Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đảo xa trập trùng cơn sóng

BÚT KÝ dự thi

 

1. Tôi đến đảo Nam Du lần đầu cách đây đúng mười năm, năm 2009. Khi đó, từ Rạch Giá ra Nam Du phải đi bằng tàu sắt, thời gian di chuyển tầm mười tiếng đồng hồ. Tàu chở hàng hóa, nhu yếu phẩm từ đất liền ra cung ứng cho bà con ngoài đảo, rồi chở hải sản từ đảo vào là chủ yếu, vận chuyển hành khách chỉ là phụ. Tôi còn nhớ, lần đầu đi biển nên say sóng, tôi nằm vật vã giữa đống thùng xốp, bao ni lông đựng rau củ. Đến khi nghe ai đó nói văng vẳng “tới rồi, tới rồi” tôi mới dụi mắt ngồi dậy. Cả mấy chục hòn đảo lù lù hiện ra trước mắt tôi, tĩnh tại giữa mênh mông mây nước như đang thiền định. Tôi diện kiến đảo trong cảm giác ngỡ ngàng hứng khởi.

Thật ra trước khi đến Nam Du tôi cũng đã tìm hiểu vài cứ liệu cũng như hỏi một số người quen về đảo này. Theo đó thì Nam Du là tên gọi một quần đảo gồm 21 đảo lớn nhỏ, nằm ở vùng biển phía Tây Nam của nước ta, thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Lúc tôi đến, chỉ có hòn Lớn, hòn Ngang, hòn Dầu và hòn Mấu có người ở. Những hòn đảo khác vẫn còn bỏ hoang. Ngay cả hòn Lớn cũng chỉ có vài trăm hộ định cư, dĩ nhiên sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản. Tôi đi bộ dọc con đường ven biển nhỏ xíu, dài độ ba cây số từ cầu cảng ở bãi Trệt về bãi Cỏ, hai bên đường chất đầy các ngư cụ. Hầu như con đường đảo không có xe, khi cần di chuyển thì người ta đi bộ hoặc dùng tàu thuyền. Điều khiến tôi chú ý là nhà nào cất cũng day mặt ra biển, mở cửa trống hoác đón gió lồng lộng thổi. Cả xóm chài hầu như chỉ phụ nữ và trẻ em, đàn ông con trai đi biển hết rồi. Những người phụ nữ ngồi trước cửa nhà, mắt nhìn đăm đăm ra biển. Những đứa trẻ rồng rắn chạy theo tôi, bởi hiếm khi có người lạ đến nơi này.

Tôi ở nhà của anh Lưu, là anh trai của đứa học trò tôi. Lúc tôi đến anh còn đi câu mực ngoài khơi. Chị Huyền, vợ anh nấu cơm cho chúng tôi ăn, bảo tối anh Lưu về. Tôi quan sát căn nhà của anh chị. Cũng quay mặt ra biển, có một cái kệ gỗ dùng để đồ đạc, một chiếc chiếu, một cái võng. Một số nồi niêu chén đĩa trong bếp, phủ một lớp bụi mỏng. Là muối. Muối theo gió biển vương khắp nhà, trên mọi vật dụng, cả trên tóc trên mặt những người dân xứ biển.

Khoảng 8 giờ tối anh Lưu về với một khoang đầy mực. Mực ống con nào con nấy bằng bắp tay. Anh bắt vài con lên rửa sạch rồi quăng vào nồi luộc, luộc chín cắt ra từng khúc to như khúc bánh tét. Tôi ăn thử một khúc, thấy thịt mực ngọt không thể tả được. Đó là miếng mực ngon nhất tôi được ăn cho đến bây giờ. Mâm mồi dọn ra, gần chục người “bạn biển” của anh Lưu cũng đến nhà. Chúng tôi uống rượu và nói với nhau những chuyện về biển. Tôi ngỡ ngàng nhận ra người ta câu mực bằng con tôm giả sơn một lớp dạ quang. Biết cá chình sống ở những gành đá sâu, dữ tợn đến mức dù mắc câu rồi nhưng vẫn có thể táp bay một miếng thịt của ngư phủ như chơi. Biết được cách dân biển nương thuyền theo sóng để vượt trùng khơi. Biết được những vong hồn vất vưởng trên mặt sóng mỏi mòn muốn tựa nương vào đảo. Và nhiều chuyện kỳ bí nữa. Chủ yếu tôi hỏi, còn các anh nói. Đến gần nửa đêm cuộc rượu tàn, tôi nằm trên chiếc võng, ngủ say sưa giữa điệp trùng gió biển trong sự vỗ về của tiếng sóng ngay trước hiên nhà.

Mấy ngày sau đó anh Lưu dùng chiếc tàu câu mực chở chúng tôi đi quanh các đảo ngắm cảnh, câu cá và tắm biển. Phải công nhận là đảo rất đẹp. Màu nước xanh như ngọc bích, những cánh rừng trên đảo bát ngát xanh, bầu trời cũng quyện vào một sắc xanh bất tận. Mọi thứ trong lành viên mãn đến mức tưởng chừng như chốn Bồng Lai. Đó là lý do khiến tôi quyết tâm trở lại Nam Du nhiều lần, và mỗi lần cảm giác lại khác nhau.

2. Năm 2015, tôi trở lại Nam Du. Lúc này nghe nói con đường quanh hòn Lớn đã hoàn thành, lượng khách du lịch đến đảo ngày càng đông. Nhiều công ty tàu cao tốc bắt đầu khai thác tuyến Rạch Giá - Nam Du. Dù vậy, cung vẫn không đủ cầu, những ngày cuối tuần hay lễ tết tàu đều cháy vé. Chúng tôi đi vào dịp lễ 30 tháng 4 nên không mua được vé tàu cao tốc, phải đi tàu gỗ, cũng là loại tàu chở hàng hóa nhưng nhỏ hơn tàu sắt trước kia. Tôi nhớ rõ, có khoảng hơn một trăm người đi chung chuyến đó. Vì đây không phải tàu chở khách nên chúng tôi không được ngồi ở ngoài mà bị dồn vào cabin gần buồng máy. Khi qua khỏi trạm kiểm soát biên phòng thì chúng tôi mới được ra ngoài. Cabin rất chật, nóng nực và tối om. Mồ hôi tôi túa ra như tắm. Tình trạng của những người bên cạnh cũng không khác gì. Ai đó nói, đi sao giống vượt biên quá. Rồi im lặng. Một lúc sau tôi nghe bên ngoài tiếng sóng bắt đầu đập vào mạn thuyền từng hồi. Tôi biết đã ra khơi. Được ra ngoài. Tôi ngồi ở mép tàu, dựa lưng vào mấy bao tải đựng nhu yếu phẩm. Trăng. Đó là một đêm trăng bàng bạc. Trăng rải khắp mặt biển, trăng uốn mình cùng con sóng, lao đến đập vào mũi tàu rồi vỡ ra muôn mảnh. Tôi ngủ thiếp đi giữa mênh mông trăng. Mờ sáng, tàu cập cảng. Tôi ngạc nhiên khi mấy căn nhà gần cầu cảng ở bãi Trệt đều được sửa sang lại khang trang. Cái thì bán đồ lưu niệm, cái thành quán ăn, nhà nghỉ...

Chị Huyền chạy xe gắn máy lên tận cầu cảng đón chúng tôi. Chị khoe, giờ đường sá ngon lành rồi, làm du lịch hết rồi nên xe cộ nhiều, đảo tấp nập đông vui lắm. Tôi ngồi chiếc xe gắn máy cũ chạy đường vòng quanh đảo về nhà chị Huyền. Gió biển thổi vào rát mặt. Ngoài xa, từng đợt sóng vẫn chồm lên nhau lao về phía bờ. Chỉ có điều, những con tàu dường như thưa vắng dù đây đang là mùa câu mực. Chị Huyền nói dân đảo bây giờ đi biển cũng ít, đa số họ chuyển sang làm du lịch. Nhà chị cũng cất lại để cho khách du lịch thuê trọ. Chiếc tàu câu mực trước kia của anh Lưu giờ “chế biến” lại thành chiếc tàu chở khách tham quan. Chị hào hứng kể, từ ngày có du khách đến đảo, bà con khm khá hơn nhiều, lại không phải bôn ba đầu sóng ngọn gió ngoài biển khơi như trước đây. Tôi nghe chị kể, cũng mừng thầm trong bụng, nhưng vẫn lo lo và tiếc tiếc một cái gì vô cớ.

Những ngày sau đó, tôi thường một mình chạy xe đi vòng quanh đảo. Tôi bắt gặp nhiều nhóm du khách trải bạt ngồi nhậu ở các bãi biển đẹp, đa số nhậu xong ném rác xuống biển, tiểu tiện một cách bất nhã như ở chốn không người. Đêm đến, ở mấy bãi biển vẫn sáng đèn, nhưng không phải đèn của các thuyền chài mà là đèn của mấy nhóm du khách ngồi ăn uống, nhậu nhẹt. Họ còn đem theo cả thùng loa di động và hát hò inh ỏi. Đêm đó tôi cũng nằm gối đầu lên con sóng trập trùng mà không sao chợp mắt được. Có một nỗi mất mát vô hình nào đó khiến lòng tôi trĩu nặng. Tờ mờ sáng, tôi ra bãi biển định dạo một vòng đón bình minh. Vừa đến nơi, tôi bất ngờ khi có hàng trăm du khách đang ngụp lặn. Không biết họ ra từ lúc nào mà khi mặt trời chưa ló dạng họ đã có mặt nơi đây. Vài cặp nhân tình đang lả lơi giỡn nước. Vài đứa trẻ ở xóm chài cũng dậy thật sớm mang mấy chiếc phao tắm cho du khách thuê. Chúng đứng đó với vẻ mệt mỏi, gương mặt ngái ngủ dõi theo từng người khách đang nô đùa ngoài kia. Tôi quay trở về nhà trọ bỏ mặc bình minh phía sau lưng đồi đang cựa mình trở giấc.

Anh Lưu hí hửng khoe với tôi, anh giờ nghỉ đi biển rồi. Anh nuôi một bè cá bớp, dùng cái tàu câu mực chở du khách cũng khm khá lắm. Trưa đó, tôi đi theo anh cùng một nhóm du khách dạo một vòng quanh các đảo trước khi ghé bè nấu ăn. Chiếc bè rộng chừng vài trăm mét vuông, anh nói nuôi một ngàn con cá bớp. Mặt trên bè anh dựng một cái lều đủ sức chứa khoảng ba mươi người. Hiện tại có chừng một trăm hộ nuôi cá bớp ở khắp đảo Nam Du, nhưng chỉ chừng chục hộ có phục vụ du khách như gia đình anh Lưu. Chúng tôi tham quan bè cá, cho mấy con cá bớp háo ăn như lũ cá mập ăn cử trưa, sau đó thì dùng cơm ngay trên bè. Dĩ nhiên không thể thiếu chuyện “đưa cay” (uống bia rượu theo cách nói của dân đảo). Rượu vào, các du khách bắt đầu nổi hứng hát hò nhảy múa rung rinh căn lều nhỏ. Họ còn nói chuyện bỗ bã, văng tục như mưa nên tôi lấy cớ không uống nổi, xuống tàu nằm. Trên bè, cuộc nhậu vẫn tiếp diễn cho đến xế chiều. Tôi nằm nghĩ, dù không tham gia hết cuộc nhậu đó nhưng cũng bị biến thành kẻ dự phần, vì không có chỗ nào để đi trốn xa họ được. Lại nghĩ, cái đảo này giống như chiếc bè. Nếu khách đến đó mà văn minh lịch sự thì chủ nhân được nhờ, còn khách thô lỗ thiếu văn hóa thì chủ cũng đành chịu trận. Ý nghĩ đó khiến tôi lo lắng cho tiền đồ của Nam Du. Bởi chúng ta quá hiểu cái đặc tính của dân du lịch xứ mình rồi. Lần đó, thú thật tôi đã trở về từ Nam Du cùng với những tiếng thở dài.

3. Lần này tôi trở lại Nam Du vào dịp tết Dương lịch. Áp thấp nhiệt đới khiến chuyến tàu cao tốc từ đất liền ra đảo hết sức kinh hoàng. Sóng dội từng đợt đùng đùng vào mạn tàu. Tàu chao nghiêng, rồi như ngả qua bên trái, chưa hết cơn lại bật về bên phải, rồi chồm lên trên, rồi dội phải con sóng đập giật ngược. Hành khách nghiêng ngửa bên trong, ai nấy sợ xanh mặt trước cơn thịnh nộ của đại dương. Trừ dân ở đảo, tất cả du khách trên chuyến tàu đó đều ói tới mật xanh, cả nhân viên phục vụ tàu cũng vậy. Tàu cập cảng ai nấy mừng như chết đi sống lại. Có mấy người ngất xỉu phải đem đến trạm y tế trên đảo cấp cứu.

Tôi định ở chơi hai ngày nhưng mới ở được một ngày thì nghe tin đài báo áp thấp đã mạnh thành bão, cấm tàu thuyền đánh bắt và lưu thông cho đến khi nào có thông báo mới. Trưa hôm đó, gió bắt đầu rít mạnh từng cơn, biển ầm ào nổi sóng. Tôi ra trước bãi đứng dõi mắt về đất liền với vẻ lo lắng thì gặp anh Tư Công đang ngồi uống trà trong căn nhà gần đó. Anh gọi tôi vô, rót cho tôi một ly trà nóng. Tôi cầm ly trà trên tay nhưng không có tâm trạng uống bởi mi lo chẳng biết đối phó thế nào với cơn bão dữ sắp tới. Anh Tư trấn an, nói bão thì bão chớ có gì đâu mà sợ. Dân ở đảo thì năm nào không chống chọi cả chục cơn bão, một đời người chống chọi mấy trăm cơn bão, có gì đâu mà lo. Ánh mắt anh Tư tỉnh rụi, nụ cười hiền khô. Tôi nghe anh nói mà cũng thấy an tâm phần nào, vì trước giờ tôi chưa từng chứng kiến cảnh bão trên đảo nên lúc nãy rất bất an. Khi tôi nhấp vài ngụm trà ấm nóng thì ngoài kia, từng đợt sóng đập vào ghềnh đá, bọt tung cao hàng chục mét. Anh Tư kể anh là dân gốc Châu Thành, tỉnh An Giang, dạt ra đảo này từ hơn ba mươi năm trước. Hồi đó ở quê khổ quá, nghe nói ngoài đảo sống được nên cùng vài người thân trong dòng họ quá giang tàu đánh cá ra đây. Bước lên đảo với hai bàn tay trắng, anh đi theo ghe đánh cá làm công vài năm, có chút vốn mới cất nhà rồi đưa vợ con ra. Anh bảo đa số dân ở đây đều “bén duyên” với đảo như thế.

Anh chỉ xuống nền nhà bảo, đây là cái nhà sau này, chớ trước là nhà gỗ lợp tranh. Gỗ thì đốn trên đảo, tranh cũng trên đảo, nhân công thì có mấy anh em bạn chài giúp đỡ. Cả cái nhà cất tốn có 27 ngàn đồng tiền đinh thôi, chú em tin không, Tư Công hỏi. Tôi bảo tin và trong đầu bỗng liên tưởng đến cái thời khai hoang mở cõi của lưu dân Nam Bộ xưa. Họ khổ quá phải dấn thân đến vùng đầy lam sơn chướng khí, nước độc rừng thiêng, chống chọi với thổ phỉ và thú dữ để sinh tồn. Ngoài cái chất phiêu lưu lãng tử, cái tính chịu thương chịu khó, hẳn họ cũng được sự hỗ trợ đắc lực của những người đi cùng, những láng giềng nghĩa tình. Nhưng đó là chuyện “từ thuở mang gươm đi mở cõi” hàng trăm năm trước. Nào ai ngờ cách đây hơn ba mươi năm mà anh Tư Công cũng phiêu bạt không kém tiền nhân. Chính cái nghĩa tình của những người đi trước, và sự hào phóng của sản vật biển khơi đã cưu mang Tư Công cùng bao hộ gia đình khác đến bây giờ.

Tư Công chỉ anh con trai chừng 25 tuổi đang bồng thằng bé khoảng 3 tuổi nói con trai tôi đó. Mới hai mươi mấy tuổi mà nó có ba đứa con rồi. Thằng nhỏ nó đang bồng được hơn hai tuổi. Vợ nó đi chợ bán mấy mớ cá mực tới giờ chưa về, chắc do mưa bão, ít du khách nên bán chậm. Tư Công kể trước đây trên đảo cũng có trường học nhưng nhà anh ở cái bãi nhỏ, không có đường đi, muốn học phải “nhảy gành” (đi bộ vượt qua các ghềnh đá ven biển) mấy cây số, thấy vất vả vậy nên anh không cho con đi học. Giọng Tư Công bỗng chùng xuống, anh bảo trước đây biển này cá mắm nhiều lắm, bơi chiếc thuyền thúng ra câu một chút là tha hồ mà ăn. Chạy tàu ra khơi đánh cá, câu mực vài ngày là sống được cả tháng trời. Bởi vậy khi đó con cái không đi học anh cũng thấy bình thường, nó đi làm nghề biển vẫn dư ăn dư để mà. Thế nhưng bây giờ biển cạn cá rồi, đời sống ngư dân ngày càng khó khăn, nghĩ lại mấy đứa nhỏ phải chi biết chữ biết nghĩa giờ đi làm nghề khác không chừng dễ sống hơn. Tiếng Tư Công trầm đục, đôi lúc bị át đi bởi tiếng gió gầm gào và tiếng sóng biển ngày càng dữ tợn. Tư Công vẫn ngồi bó gối trên bộ ván, dáng vẻ vững chãi, nước da đen sạm, gương mặt nhiều nếp nhăn minh chứng cho dấu tích của thời gian và cần lao.

Mưa bắt đầu nặng hạt. Căn nhà nãy giờ rung lên từng đợt theo gió, giờ lại bị mưa dột vài chỗ khiến chúng tôi cứ ngồi lùi vào sát vách. Tôi kịp quan sát vài vật dụng sơ sài của một căn nhà xứ đảo với gần chục nhân khẩu. Mọi thứ trống hoác đến mức mỗi trận gió lùa suốt từ cửa vào đến buồng rồi lại trở ra mà không vướng víu thứ gì. Có lẽ đa phần du khách khi đến đảo, họ chỉ say sưa tận hưởng vẻ đẹp, say sưa đắm mình trong sự thanh khiết của thiên nhiên, tha hồ thưởng thức hải sản. Chắc ít ai dành thời gian của một chuyến du hành để ghé qua những căn nhà như của Tư Công, và hàng trăm hộ khác cũng lắc lay tồn tại ở một góc nào đó trên cái đảo nhỏ này. Kể cả tôi, nếu không vô tình mắc kẹt giữa đảo vì cơn bão dữ, chưa chắc tôi đã có dịp nghe Tư Công thổn thức những thăng trầm.

Tôi bị kẹt ở đảo đến ngày thứ năm thì nghe tin hôm sau tàu cao tốc đã có thể hoạt động trở lại. Chiều đó, tôi đang thu xếp hành lý chuẩn bị sáng về đất liền thì thấy Tư Công hớt hơ hớt hải chạy đến. Tôi chưa kịp hỏi gì, Tư Công đã kêu tức tốc mượn chiếc xe chở anh qua bãi Mến có chuyện gấp. Đợi xe nổ máy Tư Công mới bảo, có mấy chục chiếc tàu đánh cá, tàu câu mực vào tránh bão nhưng bị sóng đánh chìm bên bãi Mến, anh vừa nghe tin là chạy qua liền. Đến nơi, tôi thấy có hơn trăm người dân tụ họp ở đó. Vài chiếc tàu được kéo lên bãi nhưng vẫn còn nhiều chiếc chìm trong nước, có chiếc bị sóng biển đánh vỡ đôi, có chiếc vỡ nát ra thành từng mảnh nhỏ. Xe vừa dừng, Tư Công đã lật đật chạy xuống bãi, cùng bà con kéo mấy chiếc tàu lên bờ. Có vẻ như chỉ cần chậm một chút, sóng sẽ tiếp tục đánh vỡ nát những chiếc tàu còn lại. Tôi cũng hì hục kéo phụ bà con, cho đến khi tối mịt mới nghỉ. Tôi quan sát thấy có nhiều nhóm du khách bị kẹt trên đảo như tôi cũng tham gia vào việc “giải cứu” mấy chiếc tàu chìm. Những chiếc còn khả năng sửa chữa thì hầu như chúng tôi đã kéo được lên bờ, còn những chiếc khác có lẽ đành bỏ lại. Lúc này, tôi mới có cơ hội quan sát và hỏi chuyện mấy chủ tàu. Họ đều là những ngư dân nghèo đến từ khắp nơi, nào là Cà Mau, U Minh, Hòn Đất, Tắc Cậu, có người tận Bà Rịa Vũng Tàu. Dù quê quán ở đâu, thuyền bè ngư cụ cũng là cả gia tài của họ. Bị đánh chìm kiểu này là gần như mất trắng. Họ ngồi chết lặng trên bờ cát, mắt nhìn đăm đăm vào con sóng nơi bao kỳ vọng bị chôn vùi. Có người lén quẹt mấy giọt nước mắt lăn xuống đôi gò má vốn dĩ rất rắn rỏi của một đời bôn ba đầu sóng ngọn gió.

Đếm ấy, Tư Công và dân đảo Nam Du đã ở lại với những ngư phủ không may. Họ mang nồi niêu, gạo muối đến nấu ăn cho những ngư dân gặp nạn. Họ còn cất lều, đem quần áo mùng mền tới cho. Dân đảo thừa biết những ngư dân này nếu muốn trở về đất liền thì cũng mất cả tuần lễ sửa chữa tàu thuyền. Và hơn hết, lúc này họ cần sự chia sẻ, động viên. Tôi ngồi với Tư Công cùng bốn ngư phủ quê U Minh trong căn lều dựng tạm, nghe gió rít lên từng cơn ngoài kia, tiếng sóng vẫn chưa thôi ầm ào như muốn phô diễn sức mạnh của mẹ đại dương. Biển tối om, mịt mù trong tầm mắt. Thế nhưng, trong căn lều nhỏ này, chiếc đèn bão vẫn sáng một cách miệt mài. Cuộc chuyện về khuya, các ngư phủ ngả lưng ngủ lấy sức. Tôi cũng nằm xuống và cơn mệt kéo tôi vào giấc ngủ tự lúc nào không hay biết.

Khi tôi thức giấc thì Tư Công và mọi người đã ra bãi biển trục vớt những gì còn sót lại. Người dân cũng đến ngày một đông hơn. Tôi định tiếp tục giúp họ nhưng không xin đổi vé tàu được, đành phải về. Trên đường từ nhà trọ ra bến cảng, gặp ai cũng nghe nói về những ngư dân gặp nạn ở bãi Mến, ai cũng muốn hỗ trợ sức người sức của. Tôi tự nhủ thầm, các ngư dân kia không đơn độc. Cả hòn đảo này đang đồng hành cùng ngư dân.

Chuyến tàu cao tốc sáng đó rất đông khách. Tôi nhìn ra bên ngoài, biển vẫn còn sóng nhưng nắng đã rực vàng. Trước khi khuất tầm mắt, đảo Nam Du kịp rực lên trong ánh bình minh bất tận giữa biển khơi.

T.C.H

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TRƯƠNG CHÍ HÙNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 293 tháng 02/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground