Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bình minh Cửa Việt

BÚT KÝ - Nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc đổ ra biển, trải dài từ bắc tới nam với 3.260 km đường bờ biển, 112 cửa sông, lạch. Mọi con sông đều đổ về biển vậy thì cửa biển nào trên đất nước này không phải là cửa biển nước Việt? Thế nhưng thật diệu kỳ làm sao khi duy nhất Quảng Trị có địa danh: Cửa Việt (với hàm nghĩa là cửa đón khách của người Việt, của nước Việt).

Trong bài bút ký “Cửa Việ- đối diện với trùng khơi”, nhà văn Xuân Đức đã cho rằng, cái danh và cái nghĩa ấy của Cửa Việt không phải chỉ hoàn toàn do ngẫu nhiên của lịch sử hay sự “vơ vào” của người Quảng Trị hôm nay. Nó thật sự đã từng xứng đáng như thế trong thời điểm đặc biệt của lịch sử đất nước và nó đã phải đánh đổi bằng rất nhiều máu xương, công sức để xứng đáng được vinh danh như thế!

Văn Chương - nguyên đặc phái viên hãng thông tấn Mỹ UPI tại chiến trường Quảng Trị trong bài viết: “Cửa Việt ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973)” đã cung cấp rất nhiều thông tin thú vị. Tác giả khẳng định, Cửa Việt đối với Quảng Trị, đó là một cửa khẩu lớn, quan trọng về nhiều mặt: giao thông, kinh tế và quân sự. “Cửa Việt, cũng là nơi giao lưu hàng hóa gần nhất từ đất liền ra biển, không phải chỉ dành riêng cho Quảng Trị mà cho cả nước Lào. Bởi vì qua Cửa Việt, tàu có trọng tải trung bình sẽ ngược lên tới bến cảng Đông Hà - nơi giao điểm của quốc lộ 1A và đường 9. Nói chung lại (cho mau) Cửa Việt - do hai nguồn nước sông Hiếu và sông Thạch Hãn gặp nhau tại ngã ba Triệu Độ - mở rộng, phình to trước khi ra biển - là một vị trí quan trọng về chiến lược cho Quảng Trị. Chính do có tầm lợi hại như thế, Cửa Việt đã có một trận đánh lớn giữa quân đội Việt Nam Cộng hòa và quân Giải phóng vào ngày ký hiệp định đình chiến Paris (21/1/1973). Mục đích của cả hai bên là GIÀNH LẤY CỬA VIỆT”. Nhà văn Xuân Đức cho rằng, những năm đánh Mỹ, nếu Quảng Trị là cửa ngõ của cả hai thế lực tiêu biểu của loài người thì Cửa Việt chính là “cuống họng của ống thực quản nuôi sống sức mạnh của kẻ xâm lược cho vành đai trắng nam giới tuyến” để kháng cự với sức mạnh tổng lực của chúng ta từ miền Bắc tràn vào. Điều này lý giải vì sao những câu chuyện đánh tàu chiến, chặn tàu chiến ở cảng Cửa Việt và trên sông Cửa Việt là cả một pho huyền thoại và huyền tích của quân dân ta…

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nhằm đảm bảo các vấn đề về vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược và các trang thiết bị phục vụ cho quân sự toàn bộ chiến trường Quảng Trị và Lào, từ năm 1967, cùng với việc nâng cấp, mở rộng đường quốc lộ 9, quân đội Mỹ - ngụy đã cho xây dựng cảng quân sự Cửa Việt ở bờ nam. Cảng Cửa Việt có diện tích khoảng 10.000 m2, độ sâu trung bình từ 8 m - 12 m, tàu 5.000 tấn có thể ra vào dễ dàng để từ đó lên theo sông Hiếu vào cảng quân sự Đông Hà. Cùng với việc xây cầu cảng và hệ thống bến bãi, kho tàng, trên bờ còn có nhiều đồn bốt, lô cốt dày đặc để bảo vệ khu vực quân cảng.

Cuộc chiến trên cảng Cửa Việt và sông Cửa Việt nói riêng đã trở thành quyết chiến điểm khốc liệt nhất có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cả chiến trường miền Nam. Không chỉ trong kháng chiến chống Mỹ mà xa xưa hơn, với vị trí cực kỳ đặc biệt, Cửa Việt đã ghi nhiều dấu ấn lịch sử nổi bật gắn bó mật thiết với hành trình xây dựng và bảo vệ vùng đất Ô, Lý/ Châu Thuận/ Quảng Trị nói riêng và cuộc Nam tiến để mở rộng dần cương giới nước Việt nói chung. Trong các thư tịch cổ, Cửa Việt còn có các tên khác như: Cửa Việt Khách, cửa Việt Hải, cửa Việt Yên, An Việt... Sự  biến đổi về tên gọi của một cửa biển từ nghìn xưa đã gợi cho chúng ta hôm nay nhiều suy nghĩ. Phải chăng bối cảnh lịch sử thay đổi đưa đến việc đổi thay ý nghĩa và rồi với sự đổi thay và điều chỉnh ý nghĩa lại tiếp tục đưa đến việc đổi thay tên gọi? Trải qua bao thăng trầm để từ cái tên xa xưa nhất là “Cửa Việt Khách” mất đi một chữ “khách”, còn lại cho Quảng Trị cái tên Cửa Việt và đến hôm nay, người Quảng Trị hoàn toàn có quyền hiểu theo nghĩa “đây là cửa đón khách của người Việt, của nước Việt”!

Cửa nhỏ mà lớn. Cửa hẹp mà rộng. Từ cửa nhỏ nhìn ra khắp nơi và thu về từ khắp nơi mà không làm mất chính mình.

Nhỏ mới có thể lớn. Hẹp để mà rộng…

Cửa Việt - Niềm tự hào. - Ảnh: Ngọc Bình

Cửa Việt - Niềm tự hào. - Ảnh: Ngọc Bình

*

Một buổi sớm mai tràn đầy ánh sáng trên cảng Cửa Việt, tôi cùng trò chuyện với anh Phan Phùng Hải, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị. Với người làm cảng vụ lâu năm như anh, mọi thứ phải thể hiện và biểu đạt thông qua con số. Chỉ cần nhìn vào số liệu của năm 2018 để so sánh với năm 2020 và nhất là những tháng đầu năm 2021 sẽ hiểu rõ sự phát triển của cảng Cửa Việt. Nếu năm 2018, tổng lượt tàu đến là 1.971 lượt; tổng lượng hàng hóa đạt 1.052.805.71 tấn (trong đó xuất khẩu là 848.319,46 tấn) thì đến năm 2020 lượt tàu tăng 2.019 (riêng tàu biển là 1.128 lượt); tổng lượng hàng hóa cũng tăng 1.246.376,73 tấn (trong đó xuất khẩu 765.301,77 tấn). Chủng loại hàng hóa thông quan tại cảng Cửa Việt rất đa dạng về chủng loại, trong đó chủ yếu là hàng rời như dăm gỗ, than cám, thạch cao… và hàng bách hóa tổng hợp như nông sản, bao kiện, sắt thép, vật tư, thiết bị lắp ráp nhà máy điện gió. Ngoài ra còn có hàng hóa xuất nhập khẩu của các khu công nghiệp, khu kinh tế ở trong tỉnh và nguồn hàng quá cảnh của các nước Thái Lan, Lào chuyển qua đang mở ra cơ hội phát triển cho cảng Cửa Việt.

Ông Lê Chí Dụng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa Việt cho biết, năm 2020, đơn vị đã thu nộp vào ngân sách 167,564 tỷ đồng, đạt 128,9% so với kế hoạch được giao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 144,120 triệu USD (trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 83,420 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 60,7 triệu USD). Trước đó, năm 2017, số thu ngân sách tại Chi cục là 133,17 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2021, đơn vị có số thu ấn tượng trên 576 tỷ đồng, vượt 128,6% chỉ tiêu phấn đấu năm 2021.

Hiện nay, với vị thế nằm ở tuyến đầu của Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và ở cuối Quốc lộ 9, cảng Cửa Việt được xem là “điểm nhấn” để thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển: Cách Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo 90 km; cách vùng Đông Bắc Thái Lan 300 km theo đường xuyên Á - cung đường tiến ra biển được xem là ngắn nhất nếu so với 1.000 km nếu đi ngược về hướng vịnh Thái Lan hoặc biển Myanmar. Đây là lợi thế để cảng Cửa Việt phát triển thành cảng lớn giúp cho việc lưu thông hàng hóa đường biển thuận lợi hơn giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan.

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cảng Cửa Việt có thể tiếp nhận tàu vận tải biển quốc tế với kích cỡ, trọng tải lớn, đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa phục vụ xây dựng, khai thác các khu công nghiệp, khu kinh tế trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và khu vực miền Trung nói chung... Để kinh tế phát triển thuận lợi, tỉnh đặc biệt chú trọng hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ từ đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và hệ thống hạ tầng logistics.

Xét về mặt địa lý, Cửa Việt là nơi đổ về của hai nhánh sông, nhánh nhỏ là sông Hiếu, nhánh lớn là sông Đakrông - Thạch Hãn. Nhánh chính này có chiều dài 150 km, là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị và được liệt vào hàng sông lớn trong nước. Từ xa xưa, Cửa Việt đóng vai trò quan trọng trong hai tuyến giao thương trọng yếu của vùng Quảng Trị được hình thành từ lâu trong lịch sử và có mối quan hệ liên kết vùng là: Tuyến Cửa Việt - vùng nội địa Võ Xương/Đăng Xương và Hải Lăng qua sông Thạch Hãn đến Ba Lòng, nối với đường Thượng đạo và qua hệ chi lưu Vĩnh Định, nối các vùng thuộc phía Nam và Tuyến Cửa Việt - Cam Lộ - Ai Lao xuyên hành lang Đông - Tây qua sông Thạch Hãn - Hiếu Giang và đường Thượng đạo xuyên Trường Sơn.

Đây là hai tuyến đường thuỷ kết hợp đường bộ. Như thế, rõ ràng ưu thế của cảng Cửa Việt là cảng sông chứ không phải là cảng biển. Tuy nhiên, với cái nhìn chiến lược về biển cùng với nghệ thuật khai thác biển và khai thác lợi thế hàng hải của các lớp cư dân Quảng Trị xưa đã biết vận dụng địa hình, địa cuộc để biến nó thành một cửa biển sầm uất. Phát huy lợi thế đó, cửa biển này đã sớm trở thành một địa danh rất nổi tiếng của các luồng thương mại quốc tế trên con đường hàng hải. Nhất là dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, không chỉ tàu thuyền trong nước mà còn có tàu các nước phương Tây thường xuyên ra vào buôn bán tấp nập ở Cửa Việt, rồi lên thương cảng ở Mai Xá (xã Gio Mai bây giờ) tạo nên một khu trao đổi, giao lưu sầm uất cho người Việt. Thuyền buôn vào Cửa Việt có cả Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và một số nước ở Đông Nam Á. Từ năm 1604 đến năm 1616, trong số 186 thuyền buôn Nhật đến buôn bán với Đàng Ngoài, Đàng Trong, Nam Trung Quốc, Mã Lai,… đã có 42 thuyền đến các cảng ở Đàng Trong, trong đó có Cửa Việt (cảng Mai Xá).

Ngược dòng lịch sử, từ sau Công nguyên, những cộng đồng cư dân thuộc các vương quốc Champa và Phù Nam đẩy mạnh hơn hoạt động giao thương, khai thác triệt để hơn vị trí địa - kinh tế của các thương cảng, nhất là các cảng biển. Ông Inrasara, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, tự hào đúc kết rằng: “Người Chăm đi đến đâu buôn bán ở đó. Buôn bán, không chỉ thuần giải quyết sinh nhai, mà ở tận sâu thẳm họ - thỏa mãn nhu cầu phiêu lưu ẩn tàng trong máu”. Trong một tài liệu nghiên cứu của Giáo sư Trần Quốc Vượng đã khẳng định, Cửa Việt Khách được người Chăm xem là một hải cảng quan trọng để phát triển. Và thông qua cuộc chuyển giao đầy tính hòa hiếu/ hòa bình từ cuộc hôn nhân của công chúa Huyền Trân, người Việt đã biết tận dụng lợi thế của cửa biển này để thực hiện việc mở cửa, giao thương, hội nhập với bên ngoài. Nhờ đó, một hệ thống cảng thị dọc ven biển và ven sông đã được thiết lập; trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của hai thương cảng biển là Tùng Luật/ Cửa Tùng và Phó Hội/ Cửa Việt; cảng sông Mai Xá - Phường Hàng. Các thương cảng này cùng với hệ thống chợ làng/ vùng - trung tâm thương mại khác như: chợ Do, chợ Huyện, chợ Kênh, chợ Cầu, chợ Sòng, chợ Sãi, chợ Phiên... đã kết nối và tạo thành các tuyến mậu dịch mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho vùng Quảng Trị suốt nhiều thời kỳ.

Đặc biệt từ cuối thế kỷ XVI, khi người Việt chủ động mở rộng địa bàn cư trú xuống phương Nam, các nhóm cư dân Việt đã triệt để tận dụng hoặc khai mở những thương cảng mới, những địa bàn giao thương mới cho riêng mình. Chính nhờ nhãn quan chiến lược sắc bén, tư duy hướng biển cập thời và bàn tay xây dựng của các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong đã dẫn đến sự ra đời và hưng thịnh của thương cảng mang tầm vóc quốc tế của Cửa Việt.

*

Sự hưng thịnh của một vùng đất thường gắn liền với chính sách. Với Nghị định số 103/2005/NĐ-CP ngày 9/8/2005 của Chính phủ ban hành điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn Cửa Việt, Cửa Việt bắt đầu khoác lên một diện mạo mới. Thị trấn được mở rộng với 415,74 ha diện tích tự nhiên và 2.518 người của ba thôn Long Hà, An Trung, Đại Lộc thuộc xã Gio Việt; cộng với 318,54 ha diện tích tự nhiên và 1.982 người của hai thôn Tân Lợi, Hà Lộc của xã Gio Hải. Để “trợ lực” cho thị trấn miền biển, tỉnh đã ban hành hàng loạt dự án, nghị quyết mà kết quả của nó là con đường quốc phòng kết hợp dân sinh đã được hiện đại hóa chạy dọc theo mép biển. Hai chiếc cầu vĩnh cửu bắc qua hai sông Cửa Tùng và sông Cửa Việt đã thông thương Cửa Việt với tất cả bờ biển suốt từ điểm đầu phía bắc vào tận điểm cuối phía nam Quảng Trị với tổng chiều dài gần 80 km. Cảng biển Cửa Việt đã được đầu tư nạo vét, xây cầu cảng. Đây chính là mũi đột phá sớm nhất của tỉnh để tạo ra thế đứng mới cho cửa sông này... Cùng với nó là dự án nối dài con đường xuyên Á từ Đông Hà về Cửa Việt, mở ra triển vọng cho cảng biển này hội nhập vào Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện toàn tỉnh có 13 đô thị. Cửa Việt là đô thị loại 5, tuy nhiên, trong chiến lược phát triển 5 - 10 năm tới, Cửa Việt sẽ phát triển nhanh nhất. Tỉnh đang triển khai việc xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời phát huy các tiềm năng lợi thế để phát triển bền vững; trong đó đã mời gọi các chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó có đơn vị đến từ Singapore. Về phía quan điểm cá nhân ông Hải, tứ giác phát triển của Quảng Trị sẽ là Đông Hà - Cửa Việt - thị xã Quảng Trị và trung tâm cảng Mỹ Thủy. Đô thị Cửa Việt phát triển theo hướng đô thị tổng hợp vừa phát triển du lịch, nghỉ dưỡng; hậu cần công nghiệp cho khu kinh tế Mỹ Thủy và kết nối trực tiếp với cảng hàng không Quảng Trị.

Người dân Cửa Việt hôm nay đang đứng trước rất nhiều khát vọng đổi mới nhưng cũng chứa đựng trong đó không ít trăn trở. Ông Võ Văn Thụ - ngư dân cố cựu ở đây cho biết, đưa thị trấn Cửa Việt trở thành một đô thị sầm uất là điều mà bất cứ người dân nào cũng mong đợi. Ai cũng hy vọng về một sự vươn lên mạnh mẽ, mở mang cửa sông, vươn ra khơi xa, đạp lên muôn trùng sóng dữ để có thể có được một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, quy hoạch thế nào để có tầm nhìn vượt trước, không chồng chéo, chồng lấn, không gây trở ngại cho sự phát triển của Cửa Việt cũng như mưu sinh lâu đời của người dân là mong muốn thiết tha. Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp hơn nên việc phát triển phải lưu ý đến yếu tố phòng, chống với những vệt tháo lũ; có quỹ đất cho làng phát triển công cộng.

Ông Lê Đức Tiến cho biết thêm, trong chiến lược phát triển kinh tế vùng biển, tỉnh Quảng Trị quan tâm đến hai trụ cột chính đó là Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và khu vực Cửa Việt - Cửa Tùng. Hạ tầng giao thông luôn đi trước một bước đặt nền móng vững chắc cho phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Chính vì thế, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường biển, cùng với các cơ chế, chính sách thông thoáng sẽ tạo ra đột phá về kinh tế. Trước mắt tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, khai thác tối đa năng lực cảng Cửa Việt, mở ra cơ hội giao thương với các nước trong khu vực Thái Bình Dương và Tiểu vùng sông Mê Kông thông qua EWEC. UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh quy mô và nâng cấp cầu cảng số 3 chiều dài từ 100 m lên 140 m về phía thượng lưu tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 tấn và điều chỉnh quy mô, công năng cầu cảng số 4 từ cảng tổng hợp kết hợp hành khách thành cảng khách chuyên dùng với chiều dài 70 m để thực hiện dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông. Tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị điều chỉnh quy mô và nâng cấp kéo dài cầu cảng số 2 từ 64 m lên 129 m (kéo dài về phía thượng lưu 65 m thuộc phạm vi quy hoạch bãi kè đá hộc đến tiếp giáp với cầu cảng số 1) và cải tạo cầu cảng số 1 để tăng khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng từ 2.000 tấn lên 5.000 tấn… Với nhu cầu và mức độ tăng trưởng hành khách thông qua khu bến cảng Bắc Cửa Việt, Cục Hàng hải Việt Nam ủng hộ đề xuất của UBND tỉnh Quảng Trị về điều chỉnh công năng cầu cảng số 4 và đồng thời nhận việc điều chỉnh tăng quy mô cầu cảng số 3 là cần thiết.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển như là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII cũng yêu cầu phát triển kinh tế biển, gắn với hình thành trục đô thị ven biển. Ngày 27/5/2021, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có Dự án đường ven biển kết nối EWEC. Dự án được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư có tổng mức đầu tư 2.060 tỷ đồng, đi qua địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và thành phố Đông Hà. Thời gian, tiến độ thực hiện từ năm 2021 - 2025, có tổng chiều dài tuyến 55,7 km. Cùng với hệ thống Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển sẽ là hệ thống giao thông liên tỉnh để phát triển kinh tế, tạo ra liên kết vùng về phát triển kinh tế biển. Đồng thời tạo điểm nhấn để thu hút du khách từ các nước Tiểu vùng sông Mê Kông về tham quan, du lịch biển.

*

Hàn Vũ Hùng trong bài viết “Đông Hà cuộc hành trình nghiệt ngã” cách đây hơn 30 năm đã có phác thảo đầy mơ ước rằng: Tôi nhìn thấy cuối dòng sông Hiếu sẽ là bến cảng Cửa Việt tàu thuyền tấp nập và nơi đó một thị trấn cảng sẽ mọc lên. Và Đông Hà sẽ là một Thành phố Ngã Tư! Mùa hè, chiều cuối tuần dân phố kéo nhau về Cửa Việt vui thú với sóng biển bạc đầu, uống tách cà phê ngắm những con tàu viễn dương khổng lồ. Hôm nay đó chính là điều mà bất cứ ai đến Quảng Trị đều được nhìn thấy.

Bằng cách mở cửa biển tiếp xúc với các nước khác, Á cũng như Âu, giao thương buôn bán với họ, để thu dụng những tài năng, những phẩm vật, những gì mới lạ về kỹ thuật và khoa học, những người hoạch định vùng đất Quảng Trị đã biến Cửa Việt trở thành một hải cảng tốt đẹp ở vùng đất này. Tiếp nối tầm nhìn vươn ra biển và đường lối phát triển của các bậc tiền bối, tỉnh Quảng Trị đang triển khai song song nhiều dự án, đồng tạo ra quỹ đất để từng bước hình thành các khu đô thị, khu du lịch - dịch vụ bờ biển, hình thành các nguồn lực mới để tỉnh Quảng Trị phát triển kinh tế biển phù hợp với chiến lược quốc gia về kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Với những bệ đỡ đó sẽ đưa con thuyền mang tên Cửa Việt lướt sóng ra trùng khơi trong không gian hội nhập của cả nước. Một nền tảng phát triển hiện đại và vững chắc đang đưa Cửa Việt bước sang một diện mạo mới!

 

ĐOÀN PHƯƠNG NAM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 322

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground