T |
ừ ngã ba Dã Độ đến ngã ba Hói Sòng, một vật gì trông là lạ bồng bềnh cứ trôi xuống trôi lên, hai bên bờ sông Thạch Hãn và Hiếu Giang, người ta đoán già đoán non, xôn xao bàn tán. Bao quanh vật lạ, hết những bầy quạ đen, đến những con chim khoang kêu cheo cheo đà hót. Trên những cây đề, cây sanh lùm cừa, sáng sáng chiều chiều, vọng đi vọng lại tiếng chim, nghe như “thôi rồi cơ cuộc, bắt ai bỏ sọt”. Các em chăn trâu chăn bò chạy lui chạy tới, chỉ vào vật lạ với thái độ rùng rợn âu lo. Người ta thấy có hai chàng trai vạm vỡ, cầm dao, chèo thuyền ra, đâm vào vật lạ mấy đâm, làm cho nó chìm đâu mất. Vài hôm sau vật lạ lại nổi lên, trôi theo chiều gió Nam, gió nồm, lúc thì theo triền sông Thạch Hãn thuộc địa phận các làng Vĩnh Quang, Mai Xá thuộc huyện Gio Linh, lúc lại trôi dạt vào bờ sông Hiếu, men theo các làng Đình Tổ, Đại Độ, Đông Lai của huyện Cam Lộ. Tiếng dữ đồn xa rồi lan truyền lên đến huyện đường, tỉnh đường. Lính ma tà mở cuộc điều tra.
Việc gì đến nó phải đến. Chiều hôm ấy, vật lạ trôi dạt vào cồn nổi ở ngã ba Hói Sòng giữa địa phận làng Đông Lai và làng Đình Tổ, rồi cứ nằm ỳ lại đó, không trôi đi đâu nữa. Chết mệ rồi, chuyến này án mạng to. Ngày mai ông Đốc Hy (Docteur Phan Văn Hy) dẫn đoàn tùy tùng ra khám nghiệm, biên bản được ghi tóm lược như sau: “Một người đàn ông cao to, tay bị trói, bỏ vào chiếc sọt đan bằng sợi dây mây bền và lạt tre dẻo, dưới sọt có buộc cái cối giã gạo bằng đá, mình mẩy nạn nhân tím bầm, xương cánh tay bị gãy chổ gần bả vai. Tung tích nạn nhân và nội vụ không rõ. Ngọn nước thủy triều theo chiều gió nồm đã đưa đẩy chiếc sọt nhốt nạn nhân trôi dạt vào cồn nổi ngã ba Hói Sòng thuộc địa phận bờ Nam sông Hiếu là đất làng Đông Lai, bờ Bắc là đất làng Đình Tổ, Hương lý hai làng có bổn phận chôn cất nạn nhân để giữ gìn môi sinh khỏi độc hại, chờ quan chức điều tra xét xử”. Ông Đốc Hy cất biên bản khám nghiệm vào cặp táp, rồi nói với đoàn tùy tùng một câu tiếng Tây “L’homme propose, le Dieu dispose”, ngụ ý là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Đốc Hy còn bảo rằng, trước khi chết, nạn nhân có uống ba ngụm nước làm cho ngũ tạng sình lên.
Lý hào các làng Đông Lai, Đại Độ, Đình Tổ bàn họp kín với nhau để bàn việc tìm điều khôn, tránh điều dại, nhiều cụ đồ thống nhất với nhau phải theo kế sách về nho học thì dùng thuyết “dĩ dân vi bổn”, tức lấy dân làm gốc, về Tây học thì theo thuyết “Hãy tự cứu mình, trời mới cứu cho”- Aide-toi, le ciel t’aidera - Cụ thể là phải bàn hơn tính thiệt cho bà con cô dì chú bác xóm dưới làng trên, trẻ già trai gái đều đồng lòng:
- Hỏi dân chúng thì trả lời không biết, không thấy, không nghe;
- Hỏi Lý hương thì nói vì mệt mỏi, ngủ quên không biết;
- Hỏi vì sao giết người thì nói vì đuổi bắt kẻ trộm theo lệnh quan, nhưng bị nó dùng côn đánh trả quá nguy ngập, nên phải tự vệ quá trớn, chống đỡ lỡ đà, trời tối lỡ tay;
- Hỏi vì sao lại đem đi dìm nước thì nói vì sợ thầy trò ăn trộm biết được sẽ đốt nhà trả thù và sợ ngồi tù.
Các cụ đồ Nho bảo cơ sự đã như thế này, chẳng dại gì lấy thúng úp voi, ai tinh ý đều biết những tên làng lân cận gây nên vụ việc này, vì xác chết nổi lên trôi quanh lui tới nội trong mấy làng này thôi, cãi gì được nữa! Không nên chờ trát quan đòi, ta phải chủ động cấp báo trước sẽ tốt hơn.
Thế rồi Lý trưởng cả ba làng Đại Độ, Đình Tổ, Đông Lai cùng nhau bới cơm lên huyện bạch rằng: Mấy năm nay trộm cướp như rươi, nhà giàu thì mất vàng, bạc, áo quần, nồi năm, nồi bảy, nhà khá giả thì mất heo bò, lúa gạo, nồi hai nồi ba, nhà nghèo thì mất cày bừa, niêu om, gà vịt. Khi kỵ giỗ, cúng lễ, tết nhất, thì mất cả thùng bánh tét, cả con heo luộc, cả nồi xôi hông. Dân cư kêu trời không thấu, cuộc sống quá cơ cực nên cả ba đời quan Lê Thước, quan Trần Mạnh Đàn, quan Hồng Dũ Châu trị vì ở huyện Cam Lộ trong suốt thập kỷ 1930 - 1940 này, hội đồng hương lý chúng tôi đã thư bẩm với các quan nhiều lần về nạn trộm cắp mà lính tráng thầy Đề, thầy Đội cũng chịu thua, không giải quyết được gì. Theo lệnh quan cắt đặt dân phu tuần tra canh gác, rình mò bắt kẻ trộm đem nộp quan lấy thưởng. Chẳng may hôm đó, bận việc họ việc làng, công việc đồng áng tối mắt, tối mũi, ngủ quên, dân đinh canh gác thấy kẻ trộm đuổi theo quyết bắt sống đem nộp quan, hai chàng trai vạm vỡ đã đuổi kịp chụp lấy được cổ nó, nhưng vì võ nghệ nó quá cao cường, nó vừa đánh vừa thối lui hàng chục người, rồi dư tay rút choang dắt sau lưng để đâm chết hai người đang choàng tay ôm chặt lấy nó. May có người nhanh trí, kịp nện một đùi làm gẫy cánh tay, nó mới chịu thua. Đáng lẽ đến đó thì báo cho Hương lý giải nó lên nộp cho huyện, đường, nhưng vì hận thù mất mát xưa nay, trai làng lỡ đánh chết rồi dại dột sợ đồ đệ nó trả thù và sợ ngồi tù, nên giấu hào mục hương thôn, rủ nhau đem đi dìm xuống nước vực Tai Mèo bên xóm Soi làng Lập Thạch là nơi sâu đến mấy sào nước để phi tang. Theo lệnh quan cho dân rình mò bắt kẻ trộm, tưởng lòng dân là ý trời (La voix du peuple est la voix de Dieu). Ngờ đâu cơ sự rủi ro trời xui đất khiến làm cho sự việc tự vệ quá trớn, tay đánh quá đà, làm người xấu số nên nông nỗi này”. Nghe đến đó, tên tri huyện thét lên “Được rồi, nếu dân làng bắt được những tên trộm nhà nòi trong tỉnh Quảng Trị, là Giang giỏi võ nhất tỉnh này, có tài nhảy cao vọt xa; mới thấy nó trên nóc nhà này, hóa ra nó đã qua trên nóc nhà khác như xuất quỷ nhập thần ấy, khó bắt được nó lắm”. Nghe vậy mấy ông Xạ như mở cờ trong bụng, đồng thanh bẩm quan: “Tên trộm bị dìm nước ấy, chính là tên Giang”. Quan huyện mừng tái mặt, bèn gọi các thầy Lục, thầy Đề, thầy Đội dặn dò bày vẽ cho dân làng làm đơn tấu trình thế này, thế này, rồi làm tờ bẩm vào Tỉnh thế này, thế này…” Kết quả vụ việc kết thúc bằng bản án cảnh cáo hội đồng Hương lý Làng Đại Độ về tội ngủ quên để dân đuổi bắt giết chết kẻ trộm nòi gây nên án mạng. Đối với những trai làng tuần canh đêm tối, đã lỡ tay giết chết tên trộm có tiếng giỏi võ nhất vùng nhưng lại đem dìm nó xuống nước định phi tang thì bị phạt tù mỗi người từ 3 đến 6 tháng…”
Án kêu rồi, bà con quanh vùng thở phào nhẹ nhõm, góp tiền, góp gạo chăm nuôi mấy anh em tù. Tiếng làng đồn xa, tiếng dữ đồn xa, từ đó kẻ trộm hết hồn, không còn nạn mất mát như trước nữa. Đêm đêm, gió Lào thổi về nóng bức, gió nồm thổi lên dịu mát, nhiều nhà mở cửa hông, chống cửa cái, ngủ ngon thoải mái, không còn sợ trộm cắp nữa. Nghĩ tình nghĩa tử là nghĩa tận, làng xóm lại giúp gia đình nạn nhân đem thi hài về quê mai táng tử tế tại quê quán ở làng Tường Vân gần Cửa Việt thuộc phủ Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Nhiều vị bô lão vừa thâm nho, vừa rành tiếng Pháp vui sướng ngồi uống nước chè xanh, hút thuốc lá Cẩm Lệ, nói đùa với nhau rằng: Trộm đêm đã trừ được kẻ cầm đầu, còn trộm ngày đang còn cả đầu cả đuôi, quan tỉnh thông đồng ăn chia các công trình lục lộ xây dựng cầu đường, nhà trường, nhà thương… Quan huyện ăn bớt chia chác nhau phần sưu, phần thuế, bớt xén thuế chợ, thế đò, hoặc tịch thu của bọn buôn lậu, các hàng cấm như thuốc phiện, gỗ quý của kiểm lâm và biết bao nhiêu loại trộm ngày đã được thể chế đồng tình với nhau, mà họ bảo ăn trộm của quốc gia là không phải ăn trộm (Voler l’état ce n’est pas voler). Thật là “Trộm đêm có nghiệp có nghề. Trộm ngày có bề có thế”.
P.Q.S