Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/10/2023 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chữ Bác Hồ khai tâm, khai trí cho dân tộc Pa Kô, Vân Kiều

Hơn nửa thế kỷ đi qua, tôi vẫn còn nhớ câu nói đầy tâm huyết của già làng Hồ Tơ, đảng viên thời tiền khởi nghĩa ở bản Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa: “Chữ Bác Hồ đã khai tâm, khai trí cho dân tộc Pa Kô, Vân Kiều”.

Năm 1968, tôi là chiến sĩ công an nhân dân vũ trang làm nhiệm vụ trên giới tuyến Vĩnh Linh được dịp đi cùng đoàn khảo sát Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, phục vụ cho công tác hoạch định biên giới đoạn bắc Hướng Hóa đến giáp tỉnh Quảng Bình. Cụ Hồ Tơ là người địa phương thông thuộc địa hình được đoàn mời đi. Đồn Biên phòng Cù Bai từ ngày đầu lấy tên bản đặt tên cho đồn, hai lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Địa hình ở đây nằm thế tam giác nên thường gọi là “ngã ba biên giới”.

Đêm ấy, tôi được tiếp chuyện với cụ Tơ trong ngôi nhà sàn của đồng bào Vân Kiều ở trên địa phận tỉnh Quảng Bình. Cụ Tơ tiết lộ trong câu chuyện kể đầy khiêm tốn, nhưng tôi vẫn biết cụ mang ơn cán bộ Việt Minh, người đã dạy cụ học “chữ Bác Hồ” - chữ Quốc ngữ từ những ngày đầu cách mạng. Nhờ vậy, cụ Hồ Tơ nói sõi tiếng Kinh và đọc được sách báo. Đó cũng là lý do để cụ giác ngộ cách mạng sớm và vinh dự là một trong những người Vân Kiều đầu tiên trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi được biết Hồ Ai - con trai trưởng của cụ là một trinh sát giỏi của công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh, nguyên là khu ủy viên của Đảng ủy đặc khu Vĩnh Linh. Sau một thời gian hoạt động cách mạng, Hồ Ai trở về quê hương giữ chức vụ đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Bai. Hồ Thị Oi - con gái thứ của cụ nguyên là Chủ tịch UBND xã Hướng Lập, người phụ nữ Vân Kiều đầu tiên làm lãnh đạo xã, cũng là người phụ nữ Vân Kiều đầu tiên cầm seo cày điều khiển con trâu mộng lật những tảng đất màu mỡ, trước sự ngạc nhiên đến sững sờ của đông đảo dân bản và cán bộ địa phương, khởi đầu cho sự đổi thay lối canh tác “phát, cốt, đốt, trỉa” lạc hậu lâu đời và mở ra phương pháp cấy lúa nước sau này. Hồ Thị Oi cày được rẫy, làm được cán bộ lãnh đạo cũng là nhờ bộ đội Biên phòng dạy cho cái chữ Bác Hồ.

Người Pa Kô, Vân Kiều ở Quảng Trị luôn treo ảnh Bác Hồ trong nhà sàn - Ảnh: Nguyễn Phúc

Người Pa Kô, Vân Kiều ở Quảng Trị luôn treo ảnh Bác Hồ trong nhà sàn - Ảnh: Nguyễn Phúc

Khi say chuyện về dân tộc mình, cụ Hồ Tơ cho biết từ xa xưa người Vân Kiều có các dòng họ: Xôôm, mù Krôông, mù Kẽq, mù Raluôq, Asớp; người Pa Kô có các dòng họ A kiêng, Apát, tângcoal, Kray. Nhưng hơn 60 năm đô hộ của thực dân Pháp làm cho đồng bào “có mắt như mù, có tai như điếc” đến nỗi dòng họ cũng quên, năm sinh cũng chẳng nhớ chỉ tính theo mùa rẫy. Trai gái lấy nhau sinh năm, bảy đứa con mà chỉ nuôi được một, hai đứa do đói nghèo, bệnh tật. Sau giải phóng, nhiều người Vân Kiều, Pa Kô được học chữ nên nhiều người, nhiều gia đình đã thay đổi nhận thức, xóa được đói, giảm được nghèo. Cụ Hồ Tơ nói: Người Pa Kô, Vân Kiều chúng tôi mang ơn Bác Hồ, mang ơn cách mạng, ơn bộ đội Biên phòng nhiều lắm, được học chữ của Bác, lại được mang họ của Bác.

Nghe cụ Hồ Tơ kể chuyện tôi không kìm được xúc động và thấu hiểu sâu sắc tình cảm của Bác Hồ dành cho đồng bào Pa Kô, Vân Kiều. Khi cách mạng đang còn trong thời kỳ “trứng nước”, thù trong giặc ngoài, Bác đã dạy: Có ba thứ giặc dân tộc ta phải chống đó là giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Cụ Tơ giải thích rành rọt như nguyên bản lời của cán bộ Việt Minh. Giặc dốt theo già là rất nguy hiểm vì ngu dốt không biết chữ thì suốt đời sống trong tăm tối, rồi cụ Tơ nhắc lại lời dạy của Bác Hồ mà cán bộ Việt Minh đã truyền dạy cụ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu!”.

Cụ Hồ Tơ quả là một đảng viên lão thành tiêu biểu, là hạt giống đỏ cách mạng đã gieo xuống vùng đất khó nghèo, để nơi đây mọc lên những cây lim, cây sến sừng sững hiên ngang giữ đất, giữ rừng nơi ngã ba biên giới. Đó là những gì tôi kính phục nghĩ về cụ, một con người Vân Kiều đầy nghị lực, lại được cán bộ Việt Minh ngày trước tuyên truyền, giác ngộ và sau này đến thế hệ con cháu cụ thì có bộ đội Biên phòng tuyên truyền, giác ngộ. Cụ kể cho tôi nghe về những lớp bình dân học vụ thời kháng chiến lấy tán lá rừng làm mái trường, tảng đá làm bàn viết, đuốc lồ ô thay đèn dầu, mỗi người dân thi đua nhau học chữ Bác Hồ. Theo cụ, biết đọc, biết viết là đọc được sách báo tiếp thu được đường lối cách mạng để theo Bác Hồ đánh Tây, đuổi Nhật. Ở xã Linh Thượng nhiều thanh niên Vân Kiều nhờ học chữ đã trưởng thành như: Hồ Chuồn, Hồ Cốt, Hồ Sáu, Hồ Vinh, Hồ Dòng… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ có những người trở thành sĩ quan quân đội như: Hồ Vai, Hồ Kan Lịch, Hồ Ai, Hồ Đàm, Hồ Đại Số, Hồ Mường... Nhiều người là cán bộ các ban ngành đoàn thể như: Hồ Ray tham gia cách mạng rồi trưởng thành sớm, sau này đảm nhiệm Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa, Trưởng Ban dân tộc và miền núi tỉnh Bình Trị Thiên và tỉnh Quảng Trị thời kỳ lập lại. Con gái Hồ Ray là Hồ Thị Hồng, nguyên là Chủ tịch UBND huyện Đakrông. Ông Hồ Hăng nguyên là khu ủy viên Khu ủy Vĩnh Linh, một trong ba thành viên đoàn đại biểu Quốc hội khóa III huyện Vĩnh Linh vinh dự được nhiều lần gặp Bác Hồ. Ông Hồ Vê hơn 20 năm làm bí thư Đảng ủy xã Linh Trường, được vinh dự nằm trong đoàn đại biểu Dân - Chính - Đảng Khu ủy Vĩnh Linh do đồng chí Hồ Sỹ Thản, Bí thư Khu ủy làm trưởng đoàn ra Quảng Bình gặp Bác Hồ ngày 16/6/1957.

Bây giờ cụ Hồ Tơ đã đi xa, nhưng khát vọng của cụ và các thế hệ người Pa Kô, Vân Kiều đã thành hiện thực. Đó cũng chính là khát vọng của Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Người muốn cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Bây giờ phụ nữ Pa Kô, Vân Kiều đi làm rẫy không còn chân đất mà có giày, có khăn che mặt lúc nắng gió. Bà mẹ Vân Kiều lên rẫy biết dùng điện thoại di động liên lạc với con cháu. Điện lưới quốc gia lên tận non ngàn. Trước đây mới có thủy điện nay đã có điện gió, điện mặt trời tạo nên nguồn năng lượng dồi dào cho đất nước. Những vườn cà phê, cao su, chuối và các loại cây ăn quả khác đã được chăm sóc dưới bàn tay của người dân Pa Kô, Vân Kiều theo khoa học và công nghệ 4.0.

Đồng bào Pa Kô và Vân Kiều mang nặng công ơn Bác Hồ, công ơn cách mạng. Người Pa Kô, Vân Kiều không những được học chữ của Bác mà còn được vinh dự lấy họ Hồ của Bác làm họ của mình. Những làng bản Pa Kô, Vân Kiều từ Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh,… đang đổi mới từng ngày xinh đẹp và hiện đại trên những con đường mở rộng đổ bê tông phẳng lỳ, những trường học khang trang và nhiều trung tâm y tế thu hút đông đảo con em Pa Kô, Vân Kiều là những người lãnh đạo, quản lý và những người làm khoa học, đang từng ngày đem đến hạnh phúc, văn minh cho quê hương mình.

 

NGUYỄN MINH CHÂU
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 344

Mới nhất

Triêng gióng của đời tôi

02/10/2023 lúc 10:58

Thời nào rồi mà còn ngồi nói tới triêng gióng. Người ta chỉ ngước mắt lên trời mà thanh cao “mây trắng của đời tôi” (Lưu Quang Vũ) hay kém hơn chút đỉnh thì cũng “ánh sáng của đời tôi” (ca sĩ Lam Trường). Còn triêng, gióng là thứ “bần cụ”, có đáng để gắn với cuộc đời không?..

Lao động nông thôn: Đâu là sinh kế bền vững? - Kỳ 3: Hướng đến sinh kế bền vững

02/10/2023 lúc 08:39

Nông thôn Quảng Trị đang sẵn có nguồn lao động dồi dào, dù hiện tại tay nghề không cao và việc làm cũng

Tôi lòn qua tuổi thơ

02/10/2023 lúc 10:45

Người ta, khi đi gần hết cuộc đời vẫn ngẩn ngơ nhớ tuổi thơ của mình. Những người trẻ cũng không ngoại lệ, nhất là khi gặp lại bạn đồng niên, tay bắt mặt mừng cười cười nói nói: coi bữa nay phát tướng dữ, ngày xưa gầy nhom, coi bữa nay trắng da dài tóc, ngày trước như lọ lem chẳng khác…

Tình tang cùng Thủy Ứ

02/10/2023 lúc 11:11

Bàu Thủy Ứ ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, mênh mông như một chiếc gương trời, gắn liền với vùng đất làng Trạng Vĩnh Hoàng ngày xưa. Chúng tôi được trải nghiệm một ngày lênh đênh theo thuyền của người dân địa phương đi đặt lừ bắt tép, thưởng thức món tép nhảy trứ danh và lắng nghe những chuyện xưa của bàu khi đến ở đây...

BẢO TÀNG: Nơi lưu giữ và tái hiện ký ức tập thể

02/10/2023 lúc 10:34

Hugo von Hofmannsthal, nhà văn người Áo đầu thế kỷ XX, mô tả khái niệm ký ức tập thể một cách rất văn chương rằng ký ức tập thể là cách mà từng lớp màng quá khứ đang vang vọng ở thực tại tập thể của chúng ta. Nhiều kí ức lịch sử bị thất lạc, bị đắm chìm, bị sai lạc, do những hoàn cảnh lịch sử của đời sống...

Dường như ta đã

8 Giờ trước

Thơ Nguyễn Đăng Dương

Tập huấn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn

03/10/2023 lúc 08:49

Từ ngày 25/9/ đến 2/10/2023, tại nhà văn hóa cộng đồng xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đakrông, Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao huyện Đakrông và UBND xã Tà Rụt, huyện Đakrông tổ chức lớp tập huấn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn tại xã Tà Rụt cho 30 hạt nhân có năng khiêu về “dân ca, dân vũ” đến từ thôn Tà Rụt 1, Tà Rụt 2 và thôn Apul của xã Tà Rụt.

Cầm tuổi ta đi

03/10/2023 lúc 08:29

Thơ Võ Văn Luyến

Những nghệ nhân thổi hồn vào tre

02/10/2023 lúc 11:39

 Ngày nay, những vật dụng thường nhật trong đời sống con người như

Áo dài trước kẽm gai

02/10/2023 lúc 10:18

50 năm trước, khi khói lửa chiến tranh chưa nguội tắt, quê hương Quảng Trị còn dày đặc bom đạn kẽm gai, khi họng súng quân thù còn rình rập bên kia cầu Thạch Hãn, nhưng đáp ứng đòi hỏi cấp thiết đào tạo những tú tài để bảo vệ và dựng xây vùng giải phóng, ngày 17/9/1973, Chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh Quảng Trị ký quyết định thành lập trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị - trường THPT duy nhất vùng giải phóng - tiền thân của trường THPT Đông Hà ngày nay...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/10

25° - 27°

Mưa

06/10

24° - 26°

Mưa

07/10

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground
Gốm sứ Tâm An