Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chưa có gió lào

G

ần đến ngày tôi rời Quảng Trị, có một người ở Quảng Trị nói với tôi:

- Lẽ ra chị phải ở lại thêm ít ngày nữa, vì vẫn còn một món đặc sản của Quảng Trị mà chị chưa được hưởng. Chị biết món gì không?

- Gió lào?

- Đúng đúng – Người ấy cười tự hào – Đến đây mà không biết gió lào thì…

Không sao, tôi nghĩ, dịp khác tôi sẽ còn trở lại đây để hưởng gió lào. Trước khi đến đây tôi cũng đã được cảnh báo về hai món đặc sản của Quảng Trị là gió lào và ớt. Người ta còn thêm thắt rằng: đến Quảng Trị nếu thấy trẻ con khóc thì đừng cho kẹo, hãy cho nó một trái ớt nó sẽ nín ngay. Hoặc khi nấu cháo bột cho trẻ, có thể không có thịt cá cũng được, nhưng phải nhớ trộn vào một thìa ớt bột! Nghĩa là người Quảng Trị ăn ớt từ khi còn nằm trong nôi. Nghe vậy làm tôi nghĩ ngay đến cái sự cay của Huế, vì có lần tôi cùng một chị bạn quê Khánh Hòa đã phải vất vả chiến đấu với tô bánh canh cá ở Huế, cả hai chị em đều nước mắt nước mũi giàn giụa, môi miệng đỏ rực lên như phải bỏng. Ấy vậy mà trước khi chúng tôi đến ai cũng nói là Huế ngọt. Không hiểu sao người ta ăn cay thế mà giọng nói là ngọt thế.

Nhưng Quảng Trị thì không hẳn như tiếng đồn. Khi đã đến đây rồi thì tôi chỉ thấy đó là cách nói theo định kiến, nói theo kiểu “sáng tác”. Bằng chứng là các bữa ăn ở nhà nghỉ Công đoàn tại Cửa Tùng rất ít cay, tuy nhiên bữa nào trên bàn cũng có thêm một dĩa nhỏ đựng ớt trái và tiêu non (những nhánh hạt tiêu này mới thật lạ và thú vị). Mấy quán cháo bún phở ở Cửa Tùng, Đông Hà, Khe Sanh cũng không cay hơn các nơi khác dọc dải Nam Trung Bộ mà tôi được biết. Ngay cả bữa cơm thường ở nhà một người dân làng biển, có những món vốn cay ớt nhất là mắm nêm và canh cá, thì cũng chỉ cay cay vậy thôi. Từ đó suy ra, tôi nghĩ gió lào chắc cũng chẳng đáng sợ lắm. Nếu không thì nước da con gái Quảng Trị đã chẳng trắng bóc thế kia.

Thật ra, cũng có một thứ làm tôi phải đề phòng ngay từ những ngày đầu, đó là một thứ cỏ lá nhọn cứng như những cái kim may bao, mọc chơm chởm trên cồn cát ven bãi tắm Cửa Tùng. Một người bán hàng rong trên bãi biển cho tôi biết nó có tên là cỏ xóc. Người ta thường nhổ nó về bỏ trên mái nhà như một thứ chông để diệt chuột. Một người khác lại nói nó là cỏ Mỹ - do Mỹ mang tới đây gieo giống và còn tới bây giờ.

Nếu có nơi nào người ta chưa đặt chân đến đã thương, thì đó là Quảng Trị, vì Quảng Trị không phải chỉ của Quảng Trị mà còn là ruột thịt của khắp mọi miền. Trong đoàn chúng tôi, có người có anh trai nằm ở nghĩa trang Trường Sơn. Có người có bố hy sinh ở Thành Cổ. Còn tôi, ngoài một người anh em họ ngã xuống ở đường 9, còn có các chị tôi từng là thanh niên xung phong ở vùng núi Hướng Hóa. Ngày ấy, khi tiễn các chị đi, người ta không nói đi vào Quảng Trị, mà nói đi vào Tuyến Lửa. Một nhà văn ở Quảng Trị từng viết: “Chúng ta không ai chỉ sống bằng quá khứ, nhưng không thể và không có quyền quên đi quá khứ”. Chuyến đi này tôi cũng muốn trở về quá khứ vậy, dù ba chục năm qua mọi thứ đã thay đổi nhiều rồi, không còn mấy dấu tích của quá khứ. Không còn hố bom, không còn bãi chiến trường, không còn hàng rào điện tử… Hố bom đã san lấp để nhà cửa, vườn cây mọc lên. Bãi chiến trường khốc liệt giờ là công viên tưởng niệm. Cầu Hiền Lương đã xây mới, gần bên cây cầu cũ đang được phục chế lại. Trận địa Làng Vây chỉ thấy một mô hình xe tăng tượng trưng đặt trên một mô đất. Có lẽ chỉ có địa đạo Vĩnh Mốc là còn nguyên dấu tích một thời.

Tôi dừng lại ở cầu Đầu Mầu thật lâu, dù biết đây là cầu mới đã làm lại, không phải cái cầu của chị tôi ngày trước. Đây là đường 14 – đường Hồ Chí Minh, nay đã là một con đường đẹp uốn lượn theo chân núi, tuy vẫn vắng vẻ. Hai bên đường có vài ngôi nhà sàn và lác đác vài ngôi nhà xây mới, những bó củi lớn dựng ngổn ngang và vài cậu dê con nhởn nhơ… Còn đường 14B, đường 15, đường 16 ở đâu? Ở đâu nơi núi rừng Hướng Hóa này các chị tôi đã sốt rét đến rụng tóc, đã công phu tìm hái từng ngọn rau dại. Cánh rừng nào đầy những con vắt đói mùa mưa?

Trong một ngôi nhà nhỏ ven đường có một nhóm người đang ngồi uống bia suông. Họ tò mò nhìn chúng tôi, rồi vui vẻ trả lời, vui vẻ mang nước trà ra cho tôi uống, mời uống bia, mời vào nhà nghỉ chân. Nghe nói đồng bào Vân Kiều, Pa Kô… ở Đakrông đây vẫn cảnh giác cao lắm, có người mời khách vào nhà, làm cơm thết đãi rồi… đi báo chính quyền! Mà cần gì phải nghe ai nói nhỉ, ngay ở làng Cát Sơn gần Cửa Tùng kia, khi tôi đến nhà một vị cán bộ thôn xã, định tìm hiểu đôi nét về địa phương và định nhờ cán bộ giới thiệu cho gặp một vài người nào đó, nhưng người này đã từ chối không giúp, với lý do tôi không có giấy giới thiệu (chứ không phải giấy tờ tùy thân), đến địa phương mà không thấy đến ủy ban… Nhưng những người ở ven đường 14 này thì không có vẻ gì phải cảnh giác cả, tôi vẫn tin đây là sự mến khách thật lòng, có lẽ vì còn vắng vẻ quá, có người lạ xuất hiện dù sao cũng đỡ hơn chăng?

Tôi ước giá được vào một bản làng nào đó, ở lại một vài ngày hoặc nửa ngày thôi cũng được, nhưng chỉ ước thôi, không dám đòi hỏi làm phiền nhiều. Cũng như người lái xe đưa chúng tôi đi, suốt hành trình dọc Đường 9 anh chỉ mở máy nghe những bài hát về Trường Sơn. Thì ra anh vốn là một lái xe Trường Sơn, sau giải phóng ở lại đây làm rể Quảng Trị. Vậy mà bây giờ anh vẫn đang sống với kỷ niệm, tôi nghĩ và hy vọng sẽ được nghe anh nói về một cái gì đó nhân chuyến trở lại này, nhưng rồi thấy anh không muốn nói, đành thôi.

* * *

“Ở đây người chết nhiều hơn người sống!”. Tôi hiểu bạn đang nói về người chết trong chiến tranh vì lúc đó chúng tôi đang trên đường đến viếng một nghĩa trang. Chỉ mới đến ba nghĩa trang trong số 72 nghĩa trang ở Quảng Trị, trong đó có nghĩa trang Đường 9 và nghĩa trang Trường Sơn, tôi đã thấy bạn không nói quá. Riêng nghĩa trang huyện Vĩnh Linh đã có 5485 mộ liệt sĩ là người của 41 tỉnh thành trong cả nước. Cả ở đây tôi cũng không tìm thấy tên người anh em họ của tôi, nhưng được biết trong đó có 1931 ngôi mộ không tên. Ai đó vừa nói Vĩnh Linh còn có bốn ngôi mộ tập thể nằm ở bốn xã, vốn là những tiểu địa đạo bị bom đánh sập, vùi lấp tất cả 126 người. Còn khu vực Thành Cổ và dòng sông Thạch Hãn thì đã được coi là một nghĩa trang không mộ chí. Năm 1972 đỏ lửa ấy, Thành Cổ và thị xã Quảng Trị đã bị bom đạn Mỹ nghiền nát bởi B52 từ trên trời, đại bác từ hạm đội ngoài khơi, xe tăng bọc thép từ mặt đất. Thành Cổ với hơn 2160 mét chu vi đã hứng chịu đủ các loại bom: bom đào, bom phạt, bom phá, bom cháy na pan, bom lân tinh, bom bi, bom dù, bom 7 tấn. Và các loại pháo khoan, pháo chụp. Rồi hơi ngạt, chất độc hóa học. Theo tài liệu ở Thành Cổ thì có đêm B52 ném xuống thị xã Quảng Trị khoảng bốn nghìn tấn bom, có ngày pháo bắn vào cỡ hai vạn quả đại bác. Vậy mà bộ đội vẫn hết đợt này đến đợt khác thay nhau bám giữ, giành giật đến ngày cuối cùng, có người hy sinh không phải chỉ một lần!

 Đi cạnh tôi có một cựu chiến binh đến từ Nghệ An, là thương binh của chiến trường Quảng Trị, nay vẫn còn mang những mảnh đạn trong đầu, nhưng anh cũng chỉ biết lắc đầu, hồi lâu sau mới nói: “Không thể nói gì được nữa!”.

Dưới chân chúng tôi cỏ đã lên xanh, dưới cỏ là đất muôn đời im lặng. Đất, đã từng quằn quại, tả tơi, nát bấy. Đất bây giờ mang trong mình cả máu nóng và chất độc hóa học. Đất quyện lẫn với thi thể. Trong đất vẫn còn nhức nhối các loại mìn. Ba mươi năm sau người Quảng Trị vẫn còn tiếp tục việc dò gỡ mìn. Ngày nay, khi làm bất cứ công trình nào như thủy lợi, xây dựng nhà cửa, công viên, làm đường ống dẫn nước.v.v… người ta đều có thể đào lên hài cốt người. Có khi còn kèm cả tư trang, súng đạn và cả những lá thư viết chưa kịp gửi. Ít nhất tôi đã thấy trong bảo tàng Thành Cổ hai xấp thư của hai liệt sĩ đều mới tình cờ được tìm thấy những năm sau này. Gần đây nhất là bốn bức thư bọc trong bao nilon được tìm thấy ở thôn Nhan Biều (Triệu Phong), do liệt sĩ Lê Văn Huỳnh quê Thái Bình viết vào những ngày cuối của cuộc chiến 81 ngày đêm giành giật Thành Cổ. Bốn bức thư viết cho bốn người thân như những lời di chúc. Người viết chắc chắn vào trận lần này không trở về. Anh dặn lại người vợ trẻ nếu có ai thương thì cứ đi bước nữa… Và đến ngày chiến thắng nếu có điều kiện thì vào đưa xác anh về…! Khi ấy chắc người viết không nghĩ những lời dặn này mãi ba mươi năm sau mới được biết đến và người vợ mới cưới được bảy ngày của anh vẫn ở vậy cho tới bây giờ! Như vậy đấy! Làm sao biết được dưới lòng đất còn bao nhiêu bức thư, bao nhiêu lời dặn chưa được đào lên, không bao giờ được đào lên? Bao nhiêu bí mật, dự định, suy tư trong thời khắc ấy đã vĩnh viễn chôn sâu trong lòng đất? Mỗi con người là một tiểu vũ trụ cơ mà.

Cho đến thời điểm này (2003), trên báo Quảng Trị vẫn tiếp tục đăng tải danh sách trích ngang đề nghị công nhận liệt sĩ. Các liệt sĩ và nghĩa trang, đây mới chỉ là một phía (phía bên mình). Còn phía bên kia là bao nhiêu? Chắc chắn không có con số chính xác.

Dù đã đọc, đã nghe, song chúng tôi biết đó không phải là tất cả, chúng tôi không bao giờ biết được hết và không thể nào hình dung nổi. Chỉ có thể thốt như người cựu chiến binh, anh thương binh đến từ Nghệ An: “Không thể nói gì được nữa!”.

* * *

Vĩnh Linh ơi trăm mến ngàn thương… Đó là lời một bài hát mà từ thuở nhỏ tôi đã nghe. Nhưng hôm nay đến từ Quảng Trị, tôi hỏi ba thanh niên (tuổi ngoài 20), họ đều lắc đầu nói không biết bài hát đó. Đúng là người ta không thể hát mãi bài hát đã thuộc về một thời, chỉ dành cho một thời. Nhưng không biết thì lại là chuyện khác. Hôm đó, khi tàu sắp vào ga Đông Hà, tôi chợt thấy lo lắng vì sắp xuống một nơi hoàn toàn lạ lẫm mà tôi lại chỉ có một mình đơn độc. Tôi nhìn quanh và đến hỏi hai người đàn ông khoảng 35 tuổi cũng đang chuẩn bị xuống tàu. Khi biết hai người này không cùng đi về Vĩnh Linh với tôi, tôi cố hỏi thêm một số thông tin như từ Đông Hà về Cửa Tùng bao xa, gần ga có bến xe không, mấy giờ thì xe còn chạy… Thì họ chỉ cười cười, rồi một người lắc đầu – “Đây là quê ngoại của tôi nhưng nay chúng tôi mới về lần đầu tiên nên cũng không biết”. Cũng lần đầu tiên ư? Đến gần cuối toa, tôi vui mừng thấy hai người phụ nữ nói tiếng Quảng Trị cũng đang chuẩn bị xuống, đích thị là người bản địa đây rồi. Nhưng khi tôi hỏi thăm thì họ lại cũng cười cười: “- Chúng tôi không biết nữa, hai chục năm nay mới về nên…”. Thì ra vậy. Ngày nào cũng có từ bốn đến sáu chuyến tàu xuyên Việt chạy qua và dừng lại Đông Hà, vậy mà… Ngay cả tôi, hơn hai chục năm qua biết bao lần đi qua đây, từ khi tôi nhìn thấy khắp nơi ngổn ngang những xác xe đổ, dây thép gai, vỏ bom, vỏ đạn, những cây cầu sắt trúng bom gãy gục và hố bom lỗ chỗ, cho đến khi mọi thứ biến dần rồi biến mất như chưa từng có, thì nay tôi cũng mới rẽ ngang xuống đây lần đầu tiên. Tôi còn biết có những người vẫn nuôi mong ước được một lần trở lại Quảng Trị, nhưng vì hoàn cảnh họ vẫn chưa đi được.

Dù đến rồi hay chưa thì người ta vẫn biết Quảng Trị là điểm đối đầu quyết liệt nhất giữa hai trận tuyến, còn Vĩnh Linh là điểm ác liệt nhất của Quảng Trị, là huyện duy nhất ở bên bờ bắc giới tuyến, là nơi từ đây miền Bắc chi viện sức người sức của vào Nam, nên suốt những năm “từ 1965 đến 1972 nơi đây hầu như không ngày nào ngớt tiếng bom”. Vĩnh Linh có 68 địa danh đã đi vào lịch sử như sông và cầu Hiền Lương, đảo Cồn Cỏ.v.v… và 144 làng địa đạo (làng hầm). Ngày nay di tích địa đạo Vịnh Mốc thuộc xã Vĩnh Thạch đã được đưa vào làm điểm du lịch tham quan. Dưới lòng đất sâu, ẩm, tối và chật chội, người Vĩnh Linh đã tránh mưa bom bão đạn, đã sinh hoạt, hội họp, vận chuyển lương thực, vũ khí, cấp cứu thương binh… và vẫn sinh ra trẻ con. Có 60 đứa trẻ đã được sinh ra từ các “nhà hộ sinh”, lớn lên trong những “căn hộ” rộng khoảng hai mét vuông trong ngách hầm. Công cuộc đào địa đạo và cuộc sống dưới địa đạo đã được coi là một trong những huyền thoại của Quảng Trị.

Khi chúng tôi vừa chui ra khỏi thế giới thuyền thoại đó thì bắt gặp biển mênh mông trước mặt, nắng chói chang. Mới biết địa đạo bắt đầu từ trên đồi và thông ra biển. Đang đi trên con đường nhỏ uốn lượn bên chân đồi, tôi chợt thấy một bà già vơ lá rụng trên sườn đồi cho vào một cái bao, hẳn là để mang về nấu bếp. Bà đã ngoài 70 tuổi nhưng nước da vẫn đỏ au, nhất là đôi mắt vẫn sáng ánh, đung đưa khi cười nói. “Ngày xưa bà cũng đào địa đạo này đấy. Ui cha, hồi nớ… Bây giờ bà phải về nấu cơm cho ông đây, chỉ còn ông mụ ở với nhau thôi”. Tôi hỏi tên bà và bất ngờ khi nghe nói tên bà là Tình Si, một cái tên thật ấn tượng. “Bà có biết vì sao bà có tên đó không?”. Nghe tôi hỏi, bà cười mủm mỉm: “Biết!”.

Được biết Vĩnh Linh có 192 bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng tôi vẫn nghĩ thật ra đây chỉ là tương đối, là danh sách trên giấy tờ, theo đúng thủ tục hợp pháp vậy thôi.

Người Vĩnh Linh có nhiều nghề: trồng lúa, đi biển, trồng tiêu, nuôi tôm… Bây giờ đi trên tỉnh lộ 70, ta sẽ tha hồ ngắm cánh đồng lúa bát ngát. Đi vào các làng xã sẽ thấy những vườn hồ tiêu xanh um. Tiêu ở đây không cần mọc mà cứ thế leo lên những cây lưu niên, cây ăn trái trong vườn. Nếu được phép bổ sung, tôi sẽ bổ sung thêm rằng, ngoài gió lào và ớt, Quảng Trị còn một đặc sản thứ thiệt nữa là tiêu. Tiêu Quảng Trị mới thật đúng là “bé hạt tiêu”. Không biết có phải do phong thổ? Do gió lào, đất đỏ, nắng nóng và cả khí thiêng nữa đã làm hạt tiêu ở đây sắt lại, nhỏ xíu, nhưng thơm cay đặc biệt. Cay đến nồng nàn, se sắt, đến độ làm người ta thấy khổ tâm.

Có cảm giác như hầu hết những người tôi thoáng gặp ở đây đều mang trong họ một cái gì nhiều hơn chính họ, nhiều hơn bình thường. Đó là cậu bé xuống tàu cùng tôi ở ga Đông Hà là cụ bà có tên Tình Si, là người đàn ông có biệt danh “Hùm xám” một thời; là một người viết văn lặng lẽ. Đó là người đánh cá chân thành và cởi mở ở xã Vĩnh Quang, là người đàn ông một mình đi tìm nhặt sứa ngoài bãi đá lúc sáng sớm; là cha con người quăng chài thả lưới bắt cá lúc đêm khuya… Cả ánh lân tinh ma quái cứ sáng lên theo mỗi bước chân nhấc lên từ cát ướt.

Và Cửa Tùng nữa. Bãi biển thật đẹp, một vẻ đẹp hoang sơ thuần khiết không trang điểm. Cửa Tùng có những buổi sớm mù sương. Sương bay dày như mưa bụi. Sương tỏa trắng mặt biển, che khuất tầm nhìn, rồi đột ngột mặt trời đỏ lựng hiện ra ở lưng chừng trời. Trăng ở đây cũng màu đỏ, nhất là vào đêm trăng suông. Đang giữa tuần trăng sáng đẹp bỗng có một đêm trăng suông, mặt trăng hiện lên sau rặng cây, đỏ ối như một khuôn mặt đầy máu, nhưng không có ánh vàng nào tỏa xuống, khắp bãi biển chỉ có một thứ ánh sáng lờ mờ bàng bạc, một màu đêm loãng mơ hồ.

Cho đến ngày tôi rời Quảng Trị, trời vẫn chưa có gió lào. Có phải trời Quảng Trị thấu nhiều nỗi đau thương đã có ý tránh cho tôi những khắc nghiệt chăng?

V.H

Vân Hạ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 106 tháng 07/2003

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground