Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cách mạng Tháng Tám đã khai sinh Trung đoàn 95

X

in lùi khoảnh khắc thời gian về trước để nói vài sự việc có liên quan đến Trung đoàn 95 sau này.

Sau ngày Nhật hất cẳng Pháp (09-3-1945), trong đồn lính Khố Xanh(1) Quảng Trị đã nghe rầm rì bàn tán mấy danh từ quan trọng: Đồng minh, Việt Minh, Stalin, Nguyễn Ái Quốc, Lê Nhuận,… nhưng mãi đến đầu tháng 8-1945 mới có liên lạc với Mặt trận Việt Minh qua đầu mối liên lạc với Đội trưởng (cai) Trần Xuân Tạc, quê ở làng La Hà tỉnh Quảng Bình; nhóm tôi gồm Phó Quản cơ Nguyễn Can, Suất đội Trần Hòa, Đội trưởng Trần Xuân Tạc và tôi Suất đội Lê Đình Bá (quê làng Hà Thượng, Gio Linh).

Đêm 22-8-1945, Trần Xuân Tạc đi nhận lệnh, lúc này không qua liên lạc trung gian mà được trực tiếp làm việc với đồng chí Trần Mạnh Quỳ (quê ở Long Hưng, Hải Lăng, cán bộ lão thành cách mạng đã nghỉ hưu ở Hà Nội). Giờ phút trọng đại đã đến, chúng tôi cấp tốc phân công nhau: Phó quản Nguyễn Can ở lại trại giữ  “án binh bất động”, các giá súng khóa lại, kho vũ khí do Binh nhất Uynh giữ chìa khóa phải quản lý chặt; binh lính không được ra khỏi trại. Lê Đình Bá và Trần Xuân Tạc dẫn khoảng 30 người lính đã được tuyên truyền từ trước ra khỏi thành đến cánh đồng Hạnh Hoa (phía cửa hậu thành Quảng Trị) gặp cấp trên để nhận nhiệm vụ. Hai giờ sáng ngày 23-8-1945 chúng tôi lặng lẽ vượt ra khỏi thành, tôi ra trước, đến Cai Tạc và lần lượt ra vọng. Chúng tôi đến Phường Đệ Tứ (thị xã Quảng Trị) đã gặp người được giới thiệu là Tổng Tư lệnh khởi nghĩa, đến gần bắt tay, tôi nhận ra là người quen, ông Trương Linh (Ở quê gọi là ông Đội Mực) (quê ở Duy Phiên, Gio Linh).

Cai Tạc vào thành bảo “Quan Lãnh binh” (võ quan của Nam triều lúc đó) cho lính giản (lính Nam triều) ra mở cổng thành (Cửa Hậu)(2) để quân cách mạng vào chiếm lĩnh ngôi thành Quảng Trị. Số lính có mang súng được chia ra phối thuộc vào các đơn vị võ trang cách mạng.

Cổng thành mở, lực lượng võ trang cách mạng tràn vào như nước lũ, không tưởng tượng nổi, nào là trường kiếm, đoản kiếm, nào là đại đao, mã tấu, nào là đoản côn, dao găm với khí thế xung thiên, rung động cả ngôi thành.

Chẳng mấy chốc lực lượng cách mạng đã chiếm giữ hết thảy mọi cơ quan, công sở của chính quyền bù nhìn do Nhật dựng lên trước đó. Lúc đó quân Nhật còn đóng ở thị xã Quảng Trị, nhưng đã có đường lối khéo léo của Mặt trận Việt Minh nên quân Nhật không dám phản ứng.

Cách mạng đã hoàn toàn thắng lợi ở tỉnh ta, tôi nhận biết người Tổng tư lệnh khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Trị là ông Trương Linh; ông cũng là vị Chỉ huy trưởng đầu tiên của Chi đội Thiện Thuật lúc mới hình thành.

Những ngày tiếp sau cũng là những ngày sôi động ở thị xã Quảng Trị mà đỉnh cao là ngày 02-9-1945. Từng làn sóng người từ các phủ, huyện trong tỉnh trào vào thị xã để đón nghe “Lời Tổ quốc”. Máy thu thanh đặt ở trước nhà làm việc của Tòa sứ cũ, nhưng công suất yếu không bắt được làn sóng phát đi từ Hà Nội truyền lời Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ vĩ đại. Cụ Trần Hữu Dực phải dùng loa nói chuyện với hàng vạn người đang chờ đón lắng nghe từng lời từng câu rất quen thân nhưng cũng rất mới lạ của chính quyền cách mạng phát lên giữa thanh thiên bạch nhật.

Cách mạng mới thành công, ta chưa kịp tổ chức bộ đội thì tàn quân Pháp trước bị Nhật đuổi chạy vào rừng, nay ngóc đầu dậy mon men đánh phá vào biên giới phía Tây của ta; cách mạng phải tạm thời sử dụng một trung đội Khố Xanh do Trần Hoa và Lê Đình Bá chỉ huy, lên đó phòng bị trong thời gian ngắn.

Từ cuối tháng 8 đến trung tuần tháng 9-1945, cơ quan lãnh đạo của tỉnh ta chuẩn bị cho ra đời đơn vị chiến thuật đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Bộ phận quan trọng nhất là Ban chỉ huy Chi đội. Lúc mới hình thành, đồng chí Trương Linh làm Chi đội trưởng. Sau đó ít thời gian đồng chí Nguyễn Đăng Trình (quê ở Vĩnh Quang, Gio Linh nay tôi không rõ đồng chí về hưu ở đâu) từ Gio Linh về tỉnh thì đồng chí Trương Linh xin xuống nhận chức vụ Chi đội phó. Từ đó đồng chí Nguyễn Đăng Trình (bí danh là Tùng Lâm) làm Chi đội trưởng, Trương Linh làm Chi đội phó, Chính trị viên là đồng chí Trần Hoài Quang (quê ở Triệu Phong, về sau là Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang rồi nghỉ hưu ở đó). Ít lâu sau, đồng chí Trần Hoài Quang chuyển nhiệm vụ, đồng chí Trần Sâm làm Chính trị viên.

Thoạt đầu đơn vị được gọi là Chi đội Thiện Thuật, sau trở thành Trung đoàn Thiện Thuật và đến lúc sau nữa được gọi là Trung đoàn 95, một đơn vị Vệ quốc quân trong hệ thống Quân đội quốc gia Việt Nam.

Lúc đầu Chi đội có 3 đại đội, mỗi đại đội có 3 trung đội, mỗi trung đội có 3 phân đội, mỗi phân đội có 3 tiểu đội, về sau khi thành Trung đoàn (E95) thì chuyển thành 3 tiểu đoàn (d), mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội (c), mỗi đại đội có 3 trung đội (b), mỗi trung đội có 3 tiểu đội (a). Tiểu đội là đơn vị nhỏ nhất của quân đội. Vấn đề cấp thiết lúc đó là cán bộ. Hầu hết cán bộ lúc ban đầu của Trung đoàn 95 là được tuyển chọn trong những anh em cựu sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ đã rời bỏ hàng ngũ Pháp từ trước, hoặc được giác ngộ trong cao trào Cách mạng tháng 8 ra đảm nhiệm. Riêng cán bộ tiểu đội, ngay lúc Chi đội mới thành lập, cơ quan lãnh đạo đã chú ý mở lớp đào tạo cấp tốc. Lớp đào tạo này mở tại Hành cung trong thành Quảng Trị, do đồng chí Lê Bá Vận phụ trách, đồng chí Biên làm Chính trị viên, đồng chí Nguyễn Can và Lê Đình Bá làm Huấn luyện viên (đồng chí Lê Bá Vận quê ở Triệu Phong đã hy sinh tại Tây Gio Linh, đồng chí Nguyễn Can quê ở Vân Hòa, Triệu Phong đã qua đời ở thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Biên tôi không rõ). Chương trình huấn luyện gồm kỹ thuật chiến đấu cá nhân đến tiểu đội và trung đội chiến đấu, cố nhiên phải dùng binh thư của Pháp (Manuel d’ Infantrie) vì ta chưa kịp biên soạn. Cán bộ trung đội do Bộ Tư lệnh Liên khu đào tạo đưa xuống.

Nhờ đường lối dùng người đúng đắn của cấp lãnh đạo tỉnh ta lúc bấy giờ nên đơn vị mới hình thành mà cán bộ không thiếu, ngay mấy ngày đầu đã có hàng chục anh em có khả năng bố trí vào cấp chỉ huy tiểu đoàn và vài chục anh em có khả năng bố trí vào cấp đại đội lúc bấy giờ.

Chẳng bao lâu Trung đoàn đã định hình 3 Tiểu đoàn hoàn chỉnh quân số. Đó là tiểu đoàn 13 do đồng chí Lê Bá Vận chỉ huy; Tiểu đoàn 14 do đồng chí Nguyễn Can chỉ huy, và Tiểu đoàn 15 do đồng chí Lê Ngôn chỉ huy (Lê Ngôn quê ở Thượng Xá, Hải Lăng, đã qua đời).

Trung đoàn bộ cũng đồng thời được thành lập, gồm: Ban nhân sự, do đồng chí Quán phụ trách (tôi không rõ quê và hiện giờ ở đâu), Ban Quân báo do Phạm Ngọc Giám (không rõ quê và hiện nay ở đâu), Ban Quân nhu do đồng chí Đoàn Chi (đã hy sinh), Ban Quân giới do đồng chí Lê Liêu phụ trách (tôi không rõ quê, đã hy sinh). Tài vụ do đồng chí Tụng phụ trách (tôi không rõ quê, đã qua đời), Ban Liên lạc và vô tuyến điện có các đồng chí Võ Phi Loan (đã hưu trí đang ở Hà Nội), Trần Xuân Tạc (đã hy sinh) và đồng chí Thiều (trước ở xóm Miễu Đôi, Phường Đệ Tứ, Thị xã Quảng Trị, nay không rõ).

Về vũ khí, súng tuy còn thiếu nhiều, nhưng vấn đề cấp thiết là đạn. Một xưởng vũ khí được thiết lập ở vùng Tích Tường - Như Lệ (phía Đông Nam thị xã Quảng Trị) để chế thuốc súng, đúc đầu đạn, gò lại vỏ đạn cũ các cỡ để phục chế đạn các cỡ, đúc lựu đạn và sửa chữa các loại vũ khí.

Thứ tự thời gian các việc nói trên có thể có lầm lẫn (mong đồng đội bổ sung, đính chính) nhưng ngày không thể quên được là 06-01-1946, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử nước ta. Đại đội 3 do tôi phụ trách thuộc tiểu đoàn 13 do đồng chí Lê Bá Vận phụ trách đã được bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I tại bàn phiếu phụ đặt Tchépone (trên đất bạn).

Như vậy là Tiểu đoàn 13 do đồng chí Lê Bá Vận chỉ huy đã ở trên đường số 9 từ cuối 1945 đến đầu 1946. Vào thời điểm đó trận đánh quân Nhật không chịu đầu hàng, gây cản trở cho ta tại cầu Thạc Thôộng (Tchépone). Trận đó do đồng chí Lê Bá Vận chỉ huy; Lê Đình Bá được chỉ huy mũi đột kích vào hỏa điểm mạnh nhất của địch. Ta toàn thắng, thu toàn bộ vũ khí. Đó là trận đánh đầu tiên của Trung đoàn 95, cũng là trang mở đầu cho lịch sử chiến đấu anh dũng, bất khuất của Trung đoàn.

L.Đ.B

___________________________ 

(1) Khố xanh: Một binh chủng do Pháp tổ chức gọi là Garde Indochinose (Bảo vệ Đông Dương), cũng có tên Corps bleue (Binh đoàn xanh) do đó gọi là lính Khố xanh.

(2) Thành QT có 4 cửa lớn: phía Nam: Cửa Tiền; phía Bắc: Cửa Hậu; phía Đông: Cửa Tả; phía Tây: Cửa Hữu. Ban đêm, 3 cửa Tiền, Hậu, Tả khóa bằng ổ khóa, chỉ có cửa Hữu (còn gọi là Tây môn) có cửa nhỏ ra vào do lính Nam triều gác.

Ý KIẾN BTV: Xin bổ sung một số tư liệu rút trong tập san. “Từ chiếc nôi cách mạng Bính Trị Thiên” do Ban Liên lạc Cựu chiến binh Mặt trận Bình Trị Thiên, Quân khu Trị Thiên - F325 tại TP Hồ Chí Minh ấn hành (1994).

Chi đội Nguyễn Thiện Thuật được thành lập ngày 19-9-1945 tại thị xã Quảng Trị do đồng chí Nguyễn Xuyến làm Chi đội trưởng, đồng chí Trương Linh làm Chi đội phó, quân số trên dưới 2000 người, trang bị 42 khẩu súng các loại Remington, Mousqueton, súng trường Nga, súng săn một nòng, 2 nòng. Thiếu súng đạn nên một số phân đội, trung đội trang bị toàn bằng đại đao. Sau đó, ta vận động quân Nhật ở chợ Phiên Cam Lộ chuyển giao cho ta được khoảng 30 súng trường, 2 súng cối 81 ly, 1 đại liên Hốtkít, 4 trung liên, 3 tiểu liên Sten, một số bom ba càng và đạn dược, vải.

Ngày 22-5-1946, thi hành Sắc lệnh 71 của Chính phủ về tổ chức Quân đội Quốc gia Việt Nam. Trung đoàn Vệ quốc quân Nguyễn Thiện Thuật được tập trung xây dựng thành Trung đoàn Vệ quốc đoàn 95 gồm 3 tiểu đoàn 13, 14, 15.

Trận chiến đấu thắng lợi đầu tiên của Vệ quốc đoàn Quảng Trị là trận tập kích vào Bản Keng - Tha - Mé (Tây Nam Tchépone) thu được toàn bộ vũ khí kể cả bản đồ và cờ hiệu Commando “Đầu cọp” của Pháp (tháng 10-1945).

Trong bài “Trương Đình Hội, một lãnh tụ Cần Vương (CV số 2/7-1994) ông Trương Đình Anh thắc mắc về danh hiệu Thiện Thuật. Trong tập san chúng tôi vừa dẫn, các đồng chí Hà Văn Lâu (nguyên Chỉ huy trưởng Mặt trận BTT và F325, Thứ trưởng Ngoại giao), Nguyễn Dưỡng (nguyên E phó 95, Chuẩn Đô đốc BTL Hải quân) thống nhất gọi tên Nguyễn Thiện Thuật (không phải lấy tên ông Trương Thiện Thuật tức Trương Đình Hội).

Nhân đây xin cảm ơn đồng chí Lê Thế Danh, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Trị đã nhiệt tình cung cấp tư liệu vừa nêu.


Lê Đình Bá
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 4 tháng 01/1995

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

1 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

1 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

1 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

1 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground