Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chiến trường Quảng Trị những năm tháng

M

ới đó, một phần tư thế kỷ đã trôi qua. Tôi lần dở lại những trang sổ tay phóng viên khi tôi bước vào chiến trường Quảng Trị - những tháng năm bộn bề sau ngày giải phóng.

Ngày 4.4.1973:

…Sáng nay, 8 giờ 10 phút, chúng tôi qua cầu phao Hiền Lương. Miền Nam đây rồi. Dừng lại chụp ảnh. Hai lá cờ đại bay hai bên bờ sông được thu vào ống kính: Cờ Tổ Quốc và cờ Mặt trận DTGPMNVN.

Xe chạy dọc con đường số I, mà hai bên dày chi chít hố bom, đất lồi lõm uốn lên uốn xuống, đã được cỏ tranh phủ kín. Cồn Tiên, Dốc Miếu chắn ngang trước mặt. Xe lên dốc. Hai bên vệ cỏ là những vòng thép gai. Mấy lớp thép gai chạy thành bãi từ triền đồi xuống. Căn cứ Dốc Miếu còn lại những đống xác xe tăng, những đống vỏ đạn đồng vàng chóe… Kia, những dãy nhà tôn trong vòng rào kẽm gai: khu tập trung của địch!

Chúng tôi vào chợ Cầu, nằm trên đường rẽ vào Chi khu quân sự Gio Linh. Cầu Bến Ngự sập xuống. Chợ Cầu là chợ đầu tiên trong vùng giải phóng. Ở đây có chè tươi giá đắt: Một bó to hai đồng. Có rau muống nhưng ít. Rau nhiều nhất là rau cải xoong mà vợ anh Vân Sơn gọi là "xà lách xoong". Chuối xanh nấu canh, chuối chín đắt. Một nải mười hai quả một đồng rưỡi. Cua bể có vài hàng thì một con bằng nắm tay một đồng rưỡi. Cá cũng có ít cá đồng, cá trê bằng cổ tay… Khác miền Bắc là người ta tiêu hai thứ tiền: Tiền ngụy cũng có tiền giấy và tiền kẽm ("bà trả lại cho tui tiền giấy chớ tiền kẽm nặng bọc lắm!" - một chị uống nước chè kêu lên).

… Anh Vân Sơn không còn nhận ra Quán Ngang của mình rồi! Mình được một dải ba mươi cây số mà mất không biết bao nhiêu xương máu.

Xe chúng tôi rẽ sang phải, chạy trên đường chín, đi tìm Ủy ban tỉnh ở thôn Đông Hà… Thôn này nằm bên sông Hiếu.

… Bây giờ là 21 giờ 30. Chúng tôi về Cam Thủy, Cam Lộ cách Đông Hà 7 cây số, vẫn nằm bên bờ sông Hiếu. Đây là tuyên huấn; gồm cả báo, thông tấn… Anh Niệm, chủ nhiệm báo "Quảng Trị giải phóng" kể cho chúng tôi nghe chuyện ra báo, chuyện năm chiếc máy ảnh ban Thống Nhất tặng cho tỉnh… Chúng tôi học và đã tạm giao việc cho ba người đi về Triệu Phong để dự cuộc họp tổng kết kinh nghiệm "tiến ra phía trước". Tôi ở lại Tuyên Huấn đây.

Trái với tưởng tượng, ở ven sông Hiếu, xóm làng vẫn xanh tươi.  Có những điểm nhà cửa mới bị đánh tan hoang. Nhưng xóm này vẫn còn khá trù phú. Chúng tôi ăn cơm ở Tuyên Huấn. Những bữa cơm mà chúng tôi tưởng sẽ rất cực, nhưng tươi ra phết. Chuối xanh nấu canh cá, rau nấu canh dắt…

Ngày 6 tháng 4:

… Chúng tôi đến bờ Tây sông Thạch Hãn. Thị xã Quảng Trị bên kia. Lúc này là 2 giờ 40 phút chiều. Trời nắng rực. Cờ bọn Thiệu vàng ba sọc bay san sát dọc bờ Đông kéo dài về phía Nam. Thành Quảng Trị đổ nát thành bình địa. Chúng nó dựng cổng trại màu xanh non. Những dãy cót quét màu vàng chạy dài một đoạn ven bờ sông. Từ sân bay Ái Tử tôi đã nhìn thấy một lá cờ ba sọc lớn, bay trên đống gạch đổ nát của thị xã Quảng Trị, đối diện với lá cờ Mặt trận. Một cảm giác tức giận trào lên trong tôi. Phía bên kia là quê vợ tôi rồi. Chỉ cần qua đò, đi 10 phút ô tô nữa là tới!

Mấy tên lính ngụy mặc quần xanh lá cây đứng trên những bậc đá dẫn xuống sông Thạch Hãn, nhìn sang phía chúng tôi. Có đứa chụp ảnh. Chúng đứng chống nạnh, nhìn chúng tôi rất hỗn. Bên bờ này, mấy anh bộ đội cởi trần xuống tắm. Đây là trạm đón tiếp đầu tiên những anh em tù binh "những anh em chiến thắng trở về".

Đồng chí tổ chức đón tiếp dẫn chúng tôi ra bờ sông, giới thiệu: "Báo cáo với các đồng chí, chổ này là nơi đón anh em trở về. Bọn chúng chở anh em mình sang đến chổ kia là mấy anh em mình đã cởi quần áo vứt hết xống sông rồi". Có anh cởi cả quần đùi, nói: "Thôi ông tướng ơi, mặc vào!" Anh em mình đi lên chổ kia thì xếp hàng chào cờ, rồi đi sang bên phải, chờ đọc tên… Mình trao trả sang bên kia, có anh cũng chạy trở về được. Cứ lên bờ một cái, chạy đến chổ Ủy ban Quốc tế, nói lý do rồi quay lại thôi. Có anh ở Đông Hà về được đấy. Sau này bọn nó rút kinh nghiệm, cứ một anh, có hai thằng cảnh sát đến nắm hai cánh tay nó bóp cho rủn cả người ra, không chạy được. Cái anh ở Đông Hà kể: "Tui cũng bị nó nắm cánh tay nó bóp. Tui vùng ra nói: "các anh làm gì thế. Bỏ ra, tôi không chạy trở lại đâu mà lo". Nó vừa bỏ ra, thế là tui chạy"…

Các anh có biết không, có khi bọn nó đưa sang bên bọn mình mấy lính nữ, làm nhiệm vụ trao trả. Bọn này nó mặc váy ngắn cũn. Bọn tôi hỏi: "Lính gì mà lại mặc váy ngắn thế?" Nó trả lời: "À, lính phục vụ mà!".

… Buổi chiều nắng tràn trên sông Thạch Hãn. Loa của chúng chỏ sang bờ bên mình, đang hò huế, rồi đọc tin… Mặc cho tiếng loa eo éo, chúng tôi đi bộ trong làn nắng gió dào dạt ven sông. Theo ngón tay anh Vân Sơn chỉ, tôi hướng nhìn về Tích Tường, Như Lệ, Động Ông Do. Ở đó, mình cũng còn chiếm được một phần. Cây cầu bắc qua sông Thạch Hãn đổ gục thành mấy nấc. Sông mùa này cạn lắm, có cả một cồn cỏ chạy lúp xúp trên mặt nước ngang sông… Bên kia, những ngọn cờ vàng ba sọc quái đản, bao giờ mới chịu tan biến đi? Bao giờ chúng ta mới lấy lại sông núi trọn vẹn cho ta? Còn hiện tại, nó vẫn là một thực tế phũ phàng. Những lá cờ quái đản ấy vẫn còn phần phật bay giữa trời trong gió chiều, trông mà nhức mắt mà uất ức!

… Sân bay Ái Tử là một bãi rộng nằm vắt ngang qua đường số một. Từ đống sắt, nhôm, kim khí uốn cong, chất đống, dồn cục. Nhưng vẫn có những đoạn đường băng rải một lớp hợp kim dày còn nguyên vẹ chạy dài… Nhưng toàn cảnh, đây là một núi đổ nát tan hoang.

Cầu Lai Phước còn dồn lại một đống xác xe tăng M113 của địch. Nhà anh Vân Sơn ở ngay gần cầu. Cả làng này bị bom xăng, bom tấn, bom phá đốt trụi, đào lên, trộn xuống. Thế mà có những gia đình vẫn bám lại ở đây, đội những trận mưa bom, pháo vẫn sống nguyên vẹn. Đó là gia đình bác Soạn, anh ruột anh Vân Sơn. Cảnh gặp gỡ giữa anh Vân Sơn và bà chị thứ năm làm tôi không cầm được nước mắt. Bà chị mắt ngấn lệ, đờ đẫn nắn mặt em, nắn tay, nắn chân. Bà có một con trai năm 1964 đem lên chiến khu gửi cho anh Vân Sơn. Trong một trận đánh giặc Mỹ, anh bắn cháy một xe tăng nhưng anh cũng trúng đạn và hy sinh.

Bác Cung, anh ruột anh Vân Sơn, là một nông dân kiên quyết bám trụ lại trong thôn xóm, sau khi bà con đã sơ tán ra Quảng Bình, Vĩnh Linh. Bác ở lại nuôi Bộ đội "bọn tui mổ lợn, mổ bò ra đó mà anh em họ không chịu ăn. Tức quá. Mãi sau ở ngoài có tiếp tế vào họ mới chịu ăn, nhưng cũng không ăn cơm. Có hồi bọn tui với bộ đội ở đây mà hạt muối mất hai tháng… Tui nói có trời phật chi phù hộ hay không chớ nhà tui đây bom đạn biết mấy, rứa mà không ai chết. Này, cái hầm bọn tui nấp chổ nớ (bác chỉ ra trước của nhà quay mặt ra hướng Đông), chổ nớ chừ lấp rồi. Rứa mà một quả bom hơi hắn rớt chổ nhà bếp tê, một quả bom tấn hắn rớt chổ vườn tê, còn một quả bom phá hắn rớt sau hầm chổ nền nhà trước mặt. Ba quả bom mần ba việc, nhà cửa, cây cối chi mất sạch, mần răng mà người vẫn còn. Riêng trên cái nền xóm tui đây là tám lần bom B52, còn không kể bổ nhà, không kể kích…

Cái hôm bọn hắn phải rút chạy ở Đông Hà vô Lai Phước, chiều hôm đó bọn hắn rút qua sông, còn một mình tui ở lại không chạy ra mà cũng không chạy vô. Hắn chạy qua rồi hắn hỏi: "Ai còn ở bên đó?" "Cung đây!". À, được rồi. Mai bọn tau sẽ sang giết mi. Mi ở lại đây để bắt tay với Cộng sản phải không? "May răng mà sớm bựa nớ bộ đội mình vào chớ không hắn quay lại hắn tìm tui hắn giết thật rồi đó!..."

Anh Vân Sơn sờ tay vào chị… "Ui chao. Răng có cái nhẫn đẹo ri. Lại còn cái chi đây?". Bà chị lấy cái dây chuyền đeo cổ, lôi từ trong ngực ra một mặt dây chuyềnn có hình. Anh Sơn nói: "Cấy chi đây? Bùa à? Phật hay chúa đây? Chúa à? Rứa là nhờ cái bùa ni mà mi sống hay là nhờ giải phóng?" "Đừng có nói hêu hêu. Ta sống ta cứ sống mà ta tin cái chi ta cứ tin chớ!" Bà chị dâu (vợ bác Soạn) kể: "Ngày trước mình về nó đánh cho tan đi, sau rồi mình mới tổ chức, bên ngoài là phật giáo, nhưng bên trong là mình nắm cả. Bầy tui thì vào Khuôn Hội. Còn bọn nhỏ thì vào đội Oanh Vũ. Mình gài người vô hết. Cả trong an ninh của hắn, mình cũng có…"

Câu chuyện nói sang việc bà con chạy vào với địch. Anh Sơn đùa: "Xã mình còn lại một phần ba cũng là nhờ có ông anh mình là cán bộ đấy chớ! ''Bác Soạn cười: ''Ừ thì một con đom đóm không làm chi nhưng cũng sáng được một góc vườn. Nó sáng một góc vườn cũng soi cho mình biết đường mà đi một đoạn chớ! Bọn tui ở đây cũng nói hết cách mới giữ được một số bà con đó, nói thế để các chú thấy chớ không lại sợ chú Sơn nói mỉa, chú ấy lại nói: ''Anh nớ là cán bộ ở đây mà để bà con chạy, các chú không biết chớ, bọn tui đưa bà con sơ tán ra Quảng Bình, Vĩnh Linh cực biết mấy. Bữa nớ lại bị B.52, điếc đặc cả tai. Có bà bị thương ở đầu, một mình vẫn phải dẫn năm đứa cháu lặn lội đi cả đêm, có đứa cháu năm tuổi cũng phải đi suốt đêm. Ai cõng?...

Ngày 7.4…

Tiếp tục họp hội lao động giải phóng tỉnh Quảng Trị. Buổi trưa họp xong tôi ra bờ sông Hiếu đợi đò ngang. Nhưng đò buổi trưa rất ít. Tôi ngồi ở bến đá ngay chổ chân cầu sắp bị gãy. Nhịp cầu ở phía bờ sông thôn Đông Hà bị đánh bay. Một chiếc đò con bơi dọc sông. Đó là một bác già câu cá. Bác bơi từ phía Cam Lộ xuống. Tôi gọi: "Cho cháu sang chổ cầu bên kia một tí bác ơi!"

Băc lẳng lặng xuôi chèo, ghé ngoặt thuyền vào. Sau lưng tôi lại một chú "bộ đội" đứng tần ngần xin đi. Nhưng thuyền quá bé… Tôi bước lên thuyền ngồi đâu lưng với bác ngư ông. Con thuyền nhỏ bị dòng nước cuốn đi rất dữ. Bác câu cá như một người thợ lão luyện, chỉ có hai bơi chèo ngắn bằngmootj khuỷu tay, vẫn lái con thuyền đúng vào chổ mố cầu gãy.

- Khoan đã. Để chọn chổ mà chèo!

Bác thấy tôi vội, liền bảo. Dòng nước cứ kéo con thuyền ra khỏi mố cầu đá. Nhưng cũng chỉ một thoáng, bác cũng đã áp mạn thuyền vào mố đá xây, bíu lấy một mấu đá chìa ra. Tôi đứng dậy, với tay lên một hòn đá nhô ra trên cao rồi trèo lên, miệng cảm ơn:

- Thật cũng nhờ có bác…

- Có đi được không. Không lại rớt xuống nước đó.

Bác lại ung dung lái thuyền vào bờ đón anh chàng bộ đội bên kia. Tôi lần theo rầm sắt của chiếc cầu đã bị phá hoại, đi sang bờ sông phía Cam Thanh. Nhìn xuống dòng nước chay mạnh, cũng hơi ngợp…

Ngày 12.4:

Gặp đồng chí Lê San, Chủ tịch tỉnh:

Cuộc gặp gỡ thật ngắn, nhưng để lại cho nhiều người trong đoàn chúng tôi những suy nghĩ thú vị. Chúng tôi vào ngồi quanh bàn. Bác chủ tịch bắt tay chúng tôi xong, anh Sơn giới thiệu từng người. Lúc này, Tuyết mới vào. Bác San bắt tay Tuyết. Tuyết vẫn ngồi yên chỉ chìa tay ra. Bác hỏi: - "O là người ở mô?" "- Dạ, Quảng Ngãi ạ!" "- Răng trông o quen lắm!" "- Thế bác tên gì ạ?"

Bác San đang rót nước, ngừng lại một lúc lộ vẻ bấy ngờ. Nhưng rồi bác cũng trả lời nhanh: - Tui là Bổ, anh em gọi như thế. Còn tên thật là,…là…Bác không nói tiếp nữa. Không thể lường trước được có một tình tiết bất ngờ như thế này. Sau khi gặp gỡ ra về, ngồi trên xe, anh Vân Sơn đùa một cách thoải mái, nhưng cũng chính là một hình thức phê bình:

- Cha ui, hôm nay đi mà quên không giới thiệu với cô Tuyết biết tên đồng chí Chủ tịch. Tôi cứ tưởng một ông chủ tịch tỉnh quan trọng ra ri thì ai cũng biết rồi chớ! Rồi anh Vân Sơn nói thêm, không đùa nữa: "Ông ấy tên thật là Lê San, còn anh em gọi là Bổ, vì trước đây ông ấy hoạt động ở khu vực V, leo rừng leo rú cứ bị bổ lên bổ xuống. Đến khi đặt bí danh, anh em đặt cho ông ấy luôn tên là Bổ…"

… Đồng chí chủ tịch có vẻ rất sung sướng khi nghe Đài phát thanh sẽ đặt ở khu Trị Thiên. Ông tỏ ý phàn nàn Đài giải phóng bắt rất khó. Ông nói: "Các đồng chí vào đây rồi, đi nhiều vào. Đi thật nhiều, hiểu thật nhiều, thật sâu. Phải thế mới viết hay được. Phải hiểu rồi mới viết, viết làm sao cho từ nhà tư sản, anh công chức, đến chị tiểu thương, nhà sư, thầy bói cũng hiểu…"

Ngày 23.4:

Đi bộ từ Đông Hà về Do Linh. Các bạn ở Văn hóa Thông tin đãi nuwocs chè xanh và thuốc lào, giữa lúc bụng đói, làm mình say lữ mất buổi trưa. Không ngờ ở dây, những tập san với ca dao, thơ, hò, vè thật phong phú, nhiều bài khá hay, đậm đà tình quê hương, như Mẹ già của Xuân Ban, Thằng no của Đức Tiên, Về thăm đất tuyến, Đường ra trận mùa xuân của Vũ Mạnh Thi, Cô gái Do Linh của Thanh Sơn, Ngã tư làng em của Dan Thiều…

Nhưng mình lại rất thú vị khi gặp cậu bé Trường chín tuổi ở thôn Lạc Tân. Cậu ta láu cá, lém lỉnh. "Chú có câu đố mô không? Chú đố đi!" Tôi chưa kịp nghĩ thì chú ta đã lem lém "Thôi, chừ cháu đố trước nghe":

"Một trăm thằng tàu mới qua. Thằng mô có mũ lôi ra. Thằng mô không có thì thôi" là cấy chi?" "Cấy chi bằng cục mảnh sèng. Chạy queng côi đôộng?" "Bằng hột cát, và (vừa) hát và đi" là con chi?..."

Ngày 24.4:

Từ những ngày ở Hà Nội, Miên (vợ tôi) thường kể về những đôộng cát chạy dài ven biển Quảng Bình, Quảng Trị. Những ngày hành quân vào đây, tôi đã trông thấy những cồn cát dài. Nhưng tới hôm nay tôi mới thực sự bước lên đôộng cát. Tôi từ chợ Cầu cắt đường qua căn cứ 31, vượt bãi cát dài, đi về xã Do Hải. Từ 7 giờ ra đi, 10 giờ 30 phút tới, nhưng may cho tôi gặp được chị Tình đi chợ Cầu mua Gianh, dẫn đường về thôn 5.

Tôi đi theo chị Tình. Chị đã có 6 con. "Chị về sớm rứa?". "Ra mua rồi về chứ ở lại làm chi!" Chốc chốc chị lại đic hậm lại, chân khựng trên cát, hoặc bước một, nhọc nhằn. "Chị nặng không, để em gánh hộ." Không khách sáo, chị hạ gánh xuống cát. Tôi đặt ba lô và vứt đôi dép vuống. Tôi bắt đầu gánh. Sau bao năm rồi, tôi mới lại gánh. Hai bó gianh cũng độ 40 cân. Tôi xăm xăm bước trên bãi cát, cát lún. Nhiều đoạn cát sục lên, mặt trời chiếu đã nóng rẫy chân. Mồ hôi đã thấm ướt hết cả lưng, áo lót và áo ngoài đều đẫm mồ hôi. Tôi tự nhủ: Gắng lên. Gắng nữa! Cát, vẫn cát. Hàng dương ngoài bãi biển vẫn xa mờ. Tôi nhằm chếch huuwongs Nam. Chị Tình đi sau gọi "Chếch sang hướng này, chú ơi. Cứ theo hướng mặt trời lên mà ra!" Tôi ngoặt sang một con đường mòn khác. Tôi cố đến chổ bờ cỏ kia, rồi nghĩ. Tôi trở vai lia lịa. Cố một tí nữa. Bờ cỏ kia rồi. Cố thêm một tí nữa. Vượt qua dãy cỏ mọc lúp xúp, lại hiện lên một bãi cát trắng tinh, hun hút. Bờ cây dương vẫn xa xa. Đi thêm một quản, tôi thở rốc. Máu dồn lên mặt, nóng rần rật. Gánh tranh trĩu xuống. "Ta nghĩ một lát chị nhỉ!" Tôi đặt gánh xuống. Tồi tôi ngồi xổm xuống. Một cảm giác nôn nao ngây ngất. Bốn phía nắng lóa trên cát. Làng vẫn xa ngoài kí. "Bây giờ ta đi không nắng to, chú ạ". Tôi theo gót chị Tình, im lặng. "Thôi bây giờ chú đi thẳng theo con đường tê, đến hàng dương cao cao đó là Ủy ban…"

Trưa nay mới ăn được một bữa cá ngon ở nhà cụ Cui. Cá trích còn tueoei, tép biển cũng rất tươi, mới đánh về sáng nay. Chiều tôi lại ăn cơm nhà ông Sanh, một du kích bám trụ vững chắc, ông đã 58 tuổi. Chỉ có một con trai, mất tích. Anh đi bộ đội từ năm 1965.

Nhà ở đây là trên bãi cát.

… Ông cụ đi biển về lúc 9 giờ rưỡi. "Mụ ơi! Cá đây". Tôi ngồi dậy bật đèn pin soi xem cá. Những con cá trích dính đầy cát trắng… Tôi nằm trên võng thiu thiu nghe đài, rồi ngủ quên. Có tiếng gọi và có tiếng người đập vào chân: "Chú dậy ăn cá tươi chú!" Mâm cơm và một dĩa cá to đã dọn sẵn. Ông cụ nói: "Không chi bằngn cá tươi chú ạ! Chú ăn đi. Ăn cho bưa đi. Về biển là phải ăn cá cho chán chê đi. Lúc nãy đi gió to quá, tui cứ tưởng bữa ni chú không được ăn cá đó chớ! Chừ cũng kiếm được dăm chục. Con ni chú này. Con ni to. Gắp cả con mà ăn chú!''

Cá còn tươi,ngon miệng quá, tôi không khách khí, ăn hết một bát cơm với năm con cá trích to, béo ngậy…

Ngày 27.4:

Đội văn công Do Linh biểu diển một đêm khá đặc sắc. Quả là một cố gắng khá lớn lao. Họ hát những bái hát mới không hay, nhưng những điệu dân ca Trị Thiên thì rất là mê. Họ có cái hớn hở tự nhiên và mộc mạc. Những bài tấu, những hoạt cảnh và những vỡ kịch đượm sắc màu Trị Thiên, còn mang hơi thơ của cuộc sống thực tại khiến người xem thực sự xúc động. Ca kịch ''Trận tuyến ngầm'' của Vũ Mạnh Thi và Đức Tiên, hoạt cảnh "O giao liên" của Vũ Mạnh Thi đều là những cố gắng có bước tiến khá chắc chắn, lóe lên một số nét và hé mở một khả năng…

Ngày 28.4:

Tại bãi sông Thạch Hãn, địa điểm trao trả nhân viên dân sự cho Việt Nam Cộng hòa… Chúng tôi tới để tường thuật buổi trao trả 28 nhân viên dân sự cho Sài Gòn. Tôi đóng vai nhà báo chính thức. Nhưng hụt. Mười một giờ, qua rồi thời điểm để tiến hành công việc. Các đồng chí sĩ quan của ta ngồi chìn qua bờ bên kia, bực tức. Chiếc xuồng máy ở ngay bậc xi măng lên xuống bên bờ kia vẫn nằm nguyên, thỉnh thoảng có người ngồi xuống bên mạn xuồng, rửa ráy giặt quần áo. Các nhà báo (đến khoảng 100) đã ra về, những nhân viên phục vụ, đội văn công Nam Bộ phục vụ trao trả cũng ra về. Anh Giang (trong Ban trao trả) cho chúng tôi biết, chúng nó báo sang là không thể tiếp nhận hôm nay, xin hẹn ngày mai.

Ngày 29.4:

Lại một lần hụt nữa. Một giờ trưa rồi, chúng tôi ngồi đợi ở bãi Nhan Biều. Anh Giang, anh Thơ, anh Nhàn, anh Lên (trong Ban Liên hiệp Quân sự hai bên) ngồi nói chuyện. Anh Giang kể lại kế hoạch đánh lấy lại thĩ xã Quảng Trị ngay đêm 16/9/1972. Lúc ấy, các trung đội trưởng, trung đội phó đều đã sang tận từng hầm trong thị xã, đếm số địch, chia nhau từng khu vực. Nhưng rồi đến đêm ở trên lại bỏ kế hoạch đánh chiếm. Ngày 27/1, chúng ta cũng đã có kế hoạch đánh lấy thị xã. Đơn vị anh Giang quyết tâm chiếm lại dinh Tỉnh trưởng. "Dinh nó ở kia kìa, ở chổ vượt sang chổ bụi cây, đi vào một trăm thuwocs nữa". Anh em vui lắm. Đảng ủy, Chi ủy cũng đã phát động. Phải chiếm được thị xã trước ngừng bắn. Còn có thể một số rìa rìa để sau cũng được. Đến chiều, lại có lệnh sang chiếm thị xã xong rồi trở về. Bọn tui nghĩ, chiếm thì dễ, nhưng khi vượt sông trở về thì khó. Mà làm công tác tư tưởng cho các anh em ra sao… Nhưng lệnh thì cứ phải chấp hành. Thế nhưng đến 6 giờ chiều lại có lệnh bỏ… Bây gời ở Tích Tường, Như Lệ, chúng tôi đang còn 15 cái chốt, có 3 chốt ta với địch cách nhau 5 thước. Có cái chốt bọn chúng đào giao thông hào chĩa thẳng vào chổ ta. Nó lại còn bắn súng cối sang. Hôm ấy, ta ra lệnh báo động toàn tuyến. Ta bắn sang hai phát vào hàng rào, chớ không bắn vào hầm nó, coi như cảnh cáo. Ta nói cho biết: Hôm nay, hễ ai lên khỏi hầm hào là bắn. Không cho nó lên khỏi hầm, không cho nó lấy nước. Suốt một ngày nó phải nằm lại hầm hào. Coi như bị phạt mà!

Sáng ngày 25.4:

Tôi đang đứng ở bãi biển Bắc Cửa Việt. Tôi ghi những dòng này kê trên một chiếc thuyền máy của bà con đi biển. Sóng ì ầm và vờn vào chân tôi. Mặt trời lên chiếu thẳng vào trang giấy. Sáng nay du kích và dân quân toàn xã Do Linh tập bắn bia. Tôi theo anh Thúy, Ủy ban xã, từ thôn năm qua thôn bốn, rồi ra bãi biển gặp đồng chí Thọ, xã đội trưởng. Anh Thọ còn trẻ quá, không như tôi tưởng tượng. (Những phát súng bắn ra hiệu đang nổ. Các đồng chi đứng trên ụ cát cao bắn và lấy mũ nón ra hiệu cho bà con trên những chiếc thuyền ngoài xa đừng đi vào hải phận luồng đạn bắn bia bắn ra).

Phía bên kia, bờ Nam Cửa Việt, những xác xe tăng chưa kéo đi còn hiện ra như những mô cát phủ cỏ. Tôi lên ụ đứng bên một đồng chí:

- Hồi trước xe nó đi theo đường này phải không anh?

- Đi đường nớ cũng có, mà đi đường ni cũng có (Anh chỉ tay vào bãi cát phía trong thôn).

- Sao giờ không cón xác xe nó nữa?

- Không, kéo đi hết rồi!...

Dòng sông Cửa Việt xanh đen. Ngoài kia là sống biển đập ì oạp, nhưng chỉ các mười mét là sông, không còn sóng nữa. Sông rất lặng, sóng chỉ khẽ gợn lăn tăn, rất dịu hiền, ở bờ vào cát hai bên bờ bồi ra, sông hẹp, nhưng vào trong, dòng sông mở rộng và kéo dài lên phía Tây, mênh mông một màu xanh thẩm. Xác tàu giặc chìm, nằm im trên bờ cát. Nắng bắt đầu lên gay gắt. Cảng bây giờ vắng lặng, chỉ có tiếng sóng vỗ ầm ĩ sôi réo mà thôi. Bên kia bờ Nam, những dãy nhà và những vọng gác lô nhô…

Tôi đi ngược từ Cửa Việt về nơi bắn bia. Nắng lên nhức mắt. Tôi nhắm mắt cho đỡ mỏi, bước trên bãi cát. Định bụng bước trăm bước mới mở mắt, nhưng tôi vừa đếm 8, 9, 10 thì một tiếng xoèn xoẹt rung trên đầu. Rồi là tiếng súng nổ. Ba hôm liền, chúng nó trinh sát Cửa Việt…

Đợt tập bắn đã sắp xong. Cát đã nóng lên, nắng nhức nhối. Đồng chí Dũng, Bí thư cũng ra bãi tập. Anh Thọ, xã đội trưởng tất tả chạy ra ụ này đến ụ khác. "Bình tĩnh nghe tam. Ngắm ngắm đường ngắm cơ bản cho trúng là được thôi!". Anh động viên từng o du kích. Các o đã nổ súng. Ngoài kí những ụ cát sau bia, cát bay vù lên sau mỗi phát súng của các o…

N.T.Đ

Nguyễn Trương Đàn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 55 tháng 04/1999

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground