Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có một chuyện tình như thế

 

L

àng tôi nằm cạnh con sông Bến Hải. Sông Bến Hải không to rộng như sông Hồng, mênh mông như sông Cửu Long, nhưng vẫn nổi danh thiên hạ như bất cứ con sông nổi tiếng nào trên trái đất. Trong hơn hai thập kỷ của thế kỷ XX, sông Bến Hải chảy qua làng quê tôi đã trở thành giới tuyến quân sự tạm thời nên mỗi ngọn cỏ, mỗi tấc đất ở đây đều mang trong mình mọt trọng trách lịch sử. Và với người lính cầm súng bảo vệ mảnh đất đầu cầu miền Bắc XHCN và ngọn cờ Tổ quốc, sông Bến Hải không chỉ là kỷ niệm của một thời cầm súng khi đất nước còn chia cắt mà nó còn tạo nên những thác ghềnh trong thân phận tình yêu lứa đôi của họ. Nhiều người trong số họ mãi mãi đã nằm lại ở dòng sông, nhiều người hết chiến tranh không nỡ rời dòng sông để trở về quê nhà mà tình nguyện ở lại để tiếp tục chia sẻ nỗi đau của con người trên vùng đất một thời được gọi là tuyến lửa này.

… Tôi đi xa quê đã lâu nay mới có dịp trở về. Cách đây hơn hai mươi năm, với một cái án kỷ luật không đáng có đến với mình, tôi dường như trắng tay giữa cuộc đời với một công việc nhàm chán ở một công ty cấp huyện. Để mưu sinh cho vợ con, tôi bán nhà cửa, vườn tược đến lập nghiệp ở một vùng quê mới. Bẵng đi hơn mười lăm năm tảo tần mưu sinh ở xứ người, không ngờ hôm nay mình lại cát bụi trở về thăm quê nhà, gặp lại một người lính mà đối với tôi còn là một người bạn đi câu vào những năm khó khăn nhất của cuộc sống thời hậu chiến. Tôi còn nhớ vào một đêm mưa năm 1980 giữa cánh đồng Bến Tám của xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Linh, vừa ngồi hút thuốc lá lấy khói xua muỗi, ông tâm sự: - Cậu đi câu để phụ vào đồng lương thời bao cấp nuôi vợ con, còn mình đi câu để kiếm thêm tí tiền lo thuốc thang cho bà ấy. Đã đưa bà ấy đi chữa khắp các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc, lên tận Lạng Sơn tìm thầy để chữa theo phương thuốc gia truyền mà bệnh vẫn không thuyên giảm…

Nói xong, ông thở dài não nuột. Và hình ảnh người lính già lọ mọ đi lần câu giữa đồng Bến Tám trong đêm mưa năm ấy cứ găm vào tôi như một niềm thao thức. Người lính ấy chính là trung tá công an vũ trang Nguyễn Đình Ngư  - nguyên Trưởng đồn công an vũ trang Hiền Lương đã về hưu hiện đang sống với người vợ tâm thần ở quê tôi.

Cơn mưa chiều làm ướt sũng bầu trời đông Vĩnh Linh đã làm cho khung cảnh trời đêm của vùng sông nước quê tôi yên tĩnh đến bất ngờ. Làng tôi cách sông Bến Hải một quãng đồng, thế mà ngồi trong nhà có thể nghe rất rõ tiếng cá quẫy ở ngã ba Hói Vôi, tiếng sóng của dòng sông vỗ vào đôi bờ đất và tiếng còi của những đoàn xe ngược xuôi trên cầu Hiền Lương. Trên chiếu rượu, trung tá Ngư tay vân vê bao thuốc lá Điện Biên có in hình người lính đội mũ lưới tay giương cao ngọn cờ Quyết thắng tiến vào hầm Đờ - Cát mà thủng thẳng kể về cuộc đời binh nghiệp và chuyện tình của mình. Còn bà Thơ vợ ông ngồi trên sa lông thỉnh thoảng lẩm bẩm một điều gì đó, rồi cười một mình. Trung tá Ngô Thiên Đề nguyên trưởng phòng trinh sát bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị hiện là chủ tịch Hội CCB xã Vĩnh Giang đã từng là đồng đội của trung tá Ngư khi còn công tác ở đồn công an vũ trang Hiền Lương, ngồi ôm thẩu rượu thuốc của chủ nhà nghe ông Ngư kể chuyện, đoạn nào cảm động, chạm vào cõi riêng của mình lại tự thưởng cho mình một ly. Tôi ngồi đối diện với chủ nhà và chìm vào trong thăng trầm truân chuyên của cuộc đời người lính và những chuyện tình của họ. Mái tóc bạc trắng vì tuổi tác và gió sương cùng với chất giọng đôn hậu của người Hà Tĩnh, ông đã đưa tôi trở về với những năm tháng trai trẻ của cuộc đời người lính cùng với những chiến công trận mạc và những người đàn bà đã đi qua cuộc đời ông trong dặm dài hai cuộc chiến tranh.

Nguyễn Đình Ngư mồ côi cha từ nhỏ. Vì quá thương chồng nên mẹ ông ở vậy tảo tần nuôi con khôn lớn. Mười tám tuổi Nguyễn Đình Ngư đang học trường thiếu sinh quân của Tỉnh đội Hà Tĩnh được điều động tham gia chiến dịch Điện Biên. Cuộc đời binh nghiệp của chàng thiếu sinh quân đất Kỳ Anh – Hà Tĩnh được bắt đầu bằng những cuộc hành quân bôn tập, tiến đánh các đơn vị lính châu Phi ở vùng chiêm trũng Ninh Bình, ở ngoại vi của hành lang chiến dịch, cũng như mở đường cho quân ta kéo pháo trở lại Điện Biên để thực hiện phương án tác chiến “đánh chắc tiến chắc” mà Bộ chỉ huy chiến dịch đã đề ra. Với đức tính kiên trung dũng cảm Nguyễn Đình Ngư đã lập công xuất sắc trong chiến đấu và rèn luyện. Ông được kết nạp vào Đảng trước khi mở màn chiến dịch. Từ một chiến sĩ, Nguyễn Đình Ngư đã trở thành một chỉ huy trung đội mưu lược. Trong thời gian tham gia chiến dịch, cũng như bao đồng đội quê ở Hà Tĩnh, ông luôn nhận được thư nhà. Mẹ ông không biết chữ phải nhờ người hàng xóm viết thư hộ. Thừ nào mẹ ông cũng nhắc ông hết đánh nhau sớm về quê hương lấy vợ để có cháu bồng.

Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Hiệp định Giơ - ne - vơ về Việt Nam được ký kết. Đất nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền Nam Bắc, sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17 được lấy làm ranh giới quân sự tạm thời để chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Với năng lực chỉ huy và yêu cầu công tác, từ một đơn vị chiến đấu, ông được điều động về làm đồn trưởng đồn Công an Đèo Ngang. Trở về đóng quân tại quê nhà, theo sự sắp đặt của mẹ ông đã đính hôn với một cô gái làng để có điều kiện chăm sóc mẹ khi tuổi già. Vợ ông là một phụ nữ khá xinh, nhưng sau ngày cưới lại làm cho anh thất vọng vì sự đòi hỏi đời sông chăn gối quá phóng đãng. Giữa năm 1956 do yêu cầu của nhiệm vụ phòng thủ đất nước, đặc biệt là công tác đấu tranh đòi thống nhất đất nước, bảo vệ mảnh đất đầu cầu miền Bắc XHCN, Nguyễn Đình Ngư được cử đi học một lớp đào tạo cấp tốc sĩ quan biên phòng tại Hà Tây. Mặc dầu biết nhược điểm của vợ, nhưng trước yêu cầu của công tác ông khẩn trương vác ba lô lên đường. Và một vinh dự lớn lao đã đến với ông. Tại khóa huấn luyện, ông và đồng đội vinh dự được đón Bác và trung tướng Phạm Kiệt đến thăm và nói chuyện. Đến bây giờ ông vẫn nhớ như in lời căn dặn của Bác đối với lực lượng công an vũ trang nhân dân, đặc biệt đối với lực lượng công an vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ mảnh đất đầu cầu miền Bắc XHCN là phải kiên định, bền bỉ, giáo dục, phân hóa lực lượng cảnh sát ở bờ Nam, chứ không được bắn vì họ là đối tượng quần chúng lạc hậu. Nếu bền bỉ giáo dục để họ nhận ra con đường chính nghĩa trở về với nhân dân là đã chiến thắng, còn việc đánh thắng Mỹ chỉ còn là ngày một ngày hai thôi, vì cả thế giới và nhân loại tiến bộ đều phản đối sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam, ta có cả phe XHCN ủng hộ, quân và dân ta rất quật cường trong chống giặc ngoại xâm.

Sau khóa học do yêu cầu công tác và năng lực chỉ huy, Bộ tư lệnh công an vũ trang nhân dân đã điều động ông vào làm trưởng đồn công an Hiền Lương. Vào một ngày chớm thu năm 1957 trong khi cả làng quê ông náo nức chuẩn bị kỷ niệm ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, Nguyễn Đình Ngư lại một lần nữa vác ba lô vào đặc khu Vĩnh Linh để nhận nhiệm vụ mới.

Đang miên man trong những dòng hồi tưởng bỗng ông dừng lại đưa chén rượu trong tay lên nhấp một ngụm và đặt xuống chiếu, bật lửa châm thuốc hút. Ông rít một hơi dài như những lần ngồi hút thuốc với tôi ở giữa đồng vào những đêm mưa. Sau làn khói thuốc, tôi thấy gương mặt ông lặng phắc, đôi mắt nhìn xa xăm như cố nhớ lại những kỷ niệm của một thời trai trẻ với gương mặt người vợ mới cưới trong buổi chia tay mà đối với ông giờ đây đã trở nên quá vãng. Ông nâng ly rượu lên môi và uống trọn như cố chôn chặt những kỷ niệm của một thời chưa xa…

Thời điểm ông đến đảm nhận chức vụ đồn trưởng đồn công an vũ trang Hiền Lương là thời điểm giữa ta và địch diễn ra một sự tranh chấp sắc màu trên chiếc cầu sắt dã chiến mà thực dân Pháp để lại. Với dã tâm chia cắt lâu dài đất nước ta bọn Mỹ ngụy ở bờ Nam mà trực tiếp là cảnh sát ngụy ở đồn Xuân Hòa tìm mọi cách để sơn cầu thành hai màu cách biệt. Nắm được dã tâm đen tối của Mỹ ngụy, trên cương vị chỉ huy Nguyễn Đình Ngư đã chỉ đạo cán bộ chiến sĩ đơn vị phối hợp với lực lượng công nhân đặc biệt của Ty giao thông Vĩnh Linh chuẩn bị đầy đủ các loại sơn màu để đối phó với địch. Hễ thấy địch sơn màu gì thì ta sơn màu đó, nên chiếc cầu sắt dã chiến của Pháp để lại bắc qua sông Bến Hải luôn luôn đồng màu, không có sự cách biệt bên Bắc bên Nam. Bọn cảnh sát ngụy la ó, chửi rủa nhưng không làm gì được đành cạo màu sơn ở đoạn cầu phía Nam sơn lại. Thế nhưng, ta lại lập tức đối phó và sáng hôm sau màu sơn đoạn cầu phía Bắc cùng đồng màu với phía Nam. Cứ thế ròng rã trong hơn sáu năm trời, cán bộ chiến sĩ đồn công an Hiền Lương đã bền bỉ giữ gìn sự đồng nhất màu sơn trên chiếc cầu sắt bắc qua hai bờ Nam Bắc. Bất lực trước sự bền bỉ và linh hoạt của cán bộ chiến sĩ đồn công an Hiền Lương, đám cảnh sát ngụy ở đồn Xuân Hòa đành để màu sơn xanh đậm trên cầu cho đến ngày chiếc cầu bị bom Mỹ đánh sập.

Là người trong cuộc, được đồn trưởng trực tiếp giao nhiệm vụ phụ trách việc sơn cầu, trung tá Đề chủ động rót rượu mời ông Ngư và cũng không quên tự thưởng cho mình một chén. Trung tá Đề khà một tiếng rõ to rồi quay sang tôi nói oang oang:

- Chú mi thấy bọn anh có một thời làm lính hoành tráng không? Cầm súng đứng ở đầu cầu giới tuyến đêm ngày đối mặt với kẻ thù nham hiểm, mưu mô, tàn bạo như bọn cảnh sát ngụy ở Nam đâu có dễ. Thế mà ta vẫn làm cho nó phải sợ, phải phục, phân hóa đến tan rã. Chắc anh Ngư còn nhớ trường hợp Nguyễn Văn Diện ở đồn cảnh sát Xuân Hòa, nhờ ta giác ngộ đã tự nguyện cung cấp nhiều tin tức tình báo, nhờ vậy ta đã kịp thời đập tan nhiều âm mưu đen tối của chúng, ngăn chặn được nhiều vụ khiêu khích của chúng. Khi được đổi lên đồn Chợ Kênh, Nguyên Văn Diện đã tự bỏ tiền ra tổ chức một bữa rượu thịt chó phục cho cả đồn say, đem ôm cả súng trong đồn, tài liệu chèo thuyền sang bờ Bắc. Anh em dân quân xã Vĩnh Sơn bắt được, anh ta nằng nặc đòi gặp đồn trưởng Ngư cho bằng được. Khi anh đến, Diện rất mừng và xin ở lại miền Bắc. Anh báo lên trên nên Diện được đi học một lớp cải huấn ba tháng, sau đưa về làm việc ở nông trường Đồng Giao – Thanh Hóa. Nhờ bị phân hóa từ bên trong, nên mấy cái đồn cảnh sát ngụy ở bờ Nam như đồn Cát Sơn, Xuân Hòa, Cánh Hòm, Chợ Kênh, Hải Cụ mặc dầu có lực lượng cảnh sát dã chiến yểm trợ mà vẫn phải bỏ chạy như vịt vì quá sợ, trong lúc đó ta chẳng tốn một viên đạn nào. Ngày chúng bỏ đồn mà chạy, lính tráng chúng tôi cứ ca ngợi đồn trưởng Ngư áp dụng binh pháp của Tôn Tử quá tài.

Nghe nói tên mình ông Ngư khẽ cười rồi quay lại nhìn vợ xem có biểu hiện gì không. Trong lúc đó bà Thơ đã ngủ tự lúc nào. Đầu ngoẹo sang một bên, một bàn tay nắm hờ mái tóc đã được chải rất cẩn thận nhưng đã bạc quá nửa. Ông Ngư xin lỗi rồi đứng dậy bồng vợ vào phòng trong. Tôi định đứng dậy giúp ông một tay nhưng trung tá Đề cầm áo kéo xuống thấp rồi ghé vào tai tôi nói nhỏ:

- Ấy! Đừng có động vào bà ấy trong lúc ngủ trừ ông Ngư ra. Nếu người lạ động vào bà biết ngay và lập tức thét lên và vùng chạy. Vì vậy, ông Ngư cấm có đi khỏi nhà lâu ngày. Bạn bè đồng đội ai còn nhớ, thông cảm hoàn cảnh thì tìm đến thăm, còn ông thì chịu.

Trong lúc ông Ngư bồng vợ vào phòng trong, cẩn thận sửa lại gối, buông màn và bật chiếc quạt hộp để cho vợ ngủ, tôi tranh thủ quan sát những tấm bằng huân chương treo trên tường. Ngoài huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, chiến sĩ Điện Biên, huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhất, chống Mỹ hạng nhất, ông còn được tặng nhiều huân chương chiến công. Trong lúc tôi đang mải mê đọc các hàng chữ trên các tấm bằng, trung tá Đề vỗ vào vai tôi nói thêm:

- Đâu có chừng ấy, lần này ông đang được xét để trao tặng huân chương độc lập nữa đấy…

Trong lúc tôi và ông Đề nói chuyện với nhau thì ông Ngư đi xuống nhà dưới bưng lên một đĩa chuối tiêu và giục chúng tôi ăn vì uống rượu nhiều xót ruột.

- Chuối của bà Thơ trồng đó, tuy đau ốm thế, nhưng những lúc tỉnh thì chăm làm vườn lắm. Cái nết tảo tần của bà ấy cấm có bỏ được, người đến lạ!

Nghe ông nói vậy, tôi thấy ông yêu thương vợ đến mức nào. Giá như hai ông bà có một đứa con. Nghĩ vậy nên tôi lại bị cuốn vào trong dòng hồi tưởng của người lính già sau một thời trận mạc.

Do bận công tác chỉ huy, thường xuyên phải đối mặt với quân thù, nên nhiều năm liền ông không sắp xếp được thời gian đi phép về thăm nhà. Và người vợ trẻ của ông ở quê nhà không đủ kiên nhẫn chờ đợi đã phản bội ông, quan hệ với một người đàn ông ở làng bên. Được tin, ông xin cấp trên đi phép về quê để giải quyết việc gia đình. Ông thuận tình cho người vợ ly hôn, đưa mẹ lên ở với người dì ruột rồi trở vào đơn vị tiếp tục cuộc chiến đấu với quân thù và dòng sông Bến Hải, nơi cách trở trái ngang của biết bao đôi lứa, gây ly tán cho bao nhiều gia đình đã giúp ông vượt lên những mất mát riêng tư để làm tròn trách nhiệm của một người lính ở đầu cầu miền Bắc XHCN.

Như một sự đền bù của số phận, cuộc đời chiến đấu trên mảnh đất đầu cầu giới tuyến không chỉ làm dạn dày thêm cuộc đời binh nghiệp của ông mà còn đem lại tình yêu cho cuộc đời ông. Trong quá trình phối hợp chiến đấu với lực lượng dân quân đất tuyến Vĩnh Giang ông đã phát hiện được những đức tính đáng quý báu của một nữ dân quân và đem lòng yêu mến. Đó là bà Nguyễn Thị Thơ, vợ của ông bây giờ. Họ đã có những giây phút rất đẹp bên dòng sông lịch sử nhuốm màu huyền thoại này. Thông cảm với nỗi đau của ông, bà Thơ đã hết lòng giúp ông vươn lên hoàn thành nhiệm vụ của mình, cũng như tìm lại tình yêu của những rung động đầu đời. Ai cũng mừng cho họ. Nhưng họ chưa kịp làm lễ cưới thì tai họa đã ập xuống. Bà Thơ bị thương do bom Mỹ ném trúng trận địa trực chiến, phải chuyển ra Tân Kỳ, còn ông do yêu cầu công tác chiến đấu được điều động vào mặt trận Trị Thiên Huế, lúc tiễn bà Thơ lên xe ra Tân Kỳ ông hẹn:

- Em cứ yên tâm ra Tân Kỳ để dưỡng thương, chờ anh, lúc nào cầu bắc qua sông ta lại làm lễ cưới.

Vào năm 1973 khi chiếc cầu phao được bắc qua đôi bờ Bến Hải, từ chiến trường trở ra, từ nơi sơ tán trở về, ông bà đã gặp lại nhau và làm lễ cưới. Đấy là lễ cưới đầu tiên được tổ chức tại đầu cầu Hiền Lương. Ông Ngư nhờ đơn vị tổ chức lễ cưới. Bà con cô bác và dân quân xã Vĩnh Giang dùng bốn chiếc thuyền ở bến đò B để đưa dâu. Lễ đón dâu được tổ chức ngay trên chiếc cầu phao mới bắc qua sông làm hết thảy những ai có mặt đều xúc động. Cả hai ông bà đều khóc trước những lời chúc phúc của đồng đội, bạn bè, bà con cô bác và lần đầu tiên, sau bao nhiêu tháng năm đồng vọng nhớ thương vì đôi bờ cách trở, trên dòng Bến Hải, nơi hai múi đất của hai miền Bắc và Nam đã diễn ra một cuộc tao ngộ trùng phùng mà cả trời đất cỏ cây và con người đều rưng rưng…

Nhưng chiến tranh! Vâng! Chỉ có chiến tranh mới tàn bạo và phủ phàng đến như vậy. Sau ngày cưới họ chưa kịp có con thì tai họa đã ập xuống. Do bị chấn thương vào đầu năm 1974, bà Thơ phát bệnh tâm thần suốt ngày xõa tóc đi dọc bờ sông gào thét. Trước hoàn cảnh ấy, nhiều người (trong đó có những người là bà con ruột thịt của bà Thơ) khuyên ông Ngư đưa bà Thơ vào bệnh viện tâm thần, rồi trở về quê nội nối lại tình xưa với người vợ cũ để có tương lai. Là một người lính hơn mười năm cầm súng bảo vệ mảnh đất đầu cầu miền Bắc XHCN, ngày đêm đối mặt với quân thù, được tận mắt chứng kiến những thảm họa của chiến tranh gây ra đối với mảnh đất và con người Vĩnh Linh ông nỡ lòng nào chia tay với mảnh đất này, dòng sông này và nỗi đau của chiến tranh đã gây ra cho mỗi cuộc đời, mỗi gia đình, mỗi thân phận (trong đó có vợ ông). Ông xin cấp trên nghỉ phép để đưa vợ đi chữa bệnh. Thế là từ năm 1975 đến trước ngày về hưu, ông đã đưa bà Thơ đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác (kể cả bệnh viện quân đội). Nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Thấy khó có thể vừa công tác vừa chữa chạy bệnh cho vợ, năm 1980 ông quyết định xin về nghỉ hưu. Những ngày đầu sau khi về hưu với đồng lương cấp tá, ngoài làm vườn, ông còn đi câu để kiếm thêm tí tiền (như ông nói với tôi vào một đêm ở giữa đồng) để phụ thêm thuốc thang cho vợ. Đó cũng là cơ duyên để hơn hai mươi năm trước một thằng làm báo như tôi được bạn với một người đáng kính như ông. Bao giờ đi câu ông cũng mang theo một cút rượu nhỏ. Hôm nào được cá ông bảo tôi nhóm lửa lên nướng cá nhắm với rượu. Và những cuộc rượu ở giữa đồng bao giờ cũng vui và thật ấm lòng. Có lần ông bảo:

- Mình chỉ là một thằng nông dân mặc áo lính nên rất thích những niềm vui dân dã như thế này. Đánh giặc mấy chục năm, nay đất nước được độc lập thống nhất, những người lính nông dân như bọn mình chỉ mong có một mái nhà, một mảnh vườn, một người vợ và những đứa con là toại nguyện lắm rồi. Giá mà…

Tôi hiểu tâm trạng của ông và muốn chia sẻ nỗi đau với ông cho dù tự mình vẫn biết chẳng giúp được gì ngoài việc giúp ông bà bớt cô đơn.

Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện từ phòng trong bà Thơ trở dậy và ra ngồi cạnh chồng nhìn tôi cười rất hiền. Ông Ngư cho biết những lúc bệnh lui, bà Thơ lại trở về với cô nữ dân quân đất tuyến năm xưa dịu dàng, đôn hậu, hay làm và yêu thương chồng hết mực. Ông bảo có hôm hết thuốc mà đã gần mười giờ đêm rồi, bà vẫn lặng lẽ đi ra cái quán đầu ngõ để mua vào cho ông và dặn hút ít thôi, dạo này thấy ông ho nhiều đấy. Những lúc như thế, mặc dầu tuổi đã già nhưng ông vẫn cảm thấy mình hạnh phúc. Hạnh phúc của những người lính nhân dân thật giản dị.

Tôi hỏi ông:

- Những lần tổ chức lễ hội ở cầu Hiền Lương sao không thấy bác?

- Tôi đi thì bỏ bà cho ai! Mà cũng chẳng thấy ai mời đi đâu cả. Chắc họ quên. Hôm anh Châu ở Gio Linh ra thăm cũng hỏi tôi như thế.

Mặc dầu nghe ông nói vậy, nhưng qua trung tá Đề tôi vẫn biết những lúc bệnh lui ông vẫn dẫn bà Thơ ra bờ sông để chơi, để ngắm những đàn cò trắng bay qua sông và sà xuống hai bờ lúa, những đoàn xe nối đuôi nhau chạy trên cầu Hiền Lương. Ông chỉ cho bà xem ngọn cờ Tổ quốc tung bay trên kỳ đài và bầu trời cao xanh của Quảng Trị vẫn soi trọn bóng xuống lòng sông Bến Hải

N.N.P

  

 

Ngô Nguyên Phước
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 219 tháng 12/2012

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground