Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Con trâu và kỷ niệm đôi bờ sông tuyến

T

ôi sinh ra ở một vùng quê thuộc vùng Đông Vĩnh Linh sát bờ Bắc con sông Bến Hải. Sau năm 1954, theo hiệp định Giơnevơ, sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời giữa hai miền Nam Bắc, quê tôi trở thành một vùng giới tuyến. Nhà tôi nghèo, nên tôi phải đi chăn trâu từ bé. Những năm học cấp 2, hàng ngày một buổi đi học, một buổi tôi phải đi chăn trâu kiếm thêm chút công điểm để đến mùa được chia thóc. Con trâu nhà tôi nhận chăn là của Hợp tác xã Tân Mỹ, thuộc xã Vĩnh Giang ngày nay.

Theo tôi, nó là con trâu đẹp nhất mà tôi được biết. Mình nó tròn lẵn, đen bóng với mấy chấm trắng rất ngộ nghĩnh ở giữa trán. Người làng tôi bảo: phàm những con trâu có chấm trán, hoặc lọ đuôi không những mau lớn mà còn cày rất hay. Con trâu tôi chăn cày hay thật. Đến mùa cày, các bác thợ cày của đội sản xuất đều tranh nhau để được cày con trâu của tôi. Tôi yêu nó lắm và đặt tên cho nó là con trâu Ve. Con Ve rất hiền, tôi thường cưỡi lên lưng nó để học bài trong khi nó đang gặm cỏ. Thích nhất là sau mỗi buổi chiều được gặm no cỏ, con Ve lại cõng tôi trên lưng khoan thai bước về làng, còn tôi thì ung dung ngồi trên lưng nó để hát nghêu ngao, hoặc nghe chim hót. “Ai bảo chăn trâu là khổ” câu thơ đã nói hộ niềm vui bé thơ, mộc mạc của những đứa trẻ chăn trâu như tôi.

Hàng ngày, sau buổi học, chiều nào tôi cũng theo bọn trẻ trong làng lùa trâu qua ăn trên cánh đồng Nậy sát bờ sông Bến Hải vì cỏ ở đây rất tốt, lại được tắm sông, được ngắm những bãi ngô trỗ cờ bên kia sông và để nhìn bọn cảnh sát đi lại trên bờ Nam. Nhưng rồi, một chuyện không may đã xảy ra.

Chiều hôm ấy con Ve đang gặm cỏ trên bờ đê, còn tôi thì ngồi học bài gần đấy, bỗng đâu con trâu mờm của đội 5 đang dầm nước dưới Hói Vai nhìn thấy bất ngờ lồng lên xông tới húc. Con Ve hoảng quá, lao bừa xuống sông bơi qua bờ Nam để thoát thân. Thế là tai hoạ đã xảy ra. Tôi bàng hoàng để rơi cuốn sách đang đọc, chạy ào ra bờ sông nhìn theo con trâu đang bơi một cách vô vọng. Thấy có con trâu từ bờ Bắc bơi sang, bọn cảnh sát Nguỵ ở đồn Xuân Hoà chạy ra lùa con trâu về đồn, mặc cho tôi và bọn trẻ kêu gào xin lại trâu ở bờ Bắc.

Biết không thể xin lại trâu trong lúc này, tôi chạy về nhà để báo cho mẹ biết. Mẹ tôi lâm bệnh nặng phải nằm liệt giường mấy năm nay, nghe tôi báo trâu bị lạc qua bờ Nam, mẹ tôi lặng đi hồi lâu, sau mới gượng dậy nói thều thào:

- Thôi chết rồi con ơi! Nhà ta nghèo, lấy trâu đâu mà đền cho Hợp tác xã. Con bảo với chị đi báo với Ban quản trị để họ tính xem sao?

Nhưng chị tôi chưa kịp báo, thì cả làng, cả xã đều biết con trâu nhà tôi nhận chăn đã bơi lạc sang bờ Nam. Đêm ấy, nhà tôi như có đám. Bà con trong xóm kéo đến rất đông để hỏi con trâu bơi qua sông làm sao, cũng như để an ủi mẹ tôi, sợ bệnh tình của mẹ tôi càng nặng thêm vì biến cố này. Nhất là các bác thợ cày, ai cũng xuýt xoa tiếc con trâu cày hay bị mất và nhìn tôi như trách móc. Còn tôi không còn nhớ tâm trạng mình lúc ấy như thế nào, chỉ biết rất lo, nếu con Ve bị mất thật thì... Tôi không dám nghĩ thêm điều gì nữa...

Đêm ấy, sau khi được chị tôi báo tin, Ban quản trị Hợp tác xã đã báo với xã tìm cách giải quyết. Sau khi nhận được tin báo của Hợp tác xã Tân Mỹ, UBHC xã Vĩnh Giang giao cho xã đội phối hợp với đồn công an vũ trang Hiền Lương tìm cách lấy lại con trâu, đồng thời nhờ đài truyền thanh khu vực Vĩnh Linh thông báo chuyện trâu bờ Bắc bơi lạc sang bờ Nam và yêu cầu đồn cảnh sát Nguỵ ở Xuân Hoà sớm trả lại con trâu cho nhân dân bờ Bắc.

Đến chiều hôm sau, khi đã bàn bạc kỹ phương án phối hợp với đồn công an vũ trang Hiền Lương, xã đội Vĩnh Giang tổ chức lực lượng, chèo thuyền qua bờ Nam để xin lại trâu. Tham gia đoàn, ngoài ông Ngô Quang Trinh - xã  đội phó với hai dân quân thuộc lực lượng chiến đấu cơ động của xã đội Vĩnh Giang đóng giả cán bộ hợp tác xã, còn có O Hoài ở xóm 5. O Hoài là một thiếu nữ không những đẹp người đẹp nết mà còn hát rất hay mà bọn cảnh sát Nguỵ ở đồn Xuân Hoà, trong đó có tên đồn trưởng đã biết mặt trong lần O cùng đội văn nghệ của xã Vĩnh Giang lên biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ đồn công an vũ trang Hiền Lương vào dịp tết cổ truyền vừa qua. Khi thấy thuyền của ta đi sát vào bờ Nam, hai tên cảnh sát đang đứng gần đó chạy xuống hỏi ra oai:

- Mấy người đi đâu mà chèo thuyền vô đây? Vô đây là vi phạm hiệp định.

- Nghe bọn cảnh sát hỏi như vậy, ông Trinh trả lời rất kiên quyết:

- Chúng tôi có lên bờ đâu mà vi phạm hiệp định. Chúng tôi qua đây là để yêu cầu các anh trả lại con trâu cho nhân dân bờ Bắc, trưa nay các anh không nghe đài Vĩnh Linh thông báo có con trâu của nhân dân bờ Bắc bơi lạc sang bờ Nam đó sao?

- Trâu nào?

Tên cảnh sát đứng sát mũi thuyền hỏi cộc lốc. Thấy bọn cảnh sát đã chịu bắt chuyện, ông Trinh ra hiệu cho O Hoài đến trước mũi thuyền để nói chuyện với chúng.

- Các anh cảnh sát ơi! Chúng ta là người một nhà, làm gì mà mặt nặng, mày nhẹ với nhau như vậy. Chiều qua, thằng em tôi nó mãi chơi để trâu húc nhau bơi lạc qua bên này, các anh đã giúp buộc lại cho, rất cảm ơn, nay qua xin các anh lại con trâu, nỡ lòng nào các anh lại không cho?

Nghe O Hoài nói như vậy, hai tên cảnh sát im lặng hồi lâu, mãi sau mới lên tiếng:

- Trâu thì có trâu đó, đang buộc trong nhà tôn kia kìa, nhưng có trả lại không còn phải chờ ý kiến của thượng cấp.

Thấy tên cảnh sát Nguỵ đã công khai công nhận có bắt được con trâu, ông Ngô Quang Trinh thấy đã dành được một phần thắng lợi, nên chớp lấy cơ hội:

- Nhờ các anh vào báo với ông đồn trưởng ra đây cho chúng tôi thưa chuyện.

Ông Trinh nói chưa dứt lời, thì tên đồn trưởng cảnh sát Xuân Hoà từ trong đồn đi ra bờ sông xẵng giọng hỏi:

- Ai đi đâu mà cho thuyền sát vào bờ vậy?

Không để cho tên cảnh sát kịp báo cáo, O Hoài ngã nón ra chào và nói luôn:

- Chào anh đồn trưởng, chiều qua thằng em tôi mãi chơi, để trâu húc nhau bơi lạc sang bên này, hôm nay chèo thuyền qua gặp các anh để xin lại.

- Trâu mô mà xin? Tên đồn trưởng hỏi lại.

- Con trâu đang buộc trong nhà tôn kia kìa!

O Hoài vừa nói vừa đưa tay chỉ vào cái nhà tôn đang buộc con Ve.

- Trâu của mấy người đâu mà đòi? Tên đồn trưởng trả lời nhát gừng

- Hai anh cảnh sát đây bảo chiều qua có bắt được con trâu từ bờ Bắc bơi sang đang buộc trong kia, sao anh lại nói vậy?

O Hoài vừa nói, vừa nhìn thẳng vào mặt tên đồn trưởng, làm cho hắn bối rối phải quay mặt đi, lát sau mới lên tiếng:

- Trả hay không chúng tôi sẽ bàn sau, mấy người về đi. Nói xong, tên đồn trưởng đi nhanh vào đồn.

Thấy đã giành được phần thắng, sau khi trở về. Ông Ngô Quang Trinh đã tức tốc lên thị trấn Hồ Xá nhờ đài truyền thanh khu vực Vĩnh Linh thông báo việc đồn cảnh sát Xuân Hoà đã chấp thuận trả lại con trâu cho nhân dân bờ Bắc. Đúng 5 giờ 30 phút chiều hôm ấy trên hệ thống loa truyền thanh dọc bờ Bắc sông tuyến đã vang lên thông báo với nội dung: “Với tình cảm Bắc Nam một nhà, anh em cảnh sát ở đồn Xuân Hoà đã chấp thuận trả lại con trâu lạc cho nhân dân bờ Bắc. Nhân dân bờ Bắc rất cảm ơn thiện chí của anh em cảnh sát bờ Nam nói chung, cũng như đồn Xuân Hoà nói riêng”. Thông báo được đọc lại hai lần trên hệ thống loa truyền thanh dọc sông tuyến nên làm cho bọn cảnh sát ở đồn Xuân Hoà hết sức bối rối.

Nhờ ta đi trước một bước, nên buộc bọn cảnh sát Ngụy ở đồn Xuân Hoà vào thế đã rồi. Ngay đêm đó, tên đồn trưởng cảnh sát Xuân Hoà đã thông báo cho đồn công an vũ trang Hiền Lương là sáng hôm sau đúng 8 giờ tại ranh giới giữa cầu Hiền Lương, đồn cảnh sát Xuân Hoà sẽ trả lại trâu cho nhân dân bờ Bắc. Nhận được thông báo của đồn công an Hiền Lương cả hợp tác xã, cả đội sản xuất ai cũng mừng, nhất là tôi và các bác thợ cày. Thế là con Ve đã trở về với tôi, tôi lại được cưỡi lên lưng nó để học bài, để nghe chim hót, để được đắm trong hương vị nồng đượm của ruộng đồng.

Vì nóng lòng được gặp lại con Ve thân yêu, sáng hôm sau, tôi viết giấy nhờ thằng Bé mang đến trường gửi thầy chủ nhiệm xin nghỉ học để được đi lên cầu Hiền Lương. Sáng hôm ấy, tại cầu Hiền Lương khi nhìn thấy tôi từ xa, con Ve đã rứt dây buộc trong tay tên cảnh sát Ngụy chạy ào qua phía Bắc cầu. Khi đến chỗ tôi đang đứng ở đầu cầu phía Bắc, con Ve dừng lại, đầu cúi xuống, còn đuôi thì ngoáy tíu tít như vừa biết lỗi, vừa tỏ ra vui mừng. Được gặp lại con Ve, tôi thích quá, phóc lên lưng nó, dong thẳng một mạch về làng. Sau này, khi Nguyễn Văn Thắng - một cảnh sát Ngụy ở đồn Xuân Hoà được ta giác ngộ đã mang súng trốn qua bờ Bắc kể lại: “Những đêm bị bọn cảnh sát Ngụy buộc trong nhà tôn, con Ve thường hướng đầu qua bờ Bắc để ọ nghe rất thảm thiết”. Thì ra, đến con vật cũng còn nhớ đến cội nguồn, huống hồ là con người.

Chuyện xảy ra đã trên 50 năm, dòng sông Bến Hải đã nối lại những bờ vui, đứa trẻ chăn trâu năm xưa nay tóc đã bạc, nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn không quên được hình ảnh con trâu thân yêu đã gắn bó với những kỷ niệm tuổi thơ của đời mình. Và đến cuối cấp 2, con trâu ngoài đời đã bước vào những trang viết đầu tay của tôi. Năm học lớp 7, trong kỳ thi học sinh giỏi văn toàn khu vực Vĩnh Linh, tôi đã đạt giải nhất về đề tài “con trâu” trong tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Bỗng.

                                                                                          N.N.P

 

Ngô Nguyên Phước
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 172 tháng 01/2009

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground