Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có những dòng sông

'Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy.

Thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi'

Lời người xưa mãi vang vọng, dòng chảy những con sông cũng như dòng đời mỗi con người ở chốn nhân gian này có bao giờ trở lại? Có còn chăng những âm vang lưu dấu ngọt bùi. Dòng sông nào cũng từ nguồn ra biển cũng như đời người phải có gốc gác cội nguồn. Có ai đó đã nói quê hương không phải là nơi ta sống lâu nhất nhưng ký ức về quê hương thì cứ mãi sâu đậm trong mỗi tâm hồn của người vọng cố hương. Buồn thay cho ai không có một dòng sông quê hương, một dòng sông thơ ấu để ngày sau đan nỗi nhớ và ước mơ một thuở quay về...

Dòng sông nơi tôi sinh ra và trải qua tháng năm thơ ấu mang tên Vĩnh Định, ba tôi thường kể đó là con sông đào từ đời vua chúa nhà Nguyễn, nó được đào cùng thời với con kênh Vĩnh Tế ở Nam Bộ nên có cùng họ 'Vĩnh'. Con sông nhỏ hiền hòa nước xanh trong vắt vang nhịp gõ dân chài vào mỗi chiều hôm như giấc mơ êm đềm ở mãi trong tôi, qua bao năm tháng nhọc nhằn cuộc sống cũng không phai mờ trong tâm trí dù khi xa rời bến nước ngày xưa tôi còn quá ư thơ bé. Dòng sông không rộng nên người quen đi hai bên bờ vẫn nhận ra nhau và có thể nói chuyện với nhau í ới. Có những chiều tôi theo ba tôi đi tắm sông, hai cha con để cái thùng thiếc mỏng nổi lềnh bềnh trên mặt nước, vừa hì hụp tắm vừa rà tay đáy nước dọc theo bờ sông mò hến, được con nào là thả vào thùng, thú vị làm sao khi mò trúng những con ốc để trong chén canh hến chiều hôm tôi có thể cắn cắn mút mút vào những cái vỏ ốc đăng đắng một cách thú vị. Đã nhiều lần tập bơi nhưng bao giờ tôi cũng bị uống nước, do đó khi tắm tôi chỉ tung tẩy trong bờ và thèm thuồng nhìn những đứa trẻ khác sải cánh đạp chân bơi ra xa, những thằng con trai thi nhau bơi qua bờ bên kia rồi leo lên những cây sung rũ bóng cười nói râm ran. Sáng sáng, chị tôi ra sông lấy nước, tôi lại lúp xúp chạy theo. Cứ mỗi khi tôi ra khỏi ngõ là con Vàng lót tót chạy theo, 'hai đứa ' ngồi chồm hổm trên bến, dưới gốc cây phượng vĩ nhìn chị xắn quần qua khỏi đầu gối, lội ra xa cho đến khi làn nước che khuất đôi bắp chân tròn lẳn mới quăng một đầu gióng ra xa, cánh tay điệu nghệ khẽ khàng chao qua chao lại rồi vục xuống lấy nguyên một thùng đầy nước, lại nhẹ nhàng kéo vào rồi quăng tiếp đầu gióng kia ra... Khi lấy đầy hai thùng nước sạch, chị quảy gánh lên vai, rướn người trèo lên những bậc tam cấp trơn trượt của bến nước rồi vung vẫy đôi tay mềm mại gánh về nhà. Cái thuở đó tuy còn thơ bé nhưng tôi cũng cảm nhận được cái đẹp và nổi vất vả trong vũ điệu gánh nước của chị. Quãng đường từ nhà tôi ra bến sông chừng hai trăm mét, chạy được một lúc chị lại đổi vai, động tác cứ như làm xiếc. Rồi những chiều tôi theo chị ra bến sông giặt giũ, trong khi chị say sưa làm việc thì tôi len lén đến gần mé nước, lượm nhánh tre khô, khều những mảng lục bình lại gần để hái hoa chờ chị, ngắm chị quăng những chiếc áo ra rồi nhanh tay kéo lại cứ như nàng Tây Thi giặt lụa. Trông chị đẹp lắm, mái tóc dài óng mượt thơm mùi chanh, bồ kết; đôi mắt nhung long lanh phảng phất nét buồn trên chiếc mũi thẳng tắp là 'tài sản gia truyền' (gia đình tôi ai cũng có chiếc mũi đặc biệt như thế - trừ tôi). Làn da chị không trắng nhưng hây hẩy rám hồng, chị rất yêu đời luôn miệng ca hát. Trai làng theo chị không ít nhưng mẹ tôi quá nghiêm khắc nên chỉ dám lấp ló quanh bờ dậu rứt mãi những cọng tơ hồng. Tôi nhớ có lần chị đem tôi đi cắt tóc 'bom bê', anh chàng chủ quán mãi liếc chị nên cái 'tông đơ' trong tay cứ 'xớt' mãi trên đầu tôi, đến khi tỉnh ra thì... tôi chỉ còn nước khóc la bắt đền. Ngày con đò ngang đưa chị sang sông theo chồng về xứ khác, tôi biết không ít trai làng đã ngậm ngùi ca câu 'Nàng đội hoa theo chồng, nước mắt tôi rớt bên bờ sông' khúc lở, khúc bồi.

Sau đêm khói lửa nhà cửa tan hoang. Mẹ con tôi về ở tạm bên ngoại tại làng Quy Thiện. Những lúc không cùng nhau trèo lên những ngọn ổi cao chót vót để dành ăn trái chín thơm lừng với lũ chim, tôi lại cùng thằng em họ rong chơi khắp xóm. Con sông Giòng quê ngoại hình như hẹp hơn Vĩnh Định giang nhưng rất sâu và nước xanh leo lẻo. Tôi và Khê thường ra bến nước trước chùa làng khoát nước đùa nghịch nhưng không dám lội ra xa. Chiếc cầu tay vượn nối với làng Trâm Lý bắc qua khúc quanh con sông um tùm cây lá, tôi chưa dám một lần bước lên vì chỉ nhìn đã thấy sợ trong khi thằng em họ cùng tuổi chạy qua chạy lại mà không cần tay vịn, đôi lúc còn giả bộ té nhào la hét để dọa tôi. Có lần nó dẫn tôi ra trước Cồn để tập cho tôi qua cầu. Khúc sông ở đây cạn, về mùa hè giữa lòng sông có nơi phơi bày cát trắng. Khê dẫn tôi bước lên cầu và bảo rằng chị có té xuống cũng không sao (?). Nhưng chiếc cầu tre kêu lên kẽo kẹt và đung đưa như cánh võng khiến tôi hoảng hốt nằm rạp xuống ôm lấy thân cầu làm nó cất tiếng cười vang vọng cả dòng sông. Mãi về sau, cũng có lần tôi qua được bờ bên kia nhưng phải vừa lần vừa bò còn thằng em họ thì cứ thoăn thoắt như chạy trên mặt đất.

Dòng sông Thạch Hãn của một thời hoa đỏ lớn hơn so với hai con sông quê cũ. Khoảng rộng nhất là đoạn bến bồi ở chùa Tỉnh Hội, những giờ nghỉ học tôi và chúng bạn thường xuống đò ngang qua chùa Sư Nữ ngoạn cảnh. Bến nước trước chùa mới tuyệt vời làm sao. Chúng tôi thường ngồi trên bến dưới bóng tre xanh nhìn mây trôi, nhìn chim trời sải cánh, nhìn những chuyến đò dọc xuôi ngược, đò ngang chở khách sang sông và lắng tiếng chuông chùa lay động ánh tà dương trên sóng nước như thức tỉnh bao hồn nhân thế còn mãi trầm mê nơi chốn tục lụy trần gian. Có lần thầy Vĩnh tổ chức lớp cắm trại ở bãi thông Nhan Biều. Bên kia sông - là phố thị hoa đèn, là ồn ào chợ búa. Bên nầy sông - là những hàng thông reo vi vút bên dòng nước biếc, bỗng dưng thấy mình như lạc bước về cõi hoang sơ. Rồi những ngày lễ Vu Lan, cùng nhau lên cầu nổi ra giữa dòng để ngắm cảnh phóng đăng, phóng sinh. Ôi! Dòng sông Thạch Hãn có lúc đã thành nỗi hoài vọng xót xa của bao lớp học trò Nguyễn Hoàng một thuở.

Có lần tôi được dịp đến Đông Hà, con sông Hiếu ở đó hình như lại lớn hơn ba con sông kia thì phải. Cái cảnh trên chợ dưới thuyền mới tấp nập làm sao? Đến khi vào Huế, tôi lại đứng lặng bên bờ Hương Giang để nghe tiếng gió thì thào về con sông huyền thoại. Làn nước trong vắt lặng lờ soi bóng mấy nhịp Tràng Tiền lối vào dấu xưa xe ngựa... Đây đó những thuyền nan xuôi ngược dập dìu vang vọng tiếng hò khoan như trôi vào cổ tích.

Rồi những tháng ngày sống tạm bợ trên mảnh đất Quảng Nam, với tôi thuở đó con sông Hàn mới lớn làm sao! Nước không lặng lờ trôi như những dòng chảy trước mà có sóng xao động lòng người. Mỗi lần qua Đà Nẵng chơi, bọn con gái chúng tôi chở nhau bằng xe đạp, cố hết sức đạp xe lên cầu mệt ngất ngư mà gió sông lồng lộng chi cho vướng đôi tà áo trắng.

Sau nầy có dịp đi đó đi đây, tôi đã gặp không biết bao nhiêu sông ngòi lớn nhỏ. Từ những kênh rạch cạn nước sánh bùn của miền Tây Nam bộ, qua hai nhánh Vàm Cỏ của sông Hậu con mẹ Cửu Long một thời chinh chiến, lênh đênh ngắm nhìn cảnh mua bán trên chợ nổi, buổi tối bến Ninh Kiều dập dìu tài tử giai nhân, xuôi dòng Tiền Giang vào thăm cồn ông Hổ. Có những chiều dừng chân bên bến Bắc Cần Thơ để đợi chuyến phà cuối ngày. Lối về Bến Tre xứ dứa ngọt lịm mênh mông sóng vỗ mà nghe câu hát Thuyền ra cửa biển. Những lần theo đò dọc ngược dòng những con kênh huyền thoại để vào miệt vườn chiêm ngắm cây trái sum sê và nghe câu hát Lý thương nhau thiệt thà như cô em áo bà ba khăn rằn quấn cổ.

Rồi những lần ra Bắc dọc theo Quốc lộ I tôi qua sông Bến Hải ly hận một thời. Dòng sông nhỏ bé hiền hòa thế kia mà đã mang nỗi đau chia cách trong bấy nhiêu năm. 'Bước tới đèo Ngang bóng xế tà' nhớ Bà Huyện Thanh Quan ngậm ngùi với nỗi lòng một mảnh tình riêng' ai hay tá? Khi qua phà sông Gianh, đứng giữa cảnh trời nước bao la, bến bờ xa tắp để thấy thân phận con người sao quá ư nhỏ bé mà sao quá ư cay độc, mưu kế hiểm sâu và càng thấm thía mối hận Trịnh - Nguyễn phân tranh cho một thời Nam - Bắc triều nồi da xáo thịt. Đường còn xa trăng còn cao, những núi những sông âm vang theo từng trang sử, đây sông Lam còn lưu danh hậu thế, ngang sông Mã nghe 'gầm lên khúc độc hành' trong tâm tưởng, rồi suối Yến lối vào chùa Hương để mơ về một thuở tóc đuôi gà của cô bé tuổi mười lăm. Sông Thương nước chảy đôi dòng đưa người quen ấy theo chồng thuở xưa cho câu 'nhắn người duyên dáng tôi thương' còn luyến lưu đến tận bây giờ. Tôi đã đến ngắm sông Hồng reo vui đôi bờ sóng vỗ, qua Bạch Đằng Giang sông ơi ... nhớ chiến công hiển hách cọc nhọn năm xưa để tìm về ải Chi Lăng mồ chôn xác giặc, những bản anh hùng ca ấy như mãi lồng lộng với gió núi mây ngàn vinh danh hồn thiêng sông núi cho lòng tự hào được làm người con dân nước Việt.

Và bây giờ, không biết cuộc đời tôi có dừng lại mãi bên bờ sông Đồng Nai chở nặng phù sa hai mùa mưa nắng nầy không? Còn nhớ cái thuở mới thấy dòng sông tôi đã ngơ ngác lạ lùng vì dòng chảy, vì màu nước sao quá đổi xa lạ, sao không giống con sông hiền hòa nơi tôi đã ra đi. Con sông rộng chia hai phố phường huyên náo, những ngày gió lớn lại dậy sóng đôi bờ. Có những chiều nắng quái, tôi lại đến bên bờ sông, lặng lẽ nhìn đám lục bình tím một màu man mác mà gởi hồn về chốn sông xưa. Tôi thường phóng tầm mắt về bờ tít tắp bên kia để tìm một làn khói lam chiều hay một cụm tre già lã ngọn nhưng nào thấy đâu. 'Ai tìm dùm ta bướm trắng... '. ồ! Đã bảo 'dòng sông không trở lại' sao vẫn mơ hồ. Ôi phù du! Phù du như sợi ráng chiều lan toả, những tia sáng huyễn hoặc - dư âm của ánh tà dương chiếu lất lây qua những làn mây mỏng phất phơ, để rồi trước khi tắt lại bừng lên một màu rực rỡ như chẳng cam tâm đi vào bóng tối. Cả một thời tuổi trẻ của tôi đã trôi qua bên bờ sông nầy, dòng sông như một nhân chứng cho những thăng trầm cuộc sống bao năm qua. Khi vui tôi cùng người thân đến đây để chuyện trò ca hát, khi buồn tôi đến đây để gởi những giọt nước mắt theo dòng, cả những khi chán nản tuyệt vọng tôi cũng đến ngồi dưới gốc si già, ngắm lục bình trôi, ngắm sóng vỗ, ngắm cảnh hoàng hôn hấp hối để suy tư về một kiếp phù sinh.

Ôi những dòng sông quê hương! Tôi yêu tất cả dù có dòng chở nặng niềm đau, có dòng sóng tung nỗi nhớ. Nhưng trong tôi dòng sông quê xưa sao cứ vang vọng mãi. Vĩnh Định ơi ! Dòng sông ký ức của một thời tuổi thần tiên chắp cánh. Tôi như vẫn thấy bụi tre già lả ngọn treo những tổ chim lửng lơ trong gió bên bờ sông. Tôi như vẫn thấy tàn phượng hồng rực rỡ trên bến báo hiệu tàn xuân. Tôi như vẫn thấy dáng chị tôi uốn mình quăng tấm áo giặt xuống làn nước mát làm mảnh trăng vàng vỡ vụn trong những đêm hè. Tôi như vẫn nghe tiếng khua lóc cóc của dân chài đánh cá và con đò đưa tôi xa rời tuổi nhỏ còn đậu quanh quẩn đâu đây để chờ trả tôi về bến cũ. Không biết bờ sông năm xưa có ăn bên bồi bên lở ? Không biết dòng nước còn trong xanh soi bóng những hàng tre? Nỗi nhớ dòng sông, nỗi nhớ thời thơ bé, nỗi nhớ quê hương trong tôi cứ tím mãi như màu hoa lục bình trôi dài trên những dòng sông năm tháng.

Tôi sẽ về! Vĩnh Định ơi! Tôi sẽ về thăm cố quận, thăm lại dòng sông. Tôi sẽ về để tìm lại cho mình nhân dáng ngày xưa.

 

N.T.L.H

Nguyễn Thị Liên Hưng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 153 tháng 06/2007

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

6 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

7 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground