Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chúng tôi khuyến đọc

Trong nhiều năm qua, chúng tôi may mắn được đặt chân đến hầu khắp các ngôi trường phổ thông ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Cam Lộ, Vĩnh Linh,… kể cả những điểm trường lẻ xa xôi nhất để trải nghiệm và chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống và học tập của học sinh. Bên cạnh việc kết nối nhà hảo tâm đến khám bệnh, tặng quà, động viên học sinh học tập thì tặng sách và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường luôn được chúng tôi rất quan tâm chia sẻ.

Kết nối để đưa sách về bản

Học sinh miền núi thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và học tập bởi địa hình hiểm trở, đường sá xa xôi. Ngoài bộ sách giáo khoa được nhà trường cho mượn để học tập thì các em ít có cơ hội tiếp cận sách nâng cao, sách bài tập và đặc biệt là sách truyện các loại. Chia sẻ với các em những cuốn sách là trăn trở của mỗi người giáo viên vùng cao.

Từ năm 2014, qua trao đổi với một số bạn bè ở Hà Nội, Đà Nẵng, chúng tôi thành lập dự án thiện nguyện “Gom sách - Xóa khoảng cách” để thu gom các loại sách tham khảo, sách truyện, các tài liệu có giá trị đã qua sử dụng của học sinh, sinh viên ở các thành phố đó và đưa về hỗ trợ cho thư viện các trường miền núi tại Quảng Trị. Hàng chục chuyến xe vận chuyển hàng trăm thùng sách đi đến các trường trong nhiều năm với mong muốn trẻ em vùng sâu, vùng xa có thêm sách, thêm tài liệu học tập, khuyến khích việc đọc. Dự án đã triển khai trao tặng tại các trường miền núi Đakrông, Hướng Hóa hàng ngàn bộ sách giáo khoa, sách truyện, sách tham khảo các loại cho học sinh. Đặc biệt, năm 2017 chúng tôi kêu gọi được cơ sở vật chất của một trường mầm non vừa giải thể tại Hà Nội và khuân vác tất cả thiết bị, dụng cụ hỗ trợ vui chơi cho trẻ vào tặng các trường mầm non ở Cam Lộ, Hướng Hóa, Đakrông. Chỉ tiếc là dự án thiện nguyện này phải ngừng hoạt động do tác động của đại dịch Covid-19.

Năm 2022, chúng tôi đã kết nối với chương trình “Đáp đền tiếp nối” tại thành phố Hồ Chí Minh ra mắt tủ sách “Đáp đền tiếp nối” và tặng sách cho học sinh các trường tiểu học xã A Ngo, xã A Bung (huyện Đakrông) và xã Xy, xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa). Mỗi trường nói trên đã nhận được khoảng 800 đến 1.000 đầu sách mới thuộc các chủ đề: sách khoa học thường thức, sách truyện lịch sử Việt Nam, sách giáo dục nhân cách và giới tính,… tổng trị giá mỗi tủ sách khoảng 30 triệu đồng.

Ra mắt tủ sách “Đáp đền tiếp nối” ở các trường - Ảnh: N.D.H

Ra mắt tủ sách “Đáp đền tiếp nối” ở các trường - Ảnh: N.D.H

Thành viên của chương trình “Đáp đền tiếp nối” chủ yếu là các nhà giáo đã nghỉ hưu, cán bộ nhà xuất bản, cán bộ thư viện, cán bộ các dự án về sách,… nên dày dặn kinh nghiệm trong việc lựa chọn sách phù hợp với độ tuổi và sở thích của học sinh. Trong ngày lễ ra mắt tủ sách ở các trường, học sinh được trải nghiệm không gian đọc sách, tham gia chơi các gameshow về hướng dẫn đọc sách, trải nghiệm các kỹ năng xuất bản sách, kỹ năng ghi chép, được tiếp cận nhiều bản sách in mới nhất hiện nay như: sách mô hình, sách 3D,... Chính những tấm lòng thiện nguyện tâm huyết với văn hóa đọc đã lan tỏa tình yêu sách, tinh thần hiếu học hiếu đọc cho học sinh, thầy cô và phụ huynh các nhà trường. Tủ sách “Đáp đền tiếp nối” đang tiếp tục đi đến các ngôi trường vùng sâu, vùng xa trong cả nước, không chỉ tặng sách mà còn tổ chức sự kiện ra mắt tủ sách như là một buổi tập huấn hướng dẫn kỹ năng đọc sách, giúp học sinh, giáo viên và phụ huynh thêm yêu sách và lan tỏa văn hóa đọc. Hoạt động của tủ sách “Đáp đền tiếp nối” sẽ là mô hình mà các nhà trường nên triển khai và nhân rộng trong thời gian tới.

Lì xì sách

Hơn mười năm nay, chúng tôi thường rong ruổi khắp nơi trong tỉnh để kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học. Ngoài việc chuyển tiền của nhà hảo tâm hỗ trợ học tập cho các em, việc chúng tôi quan tâm nhất là góc học tập và những cuốn sách tham khảo mà các em sử dụng. Giai đoạn học ở trường phổ thông các em có nhiều thời gian để đọc sách, để nghiên cứu từng lĩnh vực chuyên môn và hướng nghiệp, nhưng đáng buồn là nhiều học sinh không có thêm cuốn sách tham khảo nào ngoài bộ sách giáo khoa. Được sự ủng hộ nhiệt thành của bạn bè, đồng nghiệp khắp cả nước, chúng tôi đã kết nối khắp nơi để có được những cuốn sách bài tập nâng cao, sách truyện hay, sách kỹ năng sống, sách danh nhân, sách khoa học,… Những cuốn sách này được gói cẩn thận và chuyển đến tận tay các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn với mục đích giúp các em được đọc thêm, tìm hiểu thêm những kiến thức mới, kiến thức nâng cao.

Trong năm năm qua, vào đêm giao thừa, trong lúc các gia đình chuẩn bị mâm cỗ cúng tạ ơn đất trời, trẻ em ra đường xem bắn pháo hoa thì cũng là lúc chúng tôi mang sách đi lì xì dọc các tuyến đường chính của thành phố Đông Hà. Ý tưởng “lì xì sách” được anh Lê Minh Tuấn - chủ nhiệm Chương trình Sách hóa nông thôn Quảng Trị phát động và thực hiện với sự góp sức của các tình nguyện viên tại Quảng Trị. Nhóm tình nguyện viên chúng tôi đi bộ suốt cả buổi tối trước thời điểm giao thừa để tặng sách với tâm nguyện giúp trẻ em tiếp cận được sách nhiều hơn cũng như tạo nên văn hóa mừng tuổi bằng sách. Việc đi bộ tặng sách bắt đầu từ đêm giao thừa năm 2017 và đến giao thừa năm 2023, chúng tôi đã tặng 1.200 cuốn sách và tập tô màu cho trẻ em. Việc lì xì sách trong dịp tết là nét văn hóa mới của hoạt động phát triển sách và văn hóa đọc tại Quảng Trị. Chúng tôi hy vọng các gia đình, dòng họ, thầy cô giáo có thể lì xì bằng sách thay vì lì xì tiền cho con em mình, học sinh mình.

Thành viên của Chương trình Sách hóa nông thôn Quảng Trị ra đường lì xì sách trong đêm giao thừa - Ảnh: N.D.H

Thành viên của Chương trình Sách hóa nông thôn Quảng Trị ra đường lì xì sách trong đêm giao thừa - Ảnh: N.D.H

Làm gì để trẻ đọc sách nhiều hơn?

Hiện nay, nhiều tổ chức phi chính phủ như Plan Việt Nam, Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam, hay các dự án, chương trình thiện nguyện có nhiều kênh để hỗ trợ sách cho học sinh, hỗ trợ trang trí thư viện thân thiện, xây dựng góc đọc, cảnh quan đọc,… Hầu như các thư viện nhà trường hiện nay đều là thư viện đạt chuẩn, thư viện tiên tiến, thậm chí có nhiều trường đạt tiêu chuẩn thư viện tiên tiến xuất sắc. Điều đó đồng nghĩa với số lượng sách, thể loại sách hiện có trong các thư viện vô cùng phong phú và đa dạng. Thế nhưng, số lượng học sinh đến thư viện mỗi ngày lại thưa thớt, nhiều sách mới vẫn nằm y nguyên trên kệ sách. Vào Ngày Sách Việt Nam 21/4 hằng năm, các nhà trường ban hành các kế hoạch để hưởng ứng bằng các hội thi như: trưng bày sách, kể chuyện theo sách,… còn những ngày còn lại trong năm thì hầu như ít phát động hoặc tổ chức thực hiện.

Để xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, trước hết thầy cô phải là những tấm gương đọc sách, mỗi thầy cô từ cán bộ quản lí, giáo viên đến nhân viên thư viện phải được tập huấn các kỹ năng đọc sách, kỹ năng giới thiệu sách,… để hướng dẫn cho học sinh. Tạo fanpage trên Facebook, xây dựng kênh TikTok để giới thiệu sách mới, sách hay, giới thiệu các mô hình phát triển văn hóa đọc hiệu quả. Ngoài ra, nhà trường nên đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu của học sinh, tổ chức các hội thi về sách trong suốt cả năm học với nội dung và hình thức mới như: Vận dụng những nội dung đã đọc vào cuộc sống, viết tiếp câu chuyện cho sách, viết thư cảm ơn người viết sách…

Trong phạm vi gia đình, xây dựng tủ sách gia đình chính là tạo môi trường đọc cho trẻ em thiết thực nhất. Trẻ cần có một góc học tập, một kệ sách và có những cuốn sách “gối đầu giường”, sách tham khảo các loại và phụ huynh hãy thường xuyên bổ sung sách vào tủ sách. Thêm một bí quyết dành cho các phụ huynh đó là khéo léo biến sách thành quà tặng và phần thưởng đối với trẻ nhỏ vào các dịp lễ tết, sinh nhật hoặc là khi các em đạt thành tích cao trong học tập. Như thế sẽ xây dựng thành một nét văn hóa tặng sách, lì xì sách trong mỗi gia đình, từ đó mà lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng.

Ngày nay, trào lưu xem video ngắn trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Youtube,… đã chiếm khá nhiều thời gian của trẻ. Ở các nước phát triển như Đức, Nhật, Israel,… người dân vẫn thường xuyên duy trì thói quen đọc sách giấy. Để khuyến khích mọi người cùng đọc sách, các phụ huynh và giáo viên cần hướng dẫn, tư vấn cho con em và học sinh mình giải trí đúng cách, sử dụng mạng xã hội ở mức độ vừa phải, tập trung vào việc học và đọc thường xuyên. Có như thế, phong trào đọc sách sẽ nhân rộng và trẻ sẽ yêu thích đọc sách hơn.  

NGÔ DUY HƯNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 343

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground