Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cảm nhận Ô Châu

Thực ra Quảng Trị ngày nay không chỉ là Ô châu xưa, bởi vùng đất này vào thế kỷ 10 là khu vực của bốn châu: Châu Ma Linh, châu Địa Lý, châu Ô, châu Lý. Nhưng khi đặt chân đến địa phận Quảng Trị tôi cứ muốn gắn nó với châu Ô, cứ muốn lấy châu Ô xưa gọi thay cho cả vùng đất này. Có thể vì châu Ô vốn hằn sâu trong kiến thức sử học của tôi là một Ô châu ác địa. Mà Quảng Trị hiện đại, Quảng Trị của thế kỷ 20 lại là một địa danh gợi nhắc sự khốc liệt của những ám ảnh chiến tranh.
 

Thế nên tôi muốn đồng nhất châu Ô với Quảng Trị.

Bên dòng Bến Hải

Chuyện kể rằng ở dãy Trường Sơn hùng vĩ phía tây Quảng Trị, tận biên giới Việt - Lào có một ngọn núi cao. Tại đây có nguồn nước thiên nhiên bốn mùa trong xanh, tiên nữ trên trời cao thường hay xuống tắm và khoả nước nô đùa. Một hôm đang tắm thì các tiên nữ phát hiện thấy có đám đàn ông trần tục đứng nhìn trộm. Tiên nữ xấu hổ quá vội bay về trời và giao cho thần Núi thi hành hình phạt đối với người trần gian bằng cách bất cứ người nào đi qua đây cũng buộc phải mang gông vào cổ để không được nhìn ngang, nhìn ngửa, ai không mang gông sẽ bị thần Núi vật chết. Từ đấy ngọn núi có tên gọi Động Mang. Nguồn nước ở trên núi Động Mang cũng vỡ ra, chia thành hai dòng chảy về hai hướng ngược chiều nhau. Một dòng chảy về phía tây qua đất Lào trở thành sông Sêbănghiêng, người Vân Kiều gọi là Dòng nước chảy ngược. Còn một dòng chảy về phía đông, xuôi được hơn 80 dặm thì gặp sông Sa Lung từ hướng tây bắc chảy vào. Hợp lưu cả hai con sông này chảy qua làng Minh Lương nên gọi là sông Minh Lương. Dưới thời vua Minh Mạng, do huý chữ “Minh” nên cả tên làng và tên sông đều đổi thành Hiền Lương. Khi người Pháp bình định Việt Nam, trên bản đồ đoạn thượng nguồn sông Hiền Lương họ đánh dấu và ghi địa danh: Bến Hai. Người dân đọc chệch đi và thế là từ đó dòng sông có tên gọi mới: Bến Hải. Sông Bến Hải dài gần 100km, nơi rộng nhất 200 mét, chạy dọc theo vĩ tuyến 17 từ tây sang đông, đổ ra biển tại Cửa Tùng. Tôi đã tìm đến đúng nơi con sông đổ ra biển và có mặt bên tấm biển đề dòng chữ: Sông Bến Hải km0. Cửa sông rất nhỏ, hai bờ chỉ cách nhau khoảng ba, bốn chục mét. Bờ bắc là xã Vĩnh Quang thuộc huyện Vĩnh Linh, bờ nam là thôn Cát Sơn thuộc xã Trung Giang huyện Do Linh. Ba chục mét chiều ngang của con sông đã trở thành biên giới giữa lòng đất nước suốt hai chục năm trời. Khoảng sông ấy thật phẳng lặng. Nơi gặp nhau giữa sông và biển đã tạo nên một khoảng mặt nước tĩnh đến nghi ngại. Bên phải tôi là dòng Bến Hải từ phía tây xuôi về. Theo phía ấy lên khoảng hai cây số là bến đò Tùng Luật, điểm giao thông vượt tuyến vô cùng quan trọng trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Lực lượng thanh niên xung phong 771 cùng quân dân các thôn Vĩnh Quang, Vĩnh Giang đã không tiếc xương máu để đảm bảo cho sự hoạt động liên tục của bến đò, chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam và đảo Cồn Cỏ suốt giai đoạn từ 1968 đến 1972. Trong vòng năm năm ấy bến đò Tùng Luật đã vận chuyển hai triệu lượt người, hàng vạn tấn hàng hoá, gần 80 ngàn lượt tàu thuyền đã qua lại nơi bến đò này. Có ngày cao điểm như ngày 25 tháng 5 năm 1968, bến đò Tùng Luật đã chuyển hai mươi mốt ngàn người qua lại sông Bến Hải với 145 chuyến đò cả thảy. Từ bến đò Tùng Luật tiếp tục ngược lên phía tây khoảng 8km nữa là cây cầu Hiền Lương lịch sử nối hai bờ Nam - Bắc. Cầu Hiền Lương khởi thuỷ là một cây cầu gỗ, cọc sắt chỉ dành cho khách bộ hành, mọi phương tiện cơ giới muốn qua sông đều phải đi phà. Trải qua hai lần nâng cấp vào các năm 1931, 1943 trọng tải của cầu cũng chỉ chịu được xe cơ giới loại nhỏ. Mãi đến năm 1950, cầu Hiền Lương mới được xây dựng bằng bê tông cốt thép và cũng từ đó số phận của cây cầu không ngừng thăng trầm, nổi trôi theo sự lên xuống của dòng Bến Hải. Vào những năm đất nước chia cắt, cây cầu này được vạch ở giữa dòng sơn trắng rộng 1 xăngtimét để làm ranh giới giữa hai miền. Những năm tháng ấy bờ Bắc, bờ Nam không chỉ đấu súng, đấu đạn mà còn đấu cờ đấu sắc. Đấu cờ là hai bên không ngừng nâng chiều cao của cột cờ ở đầu cầu bên mình lên, sao cho phải cao hơn cờ của đối phương. Còn đấu sắc là đấu màu sắc sơn trên hai phần cầu. Nếu địch ở bờ Nam sơn cầu màu xanh thì ta ở bờ Bắc cũng sơn phần cầu còn lại màu xanh, địch chuyển sang sơn cầu màu nâu, ta cũng sơn cầu màu nâu. Địch chủ trương phân biệt màu sắc, ta lại chủ trương thống nhất màu sắc. Dòng Bến Hải là biên giới máu thì màu sắc của cây cầu chính là khát vọng xoá nhoà ranh giới, thống nhất đất nước của nhân dân hai bờ.

Và cũng theo quy định của thời bấy giờ thì Cửa Tùng, nơi tôi đang ngồi nhìn ra cửa biển chung cho đồng bào hai bên bờ được ra vào đánh cá. Để kiểm soát ngư dân của hai bờ, bên này Vĩnh Quang có đồn Công an của ta, bên kia Cát Sơn là đồn Cảnh sát nguỵ. Mỗi đồn có mười sáu người, mỗi tuần có sáu người ở bờ này sang bờ kia hoặc ngược lại để tham gia kiểm soát liên hợp. Rất có thể nơi tôi đang ngồi xưa là khu vực của đồn công an giới tuyến. Bây giờ chỉ cần một nghìn đồng tiền đò là tôi có thể sang được bờ bên kia. Và tôi đã lững thững bước lên đò cùng với ba người đàn bà vừa đi chợ cá về. Sau vài ba phút ngồi đò máy, tôi đã đặt chân lên doi cát dẫn vào làng Cát Sơn. Cát Sơn có hai xóm là Nam Sơn và Bắc Sơn. Cả làng nằm trên cát. Có một con đường đất đỏ chạy giữa làng. Cát Sơn là một trong bốn thôn của xã Trung Giang thuộc huyện Gio Linh. Đàn ông trong làng hầu hết đều đi biển, còn đàn bà con gái thì ở nhà đan lưới, buôn bán và nội trợ. Cát Sơn cũng chính là nơi xảy ra những câu chuyện được lấy làm bối cảnh cho phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Chính vì thế tôi đã lang thang suốt một ngày ở Cát Sơn để tìm lại những con người ngỡ như chỉ tồn tại trong sách sử. Giữa lúc tôi đang phân vân trước một ngã rẽ khi đã lạc sâu vào trong làng thì thấy một phụ nữ trạc năm lăm tuổi đang ngồi vá lưới ngay trước cửa nhà. Người phụ nữ ấy hỏi tôi: “Chú ngoài Bắc mới vô hè?”. Tôi đáp: “Vâng ạ, sao chị biết tôi người Bắc?”. Người phụ nữ đó không ngẩng đầu, tay thoăn thoắt đan lưới, bảo: “Thì nhìn nước da là biết. Vô kiếm ai?”. Tôi đáp: “Dạ, vô chơi thôi, muốn kiếm vài ba người là du kích mật năm xưa mà khó quá”. Không ngờ người phụ nữ ấy ngẩng đầu lên và bảo: “Có chi mà khó, tui là du kích mật năm xưa đây, chuyện chi chú?”

Tôi đi qua một khoảng cát dài để vào nhà chị. Chị là Nguyễn Thị Hoa. Chị còn một người em gái nữa là Nguyễn Thị Hương cùng nằm hầm bí mật với chị. Khi biết ý định của tôi, chị Hoa kêu lên: “Ôi trời, chuyện ngày xưa thì kể đến khi mô cho hết?”. Nói thế nhưng rồi chị vẫn kể. Lại còn gọi cả em gái sang cùng ngồi nói chuyện với tôi nữa.

- Có một đoạn sông ấy thôi mà hai bờ sang nhau khó lắm. Người bờ Bắc bơi về mà bị bắt là cầm chắc cái chết. Còn người bờ Nam bơi thoát được sang bên kia là được đón tiếp, được cho đi học, đi chữa bệnh hoặc tái hợp với người thân. Bọn chị muốn sang với bờ Bắc lắm, nhưng nhà có bảy người thì bốn người sang bên đó rồi, bọn chị phải ở lại để hoạt động. Người dân hai bờ ngày ấy rất khổ, đi biển gặp nhau không dám chào, chỉ dùng ánh mắt để biểu lộ tình cảm thôi. Cho nên bọn chị mới hay dùng những câu ca, câu hò, điệu ví, lời ru để bày tỏ nỗi lòng với nhau.

Chị Hoa nói thế và cất cho tôi nghe một số câu hò mà chị còn nhớ. Chị còn biết hát ru nữa. Tôi đã thuộc những câu hát ru rất hay này của chị: Sóng dạt cát bồi em ngồi vá lưới/ Tay đưa kim mềm mại sợi chỉ tơ vàng/ Trăng ơi trăng tỏ hơn đèn/ Người dân vá lưới nghèo hèn muối dưa/ Quanh năm con cá đuổi mù/ Sóng yên bể lặng lưới chưa chịu lành/ Kim lòn nhanh nhanh/ Tình lại hỏi tình/ Lòng nào gian ác/ Lưới thiêu thuyền nát cho mình xác xơ…

Chị Hoa mảnh mai và có nét gì đó dịu dàng thì chị Hương đẫy đà hơn, cử chỉ hành động tỏ ra mạnh mẽ và quyết đoán. Nghe tôi nhận xét thế, chị Hương bảo: “Ngày xưa chị không béo như thế này đâu. Chị trẻ lắm, mười bảy, mười tám gì đó thôi. Tóc buộc hai ngoe. Nhí nhảnh dễ thương. Các anh, các chú gọi chị là Út Hương. Vô du kích được hơn một năm chị dùng được các loại súng từ tiểu liên, trung liên đến đại liên, có cả cối tám mươi, tám hai, pháo hạng nhẹ chị cũng sử dụng được. Mà chị nói điều này em đừng cười nhé. Ngày ấy các chị cũng điệu lắm. Chỉ thích giắt bên mình mấy quả lựu đạn của Mỹ thôi. Nó nhỏ, gọn trông xinh xinh, lại có màu sắc đẹp, thích hơn lựu đạn của mình, vừa to, vừa thô lại nặng”.

Tôi hỏi:

- Chị còn nhớ cảm giác đầu tiên khi nhìn thấy người chết không?

Chị Hương bảo: “Lần đầu tiên chị nhìn thấy xác chết là trong lần đi hái rau. Các anh trinh sát bên bộ đội chủ lực nằm ở mấy cái hầm gần hầm chị. Các anh ấy ăn đồ hộp nhiều, thèm rau quá, mới ngỏ ý nhờ mấy em du kích địa phương kiếm hộ cho ít rau. Chiều tối hôm ấy, chị mò ra mấy hố bom hái rau cho các anh. Vừa bước chân xuống, chị dẫm phải một xác người. Chị kêu rú lên. Rồi chị lại ôm chặt lấy miệng mình. Chị nín thở kéo chân người chết lên. Đúng là người đằng mình thật! Còn nguyên cả áo mũ, súng ống, ba lô. Đêm hôm ấy chị không ngủ được. Nhưng chỉ mấy ngày sau thôi thì chị phải chứng kiến những cái chết còn khủng khiếp hơn nhiều…”

Thấy chị Hương dừng lời, tôi vội hỏi: “Khủng khiếp như thế nào?” Chị Hương trầm giọng xuống kể: “Sau hôm đi hái rau ấy, năm anh trinh sát ở hầm bên mò sâu vào lòng địch để điều nghiên. Khi qua hầm chị các anh ấy còn bảo: - Chào Út Hương nhé, ở nhà nhớ kiếm rau cho bọn anh, khi nào về bọn anh sẽ kiếm cho em vài quả lựu đạn Mỹ. Các anh đi rồi, hầm bên chỉ còn lại anh Bình. Thường chị vẫn thấy anh Bình nấu ăn cho cả nhóm. Tối hôm sau nữa, anh Bình sang hầm chị, nét mặt bồn chồn, lo lắng: “Chắc đụng địch rồi, giờ này sao vẫn chưa thấy họ về Út Hương nhỉ?” Chị cũng cảm thấy có gì không ổn. Trinh sát chỉ đi trong một đêm, sáng hôm sau mà không thấy về thì mười phần coi như chết chín. Đêm hôm ấy một trong năm anh về tới hầm. Đó là anh Tình. Anh Tình kể: Năm người điều nghiên xong, mò ra được một đoạn thì một anh trúng mảnh pháo của địch. Bốn người bàn nhau đưa cả súng đạn cho anh Tình vác, còn ba người sẽ thay nhau cõng đồng chí bị thương ra. Nhưng trời sắp sáng mà đường về thì xa, cứ luẩn quẩn mãi trong phạm vi quan sát của địch sẽ rất nguy hiểm. Vì thế anh bị thương cứ yêu cầu bốn anh kia để anh ấy lại, khẩn trương rút ra ngoài ngay trước khi trời sáng. Trong lúc mọi người cứ giằng co nhau như vậy thì anh Tình khoác súng đi lạc ra phía bờ sông. Tới bờ sông thì sáng rõ mặt người, anh Tình quay lại không thấy bốn đồng đội đâu nữa, lại nghe tiếng súng nổ rộ phía đằng sau. Anh Tình bơi qua sông về được đến đây, còn tình hình bốn người phía sau thế nào anh không biết?”

Chị Hương dừng lời lấy tay áo lau mồ hôi trán, kể tiếp: “Mấy hôm sau bọn chị nhận được tin bốn anh trinh sát đằng mình gặp biệt kích Mỹ đi phục, không có vũ khí trong tay nên bị bắn chết cả. Hiện bọn chúng chặt chân, tay, xẻo tai, khoét mắt, rải ra phơi ngoài đôộng cát. Rồi trên yêu cầu du kích địa phương vào lấy xác mấy anh ra. Đêm hôm ấy chị và mấy người nữa mò vào đôộng cát. Trời ơi, em biết không, bọn chị mang theo túi ni lông, vừa bò vừa mò tay nhặt từng bộ phận thi thể của các anh cho vào túi gói lại. Mùi xác chết bốc lên thật khủng khiếp, từng đàn nhặng bu quanh người chị. Sợ bọn địch gài mình dưới xác các anh, bọn chị phải lấy tay bới cát thật nhẹ. Cũng may chúng chỉ gài lựu đạn dưới bốn cái đầu đã cắt rời thôi, bọn chị đều vô hiệu hóa được hết. Tờ mờ sáng thì bọn chị mang được xác về tới bến đò. Ba phát súng bắn lên là đò bên bờ Bắc lao sang. Thường đò chỉ qua lại vào ban đêm. Trừ trường hợp có thương binh tử sĩ bọn chị được phép bắn súng hiệu. Nghe thấy tiếng súng hiệu là bằng mọi giá đò bờ Bắc sẽ sang. Đó là những cái chết tiếp theo mà chị phải chứng kiến. Sau này thì nhiều nhiều lắm. Các anh bộ đội ngoài Bắc anh nào cũng hiền khô, lành lắm, nằm hầm với bọn chị mà rất nghiêm, không hề có “qua lại” gì. Bọn chị cũng coi các anh như anh trai. Ngày mai ngày mốt các anh vào trận, rất có thể các anh sẽ chết, vì thế chỉ có tình cảm thiêng liêng trong sáng thôi. Có lần chị Hoa kiếm đâu được con gà, chị nấu cháo cho các anh ăn. Chị thèm quá muốn xin một bát nhưng chị Hoa nạt: - Mấy anh ăn mấy anh còn đi chết, mi ở nhà ăn khi mô chẳng được, đòi hỏi chi? Chính trong những ngày ác liệt ấy, chị Hoa, chị gái của Út Hương lấy chồng. Đám cưới được tổ chức ở dưới hầm. “Có gì đâu, đơn giản không ấy mà - chị Hoa bảo - đám cưới chỉ có năm gói Điện Biên bao bạc và hai gói trà Bến Hải. Anh ấy cũng là du kích, cùng nằm hầm bí mật với tụi chị”.

Tôi ra phía sau nhà chị Hoa và nhìn thấy khu nghĩa địa ẩn mình dưới hàng dương giữa mênh mông cát trắng. Theo như chị Hoa kể thì hầm bí mật của các chị ngày xưa toàn xây gần mộ, đắp giống như mộ. Liệu trong số mộ kia có còn nấm nào là hầm của du kích, bộ đội trú ẩn trong những năm tháng khủng khiếp trước đây không? À ơ… Thật vàng chẳng phải thau đâu/ đừng đem thử nữa mà đau lòng vàng…Trong khi tôi thơ thẩn dưới những rặng dương bên đôộng cát thì trước hiên nhà, chị Hoa vẫn vừa đan lưới, vừa cất những lời ầu ơ của một bài hát ru. Lúc trước chị Hoa có bảo: “Chuyện xưa, xưa rồi, bây giờ thì làng xóm đã êm, đàn ông đi biển đánh cá, đàn bà ở nhà vá lưới nuôi con, em còn muốn tìm chi dưới những rặng dương già ấy?” Ừ nhỉ, tôi còn định tìm gì dưới những rặng dương già chôn thân trong cát trắng, bây giờ vươn mình ra trước sóng biển ầm ào như thế này?

Gặp người anh hùng Cồn Cỏ giữa làng địa đạo

Vào năm 1967, gia đình tôi nhận nuôi một đứa bé trai mười hai tuổi, tên là Hồi. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đặc biệt là giai đoạn 1966 – 1967, Quảng Trị vừa phải đánh giặc lại vừa phải bảo vệ tính mạng cho nhân dân. Khu ủy Vĩnh Linh thực hiện kế hoạch của Trung ương đưa dân ra các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình… gồm học sinh, người già, phụ nữ, trẻ em. Các đợt di chuyển dân ấy gọi tắt là K8, K10, K15… Cậu bé Hồi được gia đình tôi đón về ở chính là một trong những người thời ấy gọi là đi K8. Anh tôi kể rằng, Hồi hơn tuổi anh tôi nhưng còi cọc hơn. Hai người học cùng một lớp. Bố mẹ tôi quý Hồi hơn các anh chị tôi, vì Hồi bé nhưng biết làm nhiều việc, lại ngoan, lễ phép và sống rất tình cảm. Hồi thường kể rằng nhà Hồi ở bên con sông Hiền Lương, bọn trẻ như Hồi lại thường tránh bom B52 bằng cách lao đầu chạy ngược chiều gió mỗi khi máy bay ập đến. Cả nhà Hồi bị bom, chỉ còn sống sót có Hồi và mẹ. Mẹ Hồi đang sống ở Hà Tĩnh. Chuyện Hồi tránh bom B52 như cơm bữa làm anh trai tôi rất khâm phục. Trong con mắt của anh trai tôi Hồi là một người anh hùng, với kinh nghiệm dày dặn trước bom đạn thế thì trẻ con cả xã tôi chẳng đứa nào bì kịp. Còn bố mẹ tôi nghe Hồi kể chuyện chỉ thở dài, đưa tay vuốt mái tóc đỏ hoe, cứng quèo của Hồi mà rân rấn nước mắt. Hồi ở nhà tôi đến 1972 thì hồi cư. Trong suốt sáu năm đó, mẹ Hồi có ra thăm con một lần, và cũng lần đó bà xin phép gia đình tôi đưa Hồi về lại quê nhà. Bố mẹ tôi coi Hồi như con nên ngày xa Hồi cả nhà tôi đều buồn. Từ một cậu bé mười hai tuổi năm nào, đến ngày rời khỏi nhà tôi Hồi đã là một thanh niên trưởng thành. Hồi không cao lớn, vạm vỡ nhưng khỏe mạnh, rắn chắc lắm. Ngày Hồi đi cả nhà tôi chỉ nhớ địa chỉ của anh là xã Vĩnh Giang (hay Vĩnh Quang gì đó) thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Vĩnh Linh ở đâu thì chưa một ai trong gia đình tôi đặt chân tới. Vì thế lần này tôi gánh trách nhiệm của gia đình đi tìm anh cũng chỉ với một địa chỉ sơ sài như thế. Đến Vĩnh Linh rồi tôi mới thấy việc tìm anh Hồi là vô cùng khó khăn vì dân Vĩnh Linh hầu hết đều đi K8. Hỏi một loạt xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa, Vĩnh Kim, Vĩnh Nam… người ta đều bảo “có Hồi” rồi lại “không có Hồi”, rồi lại hình như “Hồi đã hy sinh”, rồi “có lẽ Hồi đã đi xây dựng vùng kinh tế mới” vân vân và vân vân. Suốt mấy ngày lang thang ở Vĩnh Linh tôi lơ mơ hình dung ra những năm anh Hồi ở nhà tôi thì cả huyện của anh hình như bị san phẳng, nếu còn người ở lại thì tất cả đều chui xuống lòng đất. Vào thời điểm cuối năm 1968, gần bảy mươi làng của mười lăm xã, thị trấn ở Vĩnh Linh đã có địa đạo và địa đạo ở đây không chỉ đơn thuần là những hầm trú ẩn và chiến đấu như ở Củ Chi mà đã trở thành không gian sinh tồn cho những người bám trụ ở lại. Chỉ tính các làng hầm thì Vĩnh Linh đã có 114 làng hầm với độ dài hơn 40km, đấy là chưa kể đến hệ thống giao thông hào dài hơn hai nghìn km và hàng chục nghìn các hầm, hào, tiểu đạo khác. Với chưa đầy 820 ki lô mét vuông, Vĩnh Linh phải gánh chịu một lượng bom đạn khổng lồ từ nhiều hướng dội vào. Người ta thống kê trong mười năm (1962 – 1972) kẻ thù đã ném xuống Vĩnh Linh hơn nửa triệu tấn bom đạn các loại. Bình quân đầu người, mỗi người như anh Hồi phải gánh tới bảy tấn bom đạn.

Tôi đã tìm đến địa đạo Vịnh Mốc để hình dung ra cuộc sống của những người dân như mẹ con anh Hồi. Vịnh Mốc là một làng quê ở sát bờ biển, cách thị trấn Hồ Xá chừng 14km về phía đông, cách Cửa Tùng 6km về phía bắc. Tổng chiều dài của đường hầm là 1.071 mét với mười ba cửa ra vào, bảy cửa thông ra biển, sáu cửa đi lên đồi. Dọc hai bên đường hầm được khoét sâu, tạo ra những căn hộ đủ chỗ cho từ hai đến bốn người sinh hoạt. Mặt bằng đường hầm được đào nghiêng từ hai đến ba độ để thoát nước. Hệ thống đường hầm được chia thành ba tầng nối thông với nhau qua trục chính dài 780 mét, tầng sâu nhất cách mặt đất khoảng hai mươi ba mét. Trong đường hầm có hội trường chứa được khoảng sáu mươi người dùng làm nơi hội họp, xem phim, có bảng tin, nhà hộ sinh, giếng nước, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm điện thoại. Chính những năm tháng ác liệt nhất trong lòng đất này đã ra đời 17 đứa bé. Nếu những người như mẹ con anh Hồi không đi ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc thì họ cũng sẽ chui xuống những làng hầm này sinh sống và chiến đấu. Những con người kỳ diệu ngày ấy đã sống dưới lòng đất gần hai ngàn ngày. Họ không chỉ chui xuống đất để tránh bom đạn, bảo toàn mạng sống mà còn tổ chức đánh địch, vận chuyển, tập kết lương thực, vũ khí, cấp cứu thương binh, đặc biệt còn tổ chức hàng trăm chuyến thuyền cảm tử vận tải cho đảo Cồn Cỏ. Đảo Cồn Cỏ đứng vững được chính là nhờ có sự đóng góp to lớn của làng hầm địa đạo Vịnh Mốc này.

Tôi đã lần mò vào xã Vĩnh Giang để tìm anh Hồi nhưng người ta bảo sau khi hồi cư anh Hồi nhập ngũ và đã hy sinh vào năm 1974 tại miền đông Nam Bộ. Hỏi tìm mẹ anh người ta bảo sau giải phóng bà vào Tây Nguyên ở cùng với người cháu họ. Thế là không tìm được anh Hồi. Bố mẹ tôi vẫn bảo: “Làm sao ấy chứ, nếu bình thường nhất định nó phải ra thăm nhà mình, thằng Hồi là đứa sống rất tình cảm, nó không quên được đâu, nếu không ra thì phải có cái thư”. Vậy mà thư cũng chẳng có. Những năm gần đây, số học sinh đi K8 năm xưa tìm về quê tôi rất đông. Họ đều đã luống tuổi, có người thành đạt, có người bình thường, nhưng tất cả đều dành tình cảm thắm thiết cho những gia đình đã từng cưu mang họ. Chính vì thế bố mẹ tôi lại càng mong anh Hồi một lần trở lại. Chuyến đi này của tôi coi như đã đặt dấu chấm hết cho những hy vọng của gia đình.

Trong những ngày ở xã Vĩnh Giang tôi bỗng nhận ra rằng mình đang lạc bước tới một làng “nghệ sĩ” rất nổi tiếng. Thôn Tùng Luật hay còn gọi là “làng nghệ sĩ Tùng Luật” là cái nôi sinh ra các nghệ sĩ hát dân ca nhạc cổ Bình Trị Thiên lừng danh với các tên tuổi như Ba Mè, Châu Loan, Sĩ Cừ, Kim Phú, Châu Dinh… Tùng Luật là nơi sinh ra “người anh hùng Cồn Cỏ” có cái tên giản dị Lê Văn Ban. Tôi gặp ông trong ngôi nhà nhỏ trước cửa có tấm biển đề: Bán gạch – Phục vụ tận nơi theo yêu cầu nằm ngay bên dòng Bến Hải, và được nghe ông kể về những ngày ông cùng đồng đội sống chết với Cồn Cỏ. Đảo Cồn Cỏ cách bờ biển Cửa Tùng gần ba chục cây số, vào những ngày trời quang mây tạnh, đứng bên bờ biển bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy đảo nổi lên như một vệt mây đậm phía trời xa. Bây giờ muốn ra đảo chỉ cần hai tiếng đồng hồ ngồi tàu kiểm ngư là có thể đặt chân lên Cồn Cỏ. Thế mà những năm chiến tranh, chở hàng ra đảo Cồn Cỏ được coi là một việc làm cảm tử. Đã có hàng trăm người như ông Ban có đi mà không có về. Tôi hỏi ông: “Bác có nhớ chuyến ra đảo đầu tiên không?” Anh hùng Lê Văn Ban gật đầu: “Có chứ. Vào năm 1965. Khi ấy tôi là dân quân thôn Tùng Luật, được chọn đi cùng năm người nữa. Mừng lắm, dù biết rằng đi như thế là đi vào chỗ chết. Mỗi chuyến vận chuyển ba tấn lương thực, vũ khí, đạn dược. Thuận buồm xuôi gió thì sáu tiếng đến nơi, trục trặc thì có thể đi mãi không đến. Chuyến tàu đầu tiên cập đảo an toàn mặc dù trên đường đi cũng bị tấn công. Những chuyến sau lần lượt những người cùng đi với tôi trong chuyến đầu đều hy sinh cả”.

Tôi bảo:

- Bác được phong anh hùng vào tháng 1 năm 1967 với thành tích chở hơn một trăm chuyến hàng ra đảo Cồn Cỏ. Mỗi một chuyến đi như thế là mỗi lần chuẩn bị cho cái chết của mình. Nhưng bác đã trở về nguyên vẹn. Chuyến đi nào đối với bác là đáng nhớ nhất?

Anh hùng Lê Văn Ban nhíu mày suy nghĩ rồi cười, một nụ cười vêu vao của người có tuổi ngoài thất thập: “Nhiều chuyến đáng nhớ lắm, nhưng có chuyến này tôi kể anh nghe, là vì chuyến ấy tôi bị lạc”.

- Bị lạc?

- Phải. Chuyến ấy chúng tôi đi mười hai thuyền cả thảy. Trên đường về đoàn bị tấn công. Mười thuyền bị bắn chìm, hơn một trăm đồng chí bị hy sinh. Còn hai thuyền trôi dạt đi. Thuyền của tôi bị gió mùa đông bắc cuốn về phía Nam, sang bên kia giới tuyến. Sau hơn mười tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển thuyền còn cách bờ chừng một trăm mét. Chúng tôi rất băn khoăn vì không biết đất liền trước mặt là vùng ta hay vùng địch. Tôi cử một đồng chí bơi vào trước, nếu là vùng giải phóng thì giơ hai tay báo hiệu, nếu là vùng địch thì giơ một tay. Tất cả chúng tôi lên đạn sẵn, chuẩn bị cho một phen quyết tử. Rất may đó là vùng đất đã được giải phóng thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Chúng tôi ở lại đó năm ngày rồi được giao liên đưa về. Đường không xa nhưng chúng tôi phải ngược lên rừng rồi vòng xuống, đi mất hai mươi nhăm ngày mới về tới nơi. Chiếc thuyền còn lại dạt vào vùng địch chiếm đóng, tất cả đều bị bắt, mãi đến năm 1972 mới được trao trả.

Tôi hỏi: “Chẳng lẽ không còn cách nào chi viện cho Cồn Cỏ mà đỡ nguy hiểm hơn sao?”. Anh hùng Lê Văn Ban bảo: “Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều về điều này. Nhất là giai đoạn sau, đường ra Cồn Cỏ ngày một khó khăn hơn, các hạm đội, tàu chiến của Mỹ - ngụy từ cảng Cửa Việt thường xuyên tuần tra, phong tỏa đảo, các thuyền thường phải khởi hành vào lúc mười hai giờ đêm. Tôi đề xuất phương án đi đường vòng, tức là ngược xuống phía Nam rồi quay lại cập đảo. Nơi gần địch là nơi địch sơ hở, đi như thế thời gian tăng lên gấp đôi nhưng an toàn. Chúng tôi đã đi như thế và đã thành công với hơn ba mươi chuyến hàng và người”.

Bây giờ thì anh hùng Lê Văn Ban đã ngoài bảy mươi tuổi, tóc bạc trắng, dáng gầy gò, xương xẩu. Tôi chỉ ra cái biển đề trước cửa hỏi ông: “Bác làm sao có sức mà đóng gạch?”. Ông bảo: “Các con tôi đã nhiều lần cất tấm biển ấy đi. Nhưng tôi còn sức thì còn muốn làm việc. Tôi không trực tiếp đóng nữa rồi, bây giờ chủ yếu thuê người làm”.

Những người anh hùng ngày hôm qua, hôm nay đã về với đời thường như thế đấy. Người thì đóng gạch, người thì đan lưới, người làm ruộng, người trồng rừng… Tôi hỏi ông Ban: “Bây giờ bác có mong muốn gì nhất?” Ông cười: “Mong muốn được tự mình chèo thuyền ra Cồn Cỏ một lần nữa rồi chết cho thỏa nguyện”.

“Ô châu” bây giờ vẫn đang trong quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh. Có lẽ không ở đâu còn như ở Quảng Trị, hàng tuần truyền hình vẫn phát một chương trình rất đặc biệt, ấy là chương trình hướng dẫn bà con cách xử lý bom mìn. Chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, nhưng ở Quảng Trị dấu vết bom đạn vẫn còn hằn rõ lắm. Tôi đã đến nghĩa trang Đường Chín, nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh… đâu đâu cũng gợi nhắc nhưng đau thương xen lẫn hào khí một thời khói lửa. Quảng Trị có thể gây “sốc” cho bất kỳ ai lần đầu đặt chân đến mảnh đất này bởi sự đậm đặc của ký ức lịch sử, bởi Quảng Trị có nhiều “duyên nợ” với cả nước. Có lẽ không tỉnh, thành nào không đặt tượng đài cho những người con của mình đã hy sinh ở đây. Rời Quảng Trị tôi cứ nhớ mãi câu ca dao từ thuở khai khẩn xứ này như một dòng nước mát âm thầm chảy qua năm tháng, nuôi dưỡng niềm tin bất diệt: Đừng than phận khó ai ơi, Còn da lông mọc còn chồi nảy cây…

 

“Còn chồi nảy cây”. Triết lý ấy có lẽ không chỉ dành cho người dân Quảng Trị mà nó đã đạt đến độ khái quát, tiêu biểu cho sức sống trường tồn của cộng đồng người Việt trên mảnh đất cong cong hình chữ S này.

Cửa Tùng – Hà Nội, 2003

N.Đ.T 

Nguyễn Đình Tú
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 107 tháng 08/2003

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground