Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

ATK Ba Lòng - ân tình còn mãi

Ba Lòng là xã miền núi có địa hình bình nguyên bằng phẳng, bốn bề núi non che chắn. Ngày xưa nhờ vào địa thế hẻo lánh của mình mà nơi đây trở thành chiến khu kháng chiến cho cả vùng Bình Trị Thiên. Nguyên do khiến tôi nhớ tới Ba Lòng là vì mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận xã Ba Lòng là xã An toàn khu (ATK) của Trung ương đặt tại Quảng Trị trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đấy là chuyện mừng, bởi nó gieo vào lòng người nơi chiến khu xưa niềm tin trìu mến, rằng họ đã không bị lãng quên.

Trong chiến tranh, cái tên Ba Lòng rất gần gụi với đồng bào chiến sĩ của quân khu Trị Thiên. Muốn đóng quân, tìm lên Ba Lòng. Cần chỗ nuôi dưỡng thương binh, đưa lên Ba Lòng. Muốn chuyển quân về xuôi, đã có con đò Ba Lòng. Cần chỗ sản xuất lương thực và vũ khí, đã có Ba Lòng... Người dân Ba Lòng trung thành với cách mạng, phục vụ tốt cho công cuộc kháng chiến cả chống Pháp lẫn chống Mỹ. Những cán bộ Việt Minh bám trụ địa bàn, tránh sự truy lùng, để bảo toàn lực lượng đã tìm lên Ba Lòng này để được người dân ở đây cưu mang, đùm bọc. Người dân bớt ăn no mà gieo trỉa xuống bãi bồi Ba Lòng từng hạt bắp, hạt đậu, củ sắn, củ khoai. Để rồi có mùa, có hạt phục vụ cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc.

Thung lũng Ba Lòng - Ảnh: T.C

Thung lũng Ba Lòng - Ảnh: T.C

Trong bài bút ký về Ba Lòng đăng trên tạp chí Cửa Việt, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh kể lại những ngày làm kháng chiến ở chiến khu: “Giao thừa năm ấy, chúng tôi đón xuân ở tả ngạn sông Ba Lòng. Một cà mèn bắp hầm với đậu xanh. Cá sông Ba Lòng. Ngày ngày, chúng tôi tránh con mắt cú vọ của máy bay Hen-cát bằng cách lội ngược suối vào lán rừng tập kịch. Tắt mặt trời, quay ra bờ sông. Ăn bắp hầm và gối vào gió sông Ba Lòng mà ngủ. Lòng dân thơm thảo, từ bi nhưng lòng dạ ngất trời… Cả vùng núi dựng và sông sâu là đất anh hùng. Cả cây mít, cây tiêu bên Cùa, cả vạt rau, vườn quả bên Đá Nổi là đất anh hùng. Tôi đến có một mùa, ở một mùa rồi biền biệt đi xa. Tôi cũng thơm lây phẩm chất vinh quang này. Bởi sự hình thành nên một lớp thế hệ chúng tôi có vị hương và dinh dưỡng mùa bắp ở Ba Lòng”.

Cái quá khứ hết lòng hy sinh vì cách mạng của chiến khu vẫn sống trong tâm trí của nhiều người. Nhắc lại những ngày tháng ấy là để muốn nói rằng, Ba Lòng đã có một thời thật sự xứng đáng là chiến khu cách mạng, một miền rừng sâu nặng ân tình với cách mạng.

Ba Lòng có một thời như thế. Còn Ba Lòng bây giờ thì sao?

Quê hương giải phóng đã gần năm mươi năm rồi, những thanh niên từng “chở người cán bộ lên vùng chiến khu” giờ đã thành những ông già bà lão, những đứa trẻ kịp lớn lên làm bố làm mẹ của cả đàn con đông đúc, và rất nhiều đứa trẻ đã được sinh ra ở Ba Lòng. Ba Lòng hôm nay cuộc sống yên bình giữa thung lũng. Người Kinh, người Vân Kiều, người Pa Kô đã lập thôn, lập bản đến mấy trăm nóc nhà mọc lên giữa rừng xanh ngút ngàn.

Người ta nói, thiên nhiên đã ưu đãi Ba Lòng khi là xã miền núi nhưng có đất phù sa màu mỡ, cây đậu cây bắp cây lạc trồng xuống là liên tục bội thu. Tuy nhiên, cái địa thế lòng chảo lại được vây bọc xung quanh bởi các vòng cung núi gần như khép kín, đồng nghĩa là rốn lũ. Mùa mưa, nước từ các triền núi dội xuống, nước từ sông dâng lên, Ba Lòng như một hòn đảo, đi một bước cũng đò ngang cách trở. Ngày xưa, đường vào Ba Lòng duy nhất chỉ đi bằng đò trên sông. Bởi vậy, mặc dù cả Pháp lẫn Mỹ biết rõ nơi đây là chiến khu kháng chiến nhưng đành bất lực. Khi quê hương đã được giải phóng, tuyến đường huyết mạch từ quốc lộ 9 vào tới xã băng qua sông được mở dân có thể qua lại nhờ con đường này nhưng khi mưa lũ về cả vùng Ba Lòng bị cô lập hoàn toàn.

Bất lợi về địa lý nên cho tới tận hôm nay, đã gần 50 năm giải phóng, mặc dù các ban ngành trung ương và địa phương cũng đã quan tâm hỗ trợ san sẻ rất nhiều, xã cũng cố gắng nỗ lực rất nhiều và đã có những thành quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, có một sự thật là Ba Lòng vẫn phải chịu nhiều thua thiệt trong phát triển kinh tế - xã hội. Cách trở đò giang vậy, đi một bước, gặp một bước khó khăn, có muốn vươn dậy không phải dễ dàng.

Kể ra những câu chuyện này để hiểu thêm những gian nan thiệt thòi của vùng đất này. Và vì thế, nếu có sự đầu tư san sẻ, thì với người dân nơi đây, điều đó cũng xứng đáng. Quyết định công nhận Ba Lòng là xã An toàn khu cũng là một sự đầu tư, quan tâm của Đảng, Nhà nước để tri ân đồng bào các dân tộc trong xã chiến khu xưa đã có công nuôi dưỡng, đùm bọc cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi mừng cho Ba Lòng, bởi tờ quyết định này sẽ giải quyết những vấn đề khó khăn đang hiện diện, đặc biệt là tác động tới đời sống của 935 hộ với hơn ba ngàn rưỡi dân cư ở Ba Lòng.

Xã Ba Lòng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đối với xã ATK cách mạng như: Được hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, các thiết chế văn hóa xã ATK cách mạng; được hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân; được quan tâm bố trí nguồn lực để xây dựng các công trình, dự án tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa nhằm phát triển kinh tế - xã hội, du lịch nhất là du lịch về cội nguồn; được hỗ trợ các nguồn lực để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, hỗ trợ để sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới...

Thêm một tin vui, Bí thư Đảng ủy xã Ba Lòng Lê Quang Hiền vừa cung cấp, là huyện đã chuyển thêm kinh phí xây dựng nông thôn mới cho xã, khu tưởng niệm Di tích lịch sử quốc gia chiến khu Ba Lòng xuống cấp sắp tới sẽ được đầu tư tôn tạo, trạm y tế xã vừa xây xong khang trang chuẩn bị đưa vào hoạt động, đoàn cán bộ huyện đã về xã lo công trình cấp nước sạch ở các bản Vân Kiều, phòng nông nghiệp huyện vừa chuyển về trợ cấp cho xã giống ngô sinh khối, giống lạc mới cho năng suất cao... Thật là những dòng tin vui, đầy hy vọng.

Một xã như Ba Lòng hy sinh nhiều cho cách mạng xứng đáng được hưởng sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt. Bí thư Lê Quang Hiền tâm sự: Những đóng góp thiết thực, chân thành từ bên ngoài đều được người dân chiến khu xưa cám ơn và ghi lòng tạc dạ. Chúng tôi đều nhắc nhở, dặn dò nhau. Một là tranh thủ mọi sự ủng hộ cho xã mình. Hai là cần đoàn kết phát huy nội lực Ba Lòng để làm hành trang đi tới. Dẫu biết hành trình đi tới không dễ dàng. Nhưng chúng tôi có niềm tin, dần dà chắc xã sẽ giải quyết hết khó khăn, bởi luôn có những ân tình dành cho ATK Ba Lòng. 

 

THÙY CHI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 343

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

10 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground