Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có một người con ly hương

Lời dẫn: Ma tuý đã trở thành mối hiểm hoạ của cả cộng đồng. “Cái chết trắng” ngày nay là mối đe doạ thường xuyên đối với con em chúng ta. Hãy nói không với Heroin và trừng trị thẳng tay những kẻ buôn ma tuý. Để giành giật lại mạng sống của những con nghiện, ở giữa một vùng xa xôi của Định Quán, có một cơ sở cai nghiện ma tuý đã thực hiện thành công cắt cơn bằng phương pháp châm cứu của Anh hùng lao động - giáo sư tiến sĩ Nguyễn Tài Thu.

1

. Người trong chuyện kể rằng: Chắc mọi người còn nhớ “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972, khi mà cái cầu Hiền Lương hiền như dòng sông Bến Hải là nỗi đau chia cắt đất nước. Quảng Trị đã phải hứng chịu một khối lượng bom đạn hơn bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam, thời đánh Mỹ. Gia đình tôi may mắn thoát chết trên “Đại lộ kinh hoàng”, đoạn từ ga Mỹ Chánh ra Cầu Trắng. Tôi và bầu đoàn thê tử ra đi, thực chất là chạy loạn, bỏ lại sau lưng mình cái làng Trà Liên yêu dấu, nơi chôn nhau cắt rốn và tôi cất tiếng oa oa chào đời, bỏ lại dòng sông Thạch Hãn thân thương đã tắm mát cả quãng đời thơ dại của tôi. Trà Liên đã đi vào lịch sử đánh Pháp với trận đánh công kiên rạng sáng ngày 27.6.1951, bộ đội tiểu đoàn 230 quyết san phẳng đồn để khai thông con đường huyết mạch giữa chiến khu Ba Lòng với vùng đồng bằng Triệu Hải. Trận này, ông chú của tôi hy sinh.

Tôi được cha mẹ sinh ra trong năm Ất Hợi (1935) – Năm triều đình nhà Nguyễn vui mừng khôn xiết khi hoàng tử Bảo Long ra đời, nhưng chẳng bao giờ nối được ngôi vua cha. Đức Kim thượng Bảo Đại – vị vua cuối cùng của một triều đại kéo dài gần nửa thiên niên kỷ, với chín đời chúa và mười ba đời vua (1558 -1945) đã phải “thoái vị” để nhường sứ mệnh lịch sử cho một thời đại mới. Thời đại Hồ Chí Minh.

Gia đình chúng tôi chạy một mạch vào Định Quán, nơi cách đây ba mươi năm còn là vùng hoang sơ, cây rừng rậm rạp, dân cư thưa thớt, đêm đêm còn nghe tiếng mển (con mang) tác và tiếng cọp gầm gừ. Những đàn nai tràn ra cả quốc lộ 20 và đi lại tự do không sợ người. Cứ hoàng hôn buông xuống là chúng tôi phải đốt lửa để cho ác thú sợ không đến gần chòi. Chúng tôi đã bỏ lại tất cả ở quê hương: mồ mả tổ tiên, ruộng vườn, nhà cửa và cả những thứ vật dụng thường nhật, nhỏ nhặt nhất. Nghĩa là khi đến Định Quán, mỗi thành viên trong gia đình chỉ duy nhất có một bộ quần áo đang mặc trên người và mấy trăn ngàn bạc nguỵ. Chúng tôi không đến nỗi phải trở lại sống thời kỳ đồ đá. Trước nhất phải đi sắm vài ba cái cuốc, một cái rựa. Và đất đai thì tha hồ rộng thế rồi vợ chồng con cái ra tay làm chòi, làm lán ở tạm, phát rẫy làm nương, trỉa bắp trồng khoai. Đất của định quán phần lớn là đá ông, phún thạch của tài nguyên núi lửa xa xưa. Có điều rất lạ, mùa khô thì tất cả cỏ cây đều nằm im, nhưng chỉ vài trận mưa đầu mùa là cây cối như bừng dậy, xanh um, tươi tốt. Mấy cha con tôi kiếm tre đực vót nhọn và chọc lỗ bỏ hạt. Chỉ một đầu mùa là có bắp ăn. Lúa rẫy cũng sây hạt nặng bông, khoai mì (sắn) thì sau một năm là thu hoạch, có củ to bằng bắp chân. Đất đã không phụ người. Đất nuôi sống chúng tôi. Tôi thầm cảm ơn trời đất đã cho gia đình được sống sót sau những ngày bom đạn ác liệt và tôi nghĩ rằng trời đã cho ta đôi tay thì sợ chi chết đói. Mười tám héc ta đất khai phá hồi đó, giờ đây đã trở thành sở hữu của gia đình tôi. Ba mươi năm qua, cũng nhờ đất mà gia đình chúng tôi khấm khá dần lên.

Ngồi trước mặt tôi (tác giả) là một ông già đã gần đến tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Hồ Viết Tiếu (nhân vật của truyện ký này). Ông có vóc dáng cao lớn, đậm người, nước da hồng hào và đôi mắt tinh tường. Ông Tiếu tiếp tục kể chuyện về đời mình: Chín năm đánh Pháp, sau khi được cái bằng “Sơ học yếu lược” của trường làng, vài năm sau (khi quân Pháp đã ổn định việc xâm chiếm trở lại nước ta) tôi học tiểu học ở trường Nguyễn Hoàng. Trường đặt cận kề Thành Cổ Quảng Trị. Đây là ngôi trường duy nhất của cả tỉnh đào tạo học sinh bậc trung học. Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ tôi được gia đình cho vào Huế tiếp tục học hết những năm trung học phổ thông. Thế rồi, bốn năm đèn sách ở Trường Đại học Y dược Sài Gòn (từ năm 1967), tôi chuyên về khoa y học dân tộc và ra trường có đủ 11 chứng chỉ của trường và được công nhận là Lương y. Từ đó tôi chuyên tâm nghiên cứu về đông y và tôn cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác lên làm sư tổ. Trong ngôi nhà này có một phòng thờ riêng cụ Hải Thượng đó.

Vốn là con một gia đình nho học và từ đời cố đến đời ông, đời cha có làm nghề thầy thuốc, tôi cũng quyết chí đi theo con đường của cha ông mình: Làm thuốc, trị bệnh cứu người. Những kiến thức thu được ở trường đã giúp tôi nhanh chóng nắm bắt được bí quyết gia truyền trong nghề thầy thuốc Đông Y. Ngoài những vị thuốc Bắc (theo quan niệm người xưa chỉ có ở bên Tàu mới có nên người ta gọi là thuốc Bắc), tôi tìm hiểu nguồn thảo dược ngay trên đất nước ta. Rừng núi Việt Nam quả là một kho tàng dược liệu vô cùng phong phú. Và chung quanh ta, ngay cả trong vườn nhà, bên dậu hàng rào cũng có vô số cây thuốc, giúp ta trị bênh. Quả là chúng ta đang nằm trên đống thuốc mà ít người thật sự hiểu biết cặn kẽ. Tôi chỉ lấy một vài vị làm thí dụ: Cây ngãi cứu, tía tô, kinh giới… là những người Việt Nam đã dùng nó từ ngàn đời nay rồi.

2. Sau ngày giải phóng miền Nam, mặc dù cuộc sống còn chật vật, tôi cũng cố gắng cho các cháu học hành. Vừa làm rẫy tôi vừa trở lại với nghề bốc thuốc. Tôi vào rừng tìm kiếm rễ cây đem về chặt, thái lát, phơi, sấy (nghề đông y gọi là sao vàng hạ thổ) rồi đem bốc cho các con bệnh. Tiếng lành đồn xa. Có những bệnh nhân từ nơi rất xa, mắc chứng bệnh hiểm nghèo, đã điều trị qua thuốc tây nhưng không khỏi, khi uống thuốc của tôi thì lành hẳn. Thầy Tiếu đưa cho tôi xem những lá thư của bệnh nhân. Thư bà Trần Thị Lý, thường trú tại số nhà 319, đường Âu Cơ, phường 10, quận Tân Bình bị u ác ở cổ đã điều trị nơi đây bốn năm về trước khi bà Lý ở tuổi năm mươi sáu nay bà đã sáu mươi tuổi vẫn mạnh khoẻ và không hề bị tái phát. Bệnh nhân Nguyễn Văn Hoà làm công nhân đánh bóng đồ sát, nhiễm bụi sát thành bệnh phổi nặng cũng đã được thầy Tiếu điều trị bằng thuốc Đông y mà khỏi hẳn.

Để cho danh chính ngôn thuận, giám đốc Sở Y tế Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận trình độ chuyên môn y học cổ truyền dân tộc cho Lương y Hồ Viết Tiếu. Giấy chứng nhận ghi: Đủ trình độ hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền dân tộc: Khoa xem mạch, bốc thuốc (ký tháng 12.1995). Và sau đó hàng năm thầy Hồ Viết Tiếu đều được cử đi dự các lớp bồi dưỡng và nâng cao y học cổ truyền tại trường Trung học y học cổ truyền Tuệ Tĩnh II. Năm 1997, lương y Hồ Viết Tiếu thi 2 môn lý luận cơ bản và dịch học, được xếp loại khá. Năm 1998, thầy tham gia lớp bào chế dược liệu đều đạt điểm trung bình 6,5. Năm 1999, thầy được cử tham gia dự lớp bồi dưỡng kiến thức y học cổ truyền của Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Thầy học xong chứng chỉ: Bệnh học – châm cứu – dưỡng sinh và xoa bóp đạt điểm trung bình 4 môn là 7, 2 được xếp loại khá. Năm 2001, thầy Tiếu đã dự lớp chuẩn hoá lương y hoàn tất chứng chỉ ngũ quan y học cổ truyền đạt điểm trung bình và hoàn tất chứng chỉ Phương tể y học cổ truyền được xếp loại giỏi. Cả hai lớp này đều do Trường Đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh tổ chức và cấp giấy chứng nhận. Điều quan trọng và làm lương y Hồ Viết Tiếu phấn khởi, an tâm và tin tưởng là giám đốc Sở y tế Đồng Nai Trương Minh Trung đã cấp chứng chỉ hành nghề số 199/SYT-CNHN ngày 20.12.2002. Chứng chỉ ghi: Theo đề nghị của Hội đồng tư vấn xét cấp giấy chứng chỉ hành nghề Y học dân tộc cổ truyền Sở y tế họp ngày 15.10.2001, giám đốc Sở y tế Đồng Nai cấp cho ông Hồ Viết Tiếu, hộ khẩu thường trú tại tổ 1, ấp Hoà Trung, xã Ngọc Định, huyện Định Quán. Trình độ chuyên môn: Lương y đa khoa. Đủ tiêu chuẩn hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền với loại hình đăng ký kinh doanh: Phòng chẩn trị y học cổ truyền. Giấy chứng chỉ có giá trị hết ngày 20.12.2005.

Mặc dù đường sá xa xôi, bệnh nhân của lương y Hồ Viết Tiếu là những người ở khắp mọi miền đất nước, có người ở tận Hà Tiên, cũng có người ở tận Cao Bằng cất công đến đây để tìm gặp duyên may gặp thầy gặp thuốc. Mỗi ngày thầy khám và bốc thuốc cho vài ba chục bệnh nhân, có ngày lên tới bốn mươi ba người. Và phần đông trong số bệnh nhân này đều khỏi bệnh.

3. Lương y Hồ Viết Tiếu đem ra một cái cặp tài liệu và đưa cho tôi rồi nói: Điều mà anh hỏi về cơ sở cai nghiện ma tuý của tôi tất cả đều nằm trong hồ sơ này. Đó là dự án xây dựng cơ sở cai nghiện ma tuý dân lập. Ở Đồng Nai đây là cơ sở đầu tiên do tư nhân đứng ra thành lập. Dự án có tên: “Điều trị cắt cơn nghiện ma tuý bằng phương pháp châm cứu của giáo sư Nguyễn Tài Thu” Chủ dự án là lương y Hồ Viết Tiếu và cơ quan chủ quản là UBND huyện Định Quán.

Cách đặt vấn đề của nội dung dự án cũng rất hay.Về mặt tâm lý, do tái nghiện nhiều lần nên việc điều trị trong y học ngày càng khó khăn, phức tạp. Tâm lý người nghiện ngày càng khủng hoảng tự ti và buông thả. Gia đình người nghiện có khuynh hướng bỏ mặc hoặc đối xử không đúng, hoặc che dấu vì sợ mất uy tín, sợ con em vào các trại cai nghiện xa, gian khổ, tốn kém. Do đó khiến cho người nghiện có thời gian sử dụng ma tuý khá lâu. Cộng đồng ngày càng lên án và xa lánh người nghiện dẫn đến tình trạng người nghiện khó tái hoà nhập xã hội. Có nhiều trường hợp gia đình ly tán. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS của người nghiện ngày một gia tăng.

Lương y Hồ Viết Tiếu đã xây dựng được quy trình điều trị cai nghiện có hiệu quả và có những giải pháp phù hợp sau khi cai nghiện. Đó là sau khi cắt cơn (nghiện) người nghiện phải được cách ly môi trường cám dỗ, cần sống trong một môi trường không có ma tuý để giảm nguy cơ tái sử dụng do những cơn “đói ma tuý” thường hay xảy ra ở người nghiện sau khi cắt cơn. Bên cạnh đó thầy thuốc đặt ra chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và luyện tập hợp lý. Đồng thời phải điều trị những bệnh do suy nhược cơ thể gây ra, giáo dục nhận thức đúng phương pháp để ổn định tâm lý.

Tuy chưa chính thức khai trương đi vào hoạt động cơ sở cai nghiện, nhưng từ đầu năm đến nay, thầy Tiếu đã điều trị cho gần một nghìn con nghiện. Theo ông Nguyễn Đình Huế, cán bộ chi cục phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB XH Đồng Nai) thì tỉ lệ người tái nghiện ở cơ sở này có con số rất thấp, bằng 12%. Bệnh nhân được điều trị cắt cơn theo phác đồ điều trị của giáo sư Nguyễn Tài Thu, tức là bằng châm cứu và thuỷ châm trong thời gian mười ngày, được cấp thuốc về nhà uống trong nửa tháng. Sau khi hết thuốc đến tái khám và điều trị củng cố thêm bốn ngày. Tất cả gần ba mươi ngày. Con nghiện có thể yên tâm ra về. Tổng chi phí cho một đợt điều trị là 1.510.000đồng. Số tiền này các gia đình có con em cai nghiện cho là có thể chịu được. Còn hơn mỗi ngày các em hút chích đến cả mấy trăm ngàn đồng hê rô in.

Trong quá trình điều trị cắt cơn, nếu người nghiện có điều trị thêm các loại thuốc ngoài danh mục quy định trong phác đồ cắt cơn nghiện ma tuý thì gia đình và người bệnh chịu chi phí này (có sự thông báo trước của thầy thuốc và sự chấp thuận của gia đình). Về ăn uống, cơ sở có tổ chức bếp ăn, bệnh nhân muốn ăn lúc nào thì tự liên hệ với nhà bếp, mức thấp là tám ngàn đồng mỗi ngày và mức cao nhất là ba mươi ngàn đồng mỗi ngày.

Thầy Hồ Viết Tiếu đã cho xây dựng một ngôi nhà có thể đủ sức chứa sáu mươi bệnh nhân với số vốn cả tỉ đồng đang vào thời kỳ hoàn thiện (có thể coi đây là một bệnh viện tư). Và hiện tại đã có một số công trình đưa vào sử dụng lâu nay: phòng điều trị bệnh nhân hơn hai trăm mét vuông, có giường nằm cho bệnh nhân và người nhà, có ba mươi mét vuông nhà bếp với đầy đủ đồ dùng, có sáu mươi mét vuông phòng hành chính, nghiệp vụ, có ti vi, sân chơi cho bệnh nhân giải trí. Đặc biệt khu vực bảo vệ có tường rào cao, có cổng ra vào và bảo vệ gác 24/24 giờ trong ngày.

Thầy Tiếu đã nhận về đây tám thầy thuốc điều trị, trong đó có hai người con của thầy tốt nghiệp bác sĩ Y khoa cũng về giúp cha điều trị bệnh nhân cai nghiện. Thầy Hồ Viết Tiếu đã dự kiến khi ngôi nhà ba tầng được đưa vào sử dụng, thầy sẽ sắm thêm tất cả các thiết bị y tế hiện đại, trong đó có một máy CT cắt lớp não. Tuy nhiên khả năng tài chính lại có hạn.

Trong phòng bắt mạch của thầy Tiếu, tôi thấy treo rất nhiều bằng khen, giấy khen của Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai, của UBND huyện Định Quán và ba bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam do Chủ tịch Hội Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Tài Thu ký (các năm 200, 2001, 2002).

Lương y Hồ Viết Tiếu, người có tâm huyết đối với công tác phòng chống ma tuý đang đem hết sức mình giành giật mạng sống về cho người nghiện. Việc làm của thầy Tiếu là đáng được ủng hộ và biểu dương.

Bà con Quảng Trị tự hào có một người con ly hương đang làm rạng rỡ cho quê hương ở nơi này…

X.B

Xuân Bảo
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 110 tháng 11/2003

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground