Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cất cánh từ chuyển đổi số

 

Trong thời đại kỉ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0, sự thay đổi không chỉ là công nghệ mà chính là con người. Sự thay đổi chính mình là yếu tố quan trọng nhất, bởi vì thiết bị và công nghệ có cao cấp, hiện đại đến mấy nhưng con người không chịu thay đổi thì không thể mang lại giá trị. Chuyển đổi số từ mô hình kinh tế đến công tác điều hành của chính quyền là tất yếu.

Chưa rời đường băng

Trong năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức liên tục 2 cuộc hội thảo về  khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ 4.0 cho quản trị doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với sự dẫn dắt của diễn giả Nguyễn Hữu Thái Hòa. Hai cuộc hội thảo thu hút khá đông doanh nghiệp trong tỉnh tham dự và không ít doanh nghiệp hào hứng với những gì mà chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa đã truyền lửa. Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa, để bắt kịp với những thay đổi do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, điều tiên quyết các doanh nghiệp phải làm là cần thay đổi tư duy. Sự quyết định này phụ thuộc vào chính các lãnh đạo doanh nghiệp chứ không phải ai khác bởi hiện nay còn nhiều doanh nghiệp vẫn làm Excel, vẫn đóng dấu bằng tay với rất nhiều thủ tục rườm rà, trong khi doanh nghiệp nước ngoài đã dùng công nghệ số, phương thức online trực tuyến. Hơn một năm sau, tháng 9/2020, để có tư liệu thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát một số doanh nghiệp và kết quả nhận về là “mô hình 0.4”. Vì sao chuyển đổi số chưa được xem là câu chuyện sống còn cần những lời giải đáp.

Đại dịch COVID-19 rõ ràng là một cơ hội quý để trải nghiệm những giá trị số mang lại trên nhiều phương diện (dù chẳng dễ chịu chút nào). Chẳng hạn như việc học trực tuyến trong bối cảnh đại dịch... Đây thực sự là cơ hội để con người nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa quá trình chuyển đổi số. Tại diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá diễn ra ngày 28/7/2020, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng thương mại điện tử đang là một trong những cứu cánh của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Theo thông tin từ CafeF, trong nửa đầu năm nay, hơn 10 triệu phiên livestream thương mại điện tử đã được thực hiện theo dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc. Tính tới tháng 3, có 560 triệu người xem các buổi livestream bán hàng ở Trung Quốc, tăng so với mức 126 triệu tháng 6 năm ngoái. Một nửa trong số họ sử dụng livestream để mua sắm trực tuyến. Trong năm 2019, thị trường mua sắm livestream ở Trung Quốc trị giá 451,3 tỷ NDT (66 tỷ USD). Điều đó có thể nâng gấp đôi lên 1,2 nghìn tỷ NDT (gần 170 tỷ USD) trong năm nay.

Trung tâm CNTT và TT kiểm tra, giám sát hệ thống máy chủ, đảm bảo thông tin thông suốt

Trung tâm CNTT và TT kiểm tra, giám sát hệ thống máy chủ, đảm bảo thông tin thông suốt

Các chuyên gia dự đoán rằng xu hướng này có thể sẽ lặp lại ở cả trên thế giới. Tại Việt Nam cho thấy, những nhãn hàng, đơn vị kinh doanh nào “chịu dịch chuyển” thì vẫn sống tốt, sống khỏe trong đại dịch. Có thể lấy ví dụ với Tupperware, một nhãn hàng gia dụng và Hector Đông Trùng Hạ Thảo, một loại nước uống mời hoa hậu Nguyễn Thu Thủy làm KOL trên mạng xã hội đã đoạt doanh thu ngất ngưỡng và hoàn thành doanh thu của năm 2020 chỉ trong vài tháng.

Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng bắt buộc trên toàn cầu. Quốc gia nào chậm chân có thể bị tụt lại phía sau, doanh nghiệp nào đứng ngoài có thể bị đối thủ vượt mặt. Sáng 19/8/2020, Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thông qua những “con số biết nói”, cho phép truy xuất được nguồn gốc, kiểm tra chéo lẫn nhau, cũng tạo một kênh đo lường, giúp lãnh đạo bộ, ngành, địa phương kiểm soát hiệu quả hoạt động của cơ quan mình; giúp lãnh đạo Chính phủ đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của các cơ quan trong hệ thống. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đây sẽ là điểm nhấn quan trọng trong chặng đường xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử. Điều này cũng thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ. Rõ ràng là kinh tế số thúc đẩy chính quyền điện tử, tiến tới thành chính quyền số diễn ra nhanh hơn thì ngược lại, việc thực hiện tốt chính quyền điện tử cũng góp phần làm cho kinh tế số phát triển.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Tường chia sẻ, trọng tâm của Chính phủ điện tử là triển khai các dịch vụ công trực tuyến bằng ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ số là đưa tất cả hoạt động của Chính phủ lên môi trường số, không chỉ bao gồm các dịch vụ công trực tuyến. Như vậy, Chính phủ số đã bao gồm cả Chính phủ điện tử. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng rất nhiều lần nhấn mạnh rằng: Ngành TT&TT có thể tạo thành một đôi cánh cho đất nước bay lên. Một cánh là công nghệ số và một cánh là truyền thông. Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, đất nước phát triển giai đoạn tới sẽ dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Lĩnh vực công nghệ số, hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế số, góp phần đưa Việt Nam thành nước phát triển thịnh vượng vào năm 2045.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII cũng đề ra mục tiêu là chủ động hội nhập, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; tranh thủ cơ hội và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; ứng dụng công nghệ số để tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực. Phát triển nhanh hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, thúc đẩy chuyển đổi số, nhằm xây dựng và phát triển kinh tế số được xem là lĩnh vực đột phá trong 5 năm tới. Về định hướng lâu dài, tỉnh Quảng Trị đã xác định cần chọn công nghệ là điểm đột phá chiến lược nhiệm kỳ tới, nhất là công nghệ số, từ đó thay đổi mô hình quản trị, mô hình kinh doanh và đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của đời sống. Định hướng chiến lược đã có nhưng làm thế nào để mọi thứ rời khỏi đường băng và cất cánh?

Chuẩn bị cho sự cất cánh

TS. Nguyễn Đức Thành - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích bản chất của chuyển đổi số, không gian số: Mô hình giao dịch truyền thống dựa trên uy tín và xác lập chi phí giao dịch. Đối với mô hình số, khoa học công nghệ cho phép số hóa mọi hoạt động, có khả năng tìm kiếm thông tin và kết nối rất nhanh. Điều này làm giảm chi phí giao dịch, qua đó giải quyết được bài toán hiệu quả rất lớn và có tính cách mạng. Do đó, nước nào hiểu rõ được vai trò của không gian số và chuyển đổi số thành công thì có thể thay đổi diện mạo của mình. Chiến lược chuyển đổi số là việc không dễ nhưng cần phải làm để bắt kịp xu thế thế giới.

Bước đầu tham mưu thực hiện chiến lược chuyển đổi, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử (tham mưu năm 2016), xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2023, tầm nhìn đến 2030 (tham mưu năm 2018). Về dự án xây dựng chính quyền điện tử, tính đến nay đã có 7/11 hạng mục triển khai thực hiện, gồm: Kiến trúc chính quyền điện tử - Phiên bản 1.0; nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của tỉnh; cơ sở dữ liệu GIS nền; xây dựng nhà bao cho trung tâm tích hợp dữ liệu (data center); triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình tỉnh; hệ thống văn phòng điện tử tỉnh. Về đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2023, tầm nhìn đến 2030, có 6 lĩnh vực được đề xuất triển khai gồm: Chính quyền điện tử; y tế thông minh; giáo dục thông minh; an ninh, an toàn trật tự; văn hóa và du lịch; giao thông vận tải. Hiện một số dự án thành phần thuộc đề án này đã được thực hiện như dự án xây dựng chính quyền điện tử (với 7 hạng mục hoàn thành nêu trên), dự án camera giám sát giao thông và an ninh trật tự ở thành phố Đông Hà. “Việc chuyển đổi Chính phủ điện tử thành Chính phủ số sẽ giúp đưa mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số, sáng tạo ra nhiều dịch vụ hữu ích cho người dân, tương tác giữa chính quyền và người dân nhiều hơn” - ông Nguyễn Văn Tường nhấn mạnh.

Thời gian qua, thành phố Đông Hà đã ghi dấu ấn đậm nét của mình với việc tạo được môi trường làm việc liên thông, hiện đại, chuyên nghiệp, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí và đặc biệt là nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị và UBND các phường (trừ văn bản mật) với UBND thành phố, giữa UBND thành phố với các Sở, ban ngành cấp tỉnh dưới dạng điện tử; 100% lãnh đạo UBND thành phố và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các phường sử dụng thành thạo máy vi tính, kỹ năng làm việc trên môi trường mạng. 97% CBCC thuộc các phòng, ban chuyên môn và UBND các phường sử dụng thường xuyên ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc. UBND thành phố đã quy định về thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử sử dụng chữ ký số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Đồng thời lắp đặt hệ thống wifi công cộng đặt tại các điểm sinh hoạt cộng đồng (quảng trường, chợ, công viên, khu thể thao, UBND các phường…) đảm bảo cho việc tra cứu thông tin các lĩnh vực hành chính và quảng bá du lịch cho người dân. Bên cạnh đó là triển khai lắp đặt máy bán hàng tự động trên các địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động trên địa bàn thành phố, triển khai xây dựng hệ thống hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho toàn thể nhân dân trên địa bàn thành phố... “Quan trọng nhất là công tác chỉ đạo, điều hành từ thực hiện theo phương thức truyền thống đã chuyển dần sang phương thức lãnh đạo, quản lý điều hành khoa học, hiện đại, từ xa thông qua các phương tiện, trang thiết bị và hệ thống CNTT. Việc trực tiếp kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức mọi lúc, mọi nơi thông qua các phần mềm quản lý, mạng nội bộ, mạng internet,... làm giảm thời gian đi kiểm tra trực tiếp tại cơ sở, kịp thời phát hiện và chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác, tiết kiệm nhiều chi phí từ đó nâng cao được hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành, đồng thời tạo được sự tích cực, đoàn kết trong cơ quan, đơn vị” - Chủ tịch UBND TP Đông Hà Nguyễn Tăng nhấn mạnh.

Ngày 12/8/2020, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 190-KH/TU về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được Kế hoạch số 190-KH/TU của Tỉnh ủy xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài, là giải pháp đột phá trong hội nhập và phát triển, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội những năm sắp tới.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một số công việc nền tảng quan trọng bước đầu. Làm thế nào để quá trình chuyển đổi số diễn ra một cách mạnh mẽ hơn và quan trọng nhất là thật sự “thay đổi mô hình quản trị, mô hình kinh doanh và đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của đời sống” như Dự thảo báo cáo chính trị đã đề ra?

Đột phá đến từ đâu?

Chuyển đổi số phải bắt đầu từ đâu? Đây có phải là sân chơi chỉ dành cho các tỉnh giàu có và khép lại với các tỉnh khó khăn? Từ thực tế của một số tỉnh như Thừa Thiên Huế rõ ràng không phải là như thế. “Hiện nay các cá nhân, tổ chức trong nước hầu như chưa xây dựng được thói quen số hóa tất cả hoạt động thường ngày; và các tập đoàn, tổ chức lớn về công nghệ thông tin cũng chưa có văn hóa chia sẻ dữ liệu mặc dù mỗi bên đều đang đổ hàng tỷ đồng vào cùng một công việc, ví dụ nhận dạng ngôn ngữ tiếng Việt. Để đạt được đúng tiến trình chuyển đổi số, các bên liên quan cần nhanh chóng thay đổi tư duy và cách thức hợp tác” - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam (ICT Summit 2019) diễn ra ngày 8/8/2019 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định, đối với chuyển đổi số, người lãnh đạo tại mỗi địa phương chỉ cần quyết định chuyển đổi cái gì, còn làm việc đó như thế nào là việc của các nhà chuyên môn và doanh nghiệp công nghệ số. Hiện tại, thách thức lớn nhất của việc chuyển lên môi trường số nằm ở vấn đề thay đổi thói quen. Thói quen đó có thay đổi được hay không phụ thuộc lớn vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo.

Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. “Đó là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ… Do đó, vấn đề không phải là tỉnh giàu sẽ là tỉnh thắng thế trong cuộc chuyển đổi này và tỉnh khó khăn hơn sẽ thua thiệt” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Ở cấp địa phương, có thể xem chuyển đổi số là thời kỳ dám ứng dụng công nghệ mới, dám thay đổi mô hình quản trị, dám thay đổi mô hình kinh doanh, dám chấp nhận các mô hình mới quan trọng hơn là sáng tạo công nghệ. Chuyển đổi số các ngành được coi là trọng tâm, như: Y tế, giáo dục, tài chính, sản xuất, giao thông, nông nghiệp, du lịch…

Cần đẩy nhanh chương trình mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số, triển khai 5G tại các khu công nghiệp để hỗ trợ sản xuất thông minh, cũng như sẵn sàng đón làn sóng đầu tư công nghệ cao. Đây là những hạ tầng, nền tảng quan trọng nhất của chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nên cần phải đi trước, càng nhanh càng tốt.

Không chỉ dịch vụ công mà đồng thời là các hoạt động khác của chính quyền lên môi trường số. Tương tác với người dân nhiều hơn. Mở dữ liệu cho doanh nghiệp tham gia sáng tạo thêm các dịch vụ mới cho người dân. Triển khai chính quyền số từ cấp thấp nhất là cấp xã. Đối với Quảng Trị, hướng dẫn về chính quyền số, về thí điểm chính quyền số cấp xã cho xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa trong việc xây dựng thí điểm xã thông minh. Trên cơ sở bài học triển khai từ Hướng Phùng, các xã, thị trấn khác trên địa bàn tỉnh có thể tham khảo mô hình này để triển khai nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số của xã, thị trấn, qua đó phục vụ và giao tiếp tốt hơn với người dân.

Công nghệ sinh ra là để là công cụ phục vụ con người, giúp con người đứng cao hơn. Chính vì vậy, Chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Với sự quyết liệt và chuyển đổi có trọng tâm, việc chuyển đổi số ở Quảng Trị hoàn toàn có thể.

M.A

Minh Anh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 313 tháng 10/2020

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

12 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground