Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chao nghiêng ầu ơ

TÙY BÚT - Tôi lớn lên lúc nào không biết, một hôm lạc chân đi xa lắm mới thấy mình không còn là đứa bé ngày xưa. Chợt thèm được nũng nịu nằm nôi để nghe tiếng ru ạ ời của mẹ. Cái tiếng ru vừa man mác buồn vì nghèo, vừa cảm thương vì cái tình. Mỗi khi có ai đó cất lên một tiếng dỗ con, tôi đều thấy hình như mình cũng đang được dự phần.

1. Không biết cái tiếng ru có tự bao giờ nhỉ? Tôi vẩn vơ nghĩ chắc nó có từ thuở xa xưa trước khi xuất hiện âm nhạc. Phải chăng, đó là một thứ âm nhạc tiền thân, âm nhạc của lòng mẹ dẫn dắt trẻ thơ vào thế giới của thanh điệu.  Tôi yêu tiếng ru ấy bởi trong đó mẹ đã truyền cho con những gì rất đỗi bình dị nhà quê. Tiếng bà ấm áp ầu ơ khi miệng đang nhỏm nhẻm trầu đỏ hồng, phả ra cái thơm thơm cay nồng vỗ về giấc trẻ.

Dân tộc ta có một kho tàng ca dao tục ngữ phong phú, không phải dân gian sinh ra đó để trưng đâu, cũng không phải để sách sử ghi lại là chúng ta có một kho tàng lớn. Ca dao dân ca sinh ra cho mẹ cho bà, rồi bà và mẹ truyền lại cho chị để mai mốt chị đi lấy chồng. Cứ thế, dân tộc ta có một cuộc truyền khẩu nối tiếp qua thế hệ, bảo tồn đến hôm nay. Những bà những mẹ những chị cứ lấy cái dân ca đó mà hát ru.

Mạn phép đưa ra một giả thiết thế này về các hội Lim Quan Họ, hội hát đối đáp ngày xuân, hay hò chọn vợ... Tất cả cũng đều có dính líu một ít đến chuyện hát ru. Người phụ nữ xưa nay có việc sinh con và nuôi con - đó là bổn phận và thiên chức cao quý của họ. Người xưa chọn dâu ngoài việc xem tông giống còn chú ý đến ngoại hình tính nết và quan trọng là “ngôn” (một trong tứ đức: công dung ngôn hạnh). Trong “ngôn” không chỉ là lời nói hàng ngày đối đãi với người trên kẻ dưới mà có lẽ còn có cả giọng hò, câu hát, tiếng ru. Chọn “ngôn” tức là chọn cái tiếng ru để cho con cháu dòng họ mình được khôn lớn trong nguồn văn hoá Việt. Có thể từ đó mà sinh ra chuyện hò hát trong các lễ hội dân gian ở ta chăng (?).

Để rồi bắt đầu từ các lễ hội, chàng nào chọn được một cô có giọng hò hay thì coi như có phước. Người Việt mình là vậy, cái đẹp không phải chỉ từ ngoại hình bên ngoài mà còn cái đẹp của tâm hồn, tính cách. Cái đẹp của gái làng thì nhất quyết phải hợp ý của các cụ, mà các cụ thì trọng cháu nên chú ý đến “ngôn” thổi vào tai trẻ.

Trẻ con sinh ra cất tiếng khóc là ngay lập tức người mẹ à ơi dỗ con nín. Thật kỳ diệu. Những lần đến bệnh viện, đứng ngoài cửa phòng sản phụ, tôi đều nghe thấy các mẹ ầu ơ nịu con rất tài. Vừa mới sinh xong, sức khoẻ còn yếu, nhưng thấy đứa con đỏ hỏn là cái bản năng làm mẹ ngàn đời trong lòng tự dưng bật lên tiếng à ơi xen giữa những hơi thở mệt nhọc sau cuộc vượt cạn. Tiếng ru từ đó bắt đầu theo sơ nhi lớn lên và đi suốt cuộc đời...

Ảnh: Nguyễn Tiến

Ảnh: Nguyễn Tiến

2. Tiếng ru thường gắn liền với tao nôi cánh võng. Hồn hậu làm sao hình ảnh mẹ ngồi đong nôi nũng nịu con. Hay dáng bà gầy còm ngồi bên cánh võng, tay cầm quạt vừa phây phẩy vừa hát ru cháu mỗi chiều thu. Cứ mỗi khi gió phây phẩy, tiếng ru đâu đó vẳng lại nghe thân thương đến lạ.

Nhà tôi ở làng, quanh đó lối xóm thỉnh thoảng có cưới hỏi, vậy là vài tháng sau bắt đầu bật lên những tiếng nịu con. Những tiếng ru cứ thế thay phiên nhau quanh năm ru vẳng qua bóng tre làng. Cây lúa đơm bông, hoa cải ngồng lên vụ cũng theo tiếng ru đó.

Ông tôi có nghề đan, thực ra là “vô nghề đan thúng, túng nghề đan nia”, người quê rảnh rỗi thường bày tre ra chuốt rồi đan lát cho qua ngày đoạn tháng nên thành ra nghề. Tôi cũng được ông dạy cho cách đan, cách lên vành và nức cước. Song, cái khoản đan nôi thì chưa bao giờ ông cho làm. Đan nôi thực ra không khó, nhưng ông không cho tôi làm là vì cái quan niệm tuổi tác, đan nôi phải là người đứng tuổi tự tay làm, như thế thì cái hơi ấm và phước đức của người đan sẽ truyền sang cho cháu.

Ông nội tôi có cả thảy mười tám đứa cháu nội, đứa nào cũng được nằm trong nôi của ông đan mà lớn. Ông vốn cẩn trọng, đan lát chọn tre rất kĩ nên chiếc nôi rất bền, nằm đến mấy lứa trẻ vẫn không hư. Mấy bà mấy mẹ trong làng vẫn cứ thích mượn cái nôi đan của ông tôi về nịu con, và rồi những đứa trẻ đó lớn lên cũng quý người đan nôi.

Khi tôi nhìn thấy hình ảnh mẹ bồng con trên tay, mắt đăm nhìn xa xăm và hát ầu ơ là tôi tưởng đến cái nghèo. Hình ảnh ấy nó thương đến lạ, cái nghèo dìu dặt rủ nhau kéo vào trong ánh mắt ngóng trông mùa gặt, cái nghèo khó cất lên trong tiếng hò ru nghe da diết. Chính cái dáng mẹ ngồi tựa cửa, ôm con mỗi chiều ấy mà tôi thấy yêu quê hương tha thiết.

Ngày mẹ tôi sinh thêm em nhỏ, lúc đó tôi cũng lớn lắm rồi. Đến giờ tôi còn nhớ rõ cái giọng hát ru của mẹ trong thanh lắm! Trước đó, tôi chưa bao giờ nghe mẹ hát, mẹ tôi ít nói, nhưng khi hò ru thì như thể cái mượt mà con gái xuân ngày nào vẫn còn đây. Cánh nôi xoay xoay cuốn lời ru mẹ vào giấc ngủ em. Nghe mẹ hò, rồi đến khi mẹ chạy chợ thì tôi cũng thử làm một “người chị” vỗ về.

Ru em em ngủ cho muồi

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán chợ Cầu

Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh...

Rồi cứ thế, những câu ru của mẹ lọt vào tai tôi, hoá ra tất cả là ca dao dân ca cả đấy! Hồn dân tộc, văn hoá làng mẹ tôi truyền lại qua lời ru ấy.

3. Một góc nhìn khác trong tiếng ru, không ở phương diện mẫu tử tình thương mà lại một sự “buồn tình”. Chuyện này thường xẩy ra ở làng. Khổ nhất là lấy chồng xa / đau nhất là nghe người ta ru hời. Vế thứ hai trong câu ca trên gắn với vế thứ nhất mới hiểu đúng nghĩa, nghe người ta ru hời tức là người yêu mình đã đi lấy chồng và có con.

Có những người yêu nhau không lấy được nhau, đến khi người yêu mình đi lấy chồng thì ngậm bồ hòn mà ngọt. Ngày xưa, dựng vợ gả chồng thường đóng khung trong khuôn khổ làng xóm. Ấy vậy nên nhiều khi người mình thương đi làm dâu cho một nhà rất gần. Rồi một chiều, nàng cất tiếng ru con thơ khiến chàng tủi thân. Tiếng ru đến đây đánh vào cảm thức của một người lớn chứ không chỉ là ru con ngủ nữa. Vậy là tiếng ru có hai tác dụng trái ngược nhau: Ru con con ngủ cho muồi / để anh nghe được bồi hồi mấy đêm. Trách cái tiếng ru kia cứ khiến người ta phải não lòng.

Khi đã đi xa, vượt ra ngoài biên giới Quốc gia, cũng đồng nghĩa không còn được nghe tiếng ru của người phụ nữ Việt. Song, cái tiếng ru ấy hình như vẫn văng vẳng đâu đây để trói buộc tôi với vành nôi ngày xưa. Một chút bình dị quê mùa, yên ả mà ấm áp trong lời ru mẹ. Một thoáng tình trong điệu hò của cô bé hàng xóm nựng em. Rồi cả cái ngậm ngùi của anh trai làng tẩn ngẩn buồn hắt hiu mớ tình xưa... Tất cả những điều ấy cứ nhắc nhớ tôi về hồn cốt quê nhà.

VÕ PHÚC AN

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

23 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground