Trang viết học đường
1. Con đường làng đất đỏ, mùa hè nắng nẻ đầu, mùa mưa nước sình bùn đất. Trường cách nhà hai cây số mà cuốc bộ từ nhà đến trường phải mất bốn mươi phút, vì cứ đi tầm năm phút lại ghé cổng nhà một đứa bạn, gọi tên “mĩ miều” của nó đúng năm lần, đợi nó nhập hội xong mới tiếp tục xuất phát. Tính ra, “xuất phát” cũng phải đến vài lần.
Hội cuốc bộ của chúng tôi có tất thảy sáu người. Hai thằng con trai tóc húi cua, nước da bánh mật, một thằng cao lênh khênh, ốm nhách, chúng tôi bầu nó là đứa được việc nhất trong hội. Chúng tôi không đi đường cái mà rẽ vào đường trong để đến trường. Đường trong chính là đường giữa xóm, ít xe cộ, đi đường trong sẽ “đỡ nguy hiểm” (theo như lời của các phụ huynh). Với chúng tôi thì đường trong có nhiều thứ thú vị hơn so với đường cái. Thích nhất là quãng nhà cửa thưa thớt, hai bên đường nhô lên những cồn đất mọc đầy cỏ dại, bụi gai. Mấy đứa trẻ sẽ có thêm cơ hội để la cà, hái cỏ gà, vừa đi vừa chọi nhau, hoặc nấn ná dừng chân bên vạt cỏ xanh chỉ để bắt mấy chú cào cào non đang hí hửng đón bình minh.
Lối về - Tranh của Đỗ Văn Hải
Chúng tôi phát hiện một khóm ngấy hương đang mùa chín rộ, có quả màu đỏ sẫm, có quả đã tím đen. Ngó lên cồn đất, những chùm quả đong đưa trong gió sớm như kích thích sự thèm muốn của lũ trẻ con. Liền sau đó, thằng cao lênh khênh sẽ chìa lưng cho thằng còn lại đứng lên. Một chân thằng nhỏ đạp lên cồn đất, hai tay víu lấy những cành dây gai, cẩn thận bứt từng chùm quả mọng. Tất nhiên, bốn cô gái sẽ nhiệt tình cổ vũ và chỉ trỏ chùm này, chùm kia để phe “mì chính cánh” có thể thu hoạch được thật nhiều thứ quả vừa ngọt vừa chát mà bất cứ đứa trẻ nào cũng thích. Chúng tôi nhấm nháp đầy say mê thứ quả dại ven đường. Cuộc la cà sẽ chấm dứt khi một đứa trong hội ngẩn người la toáng lên: “Sắp vào học rồi !”. Thế là cả bọn sẽ cuống cuồng vắt chân lên cổ mà chạy, đến cửa lớp thì trống trường cũng vừa điểm. Đứa nào đứa nấy thở dốc, nhìn nhau cười xuề.
Có một bận, đến ngày tôi trực nhật, buổi sáng tôi phải tách hội để kịp giờ lao động. Đêm trước, tôi đã hỏi mẹ tìm giúp tôi một cái nồi nấu củi. Ăn cơm tối xong, tôi đem cái nồi ra bờ giếng ngồi cạo nhọ nồi, từng mảng đen nhẻm rớt xuống bọc vải. Tôi kiếm sợi chun cột lại bỏ xuống chân bàn. Sớm tinh sương, tôi cầm bọc nhọ nồi cùng nắm lá khoai mẹ vừa hái, một mình cuốc bộ đến trường để làm trực nhật. Thực tình đi một mình tôi hơi sợ. Tôi quyết định chạy, được một quãng và bất ngờ vì thấy thằng cao lênh khênh ngồi chồm hổm bên vệ đường, tay ôm cặp sách. Tôi hỏi: “Ngồi đây chi ?”. Nó đáp gọn lỏn: “Đi chung khỏi sợ”. Nói vậy chứ hai đứa chúng tôi đâu có đi, cứ thi nhau chạy, mệt thì ngồi thở. Không nói thì ai cũng biết nó chân dài nên chạy nhanh, có khúc nó ngồi xuống, nhìn tôi chạy trước một quãng rồi mới tiếp tục, kiểu như anh thỏ đắc chí nhìn bạn rùa chậm chạp lết tấm thân về đích trong truyện ngụ ngôn.
2. Tấm bảng được ghép từ ba mảnh gỗ khác nhau treo phía trước lớp học, có vẻ hơi quá tầm so với chiều cao vốn rất khiêm tốn của cô bé lớp năm. Thỉnh thoảng, khi cảm thấy tấm bảng chuyển màu bợt bạt, khó “ăn” phấn là cô giáo chủ nhiệm sẽ lại yêu cầu thành viên tổ trực nhật tân trang lại cho đẹp mắt. Tôi không cho thằng cao lênh khênh làm giúp, vì tôi nghĩ đó là việc của mình. Tôi bắc ghế, lấy một ca nước để nhúng nhúm lá khoai đã vò tươm, dí vài lần vào bọc nhọ nồi mở sẵn rồi trèo lên, cố chà đi chà lại thật đều vào tấm bảng. Làm như thế thì mủ ở lá khoai sẽ bám vào nhọ rồi dính bết vào bảng. Phải mất tầm 15 phút, khi cánh tay bắt đầu hơi mỏi, tôi mới thấy bao công sức của mình bỏ ra không hề hoài phí. Một màu đen tuyền ánh lên. Tôi mơ màng hình dung, nếu tì viên phấn lên mặt bảng như thế này để viết một dòng chữ hay làm một phép tính thì thật mê li. Nét phấn sẽ thật đậm, thật “ăn”. Và tôi nghĩ, cô giáo sẽ hài lòng lắm đấy. Xong xuôi, tôi rửa tay thật sạch, cầm cây chổi ở góc lớp rồi cẩn thận quét từng mảng lá và bụi đen trên sàn nhà. Trở về chỗ ngồi, tôi ngắm nghía tấm bảng và ngồi đợi chúng bạn bước đến cửa lớp với đôi mắt ngạc nhiên, trầm trồ đầy thán phục. Chỉ riêng thằng cao lênh khênh tỏ vẻ chẳng phục tôi gì cả (chắc nó tức vì tôi không tin tưởng để nó làm). Và tôi chẳng màng nó nghĩ gì, tôi hất túm tóc đuôi sam cụt lủn “hứ” một tiếng vừa đủ to, vừa đủ ngoa ngoắt để “dằn mặt” nó. Tôi quyết định không chơi với nó nữa.
Rồi cũng đến mùa mưa. Phụ huynh không để các con cuốc bộ nữa. Tôi thấy thằng cao lênh khênh được bố mẹ sắm cho một chiếc xe đạp, tụi còn lại thì bố mẹ đưa đón. Chúng tôi không còn được đi đường trong. Mẹ tôi bảo đường ấy sình bùn đất, dễ trơn trượt. Bữa đó, thằng cao lênh khênh sang nhà tôi, thấy tôi vừa ló mặt ra ô cửa sổ, nó giơ chùm ngấy hương trước mặt, hỏi : “Ăn không ?”. “Không”. “Mai đi xe đạp không ?”. “Không”. Có vẻ chẳng cần bận tâm tôi trả lời như thế nào, hắn móc chùm ngấy hương vào cổng tre rồi quay xe, gồng mình đạp đi. Bánh chiếc xe mới keng vẫn còn dính bết đất đỏ. Nhà nó ở đường trong.
3. Sân trường của chúng tôi vẫn là sân đất, nếu mùa hè thì những hàng xà cừ nghiêng vai đổ bóng xuống mặt sân mát rượi. Người ta đã cưa một vài cành cây, có lẽ cũng đã lâu lắm rồi, vì tôi thấy ở chỗ cành bị cưa có một lớp vỏ sần sùi ôm bọc tròn trịa như xoa dịu những thương tổn mà cây phải gánh trải qua thời gian. Gốc xà cừ là nơi tôi vùi mặt khóc nức nở vì bị một thằng con trai lớp bên dọa sâu đo. Tôi nhớ thằng cao lênh khênh đã vật lộn với tụi con trai lớp bên để dằn mặt vì chúng nó dám dọa mấy bạn gái của lớp.
Bây giờ là mùa mưa, sân trường ướt nhão. Chúng tôi chỉ ở trong lớp học. Đang nghe cô giáo giảng bài, bất chợt, tôi thấy cô ngừng lại, đi về phía cửa lớp. Thầy Hiệu trưởng báo hung tin. Trong kí ức tuổi học trò của mình, tôi không nghĩ có gì tăm tối hơn khoảnh khắc ấy, tôi lặng người nhận ra không bao giờ tôi được gặp lại người bạn ấy - “thằng cao lênh khênh” và “được việc” của chúng tôi. Mấy hôm nay tôi không thấy nó đến lớp, nó phải ở nhà chăm bố ốm nặng. Trở khuya nó đạp xe đưa bố đến bệnh xá, con đập sau hông nhà nó nước dâng, chiếc xe đạp vật lộn trong đêm tối và mênh mông.
Lớp năm, tôi mất đi một người bạn, tôi chưa kịp nói lời xin lỗi và cảm ơn vì một chùm ngấy hương. Những tán cây xà cừ như co chụm lại, cúi nhìn những vết sẹo trên thân mình - những vết sẹo như ánh nhìn thách thức dòng thời gian vô thường. Và tôi chỉ mong sao, đời người đừng bao giờ là những mùa giông bão, để kí ức luôn vẹn nguyên dấu cười.
D.L