Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bàn tay mẹ

Có lẽ cả hai. Vì mỗi lần theo mẹ về giỗ bên ngoại tôi thấy mệ ngoại cũng rất giỏi giang. Nhưng đó là “mẹ sau” của mẹ tôi. Mẹ ruột mất sớm, may mắn là vợ kế của ông ngoại (mẹ thứ của mẹ tôi) rất mực phúc hậu và chu toàn lo lắng cho các con như nhau. Ngày nhỏ, tôi có cảm giác như mệ còn thương mẹ tôi hơn cả dì Quýt - con đẻ của mệ. Chắc mệ nghĩ, mẹ tôi mất mẹ sớm nên mệ dành cho mẹ tôi nhiều yêu thương hơn. Và ngược lại, mẹ tôi cũng rất thương mệ bởi một tay “mẹ thứ” nuôi các em nên người.

Người giữ lửa, Acrylic on canvas. Tranh của Trần Huỳnh Công Huy

Người giữ lửa, Acrylic on canvas. Tranh của Trần Huỳnh Công Huy

Người xưa là thế! Họ luôn nghĩ về người khác, vì người khác. Sự thua thiệt của mình, nếu có, không bao giờ đáng kể để đem ra so đo, để trách móc hay cạnh khóe mà kèo nài để vắng đi sự quan tâm vì người khác. Đó là một thế hệ mà tôi lớn lên thừa hưởng được từ họ (mẹ tôi và mệ - bà tôi).

Trong mâm cơm giỗ, mỗi lần chúng tôi theo mẹ về bên ngoại, nhiều món được đơm dọn lên mâm tươm tất. Chúng được làm ra với tất cả sự cần mẫn, khéo tay của lòng người còn sống, thành kính tưởng nhớ người mất. Tôi tự hỏi, nếu không có ngày giỗ, ngày tết, thì với bữa ăn hàng ngày đạm bạc, con người ta cần gì khéo tay và giỏi giang nấu nướng đơm dọn làm gì? Từ lòng thành kính, vì niềm biết ơn mà người con muốn bày tỏ với người mất, nên họ gói trọn tâm và trí vào bàn tay mình qua mâm cỗ ngày tết, ngày giỗ.

Mẹ tôi học được các món bánh, món ăn từ những dịp đó, nên về làm dâu, mẹ đã rành rẽ. Tôi cũng được dịp ngày giỗ, mà gặp các cụ, các bà, các cô, dì bên ngoại học cách thưa chào lúc gặp mặt. Quen mặt là để quen việc xưng hô với các ông bà cô cậu... Ở quê, gặp nhau mà xưng hô không đúng vai vế khi cúi đầu chào hỏi, là vô lễ, là làm mất lòng bà con. Kiêng nhất là việc làm “mất lòng bà con”. Thế nên theo chân bố mẹ về quê ai bảo là thừa. Bởi đó là dịp để học bài học về cuộc sống, trước hết là bài học về ứng xử, xưng hô với người bà con trước, rồi làng xóm, rồi rộng ra... Là con trẻ, tôi học được ở nơi những dịp theo chân mẹ về quê ngoại ngày giỗ tết là vô vàn điều lẽ phải của tập tục quê hương. Bên ngoại thường làm giỗ vào buổi chiều về tối. Quê nội tôi thì làm giỗ vào buổi sáng về trưa. Chính có những quan niệm khác nhau về thời khắc cõi âm của tổ tiên về dự mà mỗi làng quê chọn giờ làm giỗ khác nhau. Con đường về quê ngoại, bây giờ ngoảnh nhìn lại, có xa đâu, nhưng sao ngày ấy tíu tít bên chân mẹ, cứ như đi mãi không đến... Đường quê rất ngoằn ngoèo, bởi nhẽ phải đi bộ, và đi băng giữa ruộng mới ngắn đường hơn. Ngập tràn không gian ấy là ruộng, là một màu xanh với mương nước trời trong... Hình ảnh người mẹ tay bế tay mang, đưa con đi giữa ruộng mương băng băng qua đồng làng về quê ngoại làm giỗ từ ấu thơ in đậm vào hồn tôi. Quê hương đó, đẹp và thiêng liêng là vậy.

Mẹ kể, bà nội tôi rất thương mẹ. Về làm dâu, mẹ tôi được mẹ chồng thương quý, chắc do mẹ giỏi giang và “ăn ở” biết giữ đạo làm dâu. Tôi một đời lớn lên giữa quê, chưa nghe ai chê mẹ tôi bao giờ. Ganh ghét, chắc sẽ có, nhưng chê trách vì ăn ở, vì vụng về thì chưa. Cho hôm nay, mỗi dịp Tết về, tôi vẫn thích chiếc bánh thuẫn, không thể thiếu đĩa dưa món, lát mứt gừng quê bên tách trà… và nhiều thứ là bởi, từ tấm bé được chứng kiến mẹ làm. Vai trò người vợ, người phụ nữ trong ngôi nhà Việt thật quan trọng. Mẹ tôi làm được tất cả các loại bánh ở quê cần có trong ngày Tết, nấu được các món ăn ngày Tết.

Mùa đông về, qua 3 tháng, để đến Tết, kéo theo nó là rét và đói. Mùa giáp hạt, giữa Đông - Xuân quá xa nhau, nên đa phần dân quê bị thiếu ăn kéo dài qua cả Tết. Mẹ tôi ngoài việc tính toán trồng thêm các loại cây hoa màu có thể ăn thêm khi thiếu gạo, như củ sắn, khoai môn, lo chuẩn bị mùa cấy, lúc xuống đồng sao cho việc ruộng và vườn phải xong để lo Tết. Giữa bận rộn đó, mẹ tôi phải tính toán sao Tết phải có gì để cúng tổ tiên, ăn trong nhà, dọn khách. Nhất là thương nhà đông con, ngày Tết có cái ăn để hơn ngày thường. Con trẻ líu ríu chờ Tết về để có bộ áo mới… Tết với mẹ là một chuỗi tất cả các công đoạn phải thực hiện bên cạnh mùa màng và miếng ăn mùa giáp hạt. 

Phía trên hầm nhà tôi, nơi không thể trồng cây ăn gì, mẹ tôi trồng loại cây gai. Quanh năm nhìn nó lớn lên xanh tốt như vô bổ. Nhưng dịp gần Tết, bao người đến nhà tôi xin lá gai về làm bánh. Người phụ nữ chu toàn mọi mặt của làng quê Việt là những người mẹ như mẹ tôi.  Bà phải tính cả việc trồng loại cây ấy trong vườn, để khi cần không đi xin ai. Thế là sau góc vườn nhỏ có đủ các vật liệu cần dùng cho việc ngày Tết.

Tôi nhớ mẹ tôi dặn ba tôi khi bước vào tháng 11. Đó là dặn về lá chuối. Mẹ tôi bảo ba tôi không được chặt một số cây chuối để lấy lá gói bánh. Phải tính mùa để lấy lá cho Tết, khỏi phải đi mua lá chuối. Lá lớn, dài, nguyên lá dùng cho việc gói bánh chưng, bánh đòn. Lá nhỏ dùng cho việc gói bánh lọc.

Không tính được thế, ngày Tết đến, bận việc đồng áng, lại khó khăn lúc giáp hạt, lấy lá đâu gói bánh. Oái ăm, mùa này thường có mưa bão và gió lớn. Những lúc như vậy, mẹ đứng thẫn thờ thở ra... nhìn vườn chuối: “Thế là cuối năm không biết có chọn được lá gói bánh không?”.

Hay lam hay làm. Hình ảnh mẹ quê là ở đó. Mẹ sống gần như không có thời gian cho việc ngồi không dù là ít giây thẫn thờ, than trời... Tâm trí để hết vào con và việc vườn ruộng. Để tâm tính toán cho từng loại cây lấy hạt theo mùa... Để tâm vào việc nhà việc làng việc bà con ngày giỗ ngày cưới xin... Bày tay ấy mẹ khéo chèo chống để cho con lớn khôn thành người.

2. Năm nay, thiếu vắng hình ảnh mẹ đội nón phơi lá trước sân chánh điện Am Thụy Ứng. Mẹ giờ như chiếc lá dần khô đi, cả thân và tâm của mẹ đều mệt mỏi sau những tháng năm dài chăm lo cho ba, nuôi dạy chúng tôi khôn lớn. Mẹ chỉ còn vẹn nguyên những thương lo. Vẫn là Am trang nghiêm và thân thuộc. Nhưng thiếu đi nhiều bước chân mẹ vào ra lo toan. Trong căn phòng nhỏ, dáng mẹ hao gầy đến quặn thắt tâm can.

Tôi trở vào trong phòng nơi mẹ đang ngồi, một tay mẹ vừa giữ nơi ngực như để giữ cho trái tim đập từng nhịp được bình an. Tôi lấy ra một cuốn sách nhỏ bảo rằng con đọc mạ nghe. Mẹ tôi yên lặng, xem chừng hơi thở của mẹ đều đều và lắng lại. 

“Nhiều đứa con của Mẹ khi đi ngang qua khổ đau đã quyết chắc rằng những gì gây khổ đau là ác và những gì đem lại an vui là thiện, mà không biết rằng khổ đau và hạnh phúc tùy thuộc vào cái nhìn của mình rất nhiều. Chúng con thấy sự vật như thế là vì các giác quan của chúng con như thế, nếu các giác quan của chúng con được cấu thành một cách khác hơn thì chắc chắn chúng con sẽ thấy sự vật khác hơn. Vì vậy các con biết rằng hạnh phúc và khổ đau cũng như Tịnh độ hay Ta bà tùy thuộc rất nhiều nơi cách thức chúng con quán chiếu về sự vật.

(Trích: Tâm tình với đất mẹ).

Tôi có lần, vì bận bịu, lẽ ra về nhà nhưng lại phải đi ngay. Vì chủ quan nên không về được mà cũng không điện thoại cho mẹ. Mẹ nghe nói hôm đó tôi về là chuẩn bị rồi mong ngóng. Thế rồi không thấy, mẹ lo lắng gọi khắp để hỏi. Mẹ không dám điện ngay cho tôi mà điện cho anh chị, cho mọi người… Mẹ nghĩ tôi bận và sợ tôi ốm hay gặp chuyện gì mà không muốn nói cho mẹ, mẹ cho rằng tôi hay sợ mẹ lo lắng nên sẽ không nói nhiều chuyện thật cho mẹ để an lòng.

Cũng có những lần, tôi lại được nghe kể khi mẹ mơ thấy tôi ốm, thấy tôi không vui. Chẳng khi nào mẹ nói với tôi những băn khoăn lo lắng của mẹ, nhưng bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn biết, và hiểu, và thương mẹ nhiều hơn! Đã quá nửa đời người, tôi vẫn được mẹ thương lo và vẫn thấy mình bộn bề là những vụng dại, thiếu sót.

3.“Bàn tay tập bài từ ái

Chia vui nếp sống tịnh thường”…

Mẹ tôi là người như thế đó!

T.T.H

 
Thích Tâm Hiệp
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 314 tháng 11/2020

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

16 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

17 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground