Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có một góc Gio Linh lấp lánh trong lòng người Hà Nội

T

rong biên chế Lữ đoàn Công binh 249 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh vào năm 1972 có hai phần ba quân số là dân Hà Nội gốc. Lữ đoàn này trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972 làm nhiệm vụ Bắc cầu phao qua sông Bến Hải tại điểm cầu Hiền Lương nối hai bờ Bắc - Nam để bộ binh cơ giới của ta từ Vĩnh Linh vượt sông tiến vào giải phóng Gio Linh mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Cũng cần nói thêm Lữ đoàn này có vinh dự nối nhịp cầu Hiền Lương lịch sử sau 21 năm hai miền Bắc – Nam bị chia cắt.

Năm 2004, Đoàn cựu chiến binh Lữ đoàn 249 về thăm lại chiến trường xưa, tôi được phân công đi theo các anh đến những nơi mà các anh từng bám trụ, chiến đấu. Những cựu chiến binh Lữ đoàn Công binh 249 người Hà Nội không biết tôi cũng từng là người lính.

Tại hai điểm phía Bắc và phía Nam cầu Hiền Lương, các cựu chiến binh Lữ đoàn 249 cùng với các sỹ quan Lữ đoàn đương nhiệm cầm hương trên tay nhưng phân vân không xác định được vị trí nào là điểm cầu phao năm xưa. Các anh muốn cắm hương vào hai điểm tiếp xúc thiêng liêng hai đầu cầu phao, một đầu là miền Bắc xã hội chủ nghĩa và một đầu là miền Nam ruột thịt đi trước về sau!

Theo các anh mô tả: Hôm ấy khoảng 14h ngày 2/4/1972, sau khi cầu phao bắc được hai ngày, máy bay Mỹ đã xác định được vị trí cầu và liên tục dội bom hòng cắt đứt điểm huyết mạch trọng yếu của hậu phương nối với tiền tuyến vừa được thiết lập. Tại chiếc hầm chữ A gần mép nước, cả ban chỉ huy Tiểu đoàn 1 đã trúng bom hy sinh khi chỉ huy bảo vệ cầu. Những ngày tiếp sau cho đến khi chiến dịch phát triển sâu xuống phía Nam, hai đầu cầu phao Hiền Lương không lúc nào ngớt tiếng bom pháo và tiếng súng đánh trả của lực lượng bảo vệ cầu. Sau hơn 30 năm trở lại không ai trong Lữ đoàn xác định được địa điểm cũ để thắp hương viếng đồng đội.

Khi các anh đang loay hoay thì tôi liền nói:

- Các anh có thể cắm hương lên bất cứ nơi nào trên bến Hiền Lương, bởi đằng đẵng hai mươi sáu năm chiến đấu, mỗi tấc đất ngọn cỏ trên mảnh đất này đều thắm máu đồng bào đồng chí chúng ta!

Mọi người nghe ra và làm theo. Cả bến sông ngan ngát khói hương…

*  *  *

Có một Cựu chiến binh bước tới bên tôi:

- Mày làm bên Văn hóa à?

Tôi thấy khó chịu và thoáng nghĩ: “Dân Tràng An mới gặp lần đầu mà đã xưng hô thật bặm trợn!” Nhưng rồi tôi vội ngộ ra: “Chỉ có lính, chất lính đậm đặc mới đủ tự tin xưng hô với người lạ như vậy”.

Tôi trả lời:

- Không, em cũng là cựu chiến binh…

Anh nói oang oang với đám đông:

- Thằng dân “bản địa” này cũng là lính đây bà con ơi!

Mọi con mắt nhìn về phía tôi và trong phút chốc bầu không khí khách chủ tan biến nhường chỗ cho sự cởi mở chân thành:

- Hồi trước đi lính ở binh chủng nào?

- Em ở đặc công!

- Binh chủng mày suốt đời ở chùa!

(Cái câu đùa mà thật này nếu không phải dân Hà Nội gốc không thể biết được chuyện Bộ Tư lệnh đặc công những năm chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc chuyên trị đóng trong các chùa thuộc xã Đông Mỹ - huyện Thanh Trì - Hà Nội).

- Mày làm đến chức gì rồi?

- Em làm chủ nhiệm Trinh sát Trung đoàn 114.

- Cả Quân đội nhân dân Việt Nam thời ấy có 13 Trung đoàn đặc công, mày là một trong 13 thằng chủ nhiệm trinh sát đặc công của toàn quân, oách! Tao chỉ là Hạ sỹ thì bị thương ra quân…Tao là Cường, “Cường ốc”!

Bô lô ba la thế nào mà tôi và anh thấy không thể thiếu nhau trong suốt cuộc hành trình ngắn ngủi ấy.

Ngày anh trở về Hà Nội, tôi đã kịp tặng anh tờ báo Quảng Trị có in bài bút ký của tôi được Ban biên tập chọn in phần đầu trên trang nhất: “Những người về lại bến sông xưa”. Bài báo viết về chuyến hành hương về lại chiến trường xưa của đoàn Cựu chiến binh đơn vị anh. Đọc xong bài báo anh tấm tắc khen hay và hỏi xin thêm mấy tờ nữa để tặng đồng đội không có mặt trong chuyến về nguồn cùng anh hôm ấy…

Mấy hôm sau ngày anh về Hà Nội, Gio Linh mưa lụt ngút trời, một ngày anh gọi điện hỏi thăm tôi tới năm sáu lần, anh lo nhà tôi ngập, lo cho bà con vất vả, tôi nói đùa cốt để anh yên tâm: “Ở đây lụt không khổ bằng Hà Nội lụt đâu”… Rồi Tết đến, anh điện cho tôi: “Tao thấy nhà mày không có ông thần tài, tao tặng mày ông thần tài tiện bằng gỗ pơ mu thờ lấy may” Mấy hôm sau tôi ra bưu điện bê về một hòm giấy cát tông đựng ông thần tài, hai tay ông nâng nén bạc to đùng. Đối với tôi, thần tài, thần lộc gì tôi cũng chẳng màng, danh lợi tôi cũng chẳng bon chen, nhưng nể anh, tôi đặt tượng gỗ vào nơi trang trọng, ai đến nhà trông thấy cũng buồn cười…

Qua xuân, anh lại gọi điện cho tôi thông báo vừa hoàn thành bản thảo cuốn Hồi ký: “Đường ra trận”. Cuốn sách được Nhà xuất bản Lao động in bao cấp thuộc tủ sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” với lời giới thiệu của nhà thơ Tạ Hữu Yên:

Bùi Văn Cường, tác giả cuốn “Đường ra trận" là chiến sĩ từng bám trụ trên giới tuyến Gio Linh - Vĩnh Linh đã có mặt trên chiến trường Quảng Trị, trên địa bàn Bình - Trị - Thiên những năm tháng đạn bom ác liệt, kể lại những gì bản thân anh và đồng đội đã trải nghiệm, đã sống trong những chảo lửa nóng bỏng nhất của ngày hôm qua.

Cuốn sách không dày, nhưng cầm trên tay tôi nghe nóng hổi - cái nóng của chiến trường hơn một phần tư thế kỷ và cái nóng của tâm huyết tác giả gửi vào từng trang sách.

 “Đường ra trận", cuốn sách góp phần làm phong phú thêm trang sử anh hùng của Công binh nói riêng, loại sách truyền thống về Quân đội nhân dân Vệt Nam nói chung.

                                                                  Hà Nội, cuối thu năm 2000

                                                                             Tạ Hữu Yên

                                  (Đại tá nhà thơ, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

Sách được in xong, anh mừng lắm, đóng gói gửi vào cho tôi năm mươi cuốn có chữ ký của anh, anh dặn tôi mang tặng những gia đình mà anh đã từng đóng quân ở hai bờ Nam - Bắc sông Bến Hải.

Người ta viết sách, in sách để kinh doanh, kiếm lời, anh viết sách, mà viết được sách với anh khó hơn lập được một chiến công, vậy mà anh biếu không, chỉ với ước mong để mai sau con cháu đừng quên cha ông chúng đã một thời sống và chiến đấu thế nào.

Trong cuốn sách của anh có đoạn viết về những phút giây xúc động  nhịp cầu phao nối hai bờ Nam Bắc ngay sau khi Hiệp định Pari được ký kết năm 1973:

“Hôm bắc cầu Hiền Lương, đồng chí tiểu đoàn trưởng nổ phát súng lệnh, đây là phát súng lệnh đầu tiên tôi được nghe trong lúc làm nhiệm vụ. Chúng tôi theo nhiệm vụ được giao từ trước, hạ các khoang thuyền đã được sửa chữa lắp ghép thành từng mảng một. Những cây dầm, mỗi cây hơn hai tạ, được bốn chiến sĩ khiêng nhịp nhàng theo tiếng hô của tiểu đội trưởng. Nhưng khi chiếc cầu phao chỉ còn chờ ca nô cặp mạn lắp đà mố của hai đầu cầu là xong thì bất ngờ hai chiếc F4 bổ nhào xuống đánh phá. Súng 12 ly 7 ở đầu cầu bắn trả quyết liệt. Ban chỉ huy đại đội cùng anh em trong đơn vị và các đồng chí dân quân tản ra công sự đánh trả máy bay địch. Chiếc ca nô được lệnh rời bến lao về phía thượng lưu để kéo sự chú ý của máy bay. Các đồng chí công an vũ trang chốt tại đầu cầu bờ Bắc cũng ra sức giúp đỡ chúng tôi sơ tán phương tiện, khí tài của đơn vị. Nhưng hai “con chó dại” ấy nhào trái, bổ phải sủa càn mới được vài băng đạn, bị đánh rát quá vội cút thẳng ra ngoài khơi. Bầu trời trở lại yên tĩnh. Anh em đi kiểm tra từng con ốc, bắt chặt những thanh bó vỉa hai mép cầu. Chẳng mấy chốc chiếc cầu phao TPP 16 tấn dài 170 mét đã nối liền đôi bờ Nam - Bắc.

Chúng tôi hạ neo và chốt chặt hai đầu cầu. Một tiểu đội công binh được lệnh dùng ca nô tuần tra cảnh giới thượng lưu, và hạ lưu, chú ý các vật nổi trôi như bè, mảng thuyền của dân, khi gặp lưu tốc nước lớn, phải cho dừng cách cầu một ngàn mét để đảm bao an toàn cho cầu phao. Đúng 20h lệnh thông cầu vang lên. Đại đội trưởng Đức cùng những chiếc Zin 157, đầu tời lần lượt chạy qua để kiểm tra độ chính xác và an toàn của cầu. Một bộ phận dùng thuyền cao su kiểm tra từng khoang để tránh những sự cố có thể xảy ra.

Cây cầu phao nối liền hai bờ Nam - Bắc, nhịp cầu thân thương mà bà con hai miền hằng mong ước đã trở thành hiện thực. Tôi hiện hữu như là tinh thần bất khuất của dân tộc. Nhân dân hai bờ Nam - Bắc cầm cờ đỏ sao vàng, cờ Mặt trận Giải phóng đến mỗi lúc một đông. Dưới sông, dòng nước êm ả trôi. Bên cạnh cây cầu phao đồ sộ là bảy nhịp cầu Hiền Lương cũ, gãy gục, phơi bày dấu vết của những năm tháng chiến tranh.

Đêm đến, chúng tôi có nhiệm vụ giúp một đơn vị bạn mắc điện qua cầu để chào mừng ngày ký Hiệp định Pari. Một lần nữa cả đơn vị lại mừng khôn tả, khi biết những người thợ điện đó đều là công nhân của Sở điện lực Hà Nội. Họ là những đại diện của những người lao động thủ đô Hà Nội – “Trái tim của cả nước" được lệnh vào tuyến lửa Gio Linh - Vĩnh Linh mang dòng điện của Tổ quốc vào thắp sáng cho đôi bờ dòng sông Bến Hải. Tất cả chúng tôi ôm nhau quay tròn trong niềm vui sướng.

Sáng ngày 28/1/1973, cột cờ của đồn Công an biên phòng Hiền Lương cao 35 mét, lá cờ đỏ sao vàng rộng 96 mét vuông đã được kéo lên vẫy chào lá cờ xanh đỏ sao vàng của Mặt trận Dân tộc giải phóng bên bờ Nam sông Bến Hải. Băng cờ, ảnh Bác Hồ, biểu ngữ treo kín các lối từ thôn Hiền Lương ra đến đầu cây cầu chúng tôi mới bắc. Cũng tại bờ Bắc, đối diện với đồn Công an biên phòng, một căn nhà bạt dùng làm chỉ huy sở của Tiểu đoàn công binh được dựng lên. Đúng 6 giờ sáng, Ban chỉ huy Mặt trận, Đảng bộ và Chính quyền địa phương, các nhà báo cùng nhân dân có mặt dự lễ cắt băng thông cầu. Tôi được vinh dự bồng súng làm nhiệm vụ tại bờ Bắc.”

Còn vĩ thanh câu chuyện này có nhiều người chưa biết: Khi anh Bùi Văn Cường vinh dự bồng súng làm nhiệm vụ tại đầu cầu bờ Bắc sông Bến Hải trong ngày đầu tiên ký Hiệp đinh Pari 27/1/1973 thì một phóng viên của Báo Nhân dân đi công tác qua hỏi thăm địa chỉ và chộp ngay hình ảnh này và đăng lên Báo Nhân Dân số ra ngày 31/01/1973. Tác giả bức ảnh mang báo biếu tận nhà, gia đình anh Cường có thêm một lần tết. Có lẽ Bùi Văn Cường là người lính Hà Nội đầu tiên được gia đình biết rằng sau khi lệnh ngừng bắn của Hiệp định Pa ri có hiệu lực  anh vẫn còn sống.

*  *  *

Hơn mười năm nay, hầu như năm nào anh cũng hỏi thăm tôi về những đổi thay trên mảnh đất Gio Linh. Anh quan tâm đến vùng lúa Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn của huyện ở phía Bắc Căn cứ Dốc Miếu, vốn là vùng trắng nhất trên tuyến hàng rào Điện tử Mac na ma ra. Anh rất vui khi tôi nói rằng: “Năng suất lúa bình quân của toàn huyện Gio Linh hiện nay cao hơn một số địa phương khác trong tỉnh, mặc dù điều kiện tự nhiên, nông hóa thổ nhưỡng của đồng ruộng Gio Linh không ưu việt hơn. Ngoài các “vựa lúa” lâu năm như Trung Hải, Trung Sơn thì trong những năm trở lại đây nhờ phát triển hệ thống thuỷ lợi, Gio Linh đã hình thành vùng lúa mới dọc tuyến đường xuyên Á ở các xã Gio Mai, Gio Quang. Một số xã như Gio Thành, Gio Mỹ trước đây chỉ sản xuất bấp bênh một vụ thì nay đã sản xuất được hai vụ cho năng suất cao. Hơn 6.900 ha lúa gieo cấy đại trà, năm 2010, toàn huyện đạt năng suất 49,8 tạ/ha, sản lượng đạt 34.468 tấn.”

 Anh nói với tôi: anh nhớ lắm những trận bom rải thảm của B52 ngang dọc cày nát Gio Linh, những rừng tranh bạt ngàn hoang hoá, nhớ món canh suông măng lồ ô mùa mưa và rau cải soong Gio An, nhớ cảnh dân và bộ đội chung hầm, chung gạo cơm, no đói có nhau suốt năm 1972 lịch sử.  

Tôi nói với anh rằng: trên vùng đất miền Tây Gio Linh đầy lau lách lồ ô ngày ấy bây giờ Gio Linh đã phát huy được lợi thế về kinh tế gò đồi. Những năm qua nhờ xác định được giá trị kinh tế của các loại cây công nghiệp thích nghi trên địa bàn, đặc biệt là cao su và hồ tiêu nên huyện Gio Linh đã tập trung chỉ đạo nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn. Mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất rừng kinh tế thấp sang trồng cao su. Năm 1990 khi mới phát động nhân dân trồng được vài trăm héc ta cây cao su, đến nay đã có hơn 3000ha cao su xanh ngắt vươn mình trong nắng sớm trong đó hơn 1000 ha cao su đã đưa vào kinh doanh. Những hố bom ở Cồn Tiên, Dốc Miếu năm xưa giờ đã được san lấp hết và phủ xanh bằng cây cao su, cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh nhắc với tôi những đêm ghép phà đưa xe tăng và pháo sang bờ Nam dọc theo bờ biển Gio Linh đánh giặc. Nghe hơi nước mặn mòi mát rượi thổi lên mà thèm những con mực con thu thơm lừng để át mùi khói đạn.

Tôi nói với anh rằng: Bốn mươi năm qua, vùng kinh tế biển của Gio Linh đã gắn đánh bắt với nuôi trồng đã tạo nên thế mạnh trong phát triển thủy hải sản của Gio Linh và chiếm tới hai phần ba tỷ trọng kinh tế toàn huyện. Đến nay toàn huyện có gần 800 tàu thuyền, năng lực khai thác đạt 18.500CV, chủ yếu là tàu đánh bắt xa bờ; có 350 ha nuôi cá nước ngọt và 300 ha nuôi tôm sú. Tổng sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản năm 2010 đạt 10.000 tấn, xuất khẩu 2.590 tấn…

Tôi cũng dẫn lời đồng chí Phan Văn Phụng, Bí thư Huyện ủy nói rằng: những năm tới, huyện Gio Linh sẽ phấn đấu chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, trong đó tỷ trọng nông - lâm - ngư chiếm 40%; công nghiệp, xây dựng đạt 22%; thương mại, dịch vụ và du lịch đạt 38%. Phấn đấu năm 2015, bình quân lương thực đạt 500 kg/người/năm và thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm…

Có thể là dân Hà Nội gốc nên anh quan tâm đặc biệt về  phát triển Thương mại - Dịch vụ và Du lịch. Tôi nói với anh rằng huyện Gio Linh đã xây dựng đề án phát triển Thương mại - Dịch vụ và Du lịch giai đoạn 2008- 2010 có tính đến 2015, đây là một cố gắng lớn, thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của huyện. Tuy nhiên, với thực trạng tình hình phát triển Dịch vụ - Du lịch trên địa bàn huyện hiện nay vẫn ở quy mô nhỏ, chưa khai thác tốt các điều kiện thuận lợi để phát triển, nên huyện đang gấp rút có những giải pháp cụ thể để đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh tốc độ phát triển ngành Dịch vụ- Du lịch, trong đó lưu ý một số địa danh như Di tích lịch sử Dốc Miếu, Hàng rào điện tử Macnamara, Khu vực phía Tây và Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Di tích đôi bờ Hiền Lương; đặc biệt phát triển mạnh du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển ở Cửa Việt và trên bãi cát dài với bãi biển nông gần 20 km ở phía Đông huyện.

Anh trầm ngâm: “Quảng Trị nói chung và Gio Linh nói riêng không xa Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, có đường sắt, đường bộ, đường thuỷ thuận lợi, nhưng thời buổi hiện nay, khi đời sống người dân đã tương đối cao, nhu cầu thăm lại chiến trường xưa của các Cựu chiến binh và con cháu họ rất lớn, nên người ta sẵn sàng đổi một giờ bay với chi phí gấp đôi thay vì 12 giờ rong ruổi lê thê không cần thiết trên đoạn đường 600 km là chuyện bình thường. Gía mà Quảng Trị có được một sân bay...”

Tôi nói với anh: Quảng Trị đã có Kế hoạch xây dựng sân bay lưỡng dụng tại khu tập trung Quán Ngang thuộc xã Gio Quang huyện Gio Linh cách thành phố Đông Hà 7km về phía Bắc với vốn đầu tư 374,787 tỷ đồng. Quân chủng Phòng không Không quân giao đã cho Công ty Tư vấn thiết kế hàng không của Quân chủng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị và các cơ quan chuyên môn của tỉnh khảo sát, xây dựng đề án quy hoạch sân bay để có cơ sở cho Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo Chính phủ đưa vào quy hoạch hệ thống sân bay quân sự kết hợp dân sự trong toàn quốc. Theo kế hoạch, đến 2015 sân bay sẽ được đưa vào khai thác với lượng khách 10.000 người/năm, bình quân 4 chuyến bay/tuần.

Anh cười thật to: “Chắc chắn tao với mày còn sống để thường xuyên thăm nhau dễ dàng bằng chuyến bay nội địa mà tình nghĩa lớn hơn vạn lần tiền bạc ấy!”

Câu chuyện của anh và tôi là câu chuyện của hai người lính đã về giữa đời thường. Nhưng ngẫm lại, tôi muốn viết ra bởi tôi thấy có một góc Gio Linh lấp lánh trong lòng người Hà Nội. Tôi hy vọng những dự cảm, những ước muốn của anh và tôi sớm được thực hiện và khi được thực hiên nó trở thành ước mơ, hạnh phúc của bao người !

T.P.T

 

 
TỐNG PHƯỚC TRỊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 207 tháng 12/2011

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground