Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bóng người thân

Quá khứ của mỗi người đến một lúc sẽ hóa thành nội dung sống của đời người đó. Với tôi thì sao, với tôi là những tháng năm tôi đã sống như mỗi người Việt Nam đã sống. Giờ đây tôi thấy một ngày sống của mình rất dài và thực không dễ dàng chút nào. Con người ta có thể lang thang tứ xứ, nhưng lang thang mãi rồi cũng phải quay về nhà mình, nghĩ ngợi những chuyện viển vông đẩu đâu rồi cũng chẳng trốn khỏi những chuyện nhà mình.
Trong bóng những người thân có bóng ta, ta tìm thấy mình trong đó. Lũ trẻ lớn lên lại sẽ phải có buồn vui của riêng chúng, những bài hát của riêng chúng, còn ta vẫn đang có những bài hát của mình, một thời của mình, chẳng bàn có lý hay vô lý, chỉ biết nó là thế.
Người đi mà bóng vẫn còn, trông vào tấm ảnh anh chiến sĩ mất đã ngót nửa thế kỷ thấy hình hài lung linh mờ tỏ, nụ cười ấy, ánh mắt ấy, dáng đứng ấy cứ như vẫn đang trò chuyện. Mẹ già lâu lâu lại thắp nén hương, chả cần đợi đến ngày giỗ chạp mới thắp hương, cứ thấy trong lòng bồn chồn là thắp, bà hiểu là nó về.
Những tấm ảnh được lồng trong khung kính, được giữ gìn như giữ một sinh mệnh. Ở một góc khung có gài mảnh giấy báo tử nay chả chắc ai đã đọc nổi vì quá lâu rồi, chữ nghĩa mờ hết rồi. Dán mắt dò dẫm đọc thấy có ghi đủ tên tuổi quê quán liệt sĩ, ngày tháng hy sinh, tại mặt trận phía tây nam, nghe vừa rõ ràng, lại vừa chưa có gì là rõ ràng. Thời gian không để bất cứ gì được yên ổn, nó đang gặm nhấm những tấm ảnh, nó đang làm nhòa ố mọi khuôn mặt, sờ vào mỗi tấm ảnh ấy nghe ram ráp như tự nó đang mủn ra.
Rất nhiều bức đã phải mang lên phố để vẽ lại, gọi là truyền thần. Quân hàm quân hiệu lấp lánh, huân chương huy chương đỏ rực, nhưng phàm những gì được tô vẽ thêm thắt thường hóa ngờ nghệch dài dại thế nào. Hôm mang tấm hình vẽ lại về tưởng bà mẹ mừng, nào ngờ bà òa khóc, bà kêu lên đau đớn, đây không phải thằng bé nhà tôi. Anh thợ vẽ quát lên nghe trợn trạo, thế không phải con bà thì con hàng xóm à, bà định bắt đền ai bây giờ, tôi vẽ kể đã hàng nghìn bức có ai phàn nàn nổi một câu, bà lẫn mất rồi, quên quên nhớ nhớ mất rồi, bà hãy tập trung tư tưởng nhìn thật kỹ mới được, hội họa không phải là ảnh, nó là nghệ thuật bà có hiểu cho cháu không. Bà mẹ vẫn chưa hiểu nhưng thấy anh họa sĩ có ánh mắt hơi dữ, hơi có giọng trấn áp nên bà sợ và đành bằng lòng nhận lại tấm hình. Cũng có khi ở dưới ấy, dưới âm, người ta mỗi năm một già đi, chả trẻ mãi được. Dương sao âm vậy, bảo họ trẻ mãi tuổi hai mươi là nói xằng. Cho nên con bà cũng phải già đi, già đi thì phải khác đi, khác đi là khó nhận ra, anh họa sĩ của trung ương có khác, nóng tính thế nhưng bụng dạ chả có ý gì.
Buổi Phát thanh Quân đội Nhân dân, Truyền hình Quân đội Nhân dân tuần nào cũng có tiết mục đi tìm đồng đội, ai biết phần mộ liệt sĩ ở đâu? Nhắn ròng rã mấy chục năm trời, cô gái ngồi nhắn tin thuở nào hỏi thăm nay đã thành bà đại tá về nghỉ hưu, thành bà nội bà ngoại. Có gần chục cô khác đã lần lượt thay nhau ngồi vào cái ghế mà cô từng ngồi, và đều đọc những lời nhắn thiết tha như cô ngày nào đã đọc, nhưng nhắn thì cứ nhắn chứ chả hy vọng là mấy, niềm hy vọng trong lòng bà mẹ cứ ngày một vợi dần. Thời gian nó làm nguội lạnh nhiều thứ lắm.
Nói cho cùng thì đấy là nhắn cho người đang còn sống dễ sống, nhắn như để nhắc nhở những người sống liều liệu mà giữ gìn, mà ý tứ lễ phép, chớ có buông tuồng quá, tham lam nhặt nhạnh nhiều quá, vợ chồng con cái nghe chừng có phần ít nết na, có phần nỗng, rất nhiều dị nghị, khó nhìn. Cái cánh cửa quá khứ đang còn rất nặng nề, rất khó khép lại, mà ai dám khép lại.
Ngày vào Sài Gòn, nhạc sĩ Hoàng Tạo cùng đi với một đoàn pháo cao xạ, ngang qua vùng Quảng Ngãi họ dừng lại để ăn cơm trưa. Lính tráng từng tốp năm bảy anh ngồi thụp ngay vệ đường, bên bệ pháo, vây quanh một chậu cơm lẫn cát, một đĩa cá khô mặn mọt. Đấy là đất Bình Sơn, quê hương Hoàng Tạo. Hạt cơm lẫn cát, miếng cá mặn mòi lẫn cát chỉ ở quê anh mới nhiều. Nhạc sĩ là một người nhuần nhị âm thầm, nghĩ ngợi nhiều hơn nói, lại vụng về trong giao tiếp, cho nên vừa ngồi nuốt những miếng cơm khô khốc cùng anh em, anh vừa đưa mắt ngầm nhìn lên con đường, nhìn lên những vườn cau, những dòng người từ các xóm xung quanh đang đổ ra vây lấy các anh. Anh cứ lặng thinh chẳng nói năng gì, đồng đội cũng chẳng một ai biết đấy là anh đã về tới quê hương sau hai chục năm đi xa. Người đâu có người lại lù mù đến thế. Trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong âm nhạc, chưa một lần người ta thấy Hoàng Tạo nói to, reo to lên những tiếng như là ôi quê hương, ôi Tổ quốc, âm nhạc anh dịu dàng sâu lắng, những giai điệu rất đẹp, khó nhọc tìm tòi và rất không dễ hát.
Buổi ấy đứng lẫn trong đám bà con vây quanh các anh để xem các anh ăn uống, có một nhà chị lặng lẽ đưa mắt lướt qua từng khuôn mặt rồi sau cùng chị dừng lại đăm đăm nhìn vào Hoàng Tạo. Không có đôi mắt nào lại sắc và nghiêm như đôi mắt của người đàn bà Quảng Ngãi. Một nhà thơ cựu chiến binh Mỹ, nguyên là lính sư đoàn bộ binh số 23 Tia chớp nhiệt đới đã từng có lần nói với tôi như thế.
Rồi chị ta chen xấn vào, nắm lấy cổ áo Hoàng Tạo kéo anh dậy. Cậu Tạo về đây rồi, thằng em tôi nó đây rồi. Một người đàn bà gày xương xương, vành môi cắn chỉ nhai trầu, mái tóc có đường ngôi giữa, tóc mỏng chải ngược bó sau gáy, trán tròn xoe như quả dừa xiêm. Nhác trông đã thấy hết sức gan góc và rất bướng nữa, tất nhiên là đầy tháo vát và tự tin. Một người như thế sẽ không bao giờ chịu nhầm lẫn, không nhầm lẫn bởi vì không nhìn nhầm, không nghĩ nhầm. Cậu cứ đứng yên đây kẻo lạc mất, chị ra lệnh, đợi chị chạy về dẫn mẹ ra ngay, mấy ngày nay mẹ cũng đang quanh quẩn ở đây.
Nhà chị nằm ven con lộ Một, gọi là chợ đường cái. Có lẽ không cần phải viết hoa tên chợ ấy vì ở đâu mà chẳng thấy có chợ đường cái, dọc những con đường tôi đi qua, trên khắp nước từ Nam ra Bắc chỗ nào cũng thấy có chợ đường cái. Họp quàng một lúc, nơi họp vào buổi sáng nơi họp vào buổi chiều, họp xong đường lại trả đường.
Chỉ mươi phút sau người chị đã dắt mẹ ra, họ vừa đi vừa chạy, anh em giục Hoàng Tạo mau ra đón bà cụ đi, kia rồi, bà cụ đã ra kia rồi, nhưng Hoàng Tạo vẫn cứ đứng đó như bị đóng đinh giữa đường, hai bàn tay nắm chặt để trước bụng như đang bị trói và anh khóc, ngày hôm đó chính người nhạc sĩ đã khóc chứ lại không phải hai người đàn bà. Ôi những người đàn bà Quảng Ngãi, những người đàn bà lớn lao, có bao nhiêu yêu thương dịu dàng đều đã trút cả cho con em của họ. Họ đâu có cần biết con cái họ đã làm công việc cụ thể gì trong quân ngũ dù là cấp bậc gì, ông nọ bà kia gì thì tất cả vẫn mãi mãi chỉ là những đứa con, đứa em của họ mà thôi. Những đứa con, đứa em luôn luôn nhỏ bé, bao giờ cũng nhỏ bé.
Hoàng Tạo về nghỉ hưu sống với vợ con tại Sài Gòn đã trên mười năm, bỗng một hôm anh vùng dậy leo lên một chuyến tàu thủy để ra thăm các chiến sĩ ngoài Trường Sa. Chả là anh vừa làm xong một bài hát có tên là Lính đảo hát tình ca, anh muốn ra đó một chuyến dối già, đứng cầm đàn hát cho đồng đội nghe trong tiếng sóng và tiếng gió đại dương. Nào ngờ lúc đang đứng hát thì một cơn đau tim bất ngờ ập đến, anh qua đời trong một chuyến đi đầy lãng mạn. Người ấy có một cách sống đẹp và cũng đã tìm được cho mình một cách đi đẹp, rất hiếm có.
Vừa rồi nghe tin Hoàng Tạo được trao giải thưởng Nhà nước vì có những đóng góp xuất sắc cho nền âm nhạc nước nhà, tôi nghĩ bụng người ấy mà chưa được thì liệu còn ai được.
Rồi tôi lại nhớ đến bóng dáng những người đàn bà Quảng Ngãi, bóng dáng mẹ anh chị gái anh đang tất tả chạy lên đón anh trên con đường ngày nào anh về qua quê nhà.
Mà đâu phải chỉ có bóng dáng các bà các chị ở Quảng Ngãi và đâu phải chỉ mình Hoàng Tạo mới có những bóng dáng ấy. Bóng dáng người thân, bóng dáng đất nước, với những ai có lương tri, có thiện căn đều đã mang suốt đời, đó chính là đôi cánh tinh thần dẫn dắt ta bước qua mọi cám dỗ, mọi thử thách trong mỗi bước đi, mỗi ngày sống. Cũng vào dịp ấy, có một người lính tuổi ngoài ba mươi đã một mình đứng ở sau chiếc xe Gát hậu cần của bộ đội xe tăng, đứng đấy khóc anh mình, khóc thương người anh đã ra đi ở chính mảnh đất mà hôm nay mình đang qua. Đứng đấy khóc trong khi anh em đồng đội đang lố nhố chạy đi chạy lại rất đông ở xung quanh. Người lính đứng khóc buổi trưa hôm ấy là nhà thơ Hữu Thỉnh. Trưa một ngày Phan Thiết có anh tôi, biển thì mặn mà anh tôi thì khát... Em đã qua những cơn sốt anh qua, em đã gặp trận mưa rừng anh gặp, vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết, em một mình đứng khóc ở sau xe.
Sẽ không thể có những câu thơ như thế nếu không có những trưa như thế, và có thể cũng sẽ không có một Hữu Thỉnh hôm nay nếu trưa ấy anh vẫn có mặt ở nơi ấy nhưng không biết khóc.
Một ngày tưởng chỉ có vui, ấy vậy mà Hoàng Tạo đã khóc, Hữu Thỉnh đã khóc và tôi nghĩ mỗi chúng ta đều đã khóc. Chúng ta khóc vì bóng dáng những người thân, dù còn sống hay đã mất tất cả đều đã dồn về, cùng chúng ta bước lên một ngả mới mà lịch sử dân tộc đang mở ra.
Bằng cách nhìn minh mẫn giàu trí tuệ, bằng trái tim người chiến sĩ rộng lớn yêu thương và kiêu hãnh, vị tướng chỉ huy cuộc mít tinh mừng ngày đất nước hoàn toàn thống nhất tổ chức giữa Sài Gòn ngày 15 tháng 5 năm 1975, đã nói, “Tổ quốc đã chiến thắng, Việt Nam đã chiến thắng, không có người Việt Nam nào thua trong cuộc chiến tranh này!”. Đó là ngày hội tưng bừng của một Sài Gòn chính thức bước vào kỷ nguyên mới. Một Sài Gòn kiên trung bất khuất và hết sức sang trọng. Người ta ngẩng lên nhìn kỳ đài cờ hoa rợp trời, dàn kèn đồng thổi những bài hành khúc có từ ngày 23 tháng 9 năm 1945. Và người ta lên tiếng hỏi nhau, ai đang nói mà nghe hay vậy, vị đó tên chi vậy? Tổ quốc Việt Nam chiến thắng, không người Việt Nam nào thua trong cuộc chiến này. Trời ơi nghe ông ấy nói mà tôi cay mắt muốn khóc đó.
Vị tướng ấy có tên là Trần Văn Trà, ngày đó ông làm Chủ tịch ủy ban quân quản thành phố. Và cũng xin nói thêm, ông cũng là một người con của mảnh đất nghèo Quảng Ngãi.
Vào cái ngày quân giải phóng tràn ngập thành phố Sài Gòn, có một người con của vùng lúa Thái Bình, trung úy bộ đội tăng - thiết giáp Bùi Quang Thận đã trở thành anh hùng với kỳ tích cắm cờ lên nóc Dinh Độc lập. Còn Chính ủy lữ đoàn ấy, thượng tá Bùi Tùng là người đã kê chiếc túi dết da bò lên bậu cửa sổ tòa nhà tráng lệ kia để thảo văn bản đầu hàng cho vị tổng thống bất đắc dĩ Dương Văn Minh kịp thời đọc vào chiếc máy ghi âm do một nhà báo Tây Đức cho mượn.
Khi cuốn băng được mang tới phòng bá âm đài phát thanh Sài Gòn, các nhân viên trực tại đấy đã nói với chiến sĩ ta, chúng tôi đã đợi các vị từ sớm nay. Tưởng như bất kỳ ai cũng đều lường tính được tình hình ắt sẽ phải diễn ra như thế. Một ngày sẽ đi vào lịch sử dân tộc như một cái mốc không thể nào quên đã diễn ra một cách ôn hòa, khiến những người khách nước ngoài ở lại thành phố không khỏi ngỡ ngàng, họ kinh ngạc trước một toàn cảnh của Việt Nam mới mẻ và hấp dẫn, người ta thấy cần phải hiểu Việt Nam nhiều hơn và hiểu bằng một cách nhìn cách nghĩ khác.
Ông Minh là một viên tướng có học và có tâm, nhưng đúng là ông cũng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện sẽ có một ngày mình phải đứng ra đọc một văn bản đầu hàng do chính đối phương thảo hộ. Lại như anh Bùi Tùng, một sĩ quan chỉ huy của binh chủng cơ giới, học hành đã nhiều, nếm trải không ít, sinh tử trận mạc không thiếu, nhưng cũng chưa bao giờ anh có thể nghĩ đến chuyện sẽ có một ngày tự mình phải xoay sở giải quyết một công việc động trời như vậy. Đấy là việc chuẩn bị cho sự đầu hàng của một nhà nước đã lỗi thời, đấy là việc khai tử cho một chính thể đã không còn sức sống.
Tự cổ chí kim, vô tiền khoáng hậu, trong hàng vạn kho lưu trữ, trong hàng vạn thứ hồ sơ văn bản, không thấy một văn bản nào lại như văn bản mà anh đã viết cho ông Minh đọc hôm đó. Trên đời này có biết bao nhiêu nhà văn bản học, nhưng chỉ anh mới tạo ra một văn bản đặc biệt, nó vượt qua mọi quy chế, mọi mẹo mực thể thức. Nó rành mạch nhất, dễ hiểu nhất và giản dị nhất. Anh lấy một tờ giấy trắng trong cuốn sổ công tác, tờ giấy thẫm mùi mồ hôi lính, và anh điềm tĩnh đặt bút: “Tôi, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tuyên bố...”.
Anh Bùi Tùng đặt bút viết những chữ vàng ấy trong lúc các chiến sĩ của mình đã lăn ra ngủ trên khắp những hành lang dài hun hút, họ nằm ngổn ngang đầu gối lên balô, lên súng, lên cả những hòm đạn, ngủ mà mồ hôi vẫn chảy ròng ròng khắp mặt khắp cổ. Những khuôn mặt măng tơ, những khuôn mặt dầu dãi, áo quần tất cả đều lấm láp, đó là những tấm áo chiến bào của trên nửa thế kỷ trường chinh gian khổ.
Không gì bề bộn bằng lịch sử, nhưng cũng không gì kỹ lưỡng bằng nó, chính lịch sử đã lựa chọn ra người thảo văn bản và người đọc văn bản buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Một ngày tốt lành, một kết thúc có hậu trong tinh thần Việt muôn đời, để sau nhiều năm nhìn lại con cháu không phải ngậm ngùi tủi hổ về cha ông nó.
ít người biết cách đó hai ngày lữ đoàn tăng trên đường hành quân thần tốc đã có lúc dừng lại ít phút ở một cái chợ cũng được gọi là chợ đường cái, nhưng là chợ đường cái Quảng Nam. Anh Tùng đã được gặp mẹ giữa đám đông bà con đang từ các ngả đổ ra. Họ đi đón các anh, họ đổ ra đường là để tìm những người thân. Mẹ già cầm tay người con trai sau hai chục năm xa cách và rưng rưng, bà kêu thất thanh “Ông Trời ơi, thằng con tui nó về đây nè!”. Có thể là lời kêu chan hòa nước mắt ấy của bà đã thấu đến trời, ông Trời mỉm cười ghé mắt nhìn xuống cái dải đất hẹp một bên là núi dài một bên là biển rộng kia và ông quay sang truyền lệnh cho một vị thái thượng lão quân râu dài tóc bạc nào đó ngồi trước một đống sách cao như núi, hãy ghi ngay tên thằng nhỏ vào sổ thiên tào, cắt cử nó phải làm một công việc nghìn năm có một.
Sự thực anh con trai bà đã làm nổi việc đó bởi vì anh là một chiến sĩ quân đội nhân dân, nhân dân đẻ ra các anh, nhân dân nuôi dạy các anh, không phải thế các anh sẽ không thể thi thố được gì hết, các anh lại càng không phải thần thánh chi hết! Cũng nên nhớ đây là một lời hẹn mang tính chân lý của lịch sử, là một lời thề trước non sông đất nước, lời thề danh dự của một đội quân, của một Đảng. Trên chúng ta còn có tổ tiên, còn có dân tộc, còn có Tổ quốc.
Bùi Quang Thận nhận lệnh nhảy khỏi xe, băng qua khoảng sân rộng lát đá, ôm theo lá cờ lấm láp bụi đường, bước nhanh lên những bậc thềm cao. Lúc bấy giờ gần như đông đủ các quan chức chủ chốt của chính quyền Sài Gòn đều đã có mặt, họ đứng thành một hàng ngang dưới bậc thềm thấp nhất, hết sức chỉnh tề, im lặng và ý tứ.
Khi bước tới chân cầu thang, ngẩng lên Thận đã nom thấy bóng một đồng đội đang vác một cây cờ lớn dũng mãnh như một cơn lốc cuốn phía trên đầu anh. Cũng chưa rõ là đơn vị nào, chỉ đoán là một đồng chí thuộc cánh bộ binh. Giữa giây phút nhiều phân vân, có bàn tay ai đó đặt lên vai anh: “Sao không dùng thang máy lên cho nhanh”. Rồi người đó đẩy anh vào một cái hòm kín như bưng. Thang máy vẫn chưa lên được vì hai cánh cửa còn đang cắn chặt đầu cán cờ của Thận, anh cố hết sức kéo ra mà không sao kéo nổi. “Mắc vậy làm thế đâu có được”. Người ấy vừa ôn tồn nói vừa lấy ngón tay ấn nhẹ vào một núm điện, lập tức cánh cửa từ từ nhả ra. Rồi họ được nhấc bổng lên như có một phép thần. Lúc họ bước ra mảnh sân thượng vắng vẻ, đàn bồ câu thấy động đập cánh bay vù vù. Cột cờ trên nóc dinh cũng có hệ thống điều khiển tự động rất hoàn hảo, ấn vào một núm điện thế là cờ cũ tụt xuống, lại ấn vào một núm khác thế là cờ mới bay lên. Lúc Thận lúi húi gấp nhanh lá cờ cũ nhét vào túi dết bên sườn thì cũng là lúc anh bạn bộ binh từ trong cầu thang nhô ra. Lịch sử là thế, hết sức thần tình và hết sức khó hiểu. Hình như nó có cách xui khiến cho người được nó lựa chọn gặp một chút may mắn nào đó, chỉ một chút thôi, vậy là quá đủ.
Anh chiến sĩ vác cờ chạy bộ trên cầu thang ngày đó đâu phải tầm thường, đó là một con người có thừa lòng quả cảm, ý chí tiến công cao, ý chí lập công ở anh là một ý chí xung thiên, khả năng chọn lựa thời cơ cũng rất chuẩn, chỉ những người lính xuất sắc nhất, đã dãi dầu trận mạc, có mang trong mình bản lĩnh của những bậc tướng lĩnh tương lai mới có thể cả quyết lao lên trong cảm khái chiến thắng như anh đã lao lên ngày hôm đó. Tưởng như cái vinh quang làm người cắm cờ kết thúc một cuộc chiến kéo dài đã nằm trong tầm tay, vậy mà chỉ vài ba tích tắc, anh bỗng thành kẻ đến muộn. Biết làm sao, sẽ còn phải mất nhiều thời gian, nhiều ngày nhiều năm nhiều tháng, cái hẫng hụt này mới được lấp đầy. Cũng không sao, cũng chưa có gì gọi là quá ghê gớm, ở đời còn lắm chuyện lớn hơn nhiều, chuyện cắm cờ dẫu có vinh quang nhưng chưa phải đã là lớn nhất, cái lớn lao hơn hết là buổi ấy mỗi người chúng ta đều đã có cơ hội được nhìn thấy cái cỗ máy đất trời chuyển động, nhìn thấy một nửa dân tộc mình trở về trong một ngày Tổ quốc hoàn toàn thống nhất. Và hơn ai hết những người lẽ ra đáng phải được trông thấy ngày vui này, đáng hơn mọi chúng ta, nhưng họ đã không bao giờ còn được thấy, đó là các anh các chị, những đồng đội, những người đã ngã xuống dọc con đường dài nhiều máu và lửa suốt những thế kỷ quật cường vừa qua.
Thế còn cái người đã từng góp một tay giúp anh Thận trong việc cắm cờ, người ấy là một nhân viên phục vụ ở phủ Tổng thống, nơi có lúc chúng ta từng quen gọi là sào huyệt cuối cùng, hang ổ cuối cùng. Người ấy nay đang còn sống, ở nước ngoài, cũng đã già lắm rồi, nhưng chuyện trò nghe ra vẫn rất hóm hỉnh, ông vẫn hay kể lại chuyện này như một kỷ niệm đẹp và luôn luôn hỏi thăm các anh.
Ông ta nói giành độc lập tự do rồi, lại phải lo sử dụng được tự do, độc lập làm sao ích nước lợi dân, giành là một việc, dùng nó như thế nào lại là một việc, cũng không thể bảo việc nào khó hơn việc nào, hình như là cả hai việc đều rất khó. Có độc lập tự do mà không biết sử dụng nó cho đúng cho tài thì trước sau cũng lại để mất, có nhiều cách đánh mất độc lập tự do.
           Đ.C
Đỗ Chu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 176 tháng 05/2009

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

2 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

2 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

2 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

2 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground