Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bữa cơm chiều cuối năm của mẹ

T

ôi nhớ, đã đọc lâu lắm, một đoạn văn của Raymond Beach, viết, đại ý trả lời cho câu hỏi của một nhà giáo dục danh tiếng, khi thấy những đứa con của một người mẹ đã thành công một cách vinh dự trên đường đời, rằng, bà đã làm gì trong công việc giáo dục con cái bà? Bà đã dìu dắt con bà một cách thực tế như thế nào trong cuộc đời? Người mẹ đã một mình làm trọn sự nghiệp phức tạp ấy trả lời một cách gọn gàng giản dị: “Tôi không biết”.

Dĩ nhiên, nhà giáo dục kia không hài lòng với câu trả lời đó, gặng hỏi. Một người mẹ có chồng chết sớm, để lại mười đứa con nhỏ, đứa lớn chưa đầy mười lăm tuổi, tiền của eo hẹp, người đàn bà ấy phải làm gì? Người mẹ ấy đã không làm gì cả. Bà chỉ “xét lại lương tâm. Khi xét mình, tôi đã thấy: cần phải tu chỉnh, cải tạo đời sống mình trở nên khá hơn, có nhiều đức tính thêm. Tôi làm ngay… Rồi cứ thế mà tiến…” Raymond Beach không tra cứu thêm, người mẹ ấy đã tu chỉnh, cải tạo những gì. Nhưng chỉ ngần ấy, tôi đã lặng đi trước sự huyền diệu - đơn - giản ấy của người mẹ kia. Một người mẹ đã lấy cả lương tâm của mình để sống, để chỉ bảo, dạy dỗ những đứa con nên người. Lòng người mẹ đủ rộng, tình người mẹ đủ ấm. Để có chỗ cho những đứa con lớn lên, đủ đầy và sung túc, trong nghĩa lớn nhất của tình cảm và tinh thần. Nên mười đứa con vinh hiển trên con đường đời là điều có thể hiểu.

Nên một hôm, tôi đã bật cười trước dòng trạng thái trên trang cá nhân của một người bạn đang ở xa nửa vòng trái đất. Mom! although you are always in my heart, I burned myself by a fond remembrance of you! (Mẹ à! Mặc dù mẹ luôn ở trong trái tim con, con vẫn rất xúc động khi nhớ về một ký ức trìu mến cùng mẹ)Dường như, sự mềm yếu trong con người ấy, không đủ sức giấu đi, khi gọi điện về nhà, được mẹ báo tin, hôm nay, mẹ vừa tìm được cho con một thức ăn mà con hằng thích, rồi mẹ sẽ tìm cách gửi qua cho con. Tôi hình dung khi câu chuyện ấy đang diễn ra, thì đôi dòng lệ của người con ấy đã trào ra, tuôn chảy. Người đàn ông nửa đời lì lợm với bao giông bão cuộc đời, một mình lầm lũi đi những nơi người ta tránh, ở những nơi người ta chê, tưởng như nước mắt không còn chỗ để lăn ra, nhưng mỗi khi giọng người mẹ thủ thỉ bên tai, thì nước mắt ào ào tuôn chảy. Mẹ đã làm gì cho con? Không, người mẹ ấy không - làm - gì cả. Chỉ tự mẹ sống như thế, rồi tạo ra con, tạo ra lòng thương yêu vô bờ bến. Để rồi đi đâu, con người ta cũng muốn quay về.

Nhà tôi ở vùng quê, những chiều cuối năm, mẹ tôi thường xách giỏ đi chợ, lựa cho được những thứ thật tươi, thật ngon, và phải thật đẹp, để sửa soạn bữa cơm chiều cuối năm cho gia đình. Cũng có lúc, một bữa chợ chưa mua được những thức vừa ý, mẹ tôi phải đi thêm nhiều bữa sau. Nhìn cái kiểu lựa của bà, cách nâng lên đặt xuống, rất nhẹ nhàng, dịu dàng, khiến người bán khó mà mở lời trách, nhưng để mua thì không dễ. Đây là thứ cúng kiếng, không được phạm! Chỉ cần bà buông ra câu nói nhẹ nhàng đó, thì đắt cũng không được, mà xấu cũng không xong. Người bán sẵn lòng đưa ra cả những món còn cất dưới thúng cho bà lựa. Ít thôi cũng được, nhỏ thôi cũng không sao. Nhưng phải đẹp, phải sạch.

Rồi nữa, mỗi món trong bữa cơm chiều cuối năm ấy, phải tiện đâu mua đó được đâu. Thời buổi siêu thị cửa hàng đủ kiểu mọc lên như nấm với các dòng chữ in trên băng rôn hấp dẫn đảm bảo thực phẩm sạch này kia, vẫn không lay chuyển được lòng tin của mẹ tôi. Với bà, món đó phải mua từ người bán đó, bất di bất dịch. Bà tin, khi bà chỉ ngồi ở nhà, sai tôi qua chợ, đến đúng hàng o nớ, nói tên bà ra, thì thứ chi tốt đẹp nhất trên đời, người ta sẽ để dành cho bà, đưa cho bà bằng tất cả những tín cẩn của mấy mươi năm trên đời bà đã từng sống gộp lại. Mua chỗ khác, dẫu có ngon bằng trời, thì chỉ cần thoáng qua, hẩy lên, nếm thử, là phẩy tay bỏ qua một bên.

Người xưa họ quen dùng cái vị ngày xưa mất rồi.

Khi tất cả những thức đã chuẩn bị xong xuôi, nhà cửa vườn tược đã sạch sẽ, bàn thờ gia tiên các vị đã tươm tất, mẹ tôi để dành nguyên một ngày ba mươi Tết, chỉ để nấu một bữa cơm cho gia đình. Thuở mới về với mẹ, tôi ngạc nhiên vô cùng khi nhà tôi đã cúng tất niên mấy ngày trước đó, những tưởng ngày ba mươi, sẽ được thong dong lên phố, ngắm hoa, ngắm người lại qua và tận hưởng không khí ngày cuối năm của riêng mình. Nhưng tôi đã khựng lại, khi nghe mẹ tôi dặn, ngày ba mươi, con ở nhà làm cơm với mạ. Cúng tất niên là mời ông bà tổ tiên về ăn Tết, chừ đến ba mươi, không có được bữa cơm, ngó răng được.

Một mâm cơm xứ này, đến giờ, vẫn dùng những chén dĩa nhỏ xíu, đậm màu men của hoa văn với những món ăn được cắt tỉa nấu nướng kỹ càng. Tôi không muốn nói từ “kỳ công”. Mẹ tôi không thích từ ấy. Với bà, mọi việc lớn nhỏ phải được làm kỹ càng, không làm dối, không làm ẩu, không làm lấy được, không làm cho có. Phải tỉ mẩn, cái chi ra cái nấy. Nên hẳn nhiên là đẹp, là tươm tất. Chứ không phải kỳ công. Ai bắt ai đòi mô mà kỳ công! Mẹ tôi thường thở dài mà nói vậy, mỗi khi có đứa con nào tỏ ý nóng vội hay đùn đẩy.

Rồi bữa trưa hôm ấy, những đứa cháu con dâu rể nội ngoại, tề tựu đông đủ nhà trên, bữa cơm mới được bắt đầu. Mược chiếc áo the đen của ba tôi để lại, bà thành kính dâng hương, trìu mến nhắc từng đứa con, đứa cháu, mặc áo dài vô cho tử tế, mà thắp hương cho ông bà. Những vòng nhang khói tỏa trên bàn thờ, quyện mùi hương trầm dìu dịu, và hương của những bông hoa ngày Tết… tất cả, quấn quyện nhau lại, thành một mùi khó tả, không thể lẫn vào bất kỳ nơi đâu, thấm sâu vào ký ức của mỗi thành viên trong gia đình.

Nhà chồng tôi, một nếp nhà xưa cũ vẫn còn giữ những bữa cơm chiều ba mươi như thế. Thành thử, mỗi năm, những đứa con trong gia đình dù đi đâu, cũng thu xếp cho được, để về với mạ. Về chỉ để cùng nhau ăn một bữa cơm, cùng nhau kể lại những vui buồn được mất năm cũ. Về nhìn đủ mặt cháu con đặng biết nếp thời gian trôi qua mắt mạ nhưng cũng đủ để mỗi đứa lớn lên kịp theo bầy.

Cũng như nhiều ngôi nhà khác, có nhiều người mẹ khác trên trái đất này, họ luôn giữ vững lương tâm, không làm gì cả, đúng hơn, không cần làm thêm điều gì cả, chỉ cần nhớ đứa con nào tâm tính ra sao, nhớ thức ăn nào đứa con mình tha thiết, vẫn tự tay chuẩn bị những bữa cơm chiều ba mươi như vậy, để gìn giữ tấm lòng, gìn giữ tình yêu thương trong những mái nhà. Chỉ cần như thế, những đứa con của họ cũng sẽ lớn lên và vinh hiển trong cuộc đời này.

Đ.H

 

 

 

 

Đông Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 292 tháng 01/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground