Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chạy đi sông ơi

- Đất nước Việt Nam mang  dáng  hình chữ S. Sơn mạch địa đồ chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam nên đã tạo ra bản năng dòng chảy của những con sông thiên hướng phóng mình thẳng  về biển cả. Sau khi đã  kịp làm xong cái phần chuyển tải phù sa, tưới  mát văn hóa thấm đẫm lên những đôi bờ định mệnh năm tháng từ xa xưa ấy…

Nhưng riêng với con sông Cánh Hòm Quảng Trị quê tôi lại khác. Trước khi giã từ sông mẹ Hiền Lương xanh mơ màng như mây khói để tự đánh mất chính mình trong cái thế giới bản năng mà đi ngang để làm nhiệm vụ cao cả nối hai hệ sông lớn trung tâm phía Nam và trung tâm phía Bắc: Hiền Lương (ở địa phận làng Xuân Hoà) và Thạch Hãn (ở địa phận làng Mai Xá). Cũng như những dòng sông nước Việt, sông Cánh Hòm, trước khi đổ ra biển đông dòng sông đã đã kịp cần mẫn bồi đắp chắt lọc phù sa tưới mát ruộng vườn, sản sinh vô vàn tôm cá  ban tặng cho các vùng Xuân Mỵ, Xuân Hoà, Xuân Lâm, Nhĩ Hạ vòng qua cù lao Mai Xá … hòa nhập vào dòng sông mẹ Thạch Hãn mới chịu quay về cửa bể, biến mất trong lòng đại dương mênh mông.

   Như đất đai xứ sở này chảy qua bao năm tháng thăng trầm biến thiên của lịch sử. Sông Cánh Hòm  cũng vậy, từ xa xưa có tên gọi là Kênh Hàm, Cánh Hòm là do dân thổ địa đọc trại mà thành. Địa chí Triều Nguyễn coi sông Cánh Hòm là một chi lưu của sông Minh Lương/Hiền Lương: Sông Minh Lương “qua ngã ba Xuân Hòa đến xã Xuân Long chia thành ba nhánh: một nhánh chảy về phía đông bắc qua các xã Phúc Lý và Di Luân chừng mười dặm qua cửa Tùng Luậtmột nhánh chảy về phía đông nam, qua các xã Cao Xá và Cẩm Phổ chừng chín dặm đến địa hạt huyện Gio Linh, đổ vào sông Thạch Hãnmột nhánh từ Bến Cao chảy về quanh các xã Thủy Khê, Yên Lộc và Cát Sơn hơn mười dặm, rồi hợp nhánh trên, cũng ra cửa Tùng Luật”(1). Sử cũ cũng chép lại rằng: Nguyên vào năm thứ 3 đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1651), tuyến kênh này được nạo vét đoạn Cẩm Phổ. Đến năm thứ 33 (1681), trong một lần chúa đi tuần du, săn bắn ở Cổ Lâm, thuyền đi qua kênh Thị Môn (tức chỗ hợp lưu giữa sông Mai Xá với sông Cánh Hòm), người địa phương nói: chỗ này sóng gió bất trắc, thuyền thường bị đắm. Do đó, chúa thượng muốn khai kênh mới để tiện giao thông đi lại. Lúc ấy có người xã Mai Xá tên là Thế (tức Trương Thế) vẽ bản đồ để dâng, và xin khai từ Mai Xá đến quán Nhĩ Hạ. Chúa xem xong bằng lòng và ra lệnh cho dân trong bản hạt khai đào. Sau một tháng thì đào xong, người buôn bán đi lại được tiện lợi (2).

Chi lưu Thạch Hãn vòng lên Mai Xá để hợp lưu với sông Cánh Hòm ở làng Mai Xá là một ngã ba sông nằm sâu vào trong nội địa, xa vùng đầm phá phía đông nam. Đây là vùng kín gió, thuyền buôn có thể tập kết hàng hoá và neo đậu một cách an toàn, nhất là nơi khá lý tưởng cho các thuyền buồm và thuyền chèo. Có hiểu hết sự nhỏ bé, mong manh và luôn tiềm ẩn nguy cơ bị đắm của các thuyền buôn ở vào giai đoạn lịch sử trước thế kỷ XVIII mới thấy hết giá trị của cảng sông Mai Xá ở bờ bắc và bờ nam Thạch Hãn và sông Cánh Hòm một thời một thời giữ vị thế trọng yếu về giao thông đường thuỷ.

- Tôi, người con sinh sau cuộc chiến đi tìm về gốc gác của con sông này để ngậm ngùi nuối tiếc về một thời vàng son quá vãng của con sông và tìm lại hình bóng của những người con anh dũng  trong  Đội thuyền vận tải đường sông phục vụ chiến trường Quảng Trị và Bắc Thừa Thiên Huế trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ.

            Anh Lê Quang Đạo, đội trưởng đội thuyền vận tải từng là chiến sĩ trong trung đội dân quân Nam Hải thuộc thị trấn Hồ Xá, người từng  lập nhiều thành tích trong đội thuyền Nam Hải chi viện chiến trường, anh đã được phong tặng Chiến sĩ thi đua của đặc khu Vĩnh Linh kể lại: Từ trước cấp trên đã có ý đồ khai thông con đường vận tải bằng con sông Cánh Hòm để đưa vũ khí, quân trang, quân dụng vào chi viện cho chiến trường Quảng Trị và Bắc Thừa Thiên Huế. Vào chiến trường tôi được giao nhiệm vụ cùng bộ đội khảo sát, xây dựng tuyến vận tải này. Tuyển một số chiến sĩ đã kinh qua chiến đấu đã được thử thách và có chiến công , con em của đồng bào chài lưới thông thạo sông nước để thành lập đội vận tải.

Mười bốn người gồm mười nam và bốn nữ được tuyển chọn vào đội thuyền. Công việc đầu tiên của họ là khảo sát tuyến sông. Công tác khảo sát được tiến hành cực kỳ bí mật. Những người tham gia tổ khảo sát gặp nhau vào lúc mặt trời lặn và phải thay đổi địa điểm liên tục. Chỉ biết theo lệnh của chỉ huy và phải tuân theo nguyên tắc: không hỏi han nói chuyện trên đường đi, gặp địch không được đánh. Nhiệm vụ của tổ khảo sát là đi sát mép sông, thay nhau lội xuống đo mực nước, đo chiều rộng của những đoạn sông bị bồi lấp. Kết quả khảo sát cho thấy con sông Cánh Hòm có thể chạy được bằng thuyền trọng tải tối đa 2.5 tấn, chỉ có đoạn qua Thôn Thủy Khê dài hai trăm năm mươi mét là bị bồi lấp nặng. Để đảm bảo an toàn bí mật công việc đào sông, nhân dân được vận động sơ tán ra Bắc hoặc vào sâu vùng giải phóng. Hai đại đội công binh được điều đến để nạo vét đoạn sông trên. Trời bắt đầu sẫm tối. Họ lặng lẽ dàn ra trên đoạn sông cạn hì hục đào bới nạo vét. Việc đào vét không khó vì đáy sông là đất cát pha nhưng việc tiêu hủy đất đào là rất khó, rất đa công. Đất đào được cho vào các túi san đều xuống đáy sông  ở những chỗ nước  sâu về hai phía, cho xuống đáy các ao hồ, hố bom có nước, không để lại một dấu tích nào hai bên bờ sông. Vào khoảng hai giờ sáng phải dừng công việc để sáng hôm sau nước kịp trong lại, không còn dấu vết gì của đào bới. Gần hai mươi ngày đào bới như thế, sông Cánh Hòm được khơi thông.

Ông Lê Quang Đạo tiếp chuyện: -  Sau khi khơi thông tuyến, có đủ quân số, chúng tôi đang lo không biết lấy đâu thuyền vận tải thì được bác Nguyễn Dĩ - Phó bí thư tỉnh ủy kiêm Bí thư huyện ủy Triệu Phong thông báo: “đồng  bào đánh cá ở Phường An Cư và Quy Hòa tình nguyện hiến thuyền ở, thuyền đánh cá cho cách mạng, các đồng chí về chọn”. Chúng tôi rất cảm động. Chiếc thuyền là một tài sản lớn của người dân mà họ dám trao cho cách mạng để lên bờ đào hầm ở. Họ còn động viên chúng tôi: - Các anh đừng lo cho chúng tôi, cực rồi, cực chút nữa có răng mô. Lúc nào độc lập tất cả anh em miềng cùng sướng.

  Chuyến vượt sông đầu tiên gồm hai chiếc thuyền do đội trưởng Lê Quang Đạo, đội phó Lê Quang Thạc trực tiếp chỉ huy cùng bốn chiến sĩ Lê Viết Quỳ, Lê Thị Hai, Phan Thành Danh, Hoàng An. Mờ tối một đêm tháng sáu họ vượt tuyến ra Bắc. Nhận hàng từ bến sông  Hiền Lương Vĩnh Linh. Hàng tập kết rất khẩn trương, để đảm bảo bí mật, chỉ  được  kéo thuyền bằng tay hoặc lên bờ kéo bằng dây. Đội thuyền chèo cật lực chín tiếng đồng hồ. Mờ sáng hôm sau cả hai thuyền cập bến an toàn ở bến sông Gia Độ, phía nam sông Thạch Hãn. Bộ đội và nhân dân đã đợi sẵn, bốc hàng lên bờ.

Chuyến đi thắng lợi đó đã đưa đến niềm phấn kích lớn là tạo thêm một khả năng chi viện lớn cho chiến trường, kịp thời cho chiến trường Thành Cổ. Trước đó  hàng từ bờ bắc chuyển qua được các đơn vị gùi cõng đưa hàng vào sâu tuyến trong. Nếu sử dụng gùi cõng mỗi người chỉ mang được 25-30 kg và phải sử dụng một trăm bốn mươi chiến sĩ mới đưa hết bốn tấn vào bắc sông Thạch Hãn trong một đêm, càng không thể đưa hàng tới ngã ba Gia Độ  vì phải vượt qua một nhánh sông Thạch Hãn. Liên tiếp sau đó là những chuyến đi thành công, mỗi đêm có từ 2-3 chuyến hàng quân sự về đích. Ông Đạo kể tiếp cho chúng tôi trong nghẹn ngào:

- Lúc cao điểm phải  huy động lực lượng toàn đội. Vào những đoạn sông có thủy lôi, toàn đội lên bờ, cài bánh lái  dùng dây đi dọc hai bên mép sông kéo thuyền. Nhìn các chiến sĩ gái còng lưng kéo thuyền, trầy vai, xước máu chúng tôi rất cảm phục.

Mặc dù rất bí mật, nhưng nhờ phương tiện trinh sát tối tân, chỉ sau một thời gian ngắn địch đã phát hiện ra được tuyến đường vận tải này. Chúng cho bắn đại bác, thả thủy lôi dọc sông, cho máy bay thả pháo sáng và liên tục ném bom. Thành Cổ Quảng Trị đang cần chi viện lớn. Lúc này việc vận chuyển trên sông Cánh Hòm không còn gì bí mật. Cấp trên chỉ thị: - Mở đường mà đi, đánh giặc mà tiến. Công tác vận chuyển trên sông Cánh Hòm càng trở nên rộn ràng, tấp nập và quyết liệt. Bến đỗ hàng lui về bờ Bắc sông Thạch Hãn. Thuyền vận tải được trang bị máy đẩy Trần Hưng Đạo và nhiều loại máy đẩy của Nhật, các đơn vị vận tải của quân đội nhập vào càng đông, vận chuyển cả ngày lẫn đêm. Mỗi lần lướt qua nhau, bom đạn bốn phía, máy bay gào rít trên đầu vẫn vui cười vẫy tay chào nhau: Quyết thắng.

Ông Đạo nói chắc nịch: - Chúng tôi không sợ pháo, chiều dài con sông khoảng hai mươi kilômet nên chúng bắn chỉ hù dọa. Dọc tuyến vận tải chúng tôi tổ chức nhiều chốt cảnh giới đề phòng địch tập kích, phát hiện những khúc sông địch thả thủy lôi để báo cho các đội vận tải phòng tránh. Chúng tôi luôn được cả mặt trận và nhân dân che chở nên lòng càng yên tâm, vững tin vào thắng lợi cuối cùng.

Tôi cắt  dòng hồi tưởng của ông:- Bom đạn ác liệt thế đội vận tải của ông có bị tổn thất gì không?

- Nhờ thông thạo sông nước, nhờ toàn mặt trận bảo vệ và cả nhờ một chút may mắn nên chúng tôi không bị tổn thất về người. Một số thuyền có dính thủy lôi nên nhiều đồng chí bị sức ép, bị chảy máu tai và máu mũi, đau đầu ghê gớm. Di họa ấy vẫn còn đến bây giờ...

Trong thời gian từ trước chiến dịch năm 1972 đến năm 1975 đội thuyền vận tải sông Cánh Hòm  đã vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, lương thực, thuốc men tới đích an toàn. Hàng trăm thương binh đã được đưa về hậu phương điều trị. Đội thuyền đã góp phần không nhỏ trong chiến thắng 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị.

3 - Tôi trở về với dòng sông khi nhìn rõ sự hồi sinh từng ngày từ mảnh đất vừa trải qua binh lửa hai cuộc  chiến tranh. Ngoảnh lại phía sau năm tháng thì vết tích chiến tranh đã lành hẳn cũng giống như những con người ở đội thuyền năm xưa ấy…. hết chiến tranh, họ tứ tán mỗi người một phương theo công việc mà kiếm sống, mấy khi gặp lại nhau..... Riêng dòng  sông Cánh Hòm vẫn vậy, vẫn chưa thôi thân phận của mình là bồi đắp phù sa cho các làng quê yên ả. Ở hai đoạn sông  tiếp nối với Thạch Hãn và Hiền Lương người ta đã xây dựng hai đập ngăn mặn để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vì thế nhiều đoạn dòng sông bị cát bồi gần như đã chết. Thời vàng son quá vãng của dòng sông chỉ còn lại trong ký ức của nhiều người... Để chiều nay một người đa cảm như tôi vẫn tìm về lối cũ, nhìn những đoạn sông trơ đáy tự trong lòng mình trào dâng một nỗi buồn khôn xiết. Vẫn như còn nghe đâu đây tiếng ào ào rẽ nước của những con thuyền xuôi về cảng thị Mai Xá ngày xưa… và cả những tiếng chèo thuyền trong đêm của đội thuyền cảm tử năm ấy. Tôi vẫn hy vọng một ngày con sông ấy hồi sinh….

 

                                                                                                    T.L 

 

Thùy Liên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 217 tháng 10/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground