Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện đấu trí ở đôi bờ sông giới tuyến

Tình cờ, khi tìm lại tài liệu để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 55 năm truyền thống Vĩnh Linh (25 - 8 - 1954 – 25 - 8 - 2009), tôi bắt gặp những trang tư liệu dang dở về một nhân vật đặc biệt - Trung tá Nguyễn Xuân Bái và những câu chuyện đấu trí, đấu lý ly kỳ giữa hai bờ Nam - Bắc giới tuyến, thời ông làm Đồn trưởng Đồn Liên hiệp Cửa Tùng - mà không hiểu sao 5 năm trước (2004) tôi đã lãng quên để không có những dòng viết về ông. Hơn cả sự tiếc nuối và day dứt khi cái ý định về thăm lại “người hùng giới tuyến”của tôi không bao giờ thực hiện được nữa, bởi ông đã về bên kia thế giới rồi, ở cái tuổi 82. Những dòng viết muộn màng này xin nguyện làm nén hương thơm gửi về ông nơi chín suối.
 
 

Vùng giới tuyến

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, ngày 20 - 7 - 1954, tại một Hội nghị ở xa tít trời Âu, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết, lấy vĩ tuyến 17 chạy dọc sông Bến Hải làm ranh giới phân định tạm thời hai miền Nam - Bắc Việt Nam, hẹn hai năm sau (1956) sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng với tấm bình phong quan thầy Mỹ hiếu chiến đằng sau, Ngô Đình Diệm đã trắng trợn lật lộng, ngang nhiên phá bỏ Hiệp định, hô hào “lấp sông Bến Hải, Bắc tiến!”... Hai năm hẹn ngày đoàn tụ đã biến thành 20 năm mịt mù khói lửa chiến tranh, và dòng Bến Hải hiền hoà thơ mộng đã phải oằn mình trở thành “lưỡi dao rạch đôi giang sơn nước Việt”, đau đớn chứng kiến bao nỗi chia ly, ngang trái, nước mắt, buồn thương, khát khao, hi vọng, ngóng trông và cuối cùng đã vỡ oà trong niềm vui hạnh phúc ngày đoàn tụ, thống nhất...

Để thực thi những cam kết của Hiệp định Gơ-ne-vơ, đầu năm 1955, một vùng đặc biệt gọi là vùng phi quân sự (DMZ-demilitariezed Zone) được thành lập, với quy chế lấy dòng Bến Hải làm ranh giới, hai bờ Nam Bắc mỗi bên lùi vào năm km chiều ngang, chiều dọc kéo theo dòng chảy từ thượng nguồn về điểm cuối cùng của dòng sông. Hiệp định Giơ-ne-vơ ghi rõ “từ Bờ Hồ Sừ sát biên giới Việt Lào đến Cửa Tùng, chỗ Bến Hải đổ vào Biển Đông”. Trong khu vực phi quân sự, không xây dựng nhà cửa và các hoạt động dân sự, chỉ có 8 cặp đồn liên hợp hình thành tương ứng mỗi bên để kiểm soát việc thông thương, giao lưu, đi lại của nhân dân hai miền. Một Ủy ban Quốc tế gồm 3 nước: Ba Lan (XHCN), Canada (TBCN) và Ấn Độ (trung lập) được thành lập để giám sát việc thực thi hiệp định giữa hai bên. Và, sẽ chẳng có gì để nói nếu bờ Nam không trở mặt, bắt đầu chuỗi hành động tráo trở, khiêu khích gây hấn, phá hiệp định với âm mưu lấy dòng Bến Hải làm ranh giới chia cắt vĩnh viễn đất nước Việt Nam. Từ đây, một cuộc đấu tranh đòi chính nghĩa giữa những chiến sỹ cách mạng ở bờ Bắc với quân VNCH ở bờ Nam diễn ra triền miên, căng thẳng từng giây từng phút, căng như sợi dây đàn tưởng có thể chạm nhẹ là đứt phựt, như mũi tên nằm trên cánh cung, chỉ đợi cái buông tay để lao vút đi... Nhân vật Bái trong câu chuyện này của tôi là một trong những Đồn trưởng Đồn Liên hợp hai bên bờ sông tuyến ngày nào. Người ta gọi là Đồn tiền tiêu, nhưng theo ông Bái, phải gọi là Đồn cuối thì đúng hơn. Tôi chưa hiểu là sao. Ông khoát tay về hướng Cửa Tùng. Đúng rồi - Đồn cuối - bởi đây là nơi con sông Bến Hải sau bao quanh co, khúc khuỷu mang nước từ thượng nguồn Trường Sơn đã về đây cuộn dòng lần cuối trước khi hoà mình vào Biển Đông. Tôi gọi ông là đồn trưởng Đồn cuối. Ông cười, phả một làn khói mịt mù và gật gù. Lúc đó mỗi cặp đồn đều có những nhiệm vụ riêng. Đồn Cửa Tùng chủ yếu làm nhiệm vụ kiểm soát việc thông thương buôn bán qua lại của ngư dân hai bờ, chuyển thư tín từ Nam ra, Bắc vào. Cùng với cặp đồn chính ở hai đầu cầu Hiền Lương, đây là cặp đồn nhộn nhịp đồng thời cũng chính là những nơi diễn ra thật lắm chuyện thú vị, ly kỳ, căng thẳng, là nơi chứng kiến cách chiến đấu và chiến thắng thật đặc biệt của những người lính cách mạng thông minh, quả cảm, khôn khéo và cương quyết, vì đã đứng trên lý lẽ của chính nghĩa, đại diện cho tiếng nói, lương tâm và khát khao “đất nước thống nhất - Nam Bắc một nhà” của con dân nước Việt.

Chân dung người đồn trưởng và chuyện đôi bờ, đấu trí

Khác với những gì tôi tưởng tượng về hình ảnh những người hùng chiến trận, ông Nguyễn Xuân Bái với dáng người nhỏ thó, khuôn mặt hiền khô và nụ cười cởi mở. Ở cái tuổi bát thập, sức khoẻ ông đã yếu, duy chỉ có giọng nói vẫn cứ sang sảng, dứt khoát với âm hưởng rặt tiếng địa phương. Ông có thói quen hút thuốc liên tục. Ông cười, bảo “nhờ nó, tui mới sống nổi những tháng ngày căng thẳng của 40 năm trước”...

Ông tên thật là Nguyễn Kế Bái, sinh năm 1926, người Quảng Bình. Tốt nghiệp bằng Diplome (theo chương trình phổ thông của Pháp). Tham gia cách mạng từ năm 1947. Khi điều vào Vĩnh Linh công tác (1954), làm trợ lý tác chiến khu Công an Vĩnh Linh với quân hàm thiếu uý, ông đổi tên thành Nguyễn Vũ Bão. Giai đoạn 1960, khi tình hình hai bờ giới tuyến bắt đầu có những dấu hiệu căng thẳng, ông được điều động làm đồn trưởng Đồn Cửa Tùng. Bốn năm, từ 1960 đến 1964, từ chàng thiếu uý trẻ măng, song với phong cách, bản lĩnh, ý chí của người chiến sỹ cách mạng và tố chất thông minh, quyết đoán, táo bạo đã đưa ông Bái trở thành người đồn trưởng xuất sắc nơi tuyến đầu Tổ quốc. Chuyện ông Bái đối mặt và đấu trí với đồn trưởng bờ Nam, tên là Hiển - một tên sỹ quan nguỵ dạng có số má, khét tiếng hiểm ác, manh động và liều lĩnh, đã trở thành giai thoại. Dưới tán cây rợp bóng mát trong vườn nhà ông ở miệt quê Vĩnh Quang dạt dào gió biển, chiêu ngụm trà và rít hơi thuốc dài dặc, ông kể những câu chuyện của một thời giới tuyến bằng cách mở đầu mộc mạc và cũng rất dứt khoát “chú đừng có hỏi tui chuyện nớ, chuyện tê diễn ra ngày mấy tháng mấy nghe, tui không nhớ mô”.

...Theo quy chế hoạt động của khu phi quân sự vùng giới tuyến, mỗi tuần các cặp Đồn Liên hợp hai bên đều phải thực hiện hoạt động đổi bờ, tức là kiểm tra chéo, đồn này sang thị sát đồn kia, rồi họp mặt giao ban, phản ánh tình hình và ký sổ. Đều đặn phải vậy. Thời gian đầu thực hiện khá nghiêm túc, chẳng có gì xảy ra. Bắt đầu từ cuối năm 1958, đầu 1960, bờ Nam bắt đầu giở trò “cù nhầy”, gây khó dễ, sau lấn tới khiêu khích, thậm chí là gây hấn với thái độ rất ngông nghênh, láo xược. Biết rõ âm mưu của “bờ Nam” là hoàn toàn thiếu thiện chí hợp tác, từng bước phá hoại Hiệp định, xé bỏ cam kết, phá tổng tuyển cử, âm mưu chia cắt đất nước lâu dài và sẵn sàng xâm chiếm miền Bắc. Cấp trên chỉ thị là không được nổ súng hay gây xung đột trong bất cứ tình huống nào. Nguyên tắc bất di bất dịch khi đối mặt và đối đầu với chúng là “cố gắng hoà giải, tránh đụng độ nhưng quyết không nhân nhượng”. Bằng mọi giá chúng ta phải thực thi đúng cam kết, bảo vệ lẽ phải, tránh không để bị cuốn vào âm mưu của địch để chúng lấy cớ phá hoại Hiệp định. Một công việc thật khó, thật phức tạp, đòi hỏi bản lĩnh vững vàng, sự thông minh nhanh nhạy trong ứng biến của người đứng mũi chịu sào. Bốn năm đối mặt với những trò quỷ quái của cảnh sát bờ Nam, có những khi căng thẳng vượt ngoài sức chịu đựng, tưởng đã không thể nhịn được nữa... song cuối cùng, ông Bái cũng đã biết cách hoá giải hết, thể hiện rõ bản lĩnh, chính kiến của người chiến sĩ cách mạng, làm cho địch phải “tâm phục khẩu phục”.

Ông kể “Đầu năm 60, tình hình bắt đầu rục rịch. Dân miềng (bờ Bắc) qua bờ Nam bị doạ nạt, bắt bớ. Chúng cho xây nhà ra sát bờ sông (vi phạm quy chế DMZ), tuyên truyền mị dân kêu là xây chuồng lợn, thực chất là xây công sự, lô cốt... Trong hoạt động giao ban hàng tuần, địch giở trò khiêu khích trắng trợn như không chịu ký sổ, xé sổ, lý sự cùn, phá nhà ở Đồn Liên hợp, rêu rao “Bắc tiến”, tăng cường trinh thám trên không, tung biệt kích qua bờ Bắc... Căng thẳng nhất là các năm 1962 - 1963. Ông Bái cau mày nhớ lại “Lúc đó, thằng cha Hiển giở đủ trò. Chúng phá Đồn Liên hợp. Anh em tui qua đổi gác, kiểm tra, phải căng bạt nằm phơi mình trên cát. Ròng rã 6 tháng trời vậy. Tui kiên quyết đấu tranh, bằng mọi cách bắt chúng dựng lại nhà. Tui mời Uỷ ban Liên hợp, Uỷ ban Giám sát Quốc tế đến tận nơi chứng kiến... Cuối cùng, thằng cha Hiển đành phải chấp nhận”. Trước khi bên kia chịu thực hiện, có một cuộc đối thoại, thực chất là cuộc đấu trí, đấu lý ly kỳ diễn ra giữa hai đồn trưởng. Ông Bái hào hứng kể lại “Hôm đó, thằng cha Hiển mời tui sang. Vừa ngồi vô bàn, hắn rút súng ngắn đánh “rắc”, đặt “cộp” trên bàn, hất hàm hỏi “chừ ông muốn chi?”. Nóng mặt, người chiến sỹ đi cùng toan rút súng. Ông Bái cũng “cay mũi” lắm trước thái độ xấc xược của tên sỹ quan nguỵ, nhưng kịp thời trấn tĩnh và ngăn người đồng chí lại. Ông rành rọt nói “Anh với tui là người hai phía, theo hai chế độ khác nhau. Nói rõ hơn nữa, tui với anh thực chất là kẻ thù của nhau. Nhưng ngồi đây, tui với anh có một điều chung: chúng ta đều là người Việt Nam, cùng một dòng máu Việt. Cái chung để tui với anh ngồi nói chuyện cho đàng hoàng, chứ anh đừng đem súng ra đây. Anh có súng, tui cũng có súng. Muốn đọ súng với nhau, không khó. Nhưng để nói với nhau, hiểu nhau mới là chuyện quan trọng”. Đồn trưởng Hiển sau phút đầu ngông nghênh, ngồi im re, mặt thần ra. Biết đối phương đã bắt đầu “ngấm thuốc”, ông nhấn mạnh vô cái điều cần nói, bằng giọng dứt khoát, rành mạch “Anh hỏi tui muốn gì à? Cái tui muốn là lớn lắm. Tui muốn thống nhất đất nước. Nhanh. Nhất định Nam - Bắc phải một nhà. Một chứ không phải hai. Đó là cái muốn lớn nhất. Thứ hai, tui muốn bà con hai miền được tự do đi lại càng sớm càng tốt. Cái muốn nữa là đừng có cảnh “nồi da xáo thịt”. Các anh đi lính, làm tay sai cho giặc. Tui giả sử anh chấp nhận cuộc đời anh đã bỏ đi. Nhưng còn con cháu anh sẽ nghĩ răng về chuyện nớ...”.

Một lần khác, ông Bái qua kiểm tra bờ Nam, sau khi đã hoàn tất mọi thủ tục đúng quy định, tên Hiển không biết lấy cớ gì để gây gổ, khiêu khích. Khi ngồi vô bàn chuẩn bị ký sổ giao ban, hắn chợt thấy cái hộp đựng thuốc lá của ông Bái có in hình quả tên lửa (hộp thuốc của Liên Xô, ông được người ta tặng), vô tình để trên bàn với mũi tên lửa hướng về phía Nam. Tên Hiển nổi đoá, văng tục gây gổ, bảo bờ Bắc khiêu khích. Ông Bái nói “anh làm chi rứa? Quả đạn trên hộp thuốc thì bắn giết được ai?”. Hai bên to tiếng, tên Hiển kêu lính rút về, mấy hôm sau thấy đuối lý, mới chịu qua ký sổ. Câu chuyện thú vị này đã trở thành giai thoại, được một nhà văn quân đội viết thành chuyện trong một cuốn sách về ông Bái với tựa đề “Hộp thuốc hiếu chiến”. Đầu năm 1962, ông Bái nghe thông tin trinh sát rằng đồn trưởng Hiển đang cho lính xây dựng công sự lô cốt Đồn Liên hợp, để đảm bảo bí mật, xung quanh hắn cho bịt kín bạt, căng lưới B40 rào kỹ mọi ngóc ngách, chỉ chừa một lối nhỏ đi vào, cắm biển “không phận sự miễn vào” trước cửa và cho lính súng ống gác ngày đêm. Ông Bái “đơn thương độc mã” chèo thuyền sang, đạp ngã tấm bảng cấm và đi thẳng một mạch vào đồn. Đồn trưởng Hiển đã vào trong làng kiếm đồ nhậu. Mấy thằng lính nguỵ như đã biết cái uy của ông, không dám hó hé gì. Ông Bái đi quanh đồn quan sát, dẫm chân thình thịch xuống nền thăm dò. Đúng là tụi hắn làm hầm ngầm thiệt, công sự bê tông kiến cố, cửa sổ, cửa chính đều thiết kế kiểu bệ súng, lỗ châu mai... Quan sát tỉ mỉ mọi thứ rồi ông về, vẽ lại nguyên xi sơ đồ đã thấy và nộp lên cấp trên. Đồng thời ông nghĩ cách ăn miếng trả miếng thật độc đáo. Cho anh em mang toàn bộ củi dự trữ ra sân, xếp như công sự, khúc to, dài thì sắp chéo, nhìn xa như trung liên, đại liên hướng sang bờ Nam. Dù hai đồn đóng hai bờ đối diện nhau nhưng đồn Cửa Tùng của ông Bái ở trên đồi cao, vị trí rất đắc địa, nhìn qua thấy rõ mồn một bên kia, nhưng ngược lại, đồn tên Hiển lại ở dưới trảng cát thấp. Ngước lên, thấy bờ Bắc “dàn trận”, tụi lính bờ Nam khiếp vía. Tên Hiển qua, lồng lộn gây sự, khăng khăng đòi bờ Bắc “dẹp súng, không được khiêu khích”. Ông Bái dẫn hắn ra sân chỉ “anh em tui phơi củi, súng mô mà súng”. Nhìn đống “súng củi”, tên Hiển thua lý, cay cú rút về...

Những câu chuyện kiểu vậy thật nhiều. Nhẩm tính bốn năm, là hơn hai trăm tuần và gần 1500 ngày đối mặt, có lẽ cũng có gần từng đó câu chuyện giữa đôi bờ Bắc Nam vùng giới tuyến mà những người như ông Bái đã từng trải qua, từng đối mặt; để hôm nay ngồi kể lại cho cháu con nghe, hào hùng mà cũng thật sảng khoái; khó khăn, căng thẳng, hiểm nguy là vậy mà sao nghe thật nhẹ tênh, tựa như một cuộc dạo chơi phóng khoáng. Chiều. Cửa Tùng lộng gió, dòng Bến Hải trong xanh lững lờ. Dưới bến cá thuyền về í ới, đã nghe cái mùi tanh nồng thoảng trong không gian. Và, câu chuyện của người lính già rẽ sang một lối khác không kém phần thú vị, với sự góp mặt của người bạn đời của ông - bà Nguyễn Thị Hoa.

Chuyện tình giới tuyến

Ông hơn bà Hoa gần hai mươi tuổi, quen từ thời còn ở Quân khu IV, lúc ấy bà đang là cô diễn viên đoàn văn công, ở cái tuổi xuân thì mười bảy, mười tám, đẹp như chính cái tên. Chàng lính trẻ và cô văn công dẫu “tình trong như đã” nhưng vì nhiệm vụ trọng đại, phải giữ kín như bưng, thành thử chẳng ai biết gì. Ông vào giới tuyến làm nhiệm vụ, thoảng một chút vấn vương. Và, như một sự đẩy đưa số phận hoặc là sự sắp đặt diệu kỳ của ông tơ bà nguyệt, năm 1960, cô văn công có giọng hát như oanh hót được tổ chức điều vào giới tuyến làm nhiệm vụ địch vận, dưới vai diễn là một thợ thủ công dệt tơ. Ông Bái gặp lại bà Hoa, nhưng vẫn phải bí mật, coi như chưa có gì. Bà Hoa kể hồi ấy nhận nhiệm vụ đặc biệt vào giới tuyến, cũng mệt và phức tạp lắm. Thời gian đầu làm nhiệm vụ nhân dân hai bờ không hiểu cứ xì xào, có lúc còn khinh ra mặt vì bà toàn đi lại chuyện trò với bọn lính nguỵ. Một cô gái trẻ đẹp của đất thép Vĩnh Linh mà “giao lưu” với bọn lính cộng hoà, trẻ măng, trai tráng, chải chuốt... không mang tiếng mới là lạ. Có tên lính nguỵ tên là Toại mê bà như điếu đổ, cứ tìm mọi cách để tiếp cận “cô công nhân dệt tơ”. Từ tên lính nguỵ một chữ cắn đôi cũng không biết, đã hoá thành... thi sĩ, làm được bốn câu thơ tặng bà (nhưng chính bà cũng không nhớ rõ mà phải nhờ ông Bái đọc lại) Hoa nhí nhảnh như én chuyền trong nắng/ Mái tóc đen dịu láng một màu đen/ Ôi sao đẹp, sao đẹp thế/ Thuyền bờ Nam đang chờ đón em đây. Tôi cười, hỏi “Hồi đó, với “tình cảnh” vậy có khi mô bác ghen không?”. Ông cười sảng khoái trong mịt mù khói thuốc “Mần chi mà biết ghen. Mà ai cho phép ghen. Nhiệm vụ do tổ chức phân công rồi mà”. Yêu nhau, cùng chung một địa bàn hoạt động, vậy mà ba năm trời, số lần ông Bái “hẹn hò” với bà Hoa đếm chưa đủ đầu ngón tay. Năm 1963, họ được tổ chức cho phép bí mật cưới nhau, chỉ một vài đồng chí trong đồn biết chuyện, còn bề ngoài vẫn như xưa. Bà vẫn đi lại hoạt động bình thường. Tụi lính bờ Nam vẫn tha hồ tán tỉnh, làm thơ, mơ mộng... Năm 1964, bà sinh đứa con trai đầu lòng và chuyện ông bà mới được công khai. Bà con hai miền mới vỡ lẽ. Nhưng ê chề, ngao ngán nhất là mấy thằng lính trẻ đồn Cát Sơn, vì hoá ra bấy lâu đã bị bà Đồn trưởng bờ Bắc cho ăn quả lừa to tướng. Năm 1967, đất Vĩnh Linh bom đạn quá ác liệt, bà Hoa và con sơ tán ra Hà Tĩnh theo chiến dịch K10, năm 1973 mới trở về. Khi đất nước thống nhất, tưởng vợ chồng được sum vầy, thì ông Bái lại nhận nhiệm vụ mới ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông đi biền biệt từ đó, hết Công an sang Biên phòng. Mãi đến 1988, ông mới về nghỉ hưu, quân hàm Trung tá, an nhàn tuổi già bên người vợ chung thuỷ và đàn con cháu ngoan ngoãn, nơi mảnh đất Vĩnh Quang dạt dào gió biển.

Không gì ý nghĩa và hạnh phúc hơn đối với một người lính đã đi qua lửa đạn chiến tranh, lúc chiến thắng trở về lại được ở ngay trên chính cái nơi mình đã từng vào sinh ra tử. Chính ông Bái đã nói điều gan ruột khi kết thúc câu chuyện với tôi. Nơi ấy đã ghi đậm dấu ấn về một thời bảo vệ giới tuyến hào hùng, của ông và những người đồng đội anh dũng đã phải đổ xuống bao trí lực và máu xương. Và, đến hôm nay, 55 năm sau những ngày chiến đấu giữ vững từng tấc đất giới tuyến, người đồn trưởng tiền tiêu cũng đã về với những người đồng đội thân yêu của mình. Nhưng câu chuyện của ông, về đồng đội của ông về một thời chiến đấu bảo vệ giới tuyến đất lửa Vĩnh Linh, sẽ mãi là một miền ký ức không mờ phai theo màu thời gian.

 

 

                                                           Tháng 7 - 2009

                                                               T.T.H

 

TRẦN THANH HẢI Trần Thanh Hải
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 179 tháng 08/2009

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground