Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 10/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cù lao Bắc Phước

Sau những bước chân không ngừng nghỉ để kiếm đường mưu sinh, những chuyến đi mải miết với chuyện cơm áo thì lòng thèm đặt chân lên trên mảnh đất cù lao để được nghe tiếng sóng vỗ từ bốn bề, tiếng hàng tre rì rào trong cơn gió nồm. Dường như đất này là chốn nương thân cho bước chân ta khi mỏi gối, chồn chân hay ít nhất nó là nơi để tấm thân này được “refresh - làm tươi mới”. Đó là đất cù lao quê tôi.

Cù lao Bắc Phước nằm kẹp giữa hai con sông Hiếu và Thạch Hãn, lọt thỏm giữa huyện Gio Linh và Triệu Phong, gồm ba làng, người ta gọi tắt là Xuân, Phiên, Hà. Làng Duy Phiên và Hà La đất đai rộng nên có nghề làm ruộng. Riêng làng Dương Xuân có nghề chài lưới. Làng Duy Phiên có lịch sử lâu đời, là một trong những làng cổ ở Quảng Trị hình thành từ năm 1075 - 1553, theo cuộc di cư đầu tiên của nhà Lý từ tỉnh Nghệ An. Ban đầu thuộc châu Minh Linh (Gio Linh ngày nay). Làng Hà La hình thành muộn hơn, cư dân của làng này là một phần họ Nguyễn của làng An Cư, nằm bên kia sông sang canh tác, sinh sống. Còn làng Dương Xuân hình thành khoảng đầu thế kỷ XIX, khi Gia Long thống nhất giang sơn, xây dựng kinh thành Phú Xuân, người dân làng Dương Xuân ở Thuận Hóa đã phải di cư để nhường đất lại. Một bộ phận lớn họ ra phía bắc kinh thành, nay thuộc phường Hương Sơ, thành phố Huế sinh sống. Một bộ phận khác đi xa hơn về huyện Phú Vang, nơi có phá Tam Giang để mưu sinh. Trong cuộc lưu loạn tìm miền đất hứa lập nghiệp đó, có một người con đã chèo đò theo đường thủy ra đến sông Thạch Hãn lập nghiệp. Trải qua ba đời lênh đênh sông nước, họ đã cư ngụ trên mảnh đất chật hẹp ở cù lao Bắc Phước và đặt tên làng Dương Xuân như tên gốc ở Phú Xuân để tiếp nối nghề chài lưới của cha ông.

Sông Thạch Hãn và sông Hiếu hòa vào nhau ở ngã ba Gia Độ rồi chảy ra biển qua Cửa Việt. Trước khi về với biển, hai con sông này đã kịp bồi đắp để hình thành nên cù lao Bắc Phước, cù lao Cồn Nông. Để bảo vệ cù lao, nhà nước đã đầu tư con đê chạy quanh có chiều dài trên bảy cây số. Thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật mà các vùng khác không có. Nếu vùng chiêm trũng Hải Lăng là xứ sở của con cá tràu (có lóc - cá quả) làm nên những món ngon nức tiếng như cháo cá, canh ám làng Lam… thì món ăn vùng đất nhỏ bé này cũng không kém phần ngon và nổi tiếng. Về cá tôm thì không có nơi đâu phong phú bằng ở đây bao gồm cá nước lợ, nước mặn. Canh cá bống thệ dưa chua nức tiếng của làng Dương Xuân, ruốc đam của làng Hà La…

Hàng năm lũ lụt kéo về đây mang theo lượng phù sa lớn bồi đắp ruộng đồng. Tuy nhiên lúa chỉ có một vụ vì chỉ dựa vào trời bởi nước ngọt từ kênh thủy lợi Nam Thạch Hãn không… vượt được sông Thạch Hãn sang cù lao. Tuy lúa chỉ làm được một vụ nhưng gạo ở đây rất ngon. Người quê gọi là gạo nước mặn, dân thành phố gọi gạo huyết rồng, có người gọi gạo lứt, là đặc sản của xứ này. Trải qua bao đời, lúa chỉ có một vụ nhưng người dân nơi này vẫn sống đắp đổi từ đời này qua đời khác là nhờ hệ thống đầm phá và sản vật trên sông. Mùa đông mưa phùn, rơm rạ hết không có chất đốt thì trời lại tặng cho củi rều trôi về theo con nước. Cứ đến mùa nước lũ thì lau sậy, củi mục từ rừng Trường Sơn trôi về lênh láng trải dài từ cù lao xuống biển Cửa Việt. Là nguồn chất đốt dự trữ để phục vụ nấu nướng cho mùa mưa.

Mùa hè, những bờ đê phía làng Duy Phiên được “nhuộm đen”. Lại gần mới biết người dân vớt rong câu phơi nắng. Từ đời này qua đời khác, kinh nghiệm đã dạy cho họ là rong câu phải phơi ba nắng ba sương. Rong câu được giặt xong đem phơi nắng, để qua đêm phơi sương rồi lại được đưa xuống sông giặt lại rồi đem phơi. Từ bữa cơm đạm bạc cho đến lễ giỗ, món rau câu thấu da lợn trộn đậu phụng là món “đụng đũa” nhiều nhất. Cùng với cơm cá, dĩa rong câu được trang trọng đặt trên bàn thờ tổ tiên để luôn nhớ về người lập làng và tôn vinh sản vật truyền thống.

Ai đã từng ăn canh cá bống thệ hay cá tràu nấu canh dưa chua của làng Dương sẽ trầm trồ và “xem thường” những món canh của xứ khác. Có lẽ cá tươi vừa vớt lên từ con sông trước nhà thì nấu với thứ gì nó cũng ngon. Nhưng để từ ngon trở thành đặc sản nức tiếng thì phải có cái bí quyết gì đó chăng? Rồi người ta nghiệm ra sự khác biệt của món canh dưa chua này là nước. Chính xác là nguồn nước lợ muối măng và nguồn nước lợ để nấu canh. Người ta thử đem con cá ấy, thứ dưa chua ấy nấu với nước máy hay nước của vùng khác thì không đạt được vị ngon như xứ này. Bởi thế cậu tôi dù có nhà thành phố Đông Hà nhưng vẫn về làng xây nhà bên cạnh nhà thờ tổ tiên cốt để… ăn cá và tắm nước lợ. Sau khi quay lại thành phố không quên gói thêm dưa chua và một can nước lợ từ giếng đã được lọc cẩn thận để lên thành phố nấu canh.

Nhưng với những tay hay nhậu quá chén, khi rượu bia đã đầy bụng, cơm nhét không vào thì lúc này món cháo cá me nóng hổi vừa thổi vừa ăn là món cứu cánh. Bên chiếu rượu ven sông, chỉ cần gọi với người cất rớ ngoài lòng sông là có được rá cá tươi thập cẩm gồm tôm, cá đối, cá kình và nhiều nhất là cá me. Cá me con nhỏ như lá trúc, còn gọi là cá trích lầm loại nhỏ đã theo dòng nước mát từ ngoài biển bơi lên. Nắm gạo bắc lên, gạo vừa nhừ là cho cá lên, nêm vào thêm tiêu ớt hành là có món cháo “trứ danh” để giải rượu. Xong chén cháo thơm ngon cũng là lúc mồ hôi vã ra như xông hơi, gió từ sông thổi vào man mát. Bên chén trà vãn cuộc, câu chuyện lịch sử, cội nguồn vẫn sôi nổi không có hồi kết.

Từ lòng sông, con thuyền bủa rập nhà ai ngang qua mang theo những thanh âm dập dìu rồi lắng đọng. Câu hò cũ của người viễn xứ vang lên “Ru hời ru hỡi là ru/ Con cá lù đù có sạn đầu đuôi”. Nhưng trên đất cù lao này, người ta thường ru: “Du hời du hỡi là du…” Du tiếng địa phương Quảng Trị là dâu. Chuyện kể rằng, người con dâu một hôm giận mẹ chồng nên trong bữa cơm đã gắp cho bà khúc đầu của con cá lù đù. Vốn cả nhà làm nghề sông nước, lênh đênh trên đò nên vừa chèo đò bà vừa hò câu ấy nhằm trách cứ nàng dâu. Cá lù đù tuy không tìm thấy nhiều ở trong mẻ lưới của ngư dân đất cù lao nhưng nó là con cá có giá trị dinh dưỡng cao và rất ngon. Cá béo ở khúc đuôi vì chứa nhiều mỡ. Cá có thể kho với tóp mỡ, hoặc phơi một nắng rồi nướng. Là món không thể thiếu của các ngư dân bên chiếu rượu mỗi lúc rảnh rang.

Cũng như những vùng đất khác của xứ Việt, ẩm thực đại diện cho bộ mặt văn hóa tinh thần và vật chất của con người. Người dân cù lao cũng phóng khoáng như người miền Tây ở đồng bằng sông Cửu Long. Chính thiên nhiên ban tặng cho họ nhiều sản vật đã hình thành hồn cốt đó. Có người bảo dân xứ này khổ sở. Khổ trong cách ăn: Khi ăn đũa chén kêu leng keng, ăn kiểu vội vàng. Vừa ăn vừa chạy việc. Ăn theo kiểu để giải quyết cơn đói chứ không phải thưởng thức. Người ta bảo thế cũng phải vì vốn nghiệp sông nước, ăn vội để còn đi làm cho kịp. Do vậy tính cách hoạt bát từ đó mà ra. Trong câu ca dao này đã thể hiện tất bật của người cù lao: “Trời mưa trời gió/ Vác đó đi đơm/ Chạy vô ăn cơm/ Chạy ra mất đó”.

Đêm cù lao. Không gian như giãn ra dưới ánh trăng và sóng nước. Những chiếc ghế đá, món quà của những người con thành đạt ở khắp đất nước xuất thân từ đất này gửi tặng. Những ngọn đèn vàng chạy dọc con đê cho đến cuối làng đã làm nên một phố thị ven sông. Ngồi trên ghế đá nhìn dòng sông về với biển. Đã hàng ngàn năm con nước vẫn thế, chỉ có những bờ bãi bồi lấp, lòng người có lúc nông sâu nhưng cái nếp phóng khoáng và hoạt bát lúc nào cũng trào dâng.

Mỗi lần về quê, đứa em con chú ruột bảo bỏ điện thoại ở nhà để khỏi vướng bận, leo lên chiếc đò tròng trành với nó để đi du ngoạn trên sông. Nó bảo nghe trong Quảng Nam hay miền Tây, cho khách du lịch lênh đênh cùng đánh cá để chiêm nghiệm sông nước như ri là có tiền phải không eng? Rứa mần du lịch cũng dễ hè! Tôi tin một ngày ở xứ này cũng có một tour như thế khi hệ thống rừng phòng hộ quanh cù lao đã phủ kín bởi cây bần. Trên cây các loại chim về trú ngụ, dưới nước cua tôm nuôi theo kiểu bán tự nhiên. Cùng với những món ngon do bàn tay của người dân nơi này chế biến sẽ là địa điểm thu hút khách thập phương.

Y.M.S

YÊN MÃ SƠN Yên Mã Sơn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 275 tháng 08/2017

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

11/05

25° - 27°

Mưa

12/05

24° - 26°

Mưa

13/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground