao Tào lại tranh giành?
Thằng Vạc:
- Đúng đó bố ơi. Phải cho Tào một bài học thôi. Ao Tai trâu của ta chứ của ai! Thử hỏi hàng xóm coi, cái ao Tai trâu của ta hay của Tào Tháo!
Thằng Nông:
- Tào định cướp đất đai cả xóm này, nhà ta nó cũng không chừa, đừng thối chí.
Ông bố ngồi yên. Trước thái độ của cha già, mấy đứa mắt ngó nhau, rồi buông dao nhưng mặt vẫn hầm hầm, có đứa chỉ mũi mác sang nhà Tào dứ dứ. Thế là mọi uất hận lại phải nén xuống với câu thần chú “Một điều nhịn, chín điều lành” truyền nối, lại luôn miệng vỗ tay hát “Nhà Tào nhà Vẹm-Trọn vẹn ân tình”!
Con gái đầu của bố Vẹm làm dâu dòng họ Ngô, tên Cáy, đi chợ về, ghé qua nhà nhìn cảnh tượng hiểu ngay vấn đề. Nàng đặt thúng xuống nền đất, lại ngồi bên ghế, trước mặt mọi người. Thằng Cò chỉ mặt chị gái:
- Bỏ quách chồng đi, cái dòng giống bất nhân. Sao chị chịu đựng giỏi quá như vậy? Chị làm nhục cả nhà! Chị hoặc bỏ thằng em lão Tào, hoặc chúng tôi coi như không có chị nữa!
Cáy né mình, chùi nước mắt:
- Cò ơi! Nói nhỏ thôi…
Cáy chưa dứt lời, thằng Vạc liền nói:
Ba đứa lại xâu xéo lấy con chị, như thể mọi tai họa đều do Cáy mà ra. Cáy đẹp, da hồng, răng trắng, lại rất nết na, nghe lời cha mà lấy em trai Ngô Tào chứ nào có ưa cái đồ con mắt một mí, mặt dày, môi dày và đen. Loại ấy thì bụng dạ khó lường …
- Lại vẫn bài ca muôn thủa rồi. Nói nhỏ là sao? Phải nói cho to vào. Thiên hạ ai to mồm thì thắng, ai nhỏ giọng thì quỳ xuống nhá. Chị nói nhỏ mặc chị, chứ chúng tôi nhỏ cách chi?
* * *
Ba nhà ba bên nhà nào cũng rục rịch bàn bạc, chửi thầm Tào quân ăn cướp. Đất hương hỏa người ta, vườn tược người ta bao đời, thế mà cứ nhơn nhơn bảo của nhà mình. Đã có ai đến đòi lấy đất đai nhà hắn chưa, mà hắn đòi nọ đòi kia? Cái thứ lòng dạ nham hiểm, mà mồm thì leo lẻo tình làng nghĩa xóm, rằng xóm Đông chúng ta phải tôn trọng nhau, đoàn kết một lòng. Nhà nào cũng lớp già có phần ôn hòa, còn bọn trẻ thì bốc máu lên đầu, cứ đòi kéo nhau sang hỏi tội Tào Tháo, có đứa điên khùng đòi đập cho tan tành cái miếu Khổng Tử, phá căn nhà to rộng đêm rằm nào cũng treo đèn lồng đỏ lòm trước cửa của kẻ muốn đè đầu hàng xóm láng giềng …
Trước hết nhà nào lo giữ nhà ấy. Nhà Sò cho rào thêm rào tre phía giáp nhà Tào, như muốn cảnh cáo rằng tôi sẽ giữ vững lập trường, tôi quyết không cho anh cướp dù một tấc đất nhá. Sò còn kiếm đâu đem về một xe bò gộc xương rồng trồng chi chít ngay hàng rào, gai góc lởm chởm cứ chỉa cả sang nhà Tào như khiêu khích, thách đố. Học theo đồng minh, nhà Ốc vào rừng chặt cây găng, cũng là giống cây lá ít gai nhiều, nhọn hoắt như gai bồ kết, đụng vào chỉ có chảy máu, đem cắm dọc hàng rào, cắm sát ngay chỉ giới như muốn công bố rằng đừng hòng tôi chịu nhường ai, dù một li một lai. Nhà Nghêu thâm hơn cả bọn, cho đào một con rãnh sâu chạy sát hàng rào nhà Tào ngoằn ngoèo như chiến hào. Sau một trận mưa to gió lớn, bao nhiêu đất đai, cây cỏ vườn nhà Tào đổ xuống rãnh khiến Tào điên tiết lên nhưng phải ngậm bồ hòn…
Họ lo nhất nhà bố Vẹm, sợ bố này không dứt khoát vì thân tình với Tào nên dù sao cũng một phe. Họ nghĩ Tào chiếm đất thiên hạ ông ta chẳng buồn, thậm chí còn mừng thầm vì con gái được nhờ chút đỉnh; còn cái ao Tai trâu, bọn con cái hùng hổ thế, chứ chúng vẫn cứ là em kết nghĩa của Tào, tin được không thì chưa biết. Cái thế chân vạc ba nhà liên kết như cùng một lòng, tự nhiên tách nhà bố Vẹm ra thành đối phương, dồn bố Vẹm sang phe Tào không tuyên bố! Họ đánh tiếng xem ý ông già Vẹm ra sao. Họ nói xâm xỉa bóng gió đủ thứ, bố Vẹm nghe cả. Một hôm, gặp mấy vị đang hóng mát dưới hàng tre ngoài đường, bố Vẹm bị họ người một câu chọc tức:
- Này ông. Nghe đồn là Tào Tháo định lấp cái ao Tai trâu để làm chuồng lợn, ông định cho đứt hắn phải không?
-Không phải làm chuồng lợn đâu, nghe nói hắn định thả cá rô phi, rồi để hai gia đình chung nhau chăm sóc. Nhưng mà cái thằng ấy thì coi chừng đó ông Vẹm ơi. Đã chung nhau là lôi thôi rồi. Hắn bảo ao của hắn, lâu nay hắn nói thế rồi, vậy lúc đầu tuyên bố của chung, nhưng khi thu hoạch, hắn lật lọng, thì cha con ông thua là cái chắc.
- Tai trâu là ao nhà ông Vẹm. Chúng tôi đứng về phía ông, bảo vệ ông, đề nghị ông chớ để mất. Chúng tôi định bụng…
Ông Sò đưa mắt cho người mới nói chưa xong câu đó, quay sang bố Vẹm:
- Ông thấy chưa. Chúng tôi ba nhà đoàn kết nhất trí, còn ông thì sao? Chúng tôi sẽ sống chết để giữ đất; còn ông lừng khừng, thì cái ao Tai trâu mất vô tay Tào là chắc mười mươi rồi. Ông tính sao? Có đoàn kết với chúng tôi phen ni không?
Bố Vẹm, trong tấm áo màu cứt ngựa may kiểu Tôn Trung Sơn, vốn là quà chuyến lên biên giới hồi đầu năm của chàng rể, gật gù:
- Tôi…tôi…đâu có ăn ở đơn sai với xóm giềng bao giờ. Các bác sao, tôi vậy, cơ mà phải…đoàn kết.
- Ý ông nói đoàn kết với nhau phải không? Vậy chúng tôi đang bàn cái gì với ông đây?
Ông Sò dứt lời, thì lão Nghêu, vốn thâm thúy, nói:
- Là ý ông Vẹm nhà ta là nói về cái sự đoàn kết với nhà Tào ấy, đúng không ông Vẹm?
- Thì nó vầy…Một điều nhịn, chín điều lành – Ông Vẹm lại vuốt râu – Ta phải bàn bạc có tình có lí với anh Tào trước đã, bởi nói như thế chứ lâu nay anh ấy đã làm gì đâu.
Ông Sò đứng hẳn dậy:
- Sao lại chưa làm gì? Vườn nhà nào hắn cũng thò cuốc vào cuốc xới, mang rựa sang phạt cây cối, lại dắt chó sang cho ỉa bậy khắp nơi…Còn như nhà ông - Ông Sò ngó liếc sang ông Vẹm – có phải đã mấy lần hắn chặn tay thằng út Nông không cho câu ếch tại ao Tai trâu không nào? Nhớ coi, ông bạn láng giềng quý hóa của ông phá phách cái ao Tai trâu bao nhiêu vụ rồi, mới đây nhất, hắn dám cả gan lội ao cắt lưới nhà ông, lại định đánh thằng Vạc, đúng không ông Vẹm?
Té ra hàng xóm thông tỏ cả, thế là mỗi người một câu:
- Đánh người, cắt lưới rồi, sao mới chỉ định bụng!
- Hắn đánh thằng út, thằng Vạc ra can, hắn dọa, chứ chưa đánh. Mà kiểu ấy rồi hắn lại sinh sự tiếp cho coi, chứ nể gì!
Bố Vẹm rất phân vân: là láng giềng, lại thông gia, song lại là kẻ lấn chiếm…cái lão Tào thật rắc rối. Sao trời lại sắp xếp thế này? Ta phải chung xóm làng gần gũi với một anh bao đời quen nghề lấn hiếp láng giềng, khi tỏ ra rõ hay ho, khi lại dở òm mắm thối. Tóm lại tâm địa anh này suy đến cùng là chẳng hay hớm gì. Càng ngày mọi chuyện đã như trên bàn cờ rồi, nó nhấc pháo lên rồi, lùa tốt đen sang rồi…thế mà ta cứ một láng giềng, hai bà con, thì ta chỉ thiệt. Mấy đứa con mình nó đúng hoàn toàn; nhưng lẽ nào lại để chúng nó ra tay? Phải bình tĩnh, phải sáng suốt…
Ba nhà kia hỏi lại nhà bố Vẹm, xem thái độ ra sao. Bố Vẹm vốn khéo léo, lại có ít nhiều chữ nghĩa, bảo trước hết nên các bên bàn bạc, bàn chung, bàn riêng từng nhà với Tào. Họ cho phải, bèn họp nhau, mời Tào tham gia. Hôm đó họ gặp nhau tại nhà ông Sò, có nước chè, lại có cả rượu ngon. Sau phát biểủ của ba ông bạn láng giềng, Tào đứng dậy xoa tay, thưa chào lịch sự, nói:
- Tôi thấy tình làng nghĩa xóm cái thôn Đông này chưa đâu bằng mấy gia đình chúng ta ở đây. Thật là tối lửa tắt đèn lúc nào chúng ta cũng có bên nhau. Tôi vẫn xem được ở gần các vị là hồng phúc trời ban, vậy tôi có mong gì hơn, như các vị nói, là ta phải nhất trí một lòng, nên đoàn kết, chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, không nên tranh giành nhau…
Tào nói dài dòng toàn lời lẽ bè bạn ngọt như mía lùi. Mọi người cũng nói: “Nên chung sống hòa bình, chung sống hòa bình” (Ấy, ngày nay thiên hạ sính dùng chữ nghĩa lắm, ngồi đâu cũng cứ tuôn ra toàn “giọng Hội đàm, Hội nghị” cả, chứ đâu có chịu lời quê một cục). Trao đổi xong, uống rượu, nắm chặt tay nhau, lại sai mấy đứa cháu gái đang ngồi buồn mơ chân dài ra hát mấy bài…
Thế nhưng cái máu tham ba mươi đời truyền lại khiến thỉnh thoảng, Tào lại đứng trước miếu Khổng Tử, nói như nói cho gió nghe:
- Mấy nhà xung quanh phải trả đất ông cha ta lại cho ta, cả cái ao Tai trâu nữa đó bố Vẹm ơi! Ta nhắc lại, là xưa kia vườn nhà ta rộng vô cùng, thế mà các vị lấn chiếm dần dần…Ta là ta không để yên đâu. Đợi đấy!
Nghe thế, bốn bên hàng xóm lại tròn mắt lên, lại bàn bạc, lại ý kiến. Lão Nghêu nói:
- Nhà Tào không tin được. Tôi đề nghị như sau: Kể từ nay, nếu Ngô Tào gây sự lôi thôi thì ta cùng kí đơn kiện lên xã, nhờ xã giải quyết, thèm vào nói gì với hắn nữa, các ông có nhất trí không?
Mọi người cho là cao kiến, không biết rồi sẽ ra sao, có làm đơn từ chi không? Thì hãy đợi đấy. Có thế nào, thì như trong sách Tam quốc ấy, là “Xem hồi sau sẽ rõ”.
H.T.S