Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chứng nhân Cam Lộ

T

ừ chợ Cùa - trung tâm thương mại, hành chính của xã Cam Chính, đi chừng hai cây số nữa thì đến một khu đất rộng, bằng phẳng như một sân bay dã chiến.

- Đây là Tân Sở. Ngày xưa vua Hàm Nghi từ Huế chạy ra đây xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi toàn dân đánh Pháp…

Theo cái khoát tay của chủ tịch xã Nguyễn Ngọc Lương, tôi nhìn xuyên suốt làn sương khói bảng lảng hoàng hôn đang phủ mờ những bụi cây lúp xúp trước mặt. Không còn lại gì, dù dấu vết một đoạn tường thành, một nền nhà. Những năm 60 - 70, chính quyền ngụy đã dồn dân thôn An Lộc đến đây, lập thành chi khu Cùa với sân bay Cồn Trung và quận lỵ Hướng Hóa. Đây là điểm chốt chặn chiến lược cùng với các căn cứ Khe Sen, Đầu Mầu, Cam Lộ… làm thành phòng tuyến thép, dọc đường Chín, chặn đứng sự xam nhập của cộng sản Bắc Việt.

Dấu tích Tân Sở một trăm năm trước đã bị xóa trắng.

Tôi thoắt rùng mình. Như có phép phân thân, tôi bỗng nhìn thấy từng đoàn người ngựa ẩn hiện trong ánh đuốc nhựa thông từ phía Triệu Phong, Quảng Trị, vượt động Ông Do tiến về phía Tân Sở. Đi đầu là quan Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết, rồi đến hai con trai Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Thiệp, tiếp đến là xa giá vua Hàm Nghi, ông vua mười ba tuổi chừng như đã quá mệt mỏi vì đường trường, quá khiếp đảm vì những ngày chạy giặc.

Thảm thương thay là tấn đại bi kịch của triều Nguyễn sau cái chết của vua Tự Đức, một ông vua nhiều vợ mà không con. Thời kỳ tứ nguyệt tam vương (bốn tháng ba vua) bắt đầu từ ông vua ba ngày Dục Đức, rồi đến ông vua ba tháng Hiệp Hòa, và tiếp đến là ông vua tám tháng Kiến Phước. Hòa ước Harmand - Quý Mùi, 1883 (giai đoạn vua Hiệp Hòa, đã tạo cho tòa Trú sứ Pháp mọc lên ở bờ nam sông Hương. Tiếp đến là Hòa ước Batơnotre - Giáp Thân, 1884 (giai đoạn vua Kiến Phước) tiếp tục bước thoái hàng nhục nhã của triều đình Nguyễn. Từ đây, các vua Nguyễn muốn đăng quang phảu được đặt dưới sự chủ trì của Pháp. Cậu bé mười ba tuổi Nguyễn Phước Ung Lịch lên ngôi vua Hàm Nghi tại điện Thái Hòa trước sự thị uy của 600 lính và hai khẩu pháo của Pháp do tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp, tướng Millót phái đến, và chính đại tá thực dân Guerrier thay mặt Chính phủ Pháp đọc diễn văn công nhận (!).

Cuộc tấn công quân Pháp vào đồn Mang Cá và Tòa Khâm sứ rạng sáng ngày 07.7.1885 của phe chủ chiến Tôn Thất Thuyết thất bại. Kinh thành thất thủ. Và ông vua bé con mới lên ngôi mười một tháng, phải xuất bôn ra căn cứ Tân Sở vốn được phe chủ chiến xây dựng sẵn từ đầu năm 1884, khi quan hệ giữa Nam Triều và Pháp bắt đầu căng thẳng.

Thời gian vua Hàm Nghi ở lại Tân Sở không lâu, bởi địa hình Tân Sở quá trống trải. Tôn Thất Thuyết phải đưa vua, một lần lên Bảng Sơn, Cam Lộ, một lần lên Hướng Hóa, Lao Bảo để tìm đường ra Bắc, nhưng đều bị quân Pháp chặn đuổi, đành phải ẩn lánh ở miền núi phía tây Quảng Bình. Nhưng chính Tân Sở đã trở thành lịch sử, bởi tại đây, những ngày hè hầm hập gió Lào của năm 1885 ấy, cậu bé Ưng Lịch mười ba tuổi, ban đầu còn sợ hãi, một mực đòi về Huế, sau được Tôn Thất Thuyết và phe chủ chiến khuyên giải, thuyết phục, đã vụt lớn dậy, thực sự trở thành nhà ái quốc Hàm Nghi. Chiếu Cần Vương đã được vua Hàm Nghi ký từ mảnh đất lịch sử này, để rồi suốt từ đó, lớp lớp sĩ phu Bắc Trung Nam nhất tề đứng dậy làm cho giặc Pháp thất điên bát đảo…

* * *

Đã một trăm mười lăm năm rồi. Giờ đây Tân Sở chỉ còn trong sử sách.

- Có lẽ chúng ta phải dựng ở đây một cái gì làm chứng tích của Tân Sở? - Đình Kính và Lê Quang Trang, hai thành viên trong đoàn nhà văn Việt Nam đi thực tế Quảng Trị, cùng quay lại hỏi phó chủ tịch huyện Cam Lộ.

- Huyện đã có chủ trương rồi các anh ạ. Sau khi trung ương cho đầu tư dựng lại di tích "Thủ phủ kháng chiến" của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (1973) tại thị trấn Cam Lộ, chúng tôi đã có kế hoạch trình với tỉnh và Trung ương cho dựng lại di tích Tân Sở - Phó chủ tịch huyện Nguyễn Công Phán nói rồi vỗ vai chủ tịch xã Cam Chính, vốn là người em cùng họ - nhớ phải dành 60 hecta đất cho di tích Tân Sở chú Lương ạ.

Nguyễn Ngọc Lương lại khoát tay chỉ về trước mặt:

- Chúng tôi đã quy hoạch đất di tích từ phía hàng cây kia. Phía bên này là diện tích để tái định cư cho 60 hộ gia đình. Nhân đây, nói để các anh rõ. Cùa, chính là tiền chiến khu Ba Lòng thời chống Pháp. Từ đây qua động Ông Do là đất Ba Lòng. Thời chống Mỹ, nơi này là quận lỵ Hướng Hóa. Ngày 1.4.1972 Cùa là nơi đầu tiên của huyện Cam Lộ được giải phóng. Vừa rồi, được dự án của Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, chúng tôi đã phá 6.500 quả bom mìn trên diện tích 60 hecta ở đây.

Cảm giác như có một làn khí ớn lạnh vừa thổi sượt qua gáy tôi. Đã ba mươi năm rồi mà còn ngần ấy thần chết ẩn giấu rình rập dưới đất. Có ai nói với tôi rằng bình quân mỗi người dân Quảng Trị phải chịu sáu tấn bom đạn giặc trong cuộc chiến vừa qua, rằng trong số 1400 làng Quảng Trị, sau giải phóng chỉ còn hai làng Do Mai, Do Hà của Do Linh là có vẻ còn nguyên vẹn.

- Ông không tưởng tượng được đâu. Nhưng năm 66 - 72, cả Cam Lộ này là một vùng bằng địa, cỏ nhức màu đất bazan - Nhà văn Tô Đức Chiêu, suốt từ lúc đặt chân đến đây cứ một mình trầm ngân, hết nhìn lên động Ông Do, dốc 365, lại xoay nhìn sang điểm cao 241 NaTô, rồi đỉnh Chóp Bụt, đỉnh 544 Phu Lơ bên kia đường Chín, giờ mới nói - Tháng 4 năm 1966, sư đoàn 324 của chúng tôi đã hành quân từ Nghệ An vào đây.

- Vào đây? - Tôi hỏi lại và nhìn cái thân hình cao lớn cỡ mét tám của ông Chánh văn phòng Hội Nhà văn, như nhìn một anh hùng vừa được phát hiện.

Sợ ảnh hưởng đến câu chuyện của mọi người, anh Chiêu kéo tôi ra một quãng rồi chỉ từng đỉnh núi, từng cao điểm mà lúc nãy anh đã trầm ngâm nhớ lại, nói thao thao như đang đọc từng trang hồi ký cho tôi nghe.

- Khi đánh hơi thấy sư đoàn chủ lực 324 vào mặt trận Quảng Trị, Mỹ lập tức mở cuộc hành quân Haxtin ra vùng Cù Dinh - Ba De để chặn đứng sư đoàn. Ta đánh châm ngòi, diệt cứ điểm Đầu Mầu ngày 25.6.1966. Khi ấy, tiểu đoàn pháo binh của tôi đặt hỏa lực ở điểm cao 402… Tiếp đến là cuộc đánh chặn chiến dịch Pơreri I, Pơreri II của địch vào tháng 2 năm 1967. Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ lừng danh trong trận đánh đồi Không Tôn. Trung đội pháo của tôi cùng đại đội pháo thuộc với trung đoàn pháo phản lực DKB vừa từ ngoài Bắc vào đánh hủy diệt điểm cao 241 và khống chế hỏa lực từ Cam Lộ. Chao ôi, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in. Đêm ấy, sau khi hai khẩu pháo của chúng tôi bắn ba loạt, trận địa pháo ở Cam Lộ câm bặt. Trung đội chuyển hướng vào điểm cao 241 kia, bắn hết cơ số đạn. Điểm cao 241 cháy đỏ rực một vùng trời…

Câu chuyện của nhà văn Tô Đức Chiêu khiến tôi liên tiếp bất ngờ. Đời lính của anh hầu như thuộc về vùng đất Quảng Trị này. Hôm qua, ở nhà khách tỉnh Quảng Trị, khi nghe bài hát do nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc từ năm 1966 dựa theo lời bài thơ "Kèn xuất trận" của Tô Đức Chiêu: "Ôi miền Nam yêu thương, giặc ngày đêm bắn phá, thù gọi thù phải trả, giục lòng ta đi lên…", cả nhà thơ Trúc Thông và nhà văn Dương Duy Ngữ cùng bật thốt lên: "Tô Đức Chiêu là bất ngờ nhất của đời tôi". Thì ra bài hát hừng hực của một thời ấy, lại bắt đầu từ bài thơ đăng trên báo Quân đội nhân dân trước ngày Tô Đức Chiêu vượt sông Bến Hải ở thượng nguồn, cõng pháo 120 ly vào Cam Lộ. Giữa năm 1967, trung đội pháo của anh lại vòng ra Vĩnh Linh, xuống hạ lưu sông Hiền Lương, đưa pháo qua Tùng Luật, vượt Cửa Tùng sang Cát Sơn Phường tới Thủy Bạn để đánh căn cứ Gio Linh… Năm 1970, ngoài quê Hải Dương, cậu em trai duy nhất của anh, Tô Đức Lợi, dường như bị thôi thúc bởi bài hát "Kèn xuất trận", đã xung phong vào chiến trường. Năm 1971, Lợi hy sinh tại mặt trận Quảng Trị. Bây giờ, sau ba mươi năm, ba lần Chiêu vào Quảng Trị tìm xương cốt em, mà không thấy.

Hôm kia, tại nghĩa trang Đường Chín, trước những ngôi mộ liệt sĩ vô danh, con người lừng lững một mét tám mươi, với mái tóc đang ngả trắng kia, đã khóc.

* * *

Trong bóng hoàng hôn đang ập xuống rất nhanh ở Tân Sở, tôi bỗng phát hiện ra một làng Mai Lộc có nét gì gần gũi với những làng cổ vùng Đường Lâm, Ba Vì, hay những làng ven sông Mã, sông Chu, xứ Thanh. Cũng những con đường ngoằn ngoèo qua những sườn dốc hai bên là tre pheo, dứa dại, thỉnh thoảng um tùm một bụi duối cổ thụ. Một ý tưởng chợt lóe lên: Dường như tôi đã cắt nghĩa được phần nào nguyên nhân mà Tôn Thất Thuyết và phe chủ chiến triều đình Huế đã chọn Tân Sở làm căn cứ kháng Pháp vào cuối năm 1884 ấy: Quảng Trị nói chung và Triệu Phong, Cam Lộ vốn là nơi lập nghiệp của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Sử sách đã ghi lại rằng, lời khuyên bóng gió của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" đã chỉ đường cho Nguyễn Hoàng giả vờ điên rồi nhờ chị ruột Ngọc Bảo nói hộ với anh rể Trịnh Kiểm cho vào trấn giữ đất Thuận Hóa. Năm 1558, giữa mùa Đông giá rét, Nguyễn Hoàng cùng các thuộc hạ dong buồm vào Cửa Việt, dựng bản doanh ở Ái Tử. Những người đồng hương ở Tống Sơn - Thanh Hóa đã theo Nguyễn Hoàng rất đông. Họ dựng nhà, lập ấp, khai phá vùng đất Thuận Quảng, trong đó Cùa - Tân Sở - Cam Lộ chắc chắn được khai khẩn đầu tiên.

Chọn Tân Sở làm căn cứ chống Pháp, Tôn Thất Thuyết và phe chủ chiến của ông không hẳn đã nghĩ đến địa thế hiểm yếu mà trước tiên họ nghĩ đến lòng dân. Phải dựa vào dân để đánh giặc, phải xuống chiếu Cần Vương ở chính nơi mà hơn 300 năm trước, những làng ấp đầu tiên ở phương Nam của người Việt bắt đầu được tạo dựng.

Lịch sử cũng ghi nhận rằng, hơn trăm năm qua, sự chọn lựa Tân Sở là đúng. Chiến khu Ba Lòng thời kháng Pháp và Cùa thời chống Mỹ là những gạch nối của Tân Sở. Không ai có thể tin được rằng, một người con của Cùa vừa được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000, lại chính là cậu bé 16 tuổi Nguyễn Văn Khi. Năm 1967, ngay giữa lòng ấp chiến lược chợ Cùa dày đặc quân Mỹ mà một mình Khi đã dùng mưu kế hạ thủ 36 tên. Lại cũng ít ai có thể tin rằng, đồng chí Nguyễn Minh Kỳ, chủ tịch tỉnh Quảng Trị hôm nay, trông hào hoa phong độ đầy chất chính khách, lại là người đảng viên Cam Lộ nằm hầm từ năm 19 tuổi, năm 1967, 21 tuổi đã chủ tịch xã, 23 tuổi bí thư huyện ủy, tỉnh ủy viên. Chỉ trong khoảng 8 năm, từ 1965 đến năm giải phóng Quảng Trị (1972), Nguyễn Minh Kỳ đã tham gia đánh 600 trận…

Gặp bất kỳ một gia đình Quảng Trị nào cũng phát hiện ra một huyền thoại. Ngay như ông chủ tịch xã Nguyễn Ngọc Lương, 42 tuổi, đẹp trai, nho nhã đi cạnh tôi đây, tưởng cuộc đời chỉ suôn sẻ giản đơn với mấy việc hành chính xã và mấy chục mẫu tiêu của nhà, nào ngờ cuộc đời cũng bao biến cố, chìm nổi. Năm 1969 hai người anh trai của Lương đã hy sinh anh dũng khi đang chiến đấu trên quê hương Cam Lộ. Là con trai duy nhất còn lại, năm 1980 Lương lại xung phong đi bộ đội, chiến đấu bốn năm liền ở chốt biên giới.

- Chúng ta sẽ đến thăm một nhân chứng còn lại của hai cuộc chiến tranh - Nguyễn Ngọc Lương nói.

Chúng tôi theo chủ tịch xã Cam Chính đi trong thoang thoảng hương thơm cay của mùi hồ tiêu trong vườn, vượt qua một lối ngõ hun hút hai bờ tre, tôi bỗng sững sờ khi ánh lửa của ai đó vụt lóe lên soi rõ hai hàng cây xén tỉa thẳng tắp như hai bức tường rào, hai hàng cau như đội tiêu binh dẫn vào ngôi nhà lợp ngói ba gian xinh xắn. Nó gợi ta nhớ đến một làng cổ ở Bắc Bộ, một nhà vườn cố đô Huế. Phó chủ tịch huyện Nguyễn Công Phán giới thiệu:

- Nhà của ba mẹ tôi đó. Ông bà già nghỉ hưu đã hai chục năm. Giờ là hậu phương của tụi tôi. Căn nhà này ông xây bằng tiền bán tiêu. Mỗi năm riêng thu hoạch tiêu cũng được hơn chục triệu. Tiền ấy ông bà già không tiêu đến, dành cho các cháu đi học.

Lại một bất ngờ nữa khi tôi phát hiện ông già Nguyễn Công Đàm, bố Phán, người đảng viên Cam Lộ duy nhất trong lứa đảng viên trước năm 1954 còn lại. 75 tuổi, bao năm nằm hầm, ở rừng, kề bên cái chết, vậy mà trông ông già vẫn săn chắc, tráng kiện như một lão nông không hề biết đến mùi bom đạn.

- Tui phấn đấu làm thương binh, liệt sĩ suốt bao nhiêu năm mà vẫn không được mô - cụ Nguyễn Công Đàm vuốt chòm râu bạc cười hà hà, nói vui khi chúng tôi không ngớt lời khen ông đẹp lão. Rồi bằng một giọng chậm rãi, đều đều, ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình.

Năm 1954, tui 21 tuổi, làm văn thư cho Tỉnh ủy Quảng Trị trên Ba Lòng. Ngày ấy, trước khi phân giới tuyến sông Bến Hải, xã tui có tới 309 đảng viên. Sau, một số hoang mang vượt tuyến ra Bắc. Số còn lại bị giặc lùng sục, bắn chết dã man. Cho tới năm 1959, cả xã Cam Lộc tui chỉ còn sót lại hai đảng viên, là tui và đồng chí Thái Tẩu… Bọn tui đứt liên lạc với tỉnh, phải vào căn cứ, ăn củ mài, chuối rừng hàng tháng trời… Trước đó, năm 1958, khi thằng Phán mới hai tuổi, con Phương lên năm, tỉnh thấy tình hình căng thẳng, quyết định đưa ba mẹ con ra Vĩnh Linh. Bà nhà tui và hai con phải ngược lên Lao Bảo - Hướng Hóa, đi bộ đội hai tháng ròng mới ra tới Hồ Xá. Năm sau, tui được tỉnh điều ra học Nghị quyết 15. Vợ chồng tui gặp nhau. Sau đận ấy, bà nhà tui sinh thằng Nguyễn Công Bắc. Đặt tên Bắc để ghi nhớ lần ra Bắc duy nhất ấy các chú ạ.

- Suốt từ năm 1958, gia đình tôi năm người, bốn nơi - Anh Phán tiếp lời cha - tôi được gửi ra học trường Miền Nam. Chị Phương tôi được sang Nam Ninh, Trung Quốc. Mẹ tôi cùng em Bắc ở Vĩnh Linh, sau chuyển ra Phú Thọ. Tôi về tìm ba ở Tỉnh ủy Quảng Trị. Mẹ tôi chỉ ba tôi nói: "Ba mi đó". Tôi sững sờ, ngỡ ngàng hồi lâu rồi mới ôm chầm lấy ông.

Mới đó mà đã 30 năm. Những nhân vật của chuyện còn hiện diện trước mặt mà nghe cứ xa lắc như huyền thoại.

- Thôi, để các chú uống chén rượu với ba mi đã - Bà mẹ Phán, người mẹ vượt tuyến năm 1958, để rồi xa chồng đằng đẵng mười ba năm, xa hai đứa con đầu mười năm, giờ tóc đã bạc trắng, nhưng vẫn còn giữ được những nét đẹp phúc hậu thời trẻ, từ nãy vẫn lúi húi dưới bếp, giờ đột ngột bưng lên một mâm rượu, khiến chúng tôi hoàn hoàn bất ngờ.

- Dạ thưa hau bác, chúng cháu đã có hẹn ngoài Quảng Trị…

- Hẹn hò chi. Tối rồi. Cả đời ông tui mới được gặp các chú một lần. Uống một chén rượu Cùa với ông tui cho ấm bụng.

Người mẹ mở nút lá chuối, rót rượu ra cốc. Mùi rượu nếp cái thơm lừng, chưa uống đã muốn say.

Chúng tôi cụng ly với người đảng viên già, nhân chứng cuối cùng của vĩ tuyến 17 máu lửa kiên cường, còn lại.

Quảng Trị 12.2001

H.M.T

Hoàng Minh Tường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 90 tháng 03/2002

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground