D |
òng sông Thạch Hãn xuyên qua dọc dài đất Quảng Trị, trước khi hòa mình vào biển Đông qua ngã Cửa Việt dường như đã chiu chắt chút phù sa hiếm hoi của những con sông mảnh và hẹp miền Trung để gửi lại một bãi bồi ngay chốn cửa sông mà dân vẫn gọi là “cù lao” Bắc Phước. Một cái cù lao biệt lập, vây quanh bốn bề sông biển, là cái nôi của cách mạng buổi cơ hàn, vậy mà bao nhiêu năm, hàng ngàn đời dân khắc khoải chỉ trông mong được đi…bộ ra tới trung tâm xã, những đứa trẻ chỉ mong mùa lũ không phải nghỉ học, những ngày mùa hè không phải đi khắp xứ xin nước ngọt. Mấy trăm năm, cái bãi bồi dâu bể ấy nay đã rộng hơn năm trăm hecta với gần ngàn rưỡi cư dân sinh sống. Dài theo những giọt phù sa mặn mòi nơi cửa bể này còn là máu, mồ hôi của những đời người trải dọc hành trình mở đất.
Vốn là vùng đất cù lao biệt lập, từ hơn nửa thế kỷ trước, sau hiệp định Giơnevơ, những cán bộ Việt Minh bám trụ địa bàn , tránh sự truy lùng, khui hầm bí mật, để bảo toàn lực lượng đã tìm ra cù lao Bắc Phước này để được những cư dân nơi đây cưu mang, đùm bọc. Những chiếc thuyền vạn chài ngày ngày đánh cá đi đánh cá trên sông Hiếu, sông Thạch Hãn cũng là những thông tin viên, liên lạc viên cơ sở của cách mạng. Với lợi thế của vùng cửa sông, lại là đất cù lao biệt lập, những năm 1954-1959, Bắc Phước là căn cứ của thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị những ngư dân ở Bắc Phước đã được tập hợp để hình thành nên đội thuyền giao liên sông-biển, có nhiệm vụ chuyên chở cán bộ từ vùng Cửa Tùng (vĩ tuyến 17) thâm nhập, vượt tuyến vào đứng chân tại cù lao này rồi tỏa ra đi móc nối, gầy dựng cơ sở ở vùng giáp ranh. Nhiều người trong số họ đã bị địch bắt, tra tấn, nhiều thuyền bè - tài sản cơ ngơi của họ đã cống hiến cho cách mạng mà không một đòi hỏi gì. Đội thuyền vận tải sông biển này tồn tại đến năm 1965 thì giải tán. Nhân một lần Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt, mới hay cho đến giờ, công lao họ được ghi nhận chỉ là chiếc “Kỷ niệm chương - Vì sự nghiệp thông tin truyền thông” được Bộ Thông tin truyền thông trao tặng, để họ có chút ký ức về những ngày không tiếc tính mạng của mình để đảm bảo liên lạc cho phong trào cách mạng. Mới hay lòng dân cù lao bao giờ cũng vô tận, như những con sóng cửa sông này…
Trưa, nắng dội xuống mặt nước lấp lóa nắng nhưng không thấy nóng bởi gió vùng cửa sông cứ lồng lộng hào phóng ù ù xuyên qua căn chòi nhỏ trên bãi bồi đang phủ xanh bởi cây bần chua. Anh Trương Hoài Lạc, một cư dân của cù lao đang trông coi đầm nuôi thả thủy sản tự nhiên nơi cửa sông này bảo tôi: Chú biết bơi không? Đi với tôi ra đổ lừ kiếm ít tôm cua lai rai chút rồi nói chuyện. Thì đi. Tôi theo anh Lạc lên thuyền ra giữa đầm, những cây bần chỉ mới hơn hai năm tuổi đã cao quá đầu người nhu nhú những bông bần màu đỏ, thơm ngòn ngọt. Thuyền ra tận ngoài bãi, từ đây nhìn ra phía biển sẽ thấy cầu Cửa Việt như trong tầm tay. Chỉ vài cái lừ được kéo lên, đã lúc nhúc cua, những con cua được nuôi thả tự nhiên bao giờ cũng ngon gấp bội lần cua nuôi theo kiểu công nghiệp. Không đợi đến khi những con cua bày ra mâm trên căn chòi lộng gió biển tôi mới hình dung được cuộc đổi đời của những người dân vùng cù lao Bắc Phước này.
Nhiều năm làm báo, không nhớ hết bao nhiêu lần tôi đã về với vùng này, những buổi ngồi đợi đò mòn mỏi bên bến An Cư để qua cho được vùng Bắc Phước. Những con thuyền bé nhỏ dập dềnh chật cứng trẻ con qua sông đi học, gió mùa đông bắc và sóng cửa sông cuộn lên như muốn lật úp con thuyền nhỏ. Và ám ảnh của vùng quê bốn bề vây quanh là nước mà quanh năm chịu cảnh khát vì vục xuống đất chỉ có một thứ nước lờ lợ, không cách nào uống được. Năm 1995, tôi được đi cùng tổ chức Oxpham Hồng Kông về đây để trao quà cho những người dân Bắc Phước. “Quà” là những bể nước có dung tích 4m3. Mỗi nhà được xây mỗi bể như thế, dùng để chứa nước mưa, 4m3 khối nước mưa ấy là gia tài quý nhất của mỗi gia đình nơi đây. Và đã gần hai mươi năm nay, bể nước đó vẫn là gia tài của cư dân vùng Bắc Phước, phải vài tháng nữa, bể nước ấy mới làm xong nhiệm vụ của mình, bởi sắp có nguồn nước ngọt vượt sông về với dân của ba thôn Hà La, Duy Phiên, Dương Xuân trên cù lao Bắc Phước này. Nhưng tất cả những gian nan ấy, thật ra kẹt ở một chỗ: cây cầu nối cù lao với đất liền. Có cây cầu, mọi chuyện sẽ được giải quyết hết.
Hai năm trước, ngày khánh thành cây cầu không chỉ những cư dân trên cù lao và bà con trong xã về dự mà cả hàng trăm con dân Bắc Phước đang sống ly tán khắp nơi trên đất nước cùng về để mừng vui. Mấy đại lý bia trong vùng bảo chưa bao giờ bán được một lượng bia khủng khiếp như vậy. Không vui sao được khi một cù lao chơ vơ giữa sông từ thuở khai thiên lập địa mới thấy được chiếc ô tô êm ái qua cầu và về đỗ xịch giữa làng, chuyện “chưa từng có trong lịch sử” . Để được đi qua cây cầu dài ba trăm bảy mươi mét ấy, người dân nơi đây đã chờ ba mươi bảy năm từ ngày hòa bình và đúng ra phải chờ hơn hai thế kỷ, kể từ khi cù lao này có người đến lập nghiệp. Hôm chúng tôi trở lại bến đò xưa, anh Nguyễn Văn Quý ở thôn Hà La, nhà ngay bến đò nói: “ Từ khi có cây cầu là dân trong vùng yên tâm hẳn”. Tôi thích cái từ “yên tâm” hơn là cái từ dân “giàu lên” mặc dù theo thống kê, sau khi cây cầu hoàn thành, thu nhập bình quân đầu người trên vùng cù lao này đã tăng gấp đôi.
Thiên nhiên tạo ra Bắc Phước có vị thế biệt lập ngay cửa sông, cách trở đò giang, quanh năm nước bị nhiễm mặn, nhưng bù lại hàng loại ao hồ đầm phá lớn nhỏ vây quanh cù lao là môi trường lý tưởng để nuôi trồng thủy sản cho chất lượng cao. Hiềm một nỗi, tuy chất lượng cao vậy nhưng để mang được con tôm con cua lên tận chợ Đông Hà để bán không dễ chút nào. Chạy thuyền hơn mười cây số đường sông, tiền bán thủy sản không bù đủ tiền xăng nhớt, muốn qua đò lại phải chờ, mà qua sông rồi cũng phải thuê xe ôm, thêm một lần chi phí nữa, nay chỉ cần một phút là cưỡi xe máy vèo qua sông, đi thêm mươi phút nữa là cá tôm lên tận chợ tỉnh. Hàng tươi ngon, chỉ nhìn mặt chủ hàng “dân Bắc Phước” là biết chất lượng hàng.
Nhưng đâu chỉ chuyện con tôm con cá, dân Bắc Phước vốn giỏi bán buôn, nhiều doanh nhân có máu mặt ở khu thương mại Lao Bảo vốn là dân vùng này, vì ngán cái cảnh “qua sông lụy đò” mà bung ra, bỏ xứ để tìm lên vùng đất xưa nổi tiếng “rừng thiêng nước độc” làm ăn, dần dà đưa con em quê hương lên theo. Nay có cây cầu, chỉ mấy tháng sau khi khánh thành cầu, dân Bắc Phước sắm thêm 3 chiếc xe đò chạy tuyến Bắc Phước - Lao Bảo.
Trong căn nhà vừa xây xong gần ba trăm triệu, chị Nga vợ anh Quý bảo: “Không có cây cầu thì không cách chi tui xây được nhà, một cân xi măng, một cây sắt khi chưa có cầu, về tới cù lao này đã đội lên vài giá, nhưng xây nhà mừng một thì con cái có cây cầu đi học tui mừng mười. Trước, cứ sáng sáng con lên đò qua sông sang bên trung tâm xã học là ở nhà cứ lo ngay ngáy, mùa gió bấc, sóng to thì ruột gan cứ như lửa đốt, nước lũ to một chút thì con cái nghỉ học ở nhà, chừ thì chỉ mất mấy phút đạp xe.” Bây giờ tôi hiểu cái câu “có cây cầu thấy an tâm” của anh Quý. “Giàu” cũng không thể mừng bằng chuyện “an tâm”.
Đứng trên cầu Bắc Phước, nhìn xuống triền sông, nổi bật màu ngói son tươi của ngôi đình làng Hà La vừa dựng. Ông Nguyễn Hữu Bồng, thủ từ đình làng đang trông coi việc dựng rạp chuẩn bị cho lễ khánh thành đình làng vào dịp tháng bảy âm lịch này. Từ những cuộc đời gắn bó với vạn đò, sông nước lênh đênh giữa cù lao cô lập, ngôi đình làng mọc lên cũng là một câu chuyện đáng để vui của vùng đất này. Trước mặt đình làng, con đê bao vừa hoàn thành vây quanh chu vi dài hơn mười cây số của cù lao Bắc Phước. Không còn lo cù lao bị sóng cửa sông xói lở, công trình đê bao cho cù lao này có kinh phí lên tới ba mươi tỷ đồng. Có đê rồi nhưng cũng phải bảo vệ đê và vùng cửa sông hay bị xói lở phía bên ngoài nên từ hai năm nay cây bần chua bắt đầu được trồng làm rừng chắn sóng. Những cây bần vừa bén rễ thì cũng từ dưới lớp phù sa mặn chát nơi cửa sông này, rễ bần ngoi lên chi chít quanh gốc bần giữ cho phù sa vững vàng bám lại với cù lao .
Cả mấy chục hecta mặt nước của rừng bần giờ mang dáng dấp của một khu sinh thái thay cho vùng cửa sông đầy sình lầy nham nhở lở lói. Từ khi rừng bần chắn sóng mọc lên, tôm cua -nguồn thủy sản tự nhiên ở vùng cửa sông tìm thấy nơi trú ngụ an toàn nên xã Triệu Phước đã cho đấu thầu khu đầm này và kết quả là ba nông dân của Bắc Phước đã trúng với giá ba trăm triệu đồng thuê trong ba năm. Cùng với anh Lạc, hai anh Trần Văn Giáp và Trương Ngọc Trai đã đổi đời từ khi trúng thầu khu vực này. Chỉ giữ cho rừng bần xanh tươi tự khắc tôm cua cứ thế gọi nhau về, không cần phải tốn kém thức ăn hay thuốc men phòng bệnh.
Vậy là mơ ước cây cầu đã có, con đê bao giữ làng đã hoàn thành, dòng nước ngọt từ bên kia sông cũng đã được chạy chìm dưới đáy sông qua các ống xi-phông ngầm rồi ngoi lên ở cù lao ngay vị trí bến đò cũ, từ đây nước ngọt sẽ theo hệ thống kênh mương vừa được bê tông hóa lan tỏa ra trên đồng đất rộng hàng trăm hecta vốn bao đời chỉ làm được một vụ lúa đông xuân nhờ vào nguồn “nước trời” nay sẽ chuyển đổi thành hai vụ. Và bể nước của Oxpham tài trợ cũng sắp hoàn thành sứ mệnh của mình bởi nguồn nước sinh hoạt cho dân trên cù lao cũng chuẩn bị theo đường ống bám theo nhịp cây cầu để qua sông, lan tỏa về từng hộ dân.
Nhấp cạn ly rượu đế trên căn chòi nhỏ, khoát tay ra mênh mông rừng bần, cả mấy anh em đang trông coi tôm cua và giữ “bức tường xanh” này hào hứng: Chú phải ở lại đây tới tối để coi chim nó về, cơ man là chim, mai kia đây sẽ thành khu du lịch sinh thái, ngồi đây cũng như vô Cà Mau, cũng rừng bần rừng đước, tôm cua ngay dưới chân mình, ngó ra là thấy biển, chú coi kìa, có phải loại cá này chỉ có ở Cà Mau không? Nhìn theo tay các anh chỉ, ô kìa, thật ngạc nhiên cả một bầy cá thòi lòi be bé đang chạy đuổi nhau quanh gốc bần, cái loài cá ngỡ chỉ có nơi cuối trời nước Việt, hóa ra cũng theo về với cái cù lao nơi cuối dòng Thạch Hãn.
Mà cũng lạ, đất nước có cả ngàn con sông, sao chỉ nơi gặp bể của dòng sông nho nhỏ này lại mang tên Cửa Việt - cửa biển của nước Việt?
L.Đ.D