Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bên dòng Sêbănghiêng

Sêbănghiêng được sinh thành giữa đại ngàn Trường sơn hùng vĩ. Trước khi mang nước ngược sang đất Lào để nhập vào dòng sông mẹ Mê Kông, Sêbănghiêng đã kịp trao gửi dòng nước ngọt lành cho đầu nguồn Bến Hải, Rào Quán...rồi chia tay đất Việt. Giữa lòng Trường Sơn trên đất Việt, Sêbănghiêng như cô gái Vân Kiều sống đời sống phóng khoáng mà mãnh liệt cuộn chảy qua bao thác ghềnh được kiến tạo từ triệu năm đứt gãy địa chất. Chảy qua thung lũng Cù Bai để tưới tắm cho bao đời người đã trở thành huyền sử trong chiến tranh. Và bằng giọt phù sa được chắt chiu từ đá núi, Sêbănghiêng thay áo mới cho thung lũng Cù Bai bằng sắc non xanh của rừng cây, ruộng lúa. Dưới rừng cây, bên ruộng lúa, thanh âm cuộc sống yên bình no ấm được gọi về từ mái nhà sàn của đồng bào dân tộc Vân Kiều nằm tựa lưng vào bóng núi đang tỏa khói lam chiều.
Chảy lặng lẽ trong tâm thức AHLLVTND Đào Xuân Hướng là dòng sông ký ức đang cuồn cuộn song hành cùng dòng Sêbănghiêng. Đã hai mươi sáu năm quay trở về khu vườn cũ ở thôn Bắc Phú (xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh) để vui thú điền viên cùng con cháu, ông vẫn không phút nguội quên mảnh đất Cù Bai. Mảnh đất Cù Bai là nơi thời trai trẻ ông từng “vào sinh, ra tử”. Là ngày tháng cắt rừng, lội suối “cơm đùm gạo bới” từ Đặc khu Vĩnh Linh lên tìm dân để no đói cùng dân gầy dựng cơ sở cách mạng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ. Cũng là quãng thời gian gian khổ mà hào hùng cùng đồng đội, đồng bào dân tộc Vân Kiều đấu trí, thi gan để giành giật từng tấc đất với kẻ thù trong chiến tranh. Giúp dân vượt qua rào cản của hủ tục nghìn năm mà khai phá từng khoảnh ruộng trồng lúa nước, trồng rừng với ước vọng biến vùng đất một thời được mệnh danh là “cửa tử” thành “cửa sinh” no ấm trong hòa bình. Thẳm sâu trong tâm khảm, dòng lịch sử về mảnh đất Cù Bai tựa mình vào dòng Sêbănghiêng ngược chảy về chiều nay trong ông. Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết năm 1954 chia cắt đất nước thành hai miền Nam-Bắc. Tháng 6/1955, Đặc khu Vĩnh Linh tổ chức một đơn vị tức tốc lên Cù Bai (nay là hai xã Hướng Việt, Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) làm nhiệm vụ tìm dân để gầy dựng cơ sở cách mạng cũng như giám sát việc thực thi hiệp định Giơ ne vơ trong đó có ông. Lúc bấy giờ, ông đang là chiến sĩ của đơn vị Công an giới tuyến. Phương tiện để di chuyển từ Đặc khu Vĩnh Linh lên Cù Bai của đơn vị là hai con voi chở đầy gạo, muối, ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc. Xuất phát từ Vĩnh Linh, phải mất cả tuần lễ ngày cắt rừng, đêm ngủ giữa rừng mới đến được bản Vít Thù Lù (xã Hàm Nghi, Lệ Thủy, Quảng Bình). Vừa đặt chân đến đầu bản Vít Thù Lù, đơn vị ông đã gặp ngay tình huống “dở khóc, dở cười”. Dân bản Vít Thù Lù thấy mấy người lạ lách cách súng ống trên vai cùng với hai con voi to lớn lừng lững tiến vào bản, dân bản “bỏ chạy” hết vào rừng. Trước tình huống xảy ra ngoài dự kiến, ông bảo anh em đơn vị tìm một ngôi nhà sàn thoáng rộng giữa bản đặt hết tư trang, hành lý lên sàn nhà. Sau đó, cả đơn vị xắn tay áo quét dọn nhà cửa, cho lợn, gà đồng bào ăn. Đến chiều tối thì công việc cũng hoàn thành, để anh em nghỉ ngơi cho lại sức, ông một mình vào rừng tìm đồng bào. Đến cửa rừng, ông đứng lại gọi với vào rừng bằng tiếng Vân Kiều đại ý là: “Đồng bào đừng sợ. Đây là bộ đội Cụ Hồ cùng phe với vua Hàm Nghi đánh giặc Pháp, giặc Mỹ. Bộ đội Cụ Hồ lên thăm đồng bào, mang gạo muối cho đồng bào chứ không như giặc Pháp, giặc Mỹ tìm giết đồng bào mô. Ai muốn gặp bộ đội Cụ Hồ thì ra gặp…”. Chỉ vài phút sau đã nghe tiếng bước chân đạp lạo xạo lên lá rừng rồi hiện ra trước mặt ông là vị già làng đóng khố, tay cầm giáo dài như bước ra từ đoàn quân phò tá vua Hàm Nghi trong tháng ngày nhà vua yêu nước đi qua miền đất này thuở ban chiếu cần vương (năm 1885). Vị già làng nghiêm nét mặt quắc thước “Rứa mà không nói sớm…Mần dân bản miềng cứ tưởng…Bà con ơi….Bọn hắn là người của Bác Hồ. Dân bản miềng về bản thôi…ôi…”. Sau tiếng gọi dài của vị già làng là mấy chục mái đầu già trẻ lớn bé xuất hiện từ những lùm cây, hốc đá với giáo mác, cung nỏ trên tay như chuẩn bị bước vào cuộc “tử chiến” với quân thù.  Đêm đó, bên bếp lửa hồng cháy bập bùng được đốt lên giữ sàn nhà của vị già bản Vít Thù Lù, qua lời kể của già bản ông mới biết căn nguyên mà dân bản cảnh giác với người lạ. Số là, mặc dù Hiệp định Giơ ne vơ đã ký kết nhưng bọn thám báo, biệt kích Mỹ-ngụy được máy bay đổ xuống hoạt động ráo riết tại vùng rừng núi giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình. Nhiều lần, dân bản Vít Thù Lù đi rừng bắt gặp nên mới có buổi tiếp đón ngoài dự kiến khi đơn vị ông vừa đặt chân đến bản. Lưu lại bản Vít Thù Lù vài ngày, đơn vị ông tiếp tục hành quân vào Cù Bai. Buổi sáng chia tay dân bản Vít Thù Lù, anh em đơn vị không quên tặng lại mỗi gia đình trong bản một tấm ảnh Bác Hồ cùng ít gạo, muối. Già bản Vít Thù Lù nhận lấy tấm ảnh Bác Hồ cứ ngắm nghía mẫn mê hồi lâu rồi áp tấm ảnh vào ngực mình mà nghẹn ngào trong nước mắt “Dân bản miềng lâu ni chỉ nghe nói về Bác Hồ chứ chưa được gặp, chưa được nhìn thấy mặt Bác Hồ. Chừ các con cho miềng được nhìn thấy Bác Hồ như ri là bụng miềng, bụng dân bản Vít Thù Lù sướng lắm, ưng lắm. Các con lên đường mạnh giỏi như cây tùng trên núi, cây sến ngoài rừng…Khi mô có dịp nhớ ghé lại thăm bản Vít Thù Lù của miềng”.
Trong màn sương sớm mờ mịt của núi rừng Trường Sơn, ông cùng anh em đơn vị cắt rừng thẳng tiến hướng Nam. Đâu đó trong tán cây rừng ken dày trên đầu có tiếng con chim kêu là lạ “khó khăn…khắc phục… khó khăn…khắc phục” như lời nhắn nhủ ông cùng đồng đội phía trước là tháng ngày gian khổ bởi đất nước chưa qua hết cuộc binh lửa gian lao. Vào đến bản Tri (Hướng Lập), tất cả anh em đơn vị không kịp nghỉ ngơi đã tụm lại bên bờ suối bàn bạc để vạch ra phương án đứng chân lâu dài trên địa bàn Hướng Lập. Phương án cuối cùng được thống nhất lựa chọn là tìm những đảng viên kỳ cựu thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chính họ là mắt xích quan trọng để vận động đồng bào Vân Kiều ủng hộ cách mạng. Bốn cái tên được nhắm đến là Hồ Cưng (bản Cù Bai), Hồ Lách (bản Sê Pu), Hồ Bơờng (bản Tri), Hồ Tơ  (bản Nguồn Rào sau chuyển về sinh sống tại bản Cù Bai). Sau “cuộc họp” chớp nhoáng bên suối, ông cùng anh em bỏ lại hết tư trang, hành lý trong rừng để cải trang thành thường dân vào bản Tri tìm nhà Hồ Bơờng. Nghe khách lạ trình bày xong lý do, Hồ Bơờng khẳng khái: “Miềng uất lắm. Lâu ni, bọn phản động chống phá cách mạng Lào câu kết với chính quyền Sài Gòn, âm mưu phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ đã ngày đêm tung người vào các bản tuyên truyền, vận động đồng bào Vân Kiều không tiếp xúc với bộ đội. Những đảng viên như miềng quá ít nên không làm chi được chúng. Bây chừ các anh đã lên đây, bọn miềng như sông Sêbănghiêng được tiếp thêm lũ nguồn để quét sạch bọn chúng. Ngày mai, miềng sẽ đi tìm Hồ Tơ, Hồ Lách, Hồ Cưng để cùng với anh em phối hợp vận động đồng bào không nghe bọn phản cách mạng xúi dục”.
Ngày hôm sau cũng như nhiều ngày sau nữa, từ nòng cốt là bốn đảng viên thời kỳ chống Pháp dần dần đồng bào Vân Kiều nhiều bản  trở thành cơ sở cách mạng luôn ủng hộ, che chở nhiệt tình cho bộ đội ta. Một thời gian sau, Đặc khu Vĩnh Linh cử thêm một đại đội khoảng 100 người lên tiếp viện. Mặc dù có thêm một đại đội lên tăng viện nhưng lúc bấy giờ, chính quyền Sài Gòn điều động một tiểu đoàn lên án ngự bờ phía nam sông Sêbănghiêng (đoạn chảy trên đất Việt Nam) còn phía bên kia biên giới là lô nhô lô cốt cùng sắc lính của bọn phản cách mạng Lào. Ngày đêm chúng tung thám báo, biệt kích luồn vào từng bản để xúi dục đồng bào Vân Kiều chống lại cách mạng. Bờ nam sông Sêbănghiêng, lính ngụy tìm cớ khiêu khích để lấn chiếm đất đai. Trước tình thế nguy nan đó, đại đội của ông đã vận dụng “không thành kế” (kế bỏ trống thành vẫn đánh đuổi được Tư Mã Ý của Gia Cát Lượng trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của Trung Quốc) để nghi binh đánh lừa địch độc đáo đến bất ngờ. Đó là ban ngày, chiến sĩ cả đại đội cởi hết quần áo mang xuống sông Sêbănghiêng để nhúng nước rồi đem phơi kín cả bờ sông. Đêm đến, từ góc bản đến ngọn đồi, con suối, anh em đốt từng đống lửa nhỏ như đang nhóm bếp nấu ăn. Rồi anh em cắt cây chuối thành từng khúc lớn sau đó dùng vải buộc kín để giả làm súng cối. Từ 7 - 12 giờ đêm, cả đại đội mang súng ống đi vòng quanh từng bản sau đó quay về điểm tập kết (thường tập kết ở những bản nghi có bọn thám báo đang náu mình để nắm tình hình quân số của ta), anh em cố ý báo cáo thật to là tiểu đoàn 1, 2, 3…có mặt đợi lệnh để bọn thám báo nghe thấy. “Kế không thành” linh nghiệm đến nỗi sau này cơ sở của ta báo về là chúng cho rằng ta có cả sư đoàn đang chuẩn bị đánh sang bờ nam sông Sêbănghiêng làm chúng sợ đến khiếp vía nên không dám gây hấn. Bọn thám báo cũng giảm hẳn việc luồn sâu vào từng bản để hoạt động chống phá. Năm 1957, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị điều động Trung đoàn 270 lên tăng viện cho Cù Bai. Thế cân bằng quân số giữa ta và địch được xác lập. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng từ bỏ tham vọng lấn đất, giành dân với ta. Với sự xúi dục của bọn ngụy quyền Sài Gòn, bọn phản cách mạng Lào nhiều lần viết thư mang sang Trung đoàn 270 đòi đất. Chúng ngang nhiên tuyên bố rằng các bản nằm dọc sông Sêbănghiêng là đất của chúng. Đòi được đối chất với dân các bản, nếu dân các bản bằng lòng theo chúng thì ta phải trả lại đất đai cho chúng. Để  thực hiện nghiệm túc hiệp định Giơ ne vơ đồng thời cho chúng “tâm phục, khẩu phục”, ta chấp nhận điều kiện của chúng. 
Một ngày đẹp trời tại bản Tà Rúa (huyện Sê Pôn, Savanakhet, Lào), bốn đảng viên Hồ Tơ, Hồ Lách, Hồ Bơờng, Hồ Cưng cùng đại diện dân các bản dọc sông Sêbănghiêng có mặt tại địa điểm đã ấn định. Báu vật  được dân bản mang theo đến cuộc đối chất là chiếc áo vua Hàm Nghi (theo lời kể của các già làng lúc bấy giờ thì vua Hàm Nghi khi vượt núi rừng từ Tân Sở ra Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã lưu lại vùng này và ban cho dân trong vùng chiếc áo mang theo để thể hiện tấm lòng tri ân công lao phò vua, giúp nước của đồng bào Vân Kiều ở thung lũng Cù Bai). Cuộc đối chất đã diễn ra ngoài những toan tính, mưu mô của bọn phản cách mạng Lào, bởi khi chúng hỏi người dân các bản, chúng chỉ nhận được câu trả lời của các già làng như lời thề sắt son được khắc ghi vào núi rừng Trường Sơn của người Vân Kiều một lòng đi theo Đảng, theo Bác: “Ngày xưa, dân các bản của bọn tao đã ở với vua Hàm Nghi. Bây chừ, dân các bản ở với Cụ Hồ, ở với bộ đội…Đất đai là của Cụ Hồ, của bộ đội chứ không phải là của chúng mày…”
            Ngày 20/4/1961, nhận chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, Trung đoàn 270 đã nổ súng đánh cấp tập vào hệ thống đồn bốt của bọn phản cách mạng Lào phía bên kia sông Sêbănghiêng và bọn ngụy quyền Sài Gòn bờ nam sông để giải phóng hoàn toàn thung lũng Cù Bai.
            Trong những ngày đánh địch để giữ gìn từng tấc đất tại thung lũng Cù Bai, có một sự kiện mà khi đất nước hòa bình đã trở thành “chìa khóa trao tay” để người Vân Kiều mở cánh cửa thoát khỏi đói nghèo. Đó là sự kiện các chiến sĩ Trung đoàn 270 vận động đồng bào dân tộc Vân Kiều trồng lúa nước. Theo hồi ức của AHLLVTND Đào Xuân Hướng thì đầu năm 1957, do bị bom đạn phong tỏa triền miên nên đồng bào Vân Kiều ở thung lũng Cù Bai bữa ăn chỉ có củ mài, ốc suối. Không thể để dân trong tình trạng đói kém thường xuyên, Trung đoàn 270 đã cử ông cùng với ông Châu (ông không nhớ được họ) là cán bộ Ban lãnh đạo miền núi (Đặc khu Vĩnh Linh) đi vận động dân trồng lúa nước. Sau mấy ngày lặn lội khắp khe suối, núi đồi của bản Cù Bai, ông với ông Châu mới chọn được khu “rừng ma” là địa điểm thuận lợi nhất cho việc trồng lúa nước. Thuận lợi là bởi khu “rừng ma” nằm gần con suối có thể lấy nước tưới lại nằm khuất sau quả đồi cao nên có thể tránh được bom, đạn. Chọn được địa điểm nhưng rồi lại nảy sinh vấn đề khó có thể giải quyết đó là khu “rừng ma”. Với người Vân Kiều thì mảnh đất an táng cho người chết trong dòng họ dưới tán rừng được gọi là "rừng ma". Họ bảo vệ "rừng ma" như để bảo vệ đời sống tâm linh, bảo vệ phần hồn của mình...Người Vân Kiều quan niệm, sống chết là thuận theo quy luật của tự nhiên. Con người cũng như cái cây, con thú trong rừng, có sinh ra, lớn lên thì cũng phải chết đi. Sống được rừng che chở, được rừng cho cái ăn, cái mặc, ngôi nhà để ở, nước để uống, nên khi chết chỉ trở lại với rừng, sống một thế giới khác với rừng mà thôi. Khi chết, người Vân Kiều sẽ chôn người thân dưới những tán cây rừng to như một lời khấn nguyện, mong thần rừng che chở cho linh hồn người chết. Vậy nên, “rừng ma” trở thành linh hồn của dòng tộc người Vân Kiều. Phá bỏ “rừng ma” để làm lúa nước là đụng đến chốn linh thiêng của người Vân Kiều.
AHLLVTND Đào Xuân Hướng nhớ lại: “Không lẽ đành bó tay để dân đói. Sau mấy đêm liền, tôi với anh Châu tụm đầu thức trắng để bàn bạc, hai anh em đi đến quyết định cuối cùng là thông qua những đảng viên có uy tính trong bản vận động dân bản cho phá bỏ “rừng ma” trồng lúa nước. Người được lựa chọn là ông Hồ Tơ, Hồ Cưng. Tính thì tính như vậy, nhưng hai anh em cũng phải suy nghĩ đến phương án có thể hai ông Hồ Tơ, Hồ Cưng sẽ không bằng lòng vì họ vốn có mồ mả cha ông ở trong khu “rừng ma”. Không ngờ, mới chỉ đến đặt vấn đề, cả Hồ Tơ và Hồ Cưng đều bằng lòng ngay không chút do dự. Hai ngày sau, tôi với anh Châu được ông Hồ Cưng, Hồ Tơ gọi đến họp dân để nói cho dân biết cái lợi của việc trồng lúa nước. Cuộc họp diễn ra khá căng thẳng vì một số dân bản không đồng tình với lý do làm lúa nước là đụng đến mồ mả và sợ giàng phạt giáng bệnh tật xuống cho dân bản. Ngồi lắng nghe ý kiến của dân từ đầu cuộc họp, đến lúc gay cấn nhất ông Hồ Cưng đứng dậy nói với dân bản như “đinh đóng cột” là Hồ Cưng sẽ tình nguyện làm thử, nếu giàng phạt thì chính Hồ Cưng sẽ chịu chết. Tất cả dân bản đồng tình cho Hồ Cưng làm. Sáng hôm sau, tôi, anh Châu cùng Hồ Cưng, Hồ Tơ và một số dân bản Cù Bai có mặt tại “rừng ma”. Hồ Cưng đứng yên lặng lẩm nhẩm khấn vái khoảng mấy phút rồi từ từ tiến đến vung rựa chặt cây. Theo chân Hồ Cưng, chúng tôi bắt đầu chặt cây trong “rừng ma”… Mất một tuần lễ chặt cây, phát cây mới tạo nên được đám ruộng hơn một sào. Có ruộng rồi nhưng lại không có cày, có giống lúa…Tôi với anh Châu phải đi tìm thủ trưởng Trung đoàn 270 để nhờ thủ trưởng tìm trong Trung đoàn một người đẽo cày giỏi, còn giống lúa thì anh Châu giao nhiệm vụ cho chị Hồ Thị Oi băng rừng về Đặc khu Vĩnh Linh lấy giống mang lên. Đường cày đầu tiên cày vỡ từng mảng đất ngai ngái mỡ màu ôm lấy từng hạt giống lúa được gieo xuống trước sự ngỡ ngàng của người dân bản Cù Bai. Trong suốt vụ lúa đó, từ khi gieo hạt cho đến khi lúa làm đòng, Hồ Cưng đều có mặt để canh lúa trong chiếc lán mà Hồ Cưng dựng bên đám ruộng. Cuối vụ, một sào lúa nước của Hồ Cưng cho thu hoạch 3 tạ thóc. Sau vụ lúa nước thành công ấy, dân bản Cù Bai rỉ tai nhau là Hồ Cưng trồng lúa trong “rừng ma”, bón phân lên hạt ngọc của giàng mà vẫn cứ sống khỏe lại có gạo ngon ăn. Thế là họ bắt đầu vào “rừng ma” chặt cây trồng gần hai mẫu lúa nước. Từ đó, lúa gạo không những đủ cho dân bản Cù Bai ăn mà còn cung cấp cho Trung đoàn 270 đánh Mỹ-ngụy”.
Tôi lên Cù Bai khi mùa hoa dong riềng đang nở đỏ rực trong vườn nhà của người Vân Kiều. Đứng ở chiếc cầu bắc qua dòng Sêbănghiêng, tôi cứ đảo mắt nhìn bốn phương, tám hướng để cố gắng tìm kiếm chút dấu tích chiến tranh còn hằn lại trên mảnh đất này nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy. Chỉ hiện hữu trước mắt tôi là những mảnh ruộng lúa nước đang vào vụ cày ải chuẩn bị gieo hạt. Những ngọn đồi được phủ kín một màu xanh đến mát mắt của giống cây bời lời, xoan đỏ…mới được người Vân Kiều mang về trồng để lấy vỏ, lấy gỗ trong vài năm trở lại đây. Suốt một ngày lang thang từ bản này sang bản khác, đêm đến tôi được ủ ấm mình bên bếp lửa đốt lên giữa sàn nhà của già bản Tà Păng Hồ Văn Khai. Bữa cơm mà già Khai mời tôi là cơm trắng với thịt gà, chuối nấu kèm ốc suối chứ không như tưởng tượng của tôi là rặt ròng thứ củ mài đào trong rừng của những năm đói kém. Như đoán định được suy nghĩ của tôi, già Khai cười rung cả thớ thịt đỏ au màu đồng thau trên khuôn mặt đầy nắng gió: “Củ mài bây chừ kiếm mô ra. Củ mài chỉ dành cho ngày tháng đói nghèo vì dân bản mải miết qua bao mùa du canh vào rừng chặt cây làm rẫy. Chừ dân bản Tà Păng của miềng cũng như dân các bản Cù Bai, Cha Lỳ, Sê Pu, A Xóc…đã không còn vào rừng chặt cây, đốt rừng làm nương rẫy nữa. Họ biết trồng cây bời lời, xoan đỏ, tràm hoa vàng, keo tai tượng trên đồi trọc, rẫy bỏ hoang để lấy gỗ, lấy vỏ bán cho người dưới xuôi thu hàng chục triệu đồng. Có tiền, họ dựng lại nhà sàn mới, mua sắm xe máy, ti vi…Cuộc sống của người Vân Kiều ở thung lũng Cù Bai giờ đây không còn nghèo, còn khổ”.
Đang say sưa chuyện dân bản biết trồng rừng, biết nuôi trâu, bò để bán chứ không để dành cúng giàng như ngày xưa thì dưới nhà sàn có tiếng bước chân. Một đôi trai gái Vân Kiều bước vào, lễ phép chào hỏi rồi đến ngồi bên cạnh già Khai. Qua giới thiệu của già Khai, tôi mới biết chàng trai là cháu gọi già Khai bằng cậu, còn cô gái là người Lào tận bên bản bản A Viêng (Tà Xeng Ka Lô, Sê Pôn, Savanakhet, Lào). Để yêu nhau, chàng trai đã không ngần ngại vượt sông Sêbănghiêng sang bản A Viêng của cô gái để đi sim, để hát Xà Nớt rồi ngỏ lời cầu hôn với cô gái. Đêm nay, họ đến nhà già Khai là để xin phép già Khai được tổ chức đám cưới trong mùa xuân này.
Vậy là một mùa xuân nữa lại về trên thung lũng Cù Bai. Một mùa xuân tỏa hương ngai ngái nhựa lá cành mới nhú trên thân cây bời lời, xoan đỏ đang được bàn tay người Vân Kiều phủ dần từng khoảng đồi trọc, rẫy hoang hay tỏa ra từ hạnh phúc của đôi trai gái Vân Kiều hẹn nhau mùa xuân chàng trai sẽ vượt sông Sêbănghiêng sang rước cô dâu hiền về bản. Tôi tự hỏi mình rằng không biết bây giờ AHLLVTND Đào Xuân Hướng đã vơi bớt nỗi nhớ Cù Bai. Tôi chợt nghe trong tiếng gió rì rào thổi miên trường qua thung lũng Cù Bai đồng vọng lại một lời nhắn gửi. Rằng, có một người đàn ông tóc đã bạc, da đã mồi vì không đủ sức khỏe để tự mình lên thăm lại Cù Bai nên chiều chiều vẫn đăm đăm dõi ánh mắt về đỉnh núi xanh thẳm xa mờ phía mặt trời đổ bóng hoàng hôn cho lòng mình quay quắt trong nỗi nhớ Sêbănghiêng.
      H.T.S
Hoàng Tiến Sĩ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 184 tháng 01/2010

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground